Về sọ người 63.000 năm tuổi tìm thấy ở Lào



Người bạn gửi cho tôi link bài viết trên Vnexpress, nhan đề “Sọ người ở Lào thay đổi lịch sử Đông Nam Á” của tác giả Minh Long. (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/so-nguoi-o-lao-thay-doi-lich-su-dong-nam-a-2240750.html) Đọc dòng chữ “Phát hiện cũng cho thấy người tiền sử không hề di chuyển dọc theo bờ biển châu Á trong quá trình di cư từ châu Phi tới Australia – một giả thuyết được nhiều nhà nhân chủng ủng hộ. Thay vào đó, tổ tiên của người Đông Nam Á đã vượt qua những địa hình hiểm trở để tiến vào đất liền,” tôi sinh nghi, buộc phải tìm đọc nguyên văn trên AFP. Dễ dàng tìm được: Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia (Sọ Lào, hóa thạch sớm nhất của người hiện đại ở Đông Nam Á) http://www.news.illinois.edu/news/12/0820skull_LauraShackelford.html
Sọ cổ ở Lào

Trong bài viết của mình, nhà nhân chủng học Laura Shackelford, Giáo sư Đại học Mỹ Illinois cho biết, năm 2009, nhóm của bà phát hiện một sọ người hóa thạch tại hang Tam Pa Ling (hang Khỉ) trên dãy Trường Sơn thuộc Bắc Lào. Qua quá trình khảo sát tới năm 2012, đưa ra kết luận:
-      Đó là sọ người hiện đại Homo sapiens có tuổi từ 46.000 đến 63.000 năm, sớm hơn những cốt sọ tìm thấy ở Đông Nam Á 20.000 năm.
-      Phát hiện này viết lại lịch sử di cư của con người tới Đông Nam Á.
Dò tìm câu văn gây hoài nghi cho mình, tôi gặp: The find reveals that early modern human migrants did not simply follow the coast and go south to the islands of Southeast Asia and Australia, as some researchers have suggested, but that they also traveled north into very different types of terrain, Shackelford said. Dịch chính xác phải như sau: “Phát hiện cho thấy người di cư không chỉ đơn thuần đi theo bờ biển về phía nam tới các đảo Đông Nam Á và Úc, như một số nhà nghiên cứu đã gợi ý, mà họ cũng đi về hướng bắc, nơi có địa hình rất khác, Shackelford nói.”
Nghĩa câu văn này rất rõ ràng. Tiếc là tác giả bài báo đã dịch sai, không chỉ khiến cho ý nghĩa của câu văn thay đổi mà còn đưa tới nhận định rất sai về mặt khoa học. Một thí dụ điển hình của thành ngữ: dịch là phản!
Câu trên cũng cho thấy, Giáo sư Shackelford chưa hiểu đúng công bố của các nhà di truyền học từ đầu thế kỷ như J.Y. Chu, Stephen Oppenheimer bởi các vị này đã nói rõ: người tiền sử từ châu Phi tới Việt Nam, sau đó từ Việt Nam đi sang Ấn Độ, lên Trung Hoa rồi vượt eo Beringa chiếm lĩnh châu Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện các nhà nghiên cứu cho rằng người di cư chỉ đi theo con đường phía Nam.
Hang Khỉ (Tam Pa Ling)
 Về sự kiện “sọ Lào”, xin được trình bày như sau:
Trước hết, cần hiểu đúng về thuật ngữ Đông Nam Á. Ngày nay, Đông Nam Á là 10 nước thuộc khối ASEAN nhưng vào Thời Băng Hà, từ đặc điểm địa lý, khí hậu, phân bố động, thực vật, địa giới ĐNA lên tới phía Nam Dương Tử. Năm 1958, tại làng Liujiang tỉnh Quảng Tây, phát hiện cốt sọ người cổ. Sau nhiều năm khảo cứu, giới khoa học thống nhất, đó là sọ một người Mongoloid 68.000 năm tuổi. Khảo cổ học cũng phát hiện tại hồ Mungo nước Úc một sọ người Australoid 68000 năm. Hai cốt sọ đã chứng minh cho khám phá của di truyền học về con đường thiên di của con người từ châu Phi sang phương Đông: 85000 năm trước, dòng di cư rời châu Phi, theo ven biển Ấn Độ rồi vượt biển tới Mã Lai, Indonesia.  70.000 năm cách nay, trong khi dòng người tiếp tục theo các đảo Đông Nam Á, tới châu Úc thì từ phía Tây Borneo, một hướng di cư gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid đi lên phía Bắc, vào thềm Biển Đông. Tại đồng bằng rộng lớn này, trong khi đa số họ gặp nhau, hòa huyết cho ra người Việt cổ thì có những nhóm Mongoloid riêng rẽ đi lên Tây Bắc Đông dương rồi do bị băng hà ngăn chặn, họ dừng lại. Lưu Giang chỉ cách biên giới nước ta hơn 100 km nên có lẽ sọ Lưu Giang thuộc  đợt di cư sớm này. Phải tới 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm hơn, họ đi lên Tây Tạng và đất Mông Cổ, sau thành người North Mongoloid. Trong khi đó, từ hơn 60.000 năm trước, cũng có những nhóm người Australoid riêng rẽ từ Việt Nam băng qua Trường Sơn sang Lào, qua Miến Điện vào Ấn Độ. Có phần chắc, “sọ Lào” là dấu vết của đợt di cư này.
Một sự kiện đáng chú ý là, trên đường thiên di, người di cư đã vào Ấn Độ trước. Nhưng 74000 năm cách nay, núi lửa Toba trên đất Indonesia phun trào, nham thạch phủ dầy tiểu lục địa Ấn, tàn phá môi sinh, tiêu diệt khoảng 10.000 người. Tiếp theo là mùa đông nguyên tử kéo dài hơn nghìn năm. Thời gian rất dài đất Ấn Độ vắng bóng người. Mãi sau đó, người từ khu vực xung quanh mới lần lượt xâm nhập trở lại. Khoảng hơn 60000 năm trước, một số ít người Australoid (nguyên châu Phi) từ Việt Nam đi sang phía tây, chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân cư bản địa đầu tiên của xứ này. Khoảng 50.000 năm trước, người Việt cổ chủng Indonesian từ Việt Nam di cư sang đất Ấn. Hòa huyết với nhau, hai dòng người sinh ra người Dravidian, chủ thể của dân cư Ấn cho tới 2000 năm TCN.
Các tài liệu di truyền học nói về con đường di cư như trên của con người tới Việt Nam và Đông Á. Vì vậy việc chưa tìm thấy di cốt người cổ ở Lào, Mianmar là điều bất thường trong suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi cho rằng, do số người di cư quá ít nên di cốt của họ cũng hiếm. Việc phát hiện sọ người Homo sapiens 63000 tuổi ở Lào đã chứng tỏ những khám phá mang tính tiên tri của di truyền học là hoàn toàn chính xác.
  Phát hiện di cốt người 63000 năm trước ở Lào rất có ý nghĩa vì nó tô đậm bản đồ khảo cổ Đông Nam Á. Nó cũng chứng minh sự đúng đắn của những khảo sát di truyền học trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên sự kiện này không hề “viết lại lịch sử di dân tới Đông Nam Á” như tác giả Laura Shackelford quá lời mà nó chỉ xác nhận những khám phá từ đầu thế kỷ XXI của các nhà di truyền học. Và nó càng chứng minh rằng Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc Đông Á.
                                                                     26. 8 2015