Về sọ người 63.000 năm tuổi tìm thấy ở Lào



Người bạn gửi cho tôi link bài viết trên Vnexpress, nhan đề “Sọ người ở Lào thay đổi lịch sử Đông Nam Á” của tác giả Minh Long. (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/so-nguoi-o-lao-thay-doi-lich-su-dong-nam-a-2240750.html) Đọc dòng chữ “Phát hiện cũng cho thấy người tiền sử không hề di chuyển dọc theo bờ biển châu Á trong quá trình di cư từ châu Phi tới Australia – một giả thuyết được nhiều nhà nhân chủng ủng hộ. Thay vào đó, tổ tiên của người Đông Nam Á đã vượt qua những địa hình hiểm trở để tiến vào đất liền,” tôi sinh nghi, buộc phải tìm đọc nguyên văn trên AFP. Dễ dàng tìm được: Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia (Sọ Lào, hóa thạch sớm nhất của người hiện đại ở Đông Nam Á) http://www.news.illinois.edu/news/12/0820skull_LauraShackelford.html
Sọ cổ ở Lào

Trong bài viết của mình, nhà nhân chủng học Laura Shackelford, Giáo sư Đại học Mỹ Illinois cho biết, năm 2009, nhóm của bà phát hiện một sọ người hóa thạch tại hang Tam Pa Ling (hang Khỉ) trên dãy Trường Sơn thuộc Bắc Lào. Qua quá trình khảo sát tới năm 2012, đưa ra kết luận:
-      Đó là sọ người hiện đại Homo sapiens có tuổi từ 46.000 đến 63.000 năm, sớm hơn những cốt sọ tìm thấy ở Đông Nam Á 20.000 năm.
-      Phát hiện này viết lại lịch sử di cư của con người tới Đông Nam Á.
Dò tìm câu văn gây hoài nghi cho mình, tôi gặp: The find reveals that early modern human migrants did not simply follow the coast and go south to the islands of Southeast Asia and Australia, as some researchers have suggested, but that they also traveled north into very different types of terrain, Shackelford said. Dịch chính xác phải như sau: “Phát hiện cho thấy người di cư không chỉ đơn thuần đi theo bờ biển về phía nam tới các đảo Đông Nam Á và Úc, như một số nhà nghiên cứu đã gợi ý, mà họ cũng đi về hướng bắc, nơi có địa hình rất khác, Shackelford nói.”
Nghĩa câu văn này rất rõ ràng. Tiếc là tác giả bài báo đã dịch sai, không chỉ khiến cho ý nghĩa của câu văn thay đổi mà còn đưa tới nhận định rất sai về mặt khoa học. Một thí dụ điển hình của thành ngữ: dịch là phản!
Câu trên cũng cho thấy, Giáo sư Shackelford chưa hiểu đúng công bố của các nhà di truyền học từ đầu thế kỷ như J.Y. Chu, Stephen Oppenheimer bởi các vị này đã nói rõ: người tiền sử từ châu Phi tới Việt Nam, sau đó từ Việt Nam đi sang Ấn Độ, lên Trung Hoa rồi vượt eo Beringa chiếm lĩnh châu Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện các nhà nghiên cứu cho rằng người di cư chỉ đi theo con đường phía Nam.
Hang Khỉ (Tam Pa Ling)
 Về sự kiện “sọ Lào”, xin được trình bày như sau:
Trước hết, cần hiểu đúng về thuật ngữ Đông Nam Á. Ngày nay, Đông Nam Á là 10 nước thuộc khối ASEAN nhưng vào Thời Băng Hà, từ đặc điểm địa lý, khí hậu, phân bố động, thực vật, địa giới ĐNA lên tới phía Nam Dương Tử. Năm 1958, tại làng Liujiang tỉnh Quảng Tây, phát hiện cốt sọ người cổ. Sau nhiều năm khảo cứu, giới khoa học thống nhất, đó là sọ một người Mongoloid 68.000 năm tuổi. Khảo cổ học cũng phát hiện tại hồ Mungo nước Úc một sọ người Australoid 68000 năm. Hai cốt sọ đã chứng minh cho khám phá của di truyền học về con đường thiên di của con người từ châu Phi sang phương Đông: 85000 năm trước, dòng di cư rời châu Phi, theo ven biển Ấn Độ rồi vượt biển tới Mã Lai, Indonesia.  70.000 năm cách nay, trong khi dòng người tiếp tục theo các đảo Đông Nam Á, tới châu Úc thì từ phía Tây Borneo, một hướng di cư gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid đi lên phía Bắc, vào thềm Biển Đông. Tại đồng bằng rộng lớn này, trong khi đa số họ gặp nhau, hòa huyết cho ra người Việt cổ thì có những nhóm Mongoloid riêng rẽ đi lên Tây Bắc Đông dương rồi do bị băng hà ngăn chặn, họ dừng lại. Lưu Giang chỉ cách biên giới nước ta hơn 100 km nên có lẽ sọ Lưu Giang thuộc  đợt di cư sớm này. Phải tới 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm hơn, họ đi lên Tây Tạng và đất Mông Cổ, sau thành người North Mongoloid. Trong khi đó, từ hơn 60.000 năm trước, cũng có những nhóm người Australoid riêng rẽ từ Việt Nam băng qua Trường Sơn sang Lào, qua Miến Điện vào Ấn Độ. Có phần chắc, “sọ Lào” là dấu vết của đợt di cư này.
Một sự kiện đáng chú ý là, trên đường thiên di, người di cư đã vào Ấn Độ trước. Nhưng 74000 năm cách nay, núi lửa Toba trên đất Indonesia phun trào, nham thạch phủ dầy tiểu lục địa Ấn, tàn phá môi sinh, tiêu diệt khoảng 10.000 người. Tiếp theo là mùa đông nguyên tử kéo dài hơn nghìn năm. Thời gian rất dài đất Ấn Độ vắng bóng người. Mãi sau đó, người từ khu vực xung quanh mới lần lượt xâm nhập trở lại. Khoảng hơn 60000 năm trước, một số ít người Australoid (nguyên châu Phi) từ Việt Nam đi sang phía tây, chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân cư bản địa đầu tiên của xứ này. Khoảng 50.000 năm trước, người Việt cổ chủng Indonesian từ Việt Nam di cư sang đất Ấn. Hòa huyết với nhau, hai dòng người sinh ra người Dravidian, chủ thể của dân cư Ấn cho tới 2000 năm TCN.
Các tài liệu di truyền học nói về con đường di cư như trên của con người tới Việt Nam và Đông Á. Vì vậy việc chưa tìm thấy di cốt người cổ ở Lào, Mianmar là điều bất thường trong suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi cho rằng, do số người di cư quá ít nên di cốt của họ cũng hiếm. Việc phát hiện sọ người Homo sapiens 63000 tuổi ở Lào đã chứng tỏ những khám phá mang tính tiên tri của di truyền học là hoàn toàn chính xác.
  Phát hiện di cốt người 63000 năm trước ở Lào rất có ý nghĩa vì nó tô đậm bản đồ khảo cổ Đông Nam Á. Nó cũng chứng minh sự đúng đắn của những khảo sát di truyền học trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên sự kiện này không hề “viết lại lịch sử di dân tới Đông Nam Á” như tác giả Laura Shackelford quá lời mà nó chỉ xác nhận những khám phá từ đầu thế kỷ XXI của các nhà di truyền học. Và nó càng chứng minh rằng Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc Đông Á.
                                                                     26. 8 2015



SỐ PHẬN BÍ ẨN CỦA NGƯỜI KHÁCH GIA


Người Hakka có vai trò đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc. Tài liệu khảo cứu về họ khá nhiều. Có thể tìm thấy trên wikipedia thông tin khái quát như sau:
 Người Hakka (Khách Gia) vốn là một bộ phận người Hán cổ, hình thành ở miền Hoa Bắc vào thời nhà Hạ (khoảng năm 2205 đến 1767 TCN). Thời Đông Chu, người Khách Gia sinh sống ở nhiều địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Hà, tập trung ở hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam.
 Khi nhà Tần chiếm lục quốc, rồi tiến đánh Lĩnh Nam đã bắt 500.000 người Trung Nguyên vào đội quân Nam chinh. Tiếp đó còn đưa thêm 600.000 người, tạo ra cuộc di dân lớn đầu tiên từ đồng bằng miền Trung xuống phương Nam.
   Sau đó là 5 đợt di cư khác, đưa người Hakka dần dần chuyển dịch xuống miền Trung và cuối cùng là sinh sống ở miền Nam Trung Quốc.
1. Vào niên hiệu Vĩnh Gia thứ 5 (năm 311) thời Tây Tấn, do tỵ nạn Ngũ Hồ (Hung Nô, Tiên Ti, Yết, Đê, Khương), người Khách gia từ lưu vực sông Hoàng Hà chuyển xuống sinh sống ở hai bên bờ Nam và Bắc Trường Giang. Tập trung nhiều nhất là ở hai tỉnh An Huy và Giang Tây. Tại Giang Tây, họ dung hợp nền văn hóa cổ của họ ở phương Bắc với văn hóa Mân Việt để hình thành một nét sinh hoạt và văn hóa đặc thù.
2. Cuối thời nhà Đường, do cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh và Hoàng Sào, người Khách gia lại tiếp tục di chuyển xuống miền Nam. Lúc này, những người Khách gia còn sinh sống ở Hà Nam cùng với những người Khách gia ở An Huy đã dời về miền Trung và Nam của tỉnh Giang Tây. Những người đang ở Giang Tây thì chuyển về ở tại vùng đất phía Tây tỉnh Phúc Kiến.
3. Đợt di cư thứ ba là vào thời Nam Tống. Do sự xâm nhập của quân Kim và Nguyên vào Trung nguyên, người Khách gia lại tràn xuống miền Nam tỉnh Phúc Kiến và cả vùng đất phía Bắc cũng như Đông Bắc tỉnh Quảng Đông. Một số ít đến Quý Châu.
4. Lúc nhà Thanh vừa xâm chiếm Trung Quốc, người Khách gia lại có đợt di chuyển thứ tư. Một bộ phận trở ngược lên cư trú ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Một số khác đang sinh sống ở vùng biển của tỉnh Phúc Kiến và Sán Đầu (thuộc tỉnh Quảng Đông), đã vượt biển đến phía Nam đảo Đài Loan. Một số ít đã sang Việt Nam.
5. Đợt di cư thứ năm và cũng là cuối cùng xảy ra vào thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh. Sau cuộc khởi nghĩa của Hồng Tú Toàn (Thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc) bị thất bại, nhiều người Khách gia đã chuyển đến đảo Hải Nam. Một số lớn đi đến các nước trong vùng Đông Nam Á rồi sang Ấn, Châu Phi. Một số khác các quần đảo thuộc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tại Châu Âu, họ sinh sống chủ yếu ở nước Anh và Hà Lan. Cuối cùng, người Khách gia cũng có mặt ở Úc và Châu Mỹ (Canada, Mỹ và Honolulu, Cuba, Mexico, Panama, Brasil, Argentina, Peru, Jamaica, Guyana). Đây là thời kỳ xuất dương lớn nhất của người Khách Gia Trung Quốc.
  Do hoàn cảnh lịch sử cộng với bản tính hiền lành, ghét chiến tranh, người Khách Gia đã dần dần dịch chuyển từ miền Bắc Trung Quốc xuống tận miền Nam. Trên bước đường di cư, để phân biệt với người dân địa phương, họ được người bản địa gọi là Khách Gia. Qua hơn 4000 năm lịch sử, người Khách gia vẫn bảo tồn rất nhiều cổ âm phương Bắc trong ngôn ngữ của họ (Trong 8 phương ngôn được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc, số người sử dụng ngôn ngữ Khách Gia đứng hàng thứ năm, chiếm 5% dân số). Ngôn ngữ Hakka được coi là ngôn ngữ hóa thạch sống, một vốn quý của văn hóa Trung Quốc

Tên gọi "Khách Gia" mới chỉ xuất hiện trong vài thế kỉ gần đây. Thời vua Khang Hi, vùng ven biển phía Nam thường xuyên bất ổn vì sự quấy phá và gây hấn của những người thuộc phong trào "Phản Thanh phục Minh". Tới khi dẹp tan phong trào này, Khang Hi thi hành các chính sách khuyến khích người dân tại các vùng này tái định cư như cấp phát tiền bạc và một số hỗ trợ khác. Dân bản địa đương nhiên là bất bình với những làn sóng di dân dồn dập tới vùng đất của họ. Vùng ven biển Hoa Nam vốn không màu mỡ và rộng rãi như vùng đồng bằng Hoa Trung, nhưng điều đó không ngăn cản những cư dân bản địa chống đối mạnh mẽ và quyết liệt những nhóm dân mới tới. Những di dân này bị đẩy tới rìa của những vùng đất màu mỡ, thậm chí bị đẩy lên các vùng trung du và miền núi. Cái tên "Khách hộ" () có thể được sử dụng như một lối gọi mang tính miệt thị, nhưng chủ yếu nó mang tính chỉ định những di dân mới, kèm theo một "thông điệp" rõ ràng về quan hệ "người mới-người cũ", "chủ-khách". Dần dà, với sự ổn định đời sống và chính trị trong suốt một thế kỉ từ đời Khang Hi cho tới đời Càn Long, quan niệm chống đối và phân biệt giữa những nhóm dân cư cũ-mới đã dịu đi nhiều. Bản thân con cháu của những người di dân đã chấp nhận cái tên "Khách Gia" vốn được coi như một sự phân biệt để gọi mình.
Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng người Khách Gia không được coi là một dân tộc riêng biệt mà chỉ được xem là một bộ phận của người Hán. Ban đầu, người dân địa phương tưởng họ không phải là người Hán nhưng những nghiên cứu về phả hệ đã cho thấy người Khách Gia cũng có tổ tiên chung với dân địa phương.
Tại Việt Nam, người Hakka không bị coi là “khách” mà được gọi là người Hẹ. Có lẽ do nhớ gốc của mình là người nhà Hạ nên đồng bào xưng là người Hạ. Sau đó đọc trại thành Hẹ và được gọi là người Hẹ. Người Hẹ cũng còn tên khác là người Ngái.
Những người Khách Gia nổi tiếng:
Hồng Tú Toàn, Tôn Dật Tiên,  Tống Khánh Linh, Trương Quốc Đào, Chu Dức, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Diệp Kiếm Anh, Lý Quang Diệu, Lý Đăng Huy, Lý Hiển Long, Trẩn Thủy Biển, Tharshin, Abhisit Vejjajiva, Yingluck Shinawatra những người từng làm thủ tướng Thái Lan
Tại Trung Quốc có hai trung tâm lớn của người Khách Gia ở Phúc Kiến và Quảng Đông.
                                Thổ lâu tại huyện Vĩnh Định, Phúc Kiến
Người Khách Gia ở Phúc Kiến có lối kiến trúc đặc sắc có tên là "thổ lâu"    (土樓), theo nghĩa đen là "tòa nhà bằng đất". Bởi lẽ họ là người mới định cư, nên tại đây họ chủ yếu sinh sống trên những vùng bán sơn địa và thường bị trộm cắp quấy phá. Căn nhà của họ thể hiện rõ sự phòng bị trộm cắp này: các ngôi nhà ở nhưng được thiết kế rất chắc chắn và kín kẽ với duy nhất một lối ra vào và không có cửa sổ tại tầng trệt. Lần lượt từ thấp lên cao, các tầng thường có những nhiệm vụ là chỗ ở cho gia súc, gia cầm, chỗ đựng lương thực; từ tầng hai trở lên thì được dùng làm nơi ăn ở cho thành viên trong gia đình.
Người Khách Gia ở Quảng Đông:
 Ở Quảng Đông, người Khách Gia cư trú chủ yếu ở khu vực phía đông, nhất là ở vùng Hưng - Mai (Hưng Ninh - Mai Huyện). Cũng giống như đồng bào của họ ở Phúc Kiến, người Khách Gia ở vùng Hưng - Mai đã phát triển các phong cách kiến trúc riêng độc đáo, nổi tiếng nhất là "vi long ốc" (圍龍屋) và "tứ giác lâu" (四角樓).
Theo thống kê mới nhất, người Khách Gia tại Hoa lục có khoảng 70 triệu và khoảng 10 triệu ở nước ngoài.
  Trên đây là những thông tin phổ cập về người Hakka. Tuy nhiên, vẫn còn những bí ẩn về họ mà ta chưa biết.
Đọc văn bản trên, bạn đọc tinh ý sẽ hoài nghi nơi những dòng: “Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng người Khách Gia không được coi là một dân tộc riêng biệt mà chỉ được xem là một bộ phận của người Hán. Ban đầu, người dân địa phương tưởng họ không phải là người Hán nhưng những nghiên cứu về phả hệ đã cho thấy người Khách Gia cũng có tổ tiên chung với dân địa phương.”
Một câu hỏi nảy sinh: vì sao, những dân cư cách hàng nghìn cây số từ phương Bắc xuống lại có tổ tiên chung với dân địa phương? Phải chăng đó là việc giải thích theo yêu cầu chính trị? Cho tới cuối thế kỷ trước, câu hỏi này không lời đáp. Nhưng nay, với những phát hiện mới của di truyền học về sự hình thành dân cư Đông Á, đáp án cho câu hỏi trên như sau:
40.000 năm trước, người Việt từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh của Việt Nam di cư tới Quảng Đông và hình thành cộng đồng dân cư Việt cổ ở Quảng Đông. Tiếp đó,  người từ Quảng Đông lan ra chiếm lĩnh lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà. Khoảng 20.000 năm trước, công cụ đá mới Hòa Bình được đưa lên Hoa lục. Khoảng 12000 năm trước, từ Quảng Tây, cây lúa nước và cây kê được đưa tới đồng bằng miền Trung và cao nguyên Hoàng Thổ của Hoàng Hà. Khoảng 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ chủng Australoid hòa huyết với người Mông Cổ Mongoloid phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam, là chủ nhân văn hóa trồng kê và lúa nước Ngưỡng Thiều. Khoảng 6000 năm trước, người Việt sáng tạo nền văn minh lúa nước rực rỡ ở phương Đông. Khoảng 5000 năm trước,  nhà nước đầu tiên của người Việt ra đời với các vị vua Phục Hy, Thần Nông mà địa giới gồm cả lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử còn kinh đô là Lương Chử vùng Thái Hồ. Khoảng năm 2879 TCN, nước Việt cổ chia thành nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ở lưu vực Dương Tử còn lưu vực Hoàng Hà mà trung tâm là đồng bằng Trong Nguồn do Đế Nghi cai quản. Thời kỳ này, người Việt ở nam Hoàng Hà thường bị người Mông Cổ ở phía bắc xâm lấn. Hai nước Việt liên minh chống kẻ thù chung. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do thị tộc Hiên Viên dẫn đầu, tấn công liên quân Việt ở Trác Lộc. Quân Việt bại trận, Đế Lai hy sinh, Lạc Long Quân thống lĩnh hạm đội theo Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào vùng Rào Rum, Ngàn Hống xứ Nghệ. Được dân Việt bản địa ủng hộ, Hùng Vương lên làm vua, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Ngàn Hống. Người vùng Núi Thái -Trong Nguồn mang gen Mongoloid hòa huyết với người Việt bản địa Nghệ Tĩnh, sinh ra người Phùng Nguyên thuộc chủng Mongoloid phương Nam,  là tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hôm nay.
   Người Mông Cổ chiếm vùng Hoàng Thổ và một phần đồng bằng Trong Nguồn, lập vương triều Hoàng Đế. Người Việt còn lại tại lưu vực Hoàng Hà tổ chức cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm. Kinh Thư ghi, từ Hoàng Đế tới Nghiêu, Thuấn, Vũ phải liên tiếp chống lại “tứ di”. Người Việt vùng Trong Nguồn (sau khi bị chiếm đóng, đổi thành Trung Nguyên) tiếp tục lập nhà nước Dương Việt vào đời Thương. Một bộ phận liên minh với nhà Chu diệt nhà Thương. Sau đó,  những tiểu quốc của người Việt hoặc độc lập hoặc phụ thuộc nhà Chu. Thời Xuân Thu, vùng Trung Nguyên là địa bàn của nước Sở.
  Nhà Tần diệt lục quốc, chiếm Trung Nguyên của nước Sở, đẩy người Sở vốn là người Dương Việt,  Di Việt đi đánh Lĩnh Nam, gây ra cuộc di cư lần thứ nhất của người Trung Nguyên.
  Lưu Bang người đồng bằng Trong Nguồn nước Sở, đánh quân Tần có công, được Hạng Võ phong vương. Do quê của Bang là Sông Nguồn nhưng khi đó,  tiếng nói đã chuyển theo giọng Mông Cổ, đọc trại thành Hon, Hòn nên Hạng Võ phong ông là Vua Hòn (Hòn Vương) theo tên quê. Khi được nước, Lưu Bang lấy tên quê làm tên vương quốc, gọi là nhà Hòn. Sau này đọc theo Đường âm thành nhà Hán. Người Việt nước Sở được gọi là người Hán.
  Từ lịch sử gốc như vậy, ta thấy, người Hakka và người Việt Nam cùng một tổ tiên vùng Núi Thái Sông Nguồn. Lớp di cư về phương nam 4700 năm trước thành tổ tiên người Việt. Lớp di cư hơn 2000 năm sau, trở thành người Hakka, thành “khách” trên quê hương cũ của mình!
 Do cùng nguồn gốc như vậy, nên không chỉ tìm thấy quan hệ thân tộc giữa người Hakka và dân Nam Trung Quốc về mặt phả học mà mối liên hệ càng rõ ràng hơn về mặt di truyền: cùng một tổ tiên từ Việt Nam đi lên. Một tài liệu khảo sát về nguồn gốc người Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan* cho biết: người Hakka Đài Loan gần gũi nhất về di truyền với người Việt Nam.
Do rời Trung Nguyên trước khi người phương Bắc Nữ Chân, Tiên Ti, Nguyên, Mãn Thanh… xâm nhập nên ngôn ngữ của người Hakka là ngôn ngữ Việt cổ. Ví dụ: người Hẹ đọc là "ngìt", người Việt Nam đọc là "ngày."  Đường âm là "nhĩ".  Hẹ đọc là "ngìa." Tiếng Việt phát âm là "người ",  "ngươi ":  Ngươi nói gì? Ngươi tên gì? Một trường hợp đặc biệt: 暗晡 Hẹ đọc là "ám bủa"; trong khi tiếng Việt ngày nay gọi bữa / buổi tối. Ám và tối đồng nghĩa, và bữa - buổi - bủa chỉ phát âm khác nhau chút ít theo trại âm.  掌牛 người Hẹ đọc là "chon ngìu" chính là chăn bò/trâu trong tiếng Việt. (Các phương ngữ khác bên Trung Quốc ngày nay đều không có từ "chăn" mà thường dùng "khán ngưu-看牛" hay "thiên ngưu-牽牛."). Tiếng Hẹ còn được gọi là tiếng "Ngái", người Hẹ là người "Ngái", vì người Hẹ phát âm chữ "ngã- " là "ngái". Tiếng Việt có từ "ngài". Phát âm Ngái - ngài không tìm được ở bất cứ ngôn ngữ nào khác. 
Ngoài ngôn ngữ, người Hakka vẫn giữ một số tập quán của người Việt cổ vùng Trong Nguồn. Thổ lâuvi long ốc, những ngôi nhà tròn, có tường đất bao quanh là dấu vết của thời ở Sơn Tây, sống gần người du mục.
Do những đặc điểm như vậy nên văn hóa Khách Gia là bảo tàng sống của văn hóa Việt cổ. Từ nghiên cứu văn hóa Khách Gia, chúng ta sẽ hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc, tổ tiên mình.
                                                                           Tháng 8, 2015


*福建、廣東、客家人都是漢化的百越族,漢武帝滅閩越時福建應已有百萬人         http://myweb.ncku.edu.tw/~ydtsai/taiwanese/minhak.htm

TRAO ĐỔI VỚI TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG VỀ BÀI “Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia”



Trong số ra ngày 26. 5.2015*, tạp chí Tia Sáng đăng trang trọng bài “Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia” của TS Trần Trọng Dương. Sau khi cho rằng “Keith Weller Taylor được coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam cũng như trong giới học thuật quốc tế,” tác giả nhận định: sự nghiệp của K.W. Taylor được đánh dấu bằng hai mốc chính: giai đoạn đầu là cuốn Việt Nam khai quốc (The Birth of Vietnam), giai đoạn sau là Một lịch sử của người Việt (A History of the Vietnamese).
Ông viết: “Taylor được biết đến chủ yếu qua chuyên luận nổi tiếng The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 10 SCN. Đó là một công trình tham khảo về quá trình đấu tranh cho sự tồn tại và độc lập của người Việt chống lại người láng giềng phương Bắc3. Nhưng chuyên luận này, theo tôi, chỉ có giá trị chủ yếu ở phương diện: nó là một kênh truyền tải tiếng nói của các nhận thức lịch sử ở trong nước [Việt Nam] đến với giới học thuật quốc tế thông qua lăng kính khúc xạ mang tên K.W. Taylor.” 
Và kết luận:
“Nói chung, với cuốn The Birth of Vietnam (1983), Taylor đã mất gần 400 trang viết, để chứng minh cho một định đề có sẵn: truyền thống Việt Nam được xây dựng bởi một dân tộc thống nhất, một quốc gia thống nhất suốt từ giai đoạn thế kỷ X trở về trước cho đến thế kỷ X, và từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.”.
  Về cuốn A History of The Vietnamese, Trần Trọng Dương cho rằng: “Trong cuốn sách mới này, ông chỉ dành vỏn vẹn 30 trang, để xóa bỏ hết những gì đã viết trong gần 400 trang của cuốn The Birth of Vietnam. Ông lấy An Dương Vương làm vị vua khởi đầu của lịch sử11, và gần như đã không đề cập gì đến những huyền thoại Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân- Âu Cơ (bọc trăm trứng), Sơn Tinh- Thủy Tinh, Tản Viên, Chử Đồng Tử,... nữa. Cả khái niệm “Bách Việt” do người Hán sáng tạo để áp đặt/nô dịch tinh thần những cộng đồng dân cư khác Hán ở Phương Nam, đến đây cũng đã bị loại thải. Cái quan niệm của chủ nghĩa huyết thống tập thể, rằng “tất cả những người có cùng quốc tịch (bất kể thuộc về dân tộc nào) đều là những người cùng huyết thống, là cùng một bọc sinh ra, là đồng bào, anh em cốt nhục”..., đến đây, cũng đã được cho vào quên lãng.”
 “Ông cũng nói rõ rằng, những gì mà các sử thần thời Trần và Lê sơ đã làm khi biên soạn những bộ sử đầu tiên của người Việt là cắt dán, lắp ghép các nguồn tư liệu Hán văn cho phù hợp với sự tưởng tượng về quá khứ và tổ tiên của mình, nhằm tạo ra lịch sử của phương Nam trong thế đối chọi với lịch sử của phương Bắc. Sử Tàu dài bao nhiêu sử Việt nhiều từng ấy, họ có gì thì ta có đó. Với cách làm như vậy, phần lớn sử thần Nho gia thời trung đại đã mắc bẫy các sử thần Nho gia Trung Hoa, bằng cách kéo nhập lịch sử Việt Nam “đồng nguyên” [cùng một gốc] với lịch sử Trung Quốc”.
   Bài viết của Trần Trọng Dương đã làm xuất hiện bên cạnh những bản văn lịch sử một bản văn thẩm định công trình lịch sử. Một câu hỏi nảy sinh: giá trị của những bản văn này như thế nào?
  Trong cuộc sống, nhiều khi yêu quái ở lộn với người nên người ta phải dùng kính chiếu yêu để phân biệt thực giả. Ở đây, tấm kính chiếu yêu chính là sự thực lịch sử từng diễn ra trên đất Việt.
   Bỏ qua quan niệm sai lầm của thế kỷ XX, thế kỷ XXI vẽ ra bức tranh toàn cảnh lịch sử Việt Nam và phương Đông với những nét chính sau: 70000 năm trước, người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân tới Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra hai chủng Indonesian và Melanesian. Trong đó, người Indonesian (sau này được gọi là Lạc Việt) chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Tiếng Lạc Việt là ngôn ngữ nền của cộng đồng. Tuy nhiên, các nhóm khác nhau vẫn có tiếng nói riêng của mình.
 Từ Việt Nam, người Việt cổ lan tỏa ra khắp châu Á, và sang chiếm lĩnh châu Âu, châu Mỹ. Khoảng 20.000 năm cách nay, người Việt sáng tạo công cụ đá mới Hòa Bình. 12.400 năm trước sáng tạo cây lúa, đưa lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Trung Hoa. Khoảng 4000 năm TCN, trên địa bàn Đông Á, người Việt xây dựng nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Khoảng 3000 năm TCN, quốc gia đầu tiên của người Việt ra đời mà kinh đô là Lương Chử vùng Thái Hồ. Diện tích vương quốc rộng bằng nửa nước trung Hoa hiện nay: phía bắc giáp Dương Tử, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp Ba Thục, phía nam tới miền Trung Việt Nam. Căn cứ vào sự trùng khớp về ranh giới giữa vương quốc Lương Chử và nước Xích Quỷ truyền thuyết, ta có thể dám chắc: quốc gia Lương Chử chính là Xich Quỷ với các vị vua Phục Hy, Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương…
Năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục do thị tộc Hiên Viên lãnh đạo, mở cuộc tấn công lớn vào Trác Lộc trên bờ nam Hoàng Hà. Thua trận, một bộ phận người Việt vùng Núi Thái – Sông Nguồn do Lạc Long Quân dẫn đầu dùng thuyền theo Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Nghệ An. Tại đây Hùng Vương được tôn làm vua và lập nước Văn Lang.
Chiếm đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên) của người Việt, người Mông Cổ lập vương triều Hoàng Đế. Tuy chiến thắng nhưng nhân số ít, văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề nông cùng tiếng nói của người Việt. Trong quá trình chung sống, diễn ra cuộc hòa huyết Mông-Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Khoảng 2000 năm TCN, do áp lực của triều đình nhà Hạ, nước Văn Lang tan rã, kinh đô Lương Chử bị bỏ phế. Do sự lấn chiếm của người Hoa Hạ, người Việt vùng Trong Nguồn tiếp tục chạy về phía nam, qua Việt Nam xuống các đảo Đông Nam Á, về phía tây tới Miến Điện, Ấn Độ. Cuộc di cư như vậy còn diễn ra vào thời Chiến Quốc. Người di cư mang kỷ niệm về quê gốc Núi Thái-Sông Nguồn, Phục Hy, Thần Nông, Nữ Oa, Đế Minh, Kinh Dương Vương… tới nơi cư trú mới. Và dần dần, trong tâm thức họ, kỷ niệm xưa trở thành truyền thuyết của Tứ Xuyên, Miến Điện, Lào, Việt Nam. Truyền thuyết một bọc trăm trứng bước vào kinh Phật… Nếu những điều trên có cái còn tranh cãi thì những sự kiện sau là hoàn toàn chính xác:
-       Việt Nam là nơi phát tích của mọi sắc dân châu Á. Vì vậy, người Việt Nam không chỉ có lịch sử 4000 năm mà còn là hậu duệ của tổ tiên từ 70000 năm trước. Dân bản địa trên đất Việt Nam cùng một nguồn gốc, thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
-       Từ 40.000 năm trước, người Việt đi lên khai phá Trung Hoa, xây dựng nơi đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Người Việt là chủ thể tạo nên dân cư Trung Quốc. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ tượng hình do người Việt sáng tạo, là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Do những biến động của lịch sử, người Việt từ đất Trung Hoa lan tỏa xuống Đông Nam Á và Nam Á. Người di cư mang theo văn hóa cùng những truyền thuyết gốc của người Việt tới nơi cư trú. Truyền thuyết đó cũng được giữ lại nơi những người Việt bám trụ quê hương vùng Nam Dương Tử hôm nay.
-       Là nơi phát tích của tộc Việt, Việt Nam cũng là mảnh đất cuối cùng người Việt giữ được độc lập, tự chủ để bảo tồn văn hóa gốc của người Việt.
Soi vào tấm kính chiếu yếu này, ta thấy, các cuốn chính sử Việt Nam từ thời Trần tới thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính xác khi khẳng định dân tộc Việt Nam là khối thống nhất, cùng nguồn gốc và có lịch sử lâu dài.
   The birth of Vietnam của Keith weller Taylor thực chất là một bản chuyển ngữ sang tiếng Anh của cuốn thông sử Việt Nam nên về cơ bản đã trung thành với tư tưởng chủ đạo của sử Việt. Đó là phẩm chất quan trọng nhất của cuốn sách. Phủ định nội dung cuốn The Birth of Vietnam nên A Hirtory of the Vietnamese mắc sai lầm nghiêm trọng là xuyên tạc trắng trợn lịch sử Việt Nam. Vì vậy, nó không chỉ hủy hoại sự nghiệp của một sử gia mà còn hủy hoại luôn nền Việt học nước Mỹ hiện đại khi người trẻ học theo thầy, mù quáng lao vào con đường xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt!
    Thực tế học thuật cho thấy, bình sử khó hơn viết sử. Bởi lẽ bình sử là người tự đặt mình ở một đỉnh cao trí tuệ rồi phán xét nhà viết sử. Với một bài bình sử đảo điên phản bác cái đúng, ủng hộ tán dương cái sai thì không còn gì để nói! Chẳng những thế, trong bài viết còn không ít những lời đại ngôn khó chấp nhận.
Xin hỏi:
 “Keith Weller Taylor được coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Namthì “nổi tiếng” vì cái nỗi gì? Không thể vì The Birth of Vietnam. Với nhà nghiên cứu người Việt, cuốn sách nhỏ của cô bé Li Tana còn giá trị hơn nhiều. Phải chăng nổi tiếng bởi A History of The Vietnamese? Với một cuốn sách xuyên tạc lịch sử Việt, xúc phạm dân tộc Việt đến vậy thì sự nổi tiếng ở đây chỉ là sự nổi tiếng của Herostratos – kẻ đốt đền!
Xin hỏi thế nào là: cần nhìn nhận ông cũng như những gì ông viết từ góc độ thân phận con người? Lịch sử là lịch sử, nó có chân lý của riêng nó. Sao lại có cái gọi là thân phận con người ở đây? Tác giả muốn đề cập thân phận nào? Phải chăng thân phận của con người tự nguyện ném mình vào cuộc chiến tranh phi luân rồi thất vọng đau đớn khi ôm đầu máu trở về trong tiếng rủa nguyền của hàng triệu người? Một thân phận như thế cũng đáng quan tâm! Nhưng sao không nghĩ tới thân phận của cả một dân tộc từng ngàn năm mất nước, chỉ trông về Núi Thái Sông Nguồn với Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân như ngôi sao Bắc Đẩu le lói phía trời xa để tìm về nguồn cội? Dù là huyền thoại thì một huyền thoại nuôi sống tâm hồn cả một dân tộc trong hàng nghìn năm đen tối cũng đáng được trân trọng! Có nhân bản không, có cận nhân tình không khi cực kỳ chủ quan, với vốn tri thức hạn hẹp lại tự cho mình là ông trời ban phát chân lý (dỏm), đưa tay giật lấy ngôi sao le lói rồi dí vào mặt những con người đang đau khổ “sự thật” phũ phàng: “Kinh Dương Vương chỉ là sản phẩm của văn hóa Tàu” ?! Cùng là huyền thoại nhưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân còn gần với sự thật hơn Thái Dương thần nữ! Hãy tới đường phố Tokyo rồi nói lớn: “Các ngài lầm rồi, chẳng làm gì có Thái Dương thần nữ cả!” để xem người Nhật nói gì với quý vị?!
                                                                       Sài Gòn, 7. 2015
(Bài viết đã gửi tạp chí Tia Sáng nhưng không đăng)

*http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=8708