LỜI SAU CÙNG THƯA VỚI ÔNG PHẠM TRẦN ANH

                                                         Hà Văn Thùy

 

Sau khi bài Lầm lẫn đáng tiếc về sử Việt của ông Phạm Trần Anh được đăng trên Nhật báo Văn hóa, tôi gửi cho ông Phạm Trần Anh một bản sao kèm theo thư sau:

Kính Bác Phạm Trần Anh,

Như đã có lần thưa với Bác, do khảo cứu không kỹ nên có những chỗ Bác viết chưa phù hợp sự thật, đề nghị Bác xem lại kẻo di hại về sau. Bác không hồi đáp cũng không sao nhưng tiếc rằng một số cái sai vẫn được tiếp tục truyền bá. Do vậy, buộc tôi phải viết bài này và đăng trên Nhật báo Văn hóa.

Xin Bác vào đọc và nếu có thể, trao đổi lại.

Kính

Hà Văn Thùy

Ngày 12.3 trên Nhật báo Văn hóa xuất hiện bài viết dài Tình tự tộc Việt của ông Phạm Trần Anh. Không biết có phải để trả lời tôi không khi ông không gọi đích danh tôi mà dùng nhóm từ phiếm chỉ một nhà nghiên cứu lịch sử Việt. Mặt khác, trong khi tôi trao đổi với ông về học thuật thi ông chính trị hóa, bù lu bù loa chống Cộng, chống Tàu, mặc nhiên đặt cho mình thế thượng phong của chính nghĩa dân tộc, dồn tôi vào thế đối kháng của kẻ đồng lõa với Tàu với Cộng! Trò như vậy vốn xưa, nay càng không mới, khó lừa khó dọa được ai. Tuy có điều là muốn chống Tàu thì tối thiểu phải biết Tàu là ai? Muốn chống Cộng thì cũng phải biết, Cộng sai chỗ nào. Nếu không dễ trở thành kẻ vô minh nhổ nước bọt lên trời!

 Dù sao đi nữa, tôi cũng xin thưa với ông đôi lời.

1.Tôi kinh ngạc khi đọc những dòng này: “Sự thật là cư dân Hòa Bình tức người Tiền Việt cách ngày nay khoảng 40 ngàn năm khi khí hậu bớt lạnh đã thiên cư lên phương Bắc và do nước biển dâng lên cao nên phải thiên cư lên miền cao ở Tây Bắc tới cao nguyên Malaya rồi khi nước biển rút dần mới tiến xuống định cư ở vùng lưu vực các con sông Dương Tử, Hoàng Hà rồi xuống Bắc Việt Nam.” Kinh ngạc vì nghĩ, lẽ nào “sử gia” của chúng ta không biết rằng, thời đó, đang trong Kỷ Băng hà, mực nước biển thấp hơn ngày nay 130 mét, người Việt từng đoàn rủ nhau đi bộ sang châu Úc chơi với cangaroo hay săn hổ Tasmania đem về nấu cao, thì biển lấy nước đâu để dâng cao, dồn người Hòa Bình tới tận chân núi Hy Mã Lạp Sơn? Thêm nữa, nếu nước dâng như thế thì còn sự sống nào tồn tại trên khắp cõi Đông Á?! Rồi khi nước rút thì người từ chân Thiên Sơn trở về định cư ở lưu vực các con sông… Nếu đúng vậy thì đương nhiên, tuổi của các di tích phía Tây Bắc phải cao hơn Đông Nam. Trong khi thực tế cho thấy điều ngược lại: tuổi của di tích phía Nam cao hơn phía Bắc và tồn tại liên tục từ văn hóa Hòa Bình tới Bắc Sơn rồi Đông Sơn. Cũng vậy, Tiên Nhân Động, Ngọc Thiềm Nham vùng Giang Tây, Quảng Tây liên tục từ hơn 20.000 năm trước cho đến mãi sau này! Kinh ngạc vì có “sử gia” nói những điều trái hẳn với sự thực.

2. Ông Phạm Trần Anh viết: “Chứng cớ khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau. Genome mã di truyền DNA của đại tộc Việt và Tàu Hán hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, Việt tộc và các dân tộc Đông Nam Á, kể cả người Trung Quốc ở miền Đông và miền Nam Trung Quốc có cùng một Haplotype A B C D có yếu tố đột biến di truyền đặc biệt của châu Á trong khi Hán tộc không có yếu tố này.”[1]

Thật không ngờ, học vấn của ông Phạm Trần Anh lại ở mức đó sao? Thông cảm với ông, một người chịu nhiều năm tù tội lại không có chuyên môn Sinh học. Nhưng việc không biết mà cứ nói đại thì không thể chấp nhận. Một người có trình độ tối thiểu về Sinh học đều biết rằng, mỗi loài, mỗi chủng sinh vật đều được đặt tên theo khoa học. Khi đã được gọi là Homo sapiens thì ở đâu nó cũng là người và mang bộ gen người. Một khi người Hán và người Việt Nam cùng được xếp vào chủng Mongoloid phương Nam thì làm sao “Genome mã di truyền DNA của đại tộc Việt và Tàu Hán hoàn toàn khác nhau”? Thật buồn khi tranh luận khoa học mà lại phải căn vặn nhau chuyện vụn vặt như vậy! Ông Phạm Trần Anh dẫn Ballinger nhưng vì thiếu kiến thức về di truyền nên hiểu sai tác giả, làm cái việc dại dột: đưa roi cho kẻ khác vụt mình. Hồn cốt bài Phân tích ADN ty thể ở Đông Nam Á cho thấy tính liên tục di truyền của quá trình di cư Mongoloid cổ đại, (Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration) là ở câu này: “Tất cả các nhóm dân cư châu Á được phát hiện có chung hai dạng đa hình AluIIDdeI cổ đại ở nps 10394 và 10397 và giống nhau về mặt di truyền cho thấy họ có chung tổ tiên.” “người Việt Nam là đa dạng nhất và do đó, dân số già nhất. (All Asian populations were found to share two ancient AluIIDdeI polymorphisms at nps 10394 and 10397 and to be genetically similar indicating that they share a common ancestry.) and  (the Vietnamese are the most diverse and, hence, the oldest population.)  Vâng, họ có chung tổ tiên. Trong tổ tiên chung đó “người Việt Nam già nhất” có nghĩa là Việt Nam thuộc ngành đầu dòng, ngành trưởng của châu Á! Vậy sao lại hoàn toàn khác nhau về mặt di truyền, thưa “sử gia”?!

Không chỉ thế, ông Phạm Trần Anh còn xuyên tạc Ballinger khi nói Haplotype A B C D có yếu tố đột biến di truyền đặc biệt của châu Á trong khi Hán tộc không có yếu tố này.” Trong bài của mình, Ballinger không chỉ nêu bốn haplog trên mà còn haplog E, F, P, Q nhưng không có chỗ nào nói như trên cả. Bởi lẽ câu đó vô nghĩa! Chỉ khi đọc tài liệu Suy luận lịch sử loài người ở Đông Á từ nhiễm sắc thể Y (Inferring human history in East Asia from Y chromosomes) của hai nhà di truyền Trung Quốc Vương Truyền Siêu và Lý Huy, tôi mới biết, dân cư Đông Á gồm bốn Halogroup C, D, N, O. Trong đó theo hình trên, nhóm C thuộc chủng Melanesian, nhóm D thuộc chủng Negritos, nhóm N thuộc chủng Mongoloid, nhóm O thuộc chủng Indonesian. Đối chiếu với công trình Nhân chủng học Đông Nam Á của Nguyễn Đình Khoa thì thấy, bốn chủng trên được sinh ra ở Việt Nam từ quá trình hòa huyết giữa hai đại chủng Mongoloid và Australoid từ châu Phi tới, rồi 40.000 năm trước đi lên Đông Á. Cùng cha mẹ nên đương nhiên cùng một cội nguồn. Vậy không thể khác nhau về di truyền!

3. Về Hoàng Đế

Hoàng Đế là nhân vật trung tâm của lịch sử Trung Hoa. Không hiểu Hoàng Đế thì không thể hiểu lịch sử Trung Quốc. Nhưng có thể nói chưa mấy ai hiểu được nhân vật huyền thoại này. Mà huyền thoại thì không phải là lịch sử. Coi huyền thoại cũng như lịch sử là sai lầm chết người. Cụ thể là năm 2007, người Trung Quốc bạt ngọn núi ở Trịnh Châu bên Hoàng Hà, tạc bức tượng Hoàng Đế và Viêm Đế. Nhìn bức tượng, người hiểu biết thấy hai thần tượng của dân tộc Trung Hoa bị xuyên tạc. Trước hết, Viêm Đế sống trước Hoàng Đế 600 năm nên việc kéo cụ viễn tổ về ngồi chung môt chiếu với con cháu là bất kính, là lẫn lộn thời gian lịch sử. Sau nữa, Viêm Đế người Viêm tộc da đen nên hình người trên tượng không phải cụ. Người ta đã sai khi dựng tượng theo truyền thuyết Viêm Hoàng tử tôn. Thoát ra khỏi truyền thuyết, Học giả Zhou Jixu của pennsylvania university đề xuất một Hoàng Đế như sau:

“Không giống như các dân cư Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ là những người đến từ miền Nam Trung Quốc, dân cư của Hoàng Đế đến từ phía Tây của Trung Quốc, từ phần phía Tây của lục địa Âu-Á. Họ chinh phục người dân của lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, những người thủ đắc nền văn hóa nông nghiệp phát triển.

Bằng cách kết hợp văn hóa riêng của họ với các yếu tố văn hoá của người bản địa, dân cư của Hoàng Đế từng bước phát triển một nền văn minh rực rỡ mới vào thời Hạ, Thương và Chu. Họ thay thế người dân bản địa nắm giữ vai trò lãnh đạo trên các giai đoạn lịch sử Trung Quốc. Cho rằng dân cư của Hoàng Đế là một chi nhánh của người Ấn –Âu cổ, là một trong những sự kiện đáng kể nhất nay được biết tới trong lịch sử nhân loại.”

Tổng hợp tri thức từ truyền thuyết, lịch sử, khảo cổ và di truyền, tôi phục dựng một Hoàng Đế của Hà Văn Thùy. Vị này gần giống với nhân vật của Zhou Jixu, chỉ khác là ông không phải người Ấn-Âu mà là Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid), những bộ tộc cũng từ Việt Nam đi lên. “Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Bại trận, một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà (Núi Thái-Trong Nguồn) di tản xuống phía Nam, đem nguồn gen Mongoloid về, chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam… Vào Nam Hoàng Hà, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học nghề nông và văn hóa của người Việt. Do sống chung, lớp người lai Mông-Việt ra đời, tự gọi là Hoa Hạ. Do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa về máu huyết cũng như văn hóa…” là khám phá của Hà Văn Thùy, chưa từng có trong mọi sử sách nhân loại. Khi được người bạn trẻ hỏi về những chuyện này, nếu là người thực sự cầu thị, ông Phạm Trần Anh nên nói với họ: “Đó là đề xuất của một cá nhân, có thể đúng có thể sai. Bằng tất cả năng lực của mình, anh (chị) hãy phản bác ý tưởng đó. Nếu thành công, anh (chị) sẽ là thầy của nhà nghiên cứu này. Nhưng xin đừng vội nói “không chấp nhận được” rồi cho qua!”                                   

Không hiểu Hoàng Đế không hiểu lịch sử Trung Hoa cũng đúng với trường hợp ông Phạm Trần Anh. Đó là việc, Đế Khốc chắt của Hoàng Đế là người Việt, vì theo ông, Hoàng Đế người Việt. Khốc đẻ ra Nghiêu, Tiết và Tắc. Khi Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Tiết và Tắc đã hậm hực. Khi Thuấn truyền cho Vũ thì Tiết và Tắc tạo phản, bị vua Vũ đánh đuổi ra phía Tây, buộc phải sống du mục. Khi nhà Hạ hủ bại, con cháu của Tiết là Thành Thang lấy danh nghĩa khôi phục đế thống của Hoàng Đế, tập hợp dân chúng diệt nhà Hạ, lập nhà Thương. Khẳng định Hoàng Đế người Việt nhưng rồi cũng chính ông Phạm Trần Anh xác quyết hậu duệ của ngài là Mông Cổ! Tại sao lại có sự bất nhất như vậy? Ông không nhận ra rằng, từ Nghiêu, Thuấn đên Thương, Chu, lịch sử, văn hóa Trung Quốc là một dòng chảy liên tục, nhất quán. Nếu là triều đại ngoại bang xâm lăng thì làm sao sau cuộc chiến diệt vua Kiệt, nhà Thương phát triển ổn định, làm nên văn minh Trung Hoa rực rỡ? Nhà Thương là triều đại được coi là chính thức khai sáng Trung Quốc, văn tự đã trưởng thành, được thế giới nghiên cứu kỹ lưỡng đâu phải chuyện tù mù mà tùy ý bịa đặt thưa ông?

4.Cái tật của ông Phạm Trần Anh là sính “sáng tạo” thuật ngữ: “Người Tiền Việt” (Proto-Viets); đại chủng Hòa Bình, đại chủng Bách Việt; người Indonesian mà chúng tôi gọi là Malaysian=Malayo-Viets; Dân tộc Việt là một dân tộc thuộc đại chủng Hoabinhoids... Người xưa dạy, nhập gia tùy tục. Gì đi nữa thì anh cũng chỉ là người nghiên cứu nghiệp dư. Bước vào lâu đài nghiêm cẩn của những nhà viết sử chuyên nghiệp, trước hết phải tôn trọng các “tục” của họ. Trong đó thuật ngữ là những công cụ được điển chế nghiêm nhặt. Một thuật ngữ đưa ra để được chấp nhận là cực khó. Phải trình bày đề án, được cộng đồng cứu xét rồi công nhận như tài sản chung. Đâu phải chuyện ai muốn cũng có thể tung ra những thuật ngữ theo ý mình? Xin được hỏi: Tại sao lại là Tiền Việt? tiêu chí của người Tiền Việt là gì về mặt di truyền, về mặt văn hóa? Nó khác người Việt ở chỗ nào? Hòa Bình là một nền văn hóa, con người của nó được gọi là Hoabinhian trong dòng dân cư và văn hóa Việt, xuất hiện từ khoảng 22.000 năm trước. Vậy trước cái gọi là đại chủng Hòa Bình thì con người được gọi là gì? Khi văn hóa Hòa Bình bị văn hóa khác thay thế thì cái “đại chủng Hòa Bình” có còn không? Tại sao không dùng danh xưng tộc Việt, người Việt xuyên suốt? Đai chủng Bách Việt lại càng vô lối. Bởi ông hiểu sai về Bách Việt nên nói theo cảm tính. Bách Việt chỉ là khoảng hơn chục tiểu quốc xuất hiện khi nước Việt của Vô Cương bị nước Sở diệt. Con cháu của Vô Cương đứng lên làm vua một quận một huyện, mà cũng chỉ tồn tại từ năm 333 tới 222 TCN thì biến mất. Hơn chục tiểu quốc, thủ lĩnh chỉ dám xưng là “quân trưởng,” đầu không chằng, chân không rễ thì làm sao mà xứng đáng với danh xưng to tát “đại chủng” gán cho nó?

5.Đôi chuyện hài xin kể để mua vui. Có người hỏi tôi: “Sử của Phạm Trần Ânh có nhiều ý tưởng rất giống của bác. Tại sao vậy?” Tôi cười: “Thì tôi cũng chỉ dịch của người khác thôi mà!” Tuy nhiên sự đời không đơn giản vậy. Mượn văn thời @ rất dễ. Nhưng không phải bao giờ ăn vụng cũng chùi được mép. Còn nhớ, năm 2004, ký giả Hoài Thanh của tờ Người Việt ở Cali chuyển cho bài báo của Jin Li trên tờ Los Angelet time ngày 29.9.1998, viết về việc người di cư châu Phi tới Việt Nam. Quá mừng, tôi dịch, vô tư phiên tên tác giả là Lý Tiến rồi công bố. Ít lâu sau bản dịch cùng cái tên Lý Tiến vào ngồi trong sách của ông Phạm Trần Anh. Chuyện thường ngày… Nhưng nhiều năm sau, gặp những bài khác của vị Giáo sư Đại học Phúc Đán này, tôi tra cứu kỹ hơn thì giật mình: Jin Li phải phiên là Kim Lực. Ở những tài liệu sau này tôi không dùng tên Lý Tiến nữa. Nhưng thật tội nghiệp, đứa con hoang của tôi vẫn nhăn răng cười nhạo cái dốt của cha nó trong sách của “sử gia” họ Phạm. Năm 2006 từ một thông tin trên mạng về việc khám phá ra chữ cổ 12000 năm trước ở di chỉ Bán Pha Thiểm Tây Trung Quốc, tôi truy cập tài liệu gốc trên tạp chí hàng đầu rồi viết thành bài báo hoành tráng Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt. Mấy năm sau, nghi ngờ sự chính xác của tài liệu, tôi tra tìm thì nó biến mất tăm. Hóa ra khi phát hiên bị lừa, tạp chí đã rút bài. Sự thật, di chỉ đó chỉ có 6700–5600 tuổi. Chữ khắc trên bình gốm đang ở dạng giáp cốt văn, chẳng có “bản thông điệp” nào cả! Từ lâu tôi đã quên cái chuyện ngớ ngẩn này nhưng không hiểu sao nó lại hiện về chình ình trên bài viết phản bác tôi của ông Phạm Trần Anh di chỉ Bán Pha 12.000 năm trước?! Trong bài viết của mình, nhà yêu dân tộc Phạm Trần Anh dõng dạc kêu to cảm thán: “Chữ Trung Hoa là chữ Việt cổ. Nền văn minh Trung Quốc chính là văn minh Việt cổ. Núi Thái Sơn và Sông Nguồn là có thật…” Xin ông làm ơn cho biết, những ý tưởng vốn “lạ tai” trên là phát kiến của ông hay được chép từ sách nào?!

Tự hào dân tộc là điều tốt nhưng xin đừng biến cái “tự hào” thành một thứ khẩu hiệu thùng rỗng kêu to. Viết sử để lại cho muôn đời không đơn giản. Hơn đâu hết, sử “quý hồ chân ...” Đấy là lời sau cùng xin thưa với ông Phạm Trần Anh.

                                                                                                                        

                                                                                                                                                                                                                                                      Sài Gòn, 17.3. 2021

 

Tài liệu tham khảo

1 S.W. Ballinger et al. Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204787/

2. Chuan-Chao Wang & Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes

https://www.researchgate.net/publication/237015791_Inferring_human_history_in_East_Asia_from_Y_chromosomes

3.Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China:The Disparity between Archeological Discovery and

the Documentary Record and Its Explanation

http://sino-platonic.org/complete/spp175_chinese_civilization_agriculture.pdf

 

CẢNH BÁO VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM BỊ ĐÁNH TRÁO


 

Kính gửi nhân sỹ trí thức cùng đồng bào người Việt trong và ngoài nước!

Tôi, nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy xin cảnh báo với quý vị về nguy cơ lịch sử dân tộc bị đánh tráo.

 

Sang thế kỷ XXI, nhờ thành tựu của di truyền và khảo cổ học, học giả thế giới tập trung nghiên cứu lịch sử dân cư Đông Á. Đến nay nhiều ý kiến cho rằng, có hai con đường đưa người châu Phi di cư tới phương Đông. Con đường phía Nam làm nên dân cư bản địa Đông Nam Á mang mã di truyền Australoid. Con đường phía Bắc làm nên người nông dân Trung Quốc chủng Mongoloid phương Nam. Một làn sóng người Trung Quốc di cư xuống, trùm lên dân cư bản địa, tạo nên người Việt Nam hôm nay. Vận dụng quan điểm này, học giả Trung Quốc đưa ra thuyết: “Từ đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Hán đi xuống lưu vực Dương Tử làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Trong khi đó một đám li khai đi xuống Việt Nam thành người Việt Nam hôm nay.” Từ ý tưởng của các học giả, năm 2018 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Thủ đô Hà Nội kêu gọi người Việt Nam: “Lãng tử hồi đầu - những đứa con đi hoang hãy trở về nhà!”

Nhưng nghiên cứu của tôi 15 năm qua cho thấy sự thực khác. Chỉ có duy nhất con đường phương Nam theo ven Ấn Độ Dương đưa hai đai chủng người châu Phi Australoid và Mongoloid di cư tới Việt Nam. Tại Việt Nam họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ mang mã di truyền Australoid. Người Việt đi lên Quảng Đông, Quảng Tây rồi từ đây lan tỏa ra toàn bộ Hoa lục. 20.000 năm trước, tại di chỉ Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, người Việt làm ra đồ gốm đầu tiên. 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 9000 năm trước, từ Nam Dương Tử, người Việt đi lên xây dựng nông nghiệp lúa nước ở Giả Hồ Hà Nam rồi văn hóa trồng kê ở Xinglonggou Nội Mông, Ngưỡng Thiều tỉnh Sơn Tây. 7.000 năm trước, tại Ngưỡng Thiều, người Việt gặp gỡ, hòa huyết với người Mongoloid phương Bắc ( cũng từ Việt Nam đi lên) sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Người  Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, chiếm lĩnh lưu vực Hoàng Hà.

Năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục ở bờ Bắc, đánh chiếm miền Trung Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế. Tỵ nạn chiến tranh, từ nửa sau thiên niên kỷ III TCN, nhiều lớp người ở Nam Hoàng Hà di cư, đem nguồn gen Mongoloid xuống hòa huyết với dân bản địa, chuyển hóa dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam như hiện nay. Trong khi đó, người Việt ở lại lưu vực Hoàng Hà một phần trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, phần còn lại sống trong các tiểu quốc hay bộ tộc độc lập, luôn chống lại cuộc xâm lăng của triều đình Hoa Hạ. Sau đó họ hợp tác với nhà Chu đánh bại nhà Thương rồi trở thành chư hầu nhà Chu. Khi Lưu Bang lập quốc, họ trở thành người Hán. Như vậy, người Hán là lớp dân cư trẻ nhất Hoa lục, do người Việt cổ sinh ra 7000 năm trước.

Lịch sử nêu trên cho thấy người Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 70.000 năm trước thuộc loại hình Australoid, giai đoạn sau mang mã di truyền Mongoloid phương Nam do người di cư từ Núi Thái-Trong Nguồn trở về hòa huyết với dân tại chỗ. Đó là quá trình chuyển hóa di truyền kéo dài ngót 300 năm cuối của thiên niên kỷ III TCN mà không phải sự thay thế dân cư cơ học. Bức tranh toàn cảnh lịch sử dân cư Đông Á là:

200.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus hoàn toàn rời khỏi đất Đông Á. 70.000 năm trước, người hiên đại Homo sapiens từ châu Phi theo ven Ấn Độ Dương đặt chân tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra chiếm lĩnh Hoa lục, làm nên dân cư Trung Quốc. Do đó, người Việt là chủ thể làm nên dân cư Trung Quốc. Tiếng Việt, chữ Việt là chủ thể làm nên tiếng nói, chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là cội nguồn của văn minh Trung Hoa.

Trong nhiều cuốn sách và bài viết của mình, bằng những cứ liệu di truyền học, tôi đã chứng minh rằng “Không hề có làn sóng di cư lớn của người Trung Quốc tràn xuống thay thế dân cư bản địa, làm nên người Việt Nam.”  Bởi lẽ nếu việc này xảy ra, người Việt Nam phải là hậu duệ của người Trung Quốc. Theo nguyên lý di truyền, người Việt Nam sẽ có đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Tuy nhiên các khảo cứu DNA dân cư châu Á đều xác nhận: người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Như vậy, di truyền học khẳng định không có chuyện người phương Bắc xuống thay thế dân cư Việt Nam. Người Việt Nam là trưởng tộc trong dòng giống Việt trên đất Đông Á.

Tôi cũng đã chứng minh bằng những cứ liệu khảo cổ học. Sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử, năm 2016, học giả Trung Quốc công bố: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.” Điều này có nghĩa là họ thừa nhận, người Lạc Việt từ phương Nam đi lên xây dựng văn hóa Lương Chử sau đó xây dựng văn hóa đồng bằng miền Trung Hoàng Hà.

Đấy là sự thật. Đáng buồn là các học giả quốc tế không nhìn ra sự thật này. Tôi hình dung ra tình trạng đen tối phía trước. Dựa vào số đông cùng uy thế các trung tâm học thuật lớn, không lâu nữa, những ý tưởng sai lầm của họ trở thành kết luận chính thức. Đó là thảm kịch không chỉ với khoa học mà cho cả dân tộc Việt Nam: một lịch sử bị đánh tráo! Từ chỗ là ngành trưởng của tộc Việt, giữ đất hương hỏa thờ phụng tổ tiên, chúng ta bị biến thành đám lạc loài để cho con cháu dạy bảo: lãng tử hồi đầu! Thực dân về đất đai rồi sẽ giành lại được nhưng thực dân về văn hóa sẽ tác hại lâu dài không chỉ thay đổi lịch sử mà còn tác động tới số phận dân tộc.

Thưa quý vị nhân sỹ trí thức cùng đồng bào,

Là nhà nghiên cứu độc lập, tôi không đủ điều kiện tranh biện với học giả quốc tế. Do đây là việc lớn của quốc gia nên chỉ có thể giải quyết trong tầm quốc gia. Thiết nghĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần xây dựng đề án Nghiên cứu lịch sử hình thành dân cư Đông Á. Khi nghiên cứu hoàn thành, Việt Nam đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế để báo cáo đề tài nghiên cứu. Từ cọ xát với giới khoa học quốc tế, chúng ta sẽ khẳng định sự đúng đắn của mình.

Kính

Hà Văn Thùy

                                                                        Sài Gòn, ngày 8.1.2021

 

LẦM LẪN ĐÁNG TIẾC VỀ SỬ VIỆT CỦA ÔNG PHẠM TRẦN ANH


 

Nhiều năm nay, ở hải ngoại, ông Phạm Trần Anh bỏ công sức viết về sử Việt. Do tiếp thu thành tựu mới của thế kỷ XXI, ông đã trình bày một phiên bản lịch sử Việt Nam khác với quan niệm truyền thống. Không như sự hiểu lầm xưa nay là con người cũng như văn hóa Việt Nam đều bắt nguồn từ Trung Quốc, ông xác định, người Việt là một đại tộc, làm nên dân cư cùng văn hóa phương Đông. Những trang sử đầy nhiệt tâm của vị lão thành từng bị tù đày nhiều năm tháng vì nạn nước đã mở mang hiểu biết và truyền lòng tự hào dân tộc đến đồng bào. Do vậy nhiều vị học giả tên tuổi biểu tỏ sự khen ngợi chân thành.

Đáng tiếc là do những hạn chế chủ quan cũng như khách quan, sử của ông còn một số việc chưa chính xác. E rằng nhiều điều lộng giả thành chân ảnh hưởng tiêu cực đến đồng bào và nhất là thế hệ trẻ đang khát khao tìm hiểu sử Việt nên chúng tôi xin thưa lại đôi điều.

1.Ông Phạm Trần Anh viết: “Tôi gọi người Hòa Bình là Tiền Việt.” Xin hỏi, dựa trên tiêu chí nào mà nói như vậy? Nói vậy có nghĩa là người Hòa Bình chưa phải người Việt mà đang trong quá trình tiến hóa để trở thành người Việt? Hoàn toàn không phải như vậy. Sau khi khảo sát 35 cốt sọ Thời đồ đá và 35 cốt sọ Thời kim khí trên đất Việt Nam, Giáo sư Nhân học Nguyễn Đình Khoa nhận định: “Thời đồ đá, dân cư Việt Nam là người Việt cổ thuộc loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể đất này, không hiểu do nhập cư hay đồng hóa.” (1) Như vậy, Nhân học xác nhận, người Hòa Bình là người Việt cổ. Đưa ra thuật ngữ khoa học là công việc của nhà chuyên môn hẹp. Các sử gia chuyên nghiệp cũng ít ai mạo hiểm làm chuyện này!

2. Ông Phạm Trần Anh cho rằng, “Có ba lần đại hồng thủy 14.500 năm, 11.500 năm và 8.000 năm trước, nước dâng lên tới Việt Trì. Đai hồng thủy khiến người Hòa Bình bị dồn lên tới tận Hymalaya. 5000 năm trước khi nước rút, người Việt trở về, vừa đi vừa xây dựng văn hóa nông nghiệp.” Theo chúng tôi được biết, không hề có chuyện như vậy. Những lời trên có tới ba điều sai.

i. Đại hồng thủy 8.000 năm trước không hề dâng nước tới Việt Trì. Đó là ngấn nước do nước biển hàng triệu năm trước để lại mà không phải ở thời văn hóa Bắc Sơn.

ii. Người Việt cổ đi lên Hymalaya không phải do thúc đẩy của đại hồng thủy mà là di cư chiếm lĩnh Hoa lục từ 40.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét, nghĩa là khi chưa có biển nên cũng chẳng làm gì có hồng thủy.

iii. Đại hồng thủy 8.000 năm trước chỉ tàn phá vùng bờ biển Đông mà không ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam. Chứng cứ là các văn hóa khảo cổ trên đất Việt Nam phát triển liên tục, từ Hòa Bình tới Bắc Sơn. Ở phía bắc, tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, cách Việt Nam khoảng 100 cây số, người Việt sinh sống liên tục từ 25.000 năm trước. 20.000 năm trước chế ra đồ gốm đầu tiên, 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước và duy trì văn hóa nông nghiệp mãi tới sau này, không hề bị đứt đoạn vì đại hồng thủy. Do vậy cũng không có chuyện người Hòa Bình bị dồn lên Hymalaya.

3. Ông Phạm Trần Anh cho rằng, người tiền sử rời châu Phi 800.000 năm trước. Ở đây có điều chưa rõ ràng do không rõ “người tiền sử” là ai? Nếu hiểu “người tiền sử” là người đứng thẳng Homo erectus thì không phải họ rời châu Phi 800.000 năm trước mà là hai triệu năm trước. Nếu hiểu “người tiền sử” theo quan niệm khoa học là loài Homo sapiens thời chưa có sử thì 800.000 năm trước chưa ra đời!

4. Ông Phạm Trần Anh cho rằng những nước Tề, Lỗ, Sở, Việt… thời Xuân Thu là Bách Việt, là trăm chi tộc Việt. Hoàn toàn không phải vậy. Danh xưng Bách Việt xuất hiện đầu tiên trong thiên Thị quân, sách Lã Thị Xuân Thu đời Tần: “Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt của Vô Cương. Con cháu Vô Cương chia nhau, người làm vua, người làm quân trưởng, đều thần phục Sở, gọi chung là Bách Việt.” Như vậy, Bách Việt chỉ là hơn chục tiểu quốc bị chia tách từ nước Việt ở Nam Dương Tử và chấm dứt năm 222 TCN nên không thể là cội nguồn của Lạc Việt và cũng không phải là trăm chi tộc Việt.

5. Ông Phạm Trần Anh nói: “Người ta tìm thấy chữ “Việt” 20.000 năm trước tại Sơn Đông.” Hoàn toàn không có chuyện này. 11 chữ được tìm thấy sớm nhất cho đến nay là ở văn hóa Giả Hồ Hà Nam 9000 năm trước mà không có chữ Việt. Ký tự sớm nhất có thể thấy ở Bãi đá Đồng Văn còn rất mơ hồ cũng chỉ có tuổi khoảng 10.000 năm. Không thể có chữ “Việt” 20.000 năm trước.

6. Một lầm lẫn khác không chỉ của ông Phạm Trần Anh mà còn của nhiều người khác là cho rằng người Hán là dân du mục. Không phải vậy. Sống ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Hán là dân nông nghiệp thực thụ vì đất đồng bằng không thể du mục. Chỉ ở miền Tây Bắc, trên cao nguyên Thanh Hải, dân cư mới du mục. Bộ tộc Thương, Chu khi bị Hạ Vũ đánh đuổi thì dạt về phía Tây sống du mục. Sau khi giành được nước, họ trở về trồng kê trên cao nguyên Hoàng Thổ.

7. Ông Phạm Trần Anh cho rằng “Lạc Long Quân bảo Âu Cơ đưa 50 con về Thủy Phủ ở Hồ Nam.” Thực sự, nếu có thì địa danh “Thủy Phủ” chỉ xuất hiện từ thời Đường. Thời Lạc Long Quân gần 5000 năm trước trong tiếng Việt chưa thể có từ “Thủy Phủ.” Đó là do truyện lưu truyền trong dân gian nên người sau thêm thắt. Nên trả lại nguyên văn câu chuyện “Năm mươi con xuống biển và năm mươi con lên núi.”

8. Ông Phạm Trần Anh nói: “Hoàng Đế người Việt vì ở Sơn Đông có ngôi miếu thờ thành hoàng là Hoàng Đế.” Rõ ràng, ở chỗ này ông đã lầm lẫn giữa lịch sử và truyền thuyết. Hoàng Đế là nhân vật lịch sử có thật, năm 2698 TCN lãnh đạo bộ tộc du mục Hiên Viên tấn công vào Trác Lộc chiếm đất của người Việt. Sau thắng lợi, ông lên ngôi vua, lập vương triều Hoàng Đế. Có thể ở Sơn Đông có miếu thờ Hoàng Đế làm thành hoàng nhưng đó là chuyện thờ tự về sau theo tín ngưỡng dân gian.

9. Do không nắm được phả hệ ngũ đế nên ông Phạm Trần Anh lầm lẫn cho rằng nhà Thương người Tàu chiếm nước của Hạ Vũ người Việt. Sự thực là, khi vào Nam Hoàng Hà, Hoàng Đế và người của ông là tộc Mông Cổ. Con ông Chuyên Húc, rồi cháu ông Thiếu Hạo vẫn là Mông Cổ. Nhưng đời thứ tư, chắt ông là Đế Khốc do hòa huyết nhiều đời, đã thành người Việt với tước đế đứng trước tên riêng và nước da đen (đen như cốc à khốc) của người Việt. Từ phả hệ Hoàng Đế suy rộng ra, xã hội cũng biến hóa tương tự. Lớp con lai Mông-Việt được gọi là Hoa Hạ, một lớp người ưu tú dần thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo đất nước, làm nên thời Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Nhưng theo thời gian, người Hoa Hạ bị đồng hóa về máu huyết và văn hóa trở thành người Việt. Các con của Đế Khốc là Nghiêu, Tiết, Tắc càng Việt hơn. Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền cho Vũ, cũng người Việt nhưng không thuộc hoàng tộc. Con cháu ông Tiết ông Tắc tranh ngôi với Vũ nên bị đánh đuổi về cao nguyên phía Tây, chuyển sang lối sống du mục. Khi nhà Hạ suy đồi, hậu duệ ông Tiết lấy danh nghĩa dòng họ Hoàng Đế, tập hợp dân chúng diệt nhà Hạ lập nhà Thương. Thành Thang được gọi là Đế Ất, có nước da đen như than của dân Việt (Thang là cách gọi trại của than). Như vậy, nhà Thương, cả vua và dân đều là người Việt. Nhà Chu cũng Việt. Chỉ có điều, sống trong quốc gia riêng, họ tự nhận là Hoa Hạ văn minh rồi kỳ thị đồng bào của mình.

10. Ông Phạm Trần Anh nói: “Nước của Kinh Dương Vương lập ra là Xích Quy do vùng đó đất bazal có màu đỏ. Xích Quỷ là do người Hán đặt ra để nói xấu người Việt.” Điều này không phù hợp thực tế vì đất vùng kinh đô Lương Chử là cửa sông Chiết Giang, đất phù sa ven biển. Xích Quỷ được đặt theo tên sao Quỷ là ngôi sao phương Nam trong Nhị thập bát tú. Thời đó “quỷ” không có nghĩa xấu vì ở Nam Hà Nam cũng có nước Quỷ Phương của người Việt đánh nhau dài đài với vua Thuấn.

 11.Lầm lẫn tai hại nhất của ông Phạm Trần Anh là cho rằng người Hán và người Việt thuộc hai chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là lầm lẫn của nhiều người khác. Năm 2019, viện di truyền Vinmec sau khi giải trình tự 305 bộ gen người Kinh cũng tuyên bố: “Gen người Việt khác người Hán” (!) Về mặt khoa học, muốn biết hai cộng đồng cùng một chủng hay khác chủng tộc thì trước hết phải xem khoa nhân học đặt tên họ ra sao? Học giả Trung Quốc Ho Ping-Ti (何平钛) viết: “Theo trường phái nhân học Xô Viết, người Hán bao gồm 93% dân cư Trung Quốc thuộc chủng Mongoloid phương Nam.” (2) Trong khi đó, di truyền và khảo cổ học xác nhận: “Từ 2000 năm TCN, dân cư Việt Nam thuộc chủng tộc Mongoloid phương Nam.” (1) Cùng Mongoloid phương Nam thì làm sao Hoa, Việt lại là hai chủng tộc khác nhau? Năm 1992, S.W. Ballinger et al. thuộc Hiệp hội Di truyền học Hoa Kỳ công bố: “Đại bộ phận dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Trong đó người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất, có nghĩa là người Việt Nam già nhất trong dân cư châu Á.” (3) Thực tế đó cho thấy, trong quan niệm từ xưa cho rằng “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” là chính xác. Cha ông ta chỉ sai ở chỗ do chưa hiểu đúng sự thật lịch sử nên “nói ngược,”   coi con người và văn hóa Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Nay sự thật được xác định lại: Việt Nam là cội nguồn của dân cư và văn hóa phương Đông. Điều xót xa là tuy đồng văn đồng chủng nhưng vì mưu đồ riêng mà người Hoa cho người Việt là man di rồi phát động những cuộc chiến tranh xâm lăng tàn bạo gây hận thù dân tộc. Nay việc phải làm là nhìn nhận đúng sự thật lịch sử để nối lại tình máu huyết, đồng bào, hóa giải oán thù xưa, tạo dựng hòa bình hữu nghị giữa hai anh em cùng chủng tộc. Việc hiểu sai khoa học rồi khẳng định Việt Hoa là hai dân tộc khác nhau có thể gây sâu sắc thêm thù hận là điều đáng tiếc.

Việc bỏ tâm huyết viết sách trình bày những phát hiện mới về lịch sử dân tộc là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, do những hạn chế trong nghiên cứu, sử của ông Phạm Trần Anh mắc những sai lầm đáng tiếc, gây hiểu lầm cho bạn đọc. Mong rằng, những góp ý này sẽ giúp tác giả chỉnh sửa lại cho lần xuất bản sau.

                                                                             Sài Gòn, Lập Xuân Tân Sửu

                                                                  H.V.T

 

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. HN, 1983.

2. Ho Ping-Ti (何平钛). The Cradle of the East: An Inquiry into the Indigenous Origins of Techniques and Ideas of Neolithic and Early Historic China, 5000-3000 BC

https://www.amazon.com/Cradle-East-Indigenous-Techniques-Neolithic/dp/0226345246

3. S.W. Ballinger. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migration. https://www.genetics.org/content/genetics/130/1/139.full.pdf