GÓP PHẦN GIẢI MÃ DI CẢO CỦA SỬ GIA TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG



Không biết có phải vì tôi ba lần “thưa chuyện” với ông mà trong Di cảo, sử gia họ Tạ cũng ba lần nhắc tới tôi. Thực lòng, khi thưa chuyện với ông, tôi chỉ muốn cung cấp những phát hiện lịch sử mới để mong rằng với danh tiếng của mình, ông giúp bạn đọc nhìn nhận lại lịch sử. Thật buồn, do “không có duyên” nên trong Di cảo, ông vẫn băn khoăn trăn trở đẩy những cánh cửa… mở. Nay ông đã thành người thiên cổ. Mọi chuyện luận bàn với ông là vô nghĩa, nhưng thể theo lời đề nghị chí tình của Diễn Đàn Thế Kỷ*, tôi xin mạo muội góp phần giải mã những “u ẩn” của người đã khuất.
Có thể dẫn ra những “u ẩn”nổi cộm trong Di cảo như sau:

1.     Về Hồng Bàng thị truyện.

Tài liệu truyền thống cho rằng, truyện họ Hồng Bàng vốn được lưu truyền từ xa xưa trong ký ức người Việt. Tới đời Trần được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái. Nhưng L. Kelley dựa vào việc những biến thể của câu chuyện có mặt trên đất Trung Hoa như Liễu Nghị truyện hay trong Hoa Dương Quốc chí nên cho rằng, vào thời Trung đại, những trí thức người Việt được Hán hóa đã sao chép câu chuyện đó vào LNCQ để tô vẽ cội nguồn dân tộc Việt. Ông Tạ Chí Đại Trường ủng hộ quan điểm này.
Tuy nhiên, có thể thấy, khi làm việc đó, Kelley đã thực hiện một thao tác suy luận theo logic hình thức đơn giản, chỉ dựa trên sách vở mà bỏ qua sự thực lịch sử. Ông không biết rằng, trong quá khứ, dân cư từ Nam Dương Tử xuống tới Việt Nam đều là người Việt, cùng một chủng tộc, cùng tiếng nói, văn hóa, cùng chung một lịch sử. Từ năm 1936, khảo cổ học Trung Quốc phát hiện di chỉ văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ.[1] Sau nhiều năm khảo cứu, đã kết luận, có một nhà nước cổ đại tồn tại từ 3.300 – 2.200 năm TCN, mà kinh đô là Lương Chử, còn ranh giới gần khớp với địa giới nước Xích Quỷ truyền thuyết. Chủ nhân nhà nước này là người Việt cổ. Những vật khắc bằng ngọc cho thấy, dân cư Lương Chử được gọi là Vũ nhân (羽人)hay Vũ dân (羽民). Điều này cho thấy có mối liên hệ với chim, với Hồng Bàng (洪龐).Khám phá trên cho ta lý do để kết nối nhà nước Lương Chử với nhà nước Xích Quỷ huyền thoại. Như vậy, Xích Quỷ là một thực thể quốc gia từng tồn tại. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy tiên nữ con Động Đình Quân đã trở thành truyền thuyết mang ý nghĩa cội nguồn của người dân trong nước. Khi Xích Quỷ tan rã, dân cư sống trên đất cũ Chiết Giang, Vân Nam và Việt Nam vẫn giữ truyền thuyết Hồng Bàng thị như dấu ấn của nguồn cội. Về sau, truyện dân gian được ghi vào sách. Do không hiểu quá trình lịch sử này, L. Kelley chỉ căn cứ vào biên giới quốc gia hiện tại mà chia tách người Việt Nam và người Trung Quốc trong quá khứ một cách khiên cưỡng. Sai lầm của Kelley thuộc về trình độ học thuật. Tiếc là sử gia họ Tạ hiểu lịch sử dân tộc không khác gì người ngoài! [2]

2.     Trong Di cảo, ông Tạ Chí Đại Trường dành nhiều câu chữ phủ định Hùng vương và thời kỳ Hùng vương trong lịch sử.

Muốn biết tổ tiên người Việt là ai cần phải biết quá trình hình thành của người Việt trong lịch sử. Khảo cổ học cho thấy, suốt thời đồ đá, dân cư trên đất nước ta thuộc chủng Australoid. Nhưng sang thời kỳ kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở nên chủ thể của dân cư Việt Nam. Tại nhiều di chỉ thời Phùng Nguyên phát hiện di cốt của người Australoid lẫn người Mongoloid. Đặc biệt tại di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình có tuổi 2000 năm TCN, tìm được nghĩa địa chôn chung 30 di hài của hai chủng người này. Các nhà khảo cổ Việt-Úc đưa ra kết luận: “Trên đất Việt Nam có quá trình chuyển hóa dân cư từ người Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam và được hoàn thành khoảng 2000 năm TCN.” Phát hiện này cho thấy, có việc người Mongoloid từ nơi khác tới, chung sống lâu dài, đã chuyển hóa di truyền của người Việt từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Như vậy, đây là việc “diễn biến hòa bình” mà không phải là “xâm lăng diệt chủng” như người Arian thực hiện ở Ấn Độ 2000 năm TCN.
Câu hỏi thứ hai: người Mongoloid từ đâu tới? Do suốt thời đồ đá, ở Đông Nam Á  có duy nhất người Australoid sinh sống nên người Mongoloid phương Nam chỉ có thể từ phương Bắc xuống. Khảo cổ học xác nhận, người Mongoloid phương Nam xuất hiện đầu tiên tại văn hóa Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước. Đó là sản phẩm hòa huyết giữa người du mục Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) và người Việt chủng Australoid ở Nam Hoàng Hà. Người Ngưỡng Thiều tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, là chủ nhân của đồng bằng Trong Nguồn và vùng Thái Sơn. Khoảng 4.000 năm TCN, tại đây xuất hiện các vị vua huyền thoại của người Việt là Phục Hy, Nữ Oa. Khoảng 3.300 năm TCN, nhà nước của Thần Nông ra đời mà kinh đô tại Lương Chử vùng Thái Hồ. Khoảng năm 2879 TCN, kế tục quốc thống của Thần Nông, nhà nước Xích Quỷ ra đời. Thời gian này người Mông Cổ du mục tăng cường đánh phá phía nam Hoàng Hà. Trong trận Trác Lộc năm 2698 TCN, liên quân Việt của Lạc Long Quân và Đế Lai thất bại. Lạc Long Quân dùng thuyền đưa đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn xuôi Hoàng Hà, ra biển, đổ bộ vào Nghệ An. Như truyền thuyết và Ngọc phả Hùng vương ghi nhận, đoàn người của Lạc long Quân được người bản địa đón tiếp và tôn Hùng vương làm vua nước Văn Lang. Trong tiếng Việt cổ, bố -> bua -> vua cùng có nghĩa là cha. Khi người dân tôn Hùng vương làm vua cũng có nghĩa coi ngài là cha rồi thành tổ chung của cộng đồng. Cố nhiên, không phải vua Hùng sinh ra tất cả mà những người Mongoloid di cư trở về lai với người tại chỗ sinh ra người Mongoloid trên đất Nghệ An. Không chỉ vậy, những đợt di cư tiếp theo, người Mongoloid phương Nam từ Núi Thái- Trong Nguồn, từ vùng Động Đình Hồ trở về hòa huyết với dân nhiều nơi khác, tiếp tục sinh ra người Mongoloid phương Nam. Cho tới khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam thành chủng Mongoloid phương Nam. Tất cả đều coi người di cư về đầu tiên Lạc Long Quân và Hùng vương là quốc tổ. Do vậy, không chỉ người Kinh mà tất cả các tộc người trên đất Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam đều là con cháu vua Hùng. Cùng nhận được nguồn gen Mongoloid từ con cháu vua Hùng thì việc người Tây Nguyên, người Khmer Nam Bộ thờ vua Hùng có gì là trái lẽ? [2] Nếu ai để ý, sẽ thấy hiện tượng là, trong cổ tích về cội nguồn của các sắc dân thiểu số phía Bắc như người Dao, Mường… đều cho rằng, người Kinh là con út. Trong khi đó, cổ tích nhiều sắc dân Tây Nguyên lại gọi người Kinh là anh cả. Phải chăng điều này phản ánh thực tế phát sinh dòng giống từ xa xưa đã in sâu trong ký ức cộng đồng?

3.     Chuyện “người Việt vào Trung Hoa trước”

Không hiểu vì sao, cho đến nay ông Tạ Chí Đại Trường vẫn căng thẳng với cụ Kim Định về ý tưởng “người Việt vào Trung Hoa trước”? Nói cho cùng, đó đâu phải là hư cấu của Kim Định? Chính là ông dựa vào sách của hai học giả Trung Quốc Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành. Không những thế, cho tới năm 1924, trong một bài giảng cho đảng viên cao cấp của Quốc dân đảng, Tôn Dật Tiên cũng cho rằng, khi người Trung Quốc từ phía Tây xâm nhập, họ đã gặp những người man di ở đây rồi. Không chỉ vậy, tới năm 2005, học giả Trung Quốc Zhou Jixu cũng cho rằng, khi người Trung Quốc Indo-Europian từ phía Tây vào thì họ là khách, chiếm vị trí người chủ đã sống ở đó từ trước. Đấy là chuyện sách vở. Nhưng sự thực lịch sử còn đẹp hơn mong ước của Kim Định: đúng là người Việt vào Trung Quốc trước nhưng không phải từ Nam Thiên Sơn xuống mà lại từ Việt Nam lên. Do vậy, thuyết Việt nho của Kim Định càng có cơ sở vững chắc. [3]

4.     Về chuyện “người Lê Mường”, “Trịnh Lào”

Trong Di cảo, ông Tạ cho rằng, khi nhấn mạnh vai trò nam tiến của người Việt, người cộng sản bỏ qua vai trò của 53 cộng đồng khác!
Có một thực tế: Sử học là khoa học nghiên cứu hoạt động xã hội của con người trong quá khứ. Do vậy, điều tiên quyết cho thành công của Sử học là phải xác định được đối tượng nghiên cứu. Nếu không xác định đúng đối tượng nghiên cứu: một tập đoàn người, một chủng tộc, một quốc gia đang nghiên cứu là ai, có nguồn gốc thế nào và có quá trình hình thành ra sao, mọi nghiên cứu cầm chắc thất bại. Nhưng đó lại là công việc của Nhân học.  Sử học là cái nghề ăn theo bén gót Nhân học. Thật không may, Nhân học thế kỷ XX chỉ dựa vào những hòn đá, những mẩu xương hóa thạch nên thất bại trong việc khảo cứu nguồn gốc loài người cũng như các tộc người. Do vậy, suốt thế kỷ trước, các sử gia luôn nói về người Việt, người Hoa, người Mường, người Lào, người Thái… nhưng thực sự chẳng hiểu họ là ai nên hầu hết chỉ là nói mò!  Jared Diamond, nhà nhân học danh tiếng nước Mỹ có câu nói đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì không đáng tin.” Chỉ sang kỷ nguyên mới, khi công nghệ di truyền vào cuộc, ta mới có hiểu biết minh xác về các chủng người. Tuy Việt Nam chưa bỏ đồng xu nhỏ cho việc này nhưng do đất Việt là nơi phát tích của dân cư châu Á nên nhiều nghiên cứu di truyền học đề cập tới dân cư Việt Nam. Những tài liệu đó cho thấy rằng, 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư trên đất Việt Nam đều thuộc chủng (race) Mongoloid phương Nam. Người Kinh, người Mường, người Thái, Người Tày, người Dao… chỉ là những sắc tộc (ethnicity) của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay chúng ta vẫn lầm khi cho rằng, đồng bằng sông Hồng là nơi phát tích của dân tộc Việt Nam. Sự thực là, muộn nhất thì 50.000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã định cư tại vùng Thanh Nghệ rồi lan ra toàn Đông Dương và đất Trung Hoa. Khoảng 500 năm TCN, khi đồng bằng sông Hồng hình thành, người Việt từ phía bắc Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai phá đất mới. Do cùng nòi giống, tiếng nói và văn hoá nên con người sống với nhau hòa hợp. Nhờ điều kiện môi trường sống thuận lợi, cộng đồng dân cư đồng bằng ra đời, được gọi là người Kinh. Như vậy, người Kinh là lứa con út của dân tộc Việt.
Người Việt vốn do người Lạc Việt đa số lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ nên tiếng nói chung là đa âm, vô thanh. Do người Việt từ Trung Quốc trở về như người Thái, Tày, người Hẹ (Hakka) mang theo tiếng nói đơn âm, hữu thanh nên người đồng bằng dần dần chuyển sang tiếng nói đơn âm hữu thanh. Cũng do suốt quá trình lịch sử dài, người từ Nam Dương Tử trở xuống thuộc cùng chủng tộc, cùng văn hóa, cùng quốc gia nên việc di chuyển của con người trong một nước là chuyện bình thường. Vì vậy, dòng chuyển dịch của người Việt từ phía bắc về diễn ra lâu dài. Sau này, dù quốc gia chia ranh giới nhưng máu huyết và văn hóa giữa con người không dễ phân lìa. Người Việt từ Trung Quốc như tổ tiên của Lý Bôn, thân phụ Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lý, nhà Trần… trở về sinh sống, xây dựng đất Việt- mảnh đất cuối cùng còn tự chủ của tộc Việt- là xu hướng tất yếu của tâm linh và lịch sử…[4]

5.     Ai là chủ của thơ lục bát?

Dẫn việc nhà văn Võ Phiến “buột miệng” nói rằng, thơ lục bát là của người Chăm, ông Tạ khơi ra cuộc tranh chấp “bản quyền” thơ lục bát giữa người Chăm và người Kinh. Thực ra, không chỉ ở người Chăm mà trong nhiều câu ca của người Mường, người Dao cũng có bóng dáng của thơ lục bát. Vấn đề này cần được tìm hiểu sâu hơn.
Ta biết rằng, người Việt từ xa xưa có thói quen hay hát, múa: hát Ghẹo, hát Xoan, hát Đối, hát Đúm… Ngoài âm nhạc cho mỗi loại hình ca hát mà chủ đạo là nhịp tương đối cố định thì lời bài hát lại rất thay đổi, linh động tùy theo hoàn cảnh. Vì vậy, sáng tạo lời cho bài hát là cuộc đua trường kỳ giữa trai tài gái sắc trong lễ hội hay những cuộc vui. Từ kinh nghiệm hàng nghìn năm của cuộc đua này, người Việt nhận ra, những bài vè lần lượt 6 tiếng rồi 8 tiếng nối nhau theo vần chân hay vần lưng rất dễ chuyển thành những bài hát theo các điệu khác nhau. Do vậy, dần dần thể vè 6-8 ra đời. Cố nhiên thời đó ngôn ngữ đa âm, vô thanh nên số tiếng trong mỗi câu ca không cố định, thường nhiều hơn 6-8. Những bài vè như vậy trở thành tài sản chung của cộng đồng Lạc Việt. Bài ca lục bát được ghi lại sớm nhất là  Việt nhân ca trong sách Thuyết uyển 2800 năm trước. Đó là bài ca của người người Việt chèo thuyền cho vị quân vương nước Sở. Cảm vì lời ca hay nhưng mình không hiểu, vị quân vương yêu cầu dịch sang tiếng Sở. Nhờ vậy bài ca được ghi lại bằng chữ Sở. Sau này được sao lại bằng chữ Hán trong sách Thuyết uyển. Hơn 2000 năm qua đi, bài ca thở thành quốc bảo của Trung Hoa nhưng không ai hiểu đúng nghĩa của nó. Chỉ mới đây, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành phục nguyên bài ca trở lại tiếng Việt thì phát hiện ra đó là bài thơ lục bát. [5] Điều này chứng tỏ, thơ lục bát là tài sản chung của các bộ tộc người Việt từ xa xưa. Đến nay một số sắc dân vẫn giữ được hình thức thơ này nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ đa âm của mình.
Trong khi đó, nơi người Kinh, do tiếng nói được đơn âm hóa triệt để cùng với thanh điệu phong phú, nói như hát nên người Kinh sáng tạo được những câu ca lục bát có vần điệu tuyệt vời mà đỉnh cao là Truyện Kiều.
.                                                                  Sài Gòn, 28.5.2016

*www.diendantheky.net/.../di-cao-cua-nha-su-hoc-ta-chi-ai-truong.html

Tài liệu tham khảo
1.     Hà Văn Thùy. Di chỉ văn hoá Lương Chử Là kinh đô nước Xích Quỷ - www.vanhoahoc.vn
2.     Hà Văn Thùy. Tôi khẳng định Kinh Dương vương là thủy tổ người Việt Nam
3.     Hà Văn Thùy.  XỨ NGHỆ NƠI PHÁT TÍCH CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI thuyhavan.blogspot.com/.../xu-nghe-noi-phat-tich-cua-nguoi-viet.html
4.     Hà Văn Thùy. Thêm một lần buộc phải tranh biện với GS L. Kelley - ChúngTa.com www.chungta.com › Tư liệu nguồn & tra cứu
5.     Hà Văn Thùy.  TRUY TÌM GỐC TÍCH NGƯỜI KINH
thuyhavan.blogspot.com/2016/01/truy-tim-goc-tich-nguoi-kinh.html

6.     Đỗ Ngọc Thành. PHÁT HIỆN LẠI VỀ VIỆT NHÂN CA (越人歌) - Việt Văn Mới Newvietart       newvietart.com/index4.606.html

TÌM NGUỒN GỐC CỦA QUAN NIỆM ĐỒNG BÀO


Người bạn gửi cho tôi bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng nhan đề Đồng bào là gì* và yêu cầu cho nhận xét.

Tác giả bài viết có biệt danh NGHÊ DŨ LAN tỏ ra là người hiểu biết, dẫn từ điển Thiều Chửu:
“ Bào là: (cái) bọc, anh em cùng một cha mẹ gọi là đồng bào (anh em ruột). Nói rộng ra, anh bố gọi là bào bá (bác ruột), em bố gọi là bào thúc (chú ruột). Người trong một nước cũng gọi là đồng bào, nghĩa là cùng là con cháu một ông tổ sinh ra vậy.” Rồi bình:
Cách giảng như Thiều Chửu (đồng bào: cùng là con cháu một ông tổ sinh ra) có lẽ dễ làm “vừa bụng” không ít người quen nghĩ rằng “đồng bào” là một từ do người Việt sáng tạo ra. Đơn cử là Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (bản sửa đổi lần cuối lúc 08:43, ngày 25-1-2007) viết như sau (http://vi.wikipedia.org/...): “Đồng bào là một cách gọi giữa những người Việt Nam, có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Từ đồng bào được sử dụng dựa trên truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con. [sic] Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng và nở ra một trăm người con là dân tộc Việt Nam ngày nay.”
Nếu hiểu lầm chỉ dân tộc nào vốn cùng từ một “bọc” của Âu Cơ đẻ ra mới được gọi “đồng bào” thì đương nhiên hai dân tộc Hoa và Khmer không thể gọi là “đồng bào”. Quan niệm này vừa sai, vừa nguy hiểm vì nó dễ đưa tới tinh thần phân biệt, kỳ thị (discrimination) làm phân hóa sự đoàn kết các dân tộc trong cùng một lãnh thổ quốc gia!
“Sự thật, người Việt đã vay mượn hai chữ “đồng bào” từ Hán ngữ, cho nên “đồng bào” không phải là một sáng tạo của người Việt dựa theo huyền sử một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ như Wikipedia đã “tưởng tượng”! Ta dễ dàng thấy mục từ “đồng bào” trong các từ điển chữ Hán không do người Việt soạn, chẳng hạn:
1. Mathews’Chinese-English Dictionary (Shanghai: China Inland Mission and Presbyterian Mission Press, 1931), mục từ 6615-118 giảng là “uterine brothers; compatriots” (đồng bào huynh đệ là anh em một mẹ; người cùng một nước).
2. Từ điển Hán-Việt do Hầu Hàn Giang và Mạch Vĩ Lương cùng chủ biên (Bắc Kinh: Thương Vụ ấn thư quán, 1994, tr. 663)
giảng đồng bào là: “anh chị em ruột”.
3. Chinese-English Dictionary Online (www.chinese-learner.com/dictionary) giảng là “fellow citizen or countryman”, tức đồng bào là người dân cùng một nước.
Tóm lại, đồng bào đơn giản chỉ có nghĩa là người dân có cùng quốc tịch, là công dân của cùng một nước. Vậy thì nói đồng bào người Hoa, đồng bào người Khmer là hoàn toàn đúng, là xác định hai thành phần anh em trong đại gia đình Việt Nam gồm 54 thành phần mà ta thường gọi là 54 dân tộc.”

Tuy nhiên, từ khảo cứu của mình, tôi thấy như sau:

Từ hàng vạn năm trước, người Việt chủng Australoid đã sống khắp nơi trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Khoảng 5000 năm TCN, tại cao nguyên Hoàng Thổ miền trung Hoàng Hà, do người Việt tiếp xúc với người Mongoloid phương Bắc (những người cũng từ Việt Nam lên 40.000 năm trước nhưng do di cư riêng rẽ, giữ được nguồn gen thuần chủng, sau này sống tập trung trên đất Mông Cổ) sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều, sau đó làm nên văn hóa Long Sơn nổi tiếng ở lưu vực Hoàng Hà. Vào thời điểm 4000 năm TCN, những thủ lĩnh người Việt là Phục Hy, rồi Thần Nông xuất hiện. Khoảng năm 2879 TCN xảy ra việc Đế Minh chia đất,  phong vương cho con là Đế Nghi và Kinh Dương Vương. Nước Xích Quỷ ra đời. Dân cư Xích Quỷ gồm ba thành phần: người da đen Indonesian, Melanesian và người Mongoloid phương Nam nước da sáng hơn, tất cả đều có gốc từ tổ Phục Hy, Thần Nông, là người Việt với tiếng nói cùng văn hóa Việt… Là những người đánh cá và đi biển thành thạo, dân cư Xích Quỷ đã giao thương bằng thuyền tới Đài Loan, Indonesia, Philippine, Việt Nam và hiểu các vùng đất này. Câu chuyện Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng xuất hiện.

Trước đây ta chỉ biết nước Xích Quỷ huyền thoại. Năm 1936, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ. Từ nguồn tư liệu khai quật phong phú, họ đưa ra kết luận: có nhà nước Lương Chử cổ đại, với kinh đô Lương Chử rộng 3.000.000 m2 còn ranh giới trùng khớp với địa bàn nước Xích Quỷ truyền thyết. Đó là nhà nước sớm nhất trong lịch sử phương Đông, trước nhà Hạ hàng nghìn năm mà chủ nhân là người Việt. Từ những vật khắc bằng ngọc cho thấy người Lương Chử được gọi là Vũ nhân hay Vũ dân, liên hệ với vật tổ chim- Hồng Bàng. Từ những khám phá này, có thể tin, nhà nước Lương Chử chính là  Xích Quỷ trong truyền thuyết
 Khoảng năm 2698 TCN, xảy ra cuộc xâm lăng của người Mông Cổ phương Bắc vào Trác Lộc ở bờ nam Hoàng Hà. Trong trận này, Đế Lai (văn bản Trung Hoa ghi là Si Vưu) tử trận còn Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân vùng Núi Thái, Trong Nguồn dùng thuyền vượt biển đổ bộ vào Nghệ An Việt Nam. Người Mongoloid phương Nam trong đoàn di tản hòa huyết với người Việt chủng Australoid tại chỗ, sinh ra người Việt thời Phùng Nguyên. Sự thể như sau:

Theo xác nhận của nhân chủng học, trước thời Phùng Nguyên, dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình Australoid, được gọi là người Việt cổ. Người Mongoloid từ Núi Thái-Trong Nguồn theo Lạc Long Quân trở về lai giống với người Việt Nghệ An, sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Cụ thể hơn, lai với người Indonesian, cho ra người Mongoloid phương Nam điển hình (người Mường, Mán, Dao, Nùng, Tày, Thái…)  Lai với người Melanesian sinh ra nhóm loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam (người Chăm, Khmer, các sắc tộc Tây Nguyên…)
Do hình thành như vậy nên dân cư trên đất Việt Nam có chung tổ tiên là người di cư về cùng với Lạc Long Quân nên tất cả cùng suy tôn Lạc Long Quân là tổ, còn các sắc tộc (ethnicity) đều là con trong dân tộc Việt.
 Quân Mông Cổ chiếm Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Các vương triều Hoàng Đế lấn đất mở rộng lãnh thổ, dân Việt vùng lưu vực Hoàng Hà tiếp tục di cư về phía Nam. Khoảng 2.200 năm TCN, do nhà Hạ lấn chiếm, nhà nước Xích Quỷ tan rã. Người Việt từ nước Xích Quỷ di tản tới Ba Thục, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Đài Loan… Người di tản mang theo truyền thuyết một bọc trăm trứng tới nơi ở mới. Trên đất Ấn, truyền thuyết của người Việt đi vào kinh Phật.
Truy nguyên nguồn gốc như vậy, ta thấy, truyền thuyết Một bọc trăm trứng xuất hiện thời Xích Quỷ. Khi Xích Quỷ tan rã, bộ phận người Việt sống trên đất Trung Hoa vẫn giữ truyền thuyết nguồn gốc của mình. Các nhà nước Trung Quốc về sau tiếp thu truyền thuyết này. Nhưng do không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó nên đã giảng theo thực tế dân cư Trung Quốc, phục vụ ý đồ chính trị, dù Trung Quốc có tới 5 chủng tộc khác nhau là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng thì họ vẫn dùng từ “đồng bào”. Khái niệm “đồng bào” của người Việt vốn chỉ mối quan hệ nội bào, đồng tộc, cùng tổ tiên, dòng giống, trên đất Trung Hoa trở thành khái niệm quốc gia: mọi chủng người trong một quốc gia đều được gọi là đồng bào! Nghĩa mở rộng này được ghi vào từ điển.
Các nhà soạn từ điển phương Tây thế kỷ XIX, XX, là những học trò về văn hóa hánHa1 Hán, hoàn toàn tin rằng, chữ vuông do người Trung Quốc sáng tạo, ghi chép những sự kiện lịch sử văn hóa Trung Hoa nên đã căn cứ vào tự điển Trung Quốc để soạn thảo từ điển của mình, như tác giả bài viết đã dẫn.
Cho tới cuối thế kỷ XX chưa ai khám phá ra thực tế bi hài là, nhiều khái niệm hay tiếng của người Việt cổ để lại trên đất Trung Hoa sau này bị hiểu sai. Một chứng cứ tiêu biểu là câu Lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vĩ  trong kinh Thi. Hơn 800 năm nay, các đại nho Hoa-Việt học theo Chu Hy, cho chữ “hồ” là cái yếm ở cổ con sói nên giảng: sói bước tới dẵm phải yếm, bước lui thì đạp phải đuôi. Do vậy câu thơ mang nghĩa là tiến thoái lưỡng nan. Bạn đã bao giờ thấy con sói có yếm thòng xuống ở cổ chưa? Thực tế con sói không bao giờ có yếm ở cổ cả. Ngay cả bò là loài có yếm nhưng cũng chẳng bao giờ yếm chùng xuống khiến nó dẵm phải khi bước đi! Sự thực, “hồ” vốn là chữ “hố” của người Việt, còn bạt do chữ “tạt”, “tụt” biến âm. Câu ca của người Việt vốn là: Sói tạt (tụt, ẩn nấp) vào hố, vẫn lòi cái đuôi. Nghĩa là dấu đầu hở đuôi! Mông Cổ là gì? Ít người biết rằng, từ xa xưa, người Việt ở Nam Hoàng Hà gọi vùng thảo nguyên phía bắc là Đồng Cỏ. Khi tràn sang chiếm đất bờ Nam, người du mục không nói được âm “Đ”nên đọc trại thành Mồng Cỏ. Tới thời Đường chuyển sang Đường âm thành từ vô nghĩa Mông Cổ! Trung Nguyên là gì? Vốn là tên người Việt gọi đồng bằng miền Trung của Hoàng Hà, thuộc châu thổ sông Nguồn của mình là Trong Nguồn. Sau nhiều biến đổi, tới thời Đường thì Trong -> Trung,  Nguồn -> Nguyên. Mất đất và mất cả tên nên sau này con cháu Việt không hiểu câu Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra! Cũng như vậy, đồng bào vốn là tên gọi ban đầu của người Việt: cùng một bọc hay cùng bọc. Tới thời Đường được chuyển thành Đường âm: cùng -> đồng; bọc -> bào. Sau nữa, qua thời Thanh, quan thoại Bắc Kinh nói thủng pao. Trong khi người Quảng Đông nói tồng pào! Riêng tại đất gốc Việt Nam, người Việt vừa dùng đồng bào nhưng cũng nói một bọc!
Điều bi hài cười ra nước mắt ở đây là: chữ hay khái niệm đúng của người Việt, bị người Trung Quốc hiểu sai rồi ghi thành kinh điển. Kinh điển Tàu được chuyển thành kinh sách Tây! Ông cha ta xưa học Hán tự nên hiểu sai, bái phục các thầy Tàu uyên thâm: chữ thánh hiền có bao giờ sai! Con cháu bây giờ thông thái hơn, đọc được cả chữ Hán, chữ Anh, Pháp nên càng tin sái cổ những cái… sai rồi vênh vang đem về dạy (dọa) đồng bào mình. Lý lẽ chắc nịch hàng tấn: sách Tàu nói, sách Tây nói?!
Chỉ có Cụ Lạc Long Quân, Cụ Hùng Vương từ trên cao xanh nghe mà cười ra nước mắt: do vô minh nên cháu con tôn lũ dốt làm thầy rồi cúc cung học cái dốt!
Người Việt coi người Hoa, Khmer, Chăm, E đê, Gia rai… là đồng bào theo quan niệm truyền thống. Đó là những sắc tộc (ethnicities) cùng một huyết thống, cùng một bọc trong chủng tộc Mongoloid phương Nam của dân tộc Việt Nam.

                                                                  Tháng Năm 2016


*http://www.sggp.org.vn/saigonthubay/2007/4/94382/

THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG NGUYỄN VĂN LỤC



Thưa ông Nguyễn Văn Lục,

Trên trang mạng DCVOnline có bài viết ký tên ông, nhan đề Chauvinisme trong ngành sử học [1], công kích nhiều nhà viết sử Việt Nam. Riêng tôi được ông ưu ái dành cho những dòng như sau:

“Nhà sử học Lê Minh Khải ngạc nhiên vì bài tham luận của ông Hà Văn Thùy có thể tóm gọn tất cả mọi người và tất cả mọi thứ ở Châu Á đều có nguồn gốc từ Việt Nam với người Việt Nam.
Nếu tôi được phép có thêm một nhận xét – qua hình chụp ông Hà Văn Thùy – thì ông quả thực là một mẫu hình tiêu biểu của một thứ văn hóa vật thể còn sót lại.
Sau đây xin trích dẫn nguyên văn câu của ông Hà Văn Thùy:
“Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.”
Để đi tới một kết luận táo bạo như trên, người ta phải vận dụng đến nhiều ngành học đủ loại và cần viết cả một vài pho sách, vị tất đã viết xong.
… Sự khẳng định chắc nịch như trên của ông Hà Văn Thùy đối với cá nhân tôi không lấy gì làm lạ. Nó xuất phát từ một lối viết ‘lên gân’, lối học từ chương, nhồi sọ, giáo điều, khẩu lệnh của đảng và não trạng đã bị bào mòn.
… Hiện tượng Hà Văn Thùy là tiêu biểu cao cho một khuynh hướng viết sử mà tôi gọi là “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, muốn áp đặt – muốn kéo dài quá khứ lịch sử dân tộc Việt không phải chỉ hơn 2000 năm – mà tròn số là 4000 năm.
Đối với tôi, cái hãnh tiến lịch sử phải nhường bước trước sự thật lịch sử. Nếu tổ tiên đã có thời ăn lông ở lỗ – cởi truồng đóng khố đi nữa – thì cũng vẫn là tổ tiên. Mà nhiều phần chắc là như thế!
Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sô vanh, cực đoan thì lại cố tình khoác một hào quang lên quá khứ người Việt cổ. Đó là một quá khứ dưới mắt họ phải trọn gói – hoàn tất – đã có ngôn ngữ chính thức, có một nền văn minh, đã trải qua những cuộc tranh đấu kháng chiến, chống phong kiến dành độc lập, qua nhiều thử thách và trải dài trong suốt 4000 năm.
Niềm tự hào không đúng chỗ, đối với tôi, trước sau cũng chỉ là sự lừa bịp. Hoặc một chính sách ngu dân không cần thiết!
Những khẳng định như thế dĩ nhiên đã thỏa mãn niềm tự hào dân tộc của một số đông người, vì đã đòi lại những cái mình không có hay chưa hề có từ tay người Tầu. Chẳng hạn phủ nhận không có cái gọi là từ Hán Việt, Hán mượn Việt chứ không phải Việt mượn Hán.
… Lập luận kiểu đó nên bất chấp các sự kiện, bất chấp đúng sai vượt lên trên cái lương tri của một con người!
Nhưng thật ra trong giới sử học không phải chỉ có một Hà văn Thùy mà có nhiều Hà Văn Thùy.
Thời 1955–1960, đã có những vị có tiếng tăm như Nguyễn Khắc Viện, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Quốc Vượng và nhiều người cầm bút khác cũng vướng mắc phải chứng vĩ cuồng trong sử học.”

Tôi xin được thưa lại đôi lời.

1.       Ông viết: “Để đi tới một kết luận táo bạo như trên, người ta phải vận dụng đến nhiều ngành học đủ loại và cần viết cả một vài pho sách, vị tất đã viết xong.”
Thưa ông, đúng như ông nói. Để có được kết luận mà ông nhắc tới, tôi phải bỏ ra hơn 10 năm (từ 2004), không làm bất cứ việc gì khác mà dành toàn tâm toàn ý tra cứu chủ yếu qua chữ Anh và chữ Hán những tài liệu đáng tin nhất từ di truyền học, khảo cổ học, cổ nhân chủng học, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học, sử học… Bằng cách kết nối và giải mã nhiều tài liệu, tôi đã công bố hàng trăm bài viết và cho xuất bản năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006); Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn Học, 2008); Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn Học, 2011); Viết lại lịch sử Trung Hoa (Sài Gòn xuất bản, Amazon phát hành) [2]  và Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (Sài Gòn xuất bản, Amazon phát hành) [3].

2.       Ông viết: “Sự khẳng định chắc nịch như trên của ông Hà Văn Thùy đối với cá nhân tôi không lấy gì làm lạ. Nó xuất phát từ một lối viết ‘lên gân’, lối học từ chương, nhồi sọ, giáo điều, khẩu lệnh của đảng và não trạng đã bị bào mòn.”

Thưa ông Nguyễn Văn Lục, ở chỗ này thì ông lầm to. Đây hoàn toàn là những khám phá mới, chưa từng có trong tri thức nhân loại. Do lần đầu tiên được phát hiện nên lấy gì mà “nhồi sọ”mà “giáo điều”! Trong Lời giới thiệu cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, Chuyên gia Khoa học khí quyển Bộ Môi trường và Bảo tồn, New South Wales, Australia, thành viên của nhóm Tư Tưởng, nhóm tiên phong nghiên cứu thời tiền sử dân tộc Việt qua những công bố di truyền học đầu thế kỷ, nhận xét: “Bằng công trình của mình, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, trên thực tế đã đặt nền móng cho khoa học nhân văn Việt Nam hiện đại và đưa khoa học nhân văn Việt Nam đứng vào hàng tiên tiến của thế giới.”
 Ông càng lầm hơn khi cho rằng tôi viết theo khẩu lệnh của đảng! Thưa ông, trái lại, chính vì vượt ra ngoài trí tuệ của đảng và dám động tới chân tướng của người Tàu, hai cuốn Viết lại lịch sử Trung HoaTiến trình lịch sử văn hóa Việt không được in trong nước, buộc tôi phải nhờ bạn bè in ở California rồi phát hành trên Amazon!
                                                              
3.       Ông viết: “Hiện tượng Hà Văn Thùy là tiêu biểu cao cho một khuynh hướng viết sử mà tôi gọi là “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, muốn áp đặt – muốn kéo dài quá khứ lịch sử dân tộc Việt không phải chỉ hơn 2000 năm – mà tròn số là 4000 năm.”

      Thưa ông, những dòng trên chứng tỏ ông không đọc sách và những bài viết của tôi. Trên xa lộ thông tin có không ít người phản biện tôi. Nhưng họ ngỡ ngàng khi cho rằng “Hà Văn Thùy cuồng Việt, kéo dài sử Việt tới 70.000 năm!” chứ không phải 4000 năm. Đúng vậy! Lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của con người. Di truyền học, nhờ đọc được cuốn “thiên thư” ADN ghi trong máu huyết của dân Việt Nam cũng như toàn châu Á, phát hiện ra rằng, 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Tại đây, những dòng người gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ chủng Australoid. Rồi từ Việt Nam, người Việt di cư ra các đảo Đông Nam Á. Sang chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm trước. Người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa, trở thành dân cư đầu tiên của Hoa lục. Rồi người từ Hòa Bình mang công cụ đá mới lên Trung Hoa. Người Lạc Việt ở Động Người Tiên tỉnh Giang Tây làm ra đồ gốm đầu tiên và 12.400 năm trước, thuần hóa cây lúa đầu tiên…  9.000 năm trước, tại di chỉ Giả Hồ, người Việt sáng tạo chữ viết tượng hình. Tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây cuối năm 2011 phát hiện chữ tượng hình của người Lạc Việt khắc trên xẻng đá 6.000 năm trước. Từ Cảm Tang, chữ Việt được đưa lên An Dương Hà Nam. Năm 1.400 TCN, khi vua Bàn Canh chiếm Hà Nam của người Dương Việt,  lập nhà Ân thì người Hoa Hạ chiếm luôn chữ của người Việt, sau này nhận làm của họ và được gọi là Giáp cốt văn Ân Khư!
Không chỉ vậy, từ khảo cứu ADN của dân cư châu Á, khoa học thế giới cũng phát hiện: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” Điều này cho thấy, đất Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á còn người Việt Nam gần với tổ tiên hơn. Khi mà 70.000 năm trước người tiền sử đặt chân lên đất nước ta rồi từ đây, di cư làm nên dân cư và văn hóa của toàn bộ châu Á thì vì lẽ gì lịch sử tộc Việt không được tính từ 70.000 năm trước?

4.       Ông viết: “Đối với tôi, cái hãnh tiến lịch sử phải nhường bước trước sự thật lịch sử. Nếu tổ tiên đã có thời ăn lông ở lỗ – cởi truồng đóng khố đi nữa – thì cũng vẫn là tổ tiên. Mà nhiều phần chắc là như thế!
Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sô vanh, cực đoan thì lại cố tình khoác một hào quang lên quá khứ người Việt cổ. Đó là một quá khứ dưới mắt họ phải trọn gói – hoàn tất – đã có ngôn ngữ chính thức, có một nền văn minh, đã trải qua những cuộc tranh đấu kháng chiến, chống phong kiến dành độc lập, qua nhiều thử thách và trải dài trong suốt 4000 năm.
Niềm tự hào không đúng chỗ, đối với tôi, trước sau cũng chỉ là sự lừa bịp. Hoặc một chính sách ngu dân không cần thiết!

Thưa ông Nguyễn Văn Lục,
Ông biết gì về quá khứ của người Việt? Muốn hiểu điều này, trước hết cần phải hiểu người Việt cổ là ai? Với tri thức ông bộc lộ trong bài viết, tôi đoan chắc, ông đang truyền bá một “chính sách ngu dân.” Cái chính sách ngu dân này được hình thành vừa cố ý vừa vô tình từ thời mồ ma thực dân Pháp. Bắt đầu bằng chủ trương của học giả Viễn Đông Bác Cổ cho rằng, người Melaneisen xuất hiện đầu tiên trên đất Việt Nam. Sau đó, người Indonesien từ Ấn Độ tràn sang, tiêu diệt người bản địa. Cuối cùng, người Mongoloid từ Trung Quốc xuống, tiêu diệt người Indonesien, trở thành dân cư Việt Nam hiện nay! Do nguồn gốc như vậy nên người Việt Nam thoát thai từ người Tàu. Văn hóa Việt Nam là sự vay mượn của nước Tàu! Đó là những giáo trình mà ông, tôi cùng nhiều thế hệ thanh niên Việt đã học và tin như vậy.

Rất may mắn là những thành tựu mới của khoa học nhân loại từ đầu thế kỷ này đã khám những điều mà tôi đã trình bày trong sách cùng các bài viết của mình. Rất mừng là trong công việc này tôi không lẻ loi. Nhóm Tư Tưởng của người Việt ở Úc gồm Luật sư Cung đình Thanh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp là những người Việt Nam đầu tiên đi tìm nguồn gốc tộc Việt từ công trình di truyền học của J.Y. Chu, của Spencer Wells… Tôi ban đầu đã vui mừng theo bước các vị này. Ông Phạm Trần Anh ở Hoa Kỳ cũng có những thành tựu đáng khích lệ trong hướng nghiên cứu mới. Không chỉ vậy, rất nhiều người đọc đã tự mình tìm hiểu sách báo và nhận chân ra rằng: người tiền sử từ châu Phi di cư tới từ 70.000 năm trước đã làm nên dân cư Việt Nam…
Thưa ông Nguyễn Văn Lục, ông đã hiểu hoàn toàn sai những khám phá mới về cội nguồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Chính những tư tưởng này, khi đi vào dân chúng sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại giúp người Việt nhận chân về quá khứ vinh quang của dân tộc. NHÂN DÂN sẽ đứng lên vứt bỏ xiềng xích ngu dân hàng trăm năm đè nặng lên mình và sẽ ngửng đầu gánh vác sứ mệnh của tộc Việt trong kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, việc cản trở tiến bộ trí tuệ, cố công trì níu những hiểu biết lạc hậu xưa cũ lại là việc làm ngu dân!

Thưa ông, từ khảo cứu của mình, tôi không chỉ đề xuất: Không có cái gọi là từ Hán Việt như ông nhắc tới mà còn công bố:
-           Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa
Và:
-           Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa.
Sau khi khám phá sự thật đó, tôi đã có thư tới vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đề nghị họ xem xét. Nếu tôi sai thì công bố cho dân chúng biết để khỏi hoang mang còn nếu tôi đúng, phải tiến hành nghiên cứu, giảng dạy, thực hành tiếng Việt theo đúng với sự thật. Tuy nhiên tất cả rơi vào im lặng!

Thưa ông Nguyễn Văn Lục,
Theo cách sử gia William Duiker nói với ông L.C. Kelley (mà ông kèm trong bài của mình): “Hãy bỏ dân tộc chủ nghĩa sang một bên,” tôi đề nghị ông, đừng vội lên án mà hãy bằng bài viết mang tính học thuật phản bác ba đề xuất ở trên của tôi. Nếu ông chứng minh được một cách tâm phục khẩu phục rằng những đề xuất đó là sai, tôi sẽ đi khất thực (theo nghĩa đen vì từ năm 1989, sau bài báo bị coi là “chống đảng”, tôi phải đi trốn rồi bị đồng chí 3X lúc đó là chủ tịch tỉnh Kiên Giang đuổi việc,  phải “ăn lương vợ” cho tới nay) tới trụ sở của Đàn Chim Việt, quỳ lạy, cúi đầu tạ tội với ông và xin lỗi đồng bào! Còn nếu không chứng minh được tôi sai, chỉ xin ông chân thành xin lỗi tôi trên trang Đàn Chim Việt. Những vị mũ cao áo dài đứng đầu các viện hàn lâm trong nước không thèm trả lời tôi bởi họ có cái nón “trách nhiệm tập thể”. Còn ông, với tư cách cá nhân, có danh dự, có lương tâm và hiểu cái lý “một lời nói một đọi máu”, chắc ông không ứng xử như họ!

Xin kính chúc ông sức khỏe
Hà Văn Thùy


Ghi chú:
       1.Nguyễn Văn Lục. Chauvinisme trong ngành sử học ttps://www.yellowproxy.net/browse.php/QDk2xDj1/gjvnBrk4/XcSPw7aO/0n3QNNV_/2BB2vA6p/IEnf6aBu/ft4eY_2B/Mn2PFYUF/i8VRxiYr/5FcyPjN3/w6hPo7Q2/O8V8S6Mp/7Dq2/b29/
3.http://www.amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Viet-Vietnamese/dp/1502407043/ref=pd_sim_14_1?ie=UTF8&dpID=51oJ2QNus4L&dpSrc=sims&preST=_AC_UL160_SR107%2C160_&refRID=0S1AAF3VCHVFB1Y86Y5C

NƠI NÀO TRỒNG LÚA ĐẦU TIÊN?



Trong bài “Lúa Đông Nam Á và người Việt dân tộc chủ nghĩa cực doan,”  trên Leminhkhaiblog*, tác giả L.C. Kelley lập luận:

Những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan Việt Nam cho rằng, Đông Nam Á là nơi lúa được trồng sớm nhất thế giới. Niềm tin của họ dựa vào hai bằng chứng. Một là cuốn Nguồn gốc và sự phát tán của nông nghiệp (Agricultural Origins and Dispersals) của nhà thực vật học Carl Sauer công bố năm 1952. Trong đó nói rằng "Cuộc cách mạng nông nghiệp, vốn được cho là xảy ra đầu tiên vào khoảng 10.000 năm trước trong các xã hội thời kỳ đồ đá mới ở Trung Đông, dường như đã bắt đầu sớm hơn một cách độc lập cách đó hàng ngàn dặm trong khu vực Đông Nam Á. " Hai là bài báo "Một cuộc Cách mạng nông nghiệp sớm hơn" của Solheim đăng trên tạp chí khoa học Mỹ vào năm 1972. Bài báo được viết từ kết quả khai quật khảo cổ tại Non Nok Tha Thái Lan, nơi tìm ra hạt lúa được cho là lúa trồng trong một mảnh gốm 3.500 tuổi.
Tuy nhiên, ý tưởng của Sauer không được chứng minh bằng vật chứng khảo cổ mà chỉ hoàn toàn là suy luận. Tác giả đã tưởng tượng ra một khu vực có điều kiện thiên nhiên lý tưởng cho cây lúa rồi chụp vào Đông Nam Á. Trong khi đó, bài báo của Solheim là một thất bại vì việc phân tích mẫu vật vào năm 1977 cho thấy đó là hạt lúa hoang!

Với khẳng định trên, tác giả nghĩ rằng mình đã hạ knock-out đối phương.
Tuy nhiên, sự đời không đơn giản vậy. Muốn xác định Đông Nam Á có phải là nơi trồng lúa đầu tiên hay không, cần phải trả lời ba câu hỏi.

1.     Câu hỏi thứ nhất: Đông Nam Á là đâu?

Ngày nay ta biết Đông Nam Á gồm 10 nước trong khối ASEAN, là biên giới của những quốc gia hiện đại nhưng thời tiền sử, dựa theo khí hậu và môi trường nhân văn, Đông Nam Á rộng hơn, bào gồm cả phần đất hiện nay thuộc lưu vực sông Dương Tử. Nhìn bao quát cảnh quan khu vực, nhà khảo cổ Wilhem Solheim đề xuất: “Trong khi tìm về thời tiền sử, chúng tôi cho rằng Đông Nam Á phải được trải rộng ra tới những khu vực có các nền văn hóa gần gũi. Thuật ngữ tiền sử Đông Nam Á mà tôi sử dụng gồm hai phần. Phần thứ nhất là vùng đất liền Đông Nam Á trải dài từ rặng núi Tần Lĩnh phía Bắc sông Dương Tử của Trung Hoa cho tới Singapore và từ biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) tới Miến Điện và Assam của Ấn Độ. Phần khác được gọi là Đông Nam Á hải đảo, một vòng cung từ quần đảo Andaman ở miền Nam Miến Điện trải dài tới Đài Loan, bao gồm Indonesia và Philippine.” [1]
Nhận định của Solheim là xác đáng không chỉ vì sau thời kỳ Băng Hà, vùng này có khí hậu cùng hệ động thực vật giống nhau mà còn là nơi cư trú của khối dân cư có chung nguồn gốc và văn hóa.

2.     Câu hỏi thứ hai: nông nghiệp ra đời sớm nhất ở đâu?

Hoạt động nông nghiệp là việc xới đất, gieo trồng thực vật làm thức ăn. Với ý nghĩa như vậy, nông nghiệp được ra đời từ rất sớm ở Đông Nam Á. 70.000 năm trước, người tiền sử di cư tới Đông Nam Á. Tại đây, nhờ khí hậu ôn hòa, thức ăn phong phú, họ chuyển sang định cư. Do sống định cư nên họ dùng công cụ tre gỗ và đá thô sơ xới đất, trồng những thứ cây dễ trồng nhất là rau đậu, bầu bí, khoai lang, khoai sọ. Muộn nhất, khoảng 20.000 năm trước, cùng với sáng tạo công cụ đá mới, nền nông nghiệp trồng rau đậu, khoai hình thành và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống dân cư. Khoảng 15.000 năm trước, nhờ lương thực dồi dào, mà khoai là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu, người Đông Nam Á thuần hóa con gà và con chó đầu tiên trên thế giới, bổ sung nghề chăn nuôi cho nông nghiệp. Học giả phương Tây, trong khi đề cao vai trò của nông nghiệp ngũ cốc đã không công bằng vì đánh giá thấp nền nông nghiệp tiền ngũ cốc. Chính nền nông nghiệp này, nói chính xác hơn là khoai sọ và khoai lang, góp phần quan trọng làm tăng nhân số dân cư dồng bằng Sundaland và Hainanland, dẫn tới các cuộc di cư của con người từ đây ra thế giới.
Một khi đã biết trồng rau đậu làm thức ăn thì việc chọn lọc, thuần dưỡng cây có hạt như kê, lúa là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.
Theo nghiên cứu mới nhất, được công bố vào năm 2012, tại Động Người Tiên huyện Vạn Niên, phía đông bắc tỉnh Giang Tây Trung Quốc, phát hiện đồ gốm cách nay 20.000 năm. Bốn tầng văn hóa được xác định bao gồm cả một quá trình dài chuyển đổi từ thời kỳ đồ đá cũ muộn sang giai đoạn đầu thời kỳ đá mới. Hiện diện chủ yếu của con người là đánh cá, săn bắn và hái lượm, mặc dù một số bằng chứng của việc thuần hóa lúa sớm đã được ghi nhận trong thời kỳ đầu đồ đá mới.
• thời kỳ đồ đá mới 3 (9.600 - 8.825 RCYBP)
• thời kỳ đồ đá mới 2 (11.900 -9.700 RCYBP)
• thời kỳ đồ đá mới 1 (14,000 -11,900 RCYBP) xuất hiện của O. sativa
• thời kỳ đồ đá cũ muộn (25,000-15,200 RCYBP) chỉ có Oryza hoang dã.
Bằng chứng khảo cổ cho thấy, giai đoạn chuyển từ đồ đá cũ sang đồ đá mới (19,780-10,870 RCYBP) chủ nhân sống bằng săn bắn, đánh cá và hái lượm, với ưu thế của hươu nai và lúa hoang (phytoliths của Oryza nivara). Ở đầu thời kỳ đồ đá mới (12.430 RCYBP), gốm có thành phần đất sét đa dạng hơn và nhiều mảnh gốm được trang trí với thiết kế hình học. Lúa trồng thể hiện rõ ràng, với phytoliths của cả hai chủng O. nivara và sativa.[2]
Phát hiện Động Người Tiên cho thấy, Đông Nam Á không chỉ là nơi nền nông nghiệp trồng rau màu khoai đậu nảy sinh từ rất sớm mà việc thuần hóa lúa cũng xuất hiện sớm nhất thế giới.  Phát hiện này cũng chứng minh cho dự đoán chính xác của Carl Sauer. Nó cũng chứng tỏ dự báo của Solheim là có cơ sở, tuy chưa tìm ra vật chứng ở Thái Lan.  

3.     Ai là người trồng lúa đầu tiên.

Nhìn vào bảng kê các tầng văn hóa ở di chỉ Động Người Tiên, ta thấy, ở đây có người sống liên tục từ 25.000 năm trước bằng săn bắt, đánh cá và hái lượm.  Tới 12.400 năm trước, họ thuần hóa thành công cây lúa trồng  O. sativa.
Họ là ai? Từ năm 1998,  công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc [3] phát hiện, 40.000 năm trước, khi khí hậu ấm hơn, người từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Kết hợp tài liệu khảo cổ và di truyền học cho thấy, người từ Việt Nam đi lên Trung Quốc chính là hai chủng người Việt cổ Indonesian và Melanesian.  Không chỉ làm ra đồ gốm và cây lúa đầu tiên ở Động Người Tiên mà di duệ của họ còn là chủ nhân của những nền văn hóa Giả Hồ 9.000 BP, Ngưỡng Thiều 7.000 BP, Hà Mẫu Độ 6.000 BP , Lương Chử > 5000 BP,  Cảm Tang 6.000 BP…
Kết luận:  Thời tiền sử, lưu vực sông Dương Tử thuộc về Đông Nam Á. Người Việt cổ là chủ nhân của khu vực nên cũng chính là người thuần hóa cây lúa sớm nhất trên thế giới.
Ở đây có điều khá khôi hài: Lúa được trồng sớm nhất ở lưu vực sông Dương Tử. Do thiếu thông tin, L. Kelley bảo lưu vực Dương Tử không thuộc về Đông Nam Á. Trong khi những người Việt Nam lại đồng ý với W. Solheim gộp cả vùng Giang Nam vào Đông Nam Á. Vậy nên họ bị kết án là “dân tộc chủ nghĩa cực đoan”!


Tài liệu tham khảo
*"SOUTHEAST ASIAN RICE AND VIETNAMESE ULTRANATIONALISM"
https://leminhkhai.wordpress.com/2016/01/19/southeast-asian-rice-and-vietnamese-ultranationalism/
1.     Wilhelm Solheim. New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3, tháng 3 năm 1971.

3.   Chu JY, et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768   

Lần Thứ Ba Thưa Chuyện Với Ông Tạ Chí Đại Trường


Lời thưa,
Trên hai số tạp chí Xưa&Nay 377 và 378, đăng hai bài viết của tác giả Tạ Chí Đại Trường phê bình học giả Kim Định cùng những người ủng hộ ông. Tôi có lời thưa lại, gửi tới Xưa&Nay nhưng không được in. Vậy xin nhờ … đăng giúp để rộng đường dư luận về hiện tượng lớn trong văn hóa Việt. Xin chân thành cảm ơn!
Hà Văn Thùy

Từng thích thú khi đọc cuốn Sử thời nội chiến của Tạ tiên sinh. Nhưng đọc nhiều bài của ông gần đây trên mạng, tôi cảm thấy buồn về con người mình từng quý trọng. Nơi những bài viết đó, xen với một số ý kiến nghe được lại là những lời xỏ xiên cạnh khóe không xứng với phẩm giá sử gia. Chính vì vậy khi thấy giọng khinh bạc của ông trong “Sử Việt đọc vài quyển” trên BBCOnline ngày 11.5.2005, với những lời mai mỉa sâu cay Giáo sư Kim Định, tôi buộc phải thưa chuyện với ông bằng bài Trao đổi lại với ông Tạ Chí Đại Trường (18/9/2007). Nhưng rồi chỉ hơn năm sau, khi đọc bài Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học” Việt Nam(1) tôi lại phải viết bài thứ hai, Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường. Nay, trên hai số liền của tạp chí Xưa&Nay, lại gặp những ý tưởng cũ rích nhàm chán của ông dưới nhan đề Về "huyền sử gia" Kim Định "huyền sử học" Việt Nam. (377) và Ảnh hưởng của Kim Định đối với các học giả trước kia và hiện nay (378), tôi không thể không lên tiếng. Không thể bởi lẽ lần đầu tiên, tư tưởng của Kim Định được đưa ra mổ xẻ (chính xác là vùi dập) trên một tạp chí chính thức của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bất quá tam, người xưa nói. Thưa chuyện với ông lần thứ ba chính là tôi muốn nói với độc giả trong nước vì rất nhiều người chưa hiểu về Kim Định. Nếu bài viết này được đăng thì đây là cơ hội vàng để lần đầu tiên, sau 36 năm đất nước thu về một mối, tiếng nói bảo vệ phát kiến lớn nhất về văn hóa dân tộc Việt được công khai cất lên.
*
Như vậy là sau sáu năm, từ bài giới thiệu “Sử Việt đọc vài quyển” trên BBCOnline, cả giọng điệu lẫn chứng cứ phản bác Giáo sư Kim Định của ông Tạ Chí Đại Trường đều không mới, vẫn là giọng của người ngồi lê đôi mách đầy cảm tính, không hề có chuẩn mực khoa học tối thiểu. Nhưng xuyên qua mớ lời lẽ rông dài rối rắm đó, tôi thấy ông phê phán Kim Định trên hai mặt: phương pháp luận và nội dung học thuyết Việt nho.
Xin hầu chuyện ông về cả hai phương diện này.
I. Về phương pháp luận của Kim Định
Bằng giọng diễu cợt: "huyền sử gia" Kim Định "huyền sử học"Việt Nam, ông Tạ Chí Đại Trường ám chỉ phương pháp luận giải mã huyền thoại của học giả Kim Định. Nhưng xin thưa, phương pháp đó chẳng phải do Kim Đinh đặt ra mà đã có từ xưa. Con người khôn ngoan nhận ra rằng, không phải là lịch sử nhưng huyền thoại, truyền thuyết là ký ức của cộng đồng dân cư về sự kiện quan trọng từng xảy ra trong quá khứ. Có nghĩa là những sự kiện lớn xảy ra trong quá khứ, được ghi trong ký ức cộng đồng rồi dần dà được mã hóa thành những truyền thuyết, huyền thoại. Từ nhận thức đó, nhiều người đi sâu giải mã trước hết là những huyền thoại lớn. Nhờ vậy, nhiều sự kiện từ xa xưa được sáng tỏ. Thành công hơn cả là những người giải thích Cựu ước. Từ câu chuyện về Noah, người ta lần ra trận đại hồng thủy 7500 năm trước. Từ truyền thuyết về ngôi Sao Hôm trong ngày Chúa ra đời, người ta tính ra, chúa Giesu được sinh vào một ngày mùa hè tháng Sáu. Cũng từ truyền thuyết trong Cựu ước, người ta viết cả cuốn sách về cội nguồn các sắc dân Trung Đông và Bắc Phi. Trước Kim Định, nhà tiên tri nổi tiếng người Mỹ Edgar Cayce phát hiện nhiều điều bằng giải mã huyền thoại. Sau Kim Định 30 năm, Stephen Oppenheimer, trong cuốn Địa đàng ở phương Đông, nhờ giải mã huyền thoại “các nhà thông thái từ phương Đông tới” đã phát hiện rằng, trong đại hồng thủy, người Đông Nam Á mang giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng về nông nghiệp tới Cận Đông. Từ liên hệ giữa chuyện anh em Cain và Abel trong kinh thánh với truyền thuyết anh em Manup và Culabôp vùng hải đảo Đông Nam Á, ông phát hiện ảnh hưởng của văn hóa Viễn Đông tới thế giới Arập…
Ai đọc Kim Định sẽ thấy, ban đầu khi lập thuyết, ông dựa vào sử Trung Hoa của Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành: thoạt kỳ thủy, người Hoa, Việt, Thái, Mông… sống ở phía nam dải Thiên Sơn. Người Việt theo nguồn sông Dương Tử xuống đồng bằng Hoa Nam, lên Hoa Bắc, chiếm cả 18 tỉnh của Trung Hoa, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp lúa nước phát triển. Người Hoa do lối sống du mục nên nấn ná tại vùng thảo nguyên Thanh Hải, sau đó vào chiếm đất cùa người Việt, dựng vương triều Hoàng đế. Ông cũng sử dụng một số tư liệu khảo cố ít ỏi thời đó nói lên mối liên quan của đồ gốm Ngưỡng Thiều và gốm Hòa Bình. Chính những gợi ý từ lịch sử và khảo cổ này cho ông ý tưởng: Một khi người Việt nông nghiệp đã sống hàng vạn năm trên đất Trung Hoa, sau đó đất ấy bị chiếm bởi những bộ lạc du mục rồi từ những bộ lạc du mục, người Hoa trở thành dân nông nghiệp, sở hữu nền văn hóa nông nghiệp phát triển; đến nay, văn hóa Hoa Hạ vẫn mang dấu ấn văn hóa Việt… Vậy thì cái văn hóa gốc ấy phải của người Việt! Trong khi tất cả mọi người tùy thời, cho rằng Việt học Hoa, Việt được Hoa khai hóa, thì bằng linh cảm thần thánh, Kim Định nghĩ ngược lại: chính Hoa học từ Việt! Ông đã tìm thấy chứng cứ cho ý tưởng của mình ở kinh Thư, kinh Thi, trong Khổng Tử nhưng chưa đủ. Vì vậy, theo bước người đi trước, ông tìm trong huyền thoại. (2)
Không phải mọi giải mã truyền thuyết của Kim Định đều thành công. Không thiếu trường hợp khi hăng hái quá đà, ông trở thành tư biện, dẫn tới sai lầm. Loa thành đồ thuyết (3) là một thí dụ. Quá say với phương pháp của mình, ông đã viết cả cuốn sách giảng giải về thành Cổ Loa chín vòng, hình trôn ốc là biểu trưng tuyệt vời của văn hóa Việt. Khi khảo cổ học phát hiện thành chỉ có hai vòng do An Dương vương xây, còn vòng thứ ba do Mã Viện đắp, hóa ra không những không có chín vòng thành mà chả làm gì có cái thành hình trôn ốc vì con người sống, đánh trận thế nào trong cái thành quái đản như vậy?!
Việc giải mã huyền thoại thành công hay thất bại tùy thuộc tài năng người sử dụng, nhưng bản thân phương pháp này tồn tại khách quan, như một công cụ để con người tìm hiểu quá khứ. Có thể phê phán Kim Định khi ông diễn giải sai lầm truyền thuyết cụ thể nào đó nhưng không thể phủ nhận rằng, chính nhờ công cụ này, ông đã phát hiện ra gia tài vĩ đại của tộc Việt là nền minh triết Việt nho, đó là phát kiến lớn nhất về văn hóa Việt!
II. Về thuyết Việt nho
Nói một cách đại lược, thuyết Việt nho cho rằng, thoạt kỳ thủy, người Việt nông nghiệp đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp minh triết và nhân bản, được gọi là Nguyên nho hay Việt nho. Việt nho được các thánh hiền người Việt đúc kết trong kinh Thư, kinh Thi, kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Nhạc. Khi chiếm đất Việt, người Hoa Hạ chiếm luôn làm của riêng. Nếu Khổng nho còn giữ được ít nhiều cái gốc nhân bản Việt nho thì Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho dã làm sa đọa Việt nho để phục vụ vương triều.
Cái quan trọng nhất trong ý tưởng của Kim Định là ông xác quyết: tộc Việt đã xây nền văn hóa minh triết nhân bản rồi người Hoa chiếm đoạt và học theo. Ông kiên quyết đòi lại chủ quyền văn hóa cho tộc Việt.
Những năm Bảy mươi thế kỷ trước, trong bối cảnh tầng lớp trí thức tinh hoa Việt vẫn học theo học giả phương Tây cho rằng các làn sóng văn minh được truyền từ châu Âu sang Trung Hoa, Ấn Độ rồi từ đây xuống Đông Nam Á thì những ý tưởng mà Kim Định đưa ra chẳng khác nào chuyện khôi hài, là sự báng bổ lương tri! Đúng như ông Tạ Chí Đại Trường nhận xét, nhiều người im lặng cười khinh vì không thèm chấp! Người phản bác Kim Định kịch liệt nhất có lẽ là nhà văn Bình Nguyên Lộc. Có thể nói, trong cuốn Nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam, Kim Định trở thành bung xung để tác giả phỉ báng! Ông không trả lời Bình Nguyên Lộc trực tiếp mà đã viết cuốn “Vấn Đề Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam” (Nguồn Sáng 1973) để làm sáng tỏ vấn đề.
Bốn chục năm đi qua, thời gian làm rõ nhiều chuyện: không phải người Việt Nam có nguồn gốc Mã Lai mà ngược lại, người Mã có nguồn gốc Việt! Nhưng kỳ diệu nhất là, mỗi bước đi của nó là một chứng minh cho sự đúng đắn của thuyết Việt nho. Ngay trước thềm thế kỷ XXI, khoa học tìm ra gốc gác duy nhất châu Phi của nhân loại. Tiếp đó, xác định con đường ven biển Ấn Độ đã đưa người tiền sử tới Việt Nam rồi từ Việt Nam, người Việt cổ đi lên khai phá Trung Quốc. Khoảng 20.000 năm trước, người Hòa Bình đã đưa công cụ Đá Mới lên Trung Hoa và chậm nhất, 12000 năm trước, đưa cây lúa tới đồng bằng sông Dương Tử… Di truyền học cũng giúp ta phát hiện rằng, những bộ lạc xâm lăng Bách Việt 2600 năm TCN không phải người Hán mà là người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Chỉ khi vào Trung Nguyên, họ hòa huyết với người Việt, mới sinh ra người Hoa Hạ, thuộc chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), tổ tiên của người Hán. Là con lai của tộc Việt, sống trên đất đai và văn hóa Việt, người Hoa đã học nghề nông, tiếng nói, chữ viết cùng văn hóa Việt để xây dựng các vương triều Trung Hoa… Từ thành tựu mới nhất của khoa học nhân loại soi vào tiền sử Á Đông, ta biết rằng, suốt hơn 2000 năm, bên cạnh các vương triều Trung Hoa, vẫn tồn tại những nhà nước hùng mạnh của người Việt: Ba, Thục phía tây; Ngô, Việt, Sở phía đông; Văn Lang phía nam. Những quốc gia Việt này có nền kinh tế và văn hóa rất phát triển để sản xuất ra tượng đồng Ba Thục, kiếm Việt, trống đồng Văn Lang… Tần Thủy hoàng thôn tính các quốc gia Việt, lập nên nhà Tần, thực chất là việc sáp nhập đất đai, dân cư cùng văn hóa Việt vào đế chế Tần. Đất nước Trung Hoa được xây dựng chủ yếu trên cơ sở con người cùng văn hóa Việt! Như vậy, thực tế lịch sử đã đi xa hơn dự cảm dù là thiên tài của Kim Định!
Đi vào cụ thể, đến nay nhiều tác giả như Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thiếu Dũng, Trần Quang Bình, Hà Văn Thùy, Hà Hưng Quốc (USA)… chứng minh một cách không thể phản bác rằng, sách Dịch là sản phẩm của Việt tộc. Chỉ cần đưa ra lẽ đơn giản: truyền thuyết Trung Hoa nói Phục Hy là tổ của họ, sống khoảng 4480-4369 TCN và làm ra Dịch. Trước đây chưa hiểu gốc gác người Hoa nên chúng ta chưa thể tranh biện về điều này. Nhưng nay, xác định được rằng, người Hoa là con lai của tộc Việt với người Mông Cổ, ra đời khoảng 2600 năm TCN. Vậy, khi nói Phục Hy làm Dịch thì có nghĩa là Dịch xuất hiện 1700 năm trước khi người Hoa ra đời! Không chỉ sách Dịch mà ngay cả ngôn ngữ người Trung Hoa đang dùng cũng là sản phẩm của tộc Việt! (4)
Đánh giá cống hiến của Kim Định
Do nắm bắt một cách hệ thống tri thức khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ, văn hóa học, kết hợp với những khám phá mới về di truyền học dân cư Đông Á, tôi đã xác định được cội nguồn người Việt, người Hoa, người Nhật, người Hàn, người Ấn… Từ đó, bằng những chứng cứ khoa học không thể phản bác, khẳng định người Việt sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp phương Đông rồi trên cái nền ấy, người Hoa Hạ học theo để xây dựng văn hóa Trung Hoa. Chẳng có gì huyền bí cả vì đó là kết quả của khảo cứu khoa học. Nếu hôm nay tôi không làm thì sớm muộn gì cũng có người khác tìm ra!
Nhưng điều mà tôi và không ai khác làm nổi là khám phá đặc điểm của nền văn hóa nông nghiệp Việt tộc. Một phát kiến thực sự vĩ đại mà duy nhất thiên tài Kim Định làm được! Nó quá lớn lao tới độ sau nửa thế kỷ, nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng. Trong sự pha trộn, đa tạp của Khổng nho, Hán nho, Tống nho rồi Minh, Thanh nho… ông chỉ ra nền văn hóa Việt cội nguồn minh triết và nhân bản với bốn yếu tố:
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cố định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
Quan niệm như vậy của phương Đông khác hẳn quan niệm phương Tây. Vốn từ những người săn bắt hái lượm trọng động, chuyển sang du mục cũng trọng động, phương Tây quan niệm về một phương thức sống năng động, triệt để khai thác thiên nhiên cùng cạnh tranh với những bộ lạc khác. Trong con mắt của người phương Tây, vũ trụ cũng như cuộc sống vận hành theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1. Đó là sự phát triển nóng, dẫn tới Dương cực thịnh, Âm cực suy, cuối cùng là phá vỡ cân bằng của thiên nhiên, của xã hội, gây ra thảm họa cho con người.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Đạo Việt an vi.
Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
4. Bình sản
Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng ở giữa, gọi tỉnh điền. Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
Bốn yếu tố kể trên là những đặc tính của văn hóa Việt cổ mà tôi gọi là hạt nhân minh triết, được hình thành từ xa xưa, rồi bị phiêu dạt, chôn vùi qua biến động lịch sử, hầu như mất dạng. Chính vì vậy, khai quật ra điều này là phát kiến lớn nhất của văn hóa Việt.
Không chỉ vậy, trong cuộc đời mình, Kim Định cho in 45 cuốn sách với hơn 8000 trang. Đó là cả một rừng chữ. Chưa mấy ai đi hết rừng chữ ấy và cũng chưa có ai dám nói là hiểu hết những gì Kim Định đề xuất nhưng có thể thấy trong đó định nghĩa khác về triết học để nêu bật vai trò quan trọng của minh triết phương Đông với văn hóa nhân loại. Cũng tìm được trong đó một nguyên lý giáo dục vừa khoa học vừa nhân bản được đề xuất nhằm phục hưng nền giáo dục đang sa đọa. Ở đó còn một đường lối xây dựng văn hóa cho nước Việt từ những phát kiến sâu thẳm của văn hóa cội nguồn. Ông cũng vạch ra mối tương quan văn hóa Đông Tây, sự khác biệt giữa du mục và nông nghiệp để tìm ra con đường đi tới của nhân loại… Điều chắc chắn, đó là kết quả của tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc chân thành và trí tuệ siêu việt. Gần như suốt cuộc đời, Kim Định sống giữa hai làn đạn. Năm 45, do viết cuốn sách phê bình chủ nghĩa Mác, ông bị truy đuổi. Những năm sau này, là linh mục nhưng quá đề cao tinh thần dân tộc, ông không được lòng bề trên. Kết quả là, mười năm cuối đời (1987-1997), ông sống tại một nhà tu nước Mỹ, trong cô đơn và bị kiểm soát gắt gao. Học trò muốn gặp ông phải giả xin xưng tội để hỏi thêm về triết lý, trong sự chứng kiến của người giám sát.
Lúc bị đột trụy, bất tỉnh, máy tính của ông bị mất trong đó có chứa hơn mười tác phẩm đã viết xong hay chưa hoàn tất để chờ xuất bản. Tới nay không ai biết máy tính đó đã đi đâu. Thật là một mất mát lớn lao cho văn hóa Việt !
Nhân cách và cống hiến của ông đáng để cho chúng ta kính trọng.
Có thể bình luận về phương pháp luận cũng như chủ thuyết của Kim Định, nhưng khi truy nguyên động cơ của ông để phê phán thì Tạ Chí Đại Trường đã sa vào suy đoán ngoài khoa học:
“Có thể nói lí thuyết Kim Định bắt nguồn từ ý tưởng bốc đồng huênh hoang của nhà chính trị trong thời gian mất nước vào tay người Pháp, cụ thể là của triết gia chính trị Lý Đông A/Nguyễn Ngọc (Hữu?) Thanh, Thư kí trưởng đảng Đại Việt Duy dân. Mất nước, người ta tưởng tượng ra một nước Việt Nam thời độc lập huy hoàng, to rộng…” “Lý Đông A mơ ước đến một Đại Bách Việt/Hồng Việt, một Đại Nam Hải…chỉ vì có quá khứ huy hoàng của một thời “văn hóa Môn””…
Không, ý tưởng của những nhà yêu nước như Lý Đông A, Nguyễn Hữu Thanh, Trương Tử Anh… không hề là “bốc đồng”, mà nó phản ánh tâm thức của cả một dân tộc nô lệ tìm sức mạnh từ quá khứ cho công cuộc giải phóng. Cũng không hề “huênh hoang” vì tâm linh mách bảo rằng tộc Việt từng có quá khứ huy hoàng. Thời gian chứng tỏ các vị đã đúng vì giang sơn huy hoàng Bách Việt là có thật! Không chỉ các vị mà đó còn là ý nguyện sâu thẳm của nhiều thế hệ Việt. Thậm chí ngày nay, tại Đài Loan, Quảng Đông vẫn còn người gốc Việt mơ ước về một liên bang Bách Việt! Mỉa mai, báng bổ những vị tiên liệt từng hy sinh cuộc đời vì lý tưởng giải phóng dân tộc, ông Tạ Chí Đại Trường không chỉ thiếu một tấm lòng!
Năm năm sau lần trao đổi đầu tiên với Tạ tiên sinh, tôi đã ngược thời gian, đi chặng đường dài về nguồn cội với ba cuốn sách Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn học, 2008) và Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học, 2011). Chẳng biết có phải là kẻ “dân tộc cực đoan” không, nhưng chắc chắn rằng trong hai cuốn đầu, tôi đã phục dựng thành công lâu đài nguy nga kỳ vĩ của cội nguồn và văn hóa Việt. Còn cuốn thứ ba, là những bậc - cấp - khoa - học vững chãi để khi lên đó, người đọc tin rằng không phải “lâu đài cất bằng hơi nước.” Hơn thế nữa, nó cung cấp phương pháp luận mới, góp phần làm lại nền khoa học xã hội nhân văn tiền - di truyền học (pre-genetics) đang lạc hậu và lạc đường thê thảm!
Trên mỗi bước đi, tôi đều thấy bóng dáng lồng lộng của triết gia Kim Định trong tư cách người chỉ đường thông tuệ, có lòng yêu dân tộc vô hạn. Vậy mà buồn thay, suốt từng ấy ngày tháng, có người kiên trì phản bác ông vẫn bằng giọng ngồi lê đôi mách vô sở cứ! Jared Diamond, Giáo sư Đại học California, tác giả những cuốn sách lừng lẫy Súng, thép và vi trùngLoài tinh tinh thứ ba  Sụp đổ từng nói câu đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những hòn đá, những mẩu xương được nữa. Mọi phát hiện về con người nếu không được di truyền học kiểm chứng đều không đáng tin.” Khổng Tử dạy: “Bất độc thư vô dĩ ngôn.” Là nhà hiển-sử học, lạc vào cõi mênh mông của văn hóa-triết học thời tiền sử, trong tay không có đá, không có xương mà cũng chẳng có ADN, hỏi Tạ tiên sinh có gì để nói?!
Cũng như hai lần trước, lần thưa chuyện cuối cùng này tôi không hy vọng sử gia có lời để trả. Dù biết là khoa học luôn phủ định thì với tầm mức trí tuệ nhân loại hiện nay, người có thể phản bác những luận cứ của tôi chỉ ra đời khi nào một khoa học công nghệ mới xuất hiện, lật ngược di truyền học hiện đại, chứng minh được rằng: không phải loài người Homo sapiens được sinh ra trước nhất tại châu Phi. Người tiền sử không theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam và người Việt Nam không có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất, có nghĩa là cổ nhất Đông Á! Nhưng liệu có không một ngày như thế?!
Nói công bằng, trong bản văn công bố lần này, ông Tạ Chí Đại Trường có điều mới và đúng: người ủng hộ triết gia Kim Định ngày càng nhiều! Không chỉ những học trò Kim Định ở Anh, Mỹ, Úc lập Hội An Việt, in sách vở, dựng đài phát thanh quảng bá ông mà con em những người miền Nam xưa “im lặng cười khinh” cũng tìm học. Và lạ lùng hơn là người Hà Nội. Trước Bảy Lăm, miền Bắc hầu như không biết tới Kim Định. Sau đó thì sách của ông bị cấm. Nhưng, như Tagore nói: “Tư tưởng đi nhanh như gió. Gió qua biên giới không cần giấy thông hành”, xa lộ thông tin mang tư tưởng ông tới tận cùng ngõ ngách. Người Hà Nội với chiều sâu ngàn năm văn hiến vốn thâm trầm, không dễ tin. Nhưng khi thấy những “hạt nhân hợp lý” từ Kim Định, họ đã hưởng ứng. Và không như người đọc miền Nam nửa thế kỷ trước, bơ vơ ngơ ngác trước phát kiến mới lạ, rồi bị đám học phiệt bảo thủ làm rối trí. Hôm nay người Hà Nội tiếp nhận Kim Định trong bối cảnh học thuyết Việt nho đang tỏa sáng rực rỡ. Nếu thực sự khách quan, thực sự cầu thị, trước khi viết tiếp những lời phỉ báng, ông Tạ Chí Đại Trường nên bắt chước người Mỹ đặt câu hỏi “Why? Vì sao vậy? Vì sao ông càng rủa xả, người theo Kim Định càng nhiều?!”
Ngày 5 tháng Năm 2011
HVT
Tài liệu:
2.     Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm Sài Gòn, 1970.
3.     Kim Định. Loa thành đồ thuyết. Thanh Bình Sài Gòn, 1973.
4.     Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. Văn học, 2011