“NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”* VÀ THỰC TRẠNG HỌC THUẬT VIỆT NAM


Sau khi nắm quyền, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ trương xây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia độc lập với phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Là những người macxit, từ các lãnh tụ như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng tới các học giả của nhà nước đều theo quan niệm duy vật lịch sử. Trụ cột của quan niệm này là vai trò quyết định của yếu tố nội tại đến sự phát triển của dân tộc: văn hóa Việt Nam tuy có tiếp thu nhân tố bên ngoài nhưng về bản chất vẫn là văn hóa bản địa, do chính người dân từng sống trên đất Việt Nam trong quá khứ làm nên. Mặt khác, cũng do trải nghiệm những tiêu cực của thuyết thiên di-du nhập, những người đề xướng nền học thuật mới dị ứng gay gắt chủ trương này, coi đó là sản phẩm của thực dân, tư sản phản động. Vào thập niên 1970, với ý chí chính trị của cả hệ thống, nhà nước Việt Nam đã tập trung khám phá văn hóa Đông Sơn để từ đó khẳng định thời Hùng vương trong lịch sử dân tộc. Từ sau toàn thắng năm 1975, khi tổng kết thành tựu xây dựng đất nước, các báo cáo chính thức đều khẳng định hai thành tựu trên của học thuật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, từ thập niên 90 thế kỷ trước, xuất hiện nhiều ý kiến của học giả trong và ngoài nước phản biện những đánh giá trên, phủ nhận thời Hùng Vương trong lịch sử Việt và cho rằng, học thuật Việt Nam tuân theo mục tiêu chính trị, mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan, duy ý chí. Vấn đề cần làm hôm nay là nghiêm túc đánh giá một cách khách quan, khoa học xem quan niệm phát triển nội tại của lịch sử văn hóa Việt Nam có phù hợp với thực tế? Muốn làm việc này, điều tiên quyết là phải xác định xem dân cư trên đất Việt Nam thời tiền sử là người bản địa hay nhập cư? Chứng cứ trực tiếp và vững chắc nhất để xác định chuyện này là khảo di cốt người cổ từng sống trên đất Việt Nam. Năm 1983, từ giám định một cách hệ thống và chính xác sưu tập 38 cốt sọ thời Đá Mới và 32 cốt sọ thời Đồng-Sắt được tìm thấy ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa trong sách Nhân Chủng Học Đông Nam Á (1) nhận định: - Vào thời đại Đá Mới, cư dân trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu. - Sang thời Đồng- Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hóa (trang 106) Như vậy, dân cư trên đất Việt Nam suốt thời Đồ Đá, từ Con Moong, Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn tới Phùng Nguyên là người bản địa, loại hình Australoid, thống nhất và liên tục. Cũng do dân cư bản địa, thống nhất và liên tục cho nên các văn hóa trên đất Việt Nam cũng là văn hóa bản địa. Từ đó, đưa tới kết luận: cả dân cư và văn hóa trên đất Việt từ xa xưa tới cuối thời Phùng Nguyên là dân cư và văn hóa bản địa! Giờ ta bàn tới nhận định thứ hai: sang thời Đồng-Sắt, người Mongoloid là thành phần chủ thể. Điều này là rõ ràng qua các cốt sọ. Nhưng vấn đề là, họ từ đâu tới và do nhập cư hay do đồng hóa? Đó là câu hỏi mà khoa học thế kỷ XX không có câu trả lời! May mắn là sang thế kỷ này, với hàng loạt nghiên cứu di truyền học được công bố, cho thấy: người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam 70000 năm trước. Sau khi gặp gỡ, hòa huyết tăng nhân số, họ đã tỏa ra khắp châu Á và từ 40.000 năm trước đã chiếm lĩnh đất Trung Hoa. Bằng khảo cứu của mình, được công bố trong ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn Học, 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008) và Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn Học, 2011) và hàng trăm bài viết, chúng tôi đã chứng minh rằng, 5000 năm TCN, tại trung lưu Hoàng Hà, người Việt (Australoid) lai giống với người Mông Cổ (North Mongoloid) sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam, là chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều. Khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN, người Việt vùng Núi Thái-Sông Nguồn di cư về Việt Nam, đem nguồn gen Mongoloid hòa huyết với người Phùng Nguyên mã di truyền Australoid, sinh ra người Mongoloid phương Nam, chủ nhân văn hóa Đông Sơn và là tổ tiên người Việt Nam hiện đại. (2) Để trả lời câu hỏi: dân cư Đông Sơn hình thành do nhập cư hay do đồng hóa, ta xét những sự kiện sau: Chứng cứ khảo cổ học cho thấy, quá trình hình thành chủng Mongoloid phương Nam trên đất Việt kéo dài khoảng nửa thiên niên kỷ, hoàn tất vào khoảng 2000 năm TCN. Dấu vết của việc chung sống, hòa huyết còn để lại rất rõ trong văn hóa Hạ Long, đặc biệt ở di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình với ngôi mộ có 30 thi hài người Australoid và Mongoloid được chôn chung. Điều này chứng tỏ, không có sự xâm nhập lớn với mục đích tiêu diệt hay trục xuất người bản địa để độc chiếm địa bàn mà là sự chung sống hòa bình. Từ đó, cuộc hòa huyết trong thời gian dài dẫn tới chuyển hóa dân cư về di truyền học. Một chứng cứ khác cũng xác nhận điều này. Đó là nghiên cứu của S. W. Ballinger và đồng nghiệp (3) cho thấy, Người Việt Nam hiện đại có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các dân cư châu Á. Chỉ số đa dạng di truyền là một phẩm tính của sinh vật. Càng gần tổ tiên, chỉ số đa dạng di truyền càng cao. Việc người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á nói lên rằng, người Việt Nam gần tổ tiên hơn bất cứ dân tộc châu Á nào. Điều này có nghĩa, Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á. Một hệ quả khác là nó chứng tỏ không hề có cuộc nhập cư lớn, ồ ạt người từ phương Bắc để thay thế cư dân Phùng Nguyên. Bởi lẽ, nếu sự nhập cư mang tính thay thế xảy ra thì người Việt Nam hiện nay, là con cháu những người nhập cư, buộc phải có chỉ số đa dạng di truyền thấp hơn người Trung Quốc hiện đại! Phát hiện của Ballinger là chứng cứ cho thấy: người từ Trung Quốc xuống với số lượng đủ để chuyển hóa dân cư Phùng Nguyên sang Mongoloid phương Nam nhưng không lớn tới mức làm giảm chỉ số đa dạng di truyền dân cư Đông Sơn xuống thấp hơn hay bằng dân cư Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, người Phùng Nguyên không bị thay thế bằng người nhập cư phương Bắc! Từ phân tích trên, ta có quyền khẳng định: dân cư Đông Sơn vẫn là người bản địa! Bây giờ xét về mặt văn hóa: văn hóa Đông Sơn là văn hóa bản địa hay du nhập? Đây là điều phức tạp vì việc giám định niên đại các nền văn hóa còn bị tranh cãi. Nhưng ta biết rằng, người Hòa Bình đã đưa công cụ đá mới lên văn hóa Ngưỡng Thiều. Khảo cổ học cho biết, việc nấu đồng xuất hiện ở Phùng Nguyên trước lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Phần lớn hiện vật Đông Sơn như rìu, búa, thạp đồng, đồ gốm… là sự tiếp tục các motip văn hóa Phùng Nguyên. Như vậy, văn hóa Đông sơn cũng là văn hóa bản địa. Khi con người chủ thể là người bản địa thì đương nhiên văn hóa do họ tạo dựng cũng là văn hóa bản địa. Người nhập cư phương Bắc chắc chắn đã góp sự khôn ngoan của mình vào sự khôn ngoan chung của người Việt Nam. Có thể thấy điều này qua Ngọc phả Hùng Vương: “Những người từ biển vào, họ rất hiền lành, giúp dân nhiều việc tốt. Dân đã chọn người giỏi nhất trong số họ làm vua!” Đó là sự thật. Nhưng cho rằng người phương Bắc nhập cảng văn hóa tạo nên thời Đông Sơn là không có cơ sở! Như vậy có thể kết luận: suốt thời tiền sử, từ thời Đồ Đá tới thời Kim khí, con người và văn hóa trên đất Việt Nam đều là bản địa. Kết luận trên cho thấy, dù bị gọi là “phục vụ chính trị”, mang tinh thần “chủ nghĩa dân tộc” hay “duy ý chí” thì việc xác định cái nền bản địa của con người và văn hóa Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Và đó chính là thành tựu cơ bản của khoa học nhân văn Việt Nam thế kỷ XX. Tới đây, một câu hỏi cần được trả lời một cách công bằng và khoa học: vì sao những người chủ trương phát triển nội tại đã đúng? Nếu cho rằng do họ mù quáng theo thuyết macxít nên may mắn đúng thì quá đơn giản! Theo chúng tôi, chính bởi lẽ họ là người Việt Nam yêu nước, có tư duy độc lập. Từ trong tâm cảm họ đã nhận ra người Việt có một nguồn cội sâu xa và văn hóa Việt từ nguồn cội ấy phát triển lên. Từ nhận thức như thế, chúng tôi thật ngạc nhiên khi đọc Nguồn Gốc Người Việt-Người Mường của ông Tạ Đức. Trong đó, theo quan niệm thiên di-du nhập, tiếp tục những sai lầm của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc, tác giả cho rằng, cả con người cùng văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều là sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc. Về chuyện này chúng tôi đã phản bác bằng bài viết Một Kiến Giải Sai Về Nguồn Gốc Dân Tộc. Thiết tưởng không còn gì để nói nếu trong sách không in kèm hai bài viết, một là Lời Giới Thiệu của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan và Nhận Xét 2 của Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám dốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Sau khi đánh giá cao khối tư liệu đồ sộ của cuốn sách “hứa hẹn sẽ khuấy lên những cuộc tranh cãi, nhằm góp phần đánh thức tình trạng như có vẻ ly bì, mệt mỏi, bế tắc của nền học thuật nhân văn nước nhà,” phải chăng vì không thể phân biệt chân ngụy, vị tiến sĩ, như người khách qua đường, vô tư bỏ đi mà không hề bộc lộ chính kiến?! Đáng chú ý là bài viết của sử gia họ Lê: “Khi trao tay bản thảo cuốn sách này, Tạ Đức đã hẹn và tôi đã nhận: đọc xong trong một tuần! Nhưng một tuần, rồi gấp đôi thế, tôi vẫn chưa thể đọc xong. Bởi quá nhiều vấn đề. Lại toàn là những “chuyện tày đình” cả! Tuy nhiên thật mừng là khá lâu rồi, bây giờ mới thấy có người đủ sức, đặc biệt là đủ gan để làm những chuyện này. Cái gan đầu tiên, chính là việc không những chê, mà còn gỡ bỏ, điều mà tác giả gọi là “vòng kim cô” của những học thuyết một thời chính thống về sự phát triển bản địa tuyệt đối (liên quan đến các vấn đề tự lực tự cường, độc lập tự chủ…) của dân tộc, về sự coi nhẹ, thậm chí phủ nhận, các tác động và ảnh hưởng quyết định ngoại lai, đặc biệt là các cuộc và kiểu thiên di (liên quan đến sự nghiệp chống ngoại xâm, chống can thiệp từ bên ngoài…) của lịch sử. Tôi – từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi đi khai quật lần thứ nhất Phùng Nguyên, tham gia phát hiện Núi Đọ, sớm tìm kiếm thêm được nhiều trống đồng v.v… cũng ở trong số những người đầu tiên đội và truyền những “vòng kim cô” như thế, đồng thời, cũng nhiều lần giật mình nhận ra là sự thể là kẻ “sống sót” được từ ấy cho tới tận bây giờ. Vì thế, mấy tuần liền đọc bản thảo cuốn sách này, thấy tác giả nói khơi khơi về nguồn gốc phương Bắc của Phùng Nguyên, Đông Sơn; về các cuộc di dư từ đủ các miền phương Bắc để không những thành ra người Việt, người Mường mà còn thành ra cả các đấng bậc từ Hùng Vương đến nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn v.v… thì đầu tiên không khỏi thấy lạ và ái ngại nữa! Nhưng rồi qua từng trang, từng mục, đọc rất hấp dẫn, thấy tác giả, khi nói ra những điều này, là nói với cái gan dạ từ một tinh thần khoa học thực sự cầu thị, từ một ý chí và tấm lòng kiên định, nhiệt thành vì sự phát triển-đổi mới của khoa học lịch sử; và nhất là cái hệ thống mà Tạ Đức xây dựng nên ở đây, là sản phẩm của một qúa trình tìm tòi, khám phá, đặc biệt là tổng hợp, công phu, rộng lớn và có phương pháp; đồng thời thăng (cân) bằng rành rẽ trên nền của bước phát triển khoa học và công nghệ thông tin hiện đại. Tôi thấy - như tác giả đã tâm sự - vấn đề chỉ còn là xem xét, coi những luận cứ và bằng chứng được trình bày ở sách này có đủ độ xác tín, đã đủ sức thuyết phục hay chưa. Vì thế cuốn sách này cần được đọc kỹ. Nó rất dày, với nhiều thông tin và vấn đề, nhưng dễ đọc, thậm chí còn lôi cuốn người ta chăm chú đọc. Và rồi: nghĩ. Hà Nội, đầu Hạ, 2014. Nhà sử học Lê Văn Lan.” Đọc bài viết, trong đầu tôi vẩn vơ suy nghĩ: Phải chăng cuốn sách của ông Tạ Đức có sức mạnh ma mị khiến cho nhà sử học lão thành bỗng chốc tỉnh ngộ, ly khai với lý tưởng từng đeo đuổi gần suốt cuộc đời?! Không phải vậy. Có lẽ, vị sử gia già lão, nói như Tiến sĩ Nguyễn Việt, đang trong “tình trạng như có vẻ ly bì, mệt mỏi, bế tắc trước nền học thuật nhân văn nước nhà”; nghĩa là đang trong trạng huống hoang mang, mất lòng tin thì cuốn sách là giọt nước tràn ly, khiến ông, một cách vô thức, bước qua lời nguyền, dứt bỏ “vòng kim cô”, đã từng một thời là vòng nguyệt quế mà ông góp sức làm nên! Nhưng thật đáng tiếc, hành động này đã biến sử gia thành kẻ đào ngũ trong ngày chiến thắng! Không chỉ hôm nay mà mười năm rồi, khoa học nhân loại đưa ra hàng tấn chứng cứ khẳng định sự đúng đắn của thuyết phát triển nội tại: Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á và cũng là cái nôi của văn hóa châu Á! Một câu hỏi được đặt ra: tại sao những chuyện động trời như vậy trong chính lĩnh vực chuyên môn của mình mà Giáo sư không biết?! Người xưa thường nói: giấy rách giữ lấy lề! Thảm thương thay, cuốn sách Khoa Học Nhân Văn Việt Nam đã rách tả tơi mà bây giờ những vị trụ cột của nó lại xé bỏ luôn cả cái lề! Điều đáng mừng là, không lạc điệu như sử gia, hàng vạn trí thức bình dân Việt đã biết về cội nguồn đích thực của con người cùng văn hóa Việt, dù rằng tri thức mà họ thâu lượm được hầu như chỉ từ “lề trái!” Họ kỳ vọng có một ngày, những người như Giáo sư đứng lên dõng dạc tuyên bố: “Dù cho ai nói ngả nói nghiêng thì chúng tôi vẫn kiên trì quan điểm về sự phát triển nội tại của lịch sử, văn hóa Việt Nam! Thực tế đã chứng tỏ rằng đó là điều đúng đắn. Mặc dù có những sai lầm không tránh khỏi nhưng việc đề xuất và kiên trì chủ trương phát triển nội tại là thành tựu cơ bản của khoa học nhân văn Việt Nam. Nó là hòn đá tảng để chúng ta xây dựng nền khoa học nhân văn Việt Nam thời đại mới!” Điều mơ ước đó không xảy ra. Tiếc cho sử gia! Cũng tiếc cho tác giả Tạ Đức. Là người có lẽ có tài và có gan muốn tạo lập lâu đài tri thức hoành tráng in dấu ấn của riêng mình nhưng do sai ngay từ khâu thiết kế nên công trình thế kỷ chỉ còn là đống vụn tư liệu! Một cuốn sách lạc đường, đẩy học thuật Việt thụt lùi hơn nửa thế kỷ cùng những Giáo sư, Tiến sĩ mất phương hướng, bộc lộ thảm trạng của khoa học nhân văn Việt Nam. Bên trong, không đủ tâm và trí để nói với nhân dân về cội nguồn cùng văn hóa đích thực của dân tộc; thậm chí vẫn ca những bài ca mốc meo về “ngã tư đường giao lưu quốc tế,” về “tiếp biến văn hóa,” về “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ trung Hoa”… Bên ngoài, nó câm nín trước những đòn tấn công hiểm ác không chỉ xuyên tạc chính nghĩa dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cả những mưu toan nhân danh khoa học phủ định tới cỗi rễ dân tộc Việt! (K. Taylor: Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào? L. Kelley: “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại.) Một nền khoa học nhân văn như thế thực sự là thảm họa của dân tộc!

 * Tạ Đức. Nguồn gốc người Việt - người Mường. NXB Trí thức, 2013. Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCH, 1983 2. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học, 2007 3. S.W. Ballinger et al. Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992, N.130 ps.139-45).