LUẬN VỀ VÔ MINH




Minh là sáng. Vô minh 無明 là tăm tối. Vô minh được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian. Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật "như nó là", cho ảo giác là sự thật, làm cho con người mê lầm tưởng đó là sự thật mà không thấy tự tính. Vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thực. Vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn, mà thế giới thực chất là vô thường. Vô minh là một kiến giải điên đảo, cho rằng thế giới độc lập với ý thức (tâm) mặc dù thế giới và ý thức chỉ là một. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thực, hai là nó xây dựng cái ảo ảnh, cái giả. Hai mặt này luôn luôn dựa vào nhau...
 Trong quan niệm phương Đông, Minh và Vô minh là hai mặt của cùng sự vật, gắn bó nhau trong mối quan hệ song trùng lưỡng hợp. Vô minh khiến cho Minh có ý nghĩa. Ngược lại, sự tương phản của Minh làm cho Vô minh thể hiện ra phẩm chất của mình. Chiều hướng của cuộc sống là làm sao giảm bớt sự Vô minh để ngày một tốt đẹp hơn. Muốn hiểu được minh triết Việt thiết tưởng cũng cần hiểu được sự vô minh trong con người Việt.
Minh triết cho rằng, con người là tiểu vũ trụ, là sinh mệnh duy nhất do trời đất thành tạo, được trao phó sứ mệnh thiêng liêng. Trong suốt cuộc đời đạp đất đội trời, con người phải tự tìm hiểu cái sứ mệnh mà tạo hóa trao cho mình để rồi đem hết tâm lực thực hiện sứ mệnh của mình. Do vậy, sự vô minh của con người là không biết mình là ai, không biết tổ tiên gốc gác từ đâu ra để rồi sống hoang dã như cây cỏ, nổi trôi như bèo bọt giữa biển lớn cuộc đời, để cho những năm tháng phí hoài.
Cũng vậy, một dân tộc vô minh là dân tộc không biết mình là ai. Không biết tổ tiên gốc gác từ đâu ra. Không biết tiền nhân trải qua lịch sử thế nào, sáng tạo những thành tựu văn hóa gì… Do vậy cam phận là dân tộc vị thành niên, thiểu năng trí tuệ, sống vật vờ bên rìa thế giới văn minh.
Ngày nay, nhờ thành tựu của khoa học thế giới, ta biết rằng, 70.000 năm trước, người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Tại đây, những nhóm người riêng lẻ gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ mang mã di truyền Australoid. Rồi từ Việt Nam, con người lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ và đi lên khai phá Hoa lục. Người Hòa Bình mang theo công cụ đá mới, đồ gốm, giống kê, giống lúa, giống gà, giống chó… cùng tộc danh Người Việt đi lên xây dựng nền kinh tế nông nghiêp rực rỡ ở lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà. Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn minh phương Đông. Người Việt làm nên chủ thể của dân cư Trung Quốc. Tiếng Lạc Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ tượng hình Giáp cốt văn của người Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa được xây dựng trên cơ sở văn hóa Việt…
Nhưng từ đầu Công nguyên, Việt Nam bị người Hán đô hộ. Do mất đất đai, người Việt Nam mất luôn chủ quyền rồi từ đó mất chữ viết và lịch sử.
Sau một nghìn năm nô lệ, khi giành lại quyền tự chủ, người Việt Nam tìm cách viết cuốn sử của mình. Tài liệu để viết sử một phần nhỏ lấy từ những truyền thuyết được lưu giữ trong ký ức cộng đồng. Phần nhiều hơn rút ra từ sách sử của người phương Bắc. Dòng đầu tiên cuốn Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị , tên Việt bắt đầu có từ đấy.”
Nay đọc lại, ta không khỏi chạnh lòng vì sự ngộ nhận đáng tiếc. Hồng Bàng thị lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN. Vào năm 2698 TCN nhà nước Hoàng Đế của Hiên Viên thị mới xuất hiện. Ra đời sau Xích Quỷ năm 181 năm thì làm sao mà Hoàng Đế “dựng muôn nước”?! Sự vô minh bắt đầu từ đấy. Chuyện bi hài cười ra mước mắt. Một dân tộc từng sinh ra toàn bộ dân cư châu Á, từng sáng tạo nền văn hóa rực rỡ, bị đánh tráo, biến thành con cháu của con cháu minh, học trò của chính học trò mình!
Cũng do không biết tổ tiên gốc gác nên cha ông ta tuy luôn nói tới “đồng bào – một bọc”mà không biết rằng, từ xa xưa các sắc dân sống trên đất Việt Nam: Thái, Mường, Mèo, Dao, Chăm, Ê đê, Khmer, Hoa… là cùng một tộc, là đồng bào để rồi sau khi giành được độc lập, học theo thói trịch thượng Đại Hán, các chính quyền quân chủ Việt Nam cho rằng, chỉ người Kinh mới là người Việt còn tất cả đều là man di. Từ đó gây ra những điều đáng buồn, đáng trách với đồng bào thiếu số, để lại những vết hằn đau đớn trong lịch sử. Một sự vô minh cười ra nước mắt: Tổ tiên xưa làm ra chữ Khoa đẩu. Suốt trong thời kỳ chiếm đóng, kẻ thống trị dốc sức triệt phá để độc tôn chữ Hán. Khi được độc lập, cha ông ta không ngờ rằng chữ của người Mường, người Thái là chữ của Tổ tiên nên học theo thiên triều gọi một cách khinh thị là Man tự của dân man mọi nên không dùng. Để rồi buộc phải tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ không những cực kỳ khó học mà càng cột dân tộc lệ thuộc hơn vào chữ Hán! Từ thời Lê cho đến sau này, thiết chế nhà nước ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Nhà Nguyễn càng tỏ ra vô minh hơn khi thay Bộ Luật Hồng Đức vừa dân tộc vừa tiến bộ bằng Bộ Luật Gia Long sao chép từ Luật nhà Thanh. Không chỉ vậy, triều đình còn tự nguyện biến mình thành người Hán. Sách sử chính thức của triều Nguyễn Đại Nam thực lục chép: “… Tai nghe nhiều thì quen, mắt thấy nhiều thì thuộc, cứ thế [người Miên] dần dà hòa nhập với phong tục người Hán; nếu lại có thêm sự giáo hóa của chính quyền, dùng văn hóa Hoa Hạ để biến đổi các dân tộc man di, xem ra sau vài chục năm thì có thể làm cho họ chẳng khác gì người Hán.” Ở đây triều Nguyễn tự xưng là “Hán”, “Hạ”, “Hán dân”, khoe mình là dòng chính thống [đích hệ] của văn hóa Trung Hoa!
Cũng do không biết cội nguồn gốc gác nên giữa thế kỷ XX, từ tài liệu của người Pháp, sử gia Đào Duy Anh chép  vào cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam: “Thoạt kỳ thủy, trên đất nước ta có người Melanésien sinh sống. Khoảng 2000 năm TCN,  do người Arien xâm lăng đất Ấn Độ, người Indonésien từ Ấn Độ chạy sang chiếm Đông Dương, tiêu diệt hoặc đẩy người Melanésien ra các đảo Đông Nam Á. Sau cùng, khoảng năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt tràn xuống chiếm Bắc Việt Nam, làm nên dân tộc Việt Nam hôm nay.”Không chỉ áp đặt cho chúng ta một lịch sử sai lạc mà còn gán cho đân tộc ta cái tội tổ tông là tàn bạo diệt chủng người thổ trước!
Tội ác được tạo nên từ sự vô minh. Vinh quang hiển hách cùng công lao vĩ đại của nhà Triệu đã nghìn năm được ghi trong tâm khảm dân tộc. Dù cuối thời Lê, Ngô Thì Sỹ có nông nổi đưa ra ý kiến phản biện thì sử gia nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên vai trò nhà Triệu và nước Nam Việt trong chính sử. Nhưng khi giành độc lập sau 80 năm nô lệ, sử gia Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhân danh triết thuyết cách mạng học đòi từ ngoại bang, đã quy kết Triệu Đà là kẻ xâm lăng rồi trục xuất Nam Việt khỏi chính sử. Không nghi ngờ tinh thần dân tộc của những người này. Nhưng không thể không thấy rằng, do vô minh, họ không hiểu cả dân tộc và lịch sử. Họ quy kết Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên quan điểm viết sử phản dân tộc. Do kiến văn hạn chế, họ cho Triệu Đà là người Hán rồi trút lên ông cùng họ Triệu lòng hận thù mù quáng. Do kiêu ngạo, họ cho mình hơn trí tuệ tiền nhân. Không chỉ phản đối các sử gia tiền bối, họ còn xúc phạm Nguyễn Trãi, người viết trong áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo Trải Triệu Đinh Lý Trần nối đời dựng nước. Họ cũng phủ định bậc thánh nhân Hồ Chí Minh, người đã viết: Triệu Đà là vị hiền quân, quốc danh Nam Việt trị dân năm đời. Nhưng vô minh nhất là họ xúc phạm hồn thiêng của hàng vạn người dân Việt đổ máu xương bảo vệ Nam Việt và các thế hệ người Việt hàng nghìn năm không ngớt khói hương kính ngưỡng Triệu Đà. Quả là vô minh khi họ cố tình không hiểu lòng dân trong câu Thương dân dân lập đền thờ, hại dân dân đái trôi mồ thối xương. Phải xót xa mà nói rằng, việc làm này gây đại hoạ, làm đảo lộn lịch sử, biến một dân tộc văn hiến trở thành man rợ, bất nhân thất đức nhục mạ, báng bổ Tổ tiên. Cũng từ đây dẫn tới vô minh tệ hại khác là xuyên tạc giá trị tuyệt vời minh triết của truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy. Do tối tăm không hiểu ý nghĩa của đoạn văn “Những con trai ăn phải máu nàng Mỵ Châu sinh ra ngọc. Ngọc ấy khi đem rửa bằng nước giếng chàng Trọng Thủy trầm mình sẽ trở nên tuyệt vời trong sáng,” người ta biến chuyện tình đẹp nhất thế gian thành câu chuyện cảnh giác rẻ tiền: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu, trái tim lầm chỗ để trên đầu!
Cũng do vô minh mà trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, khẩu hiệu đầu tiên được nêu lên là Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ. Họ không hiểu rằng, xa xưa, từ những người săn bắn hái lượm, tổ tiên ta sớm định cư để cấy trồng. Từ cộng đồng vô sản sản ban đầu, theo quy luật tiến hóa của cuộc sống, sẽ xuất hiện những người giỏi giang hơn, làm ăn khá giả hơn, dần trở nên giầu có. Đất nước của dân nghèo dần xuất hiện phú ông, chủ đất và những hương chức dẫn dắt làng xóm. Ở trình độ cao hơn, trong xã hội trọng xỉ - tôn trọng người cao tuổi với kinh nghiệm sống và sản xuất phong phú, việc học ra đời và trí thức xuất hiện. Trí thức là đỉnh cao phát triển của cộng đồng, như ánh sáng trí tuệ đẫn dắt dân tộc đi lên. Từ thực tế xã hội phương Đông, Lê Quý Đôn tổng kết: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng.”Vì vậy tiêu diệt trí thức cũng có nghĩa là tiêu diệt bộ phận ưu tú nhất trong cộng đồng. Sự vô minh đã gây ra tội ác hủy diệt dân tộc!
Một câu hỏi đau đớn gợi lên trong mỗi chúng ta là: vì sao tổ tiên sáng tạo nền văn hóa rực rỡ như thế mà vô minh bao trùm dân Việt tệ hại đến vậy?“Nghìn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm nô lệ giặc Tây”là suy tư thường trực, thậm chí trở thành ca từ của bài hát nổi tiếng. Nhưng có điều, di hại của cái lịch sử ô nhục đó chưa bao giờ được đưa lên bàn nghị sự để mổ xẻ cho ra lẽ. Đó là phức cảm của một cộng đồng nhược tiểu, tổ tiên ăn lông ở lỗ mông muội, tuy dám gồng mình đánh chết bỏ để giải phóng đất đai hết lần này đến lượt khác nhưng lại cam phận ngoan ngoãn cúi đầu dưới cái bóng văn hóa ngoại bang. Không chỉ nghìn năm tự nguyện làm học trò nhỏ của văn hóa Trung Hoa mà cũng trăm năm cúi đầu ngoan ngoãn chấp nhận sự dạy bảo của những thầy Tây. Công việc của người trí thức Việt chỉ là học rồi nhờ những điều học được để vinh thân phì gia, để được danh giá với đồng bào. Hiếm, hiếm lắm trong suốt lịch sử có những người sáng tạo, vượt qua những ông thầy Tàu thày Tây, thậm chí dám cãi lại họ… Cái thói quen thụ động gia nô, nhược tiểu ấy buồn thay lại trở thành nhân cách Việt. Vào thập kỷ 1920 học giả thực dân Pháp của Viễn Đông Bác cổ dạy rằng: “Tiếng Việt vay mượn 70% ngôn ngữ Hán.” Người Việt tin thế và dạy cho nhau suốt thế kỷ. Không chỉ vậy, có vị giáo sư tỏ ra giỏi hơn thầy, đã phát minh ”lớp từ Hán cổ và lớp từ Hán Việt-Việt hóa” trong tiếng Việt, khiến cho mức độ vay mượn của tiếng Việt còn cao hơn nhiều! Thật quái đản, dân ở cái xứ sông nước phải vẽ mình để tránh giao long lẽ nào không có thuyền có buồm mà phải mượn chữ “buồm” từ những kẻ chăn dê cưỡi ngựa trên đồng cỏ phương Bắc?! Hơn hai chục năm trước, có nhà nghiên cứu trẻ rụt rè viết rằng, chữ “Kẻ,”chữ “Mơ”là từ thuần Việt liền bị cây đa Hán Nôm Huệ Thiên dáng cho đòn chết tươi: “Kẻ nguyên là chữ Cái, Giới, Giái. Còn Mơ được biến âm từ Mai của Tàu, cả Bút, Viết cũng Tàu. Khang Hy Đại từ điển ghi…Tất cả đều là Hán, 100% made in China.” Đọc ông người ta tự hỏi, tổ tiên ta không có được tiếng nào riêng của mình sao? Có người nổi quạu: “Vậy trước khi gặp người Hán, tổ tiên ta gọi tứ khoái bằng gì?”Mang tiếng đọc nhiều biết rộng mà sao “học dả”lại không hiểu rằng, sách Thuyết văn giải tự, cuốn tự điển đầu tiên của Trung Quốc là cuốn sách trình bày cách đọc và giải nghĩa tiếng Việt?
Câu chuyện khác. Người bạn gửi cho tôi bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng nhan đề Đồng bào là gì* và yêu cầu cho nhận xét. Tác giả bài viết có biệt danh Nghê Dũ Lan tỏ ra là người hiểu biết, dẫn từ điển Thiều Chửu:
“ Bào là: (cái) bọc, anh em cùng một cha mẹ gọi là đồng bào (anh em ruột). Nói rộng ra, anh bố gọi là bào bá (bác ruột), em bố gọi là bào thúc (chú ruột). Người trong một nước cũng gọi là đồng bào, nghĩa là cùng là con cháu một ông tổ sinh ra vậy.” Rồi bình:
“Cách giảng như Thiều Chửu (đồng bào: cùng là con cháu một ông tổ sinh ra) có lẽ dễ làm “vừa bụng” không ít người quen nghĩ rằng “đồng bào” là một từ do người Việt sáng tạo ra. Đơn cử là Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (bản sửa đổi lần cuối lúc 08:43, ngày 25-1-2007) viết như sau (http://vi.wikipedia.org/...): “Đồng bào là một cách gọi giữa những người Việt Nam, có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Từ đồng bào được sử dụng dựa trên truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con. [sic] Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng và nở ra một trăm người con là dân tộc Việt Nam ngày nay.”
“Nếu hiểu lầm chỉ dân tộc nào vốn cùng từ một “bọc” của Âu Cơ đẻ ra mới được gọi “đồng bào” thì đương nhiên hai dân tộc Hoa và Khmer không thể gọi là “đồng bào”. Quan niệm này vừa sai, vừa nguy hiểm vì nó dễ đưa tới tinh thần phân biệt, kỳ thị (discrimination) làm phân hóa sự đoàn kết các dân tộc trong cùng một lãnh thổ quốc gia!”
“Sự thật, người Việt đã vay mượn hai chữ “đồng bào” từ Hán ngữ, cho nên “đồng bào” không phải là một sáng tạo của người Việt dựa theo huyền sử một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ như Wikipedia đã “tưởng tượng”! Ta dễ dàng thấy mục từ “đồng bào” trong các từ điển chữ Hán không do người Việt soạn, chẳng hạn:
1. Mathews’Chinese-English Dictionary (Shanghai: China Inland Mission and Presbyterian Mission Press, 1931), mục từ 6615-118 giảng là “uterine brothers; compatriots” (đồng bào huynh đệ là anh em một mẹ; người cùng một nước).
2. Từ điển Hán-Việt do Hầu Hàn Giang và Mạch Vĩ Lương cùng chủ biên (Bắc Kinh: Thương Vụ ấn thư quán, 1994, tr. 663) giảng đồng bào là: “anh chị em ruột”.
3. Chinese-English Dictionary Online (www.chinese-learner.com/dictionary) giảng là “fellow citizen or countryman”, tức đồng bào là người dân cùng một nước.
Tóm lại, đồng bào đơn giản chỉ có nghĩa là người dân có cùng quốc tịch, là công dân của cùng một nước. Vậy thì nói đồng bào người Hoa, đồng bào người Khmer là hoàn toàn đúng, là xác định hai thành phần anh em trong đại gia đình Việt Nam gồm 54 thành phần mà ta thường gọi là 54 dân tộc.”
Con người thông thái đang mạnh miệng dạy dỗ đồng bào mình trên tờ báo Sài Gòn Giải phóng quên rằng, truyền thuyết Một bọc trăm trứng xuất hiện thời Xích Quỷ. Khi Xích Quỷ tan rã, người Việt sống trên đất Trung Hoa vẫn giữ truyền thuyết nguồn gốc của mình. Các nhà nước Trung Quốc về sau tiếp thu truyền thuyết này. Nhưng do không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó nên đã giảng theo thực tế dân cư Trung Quốc, phục vụ ý đồ chính trị. Dù Trung Quốc có tới 5 chủng tộc khác nhau là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng thì họ vẫn dùng từ “đồng bào”.
Khái niệm đồng bào của người Việt vốn chỉ mối quan hệ nội bào, đồng tộc, cùng tổ tiên, dòng giống, trên đất Trung Hoa trở thành khái niệm quốc gia: mọi chủng người trong một quốc gia đều được gọi là đồng bào! Nghĩa mở rộng này được ghi vào từ điển Hán ngữ. Các nhà soạn từ điển phương Tây thế kỷ XIX, XX, là những học trò của văn hóa Hán, hoàn toàn tin rằng, chữ vuông do người Trung Quốc sáng tạo, ghi chép những sự kiện lịch sử văn hóa Trung Hoa nên đã căn cứ vào tự điển Trung Quốc để soạn thảo từ điển của mình, như tác giả bài viết đã dẫn.
Cũng như vậy, đồng bào vốn là tên gọi ban đầu của người Việt: cùng một bào thai hay cùng bọc. Tới thời Đường được chuyển thành Đường âm: cùng -> đồng; bọc -> bào. Sau nữa, qua thời Thanh, quan thoại Bắc Kinh nói tủng pao. Trong khi người Quảng Đông nói tồng pào! Riêng tại đất gốc Việt Nam, người Việt vừa dùng đồng bào nhưng cũng nói một bọc! Điều bi hài cười ra nước mắt ở đây là: chữ nghĩa đúng của người Việt, bị con cháu là người Trung Quốc hiểu sai rồi ghi thành kinh điển. Kinh điển Tàu được chuyển thành kinh sách Tây! Ông cha ta xưa học Hán tự nên hiểu sai, bái phục các thầy Tàu uyên thâm: chữ thánh hiền có bao giờ sai! Con cháu bây giờ thông thái hơn, đọc được cả chữ Tàu, cả chữ Tây nên càng tin sái cổ những cái… sai rồi vênh vang đem về dạy (dọa) đồng bào mình. Lý lẽ chắc nịch hàng tấn: sách Tàu nói, sách Tây nói?! Chỉ có Cụ Lạc Long Quân, Cụ Hùng Vương từ trên cao xanh nghe mà cười ra nước mắt: do vô minh nên cháu con tôn lũ dốt làm thầy rồi cúc cung học cái ngu!
Sang đầu thế kỷ này khi khoa học đọc cuốn thiên thư ADN được tạo hóa ghi trong máu huyết đồng bào châu Á, khám phá rằng đất Việt là nơi phát tích của dân cư phương Đông, tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa thì một “trí thức” Việt vẫn viết những dòng không chỉ nhục mạ tổ tiên mà còn phản khoa học như thế này: “Sớm nhất là sau năm 81 BC, bắt đầu ở Cửu Chân và sau đó tại quận Giao Chỉ và Nhật Nam người Hán thâm nhập Việt Nam. Từ đó ngôn ngữ Việt được khoác lên bộ áo ngoài rực rỡ nhất, lòe loẹt nhất, chiếm đến 70% từ vựng Việt Ngữ.” (1) Một người khác, Tiến sỹ Hán Nôm Trần Trọng Dương ăn theo “học dả”Hoa Kỳ L. Kelley mà chí ít bị hai tác giả người Việt gọi là ngu, cho rằng truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ là “diễn xướng từ tiểu thuyết Liễu nghị truyện của Tàu”(!)
Trong một Hội thảo khoa học ở Hà Nội, vị giáo sư triết học tặng tôi tập tài liệu “Tư duy tổng hợp”do ông biên soạn theo một chương trình được Nhà nước tài trợ. Với vẻ trân quý, ông dặn: “Anh ráng đọc rồi góp ý cho tôi nhé!”Đọc xong, từ Sài Gon, tôi gửi ông điện thư: “Người Việt là tổ sư của tư duy tổng hợp. Nếu nghiên cứu kỹ lối tư duy của tổ tiên rồi viết, bác sẽ là thầy của những giáo sư này thay vì làm học trò của họ!” Đau ở chỗ, do vô minh không biết mình là ai, sở trường sở đoản thế nào nên luôn nghĩ mình ngu hơn thiên hạ, lại biếng lười không dám suy nghĩ độc lập nên bất cứ điều gì cũng dịch của thiên hạ ra để học! Ai ai cũng tự nguyện làm học trò, biến cả dân tộc truyền đời thành học trò mà nhiều khi bi hài làm học trò của chính học trò mình! 
Do vô minh, nhiều người không biết rằng, do sống bằng nông nghiệp, dân phương Đông quan tâm đồng đều tới các yếu tố khác nhau của môi trường nên hình thành thói quen tư duy tổng hợp. Từ đây sáng tạo nguyên lý Âm Dương rồi Dịch lý, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Trong khi đó người phương Tây theo phương thức sống du mục trọng động nên hình thành thói quen tư duy phân tích: phát hiện nhanh những yếu tố khác nhau của môi trường. Tập quán này dẫn người phương Tây theo xu hướng thành triết gia duy lý và nhà khoa học. Sự thật lịch sử đã chia Đông Tây thành hai thế giới khác nhau về văn hóa. Mỗi bên có mặt mạnh và mặt yếu của mình. Nhưng hơn 300 năm nay văn minh phương Tây thống trị thế giới đã chèn ép văn hóa phương Đông khiến cho dân phương Đông mặc cảm về sự thấp kém của mình rồi tôn phục văn minh phương Tây. Điều này khiến cho phương Đông bị tha hóa, đánh mất bản sắc. Không biết rằng, tư duy tổng hợp phương Đông có nhiều lợi thế để phát huy làm nên sự tốt đẹp không chỉ cho phương Đông mà cho cả thế giới. Do vậy, rất nhiều dân phương Đông đôn đáo học theo phương Tây rồi rơi vào bi kịch “giở trăng giở đèn” không còn giữ được bản sắc phương Đông nữa nhưng cũng chẳng bao giờ tiến bằng phương Tây. Đúng như điều cổ nhân đã dạy: “Hộ đoản chung đoản, canh trường bất trường”- theo cái ngắn thi cuối cùng sẽ ngắn. Trồng cái dài cũng chẳng được dài!
Do vậy,  công việc hiện nay của người Việt là giải vô minh, nhận lấy ánh sáng minh triết. Giải vô minh, trước hết là phải viết lại sử Việt nhằm hiểu thực chất cội nguồn dân tộc từ đâu ra, có quá trình vận động thế nào để có mặt trên đất nước ta như ngày hôm nay. Từ đó ngõ hầu tìm lại bản sắc của mình, thế mạnh của mình để vững tin trên con đường đi tới. Đó là công việc to lớn và khó khăn nhất mà trước đây chưa thể làm. Rất mừng là, sang kỷ nguyên mới, nhờ trí tuệ nhân loại, chúng ta đã tìm ra lịch sử chân thực của dân tộc. Một lịch sử vô cùng vẻ vang: đất Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á. Từ đây, lớp lớp người Việt đi ra chiếm lĩnh thế giới và xây dựng văn hóa Việt rực rỡ mà đỉnh cao là minh triết Việt. Minh và vô minh là hai mặt của cuộc đời. Chỉ bằng sự giác ngộ, phá chấp, con người xua dần cái tối tăm để sống trong ánh sáng Minh triết, đó chính là Đạo Việt mà tổ tiên tu tập hàng vạn năm truyền lại cho chúng ta.
                                                                                                           
                                                                                                              Sài Gòn, Xuân Kỷ Hợi.

1.       Trương Thái Du. Nguồn gốc Vân Nam của trống đồng Việt ? https://nghiencuulichsu.com/2018/12/13/nguon-goc-van-nam-cua-trong-dong-viet/.

SỰ KHỦNG HOẢNG CỦA TRÍ TUỆ PHƯƠNG TÂY




Tương truyền, sau khi Sokrates qua đời, học trò của ông ở thành Athena dựng bức tượng thầy trên một mỏm đá mặt nhìn ra biển Egea, hai tay giơ cao, mỗi tay cầm một bó đuốc. Bó đuốc trên tay phải khắc chữ wisdom. Trên tay trái là bó đuốc có chữ Logos. Hai bó đuốc tỏa sáng như ngọn hải đăng dẫn lối cho người Hy Lạp và cả phương Tây bước đi dưới ánh sáng của Minh triết và Thần ngữ.
Nhưng rồi vào lúc nào đó, bó đuốc trên tay phải tắt ngấm, chỉ còn lại bó đuốc trên tay trái. Tin ở người dẫn lối thông tuệ, 2500 năm phương Tây mải miết theo con đường triết học duy lý. Thơ ca, âm nhạc, hội họa bị khinh rẻ đuổi khỏi diễn đàn, chỉ còn những triết gia kinh viện ngự cao vời trên đỉnh Olimpia, mài sắc lưỡi cùng ngòi bút để triết lý về những điều tưởng chừng cao siêu, nhưng nói như Voltaire: “ (Triết học) chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người.”
 Trong cuốn sách mang tên Đại thiết kế (The Grand Design-2010), Stephen Hawking khẳng định: Triết học đã chết- Philosophy is dead! Điều này không bất ngờ, vì đó chỉ là sự khái quát ở mức cao hơn một nhận định trước đó, có hơi hướng mỉa mai, cũng của chính ông trong cuốn sách rất nổi tiếng khác – Lược sử thời gian (A Brief History of Time - 1988) , rằng: nhiệm vụ còn lại của Triết học chỉ là trò phân tích ngôn ngữ! Tuy nhiên không phải S. Hawking là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này. Hơn trăm năm trước, Nietzsche (1844 – 1900) từng cảnh báo: “Hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với môt dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm tượng trưng bằng thần Dyonisus. Còn thần Apollo có tên là sáng láng, thần của ánh hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt.” “cái hồn ấy bị Socrates bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng nên Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm bởi năng khiếu biện l‎ý đã được vun tưới đến mức cực đoan nên đã cắt đứt với dòng truyền thống”(1) 
Trong thời điểm triết học đang cực thịnh mà nói như vậy quả là chuyện báng bổ. Nhưng Nietzsche không  cô độc vì sau ông còn có Karl Jaspes (1883 – 1969): “Thời Trục là thời giàu về tinh thần đến tột bực, còn thời ta tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt tinh thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca.” Ông hô hào phải “trở lại những giá trị Thời Trục là thời đã tạo dựng những giá trị truyền thống. Đó là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ nhân loại.” (2)
Triết gia thứ ba là Martin Heidegger (1889 – 1976) cho rằng “nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ tính thể thành hiện tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì nói về tính thể u linh, thì Triết học Cổ điển chuyển thành hữu thể, là vật thể tầm thường. Do vậy, Heidegger cho rằng Triết Cổ điển là thiếu căn cơ, tức thiếu nền tảng.”
“Tóm lại, ba triết gia Nietzsche, Jaspes, Heidegger nhận ra rằng, vì những sai lầm của các bậc tiền bối Socrates, Plato, Aristotle mà Triết cổ điển phương Tây bị cắt đứt với truyền thống tâm linh, tức cội nguồn Minh triết của nhân loại, trở thành duy lý, dưới hình thức một tri thức luận, một lĩnh vực chuyên môn nên không có ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống. Bởi lẽ, đời sống có tính cách toàn diện chứ không chỉ giới hạn ở lý trí. Sống đòi hỏi không chỉ có suy tư mà còn biết cảm xúc cũng như cả hành động tiến tới hiện thực. Sau khi tách rời khỏi Minh triết, Triết học không còn đóng nổi vai trò hướng đạo cuộc sống. Trong khi đó, con người vẫn cần phải sống, cần phải được dẫn dắt. Nhưng vì thiếu Minh triết nên người ta phải tạm “xài đỡ” đạo lý đời thường (common sense).  Đó chính là nguyên nhân của tình trạng ngộ nhận giữa Minh triết, Triết học, đạo lý đời thường cùng nhiều thứ khác...”(3) Do vậy, trở về Thời Trục để tìm lại Minh triết trở thành yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên tìm về minh triết lại là bi kịch của trí tuệ phương Tây. Một công việc vô tăm tích như “đi tìm thời gian đã mất” hay như người mất trí nhớ đi tìm lại nguồn cội của mình. Không gì bi hài hơn nếu ta lần theo vết chân của François Jullien, một triết gia hàng đầu đương đại:
“Ở châu Âu hiện nay, từ "sagesse" mà chúng tôi dịch là Minh triết có một nghĩa xấu, tuy vậy người ta có thể hiểu nó theo nghĩa xấu mà cũng có thể hiểu nó theo nghĩa tốt. Về nghĩa xấu thì tiêu biểu là ý kiến của triết gia Wittgenstein (triết gia Anh, gốc Áo), cho rằng "minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". Sau đây là một loại ý kiến đánh giá về Minh triết hiện nay: "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó". Đấy là một ý kiến rất coi thường Minh triết. Như vậy, "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống". Trong khi đó Triết học có cái đà của nó, có lửa nhiệt tình của nó. Minh triết khác với Triết học là ở chỗ đấy. Minh triết đi đến chỗ tiêu tan, nguội lạnh. Nhưng ngược lại, Voltaire lại cho rằng Triết học chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người. Voltaire là người đơn độc, ông không có hậu thế để tiếp tục ý kiến của mình. Như vậy vấn đề hiện nay là có hai cách đánh giá về Triết học, về Minh triết: Minh triết che đậy sự sống, còn Triết học thì xuyên tạc sự sống.
Cũng có hai cách đánh giá khác về Minh triết, về Triết học. Có một ý kiến cho rằng Minh triết là trên Triết học, còn có một ý kiến khác nói Minh triết là dưới Triết học. Cách đánh giá Minh triết trên Triết học có từ trước Plato, tức là người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết, là người yêu chuộng Minh triết… Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển.
Minh triết có một nhược điểm là không có lịch sử còn Triết học thì có lịch sử, nhiều lịch sử. Một bậc Hiền giả, một người Minh triết có thể có lịch sử nhưng sự phát triển của Minh triết không có lịch sử. Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy. Như vậy, Minh triết đã không được kiến tạo một cách lịch sử cho nên người ta đặt vấn đề tìm hiểu vị trí, vị thế chính thức của nó.” “Châu Âu chỉ còn giữ lại được của minh triết những đống đổ nát hay đôi mảng lớn cô lập: Pyrrhon, Montaigne, các nhà khắc kỷ chủ nghĩa”.
“Tóm lại, về Minh triết thì tôi cho rằng nó là hạ tầng của Triết học. Nhiệm vụ xây dựng Minh triết hiện nay là phải tạo ra những khái niệm cho mình, dùng những khái niệm đó để suy nghĩ những vấn đề mà Triết học bỏ rơi hay Triết học chưa nắm bắt được. Về vấn đề thở thì Minh triết phải tìm ra những khái niệm để diễn đạt, đào sâu hoạt động thở, tìm ra kết cấu của nó và tạo ra những khái niệm. Như vậy, Minh triết phải tạo cho mình những khái niệm.
- Bây giờ, Minh triết cũng phải quan tâm đến mối liên hệ với chính trị, tức là tạo cho nó một cái gì đấy của nó.
- Còn Minh triết ở Trung Quốc trong quan hệ với chính trị thì như thế nào? Trong quan hệ với chính trị, Minh triết ở Trung Hoa cổ không có một lập trường xác định. Tuy bên trong là ngay thẳng nhưng bên ngoài đối với chính quyền thì mềm dẻo, từ mềm dẻo đi đến chỗ luồn cúi, không có lập trường. Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường. Lập trường là thế nào? Tức là mình phải có quan điểm của mình. Vấn đề đó rất quan trọng, nhất là để hiểu những nhà Minh triết Trung Quốc cổ như thế nào và nó ảnh hưởng đến trí thức Trung Quốc hiện nay như thế nào.
- Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm… Đấy là đề nghị của tôi đối với công việc của Minh triết.(5)
Sự đời, muốn tìm cái gì đó thì trước hết phải biết cái mình cần tìm là gì. Nếu không thì chuyện tìm kiếm sẽ là tìm kim đáy bể hay kiếm cá ngọn cây! Từ trích dẫn trên, ta thấy vấn nạn ở phương Tây là sự thay đổi quan niệm về minh triết và triết học xảy ra từ Plato. “Trước Plato người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết, là người yêu chuộng Minh triết…Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển.” (5)
Câu dẫn trên hoàn toàn tư biện. Minh triết là sản phẩm hình thành từ xa xưa trong hoạt động xã hội của con người rồi bằng cảm nhận của mình, con người thế hệ sau phát hiện ra. Minh triết không là vật thể sống, không biết tư duy nên làm gì có chuyện tự nhận mình là thần thánh, nắm được tất cả, để rồi mất tất cả?! Đấy là lỗi của các triết gia đã gán cho minh triết những “tính nết” nó không hề có để rồi coi thường, kinh rẻ nó. Gán cho minh triết những phẩm tính tiêu cực cũng có nghĩa là rấp bỏ con đường đi tìm lại nó. Để tìm lại minh triết, công việc đáng lẽ phải làm là, tra vấn vì sao con người thời tiền Plato vốn “nhân chi sơ tính bản thiện” lại “cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và là trí tuệ của thần thánh?”Nghĩa là phải trả lời câu hỏi: vì sao minh triết cao hơn triết học? Vì sao minh triết lại là trí tuệ của thần thánh? Từ đó giải mã bí mật của minh triết, ngõ hầu tìm ra bản chất của minh triết, cội nguồn của minh triết để rồi nuôi dưỡng nó, làm giầu thêm sự khôn sáng của con người.
Trái với cách làm đó, học giới phương Tây áp đặt cho minh triết những thuộc tính mà nó vốn không có để rồi đưa ra quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó", "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống…"
Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, Minh triết (明悊) thì Minh () là sáng mà Triết () cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Triết () còn nghĩa khác là trí tuệ. Minh triết là trí tuệ sáng láng. Theo cách giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng!
 F. Jullien còn cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy.”Quan niệm như thế cũng trái với phương Đông. Thực tế phương Đông cho thấy Minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu muộn nhất khoảng 15.000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Nhà thực vật học người Mỹ Paul C. Mangelsdorf đã nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi sự hoang dã, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân. Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi những người vô danh trong dân gian, được nạp vào bộ nhớ dân gian làm nên văn hóa. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bền vững, thành phẩm chất di truyền (Phenotype) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung vào trầm tích văn hóa. Vì vậy, ở phương Đông, “Minh triết là những điều khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng văn hóa dân tộc.”
Hàng nghìn năm phương Tây đinh ninh cho rằng triết học = tình yêu minh triết (Phylosophia) nhưng đó là trò chơi chữ vô nghĩa. Một sự ngộ nhận chết người. Do quan niệm như thế nên người ta hy vọng rằng, khi đi tới cùng của triết học sẽ gặp minh triết. Sự thực đã không như vậy. Minh triết là minh triết mà triết học là triết học. Hai cái chẳng quan hệ gì với nhau, nếu không muốn nói là kẻ thù của nhau nên chẳng hề có chuyện “yêu đương” gì ở đây! Trong khi trường phái Pythagoras dung hợp ánh sáng mờ ảo tâm hồn, tâm linh của thần Opheus với ánh sáng trí tuệ minh nhiên của thần Apollo thì triết học đuổi thơ ca, hội họa, âm nhạc ra khỏi diễn đàn để duy nhất tôn vinh lý trí. Do vậy, cái cây triết học mọc trên mảnh đất cằn tư biện trở nên tiên thiên bất túc. Hãnh tiến với vai trò độc tôn của mình, nó không hề biết tới minh triết. Suốt 2500 năm phương Tây đã ngộ nhận, đã tự lầm lạc vì trò chơi chữ của mình. Không phải là tình yêu minh triết mà trái lại, triết học là kẻ thù, là kẻ hủy diệt minh triết: Triết học = Antisophia!
F. Jullien nói: “Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định” và “Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.” Không ngờ một nhà Hán học thời danh mà lại hồ đồ đến thế. Thực tế không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền vương đạo, không chịu bàn đến lợi của các vương hầu mà những cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Khuất Nguyên can vua không được mà tự trầm. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất là trường hợp bốn anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc. Sau khi ba người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng ”Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ“ không được chấp nhận thì cáo quan, hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì bất đắc chí... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nề của phong kiến thế tập châu Âu Trung cổ, đã từng mơ ước về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép “đuổi nó đi!“ Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức!
 F. Jullien còn nói: “Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn.“ Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa đến mức coi thái hòa là chủ đạo của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông“. Phương Đông không can thiệp “ngang xương“ vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết vào sự việc cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách tự nhiên, nhi nhiên.
Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan niệm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: “Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...“ theo tôi là xui dại. Minh triết là... minh triết, có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dưới dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Ông Mác nói chí lý: “Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài“. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Minh triết là hòn đá thử vàng, chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng của chính thể. Và đó là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Đức Phật dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” có biểu hiện thái độ chính trị không? Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó chỉ là cái bóng mờ của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng.
Hơn 2000 năm trí tuệ phương Tây bay trên hai cánh: khoa học và triết học. Triết học được tôn xưng là khoa học của khoa học, với những trường phái kế tiếp nhau bằng nhiều tên tuổi lẫy lừng, trở thành niềm tự hào của phương Tây và là vũ khí trí tuệ siêu việt thống trị phần còn lại của thế giới. Nhưng nay Triết học đã chết! Trí tuệ phương Tây chỉ còn phiêu diêu trên đôi cánh duy nhất là khoa học. Nhưng nền khoa học không có minh triết có nghĩa là không có trái tim, không có tâm hồn. Một nền khoa học mù lòa như vậy sẽ đưa nhân loại tới bờ hủy diệt.
Sau 2500 năm, có gã hiếu kỳ tới thăm pho tượng của Socrates bên bờ biển Egea. Gã nhận ra, hai ngọn đuốc trên tay ông được nối vào hai bể dầu nằm sâu trong trầm tích của văn minh Hy Lạp. Bể dầu thông với ngọn đuốc bên trái vừa khô cạn. Trong khi cái bể thông với ngọn đuốc bên phải thì từ lâu cạn khô trơ đáy nông choèn. Rồi gã chép miệng: không phải tại Socrates! Sự lạc đường của Hy Lạp là do nguồn Wisdom trong văn minh của họ quá nghèo!    
                                                                                               Sài Gòn, Xuân 2019

Tài liệu tham khảo.
1,2,3. Kim Định, Triết Lý Giáo Dục. http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
4. François Jullien. Bàn Về Minh Triết. http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm