TRAO ĐỔI LẠI VỚI ÔNG PHẠM TRẦN ANH VỀ BÀI “Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của việt tộc”



Mấy năm trước, đọc bài “Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của việt tộc” của tác giả Phạm Trần Anh, thấy có những điều còn phân vân, tôi gửi thư tới ông đề nghị trao đổi lại. Lúc đó ông bảo bận, hẹn nói chuyện sau. Nhưng rồi không thấy ông liên hệ. Bài viết còn đó, trên nhiều trang mạng, được những người khao khát tìm lại cội nguồn hào hứng theo dõi. Thấy rằng bài viết có thể gây ngộ nhận cho người đọc, tôi xin thưa lại đôi điều.

1.   Người Trung Quốc phương Bắc là ai?

Hơn 10 năm trước, khi đọc công trình Đa dạng di truyền của dân cư Trung Quốc của J.Y. Chu [1], tôi chú ý tới câu: “Người Trung Quốc ở phía Bắc có cấu trúc di truyền khác với người Trung Quốc ở phía Nam.” Một nỗi phân vân xuất hiện: giới hạn của sự phân định Bắc Nam trong đoạn văn này là đâu? Rồi theo thói quen, tôi cho rằng: ở phía Bắc Dương Tử là người Bắc Trung Quốc. Nhưng sau đó thấy không phải vậy. Trung Quốc có năm dân tộc (chủng tộc) là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Trong đó người Hán chiếm 93% số dân. Trong 1,3 tỷ người thì người Hán chiếm hơn 1,2 tỷ. Về mặt di truyền, người Hán được xếp vào chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Còn lại khoảng hơn 90 triệu thuộc bốn chủng tộc Hồi, Mông, Mãn, Tạng, là những người Eskimos, Tungus, người Tây Tạng và người Mongoloid vùng hồ BaiKal, là các sắc tộc thiểu số sống ở rìa phía Bắc Trung Quốc, có mã di truyền Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid). Lẽ đương nhiên, 90 triệu người này không thể là dân số của vùng đất mênh mông, trù phú phía Bắc Trường Giang. Do vậy, chỉ có thể hiểu đúng tư tưởng của J.Y. Chu khi xác định người Bắc Trung Quốc là các tộc người thiểu số Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) sống ở Nội Mông và vùng rìa của Trung Quốc.
Điều này cho thấy, không chỉ ông Phạm Trần Anh mà nhiều học giả khác cũng lầm như vậy. Đó là việc nguy hại vì nó gây hiểu không đúng về nguồn gốc và thành phần dân cư Trung Quốc, dẫn tới ngộ nhận về lịch sử và văn hóa Trung Hoa.

2.   Có đúng Việt và Hán là hai tộc người khác nhau?

Ông Phạm Trần Anh viết: Luận chứng khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau.
Sự thật có phải như vậy không? Muốn làm rõ điều này cần phân định về mặt nhân loại phân loại học: người Việt thuộc chủng tộc nào? Người Hán thuộc chủng tộc nào? Theo thuật ngữ nhân chủng học Xô-viết được chấp nhận bởi trường phái lục địa Trung Hoa, người Hán Trung Quốc được phân loại theo “chi nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid” hoặc “chủng Mongoloid phương Nam.” Trong khi đó, không chỉ người Việt Nam mà cả đại bộ phận dân cư Đông Nam Á cũng được xác nhận thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Như vậy, một câu hỏi nảy sinh: cùng là người Mongloid phương Nam sao Việt Hán lại là “2 tộc người khác nhau”?!
Thực tế lịch sử cho thấy, Lưu Bang người sông Nguồn (nay là Hán Thủy) tỉnh Hà Nam nước Sở, một nhánh của tộc Việt. Sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang lập nước, lấy tên nước Hán (biến âm của tiếng Việt: Nguồn, Hon, Hòn, Hớn -> Hán). Như vậy, thực sự người Hán là người Việt.
Học giả Trung Quốc Zhou Jixu [2] cho rằng: “Người Ngưỡng Thiều mang đặc tính cơ thể gần nhất với người Trung Hoa hiện đại ở miền Nam Trung Quốc và người Đông Dương hiện đại. Gần gũi tiếp theo của họ là với người Trung Hoa hiện đại ở Bắc Trung Quốc”… “Theo thuật ngữ nhân chủng học Xô viết được chấp nhận bởi trường phái lục địa Trung Hoa, người Ngưỡng Thiều Trung Quốc được phân loại theo “chi nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid” hoặc “chủng Mongoloid phương Nam.”
Người Ngưỡng Thiều ra đời 7000 năm trước, do hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) và người Lạc Việt Australoid. Văn hóa Ngưỡng Thiều rộng tới ba triệu mét vuông, trải suốt lưu vực Hoàng Hà từ Thiểm Tây, Sơn Tây qua Hà Nam. Từ những năm 20 thế kỷ trước, khoa học thế giới cho rằng, người Ngưỡng Thiều là tổ tiên của người Trung Hoa. Người Ngưỡng Thiều hòa huyết với người lưu vực Dương Tử sinh ra người Nam Trung Hoa. Không chỉ vậy, từ cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN, người Ngưỡng Thiều vùng Núi Thái -Trong Nguồn di cư về Việt Nam và Đông Nam Á góp phần chuyển hóa dân cư Đông Nam Á từ loại hình Australoid trở thành người Mongoloid phương Nam hiện nay.
Khảo sát lịch sử dân cư Trung Quốc cho thấy, tới giữa thời Hán, dân cư Trung Quốc hầu hết là người Mongoloid phương Nam. Từ cuối Hán, sang Đường, Nguyên rồi Thanh, những tộc người Mongoloid phương Bắc từ phía Tây và Bắc du nhập ào ạt khiến dân cư và văn hóa Trung Quốc biến đổi. Người nhập cư hòa huyết với người tại chỗ nhưng do số lượng người bản địa áp đảo nên dân cư sinh ra vẫn mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Có nghĩa họ vẫn là người Hán. Điều này giống như ở Việt Nam cuối thời Đá Mới, dân cư gồm hai chủng Indonesian và Melanesian. Khi gặp gỡ hòa huyết với người Mongoloid phương Nam từ Trung Quốc về, người Indonesian chuyển hóa thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình (người Kinh, Tày, Mường, Thái…) còn người Melanesian thành loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam (các sắc dân Tây Nguyên) [3]. Các tộc thiểu số Tây Nguyên là những sắc tộc (ethnicity) trong chủng Mongoloid phương Nam của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, thực tế huyết thống và lịch sử khẳng định: người Việt và người Hán cùng một chủng tộc. Tới đây, ta hiểu sự minh triết của tiền nhân, khi truyền ngôn: Hoa Việt đồng văn đồng chủng.
Bằng nghiên cứu của mình trong nhiều năm qua, tôi khám phá rằng: người Việt và người Hán cùng một nguồn gốc nên cùng một chủng tộc. Tuy nhiên, do người Hán được tổ tiên chúng ta sinh ra muộn hơn nên có chỉ số đa dạng di truyền thấp hơn người Việt hiện nay. Cũng do vậy, mọi thành tựu rực rỡ nhất của văn hóa Trung Hoa đều được bắt nguồn từ văn hóa Việt.
Cho rằng “tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau” là sai lầm vô cùng nguy hại vì nó dẫn tới nhận thức sai lạc về dân cư và lịch sử phương Đông.

3.   Ông Phạm Trần Anh viết:

 “Khoa Đại Dương học và khảo cổ học đã chứng minh rằng người cổ Hoà Bình Hoabinhian do nạn biển tiến cách nay khoảng 8.500 năm đã tiến lên vùng núi cao…”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải chỉ từ khi nước biển dâng mà từ 40.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met, thì người Lạc Việt từ thềm Biển Đông đã đi lên Hoa lục, vượt Tây Tạng, qua Trung Á, vào chiếm lĩnh châu Âu, sinh ra tổ tiên người châu Âu [4]. Mặt khác, trên lục địa Đông Á, từ Việt Nam tới Trung Quốc, các di chỉ khảo cổ học phát triển liên tục, từ Núi Đọ, Con Moong, Thẩm Khuyên, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Phùng Nguyên, Đông Sơn… Ở phía Bắc, các di chỉ Tiên nhân động (Giang Tây) có mảnh gốm 20.000 năm, hạt lúa trồng 12400 năm; hang Đốc Đứng (Hồ Nam) rồi Giả Hồ (9000 năm trước), Hà Mẫu Độ (6000 năm trước), Lương Chử (5000 năm trước)… là những nền văn hóa phát triển liên tục. Điều này chứng tỏ không hề có chuyện:
“Cư dân Hoà Binh Hoabinhian đã phải thiên cư mỗi khi có nạn biển tiến mà 3 lần biển tiến cách đây khoảng 14 ngàn năm, 11.500 năm và 8.500 năm theo 2 hướng. Một nhánh theo hướng Đông Bắc qua cầu đất Béring vào Mỹ châu do nạn biển tiến cách đây khoảng 13.500 năm rồi trở thành thổ dân Bắc Mỹ. Và nhánh khác theo hướng Nam xuống bán đảo Mallacca Mã Lai Malaysia) rồi vượt biển tới các hoang đảo sau này có tên là Nam Dương Indonesia, Phi Luật Tân (Philippine), Hawai, Đa Đảo, NewZealand rồi sang tới California, Trung Mỹ và Nam Mỹ…”
Thưa ông, chuyện di cư của người Việt mà ông nói tới là có thực nhưng nó diễn ra theo một lịch trình hoàn toàn khác:
Tài liệu của J.Y. Chu và nhất là của Stephen Oppenheimer [5] cho thấy:
-      50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, tới Ấn Độ.
-      40.000 năm trước do khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam chiếm lĩnh Trung Hoa và 30.000 năm trước, từ Siberia vượt qua eo Beringa chinh phục châu Mỹ!
Như vậy,  cuộc di cư của tổ tiên ta chiếm lĩnh thế giới diễn ra trước những lần biển tiến rất lâu! Thực tế cho thấy, những lần biển tiến 14,5;11,5 và 8,5 nghìn năm trước chỉ tác động rõ rệt tới các hải đảo Đông Nam Á. Chúng thúc đẩy người Đông Nam Á di cư tới Hawaii và đưa con người, giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng nông nghiệp sang phương Tây như Stephen Oppenheimer trình bày rõ trong cuốn Eden in the East.
Một bài viết ngắn, không những có hai sai lầm nghiêm trọng mà những   chứng cứ đưa ra lại đầu Ngô mình Sở rồi suy diễn tùy tiện khiến cho nhận định đúng đắn trở nên đáng ngờ. “Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất, có đủ 4 Haplotype chính gồm A, B, C, D. Chính vì vậy, Việt Nam là trung tâm của nền văn hoá Hòa Bình ảnh hưởng bao trùm Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Cận Đông và cả châu Mỹ nữa…” là hoàn toàn chính xác nhưng cách lý giải của ông Phạm Trần Anh không thể dẫn tới kết luận như vậy! Điều này giống như người làm toán đưa ra đáp số đúng trong khi cách giải sai!

                                                                             Tháng 3 năm 2016


Tài liệu tham khảo:
1.   Chu JY et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768
2.   Zhou Jixu: The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006.
3.   Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á . NXB DH&THCN. H, 1983
4.   Người châu Á xâm chiếm châu Âu. http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss
5.   Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com) and Journey of Mankind the Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com/journey/).