NHỮNG VẤN ĐỀ NỀN TẢNG CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM




             Cho đến cuối thế kỷ trước, do quá hiếm tư liệu nên hầu hết các cuốn sử đều viết rất sơ lược về thời Tiền sử. Vì thế, mặc nhiên hình thành quan niệm “thời Tiền sử không quan trọng đối với lịch sử các quốc gia”. Sách sử Việt Nam không là ngoại lệ. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy tới thế kỷ X (LSVN I) của Viện Sử học in năm 2015, tái bản năm 2017, thời Tiền sử người Việt tuy kéo dài tới 800.000 năm nhưng con người chỉ được biết tới từ người Đứng thẳng sang người Khôn ngoan với các bộ lạc Hòa Bình, Bắc Sơn… mà tất cả thành tựu văn hóa chỉ là những hòn đá.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời Tiền sử có ý nghĩa quyết định tới lịch sử mỗi dân tộc. Trong cuốn Nhiệt đới buồn, Claude-Lévi-Strauss nhà nhân học lớn của thế giới viết: “Con người chỉ thực sự sáng tạo những công trình vĩ đại vào buổi đầu. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có bước đầu hoàn toàn có giá trị, những giai đoạn kế tiếp chỉ là sự lặp lại những giai đoạn đã qua.”  “Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất của lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đá mới với sự phát minh ra trồng trọt, chăn nuôi…” [1]. Xuất hiện từ giữa thế kỷ trước, phát biểu của C. Strauss chỉ như lời tiên tri vì chưa nhiều sự kiện minh chứng cho nhận định của ông. Nhưng sang thế kỷ mới, nhờ công nghệ di truyền tìm ra nguồn gốc loài người cùng các chủng tộc, thời tiền sử của nhiều dân tộc trở nên sáng tỏ.
Sau hơn 10 năm (2004-2017) tập trung toàn bộ thời gian và tâm lực tìm về cội nguồn dân tộc, chúng tôi đã công bố hàng trăm bài viết và sáu cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Khám phá lịch sử Trung Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2016), Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn, 2016) và Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực (NXB Hội nhà văn, 2017).
So sánh khảo cứu của mình với cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, chúng tôi thấy có sự khác biệt rất quan trọng, có thể nói là dẫn tới sự phá sản của những quan niệm lịch sử cũ. Xin trình bày những vấn đề nổi cộm như sau:
1.      Về người Đứng thẳng:
Sách LSVN I cho rằng: “Những dấu tích về Người vượn ở Núi Đọ, Xuân Lộc, Sa Thầy, Yaly tuy còn thiếu những chứng cứ về địa tầng và cổ sinh, không có tầng văn hóa rõ rệt; ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai chưa tìm thấy công cụ lao động nhưng được coi là xưa nhất, mở đầu cho lịch sử nguyên thủy ở Việt Nam.” (T.28)
                Tuy nhiên, những tài liệu khảo cổ học mới nhất của thế giới cho thấy: Người Đứng thẳng (Homo erectus) và người Khôn ngoan (Homo sapiens) là hai loài người khác nhau. Người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất khỏi lục địa châu Á từ 250.000 năm trước. Dấu vết cuối cùng của họ là tại di chỉ Ngandong Indonesia 200.000 năm cách nay.  Trong khi đó, nhân học thế giới khẳng định, người Hiện đại Homo sapiens có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước. Trên đất Việt Nam, hai loài người này sống cách nhau 180.000 năm. Do đó, không có chuyện người Đứng thẳng chuyển hóa thành người Khôn ngoan tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.  Cho rằng “Người đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn” là phản khoa học! Không xác định được quan hệ giữa hai loài người mà đã cho rằng lịch sử thời tiền sử của Việt Nam kém dài tới 800.000 năm là sự khẳng định sai lầm khiến lịch sử Việt Nam lạc lõng với tri thức nhân loại.
2.      Sự xuất hiện người Khôn ngoan trên đất Việt Nam.
LSVN I cho rằng: “Người Thẩm Ôm là dạng Người đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn hay Người hiện đại (Homo sapiens) ở Việt Nam. Niên đại cho các hóa thạch này từ 140.000 năm đến 250.000 năm BP.” (T.28)
Trong khi đó, tài liệu mới nhất của thế giới xác nhận: Người Hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 195.000 năm trước, men theo bờ biển Ấn Độ Dương, tới Việt Nam 70.000 năm trước.
Như vậy, sách LSVN I do không cập nhật tài liệu thế giới nên không hiểu người Việt là ai. Lịch sử là tài liệu ghi chép hoạt động của con người trong quá khứ. Một khi không biết con người đó là ai thì những gì nói về họ đều không có cơ sở!
3.      Người Việt chiếm lĩnh thế giới.
Trên đất Việt Nam, người Việt cổ tăng nhân số. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh đất Ấn Độ. 40.000 năm cách nay, đi lên chinh phục Hoa lục. Sau khi chiến Hoa lục, một bộ phận người Việt đi về phía Tây, qua Trung Á tới châu Âu. Ở đây họ gặp người Europid từ Trung Đông lên. Hai dòng người hòa huyết sinh ra tổ tiên người châu Âu. Khoảng 30.000 năm trước, từ Siberia, người Việt vượt eo Bering sang chinh phục châu Mỹ. Cũng khoảng 40.000 năm trước, những nhóm người Mongoloid cư trú riêng biệt ở phía Tây Bắc Việt Nam đi lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Do giữ được nguồn gen nguyên chủng, sau này họ trở thành người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid).
Cuốn LSVN I hoàn  toàn không biết tới quá trình quan trọng này trong sự hình thành dân tộc Việt. Vì thế không thể hiểu lịch sử của tộc Việt.
4.      Sự hình thành dân cư Trung Quốc.
Từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt (Indonesian) mang mã di truyền Australoid đi lên Hoa lục. 7.000 năm trước, tại vùng Ngưỡng Thiều trung du Hoàng Hà, người Lạc Việt tiếp xúc với người Mông Cổ du mục ở bờ Bắc, dẫn tới hòa huyết sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của văn hóa Ngưỡng Thiều rồi cả lưu vực Hoàng Hà.
Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu đánh chiếm đất của người Lạc Việt ở Nam Hoàng Hà, lập vương quốc Hoàng Đế. Do chung sống, người Việt Mongoloid phương Nam hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra lớp con lai Mông-Việt, tự gọi là Hoa Hạ. Người Hoa Hạ dần thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội. Do người Việt quá đông trong khi người Mông Cổ quá ít nên thời gian ngắn sau (không tới 100 năm), toàn bộ người Hoa Hạ chuyển thành người Việt. Các triều đại từ Nghiêu, Thuấn, Vũ tới Thương, Chu đều là người Việt và phần lớn không có quan hệ máu huyết với Hoàng Đế.  Nhưng do vinh quang của Hoa Hạ trong quá khứ nên đều nhận là Hoa Hạ!
Trong khi đó, bên ngoài vương quốc của Hoàng Đế, không chỉ ở lưu vực Dương Tử mà ngay tại lưu vực Hoàng Hà, nhiều quốc gia hay bộ tộc độc lập của người Việt liên tục kháng chiến chống lại triều đình Hoàng Đế. Thí dụ như nước Ư Việt hay Dương Việt ở vùng Hà Nam, tồn tại dai dẳng, sau này thành nước Sở. Bộ tộc Tần ở phía Tây sau này bành trướng thành nhà Tần diệt Lục quốc, lập đế chế Tần. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người Việt nước Sở lập nhà Hán, xưng là Hoa Hạ, một sự trớ trêu của lịch sử!
Do không cập nhật tài liệu, cuốn LSVN I vẫn theo những quan niệm sai lầm của thế kỷ XX, cho người Hán từ phía Tây xâm nhập Nam Hoàng Hà, làm nên dân tộc Hán, dẫn tới việc cho rằng người Việt bị Hán hóa trong quá trình lịch sử.
5.      Sự hình thành dân cư Việt Nam.
Từ 70.000 năm trước, hai đai chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam, hòa huyết sinh ra bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong quá trình chung sống, hai chủng da đen Vedoid và Negritoid gần như biến mất. Hai chủng Indonesian và Melanesian còn lại do người đa số Indonesian (được gọi là Lạc Việt) giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. 7.000 năm trước,  do tiếp xúc với người Mông Cổ phương Bắc, tại Nam Hoàng Hà, người lai Mông-Việt mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) ra đời. Được sinh ra trên đất Việt, bú sữa mẹ Việt và sống trong văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam trở thành chủng người Việt mới, là chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều và lưu vực Hoàng Hà. Do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ năm 2698 TCN, người Lạc Việt Mongoloid phương Nam di cư xuống phía Nam, tới Việt Nam và Đông Nam Á, mang nguồn gen Mông Cổ về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam [2]. Như vậy là, có hai giai đoạn hình thành người Việt: ban đầu là người Việt cổ, mã di truyền Australoid. Tới 7000 năm trước bắt đầu chuyển hóa sang chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Khoảng 2000 năm TCN, sự chuyển hóa hoàn tất. Người Mongoloid phương Nam (sau này gọi là Nam Á) trở thành chủ thể dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Như vậy, từ 2000 năm TCN, người Việt Nam và người Trung Quốc cùng một chủng tộc Mongoloid phương Nam. Người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á, có nghĩa người Việt Nam là dân cư cổ xưa nhất ở châu Á.
Cuốn LSV N I không có những tri thức này nên không xác định được quá trình hình thành của người Việt.
6.      Sự hình thành người Kinh.
Quan niệm phổ cập hiện nay cho rằng, từ cộng đồng Tiền Việt Mường khi tiếp xúc với nhóm Thái cổ hình thành hai dân tộc Việt (Kinh) và Mường.  “Việt Nam có 54 dân tộc”. Trong đó dân tộc Việt (Kinh) là đa số, còn lại là các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng dân cư trên đất Việt Nam như sau: từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam là chủng người duy nhất Mongoloid phương Nam, gồm hai thành phần: người Mongoloid phương Nam điển hình, chủ yếu sống ở Bắc Bộ và dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, sống ở phía Nam Trung Bộ trở xuống.
Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành, những người năng động nhất, giỏi giang nhất trong các bộ tộc Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai phá đất mới. Do cùng huyết thống, ngôn ngữ và văn hóa nên giữa các nhóm người không có mâu thuẫn sắc tộc. Trong những người từ Nam Dương Tử trở về có người Tày-Thái, Hakka, người nước Sở, người nước Việt, người Hán… là di duệ của người Việt đi khai phá Trung Hoa từ xa xưa nên khi về Việt Nam là trở về đất tổ của mình. Do sống lâu dài ở Trung Nguyên, trong vương triều Chu, Hán nên ngôn ngữ của họ chuyển sang đơn âm và hữu thanh. Tiếng nói này dần lan tỏa ra trở thành ngôn ngữ chung của cả đồng bằng. Cùng với tiếng nói là những yếu tố tiến bộ về xã hội và sản xuất tiếp thu được ở vùng đất mở giao lưu với bên ngoài khiến cho người đồng bằng sông Hồng trở thành sắc tộc mới, được gọi là người Kinh. Trong khi đó những cộng đồng người Việt vẫn sống ở rừng núi dần trở thành những sắc dân thiểu số. Do được hình thành như vậy nên người Kinh trở thành cộng đồng chủ thể của dân tộc Việt. Quan niệm phổ cập cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn các sắc dân khác không phải người Việt mà là “các dân tộc thiểu số” là sai lầm.
7.      Về văn hóa Việt Nam
Sách LSVN I cho rằng, Việt Nam nằm trên ngã tư đường giao thông của khu vực nên có sự giao lưu tiếp biến văn hóa của các dân cư khác mà đặc biết là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong khi đó thực tế văn hóa Việt được hình thành như sau: Trong 70.000 năm sống ở phương Đông, người Việt đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ: chế tác công cụ đá mới, thuần hóa giống kê, giống lúa, các giống khoai và rau đậu, gà, chó và lợn… đồng thời sáng tạo công cụ sản xuất và sinh hoạt. Từ 20.000 năm trước, sau khi sáng tạo công cụ đá mới Hòa Bình, người Việt mang tộc danh Người Việt bộ Qua. Sau khi làm chủ nông nghiệp lúa nước, người Việt có tộc danh Việt bộ Mễ. Khi sáng tạo công cụ bằng đồng, người Việt mang tộc danh Việt bộ Tẩu. Tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, người Việt sáng tạo chữ tượng hình đầu tiên. Từ 5300 năm trước người Việt thành lập nhà nước lớn và sớm nhất ở phương Đông. Có đủ cơ sở để khẳng định, đó là nhà nước Xích Quỷ trong truyền thuyết. Về văn hóa phi vật thể, tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng nói Trung Hoa. Người Việt sáng tạo chữ tượng hình, về sau là chủ thể của chữ viết Trung Hoa. Người Việt cũng sáng tạo kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ, kinh Dịch... Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều được khởi nguồn sừ sự sáng tạo của người Việt.
Do có quá trình người Việt đi lên khai phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng Việt Nam nên văn hóa Việt Nam kế thừa toàn bộ nền văn hóa do người Việt sáng tạo ở Hoa lục cũng như tại đất Việt Nam.
8.      Quan niệm về lịch sử Việt Nam
a.       Do người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng nước Việt Nam nên lịch sử Việt Nam bao gồm cả lịch sử người Việt từ khi đi lên khai phá Hoa lục đến khi trở về Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định, thời Tiền sử của Việt Nam bắt đầu 70.000 năm trước, khi tổ tiên từ châu Phi đặt chân tới đất nước ta. Đồng thời khẳng định lịch sử đất nước ta bắt đầu từ 5.300 năm trước, khi nhà nước của họ Hồng Bàng được thành lập tại kinh đô Lương Chử.
b.      Lịch sử một dân tộc là lịch sử của cộng đồng chủ thể làm nên dân tộc đó. Do người Kinh với số lượng đông nhất, có nền văn hóa tiến bộ nhất, trở thành chủ thể của dân tộc Việt Nam nên cũng là chủ thể của lịch sử Việt Nam.
9.      Quan niệm về Bách Việt
Sách LSVN I cho rằng Bách Việt là trăm tộc Việt từng sống ở phía Nam dương Tử và là nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ cố thư và những khám phá di truyền học mới nhất, chúng tôi phát hiện: Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt. Con cháu của vua nước Việt theo lãnh địa của mình đứng lên lập những tiểu quốc, cùng tuân phục nước Sở, được Lã thị Xuân Thu lần đầu tiên gọi là Bách Việt với ý nghĩa nhiều nước Việt ở Nam Dương Tử. Bách Việt chỉ tồn tại hơn 200 năm, từ năm 333 tới năm 111 TCN là năm nước Nam Việt bị tiêu diệt. Từ sự xuất hiện và suy tàn như vậy, nên Bách Việt không phải là trăm tộc Việt và cũng không phải là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tới nay, điều này càng rõ: cội nguồn của dân tộc Việt là người Lạc Việt xuất hiện trên đất Việt Nam từ 70.000 năm trước
10.   Về nguồn gốc của Thục Phán
Trong sách LSVN I, các tác giả cho rằng, Thục Phán là một tộc trưởng người Tày Cao Bằng. Tuy nhiên ý tưởng như vậy thiếu thuyết phục vì lẽ nó bỏ qua những tư liệu thành văn giá trị như Hoa dương quốc chí, Hoài Nam Tử… cho rằng Thục Phán thuộc dòng họ Khai Minh nước Thục. Một số tác giả khác như Bình Nguyên Lộc cho rằng, người Thục là một bộ phận của tộc Lạc Việt sống từ xưa ở phía Tây Nam Trung Quốc. Từ giải mã tài liệu di truyền cho thấy, người Thục là nhánh Tày-Thái của tộc Lạc Việt, mang mã di truyền Haplogroup O1 (Y-DNA) sống từ xa xưa ở Tây Nam Trung Quốc. Trên địa phận Ba Thục, những bộ tộc Tày-Thái đã xây dựng vương quốc cổ cùng thời với nhà nước Xích Quỷ. Sau thời gian dài tan rã, khoảng thế kỷ 16 TCN, họ Khai Minh dựng nhà nước Thục rất văn minh, do Tàm Tùng đứng đầu. Năm 316 TCN nhà Tần diệt nước Thục, con cháu vua Thục chạy xuống ở nhờ đất Văn Lang. Vốn cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa nên tập đoàn vương thất nhà Thục thu phục được các tù trưởng địa phương, lập nước Nam Cương. Sau khi đánh thắng quân xâm lược Tần, Thục Phán chiếm ngôi vua Hùng, lập nước Âu Lạc. Đây là những tranh chấp trong nội bộ người Việt để tiến tới lập nhà nước lớn mạnh hơn.
Như vậy Thục Phán là hậu duệ của tộc Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa, lập nước Thục. Khi nước Thục bị hại, ông dẫn vương triều lưu vong chạy về đất Văn Lang. Do tài năng, ông lãnh đạo các bộ tộc người Việt ở phía Bắc Việt Nam đánh thắng quân Tần sau đó sáp nhập Văn Lang thành Âu Lạc. Âu lạc là quốc gia đầu tiên của người Việt thời có sử.
11.   Triệu Đà và nước Nam Việt.
Cuốn LSVN I cho rằng Triệu Đà là người Hán, được nhà Tần cử xuống đánh Lĩnh Nam. Nhân cơ hội nhà Tần suy bại, Triệu Đà lập nhà nước cát cứ rồi xâm lược Âu Lạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Triệu Đà thuộc bộ tộc Tần, là nhánh Tày Thái người Lạc Việt. Thời Xuân Thu, tổ tiên Triệu Đà họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, nhập nước Tấn. Có công phụ giúp các công tử nước Tấn, được phong Triệu Thành nên mang họ Triệu. Cuối thời Xuân Thu, họ Triệu bành trướng thế lực, cùng Hàn và Ngụy chia nước Tấn làm ba, lập nước Triệu. Khi nhà Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà 20 tuổi xung lính đi dánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần diệt vong, ông lập nước Nam Việt.  Như vậy, cũng như Thục Phán, Triệu Đà là người Việt khi xuống Lĩnh Nam, ông trở về quê hương xa xưa của mình. Khi điều kiện cho phép, ông lãnh đạo đồng bào người Việt lập quốc, chống lại nhà Hán. Việc ông chiếm Âu Lạc lập nước Nam Việt cũng giống như Thục Phán lập nước Âu Lạc, hoàn toàn không phải là xâm lược. Chính quyền do ông thành lập là nhà nước của người Lạc Việt, hoàn toàn không phải là chính quyền cát cứ.
Cho rằng Triệu Đà lâp vương quốc cát cứ, xâm lăng Âu Lạc rồi trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt là cách nhìn sai lầm, phản dân tộc.
12.   Về các vương quốc cổ ở phía Nam Việt Nam.
Cuốn LSVN I bao gồm lịch sử các quốc gia cổ Lâm Ấp-Chiêm Thành, Phù Nam vào lịch sử Việt Nam. Đó là việc làm đúng. Tuy nhiên các tác giả chưa lý giải rõ về nguồn gốc dân cư và văn hóa các quốc gia này. Trên thực tế, dân cư trên toàn bộ Đông Dương bao gồm cả Thái Lan, Myanmar, cùng với Mã Lai, Indonesia là người Việt. Cho đến vài thế kỷ trước Công nguyên, do chung cội nguồn, huyết thống, tiếng nói và văn hóa, họ quy thuộc về Văn Lang của các Vua Hùng. Bằng chứng là các vua Hùng đã trao cho họ trống Đông Sơn như một thứ quyền trượng. Nhưng một hai thế kỷ trước Công nguyên, sau khi Văn Lang diệt vong và nhất là sau khi Việt Nam bị phương Bắc chiếm đóng, mối liên kết truyền thống của Việt Nam với phía Nam bị đứt đoạn. Lực hướng tâm không còn, các thủ lĩnh khu vực theo chiều hướng chung đứng lên lập nhà nước riêng. Những quốc gia cổ ra đời. Do hấp lực của văn hóa Ấn Độ, các nhà nước này theo chính trị Ấn Độ và đem văn hóa Ấn phủ lên nền tảng văn hóa Lạc Việt. Trong quá trình lịch sử, giữa các quốc gia của người Việt trong vùng liên tục có tranh chấp lãnh thổ. Biên giới như hiện nay là kết quả của những sự tương nhượng và được xác lập bởi công pháp quốc tế. Mọi ý tưởng về “quyền sở hữu lịch sử” là phi lịch sử và không có cơ sở thực tế. Từ lịch sử như vậy, các quốc gia cổ phía Nam cần được bao gồm trong lịch sử Việt Nam trong quan hệ cùng chủng tộc và văn hóa.
13.   Lịch sử Việt Nam có chế độ phong kiến không?
Trong LSVN tập I, các tác giả nhiều lần nói tới thuật ngữ “chế độ phong kiến” ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy cần có sự đánh giá lại quan niệm này. Trên báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934) học giả Phan Khôi khẳng định “Lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến.” Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, sử gia Lê Thành Khôi cũng biện bác rất có lý rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc thời Trung đại không hề có chế độ phong kiến với đặc trưng bản chất của nó là “phong hầu kiến địa.” Chúng tôi cho rằng nhận định của những học giả trên hoàn toàn chính xác. Do vậy, cần xóa bỏ quan niệm “chế độ phong kiến” trong lịch sử Việt Nam để nhìn nhận lịch sử đúng với sự thực.
14.   Những “người Trung Quốc tới làm vua Việt Nam” là ai?
Có một số người từ Trung Quốc sang cư trú tại Việt Nam rồi sau đó con cháu họ làm vua đất Việt. Tuy ghi nhận điều này nhưng trong tâm trạng người Việt Nam là sự phân vân của mặc cảm tự ty: người Trung Quốc lại làm vua nước mình! Tuy nhiên nay ta biết rằng, từ Thục An dương Vương, Triệu Vũ Đế đến Lý Bí, rồi nhà Lý, nhà Trần… đều là người Việt mà tổ tiên xưa từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Trong điều kiện lịch sử nhất định đã trở về đất tổ. Nhờ tài năng và đức độ đã trở thành những vị vua của Việt Nam. Khi nhận ra sự thực này, chúng ta xóa đi mặc cảm tự ty, trở nên yên tâm và tự hào về dòng giống cùng lịch sử của mình.
15.   Hoa Việt đồng văn đồng chủng.
Từ thơ ấu, nghe các cụ ở quê nói “Hoa Việt đồng văn đồng chủng,” quả tình tôi không hiểu nổi. Nay, từ khám phá tới tận cùng lịch sử phương Đông, thì điều này được khẳng định. Tuy nhiên, khác với cách hiểu trước đây cho rằng người Hán đồng hóa người Việt, người Việt bắt chước người Hán từ tiếng nói tới chữ viết. Nay là sự thật trái ngược: Người Việt và người Hoa cùng một nguồn gốc và văn hóa. Người Hán là con cháu từ xa xưa của người Việt. Tiếng Việt là nguồn gốc của tiếng nói Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa. Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều do người Việt sáng tạo.
Nhìn chung, sách LSVN I phần nhiều chép lại những tư liệu từ những cuốn sử hình thành trong thế kỷ XX. Dựa vào cổ thư Trung Hoa và khảo cứu của Viễn Đông Bác cổ, chiều hướng của lịch sử phương Đông được xác định là: Từ Tây Tạng, người Hán vào Nam Hoàng Hà xây dựng văn minh Hoa Hạ sau đó mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phương Nam. Dân tộc Việt Nam bị Hán hóa cả về nòi giống và văn hóa. Nhưng sang thế kỷ XXI, khoa học khám phá sự thực ngược lại: người Khôn ngoan từ Châu Phi di cư tới Việt Nam sinh ra người Việt rồi từ Việt Nam, người Việt đi lên khai phá Hoa lục. Vài năm trước, những học giả Trung Quốc kiên định nhất cũng buộc phải chấp nhận sự thực này: Người Trung Quốc không phải do người Bắc Kinh (Homo beikinensis) sinh ra mà từ phương Nam lên. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà không còn là cội nguồn của văn minh Trung Hoa mà thay bằng “văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc!”Dù có “nhị thập tứ sử” thì tới nay lịch sử Trung Quốc buộc phải viết lại. Và như sự tất yếu của số phận, lịch sử Việt Nam cũng phải viết lại. Từ khảo cứu của mình, chúng tôi phát hiện, 15 vấn đề nêu trên là những vấn đề nền tảng của lịch sử Việt Nam trước đây bị hiểu lầm nay nhờ ánh sáng mới của khoa học đã được làm rõ.
 Do những vấn đề nền tảng trên chưa được giải quyết thấu đáo trong cuốn LSVN I nên tất yếu, cuốn sách này cần được viết lại. Điều này cũng có nghĩa là cuốn Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học cần được viết lại. Khi những vấn đề mang tính nền tảng nêu trên chưa được xác lập thì mọi cuốn sử viết trên cơ sở đó chỉ là lâu đài xây trên cát.
                                                                                             Sài Gòn, tháng 12. 2017

  1. Claude-Lévi – Strauss. Tristes tropiques, Paris Plon, 1955, tr.269 và 264-265 (dẫn theo Trần Quốc Vượng- Suy nghĩ đôi điều về văn hóa Việt Nam.)
  2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983

LỜI AI ĐIẾU CHO MỘT THỜI “TỨ TRỤ”



Thưa bạn đọc,                                                                                                                                                                Phải công bố vào lúc này, người viết thật lòng áy náy... Nhưng dư luận đang rúng động về kết quả thảm hại của điểm thi môn Sử: “468.628, tức 83% thí sinh có điểm thi môn Sử dưới trung bình. 1.200 bị điểm liệt, trong đó 527 bị điểm 0. Vậy lỗi tại ai?” Phải chăng vì thế bài viết cần xuất hiện để cùng tìm ra lời giải thỏa đáng?!

Giáo sư Phan Huy Lê đã thành người thiên cổ.
Những lời tiếc thương có cánh của người thân, bè bạn và học trò tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhà nước đã dành cho ông sự vinh danh cao nhất mà một công bộc có được.
Bây giờ xin được nói đôi lời.
Năm 1952 học xong chương trình phổ thông chín năm, “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” Phan Huy Lê từ biệt quê Hà Tĩnh ra Thanh Hóa học chương trình Dự bị đại học. Tại đây ông gặp Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Người phụ trách Đoàn Thanh niên Dân chủ và cũng là cán bộ tổ chức nhà trường nói với bốn tân sinh viên: “Các đồng chí chọn Ban nào?” Nghe trình bày xong, anh cán bộ tổ chức lên tiếng:
-          Các đồng chí đều học giỏi nên chọn các ngành khoa học tự nhiên là phải. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của trường lúc này là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học xã hội cho nước Việt Nam mới nhằm thay thế lớp học giả cũ, là sản phẩm của chế độ thực dân phong kiến. Khoa học tự nhiên không mang tính giai cấp nên ai có khả năng cũng làm được. Còn khoa học xã hội không chỉ cần giỏi mà còn cần điều quan trọng hơn là lập trường giai cấp công nông thật vững vàng. Tổ chức đã nghiên cứu kỹ và chọn các đồng chí để đào tạo thành những hạt giống công nông của nền khoa học xã hội mới… [1]
Vậy là theo yêu cầu của Tổ chức, cả bốn chàng vào học Ban Sử.
Sau hai năm học chủ yếu về ban đêm để tránh những trận oanh kích của máy bay Pháp, Phan Huy Lê về Đại học Sư phạm. Năm 1956 khi Đại học Tổng hợp thành lập, ông được chuyển sang làm trợ giảng cho thầy Đào Duy Anh. Năm 1958, trong cơn bão Nhân văn Giai phẩm, theo chân Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh bị bứng hỏi môi trường đại học. Cánh đồng đại học hoàn toàn trống vắng. Không có trâu bắt bò đi đẵm. Chàng trai trẻ 24 tuổi Phan Huy Lê bỗng nhiên trở thành sếp của khoa Sử, ngồi vào cái nghế còn ấm hơi Giáo sư Trần Đức Thảo bị một sinh viên bắt trói dẫn đi! Sống ở trung tâm cơn bão lốc kinh hoàng lúc đó, Phan Huy Lê biết mình thật tốt số. Trong khi những bạn bè cùng trang lứa thuộc “thành phần lớp trên” phải “cải tạo” bằng việc quai búa đập đá trên công trường đường sắt Hà Nội-Lào Cai hay cày cuốc trong những nông trường thì mình được ưu ái tới tận cùng. Tuy nhiên, chàng tuổi trẻ cũng nhận ra cái éo le trong cương vị của minh. Thật trớ trêu, người được coi là “hạt giống đỏ” công nông lại sinh ra từ một gốc “phong kiến” thâm căn cố đế. Không chỉ vậy, người anh trai Phan Huy Quát lại là yếu nhân của chính quyền Sài Gòn. Hơn ai hết, Phan Huy Lê hiểu cái thế trên lưng cọp của mình. Không được sa sẩy dù chỉ một bước! Cách tốt nhất là ngoan ngoãn theo dẫn lối đưa đường của lãnh đạo. Không chỉ Phan Huy Lê mà cả Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng cùng chung định mệnh. Trong khi dần dần tạo dựng huyền thoại “tứ trụ” Lâm Lê Tấn Vượng thì những chàng trai tập tọng làm sử cũng được dẫn ngày một rời xa khoa học lịch sử đích thực.
Cho đến năm 1960, lịch sử Việt Nam là một dòng chảy nhất quán từ Nhà nước Xích Quỷ xuyên suốt tới Triệu Đinh Lý Trần và nhà Nguyễn với công khai phá miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng từ đây, để khẳng định vị thế của Đảng Lao Động Việt Nam, lịch sử phải thay đổi, phải khác với quan điểm của “bọn sử gia phong kiến tư sản phản động”! Trước hết, nhà Nguyễn bị tước mọi công lao, mang tội lớn để mất nước. Gia Long là kẻ cõng rắn cắn gà nhà! Tiếp đó, để chống quan điểm viết sử “phản dân tộc” của Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Triệu Đà bị vạch mặt chỉ trán là giặc xâm lược. Nhà Triệu và nước Nam Việt bị xóa khỏi chính sử. Vào thập kỷ 1970, từ những phát hiện khảo cổ về thời đại Hùng Vương, Nhà nước Xích Quỷ cùng các vị tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân bị loại bỏ. Từ 4000 năm văn hiến, Sử Việt chỉ còn lại 2700 năm! Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trùm lấp lịch sử dân tộc! Cái được gọi là Lịch sử Việt Nam xa dần quy chuẩn của khoa học lịch sử nhân loại, trở thành một công cụ tuyên truyền. Ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội người ta nói thẳng với sinh viên: “ Chúng ta học Sử nhưng nội dung chủ yếu là tuyên huấn. Nay mai ra trường, các anh chị sẽ là những cán bộ tuyên huấn!”
Sau hơn nửa thế kỷ thống trị của tứ trụ Lâm Lê Tấn Vượng, sử học Việt Nam hoàn toàn trở thành công cụ tuyên truyền mà đỉnh cao là cuốn Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học. Để khách quan, xin bạn đọc suy ngẫm những dòng sau của một học giả từng là giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, hiện đang sống ở Hoa Kỳ:
“Bộ sách nguyên là dự án lớn do Viện Sử Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội trong nước chủ trì từ năm 2002, toàn bộ 15 quyển nặng 24kg, dày 9,084 trang, với một tập thể tác giả 30 người gồm 24 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, và 3 nghiên cứu viên. Tất cả 30 người này là cán bộ của Viện Sử Học, cũng có nghĩa là các công chức mà nhiệm vụ là viết sử theo sự chỉ đạo của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó, họ không viết trong tư cách của những sử gia. Nên biết rằng Viện Sử Học nói riêng, hay Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội nói chung, là những cơ quan lý thuyết của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.”
“… Quan niệm viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là nhằm phục vụ chính trị, khác với quan niệm viết sử của Thế Giới Tự Do Dân Chủ là trình bầy lại quá khứ y như nó đã xảy ra. Sử của Viện Sử Học Hà Nội, vì thế, có thể là những sự kiện quá khứ, mà cũng có thể là những câu chuyện dựng lên tùy nhu cầu chính trị. Hay sự kiện lịch sử có thể biên soạn dài ngắn khác nhau là tùy chủ đích chính trị.” “Phương pháp viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là biên soạn sao cho đúng với lý thuyết Cộng Sản quốc tế.”
“Phương pháp viết thông sử của thế giới văn minh là tiêu hóa những ý kiến hay những giả thuyết và nhận định về những sự kiện lịch sử của các tác giả trước đó rồi tổng hợp thành sử. Những trang sử tổng hợp rất súc tích ấy không có khoảng trống cho sự trích dẫn từ những trang chuyên sử của người khác, lại càng không có phần cho ý kiến người này hay giả thuyết của người kia hay nhận định của người nọ. Nếu cần, những chi tiết kể trên chỉ đưa vào phần chú thích hay cước chú, mà không dông dài trong phần chính văn. Tiếc thay, đó lại chính là cách viết của nhiều tập thể tác giả bộ chính sử của Nhà Nước này. Dở hai tập Tập 2 và Tập 4, độc giả phải đọc những đoạn dài trích dẫn sách xưa.
“Trang 31 trong Tập 4 chép lại ba trang 41, 42, và 43 của sách Phủ Biên Tạp Lục cộng với hai trang 238 và 239 của sách Toàn Thư. Đến trang 41 thì tác giả chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên. Trang 83 thì chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí cộng với hai trang 417 và 418 của sách Cương Mục. Và trang 119 thì chép lại ba trang 148, 150, và 151 của sách Phủ Biên Tạp Lúc. Cứ chép như thế suốt ba Chương I, II, và III từ trang 23 đến trang 165 trong Tập 4! Thật không có dáng vẻ gì của một công trình tổng hợp lịch sử, mà chỉ là sự sao chép lười biếng các sách sử cổ xưa!”
“Sự phân bố các tập sách không hợp lý. Tập thể ban biên soạn bộ Lịch Sử Việt Nam này, vì đặt trọng tâm bộ sách vào một đảng chính trị thay vì lịch sử của một dân tộc, nên đã bó rọ các thời Thượng Cổ và Bắc Thuộc làm một (Tập 1, 671 trang) để dành khung cảnh bao la cho lịch sử Đảng, 5 năm cũng thành một tập như Tập 10: Từ Năm 1945 Đến Năm 1950 (627 trang) và Tập 11: Từ Năm 1951 Đến Năm 1954 (499 trang).”“Chín (9) quyển đầu với 5,904 trang là phần thông sử ghi chép quá khứ dân Việt trong mấy ngàn năm. Sáu (6) quyển sau với 3,180 trang là lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2000.”
“Qua những nhận định trên, bộ Lịch Sử Việt Nam 15 quyển mới phát hành này không có dáng vẻ của một công trình tổng hợp lịch sử, từ cách biên soạn mất quân bình đến việc xóa nhoà ranh giới giữa thời sự và lịch sử.” [2]
Những nhận xét trên là trung thực, công bằng nhưng không phải là ý kiến cá biệt. Rất nhiều trí thức trong nước cũng nhận thấy như vậy. Càng đông hơn là đại đa số dân chúng cảm nhận rằng, cái mà họ phải học, phải đọc không phải là Sử Việt bởi lẽ trong đó thiếu vắng Hồn thiêng dân tộc. Khi đánh mất hồn dân tộc, Sử không còn là Sử nữa! Không chỉ cuốn này mà đại công trình Quốc Sử 30 tập với kinh phí 200 tỷ (có người nói 300?) của Hội Sử học do Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cũng còn rất nhều vấn đề phải bàn, khiến người viết bài này phải nhiều lần trao đổi với ông.[3]
Việc ra đi của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, trên thực tế đã khép lại thời thống trị của “tứ trụ”. Nhiều người biết thế nào là “tứ trụ” nhưng không mấy ai hiểu cái nguyên do nảy sinh hiện tượng dị thường này. Đó là sản phẩm đẻ non đái ép sau đại họa Nhân văn-Giai phẩm. Nếu đất nước yên hàn, với những bậc thầy uyên bác, đầy bản lĩnh như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo… trên bục giảng thì không ai có thể làm biến dạng khoa học lịch sử Việt Nam. Và chắc chắn không có cửa cho mấy anh chàng chưa đủ trình độ tú tài nhảy lên hàng “trụ” với cột?
Mặc dù những lời tụng ca của lớp lớp học trò, mặc dù sự vinh danh tột cùng với công thần tiêu biểu, những người tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu không ai có thể yên lòng với di sản mà “tứ trụ” để lại. Không phải lịch sử mà đó chỉ là đống tài liệu giáo điều xơ cứng ngu dân, phản tộc. Đi qua chương trình này, tuổi trẻ Việt Nam trở nên tối tăm vong bản, tin rằng tổ tiên mình là người vượn “đi thẳng“, rằng tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán, người Việt không có chữ viết, rằng văn hóa Việt là sự bắt chước (“tiếp biến”) từ văn hóa Tàu. Họ cũng không biết tới Quốc Tổ Kinh Dương Vương và nhà nước Xích Quỷ, coi người khai sáng lịch sử dân tộc Triệu Đà là giặc xâm lược…
Ai? Ai là người dám đứng lên, đủ tâm đủ trí dọn đống xà bần khổng lồ mà “tứ trụ” để lại, giải phóng mặt bằng, xây dựng KHOA HỌC LỊCH SỬ ĐÍCH THỰC CỦA DÂN TỘC VIỆT?
                                                                                                 
                                                                                      Sài Gòn, Mùa Thu năm Mậu Tuất.
Tài liệu tham khảo
1.       Lời học giả Cao Xuân Hạo kể với người viết năm 1998.
2.        Giáo sư Trần Anh Tuấn: VỀ BỘ LỊCH SỬ VIỆT NAM 15 TẬP CỦA VIỆN SỬ HỌC VN
https://nhatbaovanhoa.com/a6404/ve-bo-lich-su-viet-nam-15-tap-cua-vien-su-hoc-ha-noi (truy cập 30.6.2018)
3.       Hà Văn Thùy. Trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt
https://baotiengdan.com › Chính trị
http://thuyhavan.blogspot.com/2017/04/trao-oi-voi-gs-phan-huy-le-ve-su-viet.html
4.       Hà Văn Thùy. Trao đổi tiếp với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt https://www.nhatbaovanhoa.com/.../ha-van-thuy-trao-doi-tiep-voi-gs-phan-huy-le-ve-...
http://thuyhavan.blogspot.com/2018/07/trao-oi-tiep-voi-gs-phan-huy-le-ve-su_9.html

TRAO ĐỔI TIẾP VỚI G.S PHAN HUY LÊ VỀ SỬ VIỆT


TRAO ĐỔI TIẾP VỚI G.S PHAN HUY LÊ  VỀ SỬ VIỆT

Trong bài trước tôi đã trao đổi với GS Phan Huy Lê về ba vấn đề:  1. Ghi nhận công lao nhà Nguyễn; 2. Những khoảng trống lịch sử và 3. Xác lập quan điểm lịch sử mới. Nay xin thảo luận tiếp với ông về hai điều vô cùng hệ trọng khác.
Trang Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22.2 năm 2017* viết:
1.“GS. Phan Huy Lê cho biết: Các nhà khoa học đã tìm được những di chỉ của thời cổ đại, những công cụ của giai đoạn sơ kỳ trong thời đại đồ đá cũ xác định thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm. GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh, đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam và từ đó, lịch sử đã được nâng lên một tầm vóc mới.” Cần hiểu thế nào về phát biểu này?
Rõ ràng là Giáo sư cho rằng: “Thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm.” và “đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam.”
Người đọc hiểu rằng, Giáo sư nói về việc các nhà khảo cổ Việt-Nga phát hiện di chỉ khảo cổ An Khê tỉnh Kon Tum, với dấu vết của con người khoảng 800.000 năm trước. Trước hết, cần làm rõ ý nghĩa của di chỉ khảo cổ này.
Những người từng nghiên cứu lịch sử văn hóa phương Đông đều biết rằng, năm 1921, kỹ sư mỏ người Thụy Điển Andersson khai quật di chỉ Chu Khẩu Điếm ở phía bắc thành Bắc Kinh, phát hiện di cốt người Đứng thẳng Homo erectus 600.000 năm tuổi, được gọi là người Bắc Kinh Homo pekinensis. Ở tầng trên cùng của hang (New cave) tìm thấy di cốt người hiện đại Homo sapiens có tuổi 27.000 năm. Kết hợp với việc khám phá di cốt người Ngưỡng Thiều trước đó rất gần với người Trung Quốc hiện đại, giới khoa học cho rằng, người Homo sapiens được tiến hóa từ loài người Đứng thẳng Homo erectus. Phát hiện Chu Khẩu Điếm ủng hộ cho thuyết nhiều vùng của nguồn gốc con người (Multiregional hypothesis) cho rằng: con người được sinh ra từ nhiều nơi khác nhau: châu Phi sinh ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, còn châu Á sinh ra người da vàng. Người Bắc Kinh là tổ tiên của người Trung Quốc cũng như dân cư châu Á.
Năm 1960, khi phát hiện dấu vết của người Homo erectus 500.000 năm trước ở di chỉ Núi Đọ, cũng đã nhen nhóm ý tưởng: người Núi Đọ là tổ tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ tiếp theo cho thấy, 200.000 năm cách nay, người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất khỏi châu Á. Thập kỷ 1970 phát hiện di cốt người Đứng thẳng Neanderthal ở Levant (Israel) có tuổi 34.000 năm, với đặc điểm rất gần người châu Âu. Giới khoa học cho rằng: người Neanderthal là tổ tiên người châu Âu.
Nhưng những khảo cứu di truyền học phân tử gần đây xác nhận: trong thời gian sống chung nhiều ngàn năm ở Trung Đông, có diễn ra sự giao phối giữa người Khôn ngoan Home sapiens và người Đứng thẳng Homo erectus nhưng tỷ lệ máu của người H. erectus trong bộ gen người hiện đại quá nhỏ, chỉ chiếm 1-2%. Do vậy đưa tới kết luận: người Đứng thẳng là họ hàng xa của loài người hiện nay mà không phải là tổ tiên của loài chúng ta! [1]  Sau 200.000 năm cách nay, trên đất châu Á cũng như Việt Nam vắng bóng người! Một thời gian dài trong nửa cuối thế kỷ XX, khoa học cố công tìm địa điểm và thời gian xuất hiện của loài chúng ta Homo sapiens nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Sang kỷ nguyên mới, bằng nhiều khám phá di truyền nhân học, khoa học thế giới khẳng định, loài chúng ta chỉ xuất hiện 195.000 năm trước tại châu Phi và 70.000 năm cách nay di cư tới Việt Nam. Khám phá này của khoa học nhân loại đã cung cấp cho chúng ta thông tin xác định: Thời tiền sử của người Việt Nam bắt đầu từ 70.000 năm trước. [2]
Đối chiếu khám phá của khoa học thế giới với nhận định của Giáo sư Phan Huy Lê khi cho rằng: “Thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm,” ta thấy những sai lầm sau:
- Người Núi Đọ, An Khê cũng như người Java, Nguyên Mưu, Chu Khẩu Điếm… là người Đứng thẳng, loài tiền nhiệm của chúng ta. Họ đã tuyệt diệt trên toàn châu Á cũng như trên đất Việt Nam 200.000 năm trước nên không hề có mối liên quan nào với chúng ta. Do họ không cùng loài với chúng ta nên việc cho rằng thời gian tồn tại của họ thuộc về lịch sử thời tiền sử của người Việt Nam là sự lầm lẫn tai hại. Điều đơn giản: họ không phải tổ tiên người Việt Nam thì thời gian tồn tại của họ không thể thuộc tiền sử người Việt Nam!
- Cho rằng Lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam kéo dài tới 80 vạn năm chứng tỏ Giáo sư Phan Huy Lê đồng nhất Loài người Đứng thẳng Homo erectus với người Khôn ngoan Homo sapiens. Điều này không đúng với thực tế.
2. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Lịch sử Việt Nam có 3 lần thất bại trong chống ngoại xâm đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà; thời nhà Hồ chống Minh và thời nhà Nguyễn chống Pháp.”
Hơn nửa thế kỷ, nhận định “Triệu Đà xâm lược Âu Lạc” từng gây tranh cãi. Trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết phản bác quan niệm này. Chính trên tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học Việt Nam (số 253, 254, 2/2006) tôi đã có bài Triệu Đà, Ngài là ai? Đưa ra nhiều chứng cứ xác đáng phản bác quan niệm trên. Tiếp đó, trên Văn hóa Nghệ An ngày 24 Tháng 5. 2013 tôi cho đăng bài Nỗi bất an của lịch sử với cùng chủ đề. Những bài viết đó được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp người Việt trong và ngoài nước. Tôi rất mong Giáo sư Lê cùng học trò thành danh đông đảo của ông phản biện ý kiến tôi để tìm ra sự thật. Tiếc là không ai lên tiếng!
Những người kết tội Triệu Đà xâm lược dùng lý lẽ chủ đạo vì cho ông là người Hán. Nhưng từ khảo cứu cổ thư cùng những phát hiện nhân chủng học mới nhất cho thấy, Triệu Đà là người Việt. [3]
Việc Giáo sư Phan Huy Lê cùng trường phái của ông vẫn duy trì quan điểm cũ lạc hậu gây hại lớn cho dân tộc là điều không thể chấp nhận.
3. “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” là công bố quan trọng của người đứng đầu ngành Sử. Tuy nhiên, ta thấy trong đó những sai lầm nghiêm trọng.
- Do không hiểu người Việt Nam là ai nên lầm lẫn khi cho rằng hoạt động của loài người Đứng thẳng cũng là tiền sử của người Việt Nam. Sai lầm này dẫn tới những lầm lẫn khác.
- Cũng do không hiểu nguồn gốc và sự hình thành của người Việt Nam nên cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn các tộc thiểu số khác không phải là người Việt. Sai lầm này dẫn tới “những khoảng trống” giả tạo trong sử Việt và việc giải thích lịch sử một cách thiếu cơ sở.
- Cho đến nay vẫn cho rằng Triệu Đà xâm lược Âu Lạc là thể hiện quan điểm lịch sử bảo thủ lỗi thời, tác động tiêu cực, đưa việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường.
Cho tới khi chắp bút viết bộ Quốc Sử, Giáo sư Phan Huy Lê và cộng sự của ông chưa biết những phát hiện mới của khoa học thế giới về nguồn gốc thực sự của người Việt Nam. Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Khi chưa hiểu cộng đồng đó là ai, từng kinh qua hoạt động ra sao trong quá khứ để có diện mạo như hôm nay thì mọi chuyện nói về họ không đáng tin cậy.
                                                               
                                                         Sài Gòn, 24.5.17

*(http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)
1. Bryan Sykes. Bảy nàng ccon gái của Ê-va. NXB Trẻ năm 2008
2. 3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa
Việt. NXB Hội Nhà văn. H, 2016.