QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TIẾNG VIỆT

 

Khám phá không ngừng là thiên mệnh của con người. Từ đầu thế kỷ, nhờ khoa học thế giới, chúng ta đã thỏa mãn khát vọng ngàn đời là tìm được cội nguồn vĩ đại của dân tộc. Nhưng rồi câu hỏi mới lại đặt ra: tiếng nói của chúng ta được bắt đầu từ đâu và qua quá trình chuyển hóa thế nào để có “tiếng Việt huyền diệu” hôm nay? Là người bỏ nhiều tâm lực khám phá cội nguồn dân tộc, nay vào tuổi U 90, chúng tôi xin trình bày nghiên cứu mới nhất, sâu sắc nhất, đầy đủ nhất về quá trình hình thành tiếng Việt.

Tiếng nói là sản phẩm hoạt động xá hội của con người. Vì vậy, muốn hiểu tiếng nói của một cộng đồng cần phải hiểu sâu sắc lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng đó. Có thể tóm lược quá trình hình thành của tộc Việt như sau:

70.000 năm trước, hai dòng người châu Phi là haplogroup M và haplogroup N di cư tới đất Hòa Bình của Việt Nam hôm nay. Nhân học xác nhận rằng, khi ra khỏi châu Phi, người hiện đại Homo sapiens đã trưởng thành về giải phẫu và tiếng nói. Về đặc điểm sinh học, haplogroup N có nước da sáng hơn còn haplogroup M có sắc da đậm hơn ít nhiều. Về tiếng nói, cả hai dòng cùng nói ngôn ngữ đa âm, không thanh điệu. Khác nhau là, dòng M nói theo trật tự chính trước phụ sau: Trong một câu đơn thì thành phần chính đứng trước, thành phần phụ đứng sau. Thí dụ trong câu Tôi đi trước, thì tôi và đi là chủ ngữ và vị ngữ, thuộc thành phần chính nên đứng trước. Trước là trạng từ, thành phần phụ nên đứng sau. Trong câu Da trắng thì Da là thành phần chính nên đứng trước, Trắng là thành phần phụ nên đứng sau. Trong khi đó, ở dòng N nói theo trật tự ngược lại: trong câu đơn, thành phần phụ đứng trước, thành phần chính đứng sau. Thí dụ, trong câu Tôi đi trước thì nhánh N nói Tôi trước đi. Ở đây, Trước là trạng từ, thành phần phụ nên đứng trước. Đi là vị ngữ, thành phần chính nên đứng sau. Da trắng được nhánh N nói Trắng da.

Nhân học cho biết, suốt trong thời đồ đá, dân cư Việt Nam, Đông Nam Á và Đông Á đều là người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. Xin được mở ngoặc để nói lại về khái niệm  người Việt cổ. Hiện nay khái niệm này được dùng rất phổ biến vì vậy ý nghĩa của nó trở nên không rõ ràng. Trong khi đó, khái người Việt cổ  được Giáo sư Nguyễn Đình Khoa đề xuất lần đầu tiên trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á để chỉ dân cư mang mã di truyền Australoid xuất hiện trên đất Việt Nam thời đồ đá do đại chủng Australoid và Mongoloid lai giống với nhau sinh ra. Cũng trong sách này, nhà nhân học hàng đầu của Việt Nam đề xuất khái niệm người Việt hiện đại. Đó là chủng người Mongoloid phương Nam (North Mongoloid) xuất hiện ở Việt Nam vào thời kim khí. Như vậy, theo Giáo sư Nguyễn Đình Khoa, suốt thời đá mới, dân cư Việt Nam là người Việt cổ mã di truyền Australoid. Sang thời đồng sắt, dân cư Việt Nam là người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Đấy là nhận định trực quan của nhà nhân học. Còn nguyên nhân của sự chuyển hóa dân cư chưa được xác định. Nếu không nắm chắc hai khái niệm này sẽ không hiểu quá trình hình thành dân cư Việt Nam.

Người Việt cổ thuộc mã di truyền M (Australoid) nên nói theo trật tự chính trước phụ sau, ta quen gọi là nói xuôi. Trong khi đó dân Mông cổ phương Bắc mã di truyền N (North Mongoloid) sống trên đồng cỏ Bắc Á nói theo trật tự phụ trước chính sau, ta quen gọi là “nói ngược”. Như vậy,  suốt trong gần 70.000 năm, dân cư Việt Nam là người Việt cổ nói ngôn ngữ đa âm không có thanh điệu.

Tuy nhiên, từ rất sớm, người Việt bắt đầu chế tác chữ viết, trước hết là chữ thắt nút (kipu). Khoảng từ 10.000 năm trước, tổ tiên ta bắt đầu chế tác chữ tượng hình mà dấu vết còn để lại trên bãi đá Sa pa. Tại một di chỉ khảo cổ ở Hòa Bình có tuổi 8000 năm, đã phát hiện chiếc đĩa gốm khắc chữ Sĩ (士).Chưa thể giải thích được hiện tượng dị trường này. Tiếp đó là chữ khắc trên xẻng đá xuất hiện ở Cảm Tang Quảng Tây, Bán Pha, Lương Chử… Việc xuất hiện chữ bùa chú đơn lập dùng trong thờ cúng, bói toán khiến cho một số tiếng nói chuyển sang đơn âm. Do vậy bên cạnh tiếng đa âm là chủ thể thì tiếng đơn âm hiện diện ngày thêm nhiều.

Việc vua Bàn Canh nhà Ân phát hiện chữ Giáp cốt ở An Dương rồi tiến hành sử dụng chữ Giáp cốt làm văn tự đã thúc đẩy nhanh quá trình sáng tạo chữ viết. Qua các triều đại Chu, Tần, Hán, văn tự được cải tiến, chuẩn hóa và dùng phổ biến trên lưu vực Hoàng Hà. Do việc dùng chữ đơn lập nên tiếng nói dần chuyển thành tiếng đơn âm và có thanh điệu. Chính tiếng nói đơn âm, sáu thanh trở thành ngôn ngữ chuẩn mực và tạo điều kiện nảy sinh ra thể thơ Đường luật nổi tiếng.

Từ thời nhà Triệu, chữ Nho được đưa sang dạy ở Việt Nam góp phần truyền bá tiếng nói đơn âm ở nước ta. Đứng về tiếng nói và chữ viết trên Hoa lục, ta có thể suy nghĩ thế này: người nhà Chu, người Hán, người Đường vốn là người Việt nên tiếng nói của họ là tiếng Việt. Do biến động của lịch sử, cách nói bị thay bằng cách nói phụ trước chính sau của người Mông Cổ tuy vậy từ vựng vẫn là tiếng Việt. Vì thế, có thể nói ngôn ngữ thời Đường (Đường âm) là tiếng Việt chuẩn do người Việt thời Đường sáng tạo. Khi đưa sang dạy và sử dụng ở Việt Nam, được coi là thứ ngôn ngữ Việt chuẩn mực. Khi nhà Đường suy vong rồi các triều ngoại lai Nguyên, Thanh thành lập, ngôn ngữ trên đất Trung Quốc bị chuyển hóa theo yêu cầu của chính quyền ngoại tộc. Tiếng nói của triều đình đời Nguyên, đời Thanh được gọi là quan thoại Nam Kinh và quan thoại Bắc Kinh. Quan thoại Bắc Kinh của nhà Thanh từ vựng bị biến âm theo giọng nói ngọng của người Thanh gọi là Mãn đại nhân (mandarin) khiến cho tiếng Trung Quốc bị biến dạng, méo mó xấu đi và hai thanh điệu bị biến mất, chỉ còn bốn. Trong khi đó, từ thời Đường, Việt Nam được độc lập tự chủ, người Việt Nam duy trì Đường âm để đọc và nói nên vẫn giữ được cách đọc chuẩn của chữ Nho, giữ được sự trong sáng của Đường âm trong khi trên đất Trung Hoa Đường âm biến mất.  

Truy nguyên nguồn gốc sâu xa thì người Trung Quốc thời Đường là người Việt nên Đường âm thực chất là tiếng Việt thời nhà Đường. Do không hiểu điều này nên học giả danh tiếng Đào Duy Anh mắc sai lầm nghiêm trọng di hại tới hôm nay là cho rằng cách đọc chữ Nho thời nhà Đường là cách đọc Hán-Việt! Sở dĩ nói thế vì ông cho rằng chữ của Hán còn cách đọc của Việt nên sinh ra từ Hán Việt! Trong bài Tiếng Việt Niềm tự hào của chúng ta (1), Tiến sỹ Nguyễn Hải Hoành viết: “tổ tiên ta đã vay mượn chữ Hán và từ ngữ tiếng Hán theo một cách cực kỳ khôn ngoan là dùng tiếng mẹ đẻ để đọc chữ Hán – còn gọi là cách đọc Hán-Việt, nhờ thế đã học được chữ Hán mà không học và không nói tiếng Hán. Toàn bộ chữ Hán đều được phiên âm thành từ Hán-Việt, tức phần ngữ âm của chữ Hán nào cũng được Việt Nam hoá.”

Một câu hỏi được đặt ra: Ai là người đã “phiên âm chữ Hán thành từ Hán Việt”? Xin ông Hoành cho biết học giả nào làm việc này và làm vào khi nào? Hay là, đám học trò thò lò mũi xanh Giao Chỉ vốn thông minh lại có tinh thần dân tộc quá siêu nên khi ông thầy Tàu viết chữ 人民 và đọc là “rẩn mỉn” thì học trò Việt lập tức “phiên âm” thành nhân dân?! Tại sao hàng trăm năm mà hàng vạn triệu con người “trí thức” không tỉnh ngộ, cứ mắc mãi sai lầm ngớ ngẩn đến vậy? Hoàn toàn không có chuyện phiên phác nào cả! Chỉ đơn giản là người Đường nói tiếng của họ. Nhưng do họ là người gốc Việt nên tiếng nói của họ lại là tiếng Việt. Hoàn toàn không có cái sự lai tạp quái dị là từ Hán Việt! Gọi là chữ Hán, tiếng Hán cũng đúng. Mà gọi là chữ Việt tiếng Việt cũng phải, tùy theo cái sự hiểu của người nói. Nhưng dứt khoát không hề có cái sự lai tạp quái đản là từ Hán-Việt!

Phải hiểu sự thật này mới thấy được vai trò quan trọng của người Việt trên đất Trung Hoa trong việc sáng tạo ngôn ngữ Việt. Rõ ràng, người Việt ở Việt Nam không tham gia vào công việc này mà hoàn toàn của người Việt thời nhà Đường. Trong quá trình sử dụng ngữ âm tiếng Việt trên đất Trung Hoa, đến thời Đường đã cho ra Đường âm là thứ tiếng Việt chuẩn mực đơn âm, sáu thanh. Cũng do may mắn của lịch sử, đường âm cùng chữ Nho lại được đưa sang dạy và sử dụng ở Việt Nam, cung cấp cho người Việt một dạng quốc ngữ, quốc âm chuẩn mực. Cũng tình cờ nhưng may mắn là sau thời Đường, Trung Quốc bị ngoại bang chiếm đóng đô hộ. Đám ngoại tộc Nguyên, Thanh áp đặt cho Trung Quốc tiếng nói trọ trẹ ngọng ngịu không giống ai mà ngay người Trung Quốc cũng không hiểu. Sau này buộc chính quyền Nguyên, Thanh phải chế ra quan thoại “mandarin” ngày càng xa gốc Việt, càng xấu xí. Trong khi đó tại Việt Nam độc lập, Đường âm - nói chính xác là tiếng Việt chuẩn - vẫn được gìn giữ và sử dụng. Đó chính là cái mà quý vị như Tiến sỹ Nguyễn Hải Hoành gọi một cách tùy tiện là từ Hán Việt!

Phải nói rằng, nếu không có lớp Đường âm từ phương Bắc chi viện mà chỉ có tiếng Nôm thì ngôn ngữ Việt sẽ nghèo nàn đến mức nào? Không phải Trần Quốc Vượng mà trước ông nhiều thập niên, các học giả như Maspéro …. của Viễn Đông bác cổ đã thống kê trong tiếng Việt có 70% tiếng Hán. Đó là sự lầm lẫn nghiêm trọng của các vị thầy Viễn Đông Bác cổ. Đấy không phải tiếng của người Hán mà là tiếng Việt cổ. Do người Hán là người gốc Việt nên họ dùng tiếng nói này. Khi chữ Nho ra đời, được dùng để đọc chữ Nho. Tất cả những điều tốt đẹp đó không bao giờ có được nếu không có chữ Nho và Đường âm! Tôi nhấn mạnh điều này để cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt trên đất Trung Hoa nhưng cũng để nhấn mạnh ý nghĩa của quan hệ “Việt Hoa đồng văn đồng chủng”: tất cả là sáng tạo chung của cộng đồng tộc Việt trên đất Đông Á.

Để bài viết có thể đi tiếp, thiết tưởng cần trở lại với khoa học cơ bản nếu không sẽ rơi vào cuộc cãi lộn vô bổ. Cũng trong bài báo của mình, Tiến sỹ Hoành viết: “Tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta có đặc điểm nổi trội nhất là ngữ âm cực giàu, ví dụ số âm tiết (syllable) nhiều gấp hơn chục lần tiếng Hán.[1] Vì thế tiếng Việt khác hẳn và không chung nguồn gốc với tiếng nói của các chủng tộc láng giềng phương Bắc, là những ngôn ngữ nghèo ngữ âm. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), tiếng Hán và tiếng các tộc Bách Việt thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan) hoặc Tai-Kadai. Đây là một trong những căn cứ để suy ra cộng đồng người nói tiếng Việt là cư dân bản địa chứ hoàn toàn không phải là cư dân di cư từ phương Bắc tới.”[2]

Có đúng vậy không? Thưa rằng đúng với thế kỷ XX của thời Viễn Đông Bác cổ. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI, đã được quẳng vào thùng rác. Nay mà còn viết như vậy, hẳn sẽ nhận nụ cười khinh của học giả thế giới! Từ ngày 29.9.1998 qua bài viết của Chu và cộng sự (3) Genetic relationship of populations in China (https://www.pnas.org › doi › pnas.95.2...) cả thế giới biết rằng: “70.000 trước, người di cư châu Phi theo ven Ấn Độ Dương tới Việt Nam, sinh ra dân cư Việt Nam rồi người từ Việt Nam lan tỏa ra châu Á và thế giới…”Năm 2013, khảo sát những mảnh xương đùi người đàn ông cổ tại hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm, di truyền học xác nhận: “Người đàn ông từ Hòa Bình Việt Nam đi lên 40.000 năm trước là tổ tiên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và là thủy tổ người bản địa châu Mỹ.” Vậy mà những thầy đồ ễnh ương ngồi đáy giếng cứ uôm oam dạy thiên hạ những kiến thức bốc mùi: “tiếng Việt không cùng nguồn gốc với các chủng tộc láng giềng phương Bắc”!

 

                                                                                        

                                                                                                                          Sài Gòn, 5. 2023

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Hải Hoành. Tiếng Việt Niềm tự hào của chúng ta. https://nghiencuuquocte.org/2024/01/01/tieng-viet-niem-tu-hao-cua-chung-ta/#more-54168

2. Trần Trí Dõi: “Lịch sử ngôn ngữ người Việt – Góp phần tìm hiểu văn hoá Việt Nam”, Nxb ĐHQGHN, 2022.