BÀN LẠI VỀ GỐC TÍCH AN DƯƠNG VƯƠNG


Trong những sự kiện lịch sử còn chưa đạt được đồng thuận, có vấn đề về gốc tích của An Dương Vương. Tuy triều đại An Dương Vương được thừa nhận là chính thống nhưng việc chưa minh định được gốc tích của ông cũng là điểm mờ trong sử Việt. Vì vậy việc minh bạch hóa sự kiện này là đòi hỏi bức xúc không chỉ của ngành sử mà cả của cộng đồng. Chúng tôi xin trình bày quan điểm của mình.

Tuy đặt ra “Kỷ nhà Thục” nhưng về nhân thân của Thục Phán, sách Toàn thư chỉ ghi vắn tắt: “Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa).”
Chắc rằng khi đặt bút viết những dòng này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc phần Thục chí trong Tây dương quốc chí đồng thời tham khảo những truyền thuyết trong Lĩnh Nam chích quái. Tuy vậy, việc trích dẫn quá cô đọng đã khiến người sau hoài nghi. Sách Cương mục tân biên, cuốn sử của triều Nguyễn nhận xét: “Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh vương nhà Chu (316 TCN) đã bị nước Tần diệt rồi, làm gì có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiện Vi (nay tuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, Cùng, Túc, Nhiễm Mang… cách hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy Văn Lang? Hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang còn có họ Thục khác, mà sử cũ nhận là Thục Vương chăng?”
Mối nghi ngờ của Cương mục đã gợi cho một vài người đưa ra ý tưởng cho rằng họ Thục là thủ lĩnh của nhóm Âu Việt hay Tây Âu vùng Cao Bằng. Một vài người khác hoàn toàn phủ định nguồn gốc Ba Thục rồi dựa vào địa danh trong truyền thuyết để cho rằng họ Thục chủ của vùng Yên Bái-Đào Thịnh:
“Trước đây có nhận định cho rằng, Thục Phán là người của nước Ba Thục - một quốc gia cổ đại của Trung Hoa thuộc vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tuy nhiên, với khoảng cách quá xa như vậy, Thục Phán không thể nào cất quân xa đến 500 - 700km hiểm trở để đánh nhau với Hùng Vương ở tận Phú Thọ. Vì vậy, nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán bị loại trừ.”
“Những năm 70 của thế kỷ XX, có ý kiến cho rằng, Thục Phán quê ở Cao Bằng, vì trong truyền thuyết "Chín chúa tranh vua" lưu hành ở đây nói Thục Phán xuất phát từ Cao Bằng cất quân đánh Hùng Vương. Nhưng các địa danh được nhắc đến trong truyền thuyết đều là những địa danh thuộc vùng Yên Bái - Nghĩa Lộ, nơi mà cách đây hơn nửa thế kỷ, giới khảo cổ học phát hiện nhiều di vật văn hóa đồng thau nổi tiếng. Tiêu biểu là thạp đồng ở Đào Thịnh, mà thạp đồng như là hiện vật tượng trưng cho những thế lực hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.”
“Các địa danh ở Cổ Loa là những bản sao của địa danh ở Yên Bái, đó là việc Thục Phán và cư dân Âu Lạc đã từ Yên Bái về Cổ Loa định cư, mang theo về đây địa danh từ quê hương phát tích của An Dương Vương và Âu Lạc.”(1)
Có thể đây là những đóng góp quý khiến lịch sử thêm chi tiết và sống động. Tuy nhiên, An Dương Vương là sự kiện lớn, nếu không gắn nó với lịch sử chung của khu vực mà chỉ bó hẹp trong những truyền thuyết mang tính địa phương sẽ thiếu đi cái nhìn toàn cục. Phải nhìn Thục Phán - An Dương Vương trong bối cảnh dân cư, văn hóa chính trị chung của vùng.
Nay ta có những cứ liệu chắc chắn rằng, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ gồm bốn chủng là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negretoid từ Việt Nam di cư lên khai phá Trung Hoa. Hành lang Tây Bắc  Vân Nam  Tứ Xuyên là con đường huyết mạch đưa văn hóa Hòa Bình lên phía Bắc. Khoảng 15000 năm trước, lúa nước, cây kê, gà, chó cùng dụng cụ Đá mới cũng từ Hòa Bình theo con đường này đi lên. Sau đó là kỹ thuật đồng thau. Khoảng 2800 năm TCN, đồng thời với nước của Đế Lai ở phía Bắc Dương Tử, Xích Quỷ của Lạc Long Quân ở Nam Dương Tử là nước Thục ở phía Tây, sát với biên giới Xích Quỷ. Sách Toàn thư nói rõ chuyện này. Đến nay, nhờ các dữ liệu di truyền học, ta biết chắc rằng, cư dân các quốc gia, các vùng đất trên đều là người Việt. Thời gian này người Hán chưa ra đời.
Do môi trường sống thuận lợi, lại tiếp thu sớm văn hóa Hòa Bình, vùng Ba Thục trở thành trung tâm kinh tế văn hóa hàng đầu của các tộc Việt trên đất Trung Quốc. Khảo cổ học phát hiện những công cụ đồng thau sớm chỉ sau Phùng Nguyên và rất tinh xảo cùng với những thành quách. Nước Thục có thể mất một phần lãnh thổ vào thời Thương, Chu nhưng vẫn độc lập, không thần phục nhà Chu. Đến thời Tần, nước Thục bị diệt.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong bài Bốn nghìn năm văn hiến (2) viết:

Theo “Hoa dương quốc chí” q.3, Thục chí:
“Vua Vũ nhà Chu đánh vua Trụ cùng với nước Thục. Đất Thục phía đông liền với nước Ba, phía Nam giáp với nước Việt, phía bắc phân giới với nước Tần, phía Tây gồm núi Ngọ và núi Phồn, đất ấy xưng là Thiên Phủ”.
Nước Thục giao thông với bên ngoài rất phát đạt. Sự giao thông ấy lấy Điền (Vân Nam) và đất Kiềm làm chủ yếu, mà sự mở mang đất Vân Nam lại hướng vào nước Thục làm trọng tâm để buôn bán mậu dịch. Vân Nam với Bắc Việt liền tiếp với nhau, từ thời cổ xưa hai miền giao thông rất thịnh, cho nên thời cổ sự giao thông giữa Tứ Xuyên với Bắc Việt chắc hẳn là tấp nập. Bấy giờ miền hạ lưu sông Trường Giang chưa có ảnh hưởng khai hóa của Hán tộc, mãi đến thời Chiến quốc (dân mà người Hán gọi là man di phía Tây trong vùng Tứ Xuyên – Bắc Việt, và “Tây nam di ở Điền, Kiềm (Vân Nam, Quý Châu ngày nay), nước Tần, nước Sở đang đua tranh vũ lực để thôn tính, kết quả là vua nước Sở Trang Kiêu làm vua Điền (Vân Nam) nước Tần, chiếm lấy nước Ba, nước Thục, nước Kiềm tức Quý Châu.”
Theo Hoa dương quốc chí q.1, Ba chí viết: “Chu Thuận (Thuyến) làm vua 5 năm (316 tr.cn) vua nước Thục đánh chúa Tư, chúa Tư chạy vào nước Ba, nước Ba xin nước Tàu cứu. Vua Tần Huệ Văn sai Trương Nghi, Tư Mã Thác đi cứu nước Tư, Ba, bèn đánh nước Thục mà diệt đi.”
“Hoa dương quốc chí” q.3 mục Thục chí viết:
Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm, quan đại phu nhà Tần là Trương Nghi, Tư Mã Thác, Đô uý Mặc cùng theo đường Thạch Ngưu đánh nước Thục. Vua nước Thục từ đất Hạ Manh chống cự, thất bại, vua chạy trốn đến đất Vũ Dương bị quân Tần giết hại. Tướng, Phó cùng Thái tử rút lui về Bàng Hương, chết ở dưới núi Bạch Lộc, họ Khai Minh mới hết, làm vua nước Thục 22 đời.”
Lã Sĩ Bằng trong “Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam” suy diễn sử kiện trên đây như sau:
“Xét về việc vua Thục bị ở đất Vũ Dương, ngày nay là Bái Sơn vị trí ở phía nam Thành đô, tên bờ sông Manh khoảng giữa đến như Bàng hương núi Bạch Lộc ngày nay ở đâu thì không thể tìm xét, chỉ nên hiểu là ở phía nam núi Bành, thế nhân vì quân Tần từ phía bắc xuống miền Nam, tập đoàn ngừơi Thục chống đối quân Tần bị thua mà hướng phương Nam để thoát lui vậy. Từ đấy về sau 59 năm có lịch sử đích thực là vua Thục Phán làm vua Việt. Chúng ta có thể suy định rằng vua Thục bị bại ở Vũ Dương, quan Tướng, Phó, Thái tử đều chết ở núi Bạch Lộc, sau đấy đảng vua Thục còn lại mới suy tôn con hay cháu nhà vua lên tiếp tục chạy về phương Nam, theo hạ lưu sông Manh tiến vào khu đất tiếp giáp giữa Qúy Châu và Vân Nam thuộc phạm vi thế lực người Sở… Nhưng khu đất giao tiếp giữa Quý Châu (Kiềm) và Vân Nam (Điền) thời Hán là Trường Kha là đất thuỷ lão nghèo nàn. Thục vốn là nước Thiên phủ, người Thục khó ở lâu tại đất ấy được, và thế lực quân Tần đang rất mạnh, dòng dõi vua Thục hết hy vọng khôi phục lại đất cũ mới tìm phát triển về phương Nam tiến vào đất bình nguyên Bắc Việt, khí hậu ôn hòa, nông sản phì nhiêu, cùng với Hùng Vương tranh chiến, nhiều phen thất bại đến đời Chu Bảo Vương năm 518 (tr.cn 257) mới chinh phục được Văn Lang.”
“Từ Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm (316 tr. Tây nguyên) nước Thục mất về nước Tần, cho đến Chu Báo làm vua 58 năm (257 tr. Tây nguyên) An Dương Vương là Thục Phán xưng vua ở Việt nam, thời gian cách nhau là 59 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nước Thục chịu sự áp bách của thế lực quân sự nhà Tần, tập đoàn chống đối quân Tần dần dần đi xuống phương Nam đi vào bắc bộ Việt nam, cùng với vua Hùng Vương nuớc Văn lang đánh nhau tranh dành. Lúc đầu vì thế lực còn yếu, luôn luôn bị thua, mãi sau mới chinh phục được Văn lang. Và việc An Dương Vương từ nước Thục đi vào nước Việt, thì sách sử xưa của Tầu và Việt đều không ghi chép lịch trình tiến triển, nhưng cuộc chiến tranh giữa nước Tần và nước Thục có thể tìm thấy dấu vết ở cuộc thiên di về phương Nam của tập đoàn vương thất nước Thục chống đối với nhà Tần.”
“Sự hiện diện của Bách bộc do Thục An Dương Vương với tập đoàn nhà Thục từ Tứ xuyên đi xuống qua Qúy Châu và Vân nam phía Tây Bắc việt ngày nay mà di tích là kiểu thành Cổ loa vốn của nước Ba thục.” (2)

Từ các tư liệu lịch sử ghi lại, ta biết, Thục là nhà nước độc lập với Văn Lang. Khối dân Thục của cha con Thục Phán là ngoại bang nhưng đồng tộc với người Việt của Hùng Vương. Điều này phù hợp với sử sách và truyền thuyết nói họ là nhóm Âu Việt. Nhóm Âu Việt này sống ở Tây Bắc khoảng nửa thế kỷ. Những xung đột dài dài với Hùng Vương còn được ghi nhận trong truyền thuyết. Có điều nổi bật là nhóm người này tuy ngoại bang nhưng không ngoại tộc, không những đồng chủng mà còn đồng văn với dân sở tại, vì tổ tiên người Thục hàng nghìn năm trước từ vùng này đi lên. Vì vậy, ta có thể đoán là nhóm người Thục không gây nên căng thẳng sắc tộc với người địa phương mà nhờ sự khôn khéo của mình, họ đã thu phục được dân địa phương, tạo sức mạnh quân sự cho mình đồng thời gây ảnh hưởng chính trị, tinh thần tới khối dân Việt của Hùng Vương. Điều này giải thích vì sao, cuộc xâm lăng chiếm đoạt ngôi vị của Thục Phán diễn ra khá êm xuôi, không để lại vết hằn trong lịch sử.

Như vậy là, trong khoảng nửa thế kỷ, từ khi nước Thục bị diệt, hậu duệ nhà Thục trốn nạn diệt vong, xuống phương Nam, theo con đường Bắc tiến của tổ tiên xưa và con đường thương mại truyền thống. Năm bảy trăm cây số không phải là quãng cách mà đội quan quân nhỏ không thể vượt qua để tìm đường sống. Tôi đoán rằng, vua Hùng chẳng thú vị gì chuyện một binh đội quan quân của nước khác đến ở nhờ. Có điều, không dễ đuổi một đội quân đã cùng đường. Và cuộc chiến giữa hai bên là không thể tránh. Ta cũng biết, để chiến thắng Hùng Duệ Vương, nhà Thục phải mất hai đời, từ Thục Chế (cha) tới con là Thục Phán mới hoàn thành.
Lịch sử hầu như không ghi chép chi tiết cuộc chiến này nên những người sau học sử cho rằng đó là cuộc chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng. Nhưng thực tế không vậy. Ký ức dân gian ghi nhận nhiều sự kiện về cuộc chiến giữa vua Hùng và giặc Thục tập trung trong vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên, địa bàn của bộ Văn Lang xưa. Đó là truyện Hùng Lộc đại vương bị chặt đứt đầu, đã lấy vải buộc cổ lại để tiếp tục chiến đấu. Khi giặc rút thì ngã xuống chết, mối đùn lên thành đống, dân lập đền thờ. Truyện Đinh Công Tuấn đánh nhau với quân Thục Phán, tới thế cùng, nhảy xuống sông tự vẫn. Hiện ở vùng này còn ngôi miếu thờ vợ chồng thầy giáo hy sinh trong việc chống lại quân Thục.
Từ sự kiện lịch sử có thực đó, ta có thể đặt câu hỏi: vì sao người Lạc Việt dễ dàng chấp nhận cuộc xâm lăng của ngoại bang, xóa bỏ một triều đại Hùng Vương kéo dài hàng nghìn năm, gắn bó với họ sâu nặng trong nhiều truyền thuyết tạo rường cột của văn hóa Lạc Việt? Theo thiển ý, có thể là, do trị vì quá lâu, dòng Hùng Vương suy đồi, không đáp ứng nổi những đòi hỏi của cuộc sống. Trước những biến chuyển mới của thời đại, cần phương cách lãnh đạo mới. Thục Phán có lẽ là người đáp ứng được đòi hỏi này. Vì vậy, khi cuộc xâm lăng xảy ra, sức chống trả của gười Lạc Việt không thật dữ dội. Và sau khi nắm quyền, với tài năng của mình, ông khéo léo lãnh đạo dân chúng Việt qua các lạc hầu lạc tướng, tạo sức mạnh trong việc dời đô về Cổ Loa và chuẩn bị chống quân Tần.

Một câu hỏi mà tôi phân vân từ lâu: Tại sao, vừa thắng Hùng Vương năm trước thì ngay năm sau An Dương Vương dời đô về Cổ Loa? Đây là tư tưởng chiến lược lớn, chỉ có được ở những người có tầm vóc lớn. Một thủ lĩnh vùng ở Yên Bái với nhân số ít và nguồn lực nhỏ liệu có được tầm nhìn này, tầm nhìn vượt qua trí tuệ của các vua Hùng? Khi còn chịu ảnh hưởng của ý tưởng cho rằng Thục Phán là thủ lĩnh vùng Tây Bắc, tôi không lý giải được điều này. Nhưng sẽ là bình thường nếu đấy là hậu duệ của nhà Thục, của dòng họ Khai Minh, dòng họ lớn từng đối đầu với người xâm lăng Mông Cổ, với các quốc gia Thương, Ân, Chu, Tần. Đánh trận, đắp thành là những điều sống còn mà người Thục trải qua hơn nghìn năm rồi! Người xưa và lịch sử đã đúng khi chấp nhận Thục là vương triều chính thống và ca ngợi công lao của ông đối với dân tộc. Với những trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng Đại Việt sử ký toàn thư đã đúng khi viết Thục Phán người nước Thục. Nhận xét của sách Cương mục tân biên chỉ là suy luận nông cạn không có cơ sở.


Tham khảo
1. Bùi Thiết. Quê hương của An Dương Vương ở đâu?
http://www.baomoi.com/Home/DuLich/bee.net.vn/Que-huong-cua-An-Duong-Vuong-o-dau/3577879.epi
2. Nguyễn Đăng Thục. Bốn nghìn năm văn hiến. Hoadam.net