LỊCH SỬ PHƯƠNG ĐÔNG VÀ NỀN SỬ HỌC KHÔNG ADN



I. Khái quát về Sử học thế kỷ XX

Sử học là khoa học khảo cứu hoạt động xã hội của những cộng đồng người trong quá khứ. Vì vậy, yếu tố quyết định thành công của Sử học là nhận thức chính xác về cộng đồng người đó có gốc gác từ đâu, qua quá trình hình thành như thế nào để có mặt tại thời gian và không gian mà sự kiện lịch sử diễn ra. Như vậy, vô hình trung, trong bước khởi đầu, mục tiêu của Sử học trùng với mục tiêu của Nhân chủng học. Nói chính xác hơn, Sử học phụ thuộc, “ăn theo” kết quả nghiên cứu của Nhân chủng học.
Thế kỷ XX, Nhân chủng học sáng tạo phương pháp đo đạc so sánh hình thái sọ (metric) để xác định các dạng người từng tồn tại trên Trái đất đồng thời định tuổi các cốt sọ để tìm hiểu nguồn gốc loài người. Từ kết quả nghiên cứu đã xuất hiện hai giả thuyết. Giả thuyết châu Phi (out of Africa hypothesis) xác định châu Phi là quê hương của loài người và giả thuyết nhiều vùng (The multiregional hypothesis) cho rằng loài người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau: Châu Phi cho ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, Tây Nam Á cho ra người Arian còn châu Á là quê hương của người Mongoloid.
Gần suốt thế kỷ, hai giả thuyết tranh chấp nhau, không phân thắng bại. Nhưng vào thập niên 70s, do phát hiện di cốt của người Neanderthal rất giống với người châu Âu hiện đại, thuyết Đa nguồn gốc thắng thế, chi phối Nhân chủng học thế giới.
Nhìn chung, với châu Âu, vấn đề nhân chủng khá đơn giản nhưng ở Đông Á, câu chuyện đặc biệt phức tạp.
Thập niên 1920, tại Trung Quốc có những khám phá khảo cổ học quan trọng. Đó là việc kỹ sư mỏ người Thụy Điển Anderson phát hiện văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước mà chủ nhân của nó rất gần với người Trung Hoa hiện đại. Tiếp đó là di chỉ Chu Khẩu Điếm ở gần Bắc Kinh, có người Đứng thẳng (Homo erectus) khoảng 600.000 năm tuổi, mà ở tầng phía trên là di cốt người hiện đại Homo sapiens 27.000 năm trước. Những khám phá này trở thành chứng cứ thuyết phục để giới khoa học tin rằng, con người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở Tây Tạng, di cư vào Trung Quốc rồi từ đây lan tỏa ra toàn bộ châu Á.
Kết hợp cổ thư Trung Hoa với khám phá của khoa học, các học giả thế giới và Trung Quốc cho rằng, người Bắc Kinh là tổ tiên của người Trung Hoa. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà là nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa. Từ đây con người và văn hóa Hoa Hạ lan tỏa xuống phía Nam. Bên cạnh quan niệm Âu trung: văn minh nhân loại bắt nguồn từ phương Tây thì xuất hiện quan niệm Hoa trung: Trung Hoa là trung tâm hình thành con người và văn hóa phương Đông.
Có thể nói, Nhân học và Sử học hiện đại Việt Nam ra đời trong khí quyển của hai quan niệm này. Sau gần nửa thế kỷ chiếm đóng Đông Dương, do ý đồ thống trị lâu dài vùng đất này và nhờ tích lũy được ít nhiều tri thức về phương Đông, người Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội vào năm 1898. Trên lĩnh vực khoa học nhân văn, những nhà Hán học như  Maspero, Aurousseau… giữ vai trò chủ đạo. Do vậy, cả Nhân học và Sử học Việt Nam được hình thành trên hai nguồn tư liệu là cổ thư Trung Hoa và những khám phá khoa học nhân văn của học giả phương Tây. Trong khi người phương Tây còn hiểu biết về phương Đông rất hạn chế thì những nghiên cứu của Viễn Đông Bác cổ như ánh đuốc tỏa sáng từ miền đất tối tăm và bí ẩn, soi đường cho giới khoa học quốc tế.
Với người Việt Nam, các học giả của Viễn Đông Bác cổ cho rằng, người Melanesien là dân cư cổ nhất ở Đông Dương. Khoảng 2000 năm TCN, người Indonesien từ Ấn Độ tràn sang, tiêu diệt hoặc đẩy người Melanesien bản địa ra các đảo Đông Nam Á. Sau cùng, khoảng năm 333 TCN, do nước Sở diệt nước Việt, người Việt từ Nam Dương Tử chạy xuống Bắc Việt Nam, tạo nên dân cư Việt Nam hôm nay.[1]
Từ sự xác định nguồn gốc như vậy đã hình thành quan niệm phổ biến cho rằng, người Việt Nam là sản phẩm đồng hóa của người Trung Hoa từ trước Công nguyên và được tiếp tục trong thời gian hơn nghìn năm Bắc thuộc. Lẽ đương nhiên, văn hóa Việt cũng là sản phẩm đồng hóa của văn hóa Trung Hoa. Không chỉ trong nhiều phong tục tập quán mà rõ ràng nhất là tiếng Viêt vay mượn khoảng 70% từ ngôn ngữ Hán và chữ Hán trở thành quốc ngữ của người Việt. Quan niệm như vậy về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa của người Việt đã định hướng cho mọi nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX.

II. Những yếu tố khai sinh nền Sử học mới

Tuy nhiên, trên thực tế, đó không phải màu sắc duy nhất của bức tranh khoa học nhân văn phương Đông. Người ta vẫn thấy, trên cái nền chung ấy có những đốm sáng tương phản.
Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, tại Paris, Đại tá Frey, H, (1847-1932) đã công bố ba cuốn sách liên quan tới ngôn ngữ Việt Nam là:

1. L'Annamite, mère des langues; communauté d'origine des races celtiques, sémitiques, soudanaises et de l'Indo-Chine, Paris, 1892, 248p. (Tiếng Việt, mẹ của các ngữ; cộng đồng có nguồn gốc của các chủng tộc Celtic, Do Thái, Sudan và Đông Dương);

2. Annamites et extréme occidentaux, recherche sur l'origine des langues, Paris Hachette, 1894, 272 p. (An Nam và Viễn Tây, nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ)

và 3. Les Egyptiens préhistoriques identifiés avec les Annamites, d'aprés les inscriptions hiéroglyphiques Paris, Hachette, 1905, 106 p. (Người Ai Cập thời tiền sử liên hệ với An Nam qua chữ khắc tượng hình).
Là sỹ quan người Pháp từng công tác tại Tây Phi rồi có mặt ở Đông Dương, tác giả đã nhận ra sự gần gũi giữa ngôn ngữ Đông Dương và tiếng nói của thổ dân châu Phi cùng các sắc dân Celtic, Semitic và Soudan. Chính ông đã cảm nhận nguồn gốc châu Phi của ngôn ngữ Việt Nam. Đồng thời ông cũng phát hiện, tiếng nói của người Việt Nam có vai trò chủ đạo ở phương Đông. Từ đó ông khẳng đinh, tiếng Việt là mẹ của các ngữ.…
Đáng tiếc là tiếng nói cô đơn của tay võ biền không thể chống lại một xu hướng đang lên của những học giả có uy tín lớn.

- Năm 1923, nhà khảo cổ người Pháp Madeleine Colani khám phá ra số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá cuội được ghè đẽo xung quanh hòn cuội, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình, có niên đại 22.000 đến 2.000 năm TCN. Sau đó còn phát hiện rất nhiều địa điểm ở Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra, Nhật Bản, Đài Loan, Australia… những di tích với các công cụ cùng một kỹ thuật chế tác.

Văn hóa Hòa Bình có ý nghĩa khoa học rất lớn trên hai phương diện:

a. Đánh dấu sự chuyển tiếp từ văn minh Đá Cũ sang Đá Mới ở thời điểm rất sớm: 22.000 năm TCN. Trong khi, với tri thức kinh điển, ở phương Tây, văn minh Đá Mới chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Điều này cho thấy, văn minh phương Đông tiến trước phương Tây hơn chục nghìn năm. Một chứng cứ phủ nhận thuyết Âu trung.

b. Diện bao phủ rộng của văn hóa Hòa Bình cho thấy Hòa Bình là trung tâm phát sinh văn hóa Đá Mới. Điều này nói lên vai trò quan trọng của Việt Nam trong văn minh phương Đông. Thuyết Hoa tâm bị nghi ngờ.
Tháng Giêng năm 1932, Hội nghị Khảo cổ học Quốc tế về Tiền sử Viễn Ðông họp tại Hà Nội xác nhận: "Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm." (Encyclopédia d’Archeologie).

- Từ năm 1933 tới 1937, có cuộc tranh luận giữa nhà ngữ học Ba Lan Pzrilusky với viện sĩ Maspero về nguồn gốc của ngôn ngữ Việt Nam. Trong khi Pzrilusky đồng ý với Frey cho tiếng Việt là gốc của các ngôn ngữ phương Đông thì Maspero cực lực phản đối, vẫn giữ quan điểm của mình: tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng Trung Hoa. Cuối cùng, Maspero chiến thắng. Ở đây, thắng cuộc không phải chân lý khoa học mà là vai vế của người tranh luận. 
-  Năm 1952, tiếp nối tư tưởng của Hội nghị về Tiền sử Viễn Đông, học giả Hoa Kỳ C. Sauer khẳng định: “Về cái nôi của nền nông nghiệp đầu tiên, tôi xin thưa rằng ở Đông Nam Á. Nơi này quy tụ đầy đủ những điều kiện khác nhau cần thiết về vật lý thể chất, hóa học hữu cơ, khí hậu ôn hòa với cả hai vụ gió mùa, với chu kỳ mùa mưa ẩm ướt và mùa khô tạnh ráo, sông nước tiện cho viêc đánh cá. Đất này là trung tâm điểm giao thương cả đường biển lẫn đường bộ của Cựu thế giới. Không có nơi nào mà vị trí lại thích hợp và có đủ yếu tố cung cấp cho sự phát triển nền văn minh hỗn hợp giữa nông và ngư nghiệp tốt hơn nữa.”
 và                                        
"Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ." “Tôi đã chứng minh Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật."[2] 
 Không chỉ vậy, ngày càng nhiều học giả như A.G. Haudricourt & Louis Hedin (1944), E. Werth (1954), H. Wissmann (1957), Jacques Barrau (1965, 1974), Solheim (1969), Chester Gorman (1970)... cho rằng vùng Đông Nam Á là nơi khai sinh nền nông nghiệp đa dạng sớm nhất của nhân loại. 

- Năm 1972 từ những khám phá khảo cổ ở Thái Lan, W.G. Solheim II đã viết:

   "Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Ðông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN..."
  "Rằng văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới văn hóa Bắc Sơn."
  "Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Ðông Nam Á có những nền văn hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài nhẵn đầu tiên của châu Á, nếu không nói là đầu tiên của thế giới và gốm đã được phát minh..."
“Khác với quan niệm phổ biến cho rằng, văn hóa Ngưỡng Thiều và Long Sơn ảnh hưởng xuống phía nam, tôi cho rằng, Ngưỡng Thiều và cả Long Sơn là do giai đoạn Hòa Bình sớm mang lên.”
  "Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Ðộ và châu Phi. Và Ðông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Ðông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN." [3] 

- Năm 1998 Stephen Oppenheimer cho xuất bản cuốn Địa đàng ở phương Đông: Lục địa Đông Nam Á bị chìm [4], một cuốn sách làm thay đổi quan niệm về vai trò của Đông Nam Á trong lịch sử thế giới. Từ kinh nghiệm của một bác sỹ nhi khoa phát hiện dòng gen thiên di của bệnh thiếu máu ở trẻ em hải đảo Đông Nam Á, kết nối tài liệu khảo cổ, cổ nhân chủng và giải mã truyền thuyết, ông đưa tới kết luận: Đông Nam Á là nơi nông nghiệp hình thành sớm nhất trên thế giới. Từ đây, những giống vật nuôi, cây trồng cùng tư tưởng nông nghiệp được truyền sang phương Tây qua nạn đại hồng thủy.
Hòa với những khám phá của học giả thế giới về nền văn hóa phương Đông thì vào thập niên 70s, những khai quật khảo cổ ở phía Nam Dương Tử phát hiện một thực tế không ngờ: Nhiều văn hóa khảo cổ phía Nam Trung Hoa không những tiến bộ hơn mà còn xuất hiện sớm hơn phía Bắc. Chữ tượng hình có mặt ở Giả Hồ 9000 năm trước. Tại Lương Chử, 3300 năm TCN, chữ tượng hình đã trưởng thành, sớm hơn Giáp cốt văn Ân Khư 2000 năm. Các học giả Trung Quốc buộc phải thừa nhận có một nhà nước Lương Chử ra đời sớm nhất ở phương Đông, sớm hơn nhà Hạ hàng nghìn năm. Cũng từ đó xuất hiện quan điểm cho rằng: đồng bằng phía Nam Dương Tử là người mẹ thứ hai của dân tộc Trung Hoa. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện văn hóa Gò Ba Sao (Tam Tinh Đôi) vùng Tứ Xuyên. Thực tế này dẫn tới sự nghi ngờ về nguồn gốc phương Bắc của con người và văn hóa Trung Hoa. Có ý kiến cho rằng, có thể sự thực ngược lại, là dòng dịch chuyển của con người cùng văn hóa từ phía Nam lên.[5]

Tuy đưa ra nhiều nhận định mới nhưng phải thừa nhận là, những bằng cứ chứng minh của chúng, nhất là về khảo cổ chưa vững chắc. Việc định tuổi hạt thóc phát hiện ở Non Nok Tha Thái Lan thấp hơn niên đại do Solheim đưa ra là một gáo nước lạnh dội vào xu hướng này.

Nhưng rồi giọt nước đã tràn ly. 

Cuối năm 1998 xuất hiện một sự kiện gây chấn động giới khoa học. Công nghệ khảo sát ADN người đang sống cho ra khám phá chưa từng có. Nghiên cứu Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc đưa ra kết luận: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi từ 160.000 đến 180.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm cách nay, con người từ châu Phi theo ven biến Ấn Độ tới Việt Nam. Sau thời gian chung sống ở đây, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ và 40.000 năm trước lên khai phá Trung Hoa rồi từ đó vượt eo Beringa chinh phục châu Mỹ…”[6]
Lập tức, nhiều phòng thí nghiệm di truyền học trên thế giới kiểm định nghiên cứu này. Vài năm sau, hàng loạt khảo cứu di truyền được công bố, không chỉ đồng thuận với phát hiện trên mà còn đưa ra những kết quả cụ thể, chính xác hơn.
Xuất phát từ thực tế này, có những người dựa vào khám phá di truyền học để viết cuốn sử mới cho phương Đông

Bắt đầu là những học giả người Việt trong nhóm Tư Tưởng ở Úc gồm Luật sư Cung Đình Thanh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn và Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp. Bằng những bài viết từ năm 2001, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu công trình của nhóm Y.J. Chu, tuy có những hạn chế về số lượng mẫu vật nhưng là khám phá rất có ý nghĩa trong việc khảo sát quá trình hình thành dân tộc Việt. Năm 2003, tại Sidney, Luật sư Cung Đình Thanh cho in cuốn Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học. Do tiếp cận tài liệu Genetic Relationship of Populations in China của nhóm J. Y. Chu và Eden in the East của Stephen Oppenheimer nên công trình của Luật sư Cung Đình Thanh là cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng Việt trình bày việc người từ châu Phi di cư tới Đông Nam Á rồi từ đây đi lên khai phá Trung Hoa. Do vậy, đó cũng là cuốn sách đầu tiên cùng lúc phản bác quan niệm được thừa nhận rộng rãi là con người từ phía nam Tây Tạng xâm nhập Trung Hoa rồi đi xuống Việt Nam cũng như quan niệm cho rằng người Việt do dân cư các đảo Đông Nam Á xâm nhập: “Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS Đại học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Đại Việt sử ký toàn thư đến Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim … nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.” (trang 298) Có thể nói, ở thời điểm xuất hiện, nó tiến xa nhất trên con đường tìm về nguồn cội.

Từ năm 2004, khi tiếp cận công trình của J.Y. Chu, chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian cùng tâm lực tìm về nguồn gốc dân tộc. Từ hơn 10 năm khảo cứu, có thể khái quát lịch sử và văn hóa phương Đông như sau:

1- 70.000 năm trước, hai đại chủng Mongoloid và Australoid từ châu Phi theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra hai chủng người Việt cổ là Indonesian và Melanesian, do người đa số Indonesian (Lạc Việt) lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Khi nhân số tăng, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ và 40.000 năm trước, đi lên khai phá Trung Hoa. 30.000 năm trước qua eo Beringa chinh phục châu Mỹ.

2- Khoảng 20.000 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, phía Nam Dương Tử, người Lạc Việt chế tác đồ gốm đầu tiên. Sau đó vào khoảng 12.400 năm cách nay, thuần hóa thành công lúa nước. Tại văn hóa Giả Hồ tình Chiết Giang, 9.000 năm trước xuất hiện những ký tự tượng hình đầu tiên. Lúa nước và kê được trồng rộng rãi ở lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.

3. Khoảng 7.000 năm trước, diễn ra sự tiếp xúc giữa người Việt trồng kê và người Mông Cổ du mục tại cao nguyên Hoàng Thổ phía Nam sông Hoàng Hà (người Mông Cổ cũng từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước, nhưng do di cư riêng rẽ tới đất Mông Cổ nên giữ được gen Mongoloid thuần chủng, được gọi là người Mongoloid phương Bắc- North Mongoloid) sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam. Người Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà.

4. Khoảng 3.300 năm TCN, nhà nước đầu tiên ở phương Đông của người Lạc Việt được thành lập với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ, ranh giới gần trùng sát với nhà nước Xích Quỷ. So sánh với truyền thuyết thì đó là nhà nước của Thần Nông. Khoảng năm 2879 TCN diễn ra việc lập nước Xích Quỷ.

5. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Bại trận, người Việt từ lưu vực Hoàng Hà (Núi Thái -Trong Nguồn) di tản xuống phía Nam, đem nguồn gen Mongoloid về, chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam.
Từ 2.000 năm TCN, dân cư Đông Dương cũng như Việt Nam duy nhất là chủng (race) Mongoloid phương Nam gồm nhiều sắc tộc (ethnicities) khác nhau. Khoảng 500 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành. Các sắc dân Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử tụ về khai phá đất mới. Những sắc dân Thái, Tày, Hẹ (Hakka) từ Trung Nguyên trở về mang theo tiếng nói đơn âm, hữu thanh. Do sống trong môi trường thuận lợi về kinh tế và giao lưu văn hóa, lại tiếp thu tiếng nói đơn âm nên tại đồng bằng sông Hồng hình thành sắc tộc mới, là người Kinh. Do chưa hiểu nguồn gốc nên trước đây gọi cộng đồng này là người Việt. Như vậy, người Kinh là sắc dân được sinh ra muộn nhất từ cộng đồng người Việt.

6. Vào Nam Hoàng Hà, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học làm nông nghiệp và văn hóa của người Việt. Do sống chung, lớp người lai Mông-Việt ra đời, tự gọi là Hoa Hạ. Do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa về máu huyết cũng như văn hóa. Do giữ địa vị thống trị, người Mông Cổ bắt cộng đồng nói theo cách nói Mông Cổ (phụ trước chính sau)

7. Suốt thời kỳ dài, các vương triều Hoa Hạ chỉ chiếm phần đất nhỏ ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà và luôn trong cuộc chiến tranh với các nước hoặc bộ tộc người Việt xung quanh. Phía Nam Dương Tử hoàn toàn là đất của người Việt. Năm 2.200 TCN, nhà nước Xích Quỷ phân rã, hình thành các quốc gia Việt, Ngô, Sở của người Việt.

8. Cuối thời Chiến Quốc, nhà Tần, một quốc gia của người Việt, diệt lục quốc, lập đế quốc Tần. Khi nhà Chu diệt vong, người Hoa Hạ hết vai trò lãnh đạo. Mặt khác, tới lúc này, người Hoa Hạ cũng được đồng hóa để hòa mình trong cộng đồng Việt. Lưu Bang vốn người nước Sở nên nhà Hán do ông thành lập cũng là quốc gia của người Việt. Tuy nhiên, vì uy danh từ xa xưa của Hoa Hạ nên không chỉ Lưu Bang mà các đế vương sau này cũng nhận là Hoa Hạ.

9. Từ cuối đời Hán và tiếp tới sau này, các bộ tộc du mục ở Tây Bắc liên tục xâm nhập, có thời gian dài thống trị Trung Quốc như Nguyên, Thanh nên rất nhiều người Mongoloid phương Bắc vào Trung Quốc hòa huyết với người tại chỗ. Nhưng hầu hết họ dân bản địa bị đồng hóa thành người Mongoloid phương Nam, được gọi là người Hán.

10. Do dân cư Trung Quốc được hình thành trên nền cơ bản là người Việt nên tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tiếng Trung Quốc là tiếng Việt được nói theo giọng và cách nói Mông Cổ (Mongol parlance).

11. Với chúng tôi, việc tìm nguồn gốc chữ viết Trung Hoa là thách thức  lớn. Sách sử cho thấy, tới giữa thời Thương, các vương triều Hoa Hạ chưa có chữ. Nhưng khi Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Dương Việt ở Hà Nam, lập nhà Ân (khoảng 1300 năm TCN) thì chữ tượng hình Giáp cốt văn Ân Khư xuất hiện, ở dạng thức đã trưởng thành. Nguyên nhân do đâu?

Tuy phát hiện chữ tượng hình ở văn hóa Giả Hồ (Chiết Giang) 9.000 năm trước, Bán Pha (Sơn Tây) 6.000 năm trước, Lương Chử hơn 5000 năm trước nhưng các học giả phương Tây không thừa nhận. Rất may là vào cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây, khi khai quật những đàn tế của người Lạc Việt, hàng nghìn mảnh xẻng đá khắc chữ tượng hình được tìm thấy. Như giọt nước làm tràn ly, hàng nghìn phù tự (chữ dùng để bói toán và cúng tế) trên các mảnh đá ở Cảm Tang Quảng Tây 6.000 năm trước khẳng định: người Lạc Việt đã sáng tạo chữ tượng hình khắc trên đá, yếm rùa, xương thú rồi đưa lên Hà Nam. Khi chiếm đất An Dương, người Hoa Hạ đã chiếm đoạt loại chữ này rồi phát triển lên. Như vậy, có thể khẳng định, chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa

12. Một câu hỏi nan giải khác: cây lúa được trồng trước hết ở đâu? Tuy với niềm tin vững chắc rằng Đông Nam Á là quê hương của cây kê và cây lúa nhưng vì thiếu chứng cứ khảo cổ học nên không thể đưa ra lời khẳng định. Thật may là vào năm 2012, khảo cổ học phát hiện tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây cùng mảnh gốm 20.000 năm là hạt lúa trồng 12.400 tuổi. Điều này xác nhận người Lạc Việt thuần hóa cây lúa sớm nhất trên thế giới.[7]

Trên địa bàn Đông Á, người Việt đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ mà tiêu biểu là quan niệm Âm Dương, Ngũ hành, kinh Dịch, kinh Thi, tiếng nói phong phú, chữ tượng hình giàu biểu cảm…
Nhưng trớ trêu thay, tộc người sinh ra dân cư và sáng tạo nền văn hóa phương Đông kỳ vĩ lại có số phận bất hạnh. Mất đất đai, mất con người, mất văn hóa, mất chữ viết… hàng nghìn năm người Việt bị coi như đám trôi sông lạc chợ, sống phận tôi đòi dưới bóng Trung Hoa!
Nay, nhờ ánh sáng của khoa học nhân loại, dân tộc ta tìm lại được cội nguồn, văn hóa, lịch sử của mình. Hy vọng tri thức mới sẽ khiến người Việt ngửng đầu làm tròn sứ mệnh vinh quang dẫn dắt nhân loại trong kỷ nguyên mới để xứng đáng với tổ tiên xưa.

Những ý tưởng trên đã được chúng tôi trình bày trong hàng trăm bài viết và năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn Học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn Học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn Học, 2011),  Viết lại lịch sử Trung Hoa (SG Nhà xuất bản, Amazon phát hành) và Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (SG Nhà xuất bàn, Amazon phát hành).
Có thể khẳng định, những công trình kể trên mở đầu cho cuốn sử mới và chân thực của phương Đông.

III. Số phận của nền Sử học không ADN

Khi chứng minh được rằng, con người từ phương Nam lên, mặc nhiên cả một thế kỷ Sử học lập thuyết trên cơ sở con người từ phương Bắc xuống sụp đổ!
Một sự thực được phơi bày: nhân chủng học là khoa học tự nhiên nên việc tìm nguồn gốc con người không chỉ cần phương pháp luận đúng mà còn rất cần một công nghệ thích hợp. Công nghệ hiệu quả nhất mà khoa học sáng tạo được ở thế kỷ trước là đo sọ (metric): đo những chỉ số của sọ người như chiều dọc, chiều ngang, chiều rộng hố mắt, độ nổi của vành mày, mặt nghiêng hay mặt đứng… rồi từ tỷ lệ giữa chúng mà xếp thành từng chủng người. Công nghệ này gặp hai trở ngại. Trước hết là những mẫu sọ cổ thường được phát hiện ngẫu nhiên, vì vậy việc khảo cứu chúng không thể tiến hành theo hệ thống. Mặt khác, số mẫu vật tìm được thường rất ít. Do vậy khi giải bài toán thống kê độ chính xác không cao.
Công nghệ đo sọ tuy đưa tới những khám phá ban đầu về nhân loại: Loài người gồm ba đại chủng Australoid, Mongoloid và Europid… nhưng việc định loại con người ở bậc phân loại thấp hơn (chủng người race) gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác.
Thất bại của Nhân học thế kỷ XX đã kéo theo thất bại của Sử học.
Cho tới nay nhiều sử gia bỏ công sức khảo cứu về người Việt, người Hán, người Chăm, người Khmer… trong khi chưa biết những cộng đồng đó có nguồn gốc ra sao, có mối quan hệ với nhau thế nào nên không thể hiểu họ một cách đúng đắn. Một khoa học mà đối tượng nghiên cứu của nó chưa xác định được thì có thể khẳng đĩnh, kết quả của nó chỉ là giả tạm.
Có hai lý do để khẳng định Sử học phương Đông thế kỷ XX chỉ là giả tạm:

1.   Loài người hay một chủng người xuất hiện tới nay trên mặt đất đều có một quá trình. Nhưng do chưa biết quá trình đó nên các nghiên cứu về con người phải bỏ qua thời tiền sử để khảo cứu nó từ 2000 năm cách nay, nhất là dựa vào văn tự. Khi chưa biết gốc thì mọi chuyện nói về ngọn đều không có cơ sở.

2.   Cũng do chưa xác định được nguồn gốc và quá trình hình thành của mỗi chủng người nên mọi khảo cứu về nó dựa vào hình dáng, chất liệu các rìu đá, hoa văn khắc trên đồ gốm rồi ngôn ngữ… đều chỉ là những chứng cứ gián tiếp, không phản ánh đúng sự thực.

Đúng như nhận định của nhà nhân học người Mỹ Jared Diamond: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học xác nhận đều không đáng tin cậy.”

Do vậy, có thể kết luận: về cơ bản, Sử học phương Đông thế kỷ XX không phản ánh đúng thực chất những gì diễn ra trong quá khứ. Đó là nền Sử học thất bại, đã bị thực tế lịch sử phủ định.

Tuy nhiên, có sự thực là, cái nền sử học đã chết cả về hồn và xác ấy, như hồn ma bóng quế vẫn tiếp tục quá trình gieo rắc sự ngu dân của nó:

Năm 2005, trả lời Đài BBC tiếng Việt, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Quan điểm chung của phía Việt Nam là công nhận thuyết 'đa trung tâm'. Theo đó, không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác. Các cư dân Hoa Bắc thời cổ, vốn trồng kê, cao lương và sau là lúa mạch. Còn các cư dân Đông Nam Á trồng lúa mùa theo các mùa nước.”[8]

Trong cuốn Nguồn gốc người Việt-người Mường, tác giả Tạ Đức cụ thể hóa ý tưởng của Aurousseau, cho rằng, người Lava từ Trung Quốc di cư xuống, làm nên dân cư và văn hóa Việt thời Phùng Nguyên. [9]

Tạ Chí Đại Trường và các học giả Mỹ như K Taylor, L. Kelley cho rằng, không hề có nước Xích Quỷ và thời Hùng Vương trong sử Việt. Người Việt, người Thái… là những chủng khác nhau!

Thay mặt giới sử gia, PGS Lê Văn Lan tới diễn đàn Quốc hội tuyên bố: “Lịch sử Việt Nam chỉ bắt đầu vào 700 năm TCN, khi nhà nước Văn Lang ra đời. Do đó Lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1992 ghi: “Đất nước Việt Nam trải qua mấy nghìn năm  lịch sử” thay vì “Trải qua bốn nghìn năm lịch sử,...” như Hiến Pháp 1980 (!)                                                    

                                            
   Sài Gòn, tháng Sáu, 2016

Tài liệu tham khảo.
1.   Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480. Dẫn theo Cao Thế Dung: Tên nước Việt. (http://www.mevietnam.org/NguonGoc/ctd-tennuocvietnam.html)
2.   Carl Sauer. Agricultural Origins and Dispersals, The American Geographical Society, New York, 1952 
3.    Wilhelm G. Solheim II. New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3, Mar.1971.  
4.    Stephen Oppenheimer. Eden in the East: the drowned continent of Southeast Asia.  https://www.amazon.com/Eden-East-Drowned-Continent-Southeast/dp/0753806797
5.   Hà Văn Thùy. Viết lại lịch sử Trung Hoa. SG Nhà xuất bản. http://www.amazon.com/Viet-Lai-Lich-Trung-Vietnamese/dp/1500462675/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1407022568&sr=1-1&keywords=ha+van+thuy
6.   J. Y. Chu et al.  Genetic relationship of populations in China
http://www.pnas.org/content/95/20/11763.full
7.Xianrendong  http://archaeology.about.com/od/xterms/qt/Xianrendong.htm                                                                                           
8.   Nghe phỏng vấn 20 phút với GS. Trần Quốc Vượng :  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2005/03/interviewweek112005.shtml

9.   Tạ Đức. Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Trí thức 2013                                                  

THƯA ÔNG PHAN LAN HOA




Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số Xuân 2016 tác giả Phan Lan Hoa có bài Lạm bàn với ông Hà Văn Thùy về nội dung bài viết “Xứ Nghệ là quê hương của người Việt hiện đại”.  Nhận thấy bài viết thiếu chuẩn mực tối thiểu của một bài báo khoa học nên vì lịch sự, tôi im lặng. Nhưng thật bất ngờ, trên blog Ví dặm ân tình, phía dưới bài “Lạm bàn…” xuất hiện lời bình sau:

            ”O Ví quá uyên bác! Bái phục! Hơi buồn vì Hà Văn Thùy là cử nhân Sinh học, sinh viên cũ và giỏi giang của tôi ! Sau đó... Bỏ nghề !”

Nếu là của người khác, tôi cũng im lặng cho qua. Nhưng đây lại là của vị Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, cựu Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, người của công chúng. Hơn nữa, lại là người Thầy rất thân thiết của tôi hơn 50 năm trước thì thật đáng để suy ngẫm! Phải chăng, tôi đã trình bày ý tưởng của mình quá tối tăm tới mức mà vị Giáo sư chuyên ngành sinh học cũng không hiểu nổi? Sợ rằng do danh tiếng lớn vị Giáo sư khiến bạn đọc hoang mang, tôi buộc lòng phải thưa chuyện lại với tác giả cùng bạn đọc.

Xin thưa,

Năm 1963, như mọi học trò lớp 10, tôi buộc phải chọn nghề. Dù rất mê văn chương nhưng tự biết lý lịch mình không được “sạch sẽ” lắm nên tôi không dám thi Tổng hợp Văn. Thay vào đó, tôi thi vào Sinh học,  một ngành khoa học tự nhiên gần gũi với cuộc sống để trước hết có cái nghề đứng chân trong xã hội. Sau đó, nếu thực có khả năng, sẽ chuyển sang văn chương. Đúng như dự liệu ban đầu. Sau năm năm công tác chuyên môn, tôi chuyển sang làm thơ viết văn ở Hội Văn nghệ Thái Bình. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ những giọt nước mắt đau khổ của cha tôi, một nhân sỹ hoạt động từ Tiền Khởi nghĩa. Là người hiểu số phận của những nhà văn trong Nhân Văn-Giai Phẩm, khi không ngăn được tôi bỏ cái nghề lương thực “giầu năng lượng”, bước vào con đường nguy hiểm, Người đã khóc. Dự cảm của cha tôi không sai. Sau này, vì một bài báo, tôi suýt lâm vòng tù tội và rồi bị đuổi việc…
Từ khi cầm bút viết văn, tôi nhận ra rằng: “Muốn viết được câu văn tử tế, cần phải hiểu đến tận cùng lịch sử dân tộc.” Tiếc thay, không có cuốn sử nào làm hài lòng tôi cả. Sau tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ, tôi bắt tay viết cuốn Triệu Vũ Đế với mục đích trả lại công bằng cho người khai sáng lịch sử dân tộc.

  Một đêm tháng 8 năm 2004, trong khi mò mẫm trên mạng tìm tư liệu cho cuốn sách, tôi bắt gặp thông tin về việc người Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Sau khi sinh sôi trên đất Việt, người tiền sử lan tỏa ra châu Á và thế giới… Với mớ kiến thức Sinh học chưa kịp quên, tôi hiểu rằng, thông tin này có ý nghĩa vô cùng lớn vì nó không chỉ buộc phải viết lại lịch sử phương Đông mà còn thay đổi vận mệnh dân tộc Việt! Từ đó, tôi dừng mọi việc văn chương để tìm lại cội nguồn. Cho đến nay cùng với hàng trăm tiểu luận công bố trên các phương tiện truyền thông, tôi đã cho in năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Việt lại lịch sử Trung Hoa Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (SG California xuất bản 2014, Amazon phát hành). Những bài đăng trên Văn hóa Nghệ An được trích từ hơn 10 năm khảo cứu đó.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhận thấy có nhiều dại khờ cùng không ít ngu dốt. Tuy nhiên, việc học Sinh học, bỏ nghề đi viết văn rồi cuối đời khảo cứu lịch sử là lộ trình đúng đắn. Chính là nhờ kiến thức Sinh học từ hơn 50 năm trước mà tôi nhanh nhạy tiếp cận những nghiên cứu di truyền học của thế giới. Không những thế, từ nhiều nguồn tư liệu mâu thuẫn nhau, đã chọn ra thông tin chính xác để kiên trì theo đuổi rồi cùng với những kiến thức về khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học… giải mã quá trình hình thành nòi giống Việt, tìm ra lịch sử chân chính của dân tộc.

Do đề xuất những ý tưởng quá mới nên tôi bị một số người chất vấn một cách gay gắt. Không chỉ vậy, nhờ khám phá chiều sâu của lịch sử văn hóa phương Đông, tôi cũng phải lên tiếng tranh biện với nhiều học giả: với Giáo sư Nobel Dương Chấn Ninh về kinh Dịch; với Triết gia danh tiếng người Pháp Francoise Jullien về minh triết; với Giáo sư người Mỹ W. K Taylor và L. C. Kelley để bảo vệ danh dự dân tộc Việt, với Sử gia Tạ Chí Đại Trường để bảo vệ phát kiến của học giả Kim Định…

Xin được trình bày đôi điều về bài viết phản bác tôi trên Văn hóa Nghệ An.

1. Muốn ngồi vào bàn cờ, cần phải sạch nước cản

Cũng vậy, trước khi tranh luận về lĩnh vực khoa học nào, cần phải có kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó đồng thời phải biết thao tác tối thiểu của phương pháp viết khảo cứu. Do không có tri thức như vậy nên tác giả mắc những sai lầm vô cùng sơ đẳng.
Đưa ra “thuyết tiến hóa và nguồn gốc loài người” mà chỉ dẫn “(nguồn-minhtriet.net)” thì đâu phải là việc làm nghiêm túc? Trang mạng được dẫn không phải là tạp chí chuyên ngành, lại không có tác giả thì lấy gì đảm bảo cho độ khả tín của tư liệu?! Hãy xem nội dung dẫn chứng:
“Người ta chia loài linh trưởng ra làm 3 giai đoạn:
-           Người Viễn cố (proteo-Anthropus) khoảng 1 triệu năm trở về trước.
-           Người Thái cổ (Arche-Anthropus) từ 100.000 BP tới 1.000.000 BP
-           Người Thượng cổ (paleo-Anthropus) từ 40.000 BP đến 100.000 BP là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Neo-Anthropus, tên khoa học Homo sapiens)
-           Người hiện đại (Neo-Anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay, xuất hiện hàng loạt ở nhiều nơi vào khoảng từ 40.000 năm trước, hai nơi được cho là sớm nhất của người hiện đại là Đông Nam Á và Tây Á. Với sự định nghĩa này,  khái niệm người hiện đại bao gồm toàn thể nhân loại kể từ 40.000 năm TCN, kể cả người tiền sử cũng như chúng ta ngày nay.”

Tôi không biết tư liệu này gốc ở đâu và có từ bao giờ. Nhưng đó là cách phân loại rất ấu trĩ và phản khoa học nên từ lâu những người hiểu biết đã bỏ qua! Năm 1998 khoa học khẳng định, loài người hiện đại Homo sapiens xuất hiện từ 160.000 đến 180.000 năm trước ở châu Phi. Nếu theo bảng phân loại dẫn trên thì loài chúng ta, vì ra đời cách nay 180.000 năm nên vừa là người Thái cổ, Thượng cổ mà cũng là người Hiện đại! Đấy là chưa kể, không hề có chuyện “mẫu hình nhân loại ngày nay, xuất hiện hàng loạt ở nhiều nơi vào khoảng từ 40.000 năm trước!” Không phải mới xuất hiện 40.000 năm trước mà con người ngày nay là hậu duệ của dòng người sinh ra ở Đông Phi 180.000 năm trước! Còn gì quái đản hơn cách phân loại: cùng là Homo sapiens nhưng chỉ những người xuất hiện 40.000 năm cách nay mới được gọi là người hiện đại?! Vậy về mặt hình thái sọ và di truyền, “người hiện đại”, “người thái cổ”, “người thượng cổ” khác nhau ở chỗ nào? Có phải cùng một loài không? Lấy tiêu chuẩn nào để so sánh?!

Rõ ràng, do thiếu kiến thức sơ đẳng về nhân học nên tác giả nói mà chẳng hiểu mình nói gì! Dựa trên hiểu biết chắp vá như vậy nên những gì viết sau đó cũng không thể có cơ sở khoa học mà chỉ là sự nói mò và râu ông nọ cắm cằm bà kia!
Chẳng hạn tác giả viết: “Từ xương hóa thạch của người Thượng cổ (Paleo-Anthropus) tại hang Thẩm Ôm, niên đại vào khoảng 80.000 năm…”

Có đúng vậy không?

Tôi khẳng định: 80.000 năm trước không hề có bóng dáng của bất cứ con người nào trên đất Việt! Vì sao? Di truyền học phát hiện, người Homo sapiens chỉ có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước. Việc tìm thấy bộ xương người Mongoloid 68.000 năm tuổi ở Lưu Giang Quảng Tây chứng thực điều này. Trong khi đó, khảo cổ học thế giới xác nhận, khoảng 250.000 năm trước, người Homo erectus hoàn toàn biến mất tại châu Á! Để chắc chắn, tôi tra lại di chỉ Thẩm Ồm thì nhận được thông tin: “Năm 1975 đã xác định là một di chỉ khảo cổ học và khai quật. Kết quả thu được 3 răng người và nhiều hoá thạch xương răng động vật, một công cụ đá thạch anh được chế tạo bằng kỹ thuật clac-tôn-hạch đập vào đe. Các di vật có niên đại cách ngày nay chừng 20 vạn năm. Điều này cho thấy người Thẩm Ồm là người hiện đại đầu tiên và sớm nhất biết đến ở nước ta.”(Wikipedia) Nhận thấy Wikipedia đã sai khi cho rằng người Thẩm Ồm là người hiện đại nên tôi truy cập vào tài liệu chính thức của Viện Khảo cổ. Trong báo cáo năm 2015 nhan đề Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt – Lào, PGS. TS Nguyễn Khắc Sử viết: “Sớm nhất là di tích Thẩm Ồm, nơi có di tích hóa thạch người khôn ngoan sớm và kỹ nghệ công cụ đá quartz, với niên đại được xác định vào khoảng: 60.000-40.000 BP.”[1] Tổng kết của PGS. Nguyễn Khắc Sử là đúng vì sau 1975, những nhận định về các di chỉ khảo cổ đã được điều chỉnh. Tuy nhiên báo cáo như vậy chưa phản ánh đầy đủ vai trò của di chỉ Thẩm Ồm. Một nhận định đầy đủ phải như sau: “Hang Thẩm Ồm từng có mặt người Đứng thẳng Homo erectus khoảng 200.000 năm trước. Sau thời gian vắng bóng người, Khoảng 60.000 – 40.000 năm cách nay, người Hiện đại Homo sapiens là chủ nhân ở đây.” (Xin được nói rõ để tránh hiểu lầm. Về niên đại một số di chỉ khảo cổ giữa học giả Việt Nam và quốc tế có sự khác biệt. Thí dụ, khảo cổ học Việt Nam cho rằng người cổ ở văn hóa Núi Đọ có tuổi 300.000 năm. Trong khi đó, các học giả thế giới xác định là 500.000 năm [2]. Trong khi học giả quốc tế cho rằng, người Đứng thẳng Homo erectus tuyệt chủng ở châu Á 250.000 năm trước thì các học giả Việt Nam ghi nhận, người cổ hang Thẩm Ồm tồn tại 200.000 năm cách nay. Do nhiều nguyên nhân mà việc định tuổi khác nhau cho một di chỉ khảo cổ là bình thường và đó còn là chuyện tranh biện dài dài giữa các học giả.)

2. Về tài liệu của nhóm J.Y. Chu

Người phản bác tôi cũng nhầm khi cho rằng tài liệu của J.Y. Chu thuộc về khảo cổ học. Không! Đó là kết quả của việc thực hiện đề án Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Populations in China)[3] do các nhà khoa học của Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa Trung Quốc cùng Đại học Texas và Cicinnaty Hoa Kỳ hợp tác nghiên cứu mà Giáo sư gốc Hoa J.Y. Chu Đại học Texas lãnh đạo. Đó là công trình di truyền học mang tính khai phá vì lần đầu tiên phát hiện loài chúng ta ra đời ở châu Phi từ 160-180.000 năm trước và 70.000 năm cách nay, từ châu Phi, theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra khắp châu Á. Do đặt nhiệm vụ tìm con đường rời khỏi châu Phi (out of Africa) của con người thông qua ADN nên nó không có trách nhiệm khảo sát việc di cư muộn hơn sau này. Cố nhiên là nó không có nhiệm vụ tìm hiểu dân cư “vùng lõi Đông Sơn”!

3. Về người Việt cổ và người Việt hiện đại.

Khảo sát 38 cốt sọ thời kỳ Đá mới và 32 cốt sọ thời Đồ Đồng tìm thấy ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa công bố trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á [4]: “Thời đại Đá mới, dân cư trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu.” (trang 106 dòng 7 tx) và “Sang thời đại đồng sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Autraloid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hóa.” (dòng 8 dl). Như vậy, chưa cần tới di truyền học, chỉ bằng vào khảo sát chỉ số metric các sọ cổ, từ lâu, nhân chủng học đã xác nhận, dân cư Việt Nam hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Thực tế cho thấy, dân cư Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ 70.000 năm tới khoảng 4.500 năm trước, thuộc loại hình Australoid. Từ 4500 năm cách nay, người Mongoloid trở thành chủ thể trên đất nước ta. Để đánh dấu từng giai đoạn, nhân chủng học gọi lớp dân cư Australoid là người Việt cổ. Lớp dân cư Mongoloid phương Nam là người Việt hiện đại. Trong sách của mình, GS.TSKH Nguyễn Đình Khoa viết như vậy. Không những thế, ông còn xác nhận có quá trình chuyển hóa từ Autraloid sang Mongoloid phương Nam diễn ra trên toàn Đông Nam Á. Hiện tượng này được gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Nhân chủng học xác nhận đại bộ phận dân cư Trung Quốc, tức người Hán cũng thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
Không tra cứu sách công cụ khảo sát các di chỉ khảo cổ một cách hệ thống mà chỉ đọc nhảy cóc trên mạng vài ba công bố khảo cổ thì khác nào thày bói mù xem voi?

4. Vua Hùng là ai?

Trong bài viết trên Văn hóa Nghệ An, tác giả ra sức chứng minh Vua Hùng xuất xứ từ Nghệ An và là người Autraloid. Bi hài kịch ở đây là, do không biết rằng, từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam hoàn toàn là người Mongoloid, nên nếu có Vua Hùng con cháu của Thần Nông trên đất Nghệ thì ngài cũng đã biến mất khỏi địa bàn Đông Dương và không bao giờ là tổ tiên của người Việt Nam hiện nay! Lẽ đương nhiên: người mang genome Australoid không thể đẻ ra đàn con Mongoloid! Chỉ có khả năng duy nhất: muốn là tổ tiên người Việt Nam hiện nay, Vua Hùng phải mang mã di truyền Mongoloid. Cố nhiên, ngài không thể được sinh ra trên đất Nghệ mà phải từ nơi khác đến. Từ đâu? Tôi đã nói rất rõ trong bài Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?[5]

5. Người Việt là ai? Người Hán là ai?

Người phản bác tôi sống chết cho rằng, người Hán và người Việt không cùng một chủng! Xin hỏi: phân loại theo khoa học, người Hán chủng gì? Người Việt chủng gì? Như trên cho thấy, người Việt từ 2000 năm TCN tới nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Còn người Hán, học giả Zhou Jixu [6] cho biết: “Theo trường phái nhân chủng học Xô-viết được giới học giả Trung Hoa lục địa chấp nhận, người Hán thuộc nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid hay còn gọi là chủng Mongoloid phương Nam.” Cùng một chủng Mongoloid phương Nam sao người Việt và người Hán “không bào giờ cùng một chủng tộc?” Nếu chỉ căn cứ vào mắt một mí hay hai mí mà phân biệt được chủng người thì cần gì đến ADN? Cũng lầm lẫn như vậy cho nên gần suốt thế kỷ XX các học giả cho rằng, người Kinh, người Khmer, người Chăm, người Êđê… thuộc những chủng tộc khác nhau. Nhưng trong tác phẩm của mình, từ năm 1983, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa xác nhận: Người Chăm, Khmer, các sắc dân Tây Nguyên thuộc loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Nghĩa là trên đất nước chúng ta chỉ có duy nhất một chủng người Mongoloid phương Nam!

6. Tác giả viết: 

“Căn cứ vào ghi chép của Lĩnh Nam trich quái, đồng thời trùng khớp với sử liệu nhà Chu (2258TCN) là một thị tộc cổ nhất ở vùng Trung Nguyên thừa nhận: “Việt Thường thị ở phía nam Giao Chỉ.” Còn Dư địa chí của Nguyễn Trãi lại xác định vị trí: Giao Chỉ sau này là Sơn Nam, tương đương với Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định ngày nay.”
Dẫn cổ thư mà không kiểm tra độ chính xác của sách! Xin hỏi, vào thời Chu – cho dù không phải 2258 mà 1122 năm TCN- vùng Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định là gì? Xin thưa, là đáy biển, chìm dưới mênh mông nước! Thật nực cười: giữa vịnh biển bao la ấy làm sao mà đặt địa danh Giao Chỉ? “Việt Thường thị ở phía nam Giao Chỉ”? Do chẳng hề có Giao chỉ thời Chu nên Việt Thường thị ở chân Hồng Lĩnh cũng chỉ là tưởng tượng! Nguyễn Trãi đã sai vì suy đoán theo cái sai của nhiều sách cổ! Xin bạn đọc kiểm tra ở bài Khảo cổ đồng bằng sông Hồng [7] của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Cũng tài liệu trên cho thấy, chỉ khoảng 500 năm TCN, do nước biển rút, vùng đất này mới hình thành. Vậy, vào thời Chu, Giao Chỉ ở đâu?! Khảo cổ và cổ thư gắn nhau như răng với môi hay cắn nhau tóe máu?!
Một câu hỏi khác: có đúng “nhà Chu (2258TCN) là một thị tộc cổ nhất ở vùng Trung Nguyên”? Ngay câu này đã sai tới hai lần! Nhà Chu chỉ bắt đầu từ 1122 TCN và kết thúc vào năm 249 TCN. Con số 2258 TCN là sự cẩu thả hết nói! Chẳng những thế, nhà Chu không phải là thị tộc cổ nhất ở Trung Nguyên. Bởi lẽ, trước Chu còn Thương; trước Thương là Hạ rồi Ngu Thuấn, Đường Nghiêu và tận cùng là Hoàng Đế. Mà Hoàng Đế cũng phải “chiến Si Vưu” – chiến đấu với người Việt từng sống từ lâu ở đồng bằng Trong Nguồn!

7. Tác giả viết:

“Cổ sử nhà Chu cũng chép rằng: “Chu vương kịp nhớ đến Hoàng Đế có lời thề rằng: “Giao Chỉ ở phương Nam không được xâm phạm.” Nghĩa là khi chiến tranh Xi Vưu xảy ra, hai tộc người Việt: Giao Chỉ và Việt Thường được loại ra khỏi vòng tranh chấp. Hơn nữa, đoạn ghi chép của cổ sử cũng thể hiện rằng, khi chiến tranh Xi Vưu xảy ra, thị tộc Việt Thường đã có từ lâu dưới chân núi Hồng Lĩnh từ trước đó.”
Xin được hỏi: “cổ sử nhà Chu”là cuốn nào? Một khảo cứu nghiêm túc không thể nói buông như vậy để đánh đố (hay lừa?) người đọc!
Mặt khác cũng xin hỏi, khoảng 2700 năm TCN, Hoàng Đế ở tận cao nguyên Hoàng Thổ bên Hoàng Hà thì làm sao mà nhìn xuống phương nam xa vạn dặm? Dù Hoàng đế được sử Trung Hoa tô vẽ là người rất thông tuệ thì liệu có thiên lý nhãn nhìn sâu vào nước biển và vượt thời gian để “thấy” một vùng đất hơn 2000 năm sau sẽ là Giao Chỉ rồi di chúc cho cháu con đừng xâm phạm? Không biết bạn đọc nghĩ sao, còn tôi không đủ can đảm để tin vào chuyện hoang dị như vậy!

8. Tác giả viết:

 theo http://khoahoc TV “Rất nhiều quan điểm cho rằng, nguồn gốc tổ tiên loài người là từ châu Phi, tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện tổ tiên chung của loài người và loài vượn là từ châu Á. Phát hiện này đã giáng một đòn “chí tử” vào lý thuyết truyền thống sinh vật học cổ đại cho rằng tổ tiên loài người đến từ châu Phi. Sau khi tiến hành phân tích hóa thạch động vật linh trưởng phát hiện ở Myanmar có niên đại cách nay 37 triệu năm, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã chứng minh cho giả thuyết được đưa ra cách đây 13 năm cho rằng nguồn gốc tổ tiên loài người là từ châu Á.”
Đoạn văn này có hai điều bất cập. Thứ nhất, trang mạng http://khoahoc TV không có giá trị khoa học. Vì vậy, nếu cần tư liệu, người ta phải truy tìm xem nó lấy từ nguồn nào rồi dẫn theo tài liệu gốc. Một thao tác thực sự khoa học phải như vậy!
Thứ nữa, động vật nhân hình hominid chỉ xuất hiện cách nay 5.000.000 năm. Vì vậy không thể có hóa thạch của chúng 37 triệu năm trước. Do thiếu kiến thức cơ bản nên người viết đã lầm một cách tai hại con số 3,7 triệu năm thành 37 triệu năm!
Đoạn trích trên chứng tỏ người viết nói mà chẳng hiểu mình nói gì! Đưa ra chuyện mông lung bao đồng tranh chấp nguồn gốc châu Phi - châu Á của con người để làm gì khi khoa học đã biết đích xác Homo sapiens được sinh ra từ quê hương duy nhất châu Phi? Không những thế, còn chỉ rõ là tại xứ Ethiopia! Nếu dựa vào chứng cứ này để cho rằng, người Nghệ An có từ 37 triệu năm trước thì quả thật là “uyên bác”!

Tôi buộc phải viết những dòng này không phải vì “danh tiếng” mà vì một nỗi đau.

Hàng nghìn năm, cha ông ta đau đáu ngưỡng vọng về nòi giống Tiên Rồng, Hồng Bàng thị với một bọc trăm trứng. Những bà mẹ Việt ru con: "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra" ; "Gió Động Đình mẹ ru con ngủ, Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh. Lảnh lành lanh, lảnh lành lanh, Võng điều mẹ bế con Rồng cháu Tiên"...
Nhưng rồi học giả Pháp, dựa vào “khám phá khoa học” dạy rằng: “người từ phương Tây xâm nhập Trung Quốc, tạo ra văn hóa Hoa Hạ. Năm 333 TCN, người Sở diệt nước Việt. Người Việt chạy xuống Việt Nam, trở thành người Việt Nam. Vì vậy, tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán.” Dân tộc Việt bị đè nặng dưới bóng Trung Hoa, tưởng không bao giờ ngóc đầu lên được!

Thật mừng là sang thế kỷ này, lịch sử được lật lại, phơi bày sự thật khác: người Việt từ xa xưa là chủ nhân của đất Trung Hoa. Tất cả những thành tựu rực rỡ của văn hóa Trung Hoa là do người Việt sáng tạo! Bước sang kỷ nguyên mới, dân tộc Việt được truyền nguồn năng lượng vô tận để làm sứ mệnh vĩ đại mà tổ tiên trao cho!

Thưa ông Phan Lan Hoa,

Bằng cách nhìn hạ mục vô nhân, ông tưởng rằng, bài vết “uyên bác” của mình sẽ là “đòn chí tử” hạ gục đối phương! Nhưng như ông thấy, do thiếu tri thức cơ bản giúp chọn lọc và kết nối tài liệu nên những gì ông đưa ra chỉ là cóp nhặt, lắp ráp tư liệu thành một đống xà bần vô nghĩa lý. Cái bi hài kịch là, trong khi người Trung Hoa chẳng hề biết tổ tiên họ là ai thì chúng ta lại nâng niu trân trọng từng dòng từng chữ trong sách “thánh hiền” hòng tìm ra nòi giống tổ tiên mình. Sự ngu dân bắt đầu từ đấy!

May mà kỷ nguyên này có công nghệ mới, đọc được cuốn thiên thư tạo hóa ghi trong máu huyết con người, giúp tìm lại cội nguồn. Tri thức mới không chỉ không có trong Sử ký, Hán thư… mà cũng chưa hề thấy ở tân thư của những Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu, Mã Khắc Tư... Muốn có tri thức mới thì phải học. Đó là học Văn. Nhưng trước khi học Văn cũng cần học Lễ, là học cách ứng xử văn hóa khi luân bàn chuyện văn hóa.

Đây là những lời cuối cùng xin thưa với ông Phan Lan Hoa!

                                                                         Sài Gòn, 5. 6. 2016


Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Khắc Sử. Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt – Lào http://khaocohoc.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tin-van-hoa-khao-co-hoc-trong-nuoc/4146-phat-hien-21-di-tich-tien-su-hang-dong-o-bien-gioi-viet---lao.htmlời

2. Bruce M. Lockhart, ‎William J. Duiker.  Historical Dictionary of Vietnam (Historical Dictionaries of Asia, Oceania, and the Middle East) 3rd Edition, 2006:
Nuido culture. Prehistoric site localed in the North of province Thanh Hoa, discovered  by Vietnamese Archeologist in  November 1960. Located on a slight elevation about  15 meters (50 feet) above surrounding rice field, the Nuido find was clear indication of a Paleolithic culture in mainland Southeast Asia, thus indicating that Prehistoric humans inhabited this area as early 500,000 years ago. Artifacts found at the site included chipped cutters and scrapers and hand axes
https://books.google.com.vn/books?id=qQSyAAAAQBAJ&pg=PA289&lpg=PA289&dq=Nuido+culture+in+Vietnam&source=bl&ots=sxM0bCmDA-&sig=UCgIFLPSEe-b_J3xt8l7WI3P0lk&hl=vi&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q=Nuido%20culture%20in%20Vietnam&f=false

3. J.Y. Chu & at al: Genetic relationship of populations in China. Proc. Natl. Acad.  Sci.USA 1998 N. 95 p. 11763-11768.

4. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN, H, 1983)

5. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanatio
SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006

6. Hà Văn Thùy. Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?  Tạp chí Văn hóa Nghệ An
vanhoanghean.com.vn/chuyen.../thuy-to-nguoi-viet-thuc-su-o-dau


 7. Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Quá trình chiếm lĩnh và làm chủ đồng bằng châu thổ sông Hồng của cư dân văn hóa Đông Sơn http://caf.vass.gov.vn/noidung/NghienCuuKhoaHoc/Lists/HopTacNghienCuu/view_detail.aspx?iDCapCoQuan=62&ItemID=1714