VỀ NGUỒN GỐC DÂN CƯ ẤN ĐỘ




Nguồn gốc dân cư Ấn Độ là cuộc tranh chấp không hồi kết suốt hơn 200 năm nay giữa quan niệm Aryan bản địa (AOT) và Aryan xâm nhập (AIT). Cả hai trường phái trưng ra nhiều bằng chứng về ngôn ngữ, khảo cổ, nhân học để bảo vệ lập trường của mình. Nhìn vào cuộc tranh luận này, ta thấy, đây là công việc thuộc về bản thân con người nên chứng cứ nhân học phải giữ vai trò quyết định. Do vậy, câu hỏi một cộng đồng là bản địa hay ngoại nhập, chỉ có thể trả lời khi truy tới tận cùng cội nguồn của họ: cộng đồng đó từ đâu ra và trải qua quá trình lịch sử thế nào để có mặt tại thời điểm nghiên cứu? Những chứng cứ về ngôn ngữ hay văn hóa khảo cổ chỉ có ý nghĩa tham khảo. Tuy nhiên, trong tranh luận, cả hai bên chưa chú ý đúng mức tới chứng cứ nhân học. Tuy có đưa ra những dẫn chứng về cổ nhân học, về di truyền nhưng hầu hết chỉ dừng lại từ thời đá mới, khoảng 8000 năm trước. Chưa ai trả lời câu hỏi, thoạt kỳ thủy họ là ai, sống ở đâu? Khi câu hỏi đó chưa có đáp án, việc khẳng định AOT hay AIT là thiếu cơ sở.
Trong bài viết này, tôi sẽ truy tìm nguồn gốc xa nhất của dân cư Ấn Độ. Bằng tri thức của thế kỷ XX, điều này là bất khả. Chỉ sang thiên niên kỷ mới, với sự vào cuộc của công nghệ sinh học, mới có thể trả lời câu hỏi này.
Hãy bắt đầu bằng sự ra đời của loài chúng ta. Đến nay, có bằng chứng vững chắc để tin rằng, loài Người khôn ngoan Homo sapiens với ba đại chủng Australoid, Mongoloid và Europid xuất hiện tại Nam Phi 200.000 năm trước. Khoảng 85.000 năm trước, thế giới đang trong Kỷ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 m. Từ Đông Bắc châu Phi, một dòng người vượt cửa Hồng Hải sang bán đảo A Rập. Bị bức thành băng giá chắn phía bắc, dòng người chia đôi (1). Đại chủng da trắng Europid dừng lại trên đất Yemen. Hai đại chủng Australoid và Mongoloid theo bờ biển Ấn Độ đi về phương Đông. (2) Trong khi dòng chính đi về Đông Nam Á thì một số nhóm người qua cửa các con sông rẽ vào đất Ấn Độ, trở thành dân cư đầu tiên của tiểu lục địa. Nhưng 74.000 năm trước, núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào, phủ lớp nham thạch dầy, tiêu hủy toàn bộ sự sống với khoảng 10.000 người trên tiểu lục địa và tạo nên “mùa đông nguyên tử” kéo dài hàng ngàn năm.(1) Rất may mắn, dòng di cư chính đã tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, trong đó người Indonesian đa số giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, do bùng nổ dân số, người từ Việt Nam lan ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân cư bản địa của vùng đất này. Người Indonesian chiếm đa số, sau này được gọi là người Dravisian. Một số lượng ít hơn là người Melanesian, sau này được gọi là người Úc. Thiểu số người da đen Negritoid ở phía Nam, tập trung trên đảo Andaman.
Sau 20.000 năm trên đất Việt Nam, người Việt cổ hòa trộn máu huyết và ngôn ngữ, tiếng Indonesian (sau này gọi là Lạc Việt) giữ vai trò chủ đạo. Cùng với lối sống săn bắn hái lượm truyền thống, người Việt đã học được cách chăm sóc những cây rau đậu, bầu bí, khoai sọ, cây ăn quả theo phương thức bán thuần hóa, tạo ra nguồn lương thực bổ sung cho săn hái. Với phương thức sống như vậy, người đàn bà có vai trò quan trọng trong xã hội mẫu hệ. Con người cũng học được cách coi trọng các yếu tố khác nhau của thiên nhiên cùng lối tư duy tổng hợp. Khi tới đất Ấn, người Việt mang theo sự khôn ngoan của mình để cải thiện đời sống.
Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu trở nên ấm áp, người Việt đi lên Nam Dương Tử. Nhờ đồng bằng rộng, phì nhiêu, môi trường sống thuận lợi, nhân số tăng nhanh, người Việt lan ra khắp Hoa lục. Từ phía Bắc, một dòng người đi lên Siberia, sau đó chinh phục châu Mỹ.
Từ phía Tây Hoa lục, một dòng người đi qua Tây Tạng, đến Trung Á. Sau khi tăng nhân số, người Việt đi vào Nam châu Âu. Tại vùng đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, họ gặp người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus tới. Hai dòng người hòa huyết sinh ra người European da ngăm đen, là tổ tiên người châu Âu. Người European sống bằng săn hái trên băng giá và lan tỏa khắp châu Âu. Khoảng 25.000 năm trước, một dòng ngưới European từ châu Âu đi vào Trung Á rồi từ đây lan tỏa tới vùng đồng băng phía Nam nước Nga, Ucraina, vùng đất Nội Á và phương Đông (1). Khoảng 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà kết thúc, vùng Gobi trở thành đồng cỏ xanh, dân cư ở đây chuyển sang chăn nuôi gia súc và tiến hành phương thức sống du mục.
Khoảng 7.000 năm trước, người nông dân Tây Á mang lúa mì, gia súc và nho sang đất Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, tạo dựng nền nông nghiệp châu Âu. Nhờ được cung cấp lương thực, dân cư châu Âu chuyển sang định cư, xây dựng những thành bang. Khoảng 4000 năm TCN, những bộ lạc du mục vùng Nam Nga và Ucraina phát minh ra công nghệ nấu đồng, thuần hòa thành công con ngựa, sáng tạo kỹ thuật đóng xe ngựa dùng cho chăn nuôi, giao thông vận tải.
Cũng vào thời gian 40.000 năm trước, một dòng người từ phía Tây Nam Hoa lục xâm nhập Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Ta biết, trước đó 10.000 năm, người Indonesian từ Việt Nam đi sang, làm nên lớp dân cư đầu tiên trên đất Ấn. Nay một lớp dân cư Indonesian mới bổ sung, trẻ trung hơn, từng trải hơn vì tổ tiên họ đã kinh qua con đường dài trên Hoa lục. Như vậy là, chủ thể của dân cư Ấn Độ, người Dravidian (Indonesian) được hình thành từ hai lớp: lớp đầu có mặt 50.000 năm trước. Lớp thứ hai xuất hiện sau đó 10.000 năm. Tiếp tục truyền thống của người Việt cổ, dân cư trên đất Ấn chuyển từ săn hái du cư dần sang định cư, vừa săn hái vừa làm nông nghiệp bán thuần hóa. Do công nghệ đá mới từ Hòa Bình truyền sang, người Ấn mở rộng sản xuất nông nghiệp, vừa nâng cao mức sống, vừa tích lũy kinh nghiệm canh tác. Khoảng 4000 năm TCN, cây lúa nước từ vùng Tứ Xuyên phía Tây Hoa lục được đưa tới, tạo bước chuyển trong canh tác nông nghiêp.
Khoảng 3500 TCN, văn hóa nông nghiệp thung lũng sông Indus ra đời, tạo điểm sáng văn minh ở Tây Bắc Ấn Độ. Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 24.3.2020 viết về văn minh sông Indus như sau:
“Năm 1922, các nhà khảo cổ học người Anh phát hiện nền văn minh sau này được gọi là văn minh thung lũng sông Indus, trải dài gần khắp lãnh thổ Pakistan ngày nay cũng như nhiều phần của Ấn Độ và Afganistan trên một diện tích là 1.250.000 km², so về diện tích lớn hơn Ai Cập cổ đại và nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) cộng lại. Cho đến nay có hơn 1.050 di chỉ đã được xác định, phần lớn dọc theo sông Ấn. Trên 140 thành phố và làng mạc đã được tìm thấy. Hai trung tâm đô thị lớn nhất là Harappa và Mohenjo-Daro, bên cạnh đó còn có nhiều thành phố lớn như Dholavira, Ganweriwala, Lothal và Rakhigarhi. Trong thời kỳ nở rộ, nền văn hóa sông Ấn được phỏng đoán có trên 5 triệu dân cư. Nguồn tài liệu về văn hóa Harappa, trái ngược với 2 nền văn hóa tại Ai Cập và Lưỡng Hà, rất đáng tiếc là còn rất mỏng. Chỉ khoảng 10% làng mạc của họ là đã được khai quật, chữ viết chưa được giải mã và việc nền văn hóa này biến mất đột ngột từ khoảng 1.900 TCN cũng chưa được giải thích hoàn toàn.”
Một câu hỏi được đặt ra: chủ nhân văn minh sông Indus là ai? Khảo cổ và di truyền học không cho thấy, trước 2000 năm TCN, tiểu lục địa Ấn Độ có biến động đáng kể về dân cư. Điều này có nghĩa là cư dân Ấn Độ mà chủ thể là người Dravidian từ xa xưa vẫn sống trong xã hội nông nghiệp thanh bình. Vậy người Aryan xuất hiện như thế nào? Asko Parpola viết:
 “Từ thảo nguyên Volga-Ural, cỗ xe ngựa kéo về phía nam đến văn hóa Thời đại đồ đồng ở miền nam Trung Á. Khu phức hợp khảo cổ học Bactria và Margiana (BMAC), phát triển mạnh vào khoảng 2300-1500 BCE. Người BMAC bắt đầu chuyển đến Iran và đến Thung lũng Indus vào cuối thời Harappan, khoảng 1900-1600 BCE. Đồng thời, các địa điểm BMAC được bao quanh bởi các dân tộc du mục từ thảo nguyên Á-Âu, những người có lẽ đã nói những hình thức đầu tiên của ngôn ngữ Ấn Độ-Iran…” “Mặc dù các ngôn ngữ Ấn-Iran đã được nói ở Thung lũng Indus kể từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, nhưng chúng hầu như không được người Harappan sử dụng trong thiên niên kỷ thứ ba. Con ngựa thuần hóa đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của những người nói tiếng Ấn Độ, nhưng theo faunal, ngựa chỉ đến Nam Á sau năm 2000 trước Công nguyên và nó không được mô tả trong nghệ thuật Harappan.”
Và,
“Sự thay thế duy nhất còn lại trong số những họ hàng tiềm năng nổi tiếng của ngôn ngữ Harappan là họ ngôn ngữ Dravidian. Ngôn ngữ Dravidian hiện chủ yếu được sử dụng ở Trung và Nam Ấn Độ. Tuy nhiên, một ngôn ngữ Dravidian, Brahui, đã được nói ở Baluchistan ở phía Tây Bắc trong ít nhất một nghìn năm, theo như các nguồn lịch sử nói. Trái ngược với các ngôn ngữ Burushaski, Tibeto-Burman và Austro-Asiatic, là những ngôn ngữ thiểu số rất nhỏ ở Nam Á, những người nói tiếng Dravidian cho đến gần đây đã chiếm một phần tư dân số Ấn Độ. Các từ mượn của Dravidian đã được xác định từ các văn bản Ấn-Aryan được sáng tác ở tây bắc Ấn Độ vào khoảng năm 1100-600 trước Công nguyên… Các phụ âm retroflex, một tính năng chẩn đoán của khu vực ngôn ngữ Nam Á, có thể được chia thành hai nhóm chính. Một trong số chúng, được đánh dấu bằng các đường ngang trong bản đồ, được phân phối trên Thung lũng Indus và các khu vực nói tiếng Dravidian. Ngoài các phụ âm retroflex, Indo-Aryan còn có một số đặc điểm cấu trúc khác từ lâu đã được hiểu là các khoản vay từ Dravidian. Một số trong đó tồn tại ở cấp độ sớm nhất. Do vậy, ngôn ngữ học lịch sử cho thấy người Harappans có thể đã nói ngôn ngữ Dravidian.” (3)
Như vậy là, khoảng 2000 năm TCN, người du mục từ Bactria và Margiana (BMAC) mà từ lâu quen gọi là Aryan nhưng chính xác phải là European, xâm lăng thung lũng sông Indus, xua đuổi người bản địa Dravidian, làm cuộc thay thế dân cư, trở thành chủ nhân của miền Bắc Ấn.
Càng rõ hơn nếu xét về di truyền, người chiếm đất Ấn Độ thuộc về chủng tộc European, trước 2000 năm TCN chưa xuất hiện ở Nam và Tây Á. Không chỉ vậy, văn minh Bà la môn với tiếng Phạn, thể chế phân tầng xã hội khắc nghiệt hoàn toàn không phải sản phẩm của dân cư nông nghiêp sông Indus mà là đặc trưng du mục. Tên gọi Indo-european là sự ngộ nhận tai hại khiến cho học giả châu Âu bị lầm lẫn khi cho rằng người phía Bắc Ấn Độ là tổ tiên dân cư châu Âu. Một sự sai lầm đã biến con cháu thành tổ tiên. Thực tế lịch sử cho thấy, người Aryan Ấn Độ và tiếng nói của họ không phải là tổ tiên dân cư và ngôn ngữ châu Âu.
                                                                                                                                   Sài Gòn, 3. 2020

Tài liệu tham khảo:
1.       Stephen Oppenheimer. Out of Eden Peopling of the World  (http://www.bradshawfoundation.com)
 và Journey of Mankind the Peopling of the World  (http://www.bradshawfoundation.com/journey/)
        2. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn. H, 2017)
       3. Asko Parpola (University of Helsinki Finland) A Dravidian solution to the Indus script problem.  https://www.harappa.com/sites/default/files/pdf/Parpola-2010-Coimbatore.pdf