NHỮNG Ý TƯỞNG VONG BẢN

 Tại Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21.11.2021, giáo sư Trần Ngọc Thêm được coi là “giáo sư đầu ngành của cả nước về văn hóa học, đặc biệt chuyên sâu về văn hóa Việt Nam” cho rằng “khái niệm "trồng người", quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn" hay hình ảnh coi thanh niên là "cánh tay phải" không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay nên ông đề nghị bỏ đi. Ý kiến của giáo sư Thêm nhận được nhiều bình luận cả đồng tình cũng như phản đối trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để cho việc “theo” hay “chống”có cơ sở vững chắc, thiết nghĩ cần phải có sự hiểu biết thấu đáo về những quan niệm này.

Trước hết, theo thiển ý, khẩu hiệu “thanh niên là cánh tay phải” là khẩu hiệu chính trị. Nó được dùng trong những tổ chức chính trị. Khi một tổ chức được thành lập, nó sẽ sinh ra những tổ chức con, cháu với mục đích thừa hành nhiệm vụ do nó đặt ra. Một khi anh gia nhập tổ chức thì anh phải theo quy định của nó. Nếu không ở trong tổ chức, anh không có bổn phận làm việc đó. Đây là vấn đề nằm ngoài lãnh vực giáo dục nên việc đưa ra là lạc đề và không đáng bàn. Chúng ta sẽ bàn kỹ về “trồng người” và “Tiên học lễ hậu học văn.”

1.      Về việc “trồng người”

Quan niệm “trồng người” xuất hiện đầu tiên trong sách Quản tử của Quản Trọng, một người hiền thời Xuân Thu. Chính văn như sau:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc,

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.

Chung thân chi kế mạc như thụ nhân,

Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã.

Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã,

Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

Tạm dịch:

Kế một năm, chi bằng trồng lúa,

Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.

Kế trọn đời, chi bằng trồng người,

Trồng một, gặt một, ấy là lúa.

Trồng một, gặt mười, ấy là cây,

Trồng một, gặt trăm, ấy là người.

Tuy nhiên, trong nhiều sách cũng như dân gian lưu hành phiên bản sau:

Vị nhất niên chi kế chủng cốc,

Vị thập niên chi kế chủng mộc,

Vị bách niên chi kế chủng nhân,

Vị thiên niên chi kế chủng đức.

Nói những lời trên là Quản tử đã khám phá chiều sâu của văn hóa phương Đông. Xã hội nông nghiệp tồn tại xung quanh việc cấy trồng. Từ hiểu thấu đáo việc nuôi trồng những cây con cụ thể, người Việt thấy rằng việc nuôi dạy con người về bản chất cũng tương đồng. Trước hết là chọn giống. “Tốt mạ tốt lúa” trong trồng trọt thì với con người là “tốt giống tốt má”: Muốn có con người tốt thì trước hết phải có giống tốt. Không chỉ vậy, cha ông ta còn cẩn trọng hơn: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống.” Sau khi có giống rồi thì việc cần làm là chăm sóc… Khoảng 15000 năm trước, người Việt bắt đầu trồng lúa nhưng suốt thời gian vài nghìn năm, chỉ được loại cây bán hoang dã với những đặc điểm: hạt chín không đều, dễ rụng, hạt nhiều lông, râu rất dài và tệ nhất là tinh bột trong hạt không kết dính thành khối nên khi chín thì vỡ vụn ra. 12.400 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, lần đầu tiên người Lạc Việt thuần hóa thành công cây lúa nước. Thuần hóa (domestication) là đỉnh cao của trồng trọt, là công việc loại bỏ tính trạng hoang dã của cây lúa, mở ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Không chỉ vậy, khi được chăm sóc của con người, cây lúa đã “sáng tạo” ra những phẩm chất không hề có ở tổ tiên hoang dã của nó. Chính nhờ việc kiên trì trồng lúa mà người nông dân Việt Nam dần đạt tới mật độ thích hợp của số lượng cây lúa/đơn vị diện tích, đã khiến cho cây lúa tạo ra “con số vàng” là tỷ lệ tối ưu trong quá trình đẻ nhánh và ra lá, đạt hiệu quả quang hợp cao nhất để đạt năng suất cao nhất. Với cây lúa vô tri, việc “trồng” lúa đã cho kết quả như vậy thì việc “trồng người” là một kỳ công, không hề làm hạn chế sự sáng tạo của học trò.

Nói: “Tính thụ động của người Việt hội tụ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm ‘trồng người,’” chứng tỏ ông Trần Ngọc Thêm hiểu sai khái niệm “trồng,” cho rằng đó chỉ là sự can thiệp một chiều cứng nhắc của con người đối với cây trồng. Trong khi, đây là mối quan hệ biện chứng rất phức tạp giữa con người với cây lúa, đất ruộng và khí hậu. Mối liên quan này từng làm thất bại sự áp đặt chủ quan, buộc con người phải học khôn từ thiên nhiên. Biết bao nhiêu mùa cày cấy của biết bao thế hệ người từng trải qua quan niệm “cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc ăn” qua “cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho” học đòi từ nhảy vọt của Tàu, người nông dân Việt mới đạt tới công thức “cấy dầy vừa phải, thóc rải đầy sân.” Chính từ đây giúp cho cây lúa đạt “con số vàng” trong quá trình đẻ nhánh và ra lá. Không phải bỗng dưng mà phương Tây gọi trồng trọt là culture với nghĩa văn hóa. Bởi lẽ đó là quá trình tuyệt vời sáng tạo. Cũng không phải vô cớ mà phương Tây xác nhận kinh tế nông nghiệp là văn hóa trong khi coi kinh tế du mục là văn minh. Cấy trồng – culture tạo nên văn hóa mà đỉnh cao của văn hóa là Minh triết, chỉ có phương Đông mới đạt được. “Trồng người” là sự ứng xử minh triết của người phương Đông mà phương Tây không hề có. Nếu sử dụng culture với vai trò động từ thì “trồng người” là hành vi văn hóa sinh ra con người (culturing people). Đó là sáng tạo vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của phương Đông.

Do không hiểu cái lý sâu xa huyền diệu của minh triết Việt nên ông giáo sư của chúng ta đưa ra kiến nghị dại dột. Không phải vô cớ mà nhiều người phản bác ông. Phần đông trong số họ chưa hiểu cái minh triết sâu xa trong triết lý “trồng người” nhưng bằng tâm cảm gắn bó với hồn dân tộc nên từ lòng thành, từ sự hồn nhiên, họ cảm thấy ý kiến của ông có gì đó không phải, cần chối bỏ.

2.      Về quan niệm “Tiên học lễ hậu học văn.”

Trước hết cần hiểu thế nào là lễ. Trong quan nhiệm nho gia, lễ đầu tiên là công việc tế tự của nhà vua: tế trời đất, tế tổ nhà vua trong Thái miếu. Nhưng dần dà, lễ trở thành việc ứng xử trong cuộc đời. Nó quan trọng tới mức Khổng Tử đã trước tác một trong ngũ kinh là kinh Lễ. Trung tâm của Lễ là ở chỗ con người xác định đúng vị trí của mình trong cộng đồng, trong xã hội. Đó là quy chuẩn để một người được coi là “có văn hóa” như theo cách nói hiện đại. Lễ chính là lằn ranh xác nhận phẩm hạnh một con người. Trong Ngũ thường, quy định phẩm chất của người quân tử là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì Lễ ở vị trí trung tâm, vị trí quan trọng nhất. Nhân, Nghĩa, Trí, Tín là những khái niệm trừu tượng, vô hình, không thể nhìn thấy. Nhưng khi được thể hiện qua Lễ - là cách ứng xử cụ thể, thì những phẩm chất cao quý kia mới hiển lộ. Xã hội phương Đông là xã hội cộng đồng nên yêu cầu mỗi người khuôn xử theo đúng lễ tức là đúng vị trí của mình. Một khi ai cũng như vậy thì xã hội đạt tới thái hòa. Phát triển dựa trên cộng đồng, trên nền tảng thái hòa là bản chất của xã hội phương Đông. Chỉ trên cơ sở đó xã hội đi lên. Vốn từ bản gốc của Khổng Tử, Lễ là sự cân bằng trong quan hệ giữa trên và dưới: Quân minh đi với thần trung; phụ từ đi cùng tử hiếu. Không chấp nhận sự bất công nên Khổng Tử tuyên bố: “Nếu vua hôn ám thì được quyền đuổi nó đi.” Đó là điều mà vào kỷ nguyên Khai sáng, Voltaire phải mơ ước.

Như vậy, trong quan niệm phương Đông, Lễ là cái nền tảng của quan hệ giữa người và người. Ứng xử đúng Lễ là chuẩn mực đánh giá sự thành nhân của con người. Do tầm quan trọng của Lễ như vậy, nên cha ông ta đúc rút thành nguyên lý “tiên học lễ, hậu học văn.” Trong nguyên lý này thì quan hệ giữa “Lễ” và “Văn” không phải là quan hệ chính phụ, nhưng trong đó văn là mục tiêu, là đích cần phải đạt được. Trước khi học để đạt được Văn, anh phải biết Lễ, có nghĩa anh phải là con người. Hiểu Lễ chỉ là gọi dạ bảo vâng, là sự tùng phục của kẻ dưới với người trên là cách hiểu méo mó khái niệm Lễ.

Lễ cũng không phải là khuôn khổ cứng nhắc hạn chế sự sáng tạo của con người. Nếu người phương Đông có bị hạn chế về sáng tạo thì đó thuộc về bản thể của văn hóa nông nghiệp chứ không phải vì Lễ. Khoa học xác nhận, xã hội nông nghiệp hình thành tư duy tổng hợp, đó là sự coi trọng đồng đều các yếu tố khác nhau của môi trường. Tư duy này tạo nên sự hài hòa, tới mức thái hòa trong xã hội. Chính vì vậy, khi khám phá ra năm loại vật chất làm nên vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, phương Đông không đi vào phân tích cấu tạo, bản thể của những loại thái vật chất đó mà chủ trương khảo sát mối quan hệ giữa chúng, từ đó khám phá ra ngũ hành, là cơ sở của Dịch lý, đỉnh cao của minh triết. Trong khi đó, khi phát hiện ra bốn nguyên tố làm nên vũ trụ là Đất, Nước, Lửa và Khí thì với thói quen tư duy phân tích, phương Tây đi vào phân tích bản thể của những nguyên tố đó để rồi sinh ra khoa học thực nghiệm. Có ai đó từng nói: “Hãy giữ trái tim cho người anh hùng. Không còn trái tim, anh hùng sẽ thành ác quỷ.” Cũng có người nói: “Kẻ sáng tạo cần có đức. Khi không có đức, người sáng tạo trở thành kẻ hủy diệt.” Chính sự sáng tạo không có đức hiện đang đưa nhân loại tới diệt vong. Do lo ngại nguy cơ diệt vong của nhân loại, nhiều thức giả phương Tây đang hành trình về phương Đông để tìm minh triết cứu thế giới. Cái minh triết phương Đông mà phương Tây đang tìm trong đó có nguyên lý “trồng người” và “Tiên học lễ.” Vậy mà vị giáo sư được coi hàng đầu về văn hóa lại yêu cầu vứt bỏ! Vứt bỏ rồi làm theo cái gì đây? Người xưa nói: “Hộ đoản chung đoản, canh trường bất trường,” có nghĩa là: ủng hộ, đi theo cái ngắn thì sau cùng mình thành ngắn. Nhưng trồng cái dài cũng chẳng được dài! Đến nay chúng ta có nửa thế kỷ di tản của người Việt. Đã có rất nhiều người hãnh tiến, quyết chí vứt bỏ tất cả những gì dính líu đến Việt “man muội” để Tây hóa đến tận cùng. Nói tiếng Tây giỏi hơn Tây, bằng cấp cao hơn Tây, giầu có hơn Tây… nên nghĩ rằng mình thành đạt, được dân bản xứ kính nể! Nhưng khi phong trào Da trắng thượng đẳng nổi lên, anh ta bị đấm gục bên đường chỉ vì cái nỗi da vàng mũi tẹt không tây hóa được! Đấy là số phận những kẻ “Canh trường bất trường!”

Vậy mà giáo sư của chúng ta chỉ vì ngộ nhận “hạn chế sáng tạo” lại khuyên chúng ta vứt bỏ những cái thuộc bản thể, những nguyên lý đặc hữu của minh triết Việt để đi học quàng xiên những điều thiên hạ đang loại thải. Do không hiểu chiều sâu của minh triết Việt, người ta sẽ còn đưa ra nhiều ý tưởng vong bản khác. Xin hãy cảnh giác!

                                                                                                                        Sài Gòn, 27.11.2021

SỰ HÌNH THÀNH CON NGƯỜI VÀ TIẾNG NÓI TRÊN ĐẤT VIỆT NAM

 

Con người và tiếng nói Việt Nam được hình thành như thế nào là một trong những vấn đề mù mờ nhất của lịch sử. Nhiều thế hệ người Việt bỏ công sức nhằm khai mở điều bí ẩn này nhưng cho tới cuối thế kỷ XX vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Từ đó khiến cho nhận thức mơ hồ, mâu thuẫn về lịch sử, văn hóa. Tất yếu dẫn tới những quan niệm và hành động thiếu chuẩn mực, phi lịch sử.

Để có được cuốn sử chuẩn mực của dân tộc Việt, thiết tưởng trước hết cần giải mã điều bí ẩn này. Nhận thấy tầm quan trọng của sự việc, chúng tôi thử đưa ra một cách lý giải.

I.Những quan niệm về hình thành người Việt trong quá khứ.

Trong quan niệm nguyên sơ, người Việt cho rằng mình thuộc dòng máu đỏ da vàng, phát tích từ Núi Thái, Trong Nguồn, là con Rồng cháu Tiên, thuộc họ Hồng Bàng, có tổ là Kinh Dương Vương, cha Lạc Long Quân và được sinh ra từ bào thai của Mẹ Âu Cơ nên tất cả đều là đồng bào.

Vào Trung đại, có sự phân biệt hai khái niệm người Việtngười Việt Nam. Người Việt Nam chỉ tất cả dân cư bản địa sống trên đất Việt Nam gồm người Kinh và các sắc dân thiểu số. Trong đó duy nhất người Kinh được gọi là người Việt. Các “dân tộc” thiểu số sống ở miền Trung và miền Bắc được gọi là “man”; người sống ở Tây nguyên được gọi là “mọi” với nghĩa ngoại tộc, không phải người Việt.

Từ nửa đầu thế kỷ XX, theo ý kiến học giả Pháp của Trường Viễn Đông Bác cổ thì: “Thoạt kỳ thủy, trên đất nước Việt Nam có người Melanesian sinh sống. Khoảng 1500 năm TCN, do người Arian xâm lăng Ấn Độ, người Indonesian từ Ấn Độ chạy sang, chiếm Đông Dương, đẩy người Melanesian ra các đảo Đông Nam Á. Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt con cháu Việt vương Câu Tiễn chạy xuống Bắc Việt Nam, làm nên dân cư Việt Nam hiên nay.” (Đào Duy Anh- Lịch sử cổ đại Việt Nam - 1939)

Theo sử gia Phan Huy Lê thì thời tiền sử của Việt Nam kéo dài tới 800.000 năm, với sự xuất hiện của người Đứng thẳng Homo erectus tại di chỉ Sa Thầy Kon Tum. Khoảng 140.000 năm trước, người Đứng thẳng chuyển hóa thành người hiện đại Homo sapiens, là tổ tiên người Việt Nam hôm nay, bắt đầu từ người Sơn Vi qua người Hòa Bình, Bắc Sơn đến người Đông Sơn.

Về tiếng nói, thời Trung đại, tiếng nói của người Kinh được gọi là tiếng Việt. Tiếng nói của các sắc dân thiểu số được gọi là man ngữ, mọi ngữ. Ở thời Cận đại, theo quan niệm của học giả phương Tây, tiếng Việt Nam (Annamite, tiếng của người Kinh) có giai đoạn được xếp vào họ ngôn ngữ Môn-Khmer, sau được cho là thuộc họ ngôn ngữ Nam Á. Học giả phương Tây cũng xác định: tiếng Việt vay mượn 60% từ ngôn ngữ Hán.

II. Con người và tiếng nói trên đất Việt Nam theo quan niệm mới.

Sang thế kỷ XXI, nhờ những khám phá của di truyền và khảo cố học, khoa học xác nhận loài người Khôn ngoan xuất hiện tại châu Phi khoảng 300.000 năm trước. Khoảng 100.000 năm trước, con người ra khỏi châu Phi, tới Bán đảo A Rập rồi từ đây lan tỏa ra toàn thế giới. Khoảng 85.000 năm trước, người di cư châu Phi theo ven biển Ấn Độ đi về phương Đông. 70.000 năm trước, một dòng người từ phía Tây đảo Borneo tiến về đất Việt Nam. Tại đây, những nhóm di cư thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Trong khi đó, có một số nhóm nhỏ người Mongoloid đi lên Tây Bắc Đông Dương và dừng lại sống săn bắt hái lượm biệt lập trên vùng giá lạnh này.

Khoảng 50.000 năm trước, do nhân số tăng lên, người Việt cổ Australoid di cư ra các đảo Đông Nam Á, tới châu Úc. Một nhánh rẽ sang phía Tây, qua Lào, Thái Lan chiếm lĩnh Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm lên, người Việt cổ Australoid đi lên Quảng Đông, Quảng Tây rồi từ đây lan tỏa ra chiếm lĩnh Hoa lục. Cũng thời điểm này, nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc, theo hành lang Ba Thục đi lên sống săn hái trên đất Mông Cổ. Do giữ được gen Mongoloid thuần nên sau này được gọi là người North Mongoloid (Mông Cổ phương Bắc).

Khoảng 25.000 năm trước, người Hòa Bình từ Việt Nam mang rìu đá lên xây dựng văn hóa Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây. 20.000 năm trước người Tiên Nhân Động làm ra đồ gốm đầu tiên trên thế giới. Khoảng 15.000 năm trước, tại Đông Nam Á lục địa, có thể lúa và kê được trồng theo lối hỏa canh. Hạt lúa, hạt kê chưa thuần hóa được đưa lên phía Bắc. 12.400 năm trước, cây lúa nước sớm nhất được thuần hóa ở Tiên Nhân Động. 9000 năm trước cây lúa và kê được đưa lên lưu vực Hoàng Hà, xây dựng văn hóa Giả Hồ. 7000 năm trước, cây kê được trồng ở cao nguyên Hoàng Thổ và bờ Bắc Hoàng Hà. Người Việt cổ Indonesian giúp người Mông Cổ du mục trồng kê tại văn hóa Hồng Sơn. Do sống gần gũi, hôn phối diễn ra giữa hai chủng người và người Mongoloid phương Nam ra đời tại làng Bán Pha thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều. Do ưu thế di truyền, người Mongoloid phương Nam tăng nhanh số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, xây dựng văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn với hai trung tâm kinh tế văn hóa Thái Sơn và Trong Nguồn. Sau này người Mongoloid phương Nam được gọi là người Việt hiện đại.

Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu chiếm đất của người Việt ở miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận người Việt chạy xuống Nam Dương Tử rồi tới Việt Nam, mang gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Nam Trung Quốc và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Đây là quá trình chuyển đổi gen qua tiếp xúc chung sống lâu dài mà không phải sự thay thế dân cư. Nghĩa địa tại di chỉ Mán Bạc Ninh Bình 2000 năm TCN có 30 thi hài của người Australoid và người Mongoloid được chôn chung chứng tỏ điều này. Trong quá trình sống, không hiểu vì lý do gì, hai chủng da đen Vedoid và Negritoid biến mất khỏi đất Việt Nam, chỉ còn lại hai chủng Indonesian và Melanesian. Chủng đa số Indonesian giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và văn hóa, sống tập trung từ miền Trung lên trung du và vùng núi phía Bắc. Người Melanesian sống từ Nam Trung Bộ vào Nam. Trong quá trình chuyển hóa di truyền, được nhân học gọi là hiện tượng Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, chủng Indonesian chuyển thành người Mongoloid phương Nam điển hình, chủng Melanesian chuyển thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam.

Nhìn vào quá trình sinh thành như trên, ta thấy, người Việt ở châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng được hình thành theo hai giai đoạn. 70.000 năm trước, tại Việt Nam, người Việt cổ mã di truyền Australoid ra đời. 7000 năm cách nay, tại di chỉ Bán Pha tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam được sinh ra rồi lan tỏa ra toàn bộ châu Á. Như vậy, từ 2000 năm TCN, trên đất Việt Nam chỉ có duy nhất chủng người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam sinh sống.

Do nguồn gốc phát sinh và do sống trên những địa bàn khác nhau, đã hình thành những bộ lạc khác nhau, tuy cùng mã di truyền nhưng khác nhau về tiếng nói, trang phục và tập quán sinh hoạt. Trong đó tiếng nói của người Indonesian, được gọi là Lạc Việt là tiếng nói chính trong cộng đồng.

1.Về sự hình thành người kinh.

Có nhiều giả thuyết về sự hình thành của người Việt (Kinh). Một giả thuyết từ cổ thư Trung Hoa cho rằng, năm 333 TCN, người nước Việt từ Trung Quốc chạy xuống Bắc Việt Nam, thay thế người Indonesian, trở thành người Việt Nam, sau được gọi là người Kinh. Khảo cứu của học giả Pháp từ Trường Viễn Đông Bác cổ cho rằng: “Bắt đầu từ hai nhánh Poọng + Chưt chuyển hóa thành Việt Mường chung; sau đó do tiếp xúc với nhánh Tày cổ phân hóa thành người Việt (Kinh) và người Mường.”

Chúng tôi đưa ra giả thuyết: Người Việt gồm nhiều bộ lạc sống săn bắn hái lượm và nông nghiệp rải rác theo địa hình chia cắt trên vùng trung du, rừng núi miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Khoảng 300 – 500 năm TCN, nước biển rút, phần chủ thể của đồng bằng sông Hồng xuất hiện. Người Việt từ miền Trung ra, từ trung du và miền núi Bắc Bộ xuống, từ Nam Trung Quốc về cùng khai thác đất mới. Do cùng chủng người với tiếng nói Lạc Việt nên cộng đồng người đễ dàng hòa hợp. Nhờ môi trường sống thuận lợi, kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện nên nhân số đồng bằng tăng nhanh. Những trung tâm đô thị ra đời, tạo thành hình thái dân cư mới là người kẻ chợ, kinh kỳ, chiếm số lượng đông nhất trong dân số, từ thế kỷ XIII được gọi là người Kinh. Trong khi những người tiếp tục sống tại các bộ lạc ở trung du và miền núi Việt Nam, vẫn giữ tiếng nói và phong tục tập quán cũ, trở thành các sắc dân thiểu số. Hiến pháp Việt Nam xác nhận: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em.” Đây là nhầm lẫn đáng tiếc do chưa phân định rõ khái niệm “dân tộc.” Khoa nhân học xác nhận, nhân loại gồm duy nhất loài người Khôn ngoan Homo sapiens sapiens. Dưới loài, là chủng (race) như chủng Mongoloid, Australoid, Caucasoid…  có sự phân biệt về di truyền. Mỗi chủng người (còn gọi là chủng tộc) gồm những sắc tộc hay sắc dân (ethnicity) khác nhau về tiếng nói, trang phục, tập quán sinh hoạt nhưng không phân biệt về di truyền. Đối chiếu tiêu chuẩn của nhân học thì người Việt Nam thuộc dân tộc Việt, bao gồm 54 sắc tộc hay sắc dân.

Cho rằng, chỉ người Kinh mới là người Việt nên từ lâu xuất hiện quan niệm: người Việt phát tích từ đồng bằng sông Hồng sau đó thực hiện các cuộc Nam tiến đi về phương Nam. Nhưng thực tế không phải vậy. Từ 15.000 năm trước, khi làm chủ công cụ đá mới, người Hòa Bình đã nhận tộc danh của mình là người Việt với ý nghĩa là những người làm chủ búa, việt. Từ 2000 năm TCN, người Việt cùng một chủng duy nhất Mongoloid phương Nam nên “Việt” trở thành tộc danh chung của mọi tộc người Việt Nam. Người Kinh là bộ phận tách khỏi các bộ lạc người Việt, kéo về sống tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung. Nhờ điều kiện sống thuận lợi đã tăng nhân số và trở thành cộng đồng đông đảo nhất trên đất Việt Nam.

2. Sự hình thành tiếng nói trên đất Việt Nam

Sống hơn 200.000 năm trên đất châu Phi, người châu Phi đã trưởng thành về giải phẫu và tiếng nói. Do vậy, khi sang Việt Nam, tổ tiên chúng ta đã hoàn chỉnh về giải phẫu và tiếng nói. Là cộng đồng sớm định cư và phát triển kinh tế nông nghiệp, người Việt cổ đã làm giầu thêm tiếng nói của mình. Trong cộng đồng người Việt cổ, tiếng nói của người đa số Indonesian là chủ thể. Nhưng mỗi sắc tộc cũng có tiếng nói riêng.

Có nguồn gốc từ tiếng châu Phi nên tiếng Việt là ngôn ngữ đa âm, vô thanh như hầu hết tiếng nói của thế giới. Thí dụ b’lơi = trời; Krong = sông; T’lủ = trâu… Trong quá trình sống, ngôn ngữ Việt Nam có xu hướng đơn giản hóa bằng cách bớt âm phụ. Thí dụ: b’lơi phát âm là trời; krong là sông; K’lủ thành sủ = con trâu… Sáng tạo chữ viết là xu hướng chung của loài người. Trong khi đại đa số tộc người khác làm ra chữ biểu âm, ghép vần thì người Việt cổ sáng chế chữ tượng hình: mô phỏng hình dáng của các vật thể để làm chữ. Do phương cách chế tạo như vậy nên chữ của người Việt là loại chữ đơn lập: mỗi chữ chỉ ghi được một âm. Vì thế, một từ đa âm khi muốn được ký âm buộc phải lược bỏ phụ âm: b’lơi = trời; krong = rồng … Vì vậy, tiếng nói dần trở nên đơn âm. Một khi tiếng đơn âm xuất hiện thì việc biến thanh cho các âm trở nên dễ dàng: một tiếng khi phát âm nhẹ hay nặng sẽ mang nghĩa khác: thanh -> thành -> thánh… Người Việt cổ bắt đầu chế chữ tượng hình khoảng 10.000 năm trước và khắc trên đá Sa Pa. Theo chân người, chữ tượng hình được đưa lên Cảm Tang Quảng Tây, Lương Chử Chiết Giang, Bán Pha Sơn Tây, Giả Hồ, An Dương Hà Nam… Khoảng 1500 TCN, khi chiếm đất An Dương của người Việt, lập nên nhà Ân, vua Bàn Canh chiếm được chữ tượng hình dùng cho bói toán, cúng tế của người Việt khắc trên xương thú và yếm rùa. Nhận thấy giá trị của chữ Giáp cốt, nhà Ân đã hoàn thiện chữ viết để áp dụng trong hành chính, ghi chép địa dư, lịch sử. Sang thời Chu và các thời sau, chữ càng được chuẩn hóa và dùng rộng rãi. Cùng với việc phát triển chữ viết, tiếng nói dân cư lưu vực Hoàng Hà chuyển sang đơn âm. Khi xuống Việt Nam, người Hakka, người Hán mang theo tiếng nói đơn âm, góp phần chuyển hóa nhanh tiếng nói đồng bằng sông Hồng sang đơn âm và có thanh điệu. Việc này được tăng cường khi Việt Nam bị xâm chiếm, chữ Nho được dạy như quốc ngữ. Kết quả là tiếng nói người Kinh trở nên đơn âm trong khi tiếng nói các sắc tộc khác vẫn đa âm.

Miền Trung là nơi phát tích của người Việt Nam. Từ miền Thanh, Nghệ, Tĩnh, người Việt lên phía Bắc và xuống phương Nam. Tiếng Việt lan tỏa theo bước chân con người. Tiếng Việt gốc ở miền Trung với những từ ghép đã được chia đôi theo chiều thiên di.

                   Từ chung                           Bắc                           Nam

                   khỏe mạnh                           khỏe                        mạnh

                   thương yêu                           yêu                         thương    

                   ốm đau                                  ốm                          đau

                   sắc bén                                    sắc                        bén   

                   bông hoa                                 hoa                      bông

                   bắp ngô                                   ngô                      bắp

III.Kết luận

Người Việt được hình thành theo hai thời kỳ. Từ 70.000 năm trước, người châu Phi di cư đến Việt Nam, sinh ra người Viêt cổ mã di truyền Australoid. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ gặp gỡ hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra người Việt hiện đại mã di truyền Mongoloid phương Nam. Khoảng đầu thiên niên kỷ III TCN, Thần Nông lập nhà nước đầu tiên ở phương Đông với kinh đô Lương Chử ở cửa sông Chiết Giang. Thời kỳ này, người Việt hiện đại từ Núi Thái-Trong Nguồn đi xuống góp phần xây dựng kinh đô Lương Chử, đem gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư trong vùng sang chủng Mongoloid phương Nam. Theo truyền thuyết thì thời điểm này Đế Minh, Đế Nghi ra đời, sinh ra Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, xuất hiện một bọc trăm trứng sinh ra các tộc người Việt hiện đại mã di truyền Mongoloid phương Nam. Người Viêt Nam từ giai đoạn này thuộc cùng một chủng tộc nên tất cả các sắc dân trên đất Việt Nam đều là con cháu Mẹ Âu Cơ, có tổ là các Vua Hùng. Người Kinh là cộng đồng xuất hiện khoảng 300 -500 năm TCN, khi nước biển rút, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung hình thành, người Việt từ các vùng khác nhau tụ về khai phá đất mới. Miền đất mới đã thu hút một lượng lớn người tìm đến. Nhờ môi trường sống thuận lợi nên khả năng sinh sản cao khiến cho người Kinh trở thành cộng đồng đa số trong dân cư Việt Nam.

Từ xa xưa đã có quan niệm: người Kinh là chủ thể của dân tộc Việt nên lịch sử người Kinh cũng là lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, mọi cuốn sử hiện có chủ yếu là lịch sử của người Kinh. Ngày 22.2.2017 tại Hà Nội, GS-NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố Thông tin khoa học: “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” cho rằng: “Việt Nam có nhiều dân tộc mà sử Việt Nam chỉ viết về lịch sử người Kinh là không công bằng.” (https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/giao-su-phan-huy-le-nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien-97096) Theo chúng tôi đó là quan niệm sai lầm. Một đất nước có nhiều sắc tộc khác nhau nhưng lịch sử đất nước bao giờ cũng là lịch sử của cộng đồng đóng vai trò chủ thể quyết định vận mệnh của đất nước. Thêm nữa, trên đất nước ta, có duy nhất chủng tộc Việt mà người Kinh là cộng đồng do hầu hết các sắc tộc trên đất nước góp phần tao nên, giữ vai trò chủ thể dẫn dắt dân tộc nên lịch sử của người Kinh chính là lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy quan niệm cho rằng cần có cuốn lịch sử của các dân tộc khác bên cạnh lịch sử người Kinh là sai lầm phi lịch sử.

                                                                                                            Sài Gòn, 7.11.2021