LỜI SAU CÙNG THƯA VỚI GS PHẠM VIỆT HƯNG

                          

Diễn đàn khoa học Việt vốn hiền lành yên ả dưới hai chủ xị Mác-Ăng cùng á thánh Darwin, bỗng nổi can qua. Không chỉ tung hoành trên báo chí chính thống mà búa rìu quyết liệt của trận đòn thù còn khuynh đảo các trường đại học. Tất cả nhằm chôn vùi Thuyết Tiến hóa vốn là tiền đề sinh ra chủ nghĩa duy vật, cái bệ hai vị thánh đang ngồi! Ai chủ trương? Ai bật đèn xanh? Phải chăng là “sự diễn biến” được phép? Thấy tuồng lạ, chúng tôi buộc phải coi tuồng!

Khuấy nước chọc trời ở đây là ông Phạm Việt Hưng, Giáo sư Toán-Cơ học về từ xứ Chuột túi. Thông thường, với những thức giả thì ngoài chuyên môn chính mang lại học hàm học vị, đã tự học thêm những tri thức khác để trở thành nhà bách khoa, luôn nói có sách, mách có chứng, nhằm bảo kê cái thương hiệu của mình. Nhưng vị này không vậy. Không hiểu chuyên môn Cơ-Toán ra sao nhưng chúng tôi dám cá rằng, ông hiểu rất nông cạn về Thuyết Tiến hóa, lại càng lơ mơ về kiến thức Sinh học. Vậy mà ông dám ngang nhiên nhảy vào hai lĩnh vực này để mục hạ vô nhân múa gậy giữa vườn hoang.

Chịu đời không thấu, chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng. 

Hơn trăm năm nay, những người thù Darwin luôn nhè đánh hai chỗ yếu của Thuyết Tiến hóa. Một là không đủ bằng chứng về sự tiến hóa từ vượn thành người. Hai là không thể đưa ra chứng cứ về mầm sống đầu tiên. Quả là hai tử huyệt khiến bao học giả tiền bối nhiều phen phải trần ai khoai củ!

Do vậy, chúng tôi xin thưa lại với Giáo sư Hưng bằng bài Đi tìm hóa thân của Chúa. (1) Biết Chúa lòng lành, lấy máu thịt mình làm ra Con người. Vậy lẽ nào Ngài chỉ sinh ra Homo sapiens? Còn những loài người sống trước chúng ta cũng xương ấy, cũng thịt ấy, thậm chí mã di truyền gần như nhau, lẽ nào không phải con cái Chúa? Hiểu lòng bác ái của Người, chúng tôi khẳng định, các loài người tiền nhiệm của chúng ta cũng chính là máu thịt Chúa. Vì vậy, trong khi Giáo sư Phạm Việt Hưng tuyên bố: “Sau hơn 150 năm kể từ khi Darwin công bố cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species, 1859), hóa thạch vẫn luôn luôn nói KHÔNG đối với Thuyết tiến hóa,” thì chúng tôi dẫn ra hàng loạt xương cốt hóa thạch hominin đầy rẫy trên sách giáo khoa cũng như Bách khoa toàn thư cùng những trang tạp chí mới nhất: Bộ xương Ardy 4 triệu năm, bộ xương Australopithecus 3-4 triệu năm trước, Người Java 1,9 triệu năm trước, Người Nguyên  Mưu 1,7 triệu năm trước, Người Núi Đọ 500.000 năm trước, bộ xương Moroco 300.000 năm trước, sọ người Đại Lý 200.000 năm trước, sọ người Lào 63.000 năm trước… Riêng về loài chúng ta, từ tra cứu tài liệu mới nhất, chúng tôi thưa với Giáo sư đáng kính rằng, lần đầu tiên, vào năm 1998, chúng ta biết Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi 180.000 năm trước. Nhưng, năm 2017 khảo cổ tìm ra xương người Moroco 300.000 năm tuổi và năm 2018 tại Hồ Magadi xứ Kenya tìm thấy di cốt người xưa nhất khoảng 320.000 năm! Vậy mà giáo sư của chúng ta vẫn bất chấp sự thật, lặp lại luận điệu bị vứt bỏ từ khuya: “hóa thạch vẫn luôn luôn nói KHÔNG đối với Thuyết tiến hóa” (!) Biết nói sao đây? Quả là không ai điếc bằng người không chịu nghe!

Lần thứ hai chúng tôi phải thưa chuyện với Giáo sư Hưng bằng bài Những hồi chuông gióng vội (2) là sau khi đọc bài Khoa học đã gióng lên 3 hồi chuông báo tử dành cho Thuyết Tiến Hóa. Ba hồi chuông ai oán ấy là:  

1. Đột biến gene chống lại sự tiến hóa!  

2. DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa! Và

3. Một Hội nghị khoa học quốc tế coi thuyết tiến hóa là một “trò lừa bịp.”

Sau khi gạt cái gọi là “Hội nghị khoa học quốc tế” lừa bịp sang một bên, thì bằng những lập luận bất khả phản bác, chúng tôi đã dập tắt hai hồi chuông đầu. 

Nói “Đột biến gen chống lại sự tiến hóa” là chẳng hiểu gì về gen cả! Đột biến gen có tốt và xấu. Đột biến xấu hủy diệt sinh vật. Đột biến tốt giúp sinh vật thích nghi với hoàn cảnh sống mới nên tồn tại. Một khi sinh vật tồn tại cùng những gen đột biến có nghĩa là một dạng mới được hình thành! Sự kiện về thời kỳ khô hạn kéo dài nửa triệu năm của vùng Hồ Magadi xứ Kenya khiến cho loài Homo nào đó bị tuyệt diệt và Homo sapiens thích nghi với khô hạn xuất hiện là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tiến hóa phát sinh loài mới.

Nói “DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa” cũng không chuẩn! Bởi lẽ, anh lấy mẫu từ đâu? Anh có thể trở lại 320.000 năm trước để lấy mẫu của loài Homo nào đó đang chuyển hóa thành tổ tiên Homo sapiens không? Cố nhiên là không thể mà chỉ lấy mẫu DNA trong hoàn cảnh bình thường của hôm nay. Vậy tìm đâu ra đột biến?!

Khi di truyền phát hiện, không chỉ loài người mà tất cả động vật có vú đều được sinh ra từ cặp đôi duy nhất khoảng 200.000 năm trước, lập tức người ta reo hò: “Chúa đã tạo sinh tất cả!” Họ “quên” phần sau câu chuyện: khám phá di truyền học cũng cho thấy, vào thời điểm khắc nghiệt đó không chỉ có cặp đôi duy nhất sống mà nhiều cặp đôi cùng tồn tại, sinh sản. Nhưng qua thời gian, chỉ con cháu của cặp đôi duy nhất sống sót tới hôm nay! Họ cũng “quên” rằng, bộ gen của loài mới ra đời kế thừa gần như hoàn toàn bộ gen của loài bị diệt chủng. Điều đó nói lên rằng, nếu có mặt, nhiều lắm Chúa cũng chỉ đóng vai vị kỹ sư di truyền chỉnh sửa gen mà không phải người làm ra một loài hoàn toàn mới!

Khi di truyền học phát hiện “Bộ gen người và bộ gen vượn chỉ giống nhau 96% mà không phải 98% như những công bố trước đây,” có người Eureca: “Khác nhau lớn thế nên vượn không thể tiến hóa thành người! Thuyết Tiến hóa sụp đổ!” Thật tức cười! Di truyền học dựa trên thống kê dấu vết (marks) di truyền. Mà đã thống kê thì bao giờ cũng có sai số. Giữa con vượn và con người khác nhau một vực một trời mà chỉ có 2% gen khác biệt là điều không bình thường, là sự bất công giữa các gen, chứng tỏ cái sai của khoa học thống kê. Khoa học đã sửa sai. Con số chênh lệch 4% mới thực sự công bằng nên chính xác!

Tuy vậy, câu chuyện cũng chưa dừng. Chộp được việc Kỹ sư Chu Văn Tiệp tìm ra “con số vàng” trong việc đẻ nhánh và ra lá của cây lúa, chẳng hề biết giáp ất ra sao, GS Hưng vội hý hửng công bố bài Bí mật của Tạo Hóa – Tỷ lệ vàng trong quy luật đẻ nhánh của cây lúa. Trong bài báo của mình, một lần nữa, ông Hưng lại quy thành tựu này cho “Thiết kế vĩ đại”. 

Chúng tôi buộc phải viết bài Sự cầm nhầm vĩ đại (3) nói ra sự thật. Trong bài viết, chúng tôi đưa ra chứng cứ, từ 12.400 năm trước, người Lạc Việt ở Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây đã thuần hóa thành công cây lúa Oryza sativa japonica. Cây lúa này có hai gen tạo ra phẩm chất mà lúa hoang dã không có. Đó là gen tác động đến phytolith, điều khiển cho hạt bớt rụng khi bắt đầu chín và gen làm cho tinh bột của hạt gạo kết dính lại, không vỡ vụn ra khi lúa chín. Đó là sản phẩm do con người qua hàng ngàn năm chọn lọc mà có. Còn chuyện đẻ nhánh, ra lá theo tỷ lệ vàng cũng không hề có ở lúa hoang. Cũng hàng vạn năm con người vừa làm vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh mật độ khóm lúa/m2 để cuối cùng, duy trì mật độ thích hợp nên “bồi dục” (thuật ngữ của ngành trồng trọt) giúp hình thành gen quý đó cho cây lúa. Lấy công sức mồ hôi nước mắt của hàng triệu người trong hàng nghìn năm đem trao cho Chúa là có công với bề trên nhưng của người phúc ta, lập lờ đánh lận con đen tạo nên danh tiếng ảo, quả là sự cầm nhầm vĩ đại!

Trình bày trên cho thấy, do không có chuyên môn về Thuyết Tiến hóa cũng như Sinh học nên công việc chủ yếu của GS Hưng chống Thuyết Tiến hóa chỉ là ăn theo nói leo những phát biểu đao to búa lớn của học giả quốc tế ghép thành bài viết của mình. Sao chép mà không hiểu nên có khi rơi vào thảm trạng bi hài gậy ông đập lưng ông!

Không biết những bài viết của chúng tôi có tác động gì tới vị giáo sư không nhưng sau đó không thấy ông múa may trên lĩnh vực Sinh học cùng Thuyết Tiến hóa nữa mà lui về cố thủ trong lô cốt Toán học với Định lý Godel. Nhưng chính ở đây cũng có vấn đề. 

Trang trọng trên đầu bài viết Gödel bác bỏ Thuyết Darwin, đăng trên trang nhà, ngài giáo sư treo cái biển “There is not any logic system that can prove its own origin then the theory of life origin cannot explain the origin of life” [không có bất kỳ hệ thống logic nào có thể chứng minh nguồn gốc của chính nó thì lý thuyết về nguồn gốc sự sống không thể giải thích được nguồn gốc của sự sống]

  Chúng tôi giật mình vì không phải một mà ba lầm lẫn nghiêm trọng trên cái bảng hiệu này. Thứ nhất, Thuyết Tiến hóa không phải là một hệ thống logic. Thứ hai, Thuyết Tiến hóa cũng không phải lý thuyết về nguồn gốc sự sống. Hệ thống logic hình thành trong tư duy toán học hay triết học. Còn Thuyết Tiến hóa là việc tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của sự sống, một đối tượng sống động và rộng mở. Nguồn gốc sự sống chỉ là một bộ phận của Thuyết Tiến hóa. Vì vậy tuy chưa tìm được nguồn gốc sự sống thì Thuyết Tiến hóa vẫn phát triển và đạt những thành quả lớn lao. Từ đó dẫn tới lầm lẫn thứ ba là xác lập một tam đoạn luận khập khễnh! Trời ạ, một giáo sư toán mà khi đưa ra luận thuyết lại sai ngay ở tiên đề! 

Tiếp theo, tác giả lại mắc sai lầm khác khi bóp méo Godel để cho rằng mọi lý thuyết về nguồn gốc đều bất khả thi. Nếu là vậy thì Định lý Godel đã vô nghĩa ngay từ đầu. Nhưng Godel khôn hơn Phạm Việt Hưng nên hạn chế định lý của mình trong hệ toán học và logic. Bởi lẽ khi ra ngoài giới hạn đó, mọi chuyện đã khác, nhất là với nguồn gốc vũ trụ và sự sống vì nó ủng hộ thần học, dẫn tới không lối thoát. Khẳng định mọi lý thuyết về nguồn gốc đều bất khả thi là sự quy nạp chống lại thực tế. Bởi lẽ trong thực tế, biết bao nhiêu việc đi tìm nguồn gốc đã thành công! Thí dụ, nhờ lý thuyết đi tìm nguồn gốc vật chất, ta biết vật chất vừa là hạt vừa là sóng. Nhưng săn đuổi tới cùng thì chẳng còn sóng, chẳng còn hạt mà là năng lượng. Và đến lúc này, vật lý lượng tử mới khám phá điều mà người Việt nghiệm ra từ nhiều ngàn năm trước: vạn vật đồng nhất thể - vật chất và tinh thần là MỘT. Đến hôm nay mà vẫn loanh quanh với luận lý quả trứng-con gà thì quá là… xưa! Cũng chẳng hề bất khả thi khi con người theo dấu vết DNA và khảo cổ tìm được vị thủy tổ của mình xuất hiện 320.000 năm trước. Cũng chẳng hề bất khả tri, khi con người hôm nay giải đáp được câu hỏi đặt ra hơn trăm năm trước: Giữa cây lúa Đông Á và cây lúa Ấn Độ, cây nào có trước? Chỉ gần đây khoa học mới xác định: đầu tiên, người Lạc Việt ở Nam Dương Tử thuần hóa được cây lúa Oryza sativa japonica. Sau đó cây lúa này từ Đông Nam Á lan sang thung lũng sông Indus và gặp cây lúa trồng Ấn Độ còn chưa thuần hóa, lai tạo thành chủng lúa Ấn Oryza sativa indica!

Do hiểu sai Thuyết Tiến hóa nên ông Phạm Việt Hưng đã áp dụng nhầm Định lý Godel vào lĩnh vực không phải của nó khiến cho người đọc cảm thấy ông làm một việc thiếu lương thiện khi kéo Godel vào cuộc đánh hội đồng Dawin. Trong khi đó hai người vô tư, độc lập nhau, nước sông không đụng nước giếng! Nói cho cùng, Định lý Godel chỉ là mệnh đề toán học. Đòi biến một mệnh đề toán học thành công cụ giải thích mọi vấn đề của nhận thức là quá chừng hoang tưởng!

Tuy nhiên, mọi bàn luận chỉ là lý thuyết. Thực tế có sức thuyết phục hơn nhiều. Ở trên, chúng tôi hóa giải những hoài nghi về tử huyệt thứ nhất của Thuyết Tiến hóa, bằng cách đưa ra nhiều chứng cứ cho sự tiến hóa của con người mà gần đây khoa học tìm được. Bây giờ xin bàn tới tử huyệt thứ hai: mầm sự sống. Nay có thể dõng dạc nói rằng, khoa học gần như đang với tay tới những mầm sống đầu tiên. Đó là năm 2019, tại địa điểm Pilbara Tây Úc, khi khoan sâu vào trầm tích Stromatolite 3,5 tỷ năm tuổi, các nhà khoa học Úc lần đầu tiên khám phá hóa thạch của những tế bào vi khuẩn đơn giản nhận năng lượng từ quang hợp hay phân giải khí methan. Đây được công nhận là những sinh vật xuất hiện sớm nhất được biết đến. Điều này khiến các học giả dự đoán rằng, có thể, mầm sống đầu tiên ra đời khoảng 4 tỷ năm trước! Các nhà khoa học từ NASA, ESA và RosCosmos đã đến thăm vùng Pilbara để tìm hiểu các kỹ thuật nghiên cứu mà họ sẽ sử dụng trong các sứ mệnh sắp tới lên sao Hỏa tìm nguồn gốc sự sống ngoài Trái đất! (4)


 

Ví dụ về một trong những vi khuẩn được phát hiện trong một mẫu đá thu hồi từ Apex Chert. Một nghiên cứu mới đã sử dụng phân tích hóa học phức tạp để xác nhận các cấu trúc cực nhỏ được tìm thấy trong đá là sinh học.

Thay lời kết.

Trong quá trình tìm về cội nguồn tộc Việt, Thuyết Tiến hóa là người dẫn đường thông tuệ và đáng tin của chúng tôi. Nhờ Thuyết Tiến hóa chúng tôi mới biết được loài tiền nhiệm của chúng ta là ai, từ đâu ra, tồn tại, diệt vong ra sao? Từ đâu và khi nào, theo con đường nào người Homo sapiens có mặt trên đất Việt Nam? Trong khi các bậc thầy Tứ trụ dạy rằng: “Tổ tiên ta do người “Đi” thẳng chuyển hóa thành nên tiền sử người Việt kéo dài tới 800.000 năm” thì Thuyết Tiến hóa chứng minh: “Người Đứng thẳng Homo erectus chỉ là họ hàng xa của loài chúng ta và đã tuyệt diệt trên đất liền châu Á hai trăm năm trước cho nên không thể là tổ tiên của người Việt.” Trong khi các học giả hàng đầu thế giới nói rằng: “Có hai con đường di cư làm nên dân cư Đông Á” thì dựa trên chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam (diversity, một dạng entropy trong sinh học) cao nhất trong dân cư châu Á giúp chúng tôi khẳng định: “Chỉ có duy nhất con đường phương Nam đưa người châu Phi tới Việt Nam, sinh ra toàn bộ dân cư châu Á.” Cũng từ công việc của mình, chúng tôi có thêm chứng lý ủng hộ cho Thuyết Tiến hóa. Có thể nói là sang thế kỷ XXI, những khám phá mới của khảo cổ và di truyền học đã khẳng định sự đúng đắn kỳ diệu của Thuyết Tiến hóa và chưa bao giờ học thuyết vĩ đại này giầu sức sống như hôm nay! 

Vì vậy, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy ở phương Tây xuất hiện cao trào phản bác Thuyết Tiến hóa dữ dội chưa từng có, tập hợp cả những tên tuổi nổi tiếng đoạt giải Nobel. Phải chăng do nguồn gốc sự sống là câu chuyện dài như nguồn gốc vũ trụ, chưa hồi kết nên ai nói sao cũng được? Nhưng quan trọng hơn, có lẽ là người thâm thù Thuyết Tiến hóa quá đông, sẵn sàng nhả đạn khi nghe báo động (mà phần nhiều là báo động giả), như trường hợp vị giáo sư đề cập ở bài này. Chủ nhân Giải Nobel không phải ngoại lệ. Một khi dồn tâm trí để bừng sáng cho đề tài được giải thì ở nhiều lĩnh vực khác không phải bao giờ họ cũng sáng suốt. Chúng tôi từng bật cười khi nghe Stephen Hawking tuyên bố: “Linh hồn là không có!” Bản thân cũng buộc phải phản bác Giáo sư Nobel Dương Chấn Ninh về kinh Dịch hay triết gia thời danh Francoise Jullien về minh triết… Khoảng tối dưới chân ngọn đèn chính là cơ sở để tổ tiên người Việt rút ra triết lý: “Đèn sáng chẳng rọi được chân.” Phải chăng người ta mê tín khi cho những vị có giải Nobel là thánh, cái gì cũng đúng?! 

Có sự thực là, phần đông người phản bác Thuyết Tiến hóa xuất hiện ở khu vực không được học Thuyết Tiến hóa. Không học nên không hiểu khiến cho họ phản đối theo tình cảm bầy đàn. Trong khi đó, Thuyết Tiến hóa quy định rất rõ hai điều kiện cần và đủ để biến dị di truyền phát sinh loài mới: 1. Phải có tai biến khí hậu đủ mạnh để tiêu diệt hầu hết cá thể của một loài, chỉ có rất ít do xuất hiện biến dị có lợi nên thích nghi và tồn tại. Và 2. Thời gian của tai biến khí hậu phải đủ lâu để những tính trạng mới xuất hiện được chọn lọc tự nhiên củng cố, duy trì cho tới khi loài mới hình thành. Đó là những điều chúng tôi học ở trường phổ thông 60 năm trước và đã quên từ lâu. Nhưng gần đây, khi đọc tài liệu khảo cổ Hồ Maladi bỗng nhiên nhớ lại. Những gì diễn ra nửa triệu năm trước tại xứ Kenya cho thấy Thuyết Tiến hóa đã dự báo hoàn toàn chính xác. Có công bằng không khi nhắm mắt hè nhau ném đá?!

 Việc Giáo sư Phạm Việt Hưng cho in tập hợp ý kiến của những nhà khoa bảng phản đối Thuyết Tiến hóa trong khi bỏ qua những ý kiến ủng hộ cũng rất có sức nặng là cách tuyên truyền áp đặt kiểu “chìa ra một nửa sự thật.” Nửa sự thật là sự dối trá. Một việc làm thiếu công tâm nên thiếu khoa học, dẫn dư luận lạc đường. Cái nguy của việc “cáo mượn oai hùm” là lung lạc những đầu óc nông nổi trong giới khoa bảng, gây ra hội chứng ngu dân bậc cao. 

Để phản biện tác giả, chúng tôi đã công bố ba bài: Đi tìm hóa thân của Chúa, Những hồi chuông gióng vội (đăng trên Nghiên cứu Lịch sử) và Sự cầm nhầm vĩ đại (đăng trên Thôn Minh triết) đáng tiếc là hoàn toàn không được tác giả trả lời. Theo luật bất quá tam, có lẽ nên dừng. Nhưng duyên nợ chưa xong, buộc viết tiếp bài này. Trong sách Luận ngữ, Đức Khổng Tử dạy: “Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã.” Đó là lời sau cùng chúng tôi xin thưa với GS Phạm Việt Hưng.


                                                                                           Sài Gòn, 10. 2020


1. Hà Văn Thùy. Đi tìm hóa thân của Chúa. https://nghiencuulichsu.com/2019/01/18/di-tim-hoa-than-cua-chua/

2. Hà Văn Thùy. Những hồi chuông gióng vội (Trao đổi tiếp với GS. Phạm Việt Hưng.) https://nghiencuulichsu.com/2019/02/19/nhung-hoi-chuong-giong-voi-trao-doi-tiep-voi-gs-pham-viet-hung-ve-thuyet-tien-hoa/

3. Hà Văn Thùy. Sự cầm nhầm vĩ đại.

https://www.thonminhtriet.com/2019/12/su-cam-nham-vi-ai-ha-van-thuy.html

4. Evan Gough. Confirmed. Fossils That Formed 3.5 billion Years Ago, Really are Fossils. The Oldest Evidence of Life Found So Far.

https://www.universetoday.com/143561/confirmed-fossils-that-formed-3-5-billion-years-ago-really-are-fossils-the-oldest-evidence-of-life-found-so-far/

Universe Today ra ngày 30.9.2019.



 

VIỆT NAM CÓ TRIẾT HỌC KHÔNG?


 

Trước khi tiếp xúc với phương Tây, phương Đông không có thuật ngữ triết học mà chỉ có chữ Triết . Cấu tạo tượng hình gồm(bộ Thủ-tay) (bộ Phủ - búa) và bộ khẩu (miệng). Có thể hiểu theo nguyên nghĩa: tay cầm búa (dao) chẻ vật gì ra để xem xét rồi miệng nói lời nhận xét về vật đó. Triết vốn là Chiết  (bẻ, cắt) trong tiếng Việt cổ. Sách Thuyết văn giải tự viết : Triết = 知也-tri dã ! triết là Biết vậy! Cũng còn những ch Triết khác:

bộ Khẩu được thay bằng bộ Nhật, với nghĩa là đem sự hiểu biết, khám phá ra trước thanh thiên bạch nhật.

Chữ bộ Tâm với nghĩa khôn ngoan, trí tuệ, triết học.

Chữ gồm cặp đôi hai chữ Sỹ-Khẩu là miệng (tiếng nói) của nhiều kẻ sỹ có nghĩa sáng suốt, khôn ngoan, trí tuệ.

Cổ nhân tổng kết: 明知則哲-Minh tri tất Triết : đạt tới sự hiểu biết sáng rõ đó là triết!

Như vậy, theo nguyên nghĩa của cổ nhân, ta có thể hiểu phương Đông cho rằng Triết học là việc mổ xẻ, soi xét, phân tích sự vật để đạt tới hiểu biết sáng rõ minh nhiên tận cùng về nó.

 Câu hỏi được đặt ra: Việt Nam có triết học không? Wikipedia tiếng Việt nói về Triết học Hy Lạp, Triết học phương Tây, Triết học Ấn Độ, Triết học Trung Quốc nhưng không nói tới Triết học Việt Nam! Cố nhiên, tác giả những dòng trên của Wikipedia nhận định theo quan niệm phổ biến hiện nay, của học giới phương Tây. Theo đó thì không hề có cái gọi là triết Việt. Điều này không lạ, vì ở thế kỷ XX, theo học giả Viễn Đông Bác cổ: “Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, con cháu của Việt vương Câu Tiễn chạy xuống Bắc Việt Nam, trở thành người Việt hôm nay.” “Tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng Hán, chữ Hán là quốc ngữ của người Việt. Văn hóa Việt là sự vay mượn văn hóa Hán chưa trọn vẹn.” Còn hiện nay, theo sử gia thời danh người Mỹ Keith Taylor, thì “Cái được gọi là dân tộc Việt Nam chỉ là đám người nói tiếng Việt tụ tập nhau tại châu thổ sông Hồng một vài thế kỷ trước Công nguyên.” “Lịch sử Việt Nam chỉ là sản phẩm của lớp trí thức Hán hóa thời Trung đại viết ra dựa theo lịch sử Trung Quốc. Trung Quốc có gì thì Việt Nam có nấy. Lịch sử Trung Quốc dài bao nhiêu thì lịch sử Việt Nam dài bấy nhiêu.” (A history of the Vietnamese-2003). Một dân tộc bán khai, không có lịch sử nên không thể có triết học!

Nhưng nay khoa học đã khám phá ra sự thực hoàn toàn khác: 70.000 năm trước, người khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây, những dòng người di cư hòa huyết sinh ra người Việt cổ mã di truyền Australoid. 40.000 năm trước, người Việt đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. 7.000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ gặp gỡ hòa huyết với người Mông Cổ (cũng từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước), sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà. Trên đất Đông Á, người Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc xâm chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Tỵ nạn chiến tranh, người Việt từ vùng Núi Thái-Trong Nguồn di cư xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp tới Việt Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam, là người Việt hiện nay. Người Việt ở lại Núi Thái-Trong Nguồn trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, sau được gọi là người Hán. Tổ tiên người Hán là lớp con cháu do người Việt cổ sinh ra 7000 năm trước.

Như vậy người Việt Nam được hình thành qua hai thời kỳ: thời kỳ đầu mang mã di truyền Australoid đi lên khai phá Hoa lục. Tại Núi Thái-Sông Nguồn, người Việt cổ sinh ra người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Từ giữa thiên niên kỷ III TCN, một bộ phận người Việt hiện đại trở về Việt Nam, chuyển hóa di truyền người Việt sang chủng Mongoloid phương Nam. Sau này, còn nhiều đợt di cư của người Việt từ phương Bắc trở về quê cũ, góp phần làm nên con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Do lịch sử như vậy nên tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng nói Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa. Thực tế đó nói rằng, người Việt Nam có đóng góp quan trọng làm nên văn hóa Trung Hoa.

Nhưng tới đây, một vấn đề được đặt ra: trong văn hóa Trung Hoa kỳ vĩ, phần sáng tạo của người Việt thực sự là gì? Đó là câu hỏi hóc búa, giống câu đố tách nước sông khỏi nước biển của triết gia Aesop xưa.

Nhưng may mắn là nửa thế kỷ trước, triết gia Kim Định đã tìm ra đáp án. Dựa vào mấy dòng sử vắn tắt “Trước khi người Hán vào thì người Việt đã chiếm lĩnh 18 tỉnh của Trung Quốc và xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ,”  Kim Định cho rằng, là dân cư nông nghiệp nên người Việt đã sáng tạo Nguyên Nho hay Việt Nho là văn hóa Nho học nguyên thủy với nội dung nhân bản. Sau này chiếm đất của người Việt, người Hán học văn hóa Việt, một mặt nâng thành kinh điển, mặt khác lại làm suy đồi Việt Nho thành Hán Nho, Tống nho xu phụ triều đình, áp chế phụ nữ, dân thiểu số, xâm lăng các nước láng giềng.

Rõ ràng, đây là cuộc đại mổ xẻ, đại phân tích (chiết) để bóc tách cái văn hóa Việt Nho nguyên sơ của người Việt khỏi khối hỗn độn được gọi là văn hóa Hán. Đấy chính là ĐẠI TRIẾT. Nếu không có cuộc chia tách vĩ đại này, ta sẽ mãi mãi mơ hồ không biết cái gì của mình, cái gì của người, dẫn đến tệ trạng “ruột bỏ ra, da ôm lấy,” giữ mãi mặc cảm đau đớn: chữ của Tổ tiên thì cho là “từ Hán Việt” để rồi luôn trong tâm trạng kẻ học nhờ đọc mướn. Không thể không dùng nhưng mỗi khi dùng lại nhen lên mối căm uất với “cái công cụ mà kẻ ngoại xâm áp đặt để đô hộ dân tộc mình!” Tiếng vốn của tổ tiên thì bị cho là vay mượn ngoại bang. Hàng nghìn năm cúi đầu bái phục kinh Dịch “của Tàu” mà không biết rằng đó là gia sản của cha ông mình. Rõ ràng, theo nghĩa phương Đông thì đây là cuộc ĐẠI TRIẾT, ĐẠI CÁCH MẠNG, ĐẠI GIẢI PHÓNG VỀ VĂN HÓA TƯ TƯỞNG. Trong mọi cuộc giải phóng thì giải phóng về văn hóa tư tưởng là cuộc giải phóng vĩ đại nhất!

Không chỉ tách Việt Nho khỏi Hán Nho mà Kim Định, từ cảm nhận thiên tài cũng chỉ ra nội dung của Việt Nho với bốn nhân tố:

1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.

“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”:  Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và cũng là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Cha, của Trời là 3 còn dành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cứng nhắc mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.

2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.

Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.

3. Đạo Việt an vi.

Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh dành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.

4. Bình sản

Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là cơ chế tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là tỉnh điền. Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, là ruộng của làng, không thuộc quyền nhà nước, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.

Trong cuốn Nhiệt đới buồn, nhà nhân văn lớn Levi’s Strauss có khám phá quan trọng: “Tới cuối thời Đá mới, nhân loại đã sáng tạo văn hóa tinh thần cao nhất. Các thời đại sau đó không thêm được gì mà tất cả chỉ là sự lặp lại.” Người ta đọc ông trong tâm trạng hồ nghi vì không hiểu cái “đỉnh cao tinh thần” đó là gì. Nhưng từ khám phá của Kim Định, ta nhận ra, Việt Nho chính là đỉnh cao tinh thần mà Việt tộc đạt được từ hơn 4000 năm trước nhưng bị khuất lấp trong bụi thời gian và bị văn minh vật chất phương Tây hủy hoại.

Có hai nguyên nhân để cho rằng Việt Nam không có triết học. Một là quan niệm độc tôn độc đoán của triết học phương Tây không chấp nhận nền triết học khác nó. Thứ hai là do chưa hiểu sử Việt. Nay, khi khám phá lịch sử và văn hóa vĩ đại của tộc Việt, ta thấy người Việt có nền triết học vô cùng lớn và phong phú. Đó là nền triết học nhân sinh, giúp con người tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nay trong thời nhân loại khủng hoảng về trí tuệ. Triết học duy lý đã chết còn khoa học không được Minh triết dẫn dắt, ngày càng phi nhân tính, trở thành tai họa đe dọa hủy diệt loài người.

Chính trong lúc này, Minh triết Việt với bốn thành phần do kim Định khám phá trở thành cứu cánh đối với sự tồn vong của nhân loại. Sẽ có ích nếu các viện các khoa Triết mạnh dạn loại bỏ món “kê cân” triết học duy lý vô bổ để nghiên cứu và học tập Triết Việt. Họ sẽ thoát thân phận mãi mãi là đám học trò ngu ngơ mà chắc chắn những viện những khoa của họ sẽ trở thành thánh đường của Minh triết. Trước khi dừng tay, người viết có đề nghị nhỏ: Đừng gọi là Triệt học Việt Nam bởi lẽ nền triết này không chỉ của người Việt Nam mà là tài sản chung của tộc Việt. Vì vậy xin gọi là TRIẾT VIỆT.

 

                                                                 Sài Gòn, 16.10. 020