GIẢI MÃ BÍ ẨN MONGOLOID




7000 năm trước, người Việt cổ chủng Australoid mang giống kê, giống lúa, giống gà, giống chó, công cụ đá mới và công nghệ gốm lên xây dựng văn hóa nông nghiệp Ngưỡng Thiều ở miền Trung Hoàng Hà. Phía bắc sông là đồng cỏ mênh mông, giang sơn của dân du mục cao to, nước da sáng, lùa mục súc làm bay lên những đám mây bụi màu vàng. Người Việt gọi láng giềng phương bắc của mình là NGƯỜI ĐỒNG CỎ. Sau này, khi tiếp thu giang sơn của tổ tiên Việt, người Hán gọi trại đi thành NGƯỜI MÔNG CỔ. Theo cách gọi của người Hán, thế giới dùng thuật ngữ MONGOLOID cho sắc dân sống trên đồng cỏ.
Người Mông Cổ có số phận đặc biệt. Suốt thời đồ đá chỉ là nhóm sắc tộc thiểu số sống ở vùng giá lạnh phía Bắc. Đông Á hầu như không có dấu chân họ. Nhưng như có phép thần, sang thời kim khí, thay thế người Australoid chủ nhân 40.000 năm của phương Đông, họ làm cú lội ngược dòng ngoạn mục, trở thành tộc người duy nhất chiếm lĩnh Đông Á và cũng là tộc người đông nhất thế giới. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Đây là bí ẩn lớn của lịch sử nhân loại mà nhiều thế hệ học giả chưa tìm ra lời đáp. Stephen Oppenheimer dựa vào dấu vết di truyền, đưa ra thuyết “hai gọng kìm”: Từ vùng đất giữa Pakistan và Ấn Độ, vào trước thời băng hà cuối cùng, người Mongoloid ven theo rặng Hymalaya lên chiếm lĩnh vùng đất phía bắc Trung Quốc. Gọng kìm thứ hai, men theo bờ biển Đông Nam Á để đổ bộ vào Đông Á.(1) Pete Bellwood cho rằng, từ sắc dân Semang Malaysia, người Mongoloid đi vào châu Á. Tuy nhiên chính ông cũng không thật tin vào thuyết của mình khi thấy quá nhiều bằng chứng xác nhận người nông dân Trung Quốc từ Đồng bằng Trung tâm di cư xuống phương Nam. Như vậy cho đến nay, số phận chủng Mongoloid vẫn còn nguyên bí ẩn.
Trong chuyên luận này, tôi xin trình bày cách lý giải khác.
Từ năm 2005 khi bắt tay vào tìm lại cội nguồn dân tộc Việt, tôi đã gặp “vấn đề Mongoloid.” Đó là một cửa ải buộc phải vượt qua nếu muốn đi tiếp. Từ toàn bộ tri thức sinh học, cổ nhân học, khảo cổ và di truyền học có được, tôi đưa ra giả thuyết:
70.000 năm trước, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo con đường phương Nam tới Việt Nam. Họ đi theo từng nhóm nhỏ khoảng 15 đến 20 người. Tới Việt Nam, đại đa số họ gặp gỡ, hòa thuyết cho ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Autraloid. Trong khi đó, có một số nhóm Mongoloid, không hiểu vì lý do nào, đã riêng rẽ đi lên Tây Bắc Việt Nam và dừng lại trước băng hà. Họ sống cô lập, khép kín tại đây trong suốt 30.000 năm. Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu phía bắc ấm lên, họ theo hành lang phía Tây Hoa lục đi lên cao nguyên Tibet và chiếm lĩnh đất Mông Cổ. Họ sống bằng săn hái cho tới khi Kỷ Băng hà chấm dứt, vùng Mông Cổ trở thành đồng cỏ, họ thuần hóa gia súc rồi chuyển sang phương thức sống du mục. Trong khi đó, cũng khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ từ Việt Nam đi lên Quảng Đông rồi chiếm lĩnh toàn bộ Hoa lục.”
Để hình thành giả thuyết trên, tôi đã dựa vào những bằng chứng:
1.Khảo sát 70 cốt sọ cổ tìm được ở Việt Nam từ thời đồ đá tới thời kim khí (32.000 tới 2000 năm trước), giáo sư Nguyễn Đình Khoa xác định: “Trong thời đồ đá, hai đại chủng Australoid và Mongoloid có mặt ở Việt Nam. Họ hòa huyết với nhau rồi con cháu họ hòa huyết tiếp sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesia, Melanesia, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid xuất hiên vầ trở thành chủ thể dân cư. Người Australoid biến mất, không hiểu do di cư hay đồng hóa?” (2). Tài liệu trên nói người Mongoloid và Australoid xuất hiện ở Việt Nam khoảng 30.000 năm trước. Nhưng với những khám phá di truyền học từ đầu thế kỷ XXI, ta hiểu rằng hai đại chủng di cư tới Việt Nam 70.000 năm cách nay.
2. Nhiều tài liệu di truyền nói rằng, người Mông Cổ phương Bắc cũng từ Đông Nam Á đi lên (3). Nói Đông Nam Á cũng có nghĩa là nói Việt Nam vì Việt Nam là nơi người hiện đại có mặt sớm nhất trên đất liền châu Á.
3. Khảo cổ học phát hiện di cốt người Mongoloid ở Lưu Giang Quảng Tây 68.000 năm tuổi. Chứng cứ này không chỉ xác nhận việc người Mongoloid di cư tới Việt Nam 70.000 mà còn cho thấy, họ đã có mặt tại Tây Bắc Việt Nam.
Từ ba gợi ý trên, tôi đưa ra ý tưởng là, tới Việt Nam, trong khi phần đông gặp gỡ nhau thì có những nhóm “lạc đàn”: người Australoid đi sang phương Tây, để lại cốt sọ 63.000 năm trước ở hang Tampaling, Bắc Lào. Cũng có thể có những nhóm Mongoloid riêng lẻ đi tới Tây Bắc Việt Nam mà bộ xương Mongoloid Lưu Giang là nhân chứng. Chính từ đây họ đi lên Mông Cổ. Do giữ được bộ gen Mongoloid thuần chủng nên sau này được gọi là người Mongoloid phương Bắc.
Sau khi xây dựng văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước trên đất Hà Nam, 7000 năm trước người Việt tiến vào cao nguyên Hoàng Thổ, tạo lập văn hóa Ngưỡng Thiều. Tại Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà, diễn ra tiếp xúc giữa hai sắc dân Mông-Việt qua trao đổi vật phẩm. Chuyện chung đụng nam nữ, kể cả những vụ cướp phá hãm hiếp xảy ra. Từ đó những con lai Mông-Việt ra đời.
Tới đây cần mở ngoặc để nói sâu hơn về di truyền học. 70.000 năm trước, trên đất Việt Nam, hai chủng người Mongoloid và Australoid hòa huyết với nhau. Theo quy tắc đi truyền, khi chủng A lai với chủng B sẽ cho ra ở F1 là 25% số cá thể mang genome A, 25% cá thể mang genome B và 50% mang genome AB. Theo nguyên tắc này, trong bốn chủng người Việt cổ được sinh ra đầu tiên (F1), thì người Indonesian là Mongoloid điển hình. Sau đó con cháu họ hòa huyết tiếp. Nhưng do số lượng người Australoid đông áp đảo nên trong các thế hệ sau, gen Australoid trội và Indonesian mang mã di truyền Australoid. Kết quả là toàn bộ người Việt cổ được xếp vào nhóm loại hình Australoid. Không những vậy, cuộc hòa huyết cũng khiến cho người Indonesian thành chủng đa số, chiếm 60% dân cư. Tuy cùng là Australoid nhưng trong chủng Indonesian, lượng máu Mongoloid cao nhất khiến cho nhiều tính trạng rất gần với chủng Mongoloid. Điều này làm cho học giả Pháp của Viện Viễn Đông Bác Cổ khi định loại một số cốt sọ đã lầm lẫn giữa hai chủng.
Tôi phải nói kỹ về nguyên tắc di truyền là để dẫn tới ý sau. Người Indonesian mang lượng gen Mongoloid cao nhất trong các chủng người Việt cổ. Do vậy, khi nhận thêm gen Mongoloid của người Mông Cổ phương Bắc thì như giọt nước tràn ly, lượng máu Mongoloid trong bào thai tăng lên, khiến đứa trẻ ra đời mang mã di truyền của chủng Mongoloid phương Nam. Đến lượt mình, khi lớn lên, có bạn tình Indonesian, chúng làm cho con của mình cũng mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Điều này xảy ra như phản ứng dây chuyền, khiến cho số lượng người Mongoloid phương Nam tăng lên nhanh chóng.
Sở dĩ tôi đưa ra ý tưởng người Mongoloid phương Nam được sinh ra từ sự tiếp xúc Mông -Việt bên sông Hoàng Hà là vì, tại di chí Bán Pha tỉnh Sơn Tây thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều, khảo cổ học phát hiện di cốt sớm nhất của người Mongoloid phương Nam 7000 năm trước. Các học giả Trung Quốc thừa nhận đó là tổ tiên người Trung Quốc nhưng không biết họ xuất hiện từ đâu? Học giả Zhou Jixu, một người ủng hộ quan niệm “người từ Tây Bắc du nhập, làm nên dân cư Trung Quốc,” cho rằng họ từ phía Nam lên (4). Nhưng điều này không đúng vì khảo cổ học xác nhận suốt thời đồ đá, Đông Nam Á không có người Mongoloid. Từ đó tôi đưa ra nhận định: người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều chỉ có thể được sinh ra tại chỗ do hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc và người Việt chủng Australoid.  Thực tế cũng cho thấy, khi lên chiếm lĩnh Hoa lục, các nhóm người Việt có xu hướng quần tụ nhau theo từng chủng tộc. Lưu vực Hoàng Hà là nơi tập trung của người Indonesian. Điều này giúp cho tốc độ lan truyền của gen Mongoloid tăng nhanh.
Về việc lan truyền của người Mongoloid phương Nam, nhiều học giả cho rằng, người nông dân Trung Quốc từ đồng bằng miền Trung “mở rộng lúa nước xuống phía Nam làm nên dân cư phương Nam.” Theo tôi, sự thật như sau. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ tấn công vào Trác Lộc bờ Nam Hoàng Hà, chiếm đất của ngời Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Do tị nạn chiến tranh, người Việt buộc phải di cư xuống Nam Dương Tử. Cuộc xâm lăng của Hoàng Đế khốc liệt và kéo dài nên nhiều lần di tản xảy ra, tạo thành những đợt sóng di cư, đưa người từ phía Bắc xuống Nam Trung Hoa và Việt Nam. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid tới, chuyển hóa di truyền dân cư phương Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Khảo cổ xác nhận, từ 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam là Mongoloid phương Nam. Tới đầu Công nguyên, hầu hết dân cư Đông Nam Á chuyển thành Mongoloid phương Nam. Thực tế, như nghĩa trang ở Mán Bạc tỉnh Ninh Bình 2000 năm TCN có hài cốt người Mongoloid bên cạnh hài cốt người Australoid (5), cho thấy, hai chủng người đã chung sống hòa thuận bên nhau. Điều này chứng tỏ không có việc chiếm đất thay thế dân cư mà là chuyển hóa di truyền diễn ra hòa bình. Một lý lẽ khác biện minh cho ý tưởng này là, nếu thay thế dân cư thì người Việt Nam phải là con cháu của người Đồng bằng miền Trung và do quy luật “chỉ số đa dạng sinh học của con cái thấp hơn cha mẹ” nên người Việt Nam phải có chỉ số đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam cao nhất trong dân cư Đông Á nên không hề có chuyện thay thế dân cư. Thực tế lịch sử xác nhận, người nông dân phía Bắc là hậu duệ của người Việt đi lên lưu vực Hoàng Hà từ xa xưa, nay trở về nguồn cội nên chỉ số đa dạng sinh học thấp hơn người sống tại Việt Nam. Số lượng người trở về nhỏ nên không đủ để làm giảm chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam.
Nhân học cũng khám phá: trong bốn chủng người Việt cổ ra đời 70.000 năm trước, thì với thời gian, hai chủng da đen Vedoid và Negritoid bằng cách nào đó hoàn toàn rời khỏi Việt Nam. Trên đất Việt chỉ còn hai chủng Indonesian và Melanesian. Khi được bổ sung nguồn gen Mông Cổ, người Indonesian chuyển hóa thành chủng Mongoloid điển hình, đó là sắc tộc Kinh, Thái, Tày, Mường, Dao, Hoa… Trong khi đó chủng Melanesian trở thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, gồm người Khmer, Chăm và các sắc dân Tây Nguyên.
Thay lời kết.
Nhận lượng gen nhỏ từ cộng đồng North Mongoloid thiểu số sống trên đồng cỏ phương Bắc, người South Mongoloid được sinh ra 7000 năm trước. Trong vòng 5000 năm, họ chuyển hóa di truyền người Australoid, trở thành chủ nhân độc tôn của phương Đông và là chủng người đông nhất thế giới. Sự bí ẩn thần kỳ đã diễn ra thật đơn giản. 70.000 năm trước, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid di cư tới Việt Nam. Trong khi đại đa số họ gặp gỡ hòa huyết, sinh ra người Việt cổ đầy tự hào hãnh diện làm nên văn hóa phương Đông rực rỡ và là cộng đồng lớn nhất nhân loại thì vì lý do nào đó mà ta chẳng bao giờ biết được, lại có nhóm người nhỏ nhoi lưu lạc tới vùng băng giá Tây Bắc Việt Nam rồi đi lên Mông Cổ để bảo tồn nguồn gen Mongoloid tinh khiết. 7000 năm cách nay, nhận nguồn gen từ nhóm người nhỏ nhoi ấy, chủng Mongoloid phương Nam ra đời rồi làm cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, thay thế tổ tiên Australoid của mình, trở thành chủ nhân của đất đai và nền văn minh rực rỡ phương Đông. Ngẫu nhiên hay là có bàn tay sắp đặt kỳ diệu của Tạo Hóa? Xin bạn đọc cùng suy ngẫm?
                                                                                     
    Tài liệu tham khảo.
1.       Stephen Oppenheimer.  Out of Eden: The peopling of the world. Constable Robinson. 2003
2.       Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H,1983.
3.       J.Y. Chu et al. Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci. USA 1998 N. 95 tr. 11763-11768.
4.       Zhou Jixi: The Rise of Agricultural Civilization in China. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006.
5.       Marc F. Oxenham et al. Man Bac: The Excavation of a Neolithic Site in Northern Vietnam. https://www.jstor.org/stable/j.ctt24hcpx

                                                                                                                           Sài Gòn, Hè 2020.