Thư ngỏ kính gửi PGS-TS Nguyễn Tá Nhí

                         
Thưa Ông,

Bốn chục năm trước, khi bỏ nghề chuyên môn Bảo quan Lương thực của một cử nhân Côn trùng học, cầm bút viết văn, tôi tâm niệm một điều: “Muốn viết được câu văn tử tế, phải hiểu đến tận cùng lịch sử dân tộc.” Do không có cuốn sử nào đáp ứng được mong mỏi của mình nên vào tuổi 60 tôi dành hết thời gian cùng tâm lực tìm lại cội nguồn sinh học, văn hóa và lịch sử dân tộc.
Sau hơn 10 năm, tôi phát hiện, không như những cuốn sử đã có viết rằng, người Trung Hoa đi xuống, làm nên con người và văn hóa Việt Nam. Sự thật là 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa và xây dựng ở đó nền văn hóa nông nghiệp kỳ vĩ. Do người Trung Hoa là con cháu người lạc Việt nên tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng Trung Hoa. Không chỉ vậy, 9000 năm trước, người Lạc Việt ở Giả Hồ đã sáng tạo chữ tượng hình sớm nhất. 5000 - 6000 năm trước, chữ Giáp cốt của người Lạc Việt đã xuất hiện tại Bán Pha tỉnh Sơn Tây, Cảm Tang Quảng Tây, Lương Chử vùng Thái Hồ. Truyền thuyết Trung Quốc nói rằng Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm ra chữ. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện hư cấu bởi lẽ đến giữa đời Thương, người Hoa Hạ chưa có chữ. Nhưng khi vua Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Dương Việt tại Hà Nam thì Trung Quốc đột nhiên có chữ Giáp cốt ở mức độ trưởng thành. Đấy là sự thần kỳ mà cho đến nay học giả thế giới chưa giải thích được. Nhưng thực ra, sự việc quá đơn giản: chữ thờ cúng, bói toán (phù tự) Cảm Tang từ lâu được đưa lên Hà Nam. Khi chiếm đất An Dương, nhà Ân phát hiện loại chữ này. Với sức mạnh của nhà nước tập quyền, nhà Bàn Canh thu gom chữ Giáp cốt trong vùng đồng thời tổ chức chế tạo chữ theo quy mô lớn. Chữ không chỉ được dùng để bói toán tế tự mà còn ghi chép lịch sử, địa lý… tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa rực rỡ thời Chu. Trên thực tế, không hề có cái gọi là “từ Hán Việt” mà đó là tiếng Việt được nói ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường, được gọi là Đường âm, một thứ quan thoại sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đường âm được đưa sang dạy ở nước ta, được cha ông ta gọi là chữ Nho, hay chữ thánh hiền. Khi nước ta giành lại quyền tự chủ, cách đọc chữ Nho được giữ nguyên, trong khi ở Trung Quốc, do sự thống trị của nhà Nguyên rồi Thanh, tiếng nói ngày một xa tiếng Việt gốc.
Do sự trớ trêu của lịch sử, chúng ta bị mất đất, mất lịch sử, văn hóa nên mất luôn chữ viết. Từ đó dẫn tới ngộ nhận hàng nghìn năm cho rằng chữ Nho là chữ Hán, do kẻ xâm lược đưa sang để đồng hóa người Việt!
Khi sáng chế ra chữ Quốc ngữ, có học giả Pháp đã nói: “Chúng ta trao cho người Annam thứ chữ tiện dụng, giúp họ tiến nhanh tới nền văn minh nhưng rồi sau này, con cháu họ sẽ trách chúng ta đã tách rời họ ra khỏi quá khứ cha ông.”
Lời tiên đoán đã thành hiện thực. Ngày nay rất ít người đọc được chữ Nho. Điều này do chính sách sai của chúng ta, bỏ chữ Nho sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trong cả nước. Đó là cách làm khác hẳn Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở đó chữ Nho của tổ tiên được coi như tấm giấy chứng nhận thoát mù chữ khi bước vào đời! Tiếp xúc với nhiều trí thức Sài Gòn cũ tôi thấy do được học cổ văn nên vốn tri thức văn hóa của họ có chiều sâu.
Nói một cách chính xác, quốc ngữ tuy dễ học nhưng thực ra chỉ là xác chữ. Chữ Nho mới là hồn chữ của dân tộc. Không khó nhận ra cái tư duy sâu sắc giữa một bài viết của người “có chữ” với cái nông cạn hời hợt của người không biết chữ Nho. Càng buồn hơn khi ngày càng nhiều nhà văn nhà báo nói năng kiểu… “mục sở thị”!
Cái duy nhất còn nối chúng ta và con cháu với cha ông là khối thư tịch Hán Nôm, là những hoành phi, câu đối trong các đình chùa. Giấy đã rách, còn lại cái lề. Thật buồn khi nghe vị PGS.TS Hán Nôm đòi vứt bỏ luôn cả cái lề, bỏ luôn thứ chữ mà tổ tiên sáng tạo hàng nghìn năm trước!
 Chắc chắn rồi một ngày không xa, chữ Nho được trở lại trường phổ thông, để các cô tú, cậu tú thực sự là những tú tài!

Thưa ông,

Trong ý kiến của mình, ông “lấy làm tiếc rằng, ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều ngôi chùa người dân không dùng câu đối chữ quốc ngữ, thậm chí có nơi người ta lại sửa từ chữ quốc ngữ sang chữ Hán.” Điều này theo tôi không phải đáng tiếc mà là đáng mừng vì người dân đã trải nghiệm: họ không chấp nhận ngôi chùa với những câu đối chữ quốc ngữ sơn đỏ trên nền vôi trắng, trông phản cảm đến trơ trẽn. Và hơn nữa, có điều gì đó từ tâm linh họ mách bảo việc phải làm. Chính cái sự phản ứng âm thầm đó của người dân đã bảo tồn và làm nên sức sống của văn hóa Việt.