NƠI NÀO TRỒNG LÚA ĐẦU TIÊN?



Trong bài “Lúa Đông Nam Á và người Việt dân tộc chủ nghĩa cực doan,”  trên Leminhkhaiblog*, tác giả L.C. Kelley lập luận:

Những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan Việt Nam cho rằng, Đông Nam Á là nơi lúa được trồng sớm nhất thế giới. Niềm tin của họ dựa vào hai bằng chứng. Một là cuốn Nguồn gốc và sự phát tán của nông nghiệp (Agricultural Origins and Dispersals) của nhà thực vật học Carl Sauer công bố năm 1952. Trong đó nói rằng "Cuộc cách mạng nông nghiệp, vốn được cho là xảy ra đầu tiên vào khoảng 10.000 năm trước trong các xã hội thời kỳ đồ đá mới ở Trung Đông, dường như đã bắt đầu sớm hơn một cách độc lập cách đó hàng ngàn dặm trong khu vực Đông Nam Á. " Hai là bài báo "Một cuộc Cách mạng nông nghiệp sớm hơn" của Solheim đăng trên tạp chí khoa học Mỹ vào năm 1972. Bài báo được viết từ kết quả khai quật khảo cổ tại Non Nok Tha Thái Lan, nơi tìm ra hạt lúa được cho là lúa trồng trong một mảnh gốm 3.500 tuổi.
Tuy nhiên, ý tưởng của Sauer không được chứng minh bằng vật chứng khảo cổ mà chỉ hoàn toàn là suy luận. Tác giả đã tưởng tượng ra một khu vực có điều kiện thiên nhiên lý tưởng cho cây lúa rồi chụp vào Đông Nam Á. Trong khi đó, bài báo của Solheim là một thất bại vì việc phân tích mẫu vật vào năm 1977 cho thấy đó là hạt lúa hoang!

Với khẳng định trên, tác giả nghĩ rằng mình đã hạ knock-out đối phương.
Tuy nhiên, sự đời không đơn giản vậy. Muốn xác định Đông Nam Á có phải là nơi trồng lúa đầu tiên hay không, cần phải trả lời ba câu hỏi.

1.     Câu hỏi thứ nhất: Đông Nam Á là đâu?

Ngày nay ta biết Đông Nam Á gồm 10 nước trong khối ASEAN, là biên giới của những quốc gia hiện đại nhưng thời tiền sử, dựa theo khí hậu và môi trường nhân văn, Đông Nam Á rộng hơn, bào gồm cả phần đất hiện nay thuộc lưu vực sông Dương Tử. Nhìn bao quát cảnh quan khu vực, nhà khảo cổ Wilhem Solheim đề xuất: “Trong khi tìm về thời tiền sử, chúng tôi cho rằng Đông Nam Á phải được trải rộng ra tới những khu vực có các nền văn hóa gần gũi. Thuật ngữ tiền sử Đông Nam Á mà tôi sử dụng gồm hai phần. Phần thứ nhất là vùng đất liền Đông Nam Á trải dài từ rặng núi Tần Lĩnh phía Bắc sông Dương Tử của Trung Hoa cho tới Singapore và từ biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) tới Miến Điện và Assam của Ấn Độ. Phần khác được gọi là Đông Nam Á hải đảo, một vòng cung từ quần đảo Andaman ở miền Nam Miến Điện trải dài tới Đài Loan, bao gồm Indonesia và Philippine.” [1]
Nhận định của Solheim là xác đáng không chỉ vì sau thời kỳ Băng Hà, vùng này có khí hậu cùng hệ động thực vật giống nhau mà còn là nơi cư trú của khối dân cư có chung nguồn gốc và văn hóa.

2.     Câu hỏi thứ hai: nông nghiệp ra đời sớm nhất ở đâu?

Hoạt động nông nghiệp là việc xới đất, gieo trồng thực vật làm thức ăn. Với ý nghĩa như vậy, nông nghiệp được ra đời từ rất sớm ở Đông Nam Á. 70.000 năm trước, người tiền sử di cư tới Đông Nam Á. Tại đây, nhờ khí hậu ôn hòa, thức ăn phong phú, họ chuyển sang định cư. Do sống định cư nên họ dùng công cụ tre gỗ và đá thô sơ xới đất, trồng những thứ cây dễ trồng nhất là rau đậu, bầu bí, khoai lang, khoai sọ. Muộn nhất, khoảng 20.000 năm trước, cùng với sáng tạo công cụ đá mới, nền nông nghiệp trồng rau đậu, khoai hình thành và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống dân cư. Khoảng 15.000 năm trước, nhờ lương thực dồi dào, mà khoai là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu, người Đông Nam Á thuần hóa con gà và con chó đầu tiên trên thế giới, bổ sung nghề chăn nuôi cho nông nghiệp. Học giả phương Tây, trong khi đề cao vai trò của nông nghiệp ngũ cốc đã không công bằng vì đánh giá thấp nền nông nghiệp tiền ngũ cốc. Chính nền nông nghiệp này, nói chính xác hơn là khoai sọ và khoai lang, góp phần quan trọng làm tăng nhân số dân cư dồng bằng Sundaland và Hainanland, dẫn tới các cuộc di cư của con người từ đây ra thế giới.
Một khi đã biết trồng rau đậu làm thức ăn thì việc chọn lọc, thuần dưỡng cây có hạt như kê, lúa là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.
Theo nghiên cứu mới nhất, được công bố vào năm 2012, tại Động Người Tiên huyện Vạn Niên, phía đông bắc tỉnh Giang Tây Trung Quốc, phát hiện đồ gốm cách nay 20.000 năm. Bốn tầng văn hóa được xác định bao gồm cả một quá trình dài chuyển đổi từ thời kỳ đồ đá cũ muộn sang giai đoạn đầu thời kỳ đá mới. Hiện diện chủ yếu của con người là đánh cá, săn bắn và hái lượm, mặc dù một số bằng chứng của việc thuần hóa lúa sớm đã được ghi nhận trong thời kỳ đầu đồ đá mới.
• thời kỳ đồ đá mới 3 (9.600 - 8.825 RCYBP)
• thời kỳ đồ đá mới 2 (11.900 -9.700 RCYBP)
• thời kỳ đồ đá mới 1 (14,000 -11,900 RCYBP) xuất hiện của O. sativa
• thời kỳ đồ đá cũ muộn (25,000-15,200 RCYBP) chỉ có Oryza hoang dã.
Bằng chứng khảo cổ cho thấy, giai đoạn chuyển từ đồ đá cũ sang đồ đá mới (19,780-10,870 RCYBP) chủ nhân sống bằng săn bắn, đánh cá và hái lượm, với ưu thế của hươu nai và lúa hoang (phytoliths của Oryza nivara). Ở đầu thời kỳ đồ đá mới (12.430 RCYBP), gốm có thành phần đất sét đa dạng hơn và nhiều mảnh gốm được trang trí với thiết kế hình học. Lúa trồng thể hiện rõ ràng, với phytoliths của cả hai chủng O. nivara và sativa.[2]
Phát hiện Động Người Tiên cho thấy, Đông Nam Á không chỉ là nơi nền nông nghiệp trồng rau màu khoai đậu nảy sinh từ rất sớm mà việc thuần hóa lúa cũng xuất hiện sớm nhất thế giới.  Phát hiện này cũng chứng minh cho dự đoán chính xác của Carl Sauer. Nó cũng chứng tỏ dự báo của Solheim là có cơ sở, tuy chưa tìm ra vật chứng ở Thái Lan.  

3.     Ai là người trồng lúa đầu tiên.

Nhìn vào bảng kê các tầng văn hóa ở di chỉ Động Người Tiên, ta thấy, ở đây có người sống liên tục từ 25.000 năm trước bằng săn bắt, đánh cá và hái lượm.  Tới 12.400 năm trước, họ thuần hóa thành công cây lúa trồng  O. sativa.
Họ là ai? Từ năm 1998,  công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc [3] phát hiện, 40.000 năm trước, khi khí hậu ấm hơn, người từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Kết hợp tài liệu khảo cổ và di truyền học cho thấy, người từ Việt Nam đi lên Trung Quốc chính là hai chủng người Việt cổ Indonesian và Melanesian.  Không chỉ làm ra đồ gốm và cây lúa đầu tiên ở Động Người Tiên mà di duệ của họ còn là chủ nhân của những nền văn hóa Giả Hồ 9.000 BP, Ngưỡng Thiều 7.000 BP, Hà Mẫu Độ 6.000 BP , Lương Chử > 5000 BP,  Cảm Tang 6.000 BP…
Kết luận:  Thời tiền sử, lưu vực sông Dương Tử thuộc về Đông Nam Á. Người Việt cổ là chủ nhân của khu vực nên cũng chính là người thuần hóa cây lúa sớm nhất trên thế giới.
Ở đây có điều khá khôi hài: Lúa được trồng sớm nhất ở lưu vực sông Dương Tử. Do thiếu thông tin, L. Kelley bảo lưu vực Dương Tử không thuộc về Đông Nam Á. Trong khi những người Việt Nam lại đồng ý với W. Solheim gộp cả vùng Giang Nam vào Đông Nam Á. Vậy nên họ bị kết án là “dân tộc chủ nghĩa cực đoan”!


Tài liệu tham khảo
*"SOUTHEAST ASIAN RICE AND VIETNAMESE ULTRANATIONALISM"
https://leminhkhai.wordpress.com/2016/01/19/southeast-asian-rice-and-vietnamese-ultranationalism/
1.     Wilhelm Solheim. New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3, tháng 3 năm 1971.

3.   Chu JY, et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768