Cùng bạn đọc,
Hơn 10 năm, từ khi công bố những khảo cứu về cội nguồn người Việt, tôi mong được các sử gia, các nhà khoa học xã hội nhân văn viết bài phản biện nhưng không thấy. Trong khi đó, người duy nhất phản biện tôi là ông Đỗ Kiên Cường, một cử nhân vật lý, làm chuyên môn môn lý- sinh tại Viện Nhiệt đới Việt Xô.
Tôi xin đăng lại những bài của ông Đỗ Kiên Cường để bạn đọc có điều kiện so sánh
KHÔNG CÓ CHUYỆN NGƯỜI VIỆT KHAI THÁC
TRUNG HOA 40.000 NĂM TRƯỚC!
(Trao đổi lại với nhà văn Hà Văn Thùy)
Đỗ Kiên Cường
Tôi đã nghe phong thanh giả thuyết người Việt
khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước của Hà Văn Thùy từ lâu, nhưng không
thực sự quan tâm cho đến khi đọc bài Rời khỏi Địa Đàng hay hành trình chiếm
lĩnh Trái Đất trên tuần báo Văn Nghệ ngày 19-4-2008. Và tôi rất ngạc nhiên khi
thấy Hà Văn Thùy viết rằng, một nhóm nghiên cứu do giáo sư Chu người Trung Quốc
dẫn đầu kết luận, chính người Việt đã lên khai phá toàn bộ lục địa Trung Hoa. Một
vị giáo sư Trung Quốc, với tư tưởng Đại Hán đầy mình, mà kết luận như vậy trên
tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ (viết tắt theo tiếng Anh là PNAS) thì
thật thú vị và không thể không quan tâm. Vì vẫn truy cập PNAS hàng tuần, nên
tôi dễ dàng tìm được bài báo gốc Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc trên tập
95, số 20, ngày 29-9-1998. Đọc xong công trình chưa đầy 6 trang đó, với tư cách
một người đọc, tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng về một sự thật có lẽ
ít ai ngờ. Vậy sự thật đó là gì?
Cần lưu ý rằng, tạp chí Tia Sáng của
Bộ Khoa học - Công nghệ, số 17, ngày 5-9-2008, đăng tải bài viết Di truyền học
và cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người, mà ở phần vĩ thanh, tôi đã bác bỏ
giả thuyết nói trên. Vì Hà Văn Thùy cũng đã trả lời trên Tia Sáng số 18, ngày
20-9-2008, nên trong bài viết dưới đây, tôi sẽ trao đổi lại với tác giả về cả
hai bài trên viet-studies và trên Tia Sáng.
1. Quan điểm của Hà Văn Thùy:
Theo Hà Văn Thùy, nhóm nghiên cứu
Mỹ - Trung Quốc công bố kết quả Dự án đa dạng di truyền người Trung Quốc trên
PNAS với nội dung chủ yếu như sau: “70.000 năm trước, người hiện đại từ Trung
Đông theo đường Ấn Độ Dương rồi men bờ biển Nam Á tới định cư tại miền Trung và
Bắc Việt Nam. Nghỉ tại đây 10.000 năm, người tiền sử lai giống, lan tỏa khắp lụa
địa Đông Nam Á sau đó một bộ phận di chuyển sang châu Úc và các đảo ngoài khơi.
Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu ấm lên, người từ Đông Dương đi lên khai thác lục
địa Trung Hoa. Khoảng 30 đến 15 ngàn năm trước, người từ Trung Hoa lên Siberia
rồi vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Người phía bắc Trung Quốc thuộc chủng
Mongoloid phương Bắc. Người phía nam Trung Quốc và đại bộ phận dân cư Đông Nam
Á, Nhật Bản, Triều Tiên thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Trong các dân châu Á, người Việt Nam có đa dạng
sinh học cao nhất”. (Văn Nghệ, 19-4-2008)
Vậy người Việt thuộc chủng tộc
nào? Cũng theo Hà Văn Thùy, “người tiền sử tới nước ta gồm hai đại chủng
Mongoloid và Australoid. Họ hòa huyết thành 4 chủng: Indonesien, Melanesien,
Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid” (Văn Nghệ, 19-4-2008).
Trong bài Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt? (www.viet-studies.info,
22-4-2008), tác giả cũng xem người Lạc Việt là người Indonesien.
Như vậy về cơ bản, có thể tóm lược
giả thuyết của Hà Văn Thùy như sau: 1) Người hiện đại (Homo sapiens) từ châu
Phi tới Việt Nam từ 70.000 năm trước, theo con đường phía Nam, men theo bờ biển
Ấn Độ Dương; 2) Người từ Đông Dương lên khai phá lục địa Trung Hoa từ 40.000
năm trước. (Vì mang theo rìu đá mài, được gọi là việt, nên người tiến sử lấy
cái việt đầy tự hào đó đặt tên cho mình với danh xưng người Việt!); và 3) Người
Lạc Việt là người Indonesien, tức thuộc chủng tộc Australoid. Ngoài ra là một số
quan niệm thứ yếu khác.
Như vậy muốn biết Hà Văn Thùy
đúng hay sai, chỉ cần xét ba luận điểm này. Nếu chúng đúng, sẽ xét thêm các giả
thuyết phụ; còn nếu sai, có lẽ không cần để ý tới các quan niệm khác nữa.
2. Người hiện đại rời khỏi châu Phi khi nào?
Như đã trình bày trong hai bài viết
trên Tia Sáng và trên viet-studies, di truyền học có tiếng nói quyết định trong
việc ủng hộ Giả thuyết rời khỏi châu Phi mới đây (Recent Out-of-Africa model) về
nguồn gốc loài người. Bằng việc theo dõi các đột biến ngẫu nhiên (tức các dấu
gien, genetic markers) tại ADN ti thể (do mẹ truyền cho con) và ADN nhiễm sắc
thể Y (nhiễm sắc thể giới tính nam, do cha truyền cho con trai), các nhà khoa học
có thể theo dõi hành trình các cuộc di cư tương đối chính xác theo thời gian và
theo địa lý.
Xin nhấn mạnh lại hai khám phá mở
đường, đó là việc xác định các tổ tiên chung gần nhất MRCA (the most recent
common ancester) của loài người hiện nay, tức gốc của các cây phả hệ di truyền
theo đường mẹ (tức theo ADN ti thể) và theo đường cha (tức theo ADN nhiễm sắc
thể Y). Cụ thể hơn, theo Cann, Stoneking và Wilson trên tạp chí Nature lừng
danh năm 1987, người mẹ chung của loài người hiện nay sống tại Đông Phi khoảng
172.000 năm trước (niên đại này được Ingman và đồng sự hiệu chỉnh lại vào năm
2000, cũng trên Nature). Đó là nàng Eva ti thể, hiện thân trong thế giới thực của
người phụ nữ giả định đầu tiên trong Kinh Thánh. Mười ba năm sau, vào năm 2000,
23 tác giả, trong đó có Spencer Wells, người đang đứng đầu Dự án bản đồ gien của
Hội địa lý quốc gia Mỹ, tuyên bố xác định được cây phả hệ di truyền đối với ADN
nhiễm sắc thể Y, với nhánh gốc chính là ông tổ của tất cả chúng ta. Niên đại của
người cha chung này có thể gây sốc đối với nhiều người: Chàng Adam nhiễm sắc thể
Y cũng sống tại Đông Phi chỉ 60.000 năm trước!
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi: Tại
sao chàng Adam lại sống cách nàng Eva tới hàng trăm ngàn năm? (Trên Tia Sáng,
Hà Văn Thùy cũng thắc mắc như vậy, một điều không nên với một người đang vào
vai nhà lập thuyết). Câu trả lời khá đơn giản: đó là kết quả của chiến lược
sinh sản khác nhau giữa nam và nữ. Trong khi mọi phụ nữ thời tiền sử có cơ may
có con hầu như bằng nhau, thì không phải người đàn ông nào cũng cơ may như vậy,
khi có người không có con, nhưng có người có nhiều con (với nhiều phụ nữ khác
nhau). Ngoài ra người mẹ truyền ADN ti thể cho cả con trai và con gái, còn người
cha chỉ truyền ADN nhiễm sắc thể Y cho con trai. Kết quả là số dòng ADN nhiễm sắc
thể Y càng ngày càng giảm so với số dòng ADN ti thể. Mà số nhánh trong cây phả
hệ di truyền càng nhiều thì cây càng có khả năng vươn xa tới tương lai. Vì thế
khi nhìn ngược thời gian về gốc các cây phả hệ, chúng ta sẽ thấy tổ mẫu nằm xa
trong quá khứ hơn so với tổ phụ.
Cần lưu ý thêm rằng, với bạn đọc
không quan tâm tới các chi tiết kỹ thuật, có thể thấy mọi thông tin về Adam nhiễm
sắc thể Y và Eva ti thể qua các công cụ tìm kiếm trên mạng, với các từ khóa
“Y-chromosomal Adam” và “Mitochondrial Eve”.
Như vậy ông tổ của loài người hiện
nay sống tại Ethiopia chỉ 60.000 năm trước. Vậy các cuộc di cư chiếm lĩnh hành
tinh xẩy ra khi nào? Theo số liệu ADN nhiễm sắc thể Y, khoảng 50.000 năm trước,
một nhóm khoảng 150 người đã dũng cảm vượt Biển Đỏ tại eo Bab-el-Mandeb sang
Trung Đông, bắt đầu cuộc hành trình đầy gian khổ và vinh quang. Vì sự dũng cảm
đó mà họ giành được phần thưởng xứng đáng là toàn bộ quả địa cầu. Còn theo số
liệu ADN ti thể, cuộc di cư rời khỏi châu Phi đầu tiên xẩy ra khoảng 60.000 năm
trước. Bạn đọc quan tâm có thể tìm thấy các số liệu đó khi phóng to tấm bản đồ
kèm theo, với các mũi tên màu xanh ứng với ADN nhiễm sắc thể Y, còn màu vàng ứng
với ADN ti thể.
Như vậy giả thuyết thứ nhất của
Hà Văn Thùy (người hiện đại tới Việt Nam 70.000 năm trước) hoàn toàn sai sự thật.
Không thể có chuyện ông tổ vẫn sống tại châu Phi mà con cháu thì đã tới Việt
Nam từ những 10.000 năm trước đó (xin bạn đọc lưu ý, Việt Nam chứ không phải một
nơi nào khác ở Đông Nam Á đâu nhé!).
Bản đồ các cuộc di cư của người
hiện đại.
Như đã nhận xét, sai lầm của Hà Văn
Thùy bắt nguồn từ việc ông lập thuyết chỉ dựa theo cuốn Địa Đàng phương Đông: Lục
địa Đông Nam Á bị chìm, một cuốn sách phổ biến khoa học không được đánh giá cao
của Stephen Oppenheimer. Vì sao nó không được đánh giá cao? Vì nó chứa nhiều
thông tin sai về thời gian và hành trình của các cuộc di cư của người hiện đại,
như đã viết trong các bài trước.
Xin lưu ý nhà văn Hà Văn Thùy
thêm rằng, nếu muốn lập thuyết, nên dùng các công trình nghiên cứu gốc
(original papers), chứ không nên dùng sách phổ biến khoa học, cho dù thuộc loại
best-sellers.
3. Đề án đa dạng di truyền người Trung Quốc
nói gì?
Như đã viết, rất dễ truy xuất bài
báo gốc trên PNAS mà Hà Văn Thùy nói là đã dùng làm tài liệu khoa học cho giả
thuyết thứ hai, giả thuyết người Việt khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước.
(Trên Văn Nghệ, 12-7-2008, tác giả khẳng định lại, “Tôi nói: 40.000 năm trước,
người Việt lên khai thác toàn bộ đất Trung Hoa rồi từ đây đi lên Siberia, vượt
eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Thông
tin này tôi nhận được từ công trình Đa dạng di truyền người Trung Quốc (Chinese
human genome diversity project) công bố ngày 29-9-1998 trên tạp chí Biên bản Viện
Hàn lâm khoa học Mỹ (PNAS)”. Vinh quang thay cho nòi giống Lạc Hồng!).
Xin bạn đọc hãy truy cập bài báo
gốc Genetic relationship of populations in China tại địa chỉ
www.pnas.org/content/95/20/11763.full.pdf+html để biết đâu là sự thật. Với bạn
đọc không biết tiếng Anh hay thiếu kiến thức cần thiết về di truyền học, tôi rất
buồn khi phải thông báo rằng, trong công trình của Chu và 13 đồng tác giả khác
(trong bài trước tôi đếm nhầm số tác giả, nay xin cải chính lại; thành thực xin
lỗi bạn đọc vì thiếu cẩn thận), không hề có một chữ nào nói tới người Việt, địa
danh Việt Nam hay niên đại 40.000 năm cả. Xin nhắc lại: không có lấy một chữ!
Đó chính là sự thật ít ai ngờ mà tôi muốn chuyển tải tới bạn đọc xa gần. Đó có
phải là sự ngụy tạo tài liệu khoa học hay không? Câu trả lời xin nhường cho bạn
đọc.
Cho dù không có cứ liệu khoa học,
nhưng biết đâu Hà Văn Thùy trực cảm đúng thì sao? Chúng ta đều biết, ngoài
logic thì bộ não còn một chiến lược hoạt động nữa là trực giác. Vậy khoa học
nói gì về thời gian và địa điểm đến Trung Quốc lần đầu tiên của người hiện đại?
Theo Rob DeSalle, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm các hệ thống phân tử, trưởng
ban Động vật có xương sống, và Ian Tattersall, trưởng ban Nhân học tại Bảo tàng
lịch sử tự nhiên Mỹ, “phân tích 20.000 nhiễm sắc thể Y từ 58 dân tộc sống tại
Trung Hoa, các nhà khoa học thấy rằng Homo sapiens tới Trung Quốc từ 30.000 năm
trước, và Vân Nam và Quảng Tây là nơi đầu tiên nhìn thấy sự lan tỏa của họ” (De
Salle & Tattersall, Human origins: What bones and genomes tell us about
ourselves (Nguồn gốc loài người: Xương
và bộ gien kể cho chúng ta điều gì về bản thân), Texas A&M University
Press, 2008, trang 152).
Như vậy giả thuyết thứ hai của Hà
Văn Thùy (người Việt lên khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước) cũng chung số
phận với giả thuyết thứ nhất. Đó là giả định hoàn toàn sai so với sự thật khách
quan.
4. Người Việt thuộc chủng nào, Mongoloid hay
Australoid?
Như đã viết ở trên, toàn bộ nhân
loại ngoài châu Phi xuất phát từ một nhóm nhỏ chỉ khoảng 150 người trong tổng số
khoảng 5000 Homo sapiens tại thời điểm 60.000 năm trước. Khá hiển nhiên là 150
người này có hình thái và màu da giống nhau. Ngày nay chúng ta thấy nhân loại
được chia thành nhiều chủng tộc, với các đặc trưng hình thái và màu da có thể
khác nhau. Vậy các chủng tộc xuất hiện khi nào và chúng được phân loại ra sao?
Carl von Linne (sau Latin hóa
thành Linnaeus), nhà thực vật học Thụy Điển thế kỉ XVIII, là người đầu tiên đưa
ra hệ thống phân loại cho mọi loài sinh học trên thế giới. Trong quá trình đặt
tên cho hơn 12.000 loài, ông chọn cái tên Homo sapiens (“người khôn”) cho chúng
ta. Thêm nữa, khi nhìn ra toàn nhân loại trên thế giới, ông thấy dường như họ
phân thành các nhóm khác nhau căn cứ theo biểu hiện bên ngoài. Vì thế Linnaeus
phân loại loài người thành 5 nhóm chủng tộc: afer, hay người châu Phi;
americanus, người châu Mỹ; asiaticus, người châu Á; europaeus, người châu Âu;
và montrosus, gồm tất cả những chủng người mà ông không thích, kể cả những chủng
không có thật.
Cách phân loại này khá giống những
phân loại được dùng đến tận 20 năm trước. Chẳng hạn giữa những năm 1960,
Carleton Coon, nhà nhân chủng Mỹ nổi tiếng ủng hộ Giả thuyết tiến hóa trên nhiều
vùng về nguồn gốc loài người, xuất bản cuốn Nguồn gốc chủng tộc, được xem là cuốn
sách gối đầu giường của các sinh viên chuyên ngành. Trong đó Coon dùng chính
cách phân loại của Linnaeus, với các chủng tộc Caucasoid (tương đương europaeus
của Linnaeus), Negroid (afer) và Mongoloid (kết hợp asiaticus và americanus),
cũng như thêm hai chủng tộc mới: Capoid (người Khoisan phía nam Cape châu Phi)
và Australoid (thổ dân Australia và New Guinea).
Năm 2002, nhà nhân chủng nổi tiếng
Neil Rich tại Đại học California, San Francisco, đưa ra cách phân loại mới dựa
theo địa lý như sau: 1) Người Phi, gồm cả người châu Mỹ gốc Phi; 2) Người Âu,
là người phía tây lục địa Á - Âu (châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và tiểu lục địa Ấn
Độ (Ấn Độ và Pakistan); 3) Người Á, là người phía Đông lục địa Á - Âu (Trung Quốc,
Nhật Bản, Đông Dương, Philippines và Siberia); 4) Người quần đảo Thái Bình
Dương, gồm thổ dân Úc và người New Guines, Melanesia và Micronesia; và 5) Người
Mỹ bản địa, kể cả tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ (Neil Rich, et al, Categorization of
humans in biomedical research: genes, races and disease, genomebiology.com/2002/3/7/comment/2007).
Liên quan với quan điểm căn bản
thứ ba của Hà Văn Thùy là hai nhóm chủng tộc Mongoloid và Australoid. Họ là ai
và họ xuất hiện khi nào? (Chính xác hơn, khi nào một nhánh Homo sapiens được
xem là Mongoloid hay Australoid?).
“Biểu hiện thể chất của người bản
địa Australia được định danh là người australoid, theo nghĩa họ có nước da đen,
tóc xoăn hay lượn sóng, cơ thể thon và răng lớn”. Đồng thời “vì sự cô lập tương
đối, người autraloid có thể gần gũi với người di cư đầu tiên hơn tất cả những
người đang sống khác. Nhưng họ không thể đại diện chính xác cho người hiện đại
rời khỏi châu Phi đầu tiên vì họ gồm cả những người đến muộn hơn, như người
Polynesia, và họ cũng tự thay đổi nhiều qua chuyển dịch di truyền (genetic
shift)” (Wade N, Before the dawn: Recovering the lost history của our ancestors
(Trước bình minh: Khám phá lịch sử đã mất của tổ tiên chúng ta), The Penguin
Press, N.Y., 2006, trang 86).
Xin lưu ý thêm, thổ dân Úc không
phải là người duy nhất đánh dấu cuộc di cư nguyên thủy. Dọc con đường ngược về
châu Phi, trên đảo xa hay tại các địa điểm xa nơi sẽ bị những kẻ đến muộn hơn
xâm chiếm, tồn tại nhiều bộ lạc phần lớn sống trong rừng, với biểu hiện giống
người di cư nguyên thủy. Họ sống tại Ấn Độ, như người australoid Chenchus và
Koyas tại Andhra Pradesh, cũng như người da đen (Negrito) ở quần đảo Andaman (vịnh
Bengal), Malaysia và Philippines. Nhiều người trong số họ có nước da đen, do di
truyền từ nguồn gốc châu Phi ban đầu.
Đến khoảng 20.000 - 30.000 năm
trước, Homo sapiens ngoài châu Phi có màu da như thế nào? Các nhà khoa học cho
rằng, họ vẫn có nước da đen và các đặc trưng hình thái như người châu Phi
nguyên thủy. “Về cơ bản, tổ tiên 50.000 năm trước của chúng ta có thể rất giống
người Phi hiện nay” (Wells S, Deep ancestry: Inside the genographic project (Tổ
tiên xưa: Bên trong dự án bản đồ gien), National Geographic, Washington D.C.,
2007, bản bìa mềm, trang 155). Và “người hiện đại đầu tiên rời khỏi châu Phi hầu
như chắc chắn có nước da đen, như hậu duệ của họ ở Úc và các nhóm dân cư bản địa
vẫn còn sống dọc theo đường di cư. Vì hộp sọ người hiện đại lúc mới di cư hầu
như giống nhau, có khả năng là sau nhiều ngàn năm, tất cả mọi người, cả bên
ngoài và bên trong châu Phi, đều có nước da đen. Nhưng đến một giai đoạn, dân
cư ở hai nửa đông và tây lục địa Á - Âu phải tiến hóa thành, hay bị những người
có nước da sáng hơn thay thế” (Wade, Sách đã dẫn, trang 111). Đó là những người
sống ở vùng ôn đới, nơi ít ánh sáng hơn vùng nhiệt đới. Vì thế để đủ tia tử ngoại
cho việc sinh tổng hợp vitamin D, nước da của họ phải dần dần sáng hơn nước da đen
nguyên thủy. Và các màu da trắng hay vàng chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng
20.000 năm trước. Quan niệm một ông sống với ba bà, sinh ra ba nhóm chủng tộc
da đen, da trắng và da vàng của Hà Văn Thùy chỉ là sự tư biện chủ quan thuần
túy.
Còn người Mongoloid thì sao? Như
đã viết ở trên, thuật ngữ mongoloid dùng để chỉ kiểu sọ điển hình của người
Đông Á và người da đỏ châu Mỹ. Ngoài ra là hai kiểu răng (kiểu răng Sunda của
người mongoloid phương Nam, như người Đông Nam Á, Polynesia, Úc, Nam Trung Quốc
và người Nhật cổ; và kiểu răng Trung Hoa của người mongoloid phương Bắc, như
người Hán phương Bắc, người Nhật hiện đại và người da đỏ châu Mỹ). Điều đặc biệt
là kiểu sọ mongoloid, dù nay thuộc về nhóm chủng tộc lớn nhất thế giới, cũng chỉ
xuất hiện khoảng 10.000 năm trước, theo các bằng chứng khảo cổ.
Trở lại câu hỏi đã nêu ở đầu mục
4, vậy các chủng tộc hoàn chỉnh xuất hiện khi nào? Đó là câu hỏi khó trả lời.
Tuy nhiên theo các nhà cổ nhân chủng học, nhiều khả năng sự kiện quan trọng đó
xẩy ra cuối kỷ băng hà cực đại, khi người da sáng xứ ôn đới bị các khối băng đẩy
lùi về phía nam. Họ dần thay thế người da đen bản địa. Và tất nhiên hậu duệ của
họ cũng có nước da sáng (trắng hoặc vàng).
Vì thế “phần lớn sọ người hiện đại
ban đầu không có các đặc trưng khác biệt như bất cứ chủng tộc hiện đại nào; và
dường như các chủng tộc hiện nay hình thành chủ yếu trong kỷ Holocene, sau giai
đoạn 12.000 - 10.000 năm trước. Điều đó đặc biệt rõ ràng với vùng Đông Á (trái
tim của các chủng tộc Mongoloid), nhưng cũng đúng với châu Âu (đất mẹ của người
Caucasoid)” (Klein RG, The human career, 2nd edition, University of Chicago
Press, 1999, trang 502; dẫn lại theo Wade, Sđd, trang 122).
Như vậy quan niệm thứ ba của Hà
Văn Thùy (người tiền sử tới nước ta từ 70.000 năm trước gồm hai đại chủng
Mongoloid và Australoid) cũng không đúng với quan niệm hiện hành của ngành nhân
chủng học. Giả định người Mongoloid và người Australoid hòa huyết tạo ra bốn chủng
tộc thuộc nhóm Australoid cũng sai, vì chủng Australoid lâu đời chỉ kém chủng
Negroid (châu Phi bản địa), trong khi Mongoloid là chủng tộc trẻ nhất. Các chủng
tộc xuất hiện muộn hơn làm sao có thể sinh ra các chủng tộc xuất hiện sớm hơn
cho được! Rồi quan niệm người Lạc Việt là người Indonesien thuộc loại hình
Australoid cũng sai sự thật. Người Việt ta đâu có nước da đen và tóc xoăn hay
lượn sóng như người Australoid?
Như vậy cả ba quan niệm căn bản của
Hà Văn Thùy đều không đúng với hiện thực khách quan. Vì thế cũng không nên mất
thời gian khảo sát các quan niệm hay lập luận thứ yếu còn lại.
5. Kết luận:
Như đã trình bày, cả ba quan niệm
chủ yếu của Hà Văn Thùy đều chỉ là những giả định sai sự thật. Chúng không dựa
trên hệ thống kiến thức khoa học cập nhật và chặt chẽ và các bằng chứng đáng
tin cậy, mà chỉ đậm sắc màu tư biện chủ nghĩa. Nguy hiểm hơn, quan niệm căn bản
nhất (người Việt khai phá toàn bộ lục địa Trung Hoa, thậm chí cả châu Mỹ) dường
như được xây dựng dựa trên tài liệu ngụy tạo, theo kiểu “suy bụng ta ra bằng chứng”.
Như thế đã đủ để kiên quyết bác bỏ chúng hay chưa? Câu trả lời lại xin nhường
cho bạn đọc.
TP Hồ Chí Minh, 27-9-2008
https://www.yellowproxy.net/browse.php/bVmVqO6P/Anp3ci1T/_2BT_2Fn/gsA6mdkz/P9Ep2VvO/oRvNKKu3/wQ7Gl9ud/M6Byl2Tc/advWl_2F/KNecEKcs/OcrO0_3D/b29/fnorefer
ĐÔI ĐIỀU BÌNH LUẬN
Sau khi bài viết đăng trên
viet-studies.infor, tôi nhận được điện thư:
“Kính ông chủ nhiệm Trần Hữu Dũng,
Lại một lần nữa phiền ông forward ý kiến của tôi cho ông Đỗ Kiên Cường
Ông Cường kính,
Ở dẫn chứng GENETIC RELATIONSHIP OF POPULATIONS IN CHINA mà ông đưa ra,
tôi tìm thấy: Trong phần Abstract:..."The phylogenic also suggested that
it is more likely that ancestors of the populations currently residing in East
Asia entered from Southeast Asia
Trong phần conclusion...."
The current analysis suggests that the southern populations in East Asia may be
derived from the populations in Southeast Asia that
originally migrated from Afica,possibly via mid Asia."....
...." There for, it is more likely that ancestors of Altaic-speaking
populations originated from an East Asian population that was
originated derived from Southeast Asia."...
Sao lại đưa dao cho người ta thế hả ông Kiên!!!!!! !
Tuấn Lưu, MD
Cali,USA
Thư này chứng tỏ bác sĩ Lưu Tuấn
đã nắm được tinh thần cùa văn bản Y. Chu.
Y. Chu rất
thận trọng, ý tưởng của ông được trình bày theo “lớp lang” như sau:
Trong
phần tóm tắt: “Phát sinh chủng loại cũng gợi ý rằng, nhiều khả năng hơn là
tổ tiên người Đông Á hiện nay đến từ Đông Nam Á”
Ở phần
kết luận:
“Những
phân tích mới đây gợi ý rằng cư dân vùng nam Đông Á có thể bắt nguồn từ cư
dân Đông Nam Á, mà ban đầu cũng từ châu Phi, có thể qua ngả Trung Á”,
Và:
“Rất có thể là, tổ tiên của những người nói tiếng Altaic có nguồn gốc từ
dân cư Đông Á mà những người này đã di cư từ Đông Nam Á tới.”
Như vậy là đã rõ, nhưng có lẽ
cũng cẩn đọc Li Jin, Ranjan Deka, những cộng sự của Y. Chu để tư liệu thêm
phong phú:
Newly Released Study Traces Arrival of First Chinese
September 29, 1998
Nghiên cứu mới
công bố: những dấu vết con người đầu tiên đến Trung Quốc.
WASHINGTON – Các
nhà nghiên cứu phát biểu: Những nghiên cứu di truyền học chỉ ra rằng người hiện
đại đầu tiên đến Trung Quốc 60.000 năm trước, đã hỗ trợ giả thuyết loài người
đầu tiên phát triển ở Châu Phi. Trong một nghiên cứu công bố hôm Thứ ba trên
PNAS, các nhà khoa học nói rằng một phân tích những mẫu gene từ khắp Châu Á gợi
ý rằng loài người có chung một tổ tiên, chính con người hiện đại đầu tiên xuất
hiện ở Châu Phi và sau đó đã lan truyền khắp nơi trên thế giới. "Công trình của chúng tôi cho thấy con
người hiện đại đầu tiên đến Đông Nam Á và sau đó di chuyển lên miền bắc Trung
Quốc," Li Jin, nhà di truyền quần thể thuộc Đại học Texas
tại Houston
nói. "Điều này hỗ trợ các ý tưởng rằng con người hiện đại có nguồn gốc ở
châu Phi."
... Dựa trên nghiên cứu, Jin nói rằng: con người hiện đại đầu tiên di chuyển từ
Trung Á, theo bờ biển Ấn Độ Dương qua Ấn Độ, tới Đông Nam Á. Sau đó,
họ chuyển đến phía nam Trung Quốc. Con cháu của những người Trung Quốc đầu tiên
này sau đó đã di cư đến miền bắc và tây bắc, lan tới miền bắc Trung Quốc,
Siberia và cuối cùng là Châu Mỹ…”
Tư liệu là vậy, việc lý giải tư liệu lại thuộc bản lĩnh
của nhà nghiên cứu:
1. Người hiện đại đến Trung Quốc 60.000 năm trước. Phát
hiện của nhà di truyền được khảo cổ học xác nhận bằng bộ xương Liujiang 68.000
tuổi tìm thấy ở Quảng Tây. Tôi hình dung cuộc di cư diễn ra như sau: Theo lịch
sử khí hậu thì ở thời điểm trên, băng hà rất khốc liệt, bức thành băng giá chặn
phía bắc, nên con người chỉ có thể vượt ranh giới Việt Nam hiện nay
không xa. Phải tới 40.000 năm trước, thời tiết tốt hơn, con người mới từ đây và
từ Đông Dương đi lên phương Bắc. Khoảng 30.000 năm trước, họ vượt eo Bering
sang châu Mỹ. Điều này phù hợp ý kiến của S. Oppenheimer trong “Cuộc du ngoạn
của loài người” cho rằng, khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Á qua Tây
Tạng, sang Trung Á rồi vào châu Âu.
2. Hiểu thế nào phát biểu của Y.
Chu: “Rất có thể là, tổ tiên của những người nói tiếng Altaic có nguồn gốc từ
dân cư Đông Á mà những người này đã di cư từ Đông Nam Á tới.”?
Altaic, Tungusic… sống ở Đông Bắc
Á hiện nay là những người Eurasians. Đó là con cháu của những người 40.000 năm
trước đã từ Đông Dương lên Đông Á rồi qua Tây Tạng, vượt Trung Á vào Châu Âu,
lai với người từ Trung Đông lên, tạo thành tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15.000
năm trước, đi con đường ngược lại, từ châu Âu qua Trung Á, đến cao nguyên Tạng,
họ định xâm nhập Trung Quốc nhưng không thành công vì bị người bản địa ngăn
chặn. Do vậy họ đi lên Bắc Á rồi rẽ sang Đông Bắc châu Á. Khi phân tích gene,
nhóm Y.Chu tìm ra dấu vết này được ghi nhận trong cơ chế di truyền. Nhưng có lẽ
lúc đó chưa giải thích được nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên..
3. Hiểu thế nào về điều Li Jin
nói: “Con người hiện đại đầu tiên di chuyển từ Trung Á, theo bờ
biển Ấn Độ Dương qua Ấn Độ, tới Đông Nam Á. Sau đó họ tới nam Trung Hoa”? (Jin
said it appears that modern humans first moved from central Asia, following the
Indian Ocean coastline across India,
to southeast Asia. Later, they moved to south China.) Như vậy có nghĩa là, con
người đi theo hành trình lắt léo từ châu Phi, vượt Biển Đỏ, vào Trung Đông,
sang Trung Á, rẽ qua đồi núi của Ấn Độ vòng xuống bờ biển rồi theo bờ Ấn Độ
Dương vào Đông Nam Á! Liệu có thực một con đường loanh quanh, thiếu hiệu quả
như vậy? Tôi nghĩ là không, vì thời gian đó băng hà khốc liệt, bức thành băng
giá không cho con người khả năng làm cuộc du hành như vậy. Chỉ 52.000 năm cách
nay, những người dừng lại trên đất Yemen mới vào Trung Đông. Có lẽ
đúng hơn, như con đường Oppenheimer chỉ ra: từ Yemen, họ đã theo ven bờ Ấn Độ
Dương tới Viễn Đông. Đơn giản vì con đường này phẳng hơn và ấm áp hơn.
Câu hỏi đặt ra: tại sao Li Jin
lại chỉ ra con đường bất khả thi như vậy? Câu trả lời: đó là khiếm khuyết, bất
cập, là điểm mù của công nghệ gene! Gene con người hôm nay lưu giữ dấu ấn mê lộ
di cư của loài người, trong đó có việc con người từ Trung Á tới Trung Hoa. Phát
hiện ra dấu vết gene này, nhưng do thiếu kinh nghiệm khảo cổ và cổ nhân học,
nhà di truyền học đã diễn dịch một cách sai lầm. Trong khi Li Jin cho rằng, con
người đã từ Trung Á đi tới Viễn Đông thì Spencer Wells lại kết luận, dòng người
từ Trung Á sang đã làm nên phần lớn dân cư Trung Hoa!
Cách đây không lâu, tôi có đọc ở
đâu đó bằng tiếng Anh rằng: “Giờ đã hết là lúc chơi với những mẩu xương và
những hòn đá. Mọi phát hiện về nhân chủng, nếu không được công nghệ gene kiểm
định sẽ không có giá trị.”. Không khác gì trước đây, người ta từng tuyệt đối
hóa vai trò của khào cổ học rồi ngôn ngữ học, nay lại cho di truyền phân tử là
chiếc gậy thần giải quyết được mọi chuyện của khoa học nhân văn! Câu nói trên
cùng lắm chỉ đúng ở nửa sau. Nhưng không chơi với những mảnh xương, những hòn
đá là dại dột. Những gì tìm được dưới đất là đá thử vàng đối với những phát
hiện di truyền học. Nói cho cùng thì di truyền học phân tử cũng chỉ là một công
cụ có ưu thế cùng khuyết tật như những công cụ nhận thức khác. Nhà di truyền
học tài ba nhất cũng không thay thế được nhà khoa học nhân văn lịch lãm mang
trong mình tri thức sâu xa về văn minh nhân loại. Tôi đồ rằng, những nhà di
truyền học thiếu sự từng trải lịch lãm văn hóa sẽ rất bối rối khi xử lý chính
những dữ liệu mà họ tìm ra từ phòng thí nghiệm. Thái độ tri thức là sử dụng bất
cứ nguồn tư liệu nào để tìm ra chân lý!
Đúng là trên báo Văn nghệ, tôi
viết:
“Tôi nói: 40.000 năm trước, người
Việt lên khai thác toàn bộ đất Trung Hoa rồi từ đây đi lên Siberia,
vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.”
Không hiểu được vì sao ông Cường
bác bỏ điều này? Cả di truyền học và khảo cổ học cùng xác nhận người hiện đại
tới Trung Quốc 60.000 năm trước và có mặt ở Vân Nam, Quảng Tây. Điều này chứng tỏ
họ chỉ có thể từ Việt Nam
đi lên. Tài liệu Y. Chu cũng cho thấy, người từ Trung Quốc vượt eo Bering sang
châu Mỹ khoảng 15 đến 30.000 năm trước. Như vậy, việc nói 40.000 năm trước
người Việt lên khai thác Trung Hoa có gì không phải? Điều này phù hợp với thực
tế là theo đà lên phương Bắc, người từ Việt Nam tiếp cận đất Trung Hoa 60.000
năm trước nhưng do thời tiết khắc nghiệt, họ đã không thể đi xa thêm. Phải tới
40.000 năm trước, do khí hậu tốt hơn, cuộc di cư mới đẩy mạnh, họ chiếm lĩnh
toàn bộ Trung Quốc rồi vượt Siberia.
Đấy là kết luận hoàn toàn chính xác rút ra sau khi xử lý
nhiều nguồn tài liệu mà không chỉ riêng của nhóm Y.Chu.
Một vấn đề khác
cũng cần bàn lại ở đây: sự hình
thành các đại chủng người.
Ông Đỗ Kiên Cường viết:
“Phần
lớn sọ người hiện đại ban đầu không có các đặc trưng khác biệt như bất cứ chủng
tộc hiện đại nào; và dường như các chủng tộc hiện nay hình thành chủ yếu trong
kỷ Holocene, sau giai đoạn 12.000 - 10.000 năm trước. Điều đó đặc biệt rõ ràng
với vùng Đông Á (trái tim của các chủng tộc Mongoloid), nhưng cũng đúng với
châu Âu (đất mẹ của người Caucasoid)” (Klein RG, The human career, 2nd
edition, University of Chicago Press, 1999, trang 502; dẫn lại theo Wade, Sđd,
trang 122).
Và: “Điều đặc biệt là kiểu sọ mongoloid, dù nay
thuộc về nhóm chủng tộc lớn nhất thế giới, cũng chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm
trước, theo các bằng chứng khảo cổ.”
Có đúng như vậy không?
Nếu đúng như ông Cường nói, thì trước thời kỳ Holocene,
tất cả mọi người trên thế gian này chưa phân hóa, đều giống nhau, chỉ là một chủng,
không có sự phân biệt về màu da, sắc tóc cũng như hình thái sọ?!
Thực tế khảo cổ học đã phủ định ý tưởng sai lầm này:
- Sọ cổ nhất
tìm được ở Mungo châu Úc có tuổi 50.000 năm được xác định là một sọ Australoid.
- Bộ xương cổ
nhất tìm được ở Liujiang Trung Quốc, của một người sống cách nay 68.000 năm,
được xác định thuộc chủng Mogoloid.
- Khảo sát sưu tập 76 sọ cổ tìm thấy ở Việt nam từ
thời Đồ Đá tới Đồ Đồng, khoảng 32.000 đến 4.000 năm trước, giáo sư Nguyễn Đình
Khoa cùng các tác giả khác định loại họ thuộc 4 chủng Indoniesian, Melanesian,
Vedoid và Negritoid. Ông nhận định: “Thời đại Đá mới, dân cư trên lãnh thổ Việt
Nam thuộc hai đại chủng Ôxtralôit và Môngôlôit cùng với các loại hình hỗn chủng
giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Anhđônêdiêng và Mêlanêdiêng là hai thành
phần chủ yếu.” và “Sang thời đại Đồng-sắt, người Mômgôlôit đã là thành phần chủ
thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Ôxtralôit mất dần đi trên đất nước này,
hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hóa.” (Nhân chủng học Đông Nam Á, trang 106)
- Tại châu Âu, khảo cổ học cũng phát hiện được xuơng
của đại chủng Europid từ 40.000 năm trước
Những tư liệu trên nói rằng, ít nhất là từ 60.000 năm
trước, trên thế giới đã hình thành 3 dạng người với những đặc tính di truyền
khác nhau: Australoid, Mongoloid và Europid
Sự việc không dừng ở đó. Tôi cho rằng, các đại chủng
người được hình thành xưa hơn, tại Đông Phi, khoảng 160.000 năm trước.
Có thể một kịch
bản hình thành các đại chủng người như sau:
160.000 năm trước,
trong những quần thể Người Đứng thẳng (Homo erectus) tại Đông Phi, xin nhớ
rằng, những quần thể này không đồng nhất di truyền mà có thể khác nhau ít nhất
ở mức độ chủng (genus), xảy ra đột biến làm nảy sinh loài Người Khôn ngoan (Homo
sapiens). Có thể nhiều cá thể ra đời nhưng chỉ có 1 người đàn ông và 3 đàn bà
trong những quần thể khác nhau sống sót tới tuổi trưởng thành. Điều này tuy còn
tranh cãi, nhưng nhà nghiên cứu Tishkoff thuộc Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng: “Gần như chắc chắn
không phải chỉ có một Adam hay Eve. Mỗi một trong số gene của chúng ta có lịch
sử của riêng mình, mà có thể di chuyển qua những tổ tiên khác nhau. Có khả năng
hơn là một marker có thể được truy tìm trở lại với một dân số 50, 100, hoặc
thậm chí vài nghìn người." (Xem: Bình luận về tài liệu Spencer Wells)
Đó là các vị tổ đầu tiên của người hiện đại với
độ đa dạng sinh học cao nhất. Do lẽ huyền vi của tạo hóa, người đàn ông duy
nhất này đã gặp gỡ lần lượt 3 người đàn bà và cho ra 3 dòng con. Do gián cách về
địa lý, 3 dòng H. sapiens đầu tiên phát triển độc lập thành những dòng thuần,
mang đặc điểm di truyền cao nhất của dòng mình. Tất cả đều có nước da đen, có
thể khác nhau ở độ cao, thấp, tóc xoăn hay tóc thẳng. Không ai biết rằng, dưới
màu da chung ấy, trong cơ thể mỗi dòng người đã được ký thác mã di truyền
riêng, một thứ dấu ấn định mệnh riêng dành cho họ cùng con cháu họ.
Với thời gian, không gian sống của từng dòng được mở
rộng, giữa họ xảy ra hòa huyết ở phần ngoại biên. Tuy nhiên, tại trung tâm của từng
dòng, nguồn gene thuần vẫn được bảo tồn, mang đặc tính của 3 đại chủng. Như
vậy, các đại chủng hình thành từ rất sớm, tại đất tổ châu Phi. Giả thuyết này
phù hợp ý kiến của Richard Klein, một nhà cổ nhân học tại Trường Đại học
Stanford: “Homo sapiens có thể đã có đặc tính giải phẫu hiện đại từ 150.000 năm
trước.”(Xem: Thảo luận về tài liệu Spencer Wells)
H. sapiens cũng có những cuộc di cư trong nội bộ châu
Phi, dường như là những cuộc tập dượt cho cuộc di cư quy mô hơn. Cuộc di cư
thất bại 135.000 năm trước đã tiêu hao của quần thể quá nhiều năng lực. Thời
điểm 85.000 năm trước, số lượng H. sapiens, có thể đã lên khoảng vài triệu. Tôi
cho rằng, phải có số cá thể như vậy mới đủ năng lực làm một cuộc di cư. Con số
này tôi phỏng đoán theo tính toán của Oppenheimer là có khoảng 10.000 vào
160.000 năm trước. Số lượng 150 cá thể như ông Cường dẫn không thể đảm bảo sự
sống còn cho quần thể tại chỗ chứ chưa tính tới những nguy hiểm lớn trên đường
di cư. Do sự thúc đẩy của một động cơ nào đó, từng nhóm nhỏ đã vượt Biển Đỏ
sang đất Yemen, đi tiếp tới Viễn Đông rồi chiến lĩnh Trái đất. Chính những điều
kiện môi trường của nơi sống mới như khí hậu lạnh, ít nắng… khiến từng nhóm
phải thích nghi để sinh tồn. Trong hoàn cảnh như vậy, những đặc điểm ngoại hình (fenotype) của từng
đại chủng được bộc lộ và chúng ta có những đại chủng người như hôm nay. Như
vậy, không phải điều kiện môi trường làm
phát sinh những đại chủng mà là, trong môi trường cụ thể, những tính trạng vốn
ẩn dấu trong cơ thể có điều kiện bộc lộ thành hình thể bề ngoài của 3 đại
chủng.
Ba đại chủng hình thành dồng thời, không có chuyện
Mongoloid ra dời muộn hơn như ông Cường dẫn lời ai đó.
Tôi nghi ngờ điều
này:
“Điều đặc biệt là kiểu sọ mongoloid, dù nay thuộc về nhóm chủng tộc lớn
nhất thế giới, cũng chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước, theo các bằng chứng
khảo cổ.”
Những bằng chứng khảo cổ học về người Liujiang
68.000 tuổi, một người thuộc chủng Mongoloid dẫn trên cho thấy, ít nhất vào lúc
đó người Mongoloid đã có mặt trên Trái đất. Sưu tập 76 sọ cổ ở Việt Nam chứng tỏ
rằng, người Mongoloid hiện diện. từ rất sớm ở Việt Nam và là một thành phần để tạo
thành 4 chủng người Việt cổ. Như vậy, nói các chủng người chỉ xuất hiện cách
nay 10.000 năm là không phù hợp thực tế.
Tuy nhiên cũng cần nói cho rõ: 10.000 năm trước, Mongoloid chưa hề lớn
nhất thế giới.
Nhiều lần tôi đã trình bày,
khoảng thiên niên kỷ IV TCN, Đông Á là giang sơn của nhóm loại hình Australoid,
chiếm trên 60% toàn thể loài người (1). Khảo cổ học cho thấy, toàn bộ sọ cổ
suốt thời Đồ Đá trên địa bàn Đông Nam Á là của Australoid, có nghĩa là suốt
thời kỳ này, ở đây không có Mongoloid. Thực tế là gen Mongoloid chỉ có mặt ở
đây thời gian đầu, sau đó hòa huyết với Australoid và bị lặn dưới sự lấn át của
Australoid. Ngay cả Indonesian có vẻ Mongoloid hơn cả cũng không là Mongoloid
điển hình!
Vậy Mongoloid đi đâu?
Từ Đông Dương, theo con đường
phía tây họ lên tây bắc Trung Quốc (bộ xương Liujiang là bằng chứng). Tại đây Mongoloid
trở thành tổ tiên của chủng Mongoloid phương Bắc. Nhưng cho tới thiên niên kỷ
IV TCN, họ chỉ là những bộ lạc thiểu số sống du mục ở tây bắc Trung Quốc. Khoảng
5000 năm TCN, có sự gặp gỡ của họ với người Australoid, tạo nên chủng mới
Mongoloid phương Nam, chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều, cũng chỉ là bộ phận
nhỏ trong biển cả Australoid.
Chỉ đến khoảng 2600 năm TCN, khi người
Mông Cổ phương Bắc vượt Hoàng Hà vào chiếm Trung Nguyên, thúc đẩy cuộc di cư
của người Bách Việt khỏi lưu vực Hoàng Hà, đã đưa người Mongoloid phương Nam ra
khắp địa bàn Đông Á. Và điều kỳ diệu xảy ra: gen Mongoloid vốn bị lặn trong
cộng đồng Australoid, lúc này được bổ sung bằng máu huyết của người Mongoloid
phương Nam, đã tăng nhanh số lượng. Mặt khác, sau khi vượt Hoàng Hà, người
Mongoloid phương Bắc hòa huyết với người Bách Việt tại chỗ sinh ra lớp người
Mongoloid phương Nam mới, là người Hoa Hạ, tổ tiên của người Hán. Trong khoảng
400 năm, cho tới đầu thiên niên kỷ II TCN, đại bộ phận dân số Đông Á trở thành
Mongoloid phương Nam.
Nhưng thời gian đó người Mongoloid
phương Nam
cũng không như ngày nay chúng ta thấy. Phần lớn họ có nước da đen của nguồn cội
châu Phi. Cho tới 2500 năm trước, đen vẫn là màu da phổ biến của dân cư Trung
Quốc. Xin đọc tiếp bài Li jin ở trên: “…Một câu thơ Nhật viết rằng: "Để
một Samurai trở nên can đảm, chàng phải có một chút máu đen." Một câu thơ
khác: "Phải có nửa phần máu đen trong huyết quản, anh mới thành một
Samurai cừ khôi." Sakanouye Tamura Maro, một người da đen, đã trở thành
tướng quân đầu tiên của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, sự hiện diện của gốc Phi được
nhìn nhận từ xa xưa. Thí dụ, Thương, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, được
mô tả như có nước da “đen và bóng”." Triết gia nổi tiếng Trung Quốc Lão Tử
được biết với da đen."
Như vậy, không phải là các đại
chủng hình thành từ 10.000 năm trước. Và chủng lớn nhất thế giới chỉ được ra
đời vào nửa cuối thiên niên kỷ II TCN, cũng không phải là Mongoloid ban đầu khi
tới châu Á.
Xin đọc:
1. Hà Văn Thùy: Hành
trình tìm lại cội nguồn. Văn học, 2008