AI LÀ CHỦ NHÂN CỦA KINH DỊCH?






Hàng nghìn năm, không chỉ phương Đông mà cả thế giới tin rằng, người Trung Quốc đã làm ra Kinh Dịch. Chữ vuông của người Trung Quốc, những bản Dịch sớm nhất được viết bằng chữ vuông là chứng cứ bất khả tranh biện xác nhận người Trung Quốc là chủ nhân của kinh Dịch. Một niềm tin như lẽ đương nhiên, như  Mặt trời mọc hàng ngày…  Nhưng vào những năm 1970 của thế kỷ XX, một học giả người Việt Nam, giáo sư Lương Kim Định tuyên bố: “Không chỉ chữ vuông mà Kinh Thi, Kinh Dịch cùng nhiều thành tựu văn hóa khác của phương Đông cũng là sản phẩm của người Việt.” Ngay lập tức, không phải nguời Trung Quốc mà từ cộng đồng Việt dậy lên làn sóng phản đối một ý tưởng điên rồ, báng bổ lương tri, làm xấu hổ dân tộc! Nhưng nửa thế kỷ đi qua, xuất hiện ngày càng nhiều thêm những người tin theo vị linh mục. Trong khi người Trung Quốc im lặng cười nửa miệng thì cuộc tranh cãi về chủ nhân Kinh Dịch giữa các học giả người Việt dường như không hồi kết.
Lịch sử, văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Muốn xác định một sản phẩm văn hóa của cộng đồng nào, trước hết cần xác định cộng đồng đó là ai, có gốc gác ra sao và trải một quá trình như thế nào để xuất hiện tại thời điểm nghiên cứu. Do vậy, về mặt nguyên tắc, muốn biết Kinh Dịch của người Hoa hay người Việt, cần phải phân định rõ người Hoa là ai? Người Việt là ai?
Bài viết này đưa ra một cách lý giải giản dị nhất, ngắn gọn nhất, xác đáng nhất cho thấy ai là chủ nhân kinh Dịch
Từ 2000 năm trước, cổ sử phương Đông cho rằng, dân tộc Hán phát tích ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, tạo dựng văn minh Hoa Hạ. Sau đó đem văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phương Nam. Từ lịch sử hình thành như vậy, những thành tựu lớn của văn minh phương Đông đều được quy công cho người Hán. Vào thời hiện đại, ý tưởng trên được củng cố bằng những khám phá của học giả phương Tây: “Người Hán từ phía Tây xâm nhập đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, chinh phục và đẩy lùi các sắc dân bản địa bán khai, xây dựng vương quốc vĩ đại với nền văn hóa rực rỡ.” Từ chiều hướng hình thành của con người và lịch sử như vậy, văn hóa Trung Quốc đồng nghĩa với văn minh phương Đông. Cố nhiên những thành tựu của văn hóa phương Đông đều do người Trung Quốc sáng tạo.
Nhưng sang thế kỷ XXI, sinh học phân tử đã lật đổ những tín điều tưởng như vĩnh cửu đó, bằng khám phá sự thật chưa từng biết. 70.000 năm trước, vào Kỷ Băng hà, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Trên đất Việt Nam đại bộ phận người di cư gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Trong khi đó, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ đi lên Tây Bắc Đông Dương rồi dừng lại trước bức thành băng giá. Tại Việt Nam, gặp môi trường thuận lợi, người Việt cổ tăng số lượng. 50.000 năm trước lan ra các đảo Đông Nam Á và chinh phục Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, đi lên Quảng Đông rồi từ đây chiếm lĩnh Hoa lục. Cũng lúc này, những bộ lạc Mongoloid từ Tây Bắc theo con đường Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. Ban đầu họ săn bắn hái lượm trong băng giá. Khoảng 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng Hà kết thúc, họ chuyển sang thuần hóa gia súc và thực hành phương thức sống du mục trên đồng cỏ phía Bắc Hoàng Hà.
Khoảng 22.000 năm trước, tại Hòa Bình, người Việt cổ sáng tạo công cụ đá mới đầu tiên. 20.000 năm trước, tại di chỉ Tiên Nhân Động nam Dương Tử, người Việt chế tác công cụ gốm đầu tiên và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. Từ Nam Dương Tử, người Việt mang công cụ đá mới, đồ gốm, giống gà, giống chó, cây lúa, cây kê đi xây dựng văn hóa nông nghiệp trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.
7000 năm trước, tại Ngưỡng Thiều trung lưu Hoàng Hà, người Việt nông nghiệp gặp gỡ, hòa huyết với người Mông Cổ du mục ở bờ Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), sau này được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại tăng nhanh số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà, sáng tạo văn hóa ngưỡng Thiều rực rỡ. Khảo cổ học phát hiện tại trấn Bộc Dương tỉnh Hà Nam ngôi mộ số 45, có tuổi 6.500 năm. Khảo sát ngôi mộ cho thấy, tới lúc này, người Việt đã có quan niệm trời tròn, đất vuông; đã nắm vững thiên văn, địa lý, phong thủy và trưởng thành về Dịch lý. Kết hợp hiện trạng ngôi mộ với truyền thuyết, học giả Trung quốc cho rằng đó là mộ của Phục Hy, người làm ra kinh Dịch. Chúng tôi cho rằng đó là khám phá quan trọng, có độ khả tín cao, phù hợp với thực tế. Như vậy là, từ khoảng 6.500 năm trước, Dịch lý đã được hoàn chỉnh, dưới dạng cuốn kinh vô tự gồm tám quẻ đơn và 64 quẻ kép cùng với Hà đồ, Lạc thư. Dịch lý trở thành tài sản chung của người Việt. Tại mỗi cộng đồng xuất hiện những nhà thông tuệ dùng cuốn sách với những ký hiệu để suy ngẫm về vũ trụ, nhân sinh và thực hành khoa học dự báo. Do vào thời điểm này, trên địa bàn Đông Á chỉ có duy nhất người Việt nên hoàn toàn khẳng định Dịch lý là sản phẩm của người Việt.
Tới đây một câu hỏi cần được trả lời: Dịch lý được tạo ra như thế nào? Đó là câu hỏi khó, xuất hiện từ xa xưa mà chưa có lời đáp. Để trả lời câu hỏi này, chỉ có thể gom nhặt những dấu vết mờ ảo, vụn vặt còn lại trong ký ức cộng đồng. Ta biết, yếu tố đầu tiên và là nền tảng của Dịch lý là Âm và Dương. Nay Âm Dương quá phổ biến trong dân gian nhưng ai biết được lần đầu tiên xuất hiện khi nào? Khảo sát những hòn đá đẽo thô sơ của văn hóa Hòa Bình 20.000 năm trước, các học giả phát hiện, trên một số hòn có hai vệt song song được khắc chìm. Suy ngẫm nhiều mà không tìm được công dụng thực tế của chúng, các học giả xếp vào “vật tồn nghi”rồi đặt tên là “dấu Hòa Bình”. Gặp tại văn hóa Bắc Sơn nhiều hơn những hòn đá mài với hai vết khắc tương tự, các học giả gọi là “dấu Bắc Sơn,”như một chỉ dấu của nền văn hóa này. Tuy nhiên vẫn không ai hiểu ý nghĩa của cái “dấu” đó là gì! Rồi vào thập kỷ 1970, giáo sư Lương Kim Định đưa ra thuyết: hai vạch khắc chìm đó là biểu trưng của Âm-Dương, của quan niệm song trùng lưỡng hợp (dual unit) một mà hai, hai mà một, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Tới nay chưa ai đưa ra lý lẽ khẳng định hay bác bỏ thuyết này. Chúng tôi chấp nhận giả thuyết của Kim Định và cho rằng, muộn nhất, thời văn hóa Hòa Bình, khoảng 20.000 năm trước, người Việt đã hình thành quan niệm Âm Dương. Bằng chứng khác về xuất hiện của Dich lý là Thập can, Thập nhị chi và Bát quái. Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm quý rồi Tý, Sửu, Dần, Mão,Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi và Càn, Đoài, Cấn, Chấn, Tốn, Khôn, Ly, Đoài là những “vật liệu”ngôn từ cơ bản làm nên kinh Dịch. Thời gian dài, được cho là những từ do người Trung Quốc tạo ra để làm nên kinh Dịch. Nhưng những năm gần đây, nhiều tác giả đã chứng minh những từ đó là  thuần Việt. Một khi những “vật liệu” rất cơ bản làm nên Kinh Dịch là của người Việt thì đó là chỉ dấu cho rằng ít nhất người Việt là người đầu tiên khởi thảo kinh Dịch. Những bằng chứng trên cho thấy, từ xa xưa, bằng sự kiên trì và liên tục, người Việt đã sáng tạo ra kinh Dịch. Vào 6500 năm trước kinh Dịch hình thành. Việc phát hiện nhà nước phương Đông lớn và tiến bộ tại Lương Chử vùng Thái Hồ 5300 năm trước đã cho thấy thêm phạm vi hoạt động cũng như tầm mức văn hóa của người Việt, chủ nhân của Đông Á.
 Năm 2698 TCN một sự kiện lớn xảy ra, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phương Đông. Đó là việc họ Hiên Viên dẫn đầu liên minh các bộ lạc Mông Cổ đánh chiếm miền Trung Hoàng Hà của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Tuy chiến thắng quân sự nhưng do nhân lực ít và văn hóa chưa phát triển, lại gặp sức kháng cự dai dẳng của người Việt khiến cho người Mông Cổ khôn khéo thực hiện chế độ cai trị mềm dẻo để thu phục người Việt. Do sống chung hòa thuận, hôn phối Mông- Việt xảy ra, lứa con lai Mông -Việt ra đời, tự nhận là Hoa Hạ. Cho đến nay không ít người lầm lẫn cho rằng Hoa Hạ là một dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong gia tộc Hoàng Đế, gen Mông Cổ chỉ tồn tại được ba đời là Hoàng Đế, Chuyên Húc và Thiếu Hạo. Đời thư tư Đế Khốc đã chuyển sang gen Việt. Sau Đế Khốc thì Đế Nghiêu càng Việt hơn. Tới Thuấn và Vũ, vì chế độ truyền hiền nên hoàn toàn là Việt. Do lịch sử như vậy nên Hoa Hạ chỉ là lớp con lai xuất hiện một thời gian ngắn ngủi rồi hòa tan trong cộng đồng Việt đông đảo. Nhờ chính trị tốt đẹp, người Việt chiếm đại đa số dân cư, đem hết tâm lực cống hiến cho vương triều. Thiên văn, địa lý, phong thủy được áp dụng. Dịch lý được người Việt đưa vào triều đình. Ta từng nghe nói sách Tam phần mở đầu Thượng Thư bị Khổng Tử loại bỏ khi san định kinh Thư thì chính đó là “Tam Phần Thư” gồm có Sơn phần là Liên Sơn Dịch của Thiên hoàng, họ Phục Hy. Khí phần là Quy tàng Dịch của Nhân hoàng, họ Thần Nông. Hình phần là Kiền Khôn Dịch của Địa hoàng họ Hoàng đế. Mỗi bộ Dịch đều có 8 quẻ; dưới mỗi quẻ lại đều có 7 quẻ nữa, tổng cộng 8 x 8 = 64 quẻ. Như vây Tam phần là Dịch thời Tam Hoàng, có 64 quẻ, gọi là: “Quân, Thần, Dân, Vật, Âm, Dương, Binh, Tượng; Qui, Tàng, Sinh, Động, Trưởng, Dục, Chỉ, Sát; Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt, Sơn, Xuyên, Vân, Khí” tức là Kiền, Khôn, Chần, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài. (1) Điều này cho thấy, vào thời Hoàng Đế, kinh Dịch vẫn được nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, những cuốn Dịch này vẫn là những cuốn sách không có chữ mà được ghi bằng những ký hiệu. Chỉ đến thời Chu, khi chữ viết trưởng thành, Chu công đã theo lời truyền từ xa xưa viết thành quái từ, hào từ. Đến lượt mình, Khổng Tử viết Thập dực tạo nên cuốn Chu dịch.
Phân tích trên cho thấy, từ xa xưa người Việt đã âm thầm khám phá Dịch lý, từ hai yếu tố Âm Dương đến Thiên can, Địa chi, Bát quái và làm ra sách Dịch vào 6500 năm trước. Khi Hiên Viên đưa người Mông Cổ vào chiếm miền Trung Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế thì cộng đồng Việt bị phân chia. Bộ phận nhỏ thuộc vương triều Hoàng Đế. Phần còn lại là các bộ tộc hay nhà nước độc lập của người Việt. Dịch lý tiếp tục được sử dụng và hoàn thiện trong cả hai cộng đồng Việt này. Do có nhà nước quân chủ mạnh, trong 200 năm (1500 – 1300 TCN), nhà Ân đã hoàn thiện Giáp cốt văn của người Việt thành chữ vuông. Sang thời Chu, cuốn “kinh vô tự”được văn bản hóa thành Chu Dịch. Do nhà nước Hoàng Đế tách biệt với cộng đồng Việt còn lại, tạo thành thực thể hành chính lâu dài dẫn tới sự hiểu lầm rằng người Hán là một đân tộc khác, từ phương Tây du nhập. Do vậy những thành tựu văn hóa phương Đông được lưu giữ trong nhà nước Trung Hoa, trong đó có kinh Dịch được cho là sản phẩm của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, phân tích trên cho thấy, kinh Dịch là sản phẩm của người Việt, trong đó có công của người Việt sống trong nhà nước Trung Hoa đã văn bản hóa kinh Dịch thành Chu Dịch. Người Hán là một nhánh con cháu của người Việt, ra đời khoảng 7000 năm trước nên không thể làm ra kinh Dịch. Người Hoa Hạ xuất hiện muộn hơn, khoảng năm 2698 TCN nên càng không phải là chủ nhân kinh Dịch.
Trước đây do hiểu biết hạn chế về lịch sử hình thành dân cư phương Đông nên cho rằng người Hán làm ra kinh Dịch. Đó là sai lầm lớn của quá khứ, cần được nhận thức lại để “cái gì của Saesa trả lại cho Saesa.”Thời gian gần đây xuất hiện quan niệm “người Hán ăn cắp kinh Dịch của người Việt.”Đấy lại là sai lầm khác. Thực tế lịch sử cho thấy, không phải ăn cắp của người Việt mà người Hán là bộ phận người Việt sống trong nhà nước Hoàng Đế đã kế thừa Dịch lý từ tổ tiên và văn bản hóa thành bản kinh như hiện nay.
                                                                                                                                                                                      Sài Gòn, 24.11.2019

Tài liệu tham khảo:
   1. Lý Quá: Tây Khê Dịch thuyết. Tứ khố toàn thư trân bản. Thương vụ ấn quán, Thượng Hải, bài tựa, quyển 1, trang 5,6,7. (Dẫn theo Nguyễn Hữu Lương - Kinh Dịch với vũ trụ quan phương Đông. Nha tuyên uý Phật giáo. Sài Gòn 1971, trang 421)