BÀN LẠI VỀ VAI TRÒ CHÍNH THỐNG CỦA NHÀ TRIỆU


Lời người viết: Trong bài Suy ngẫm xuyên qua hơn hai thiên niên kỷ trong số ra ngày 23. 2. 2010 của BoxitViệt nam, luật sư Lê Mai Anh nhắc lại sự kiện Triệu Đà chiếm Âu Lạc. Cho đến nay, đó vẫn là cách nhìn của nhiều người do tác động sai lạc của sử học chính thống. Tuy nhiên thực tế lịch sử không phải như vậy. Bài viết của luật sư lão thành có ý tốt thức tỉnh sự cảnh giác của người Việt trong thời điểm nhậy cảm này nhưng vô hình trung khoét sâu thêm nhận thức sai lầm về lịch sử, khiến chúng ta mắc thêm tội bất kính với tổ tiên. Tôi xin có đôi điều nói lại.

Lịch sử là sự kiện xảy ra trong quá khứ nhưng nhận thức về lịch sử là một quá trình dựa trên những tư liệu mới khám phá, dựa trên tâm thức xã hội từng thời kỳ, trên sự trưởng thành văn hóa của cộng đồng… Giải mã chuẩn mực mỗi hiện tượng lịch sử không chỉ là khát vọng của nhà sử học mà còn là nhu cầu bức thiết của xã hội. Qua nhiều thăng trầm, lịch sử Việt còn tồn tại nhiều vấn đề cần minh định, trong đó có vai trò nhà Triệu. Với bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một kiến giải.

I. Nhận định về nhà Triệu trong lịch sử.
Từ khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt đều đề cao vai trò lịch sử của Triệu Ðà. Nhà Trần phong ông là Khai thiên thế đạo thánh vũ thần triết hoàng đế. Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam xưng đế, đòi ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng". Sử gia Lê Văn Hưu viết: "Thế mới biết, người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy". Trong An Nam chí lược, Lê Tắc ghi: "Triệu Ðà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít". Ðiều này chứng tỏ Triệu Ðà là người mang sự học đến nước ta từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp. Ðến nhà Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Trải Triệu, Ðinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.” Như vậy, Nguyễn Trãi thừa nhận Triệu Ðà là ông vua đầu tiên của nước ta từ thời có sử. Cuối thời Nguyễn, trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim vẫn chép nhà Triệu là chính thống.
Người đầu tiên đánh giá lại vai trò của nhà Triệu là Ngô Thì Sĩ, cuối đời Hậu Lê. Trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:
“Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.” Và ông kết luận: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng.”
Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, cũng phê phán sử cũ và coi nhà Triệu là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc. Đào Duy Anh là học giả lớn, là một trong những người khai sinh nến sử học macxit ở Việt Nam. Học trò của ông trở thành những cán bộ rường cột ngành sử học Việt Nam hiện đại nên ảnh hưởng của ông rất lớn. Ý kiến của ông thành quan điểm chính thống hiện nay.
II. Quan niệm của chúng tôi
Là lớp người sinh cùng Cách mạng tháng Tám, ngay sau hòa bình 1954 được học Sử Việt Nam với nhà Triệu giữ vai trò mở đầu lịch sử dân tộc. Sau này thấy sách giáo khoa thay đổi, coi Triệu Đà là kẻ xâm lược, thậm chí, Nguyễn Trãi bị sửa chữa: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước” được thay bằng “Trải Đinh, Lê, Lý, Trần…” chúng tôi không khỏi bức xúc. Chính nỗi bức xúc này buộc chúng tôi tự tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình.
1. Dựa trên tài liệu truyền thống
Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết: "Vua Nam Việt họ Triệu tên là Ðà, người huyện Chân Ðịnh, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Ðà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Ðà bèn tự tôn làm "Nam Việt Vũ đế", đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa. Ðà nhân đó dùng uy lực uy hiếp biên giới, đem của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc mình. Ðất đai của Ðà chiều ngang có hơn vạn đặm, Ðà bèn đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là "chế", chẳng kém gì Trung Quốc". "Ðến thời Hiếu Cảnh, Ðà vẫn xưng thần, sai người vào chầu. Nhưng trong nước Nam Việt thì vẫn trộm xưng danh hiệu "đế" như cũ; còn khi sai sứ sang thiên tử thì xưng "vương", triều kiến thỉnh mệnh như các chư hầu".
Như vậy, cuốn sử quan trọng nhất của Trung Quốc vẽ lên nhà Triệu lừng lững một cõi biên thùy, là quốc gia độc lập, ngang ngửa với nhà Hán. Triệu Ðà làm vua 70 năm (từ 207 đến 137 TCN), tiếp đó cháu chắt ông truyền 4 đời trị vì 27 năm nữa, đến năm 111 TCN nước Nam Việt vào tay nhà Hán. Nhà Triệu kéo dài được 97 năm. Nói: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa?” là sự áp đặt, gán ghép vô căn cứ. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, một nước nhỏ như Âu Lạc khó mà trụ được trước sức tấn công của nhà Hán mạnh. Nếu không có Nam Việt của Triệu Đà, Âu Lạc bị xâm lăng sớm hơn là điều chắc chắn.

Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Ðôn ghi: "Ðem số hộ khẩu chép ở sách Hán chí mà so thì nước ta được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, hơn 20 huyện, đời Hán số hộ cộng là 143.743 nhà, số khẩu cộng là 981.827 người. Thông tính cả hai tỉnh ấy (Quảng Ðông, Quảng Tây) ở đời Hán số hộ chỉ là 71.805 nhà, khẩu chỉ là 389.672 người. Như thế nước ta ở đời Hán thì số hộ gấp đôi mà số khẩu gần gấp ba". Như vậy, tuy xưng vương ở Phiên Ngung nhưng số dân của Triệu ít. Trong khi đó ở phía Nam, nước Âu Lạc của An Dương vương khá mạnh, số dân gần gấp 3 số dân của Triệu. Bên cạnh Âu Lạc còn có các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc luôn tranh chấp. Nước Âu Lạc tuy lớn nhất trong khu vực nhưng cũng quá nhỏ so với nhà nước phương Bắc. Nếu nhà Tần không sụp đổ đúng thời điểm đó, có nhiều khả năng tằm ăn dâu, sẽ thôn tính đất Nam Việt. Một khả năng khác: trong cuộc chinh phạt Nam Việt trị tội Triệu Ðà xưng đế, nếu tướng Lâm Lư hầu thắng, nhà Hán chiếm Nam Việt ngay lúc đó, có phần chắc Nam Việt cũng bị đồng hóa như các dòng Bách Việt khác. Khả năng thứ ba: nếu Triệu Ðà theo nhà Hán, sau khi thôn tính Âu Lạc, sáp nhập Nam Việt vào Hán thì có phần chắc là Nam Việt bị xóa sổ trên bản đồ!

Ðúng là Triệu Ðà dùng thủ đoạn chiếm nước Âu Lạc nhưng ý nghĩa của sự kiện lịch sử này cần phải bàn. Thời đó, sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Việc thôn tính các nước Yên, Hàn, Tề, Triệu... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là thống nhất các tiểu quốc của nước Chu cũ. Tương tự vậy, việc Triệu Ðà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc. Ðiều quan trọng là họ Triệu đã duy trì được nước Nam Việt thống nhất trong một thế kỷ, vừa xây dựng trong hòa bình vừa kiên cường chống ngoại xâm. Chính điều này đã tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt. Ðây là di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt. Chính gần một thế kỷ tồn tại của quốc gia Nam Việt giúp cho người Âu Lạc không bị người Hán đồng hóa và sau này có dịp lại vùng lên trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Năm 43, khi hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhân dân Nam Việt cũ từ miền Trung, miền Bắc Việt Nam đến vùng Lưỡng Quảng sang tận Hải Nam đều hưởng ứng... Sau này, khi qua khảo sát ở vùng đất phía Nam Trung Quốc, bác sĩ Trần Ðại Sĩ thống kê được hơn 200 địa điểm có đền thờ hai Bà Trưng. Không thể có việc này nếu không có thời kỳ Nam Việt.

Các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... đã nhìn nhận công bằng và Nguyễn Trãi đánh giá họ Triệu một cách chuẩn mực. Sử gia Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất cập khi viết: "Triệu Ðà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả”. So với một quốc gia còn trong tình trạng sơ khai với những lạc hầu, lạc tướng cai quản từng bộ lạc thì một quốc gia có quận huyện, biên số thổ địa là bước nhảy vọt về tổ chức hành chính, về khoa học quản lý xã hội. Còn nói "thu thuế má cung cấp ngọc bích cho nhà Hán" cũng không đúng. Suốt 70 năm Triệu Ðà làm vua, quan hệ Việt, Hán khá lỏng lẻo. Biết Triệu xưng đế mà nhà Hán đành chịu, không những thế còn phải lấy lòng bằng cách giữ gìn mồ mả tổ tiên của Triệu, cho thân nhân ông làm quan. Trong mối quan hệ như vậy, cống phẩm của Triệu Ðà chỉ có nghĩa tượng trưng để xác nhận sự thần phục trên danh nghĩa nên không thể “làm đầy túi tham của Lục Giả”. Lục Giả không bằng cấp, chức vị nên thường gọi là Lục sinh, là người hiền, có câu nói nổi tiếng: “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên.” (vua coi dân là trời, dân coi miếng ăn như trời). Một kẻ sĩ như thế không thể là người tham lam! Rõ ràng, chứng lý đưa ra để kết tội Triệu Ðà là không thuyết phục. Nhưng vì sao Ngô Thì Sĩ lại có cái nhìn việc thiếu chuẩn mực như vậy? Chỉ có thể là, với tinh thần dân tộc hẹp hòi, cùng với hiểu biết lịch sử hạn chế, ông không chịu một người Hán làm vua nước Việt! Trong lịch sử thế giới, một người nước này làm vua nước khác không hiếm. Ngay bên chúng ta, cuối thế kỷ XVIII, Trịnh Quốc Anh, con một người nhà Minh tỵ nạn sang nước Xiêm, lãnh đạo người Xiêm đánh đuổi quân xâm lược Miến Điện, được tôn làm vua. Họ Trịnh (Taksin) sau thành họ lớn của người Thái. Người Thái không bao giờ nghi ngờ vai trò chính thống của dòng họ này!

2. Dựa vào tư liệu lịch sử mới
Cho đến nay, khi thảo luận về giai đoạn mở đầu của dân tộc Việt, các sử gia chỉ có những tài liệu trong cổ thư Trung Hoa, sách của một số học giả Pháp thời thuộc địa cùng những tư liệu khảo cổ, cố nhân chủng học chưa đầy đủ. Một nghịch lý mang tính duy tâm chủ quan và không thiếu khôi hài là trong khi phán xét những “hành động lịch sử” của tộc người hay một nhân vật nào đó mà người ta chưa hiểu họ là ai, được hình thành như thế nào?! Rất mừng là, sang thế kỷ này, với công trình di truyền học lập bản đồ gen người, khoa học nhân loại cho chúng ta những tư liệu để có cái nhìn thấu đáo hơn đối với lịch sử Đông Á.
Đựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân, đựa trên sự phân bố trống đồng ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, dựa vào xác định gen dân cư Văn Lang, ta có cơ sở để tin rằng, trước cuộc xâm lăng của Thục Phán, Văn Lang của các Vua Hùng là quốc gia rộng lớn. Biên giới phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới hồ Động Đình, phía nam tới miền Trung Việt Nam. Khi Thục Phán chiếm ngôi Vua Hùng, nước Văn Lang tan rã. Ở phía nam Dương Tử, các bộ lạc trở nên tự trị đưới quyền các thủ lĩnh khu vực, có một số nơi các thủ lĩnh xưng vương, thành lập quốc gia riêng.
Tần Thủy Hoàng chiếm vùng Kinh, Dương của Văn Lang và đưa dân tới ở xen với người Việt. Trong đội quân của nhà Tần, có Triệu Đà. Triệu Đà người Chân Định nước Triệu. Nhưng như trình bày trên, nước Triệu nguyên là dân cư Bách Việt, bị nhà Tần chiếm ít năm trước. Là quan chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn toàn chính thống.
Khi viết: “Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam,” “Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương,” Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất cập. Ông bỏ qua tính lịch đại của địa danh. Những địa danh trên do nhà Tần đặt. Tuy chưa từng chiếm được Âu Lạc nhưng nhà Tần cũng chia nước ta thành những quận huyện. Ở đây, sử gia cuối triều Lê quá nệ vào tư liệu Trung Hoa nên sai lầm khi phủ nhận Nam Hải, Quế Lâm là đất Việt. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì đó thuộc Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng. Sử gia này cũng tỏ ra khập khiễng khi so sánh việc Ngụy chiếm Thục với Triệu Đà sáp nhập Ấu Lạc. Suốt trong lịch sử dài, Thục là quốc gia độc lập với nhà Chu, nhà Tần. Vì vậy việc nhà Ngụy thôn tính Thục là xâm lăng. Trong khi đó Âu Lạc và Nam Việt là những bộ phận của một quốc gia thống nhất. Do hoàn cảnh lịch sử bị chia cắt, nay xóa bỏ cát cứ, khôi phục quốc gia cũ sao lại gọi là xâm lăng?
3. Dựa trên lịch sử so sánh
Một quan niệm về lịch sử muốn khoa học và thuyết phục, trước hết phải đạt được sự nhất quán. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà sử học Việt Nam: Nếu Triệu Đà là xâm lược thì An Dương vương là ai? Ý kiến cho rằng Thục Phán là thủ lĩnh bộ lạc Đông Âu ở vùng núi Tây Bắc, chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng vô sở cứ. Hoàn toàn không có chứng cớ gì về việc này. Trong khi đó, rất nhiều tài liệu nói tới một vương quốc Thục lớn và văn minh ở vùg Tứ Xuyên(3). Ngày nay ta biết, Thục nằm trên đường thiên di của người Hòa Bình lên Tây Bắc Trung Hoa, do vậy sớm nhận được văn hóa Hòa Bình, trở nên một nền văn minh rực rỡ. Ngay từ rất sớm, khoảng 2500 năm TCN, Thục đã là quốc gia riêng của người Bách Việt, độc lập với người Hoa Hạ ở Trung Nguyên cũng như Văn Lang ở phía Đông. Việc khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, dân Quảng Đông, Quảng Tây hưởng ứng mà không có sự tham gia của dân Vân Nam cho thấy điều này. Việc nhà Tần diệt Thục là thực và việc di duệ của Thục di cư đến tá túc trên đất Văn Lang cũng thực. Và chính chàng trai trẻ Tục Pắn đã chiến thắng vua Hùng Duệ Vương. Với tất cả mọi ý nghĩa, đây hoàn toàn là cuộc xâm lăng: một bộ lạc từ bên ngoài đến ở nhờ rồi cướp ngôi của chủ nhà! Vấn đề đặt ra là, tại sao nền sử học Việt Nam không xác nhận sự thật này? Có thể lý giải như sau: rất ít tài liệu của Trung Quốc viết về sự kiện này. Do vậy, có người như tiến sĩ Lê Mạnh Thát còn cho rằng không hề có thời đại An Dương vương! Mặt khác, đây chủ yếu là cuộc thay đổi vương triều. Số dân của Thục Phán quá ít nên không gây tranh chấp, xáo động lớn, không hằn dấu ấn trong truyền thuyết. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn, ta thấy không phải không có dấu hiệu chống trả của dân Lạc Việt: việc con gà thần gáy làm thành Cổ Loa vừa xây lại đổ là dấu hiệu việc người dân nổi lên phá thành. Từ những khảo sát điền dã như ngôi miếu thờ thầy giáo thời Hùng Vương cùng ngôi đền thờ những vị tướng hy sinh chống lại quân Thục trên vùng Phú Thọ cho thấy thực tế này. Trong khi đó, suy xét tới cùng về Triệu Đà, ta thấy ông là người gốc Việt, diệt An Dương vương là triều đại ngoại bang tiếm đoạt ngôi vị để thống nhất lãnh thổ Việt, xây dựng quốc gia tự chủ gần 100 năm thì lại bị coi là xâm lăng? Chính sự mâu thuẫn, bất nhất này cho thấy có chuyện chưa ổn của ngành sử khi đánh giá nhà Triệu.
III Kết luận
Lịch sử là những điều xảy ra trong quá khứ nhưng lại luôn sống với hiện tại. Tuy vô tri nhưng mỗi sự kiện lịch sử có linh hồn riêng của nó, đòi được người đời nhìn nhận công bằng. “Bất bình tắc minh” câu nói của Hàn Dũ, nhà thơ thời Đường cũng hoàn toàn đúng trong việc này. Trong những vấn đề lịch sừ còn chưa được đồng thuận tới hôm nay, “vấn đề chính thống của nhà Triệu” là “vụ việc” nổi cộm. Nó như cái dằm luôn nhức nhói tâm can hàng triệu người. Người dân Việt, nhất là dân Đồng Xâm Thái Bình chưa thể yên lòng khi Triệu Vũ đế bị biến tướng thành ông tổ nghề thợ bạc trong chính ngôi đền của mình. Chúng tôi nghĩ, chẳng cần tới những điều biện bạch trên thì vấn đề từ lâu cũng quá rõ. Người xưa đã gửi gắm ý mình trong đoạn kết truyện Mị Châu: “Những con trai ăn phải máu nàng Mị Châu đã sinh ngọc. Những viên ngọc lấy từ biển Đông đem rửa trong nước giếng chàng Trọng Thủy trẫm mình sẽ trở nên vô cùng trong sáng.” Sao ta không tự hỏi: kỳ lạ vậy? Nếu Mị Châu là kẻ “phản bội” thì loài trai ăn phải dòng máu xấu xa ấy không thể sinh ngọc! Và ngọc nếu có, khi đem rửa vào nước giếng tên “gián điệp” trầm mình hẳn sẽ tan ra hay đen lại như cây kim bạc gặp chất độc! Sao từ cái sự xấu xa ấy lại sinh ra ngọc sáng?! Nếu trầm tĩnh suy ngẫm, ta thấy người xưa vô cùng minh triết, không chỉ thương cảm cái chết oan khuất của đôi trẻ trong sáng mà còn xác nhận họ không có tội vì vô tình giúp vào việc xóa bỏ vương triều đến hồi suy tận để mở ra cho dân tộc vận hội mới!
Khi chưa thanh toán món nợ này, chúng ta chưa thể là dân tộc trưởng thành về văn hóa và luôn mang nỗi đau, nỗi nhục của những kẻ bỏ mồ cha khóc đống mối. Chúng tôi đề nghị, nên mở cuộc thảo luận về đề tài này để rút ra kiến giải thỏa đáng nhất. Hội Khoa học lịch sử cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nên mời các nhà khoa học hội thảo về vấn đề này để sửa lại sai lầm một thời tả khuynh của nền sử học.
Cuối năm Tân Sửu

Tài liệu tham khảo:
1&2.Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008
3. Nguyễn Đăng Thục. 4000 năm văn hiến. Hoadam.net

THƯA LẠI VỚI GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN


Tôi luôn chiêm ngưỡng Giáo sư Võ Tòng Xuân với sự kính trọng. Trước hết ở tài năng và những cống hiến của Giáo sư với đất nước, ở tấm lòng của Giáo sư với người nông dân Việt. Vì vậy, khi người bạn ở Luân Đôn gửi về cho tôi bài viết của Giáo sư đăng trên trang mạng Đàn chim Việt với nhan đề “Tết hội nhập tại sao không?” tôi mạo muội thưa lại cùng Giáo sư đôi điều.

I. Ăn Tết Nguyên đán theo lịch ta hay lịch Trung Quốc?
Trong bài viết, Giáo sư cho rằng, ta ăn tết Âm lịch là theo lịch Tàu. Có đúng vậy không, điều này cần phải làm rõ!
Lịch và ăn Tết là những sản phẩm của văn hóa. Muốn biết văn hóa đó của dân tộc nào, điều tiên quyết là phải biết được dân tộc ấy là ai và có lịch sử ra sao? Trước đây có những thức giả cho rằng, người Việt có lịch riêng của mình từ rất sớm, đó là Lịch Mặt trăng, còn gọi là Âm lịch. Nhưng do chưa xác định được cội nguồn tộc Việt từ đâu và lịch sử ra sao cho nên dù muốn thì phần đông người Việt cũng không dám tin. Vì vậy, cứ theo sách cổ (của Tàu), cho Âm lịch là của Tàu mà ta mượn dùng nhờ (!)
Nhưng đến nay, những phát kiến của khoa học nhân loại khiến nhận thức của chúng ta phải thay đổi.
Theo những công bố mới nhất và đáng tin cậy thì Người Khôn ngoan (Homo sapiens) từ châu Phi, theo ven biển Nam Á tới Việt Nam 70.000 năm trước. Khoảng 40.000 năm cách nay, do khí hậu phía Bắc được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Khoảng 15000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam cùng với Đồ đá mài, đã phát minh ra cây lúa nước và đưa nông nghiệp lên Trung Quốc. Ở thiên niên kỷ IV TCN, trên địa bàn Đông Á, người Việt cổ xây dựng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước tiến bộ nhất thế giới.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ du mục vượt Hoàng Hà vào Trung Nguyên chiếm đất của người Bách Việt. Tầng lớp ưu tú Việt tộc theo Lạc Long Quân trở về Việt Nam dựng nước Văn Lang.
Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của tộc Việt. Do sống chung đụng, người Mông Cổ hòa huyết với người Bách Việt, sinh ra chủng mới Mongoloid phương Nam, là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện đại. Là con lai Việt, sống trong cộng đồng Việt chiếm đa số, người Hán học tập văn hóa Việt như ngôn ngữ, phong tục tập quán, âm dương, ngũ hành, Dịch lý… Trong đó có lịch pháp. Ta biết rằng, lịch pháp của người Việt cổ dựa trên thời vụ trồng trọt nên còn gọi là Nông lịch, điều mà người du mục không thể có được. Như vết dầu loang, người Hán bành trướng, chiếm nam sông Dương Tử. Sau đó diệt nhà Triệu, chiếm nước ta trong một nghìn năm. Do mất đất, chúng ta mất cả chữ viết cùng lịch sử. Trong khi đó, người Hán biến chữ viết của tộc Việt thành chữ của họ và ghi chép sử Trung Hoa chỉ từ khoảng 2300 năm TCN, bỏ qua thời trước đó nên cả lịch sử dài của tộc Việt bị quên lãng. Khi giành lại quyền tự chủ, do không có chữ viết, cha ông ta buộc phải dựa vào thư tịch Tàu để tìm lại cội nguồn của mình nên lịch sử ta có nhiều điều lầm lạc và ngộ nhận. Cũng do vậy, ta mặc nhiên coi Lịch Mặt trăng (Âm lịch) là lịch của Tàu! Trước đây, chúng ta hoàn toàn theo thời tiết Trung Hoa nhưng sau này, từ 1968, các nhà làm lịch tính lại giờ, đã xác định múi giờ theo giờ Hà Nội. Như vậy, Âm lịch đang dùng hiện nay là của Việt Nam. Tết Nguyên đán là ăn theo lịch Việt Nam.
Một điều nữa cũng cần phân định là, dân Triều Châu, dân Quảng Đông là người Việt, nói ngôn ngữ Việt. Hiện trong tiếng Triều, tiếng Quảng còn lưu giữ khá nhiều (khoảng 20%) tiếng Việt gốc, không phiên âm sang chữ Hán được. Vì vậy, về dân tộc học có thể nói chính xác họ là người Hoa gốc Việt. Do đó, Cải lương Hồ Quảng lại chính là sản phẩm Việt tộc!

2. Có nên bỏ Tết ta?
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, ngày nay người châu Á hầu hết đã ăn Tết theo Dương lịch, chỉ còn Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam ăn Tết theo Âm lịch. Sự thật không như vậy. Bên ta, các nước Lào, Campuchia, Thái Lan vẫn ăn Tết cổ truyền của họ.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu ra những điều bất lợi khi ăn Tết Nguyên đán như hiện nay là:
1- Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành.
4- Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng.
5- Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.

Phải nhận rằng, những bất lợi nêu trên là có thực, nhưng đó chỉ là “phản ứng phụ” của một phương thuốc hiệu nghiệm, cũng giống như mặt trái của cái huy chương. Đúng là trong khi ta ăn Tết Nguyên đán thì thế giới đang dốc sức làm việc. Nhưng tính ra, những người căng sức trên các công trường hay những người có điều kiện tiếp xúc với thế giới sôi động quả không nhiều, chắc chưa tới triệu người. Như vậy sẽ có 85 triệu người thoải mái vui Tết! Đúng là lúc này nông dân chăm sóc lúa đông xuân nhưng thời nay, ruộng đất ngày hẹp lại, công việc cũng không nhiều mà chỉ dồn vảo dịp thu hoạch. Trong khi đo, miền Bắc đúng vào lúc nông nhàn Tháng Giêng là tháng ăn chơi…
Một điều nữa cũng không thể bỏ qua, trong thế giới hội nhập, tất cả đều giống nhau như đội quân đồng phụ thì… buồn quá! Nếu tổ chức Tết thật vui, thật đẹp, thật đa dạng, cho sắc thái văn hóa dân tộc lên hết sắc màu, hội hè diễn ra trong thời gian người khác qua mùa lễ hội, không sợ đụng hàng, Tết Nguyên đán sẽ là mùa du lịch bội thu. Một cách làm ăn hiệu quả!
Dù tất cả những điều trên là thật, thì theo tôi, chỉ một lý do này cũng khiến người Việt không bào giờ bỏ Tết Nguyên đán, đó là tình người, là tâm linh. Trong thế giới hội nhập, hàng triệu người Việt tỏa ra bốn phương trời. Tết là dịp người ta trở về dưới mái ấm gia đình, gặp lại ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn, nối lại sợi dây của mối tình máu mủ, quê hương… Chính nhờ mỗi dịp Tết như vậy mà tình người Việt kéo dài ra, bất tận. Với phần lớn người Việt, cái tết Tây chỉ là tờ lịch đầu tiên của cuốn lịch. Ngày 1 tháng Giêng Dương lịch chỉ đơn thuần là cái mốc thời gian, cũng trôi qua vô hồn…
Làm giầu là cần nhưng suy cho cùng, giầu để làm gì? Dù có tới 36 tàn vàng thì vua Ngô khi chết cũng không mang đi được. Có gì bằng cuộc sống đầm ấm an lành trong tình người. May mà chúng ta chưa mất cái gia tài quý giá ấy. Biết đâu, đó lại là vốn quý nhất mà nhân loại nhận ra ta trong hội nhập?

                                                                                                              Cuối năm Sửu

KHÔNG TRỐN CHẠY MÀ QUAY VỀ NGUỒN CỘI!


Đọc bài “Xây danh dự cho dân tộc Việt” của Nguyễn Lương Hải Khôi, “Thoát thân luận” của Giáp Văn Dương và “Thoát Á mới có thể 'Thoát thân'” của Phạm Gia Minh trên TuầnViệtNam, tôi chia sẻ với nhiệt huyết của các vị lo cho dân, cho nước. Tuy nhiên xin được nói rằng, suy tư của các vị không mới. Hàng chục năm trước, ông Nguyễn Gia Kiểng viết cả cuốn sách dầy hơn 500 trang A4 Tổ quốc ăn năn nhằm chối bỏ văn hóa Việt đồng thời muốn thay đổi tận gốc văn hóa để canh tân… Qua ý kiến quý vị, tôi cảm tưởng rằng, là những người giầu lòng yêu nước nhưng ít hiểu về dân tộc nên khi ra ngoài gặp trăm hồng ngàn tía lấp lánh, có vị nóng lòng sốt ruột muốn “nhớm cây mạ”* cho nhanh có mùa màng!
Xin mạo muội trao đổi với quý vị đôi điều.
I. Xin được hỏi, quý vị biết gì về châu Á? Có phần chắc rằng, tất cả những điều các vị được học về “lịch sử châu Á” chỉ là phần nổi của tảng băng mà trong đó không thiếu lầm lẫn, dối trá! Ngay cả Carl Marx nữa, khi viết Tư bản luận thì anh chàng thông thái này cũng mù tịt về Á Đông! Ngộ nhận rằng mô hình châu Âu là tiến trình duy nhất của lịch sử nhân loại, học lóm từ du ký của những nhà phiêu lưu cưỡi ngựa xem hoa, anh ta vội vàng hư cấu rằng châu Á cũng trải qua giai đoạn nô lệ! Xin quý vị chứng minh cho giai đoạn nô lệ trong lịch sử phương Đông? “Phương thức sản xuất châu Á” là cái quái quỷ gì nếu không phải ngôn từ che đậy sự thiếu hiểu biết về phương Đông của Carl Marx?!
Cho đến nay, ít người biết được rằng, 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà chấm dứt, tổ tiên người châu Âu từ bỏ cách sống hái lượm trong những hang hốc đóng băng để nuôi con cừu con dê đầu tiên làm người du mục thì ở phương Đông, người Việt cổ đã là dân cư nông nghiệp thuần thục. Tới 4000 năm TCN, Đông Á với hơn 60% nhân số thế giới đã xây dựng nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất hành tinh. Khoảng 2600 năm TCN, sự cố lớn xảy ra, người Mông Cổ du mục tràn qua Hoàng Hà xâm lăng giang sơn Bách Việt. Tầng lớp ưu tú của tộc Việt theo Lạc Long Quân vượt biển về Việt Nam dựng nước Văn Lang.
Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ, nhân số ít và văn hóa thấp, đã bỏ lối sống du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Do sống chung, người Mông Cổ hòa huyết với dân Bách Việt, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, tự nhận là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện nay. Là con lai Việt, kế thừa kinh tế, văn hóa Việt, người Hoa Hạ tạo dựng văn minh Trung Hoa rực rỡ khoảng 1500 năm TCN. Từ đầu Công nguyên, người Hán xâm lược và đô hộ Việt Nam một thiên niên kỷ. Quá khứ vĩ đại của tộc người là chủ nhân đầu tiên của Á Đông bị chôn vùi. Mất đất đai, mất chữ viết và lịch sử nên khi giành lại quyền tự chủ, người Việt Nam biết rất ít, thậm chí ngộ nhận về lịch sử văn hóa của mình. Chính là trên cơ sở này, ông Nguyễn Gia Kiểng viết: “ Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước Trung Hoa. Sở dĩ không hoàn toàn giống Tàu chỉ là vì chưa bắt chước kịp mà thôi (!)” Rồi ông đề nghị phải thay văn hóa truyền thống lạc hậu bằng văn hóa Thiên chúa giáo!
Sang thế kỷ XXI, nhờ những công trình lập Bản đồ gen người của khoa học thế giới, ta biết được rằng, khoảng 70.000 năm trước, trong Kỷ Băng hà, Người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Do điều kiện sống thuận lợi, họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu phía Bắc được cải thiện, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó vượt eo Bêrinh sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Khoảng 15000 năm trước, người Việt cổ phát minh ra cây lúa nước cùng với Đồ Đá mới và đưa lên xây dựng nền nông nghiệp trên đất Trung Hoa. Vì lẽ đó, toàn bộ nền văn hóa vật thể và phi vật thể có trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN là sản phẩm của Việt tộc. Nền văn hóa Trung Hoa là sự kế thừa, tiếp thu văn hóa của tộc Việt. Như vậy, nhờ thành tựu của khoa học nhân loại, chúng ta chắc chắn xác định được cội nguồn sinh học của mình.
Nhưng chuyện rất lớn khác: cái văn hóa nguyên bản mà tộc Việt sáng tạo là gì? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”! Một thách đố khổng lồ không chỉ với trí tuệ Việt mà còn cả với nhân loại!
Thật may cho dân Việt, vào thập niên 70 thế kỷ trước, triết gia thiên tài Kim Định, bằng siêu nghiệm, quán tưởng, giải mã huyền thoại và truyền thuyết Việt đã khai quật được văn hóa cội nguồn của tộc Việt mà ông gọi là Nguyên Nho hay Việt Nho với những nội dung sau:
1. Quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa”: Vũ trụ vận hành đi lên với 3 phần Dương, và 2 phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối mà nay gọi là phát triển bền vững. Quan niệm này trái ngược với văn minh du mục trọng động đẩy vũ trụ vận hành 4 Dương 1 Âm, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy, một sự phát triển quá nóng đưa Trái đất tới hủy diệt.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Trong tam tài thiên – địa – nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chật mà còn là tâm linh, sống trong tương quan với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt, không vô vi lánh đời mà sống tích cực tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình, hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4. Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.
Suốt 40 năm qua, phát kiến lớn nhất về lịch sử văn hóa này không được thừa nhận vì các nhà duy sử cho đó là ngược đời, là hoang tưởng. Nay, với việc xác định cội nguồn sinh học cùng quá trình lịch sử của tộc Việt, những dự báo thiên tài của triết gia Kim Định được chứng minh.
Công lao lớn của triết gia Kim Định là tách Việt nho, nền văn hóa nguyên bản của tộc Việt (trước cuộc xâm lăng của Mông Cổ) ra khỏi Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho là những văn hóa mang đậm sắc thái du mục Mông Cổ. Trong những phát hiện của Kim Định về Việt nho thì quan niệm về vũ trụ hài hòa “tham thiên lưỡng địa” có ý nghĩa đặc biệt. Nó nói rằng tổ tiên chúng ta quan niệm về một vũ trụ phát triển cân đối, cuộc sống đi lên, theo chiều dương nhưng phải giữ sao cho Dương 3 phần còn Âm 2 phần. Một tỷ lệ như thế là hài hòa, quân bình đảm bảo duy trì lâu dài môi trường sống. Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh là quan niệm nhân sinh không chỉ đạt tới chiều sâu tận cùng, bản thể của cuộc sống mà còn là quan niệm vô cùng nhân bản. Đạo Việt an vi cùng cơ chế bình sản là những thể chế giúp cho xã hội hài hòa.
II. Nói cho cùng, mọi xung đột của thế giới 2000 năm nay là sự tranh chấp giữa văn minh du mục và văn hóa nông nghiệp. Những cuộc thánh chiến, những cuộc xâm lăng kinh hoàng của người Mông Cổ, những cuộc chinh phục thuộc địa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hai cuộc chiến tranh thế giới, sự bành trướng một thời của chủ nghĩa cộng sản, cuộc toàn cầu hóa hiện nay… là sự thắng thế của văn minh du mục trước văn hóa nông nghiệp. Văn minh du mục với bản chất của nó là sự tước đoạt tự nhiên và tha nhân để thu lợi ích tối đa cho bản thân, bộ lạc, tập đoàn mình. Với mục đích duy lợi, văn minh du mục đẩy cuộc sống vận hành theo chiều 4 Dương 1 Âm, tạo nên thế Dương cực thịnh, Âm cực suy. Nhờ thu hút toàn lực cho phát triển, văn minh du mục mà hậu duệ của nó là chủ nghĩa tư bản đã đạt được những thành quả kỳ diệu về hoa học, kỹ thuật, kinh tế, đưa nhân loại tới tầm mức văn minh “ngang với thánh thần.” Nhưng bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản để lại cho nhân loại những hệ lụy khủng khiếp. Không chỉ là nguyên nhân trực tiếp của những cuộc chiến tranh nóng, là chủ nghĩa khủng bố, những ông chủ tư bản còn đẩy bộ phận lớn nhân loại vào cảnh sống cùng quẫn. Mặt khác, với sự kích động lòng tham, cùng sự hưởng thụ vô chừng mực, chủ nghĩa tư bản đẩy con người vào trạng thái đạo đức suy đồi chưa từng có. Loài người mang tội trọng như đứng trước Ngày phán xét cuối cùng. Tội ác lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là tàn phá Trái đất, gây khủng hoảng môi sinh, đang đe dọa sự sống còn của Loài người.
Truớc sự nóng lên của khí hậu, những chính trị gia hàng đầu thế giới mang nặng lợi ích cục bộ, với tầm nhìn thiển cận đã thất bại ở Copenhagen trong việc tìm ra cách cứu Trái đất. Trong khi đó, các nước thi nhau kích cầu, mà thực chất đó chỉ là cuộc thủ dâm kinh tế vĩ đại! Lòng tham của con người, nhu cầu của con người, như câu tục ngữ Việt, là vô đáy. Vậy kích cầu mãi rồi dẫn tới đâu trong khi nhân số thế giới tăng đến chóng mặt mà nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, cả tới bầu trời trên đầu, nơi trú ngụ của thánh thần tưởng như vô tận cũng đang bị ô nhiễm! Rõ ràng, khi đẩy thế giới phát triển tận lực, chủ nghĩa tư bản đang mù quáng dẫn dắt nhân loại đến bước hủy diệt.
III. Giữa thế kỷ XX, khi thấy trước mối nguy mà chủ nghĩa tư bản đang dẫn con người đi tới, một số thức giả phương Tây đã đi tìm con đường cứu thế giới. Không ít người “hành trình về phương Đông” mong tìm thấy nơi “mặt trái” của xã hội phương Tây một cứu cánh. Nhưng cho tới nay, hầu như phương Tây đã thất vọng vì ngoài một số cuốn sách phát giác những bí ẩn Tây Tạng, Ấn Độ, họ chưa tìm được gì! Chưa thấy không có nghĩa là không có! Chưa thấy bởi lẽ phương Tây còn thiếu cặp mắt xanh nhìn ra những gì cần tìm. Điều này cũng là thường tình vì lẽ tư duy du mục phương Tây với cách nhìn chủ biệt khó mà thấy được một vấn đề quá đa dạng, xa lạ với truyền thống của họ. Chưa thấy cũng còn do phần lớn trí thức phương Đông mang đầu óc vong bản, quá phụ thuộc phương Tây, chưa đủ trưởng thành để giác ngộ về gia sản văn hóa, minh triết vĩ đại mà tiền nhân để lại! Không thiếu những người như các vị Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Lương Hải Khôi, Phạm Gia Minh… bức xúc trước những bộn bề cản trở đất nước, gặp là bùa rách “thoát Á luận” tưởng như mới mẻ liền lượm mang về! Một ngộ nhận đáng buồn và đáng trách. Những vị này bị mê hoặc về huyền thoại Nhật nên không thấy những đặc điểm không gian và thời gian của cuộc Duy tân nước Nhật. Nhật bản là ngoại biên, là phần rìa của châu Á, có lịch sử hình thành dân cư và văn hóa khá muộn màng. Việc Nhật ly khai “thoát Á” phù hợp hoàn cảnh địa lý của họ và cũng trong cơ hội riêng của nó hơn trăm năm trước. Tuy nhiên sự “thoát Á” này không phải không có mặt trái mà trước hết là vai trò điên khùng của nước Nhật trong Thế chiến II. Mặc dù vượt lên, trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế, nhưng “sự thần kỳ” mấy thập kỷ qua cũng để lại cho xã hội Nhật biết bao vấn nạn. Và bây giờ, chung số phận phương Tây, Nhật cũng phải đối đầu với cuộc suy thoái toàn cầu chưa tìm thấy lối ra! Nếu “thoát Á” có thể tốt với Nhật thì khẳng định đó là điều không thể với nước Việt cả về không gian lẫn thời gian. Nước Việt là cái nôi văn hóa không chỉ của châu Á mà của cả nhân loại. Trong quá khứ đã có thời kỳ, từ Hòa Bình Việt Nam, những vòng xoáy đồng tâm lan tỏa văn hóa ra châu Á và thế giới. Là trung tâm của nhân chủng và văn hóa Á Đông, Việt Nam cố kết số phận với Đông Á, không nên và cũng không thể “thoát Á” đi tìm văn hóa khác! Những phẩm chất văn hóa hình thành suốt trong 70.000 năm qua thực chất đã trở nên những yếu tố di truyền (fenotype), không qua gene nhưng cũng qua tâm linh, qua tinh thần chúng ta truyền mãi tới mai sau. Những đặc tính văn hóa như thế không thể nào chối bỏ, chưa nói tới chuyện có đáng chối bỏ không? Những ý đồ “thoát Á” tưởng như hay ho tân kỳ nhưng thực chất là ngây thơ, vong bản, gieo vào thế hệ trẻ chủ nghĩa hư vô rất nguy hiểm!
Những khuyết tật, những thói hư tật xấu của người Việt như tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu ra là có thật. Nhưng như bài học vỡ lòng chúng ta từng học về triết học Macxit: “Cái tồn tại là hợp lý”! Hợp lý vì những khuyết tật trên là sản phẩn của nghìn năm nô lệ phương Bắc, nghìn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và gần thế kỷ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Hơn nửa thế kỷ nay, tuy đất nước độc lập nhưng dân cũng không thực sự được tự do. Trong khu rừng tối thì dây leo thắng thế! Trong xã hội thiếu dân chủ thì đám cơ hội lộng hành. Để sống sót, Đức Hạnh buộc phải cúi đầu khoanh tay trong địa vị tôi đòi! Một cuộc thăm dò dư luận mới đây trong sinh viên cho thấy, sự trung thực không phải là phẩm chất họ cần tu dưỡng! Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, những thói xấu là có lý do để tồn tại! Không phải là vi trùng, nên không thể trục mầm bệnh khỏi cơ thể bằng thuốc kháng sinh, có nghĩa là tự thân rất khó thoát khỏi thói xấu! Muốn thoát, cần một cơ chế xã hội. Hôm nay dù còn bề bộn, nhưng cơ chế như vậy đang hình thành. Có một thời, rời khỏi hộ khẩu, rời khỏi sổ gạo không ai sống được. Nhưng hôm nay, không ít quan chức cấp khá cao, cố nhiên với quyền hành và bổng lộc đi kèm, tự nguyện rời nhiệm sở để sống theo tự do và ý chí của mình. Đó là sự trưởng thành về nhân cách. Điều này sở dĩ có được là một cơ chế đảm bảo cho Nhân chủ - con người tự làm chủ bản thân - đang hình thành. Từ một xã hội đóng kín, cô lập với bên ngoài, nay ta mở cửa, làm bạn với thế giới. Từ sự tàn phá môi sinh một cách tự do, tự phát, nay từng bước ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Như vậy, chúng ta đang tiến tới Thái hòa. Từ chủ trương duy vật khô cứng “trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân”, nhiều đình chùa miếu mạo bị đập phá, hoạt động tín ngưỡng bị cấm đoán, nay trong chừng mực, đã có tự do tín ngưỡng. Với những hoạt động dùng khả năng đặc biệt để tìm hài cốt thân nhân, việc con người gặp rồi trò chuyện với vong linh người đã khuất, từ đó biết sợ làm ác, sống nhân đức hơn… chúng ta đang xây dựng lại con người Tâm linh. Chậm nhưng rõ ràng, những gì đang diễn ra là không thể đảo ngược, dòng đời đang trở lại với cái ngày xưa của văn hóa Việt…
IV. Trong họa có phúc, đó là dịch lý phương Đông. Giữa vô vàn đổ vỡ, cuộc suy thoái toàn cầu đem lại cơ may lớn cho nhân loại: tìm con đường đi tới! Chính là lúc này, chúng ta thực thi Minh triết mà tổ tiên Việt sáng tạo kết tinh trong “Tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh”, “Đạo Việt An vi” và “Bình sản”. Trong hoàn cảnh hiện tại của thế gới, nếu huy động được trí tuệ, tâm huyết toàn dân tộc, chúng ta có điều kiện thuận lợi nhất mở con đường tới tương lai. Và chính con đường này sẽ cứu nhân loại.
Năm trăm năm trước, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo vào đầu thiên niên kỷ này: nhân đào đáo hoàn, xã tắc an lạc. Nghĩa là những người đi trốn sẽ trở về, đất nước yên vui. Khi những người “thoát thân” thực sự tìm về xây dựng đất nước thì không có lý gì dân Việt lại “thoát Á”?! Không chỉ vậy, Trạng Trình còn nói:
Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ,
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
(Đất nước Hồng Lam này 500 năm sau sẽ là thời kì hưng thịnh trăm nghìn năm). Không “thoát Á”, cũng không (thể) “thoát thân” mà giờ là lúc tìm về Minh triết Việt để dùng minh triết xây dựng giang sơn cùng dân tộc.
                                                                                                                                    12.1.2010
* Ngụ ngôn xưa: có người nhớm từng cây mạ cho mạ lên nhanh.

TRANH LUẬN VỚI TRIẾT GIA FRANÇOIS JULLIEN


Bài “Bàn về minh triết”* ghi lại buổi nói chuyện của Giáo sư F. Jullien tại Trung tâm Minh triết Việt Nam ngày 8. 9. 2008 gồm 3 phần. Tôi xin có đôi lời thưa lại với Giáo sư về phần thứ 3: “Minh triết và thời đại.”

1. Quan niệm về minh triết

Dẫn từ “sagesse” (minh triết) của Pháp ngữ và nhiều tác giả khác, GS. F. Jullien cho ta thấy, văn hóa phương Tây có quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó", "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống". Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, minh triết (明 悊) thì Minh (明) là sáng mà Triết (悊) cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Triết (晢) còn nghĩa khác là trí tuệ. Minh triết là trí tuệ sang 1áng. Theo cách giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng!
Như vậy, minh triết có nghĩa là trí tuệ sáng láng. Trong sự hiểu của tôi, Minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt kết lắng trong chiều sâu của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.“
GS F. Jullien cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy „
Tôi cho rằng, nếu hiểu đúng theo như quan niệm phương Đông thì minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu ít nhất khoảng 15000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Paul C. Mangelsdorf đã nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi sự hoang dã, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân. Con người bắt đầu biết “Trông trời trông đất trông mây…”, biết “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, nghe thấy tiếng sấm phất cờ mà lên”, biết “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám” và biết “Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, biết “Xanh nhà hơn già đồng”. Đồng thời cũng biết: “Khôn độc không bằng ngốc đàn” và “Một người lo bằng kho người làm”. Không chỉ vậy, Minh triết còn là “Người là hoa của đất”, là “Yêu em từ thuở lên ba, mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm” … Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi người vô danh trong dân gian, để nạp vào bộ nhớ dân gian và tạo thành văn hóa dân tộc. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bên vững, thành phẩm chất di truyền (fenotipe) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Điều này được thấy rõ trong thí dụ sau. Khi phát hiện những sắc dân thiểu số Indean ở Caduevo miền Bắc Canada có tập quán rất giống với dân vùng Nam Trung Hoa như tôn trọng phụ nữ, sống hài hòa với thiên nhiên, người ta giải thích rằng đó là do hoàn cảnh sống giống nhau, đưa tới những cách sống tương đồng. Nhưng sau này, khi phát hiện rằng, tổ tiên những dân thiểu số châu Mỹ đó đã từ Đông Dương tới thì mọi người hiểu: những nét văn hóa đó được mang theo từ Đông Nam Á. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung vào trầm tích văn hóa.

2. Minh triết và triết học

Trong những quan niệm đa chiều của phương Tây về quan hệ giữa minh triết và triết học, tôi ủng hộ ý tưởng cho rằng “minh triết ở trên triết học.“ Minh triết là mảnh đất màu mỡ của tâm hồn, trí tuệ và trên đó nảy sinh cây triết học. Nhưng khi đã thành “cây“ rồi, triết học tư biện coi khinh mảnh đất minh triết, nên mất dần sức sống, trở nên cằn cỗi và khủng hoảng. Điều này thấy rõ trong triết học Hy Lạp nói riêng và triết học phương Tây nói chung.
Về lịch sử, ta thấy, 80% dân châu Âu hiện đại là con cháu những người sống bằng hái lượm, rồi sau chuyển sang du mục, những người không có văn hóa và cố nhiên không có cả minh triết. Chỉ có 20% là dân nông nghiệp từ Trung Đông sang. Văn hóa và minh triết châu Âu có được chính là nhờ ở dân nông nghiệp này. Nhưng do số dân ít nên lớp trầm tích minh triết quá mỏng. Sự bùng phát rực rỡ của văn minh Hy Lạp không phải do nội tại mà là yếu tố ngoại lai. Thành bang Athene đã nhận văn minh của Ai Cập phương Đông từ trước thời Plato. Sau cuộc chinh phục của Alexander, Aristotele thày của vị hoàng đế này đã thu nhận toàn bộ thư viện của Ai Cập, và nhờ là “kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại“, ông đã thành „người khổng lồ“. Cuộc cướp bóc đã đưa lại sự phồn vinh về văn hóa, trong đó có cả minh triết cho Hy Lạp.
Chính nhờ vậy, triết học Hy Lạp ra đời. Dựa trên lượng minh triết vay mượn của phương Đông, triết học Hy Lạp bừng nở nhưng rồi sớm mất sức sống. Khi „chất màu mỡ minh triết“ cạn kiệt, triết học phương Tây trở thành thuần túy tư biện. Có thể hình dung số phận của triết học phương Tây hiện đại như thế này: một ai đó đưa ra lý thuyết mù mờ và được một số người ủng hộ. Họ kết thành trường phái, thống lĩnh diễn đàn. Thời gian sau, người ta tỉnh ngộ và thấy thuyết đó vô bổ. Lúc này lại có một thuyết mù mờ khác phủ định cái thuyết mù mờ trước. Họ lại có những ủng hộ viên và thành trường phái mới... Tuy có nhiều lịch sử nhưng triết học dần dần đi tới sự khốn cùng. Minh triết phương Đông không bao giờ tự cho là thần thánh. Nó cũng không kết thành những trường phái mà an nhiên sống vô tư, bất diệt giữa cuộc đời, tỏa ánh sáng và sức nóng dẫn dắt xã hội.

3. Minh triết và chính trị

Giáo sư F. Jullien nói: „Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định“ và „ Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.“
Có đúng vậy không? Theo tôi không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền bá „đạo“, không chịu bàn đến „lợi“ của các vương hầu mà cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Khuất Nguyên can vua không được mà tự trầm. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất là trường hợp 4 anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc: Sau khi 3 người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng „Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng „Thất trảm sớ“ không được chấp nhận thì cáo quan hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì „bất đắc chí“... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nề của phong kiến thế tập châu Âu Trung cổ, đã từng mơ ươc về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép „đổi nó đi!“ Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức!
Giáo sư F. Jullien còn nói: „Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn.“ Tôi cho rằng cái đó là không đúng. Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa, „Thái hòa“ là mặt quan trọng của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: „Cùng tắc biến, biến tắc thông“. Phương Đông không can thiệp „ngang xương“ vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách nhi nhiên, tự nhiên.

4. F. Jullien và đạo Phật

Giáo sư F. Jullien nói: „Trong sách tôi ít nói đến Phật giáo bởi vì tôi nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ đại, mà thời cổ đại Hy Lạp tương ứng với cổ đại Trung Hoa và lúc ấy chưa có Phật giáo. Lý do nữa là Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ấn Độ cũng có liên hệ với phương Tây ở gồc Ấn - Âu... Phật giáo, từ gốc của nó đã có liên hệ gì đó với phương Tây ở gốc Ấn - Âu...“
Rõ ràng Giáo sư đáng kính đã lầm lẫn. Phật giáo xuất hiện đồng thời với Nho giáo và triết học Hy Lạp cổ đại, khoảng thế kỷ V TCN. Sai lầm nghiêm trọng hơn khi ông cho Phật giáo „từ gốc có liên hệ với phương Tây.“ Điều này thuộc về kiến thức văn hóa lịch sử phổ thông. Theo tri thức mới nhất thì, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid từ Đông Dương di tản tới Ấn Độ. Muộn hơn một chút, những nhóm Việt khác cũng từ Tây Nam Trung Quốc vào đất Ấn. Người Australoid lan khắp Ấn Độ, được lịch sử gọi là người Dravidian, là chủ nhân nền văn hóa lúa nước sông Indus rực rỡ.
Khoảng 1500 TCN, người Arian thuộc đại chủng Europid từ Iran xâm nhập Ấn Độ, thống trị dân Dravidian. Từ văn hóa Dravidian, người Arian xây dựng nên văn hóa Ấn Độ, trong đó có đạo Phật.
Người châu Âu là do một nhánh khác của Europid từ Trung Đông di cư vào châu Âu. Như vậy, tuy cùng mã di truyền và tương đồng ngôn ngữ nhưng giữa người Ấn và người Âu khác nhau về văn hóa. Văn hóa Ấn, dù là người Indoeuropian cũng hoàn toàn là văn hóa phương Đông. Khi ít nghiên cứu Phật giáo với hàm lượng minh triết cao, tri thức về minh triết không thể không thiếu hụt.

5. Kế luận

Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan niệm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: „Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...“ theo tôi là xui dại. Minh triết là... Minh triết, có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dười dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Ông Mác nói rất chí lý: „Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài“. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Minh triết là hòn đá thử vàng chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng của chính thể. Và đó là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó chỉ là cái bóng mờ của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng.
Tôi nghĩ rằng, buổi nói chuyện của Giáo sư F. Jullien rất có ích vì giúp chúng ta nhận biết hàm lượng minh triết thấp trong văn hóa phương Tây dẫn tới quan niệm tiêu cực về minh triết. Nó cũng cho thấy minh triết không phải là sở trường của học giả phương Tây. Từ đó, chúng ta thêm tự tin nghiên cứu minh triết của mình.


                                                                                                                          Sài Gòn, 9.09.

* http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN MINH TRIẾT VIỆT


Xưa nay, nói về minh triết, người ta thường đi tìm định nghĩa hoặc dẫn ra những ví dụ về minh triết. Trong khi vấn đề quan yếu nhất, là nguồn cội của minh triết lại chưa được quan tâm. Trong tham luận nhỏ này, tôi thử đưa ra một vài suy nghĩ ban đầu.
I. Đi tìm cội nguồn minh triết Việt
Trong ý nghĩa nào đó thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa và tỏa năng lượng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Vì vậy, muốn tìm cội nguồn của minh triết, trước hết phải tìm ra cội nguồn văn hóa.
Cho tới nay, rất nhiều người vẫn mang ý niệm truyền thống cho rằng, tổ tiên người Việt từng sống bên sông Dương Tử, khoảng năn 330 TCN bị người Hán xua đuổi, chạy xuống đất Việt Nam hiện tại, chiếm đất của người Nguyên Đông Dương, lập nước Văn Lang. Do lịch sử như vậy mà cả về sinh học, cả về văn hóa, Việt chỉ là bản sao mờ nhạt của Hán. Trả lời Đài BBC tiếng Việt vào tháng Ba năm 2005, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng rằng, chúng ta có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang rồi lính tới, chúng ta bị Hán hóa đứt đuôi!” May thay, đó là tri thức cũ, đã bị thế kỷ XXI loại bỏ!
Nhờ những phát kiến mới nhất về di truyền học, ta biết rằng, khoảng 70.000 năm trước, Người khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi men theo bờ biển Ấn Độ, Pakistan tới Việt Nam. Nhờ môi trường thuận lợi, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết, sinh sôi thành 4 chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ lan ra khắp lục địa Đông Nam Á, châu Úc, các đảo ngoài khơi rồi lên khai phá lục địa Trung Hoa để từ đó lên Siberi, vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.
Khoảng 15.000 năm trước, từ trung tâm Hòa Bình, người Việt cổ mang công cụ đá, cây kê, khoai sọ, lúa nước, giống gia súc lên đất Trung Hoa, bắt đầu gầy dựng nền nông nghiệp nơi này. Tới thiên niên kỷ IV TCN, người Việt sống trên duyên hải Đông Á chiếm tới 54% nhân loại và tạo dựng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước tiến bộ nhất hành tinh.
Sống trên lục địa Trung Hoa, trong hoàn cảnh địa lý và khí hậu khác nhau, các tộc người Việt phân ly thành khoảng hơn 20 nhóm khác nhau, được lịch sử gọi là Bách Việt. Khoảng thiên niên kỷ V TCN, tại vùng hoàng thổ Hoàng Hà, có sự tiếp xúc giữa người Bách Việt nông nghiệp và người du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam, mà theo tài liệu khảo cổ, là chủ nhân văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà, chiếm đất của người Việt. Lãnh tụ Bách Việt là Đế Lai hy sinh, Lạc Long Quân, một lãnh tụ Việt, dẫn đoàn quân dân Việt dùng thuyền ra biển xuống phía nam, đổ bộ vào Nghệ Tĩnh. Do cùng chủng tộc và cùng tiếng nói, đoàn thuyền nhân được người bản địa cưu mang. Sau đó Lạc Long Quân chuyển lên vùng Việt Trì lập nước Văn Lang. Sắc dân Mongoloid trong đoàn di tản hòa huyết với người bản địa, tạo ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, dần dần trở thành đa số. Những người Mongoloid phương Nam mới sinh này là tổ tiên trực tiếp của người Việt (Kinh) hiện đại chúng ta. Nhiều di chỉ mộ táng mà tiêu biểu là khu mộ Mán Bạc, Ninh Bình chứng tỏ điều này.
Khi vào phía nam Hoàng Hà chiếm đất Bách Việt, người Mông Cổ từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của người bản địa. Với thời gian, số lượng người Mông Cổ ít ỏi hòa huyết với người Bách Việt, trở thành người Mongoloid phương Nam, được gọi là Hoa Hạ. Dần dần, như vết dầu loang, chủng Hoa Hạ trở nên thành phần chủ thể trên đất Trung Hoa. Là con cháu của người Bách Việt, người Hoa Hạ tiếp thu nghề nông cùng văn hóa Bách Việt để tạo dựng nền văn hóa Hoa Hạ rực rỡ vào khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN.
Như vậy, bức tranh thời tiền sử Đông Á được vẽ bằng những nét chính sau:
• Tổ tiên người Việt có mặt sớm nhất trên địa bàn Đông Á. Lịch sử người Việt có hai thời kỳ. Thời kỳ đầu từ đất Việt đi lên khai phá Trung Hoa. Thời kỳ sau, từ Trung Hoa trở về xây dựng Việt Nam.
• Người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid xây dựng trên địa bàn Đông Á nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phát triển sớm và rực rỡ nhất thế giới.
• Người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện đại ra đời do sự hòa huyết giữa người Bách Việt nông nghiệp và Mông Cổ du mục, khoảng 2600 năm TCN.
• Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có mặt trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là của người Việt.*
Một phác đồ như vậy về tiến trình lịch sử của tổ tiên, chúng ta có thể tìm ra nhờ hỗ trợ của khoa học nhân loại. Nhưng việc xác định nền văn hóa đó là gì, gồm những yếu tố nào và tác động của chúng ra sao đến sự phát triển tương lai của dân tộc là điều cực kỳ khó mà chúng ta phải tự tìm ra vì không ai làm thay được!
Trên cơ sở phát hiện cội nguồn theo di truyền học và liên kết những tri thức khảo cổ học, nhân chủng, văn hóa học… ta có thể nhận ra những thành tựu văn hóa mà tổ tiên chúng ta sáng tạo trên địa bàn Đông Á:
• Sáng tạo công cụ đá mài, tiêu biểu là rìu đá.
• Sáng tạo Dịch
• Sáng tạo chữ viết
• Sáng tạo cây trồng, gia súc.
• Sáng tạo đồ đồng
• Sáng tạo Lễ, Nhạc, ca dao, tục ngữ…
Tuy nhiên, qua thời gian 4500 năm từ ngày bị xâm lăng, người Việt bị mất đất đai, lịch sử, văn hóa…. Tuy duy trì được giang sơn riêng của Lạc Việt, tộc cuối cùng trong dòng Bách Việt là điều kỳ diệu nhưng rõ ràng chúng ta bị tha hóa. Từ vị trí tiền bối của người Trung Hoa, chúng ta bỗng bị coi như con cháu của họ. Từ vị trí thày dạy người Trung Hoa non trẻ, chúng ta trở thành học trò học mót của họ từ Thi, Thư đến Lễ, Nhạc. Chúng ta mất chữ nên phải học chữ của tổ tiên qua sách Tàu! Tất cả những nghịch lý như vậy biến chúng ta thành kẻ hèn nép bóng Trung Hoa, là cái bóng mờ nhạt của văn hóa Hoa Hạ. Bao thế hệ con cháu lạc đường!
Rất may mắn cho chúng ta là, nửa thế kỷ trước, trong khi những thông tin về nguồn cội, về lịch sử còn rất mù mờ thì triết gia Kim Định bằng dự cảm thiên tài, bằng chiêm nghiệm, quán tưởng, giải mã những truyền thuyết, huyền thoại Việt đã phát kiến ra bản sắc của văn hóa Việt với những đặc trưng sau:
1. Người Việt quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa” : Vũ trụ vận hành đi lên với 3 phần Dương, và 2 phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối mà nay gọi là phát triển bền vững. Quan niệm này trái ngược với văn minh du mục trọng động đẩy vũ trụ vận hành 4 Dương 1 Âm, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy , một sự phát triển quá nóng đưa Trái đất tới hủy diệt.
2. Từ trong bộn bề văn hóa phương Đông với Khổng nho, Hán nho, Tống nho… Kim Định tìm ra Việt Nho: nền văn hóa nguyên sơ của người Việt, mà ông gọi là Nguyên Nho với nội dung: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Việt nho quan niệm trong tam tài thiên – địa – nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chật mà còn sống trong tâm linh, trong tương quan với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt, không vô vi lánh đời mà sống tích cực tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4. Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.

Đấy chính là hạt nhân minh triết tồn tại trong tầng sâu văn hóa Việt. Và cũng chính những hạt nhân này tỏa năng lượng nuôi sống văn hóa Việt hàng vạn năm nay.
2. Minh triết Việt trong kỷ nguyên mới
Cùng một lần ra khỏi châu Phi 85.000 năm trước, nhưng khí hậu và đất đai khác biệt đã chia loài người thành nửa Đông nửa Tây với hai phương thức sống phân biệt. 80% dân châu Âu là con cháu những bộ lạc du mục, trong khi người Á Đông là con cháu của tổ tiên cấy trồng. Phương thức sống khác nhau đã tạo hai văn hóa khác nhau. Phương Tây du mục trong cuộc sống du cư luôn khai thác chiếm đoạt thiên nhiên và tranh giành với đồng loại. Để sinh tồn, họ buộc phải tạo những thủ lĩnh mạnh dẫn dắt bầy đoàn. Từ đó, dẫn tới óc tôn sùng lãnh tụ cùng sức mạnh cá nhân cần cho cuộc sống cạnh tranh, chiếm đoạt. Từ xa xưa, những bộ lạc du mục bên bờ Địa Trung Hải lớn dần, trở nên những thành bang rồi những quốc gia chiếm hữu nô lệ với những người lính và những cuộc xâm lăng cướp bóc. Tiếp đó, văn minh du mục chuyển hóa thành những hội đoàn công nghiệp, thương nghiệp với những đội thương thuyền dọc ngang trên biển buôn bán và chiếm thuộc địa. Trong khi phương Đông nông nghiệp cần ổn định, hợp tác, hòa hợp với thiên nhiên. Đông và Tây, nông nghiệp và du mục khác nhau như nước với lửa.
Hai ngàn năm qua, nói cho cùng, mọi biến động trên thế giới là sự tranh chấp khốc liệt giữa văn minh du mục và văn minh nông nghiệp. Văn minh du mục không chỉ là vó ngựa Mông Cổ mà còn là những cuộc thánh chiến, những cuộc xâm lược của các cường quốc phương Tây, là hai cuộc chiến tranh thế giới, là chủ nghĩa phát xít, là chủ nghĩa Staline toàn trị, là sự tàn phá môi sinh, là cuộc xâm lăng văn hóa đang diễn ra cùng sự xuất cảng suy thoái kinh tế của phương Tây ra toàn cầu… Trước mối đe dọa hủy diệt cuộc sống Trái Đất, nhiều thức giả phương Tây đã « Hành trình về Phương Đông » để tìm bí mật của Tây Tạng huyền bí, về giáo lý đạo Phật, tìm về Khổng giáo, về Lão Tử… Nhưng cho tới nay, điều cần nhất vẫn chưa tìm được! Một sự bối rối lúng túng như F. Julliens thừa nhận : «Với những huyễn tưởng phương Đông, họ tưởng tìm ra Minh triết, nhưng không phải thế. Người ta nghĩ phương Đông là mặt trái của phương Tây, bây giờ phương Tây gặp nhiều vấn đề lủng củng thì họ tìm đến mặt trái của nó để may ra tìm được cái gì hay hơn, tốt hơn. Họ tìm cái phi lý của phương Đông để đối lại với cái khủng hoảng duy lý của phương Tây hiện nay. Họ cho rằng phương Đông là phi lý, không có tính hiệu quả, nhưng tôi thấy rằng phương Đông là duy lý, theo cách của nó. Phương Tây có những vấn đề của nó, vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận. Họ tưởng rằng tìm tới phương Đông là tìm những lời giải đáp cho vấn đề này, nhưng ở phương Đông không hề đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận, chưa từng đặt ra và sẽ không đặt ra. Phương Đông không quan tâm vấn đề này. „* *
Đấy là sự thật, nhưng sự thật này phản ánh sự thất bại của phương Tây vì chưa hiểu phương Đông và cũng là thất bại của phương Đông vì chưa hiểu chính mình.
Giữa thế kỷ XIX, khi nhận ra « Mỗi lỗ chân lông chủ nghĩa tư bản đều ứa máu vô sản », K. Marx và Engels đề xuất chủ nghĩa Cộng sản, mong đem lại công bằng xã hội, cứu rỗi triệu triệu chúng sinh bị đày đọa. Nhưng rồi, sau 70 năm thực hành « chủ nghĩa xã hội hiện thực », chứng kiến những tội ác mà nhiều chế độ cộng sản gây cho con người cùng sự suy sụp của những nền kinh tế phi tư hữu, đại đa số nhân loại đã thất vọng về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng hôm nay, trước cuộc khủng hoàng tài chình toàn cầu do chủ nghĩa tư bản gây nên, dường như nhiều người lại quay về mong tìm thuốc chữa ở chủ nghĩa cộng sản? Nhưng đấy không phải sáng suốt mà phản ánh sự lúng túng, bất lực, cho thấy trí tuệ nhân loại đã tới chỗ khốn cùng !
Muốn giải quyết vấn nạn này, thiết tưởng phải có tầm nhìn bao quát và căn để hơn.
Thực tế cho thấy, chủ nghĩa cộng sản với chủ trương xóa bỏ tư hữu, chuyên chính vô sản, « tước đoạt lại của kẻ tước đoạt »… Nghĩa là vẫn áp đặt chuyên chính của giai cấp này lên giai cấp khác, cho phép sự tuớc đoạt bằng vũ lực của người này với người khác. Hơn nữa, khi tư hữu bị xóa bỏ, con người bị tha hóa… Vì vậy, nó chỉ là cực đối nghịch của chủ nghĩa tư bản và cùng nằm trong quỹ đạo của văn minh du mục. Thực tế lịch sử cho thấy, văn minh du mục đang hủy diệt thế giới !
Vậy liệu có không con đường thoát khỏi ngõ cụt này ?
Đó là con đường trở lại với minh triết phương Đông.
Khi nhìn thấu lịch sử 160.000 năm của Người Hiện đại, ta thấy rằng, 70.000 năm trước, nhóm người tới Việt Nam và Đông Nam Á đã may mắn gặp được địa đàng, tức gặp được điều kiện sống thuận lợi nhất. Trong điều kiện khí hậu mát mẻ, thức ăn dồi dào, người Đông Nam Á sinh sản nhanh, sống tập trung mà mau chóng sáng tạo những công cụ chinh phục tự nhiên. Khoảng 20.000 năm trước, trong khi toàn châu Âu còn phủ băng tuyết, người phương Tây sống vất vả trong những hang băng để săn bắt hái lượm thì người Đông Nam Á bắt đầu thuần hóa cây kê làm thức ăn, chế tác đá mài và suy ngẫm về vũ trụ với Âm Dương, Ngũ hành và phát minh những ý tưởng đầu tiên về Dịch lý. Rồi khoảng 15.000 năm trước, băng hà bắt đầu tan, nước biển dâng, vùng đất Việt Nam và Đông Nam Á trở nên nóng và ẩm : cây lúa nước ra đời. Một hiền giả nói chí lý rằng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Sự định cư, sự đòi hỏi kỷ luật cấy trồng nghiêm nhặt về thời vụ, tưới tiêu, về hạt giống, chăm bón… trong sự khôn ngoan thích ứng với thiên nhiên, buộc con người không chỉ tôn trong tự nhiên mà còn phải tôn trọng năng lực cộng đồng: “Khôn độc không bằng ngốc đàn”, “Một cây làm chẳng nên non”. Tuy vậy cũng đánh giá cao vai trò cá nhân: “Một người lo bằng kho người làm”, “Nó lú nhú có chú nó khôn”… Đấy chính là những hạt minh triết nảy sinh từ văn hóa nông nghiệp Việt tộc, tạo nên cái khôn ngoan phương Đông. Và điều khôn ngoan nhất mà người Việt tích lũy được đó là dịch lý, là sự tương sinh, tương khắc của Ngũ hành, là sự làm ra sách Dịch phản ánh bản thể và sự vận hành cúa vũ trụ cùng nhân sinh. Đó là sự đúc kết Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh, là đạo Việt An vi, là “tham thiên lưỡng địa” là cơ chế bình sản!
Nói ra những điều này hôm nay dường như là sự lạc điệu bởi chủ nghĩa tư bản đang tăng tốc đi theo con đường tự hủy điệt của mình. Hãy nghe ông Barack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ trong lễ nhậm chức:
“Chúng ta vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất, mạnh nhất trên trái đất.” Đấy là sức mạnh của chúa sơn lâm. Nhưng trong kinh Đại Niết bàn, Đức Phật dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” - ăn thịt chúa sơn lâm lại chính là loài sán, loài giun trong bụng nó! Làm sụp đổ nước Mỹ chính là những bệnh hoạn nảy sinh trong lòng nước Mỹ!
Căn bệnh đó là gì?
Tưởng như có lúc ông Obama tỉnh táo nhận ra: “Càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy cách chúng ta sử dụng năng lượng càng khiến kẻ thù của chúng ta mạnh thêm trong lúc trái đất càng bị đe dọa thêm.” Nhưng không phải vậy, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định: “Chúng ta sẽ không xin lỗi vì cách sống của chúng ta và không do dự khi bảo vệ lối sống này.” Thật đáng sợ là căn bệnh ngạo mạn nhiễm vào lục phủ ngũ tạng Mỹ. Theo một thành ngữ Phương Tây, đấy là sự ngạo mạn của con chuột chui sừng bò!
Căn bệnh nan y tàn phá nước Mỹ không gì khác hơn chính là lối sống Mỹ. Tám mươi năm trước, văn hào Nga Marxim Gorky gọi New York là “Thành Phố Con Quỷ Vàng”. Một cỗ máy khổng lồ với vòng xoáy đến chóng mặt, biến tất cả những gì rơi vào đó thành vàng. Nay thì không vậy nữa. Cả nước Mỹ là một Thành Phố Con Quỷ Rác: vòng xoáy ma quái biến tất cả những gì rơi vào nó thành rác! Một người Mỹ tiêu hao năng lượng gấp 50 lần công dân bình thường của thế giới. Nước Mỹ thải ra 1/4 khí nhà kính! Sự tiêu xài quá trớn biến nước Mỹ thành lò lửa ma quỷ đốt vật chất của hành tinh. Như con quỷ đầy quyền năng, chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ kéo cả thế giới vào vòng xoáy của mình. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazinlia, Mehico và nhiều nước khác trở thành những “công xưởng thế giới” chỉ nhằm phục vụ sự tiêu xài Mỹ. Nhưng như mọi người đều biết, tài nguyên hành tinh là có hạn, ngay cả bầu khí quyển bao la kia cũng vô cùng chật hẹp, làm sao có thể thỏa mãn lòng tham không đáy bị chủ nghĩa tư bản nâng lên thành thần tượng của lối sống Mỹ? Và nghịch lý thay, trong khi người Mỹ hoang phí nhất thế giới thì nước Mỹ lại là con nợ lớn nhất hoàn cầu! Ông Obama cố tình quên hay không biết rằng, sự thịnh vượng của thế giới cũng như nước Mỹ thập kỷ qua là giả tạo? Từ sản lượng có thực khoảng 50 ngàn tỷ đô, trò lừa đảo Mỹ đã gian dối tố lên thành con số 500 ngàn để kích động nhân loại vào cuộc đua tiêu phí, đẩy nhân loại vào đại họa thủ dâm kinh tế! Khi tiêu đến đồng đô la thực cuối cùng, sự sụp đổ phải đến!
Do không bắt được căn bệnh Mỹ, thày lang Obama kê toa thuốc cũ mẻm: “Chúng ta sẽ hành động – không chỉ để tạo ra những việc làm mới, mà còn để đặt một nền móng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây dựng cầu, đường, các lưới điện và đường dây kỹ thuật số để cung cấp cho thương mại và kết nối chúng ta lại với nhau. Chúng ta sẽ khôi phục khoa học ở vị trí đúng đắn của nó, sẽ sử dụng các điều kỳ diệu của công nghệ để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và hạ giá thành của nó. Chúng ta sẽ khai thác năng lượng từ mặt trời, từ gió và đất để cung cấp nhiên liệu cho xe hơi và vận hành các nhà máy của chúng ta. Và chúng ta sẽ chuyển các trường học, trường học phổ thông và đại học để đáp ứng các nhu cầu của một thời đại mới.”
Cách chữa trị như thế được người Việt gọi là đau nơi giác nẻo! Nước Mỹ đâu có khốn khổ vì thiếu cầu cống, đường sá, vì giáo dục tồi, khoa học kém?!
Nước Mỹ có thể làm những điều này nhưng không bao giờ lấy lại được niềm tin cũng như sự thịnh vượng xưa! Bảy trăm hay bảy ngàn tỷ kích cầu cũng vô nghĩa như muối bỏ bể, chỉ làm nặng thêm gánh nợ Mỹ. Nước Mỹ có thể phát động vòng xoáy tiêu phí mới! Nhưng thử hỏi, điều gì đang chờ ở cuối cái vòng xoáy oan nghiệt ấy? Phải chăng lại một cuộc khủng hoảng mới?!
Ngay cả khi kịch bản trên được thực hiện thì điều gì sẽ xảy ra, ta có thể thấy trước. Đường sá, cầu cống được xây dựng, nhiều người có việc làm, thu nhập cao và lại thỏa sức tiêu xài. Và những dòng hàng hóa giá rẻ từ khắp nơi trên thế giới chảy vào nước Mỹ. Tại những “công xưởng của thế giới” một số người có việc làm, cuộc sống khá hơn. Nhưng sẽ có hàng triệu người mất ruộng đất, hàng triệu mẫu rừng bị phá hoại, tài nguyên khoáng sản bị khai thác kiệt quệ, môi sinh bị ô nhiễm. Kết quả là hàng triệu người bị bần cùng. Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin, những người khốn khổ sẽ nhận ra sự bất công giữa thiên đường Mỹ và sự khốn cùng của họ. Lúc đó không chỉ có một Bin Ladel đánh bom nước Mỹ!
Nước Mỹ chưa có đường ra. Đó là những gì thấy được từ diễn văn nhậm chức của vị tổng thống mới!
Suy cho cùng, sự sụp đổ kinh tế là hậu quả của sụp đổ văn hóa. Ông Obama cũng như bộ sậu của ông chưa nhận ra điều cốt lõi này!
Và nói chung, nhân loại cũng chưa thức tỉnh !
Nhưng chính lúc này đây, con người phải nhận ra đặc điểm của thời đại mình đang sống để cứu hành tinh, cứu con người trước khi quá muộn. Đặc tính của kỷ nguyên này, từ đau khổ, từ máu, nước mắt và sự thất bại của mình, con người nhận ra : đã tới lúc từ bỏ văn minh du mục, dù là tư bản hay cộng sản để trở về với văn hóa nông nghiệp cội nguồn. Phải chuyển từ kích cầu trở về kiệm ước để đưa thế giới trở lại quan hệ « tham thiên lưỡng địa ». Thiên nhiên với rừng núi, sông biển, hầm mỏ được bảo vệ và khai thác sao cho hiệu quả bền vững. Từ tài sản tập trung cao độ cho số ít trở thành bình sản, trong ý nghĩa tốt đẹp của nó : không còn ai quá giàu đến mức trở thành tai họa với đồng loại và cũng không còn ai trắng tay vô sản…
III. Kết luận
Từ xa xưa người Việt vẫn cảm nhận rằng mình là cháu con của dân tộc minh triết. Những hạt minh triết luôn lấp lánh tỏa sáng trong cuộc sống. Thức giả Việt từng băn khoăn tìm một định nghĩa minh triết và liệt kê nhiều nhiều biểu hiện của minh triết. Nhưng chưa ai biết nguồn cội minh triết là gì. Cho đến nửa thế kỷ trước, bằng quán tưởng, bằng giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, triết gia thiên tài Kim Định đã đốn ngộ phát hiện cội nguồn minh triết Việt. Phát kiến lớn về văn hóa Việt của ông được đông đảo sinh viên Sài Gòn một thời hoan hỷ hưởng ứng. Nhưng rồi sau đó học thuyết của ông bị nhiều học giả Sài Gòn phản bác. Tiếp theo là giải phóng miền Nam, sách của ông bị coi là phản động, bị cấm đoán. Hơn 40 năm, những phát hiện mới mẻ, “động trời” khiến có thể khơi dậy hiểu biết cùng lòng tự hào dân tộc bị bỏ quên hoặc phủ nhận một cách oan uổng, trong khi khoa học xã hội nhân văn của chúng ta lạc đường.
Nay, khi khoa học nhân loại cung cấp những chứng cứ xác thực giúp tìm lại cội nguồn sinh học cũng như cội nguồn văn hóa của dân tộc thì cũng là lúc chúng ta xác lập được cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định. Là người mấy năm nay tiếp cận với học thuyết Kim Định, đã đọc qua gần như toàn bộ trước tác của ông, hơn 40 quyển, và viết một số bài phê bình cũng như bảo vệ ông, tôi nhận thấy, tuy có những sai lầm và hạn chế nhưng cống hiến của triết gia thiên tài này cho văn hóa đất nước là rât lớn. Việc nghiên cứu di sản của ông sẽ tạo giai đoạn mới cho sự phát triển của học thuật và văn hóa Việt. Điều quan thiết là nó giúp định hướng cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại trong kỷ nguyên mới.

                                                                                                                                   Sài Gòn 14.9.09

Tham khảo                                                                                                                
* Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
**F. Jullien- Bài nói tại Trung tâm Minh triết Việt Nam, tháng 9.2008. http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

ĐÀN XÃ TẮC THỜ AI?


Nói về Đàn Xã tắc, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi: “Là một trong các loại đàn tế cổ, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước.” Theo tác giả Đào Duy Anh trong quyển Từ Điển Hán Việt, “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết "Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô VN và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc".

Đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư: Sách Đại Việt sử lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô như sau:
"Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế".
Tuy nhiên đến nay thì phần lớn các di tích cung điện thế kỷ X tại Hoa Lư vẫn chưa được phát hiện.
Đàn Xã Tắc nhà Lý tại Hà Nội: Tại Hà Nội, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048) tại tại ngõ Xã Đàn 1 (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), đến sau thời Vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, tình cờ được tìm thấy lại vào tháng 11 năm 2006, khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn tại Huế: Vào năm Gia Long thứ 5 (tức năm 1806) đàn Xã tắc đã được dựng lên bên trong Kinh thành Huế (trước đây thuộc xã Hữu Niên, sau là phường Ngưng Tích), thuộc địa phận phường Thuận Hòa (thành phố Huế ngày nay) để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa giúp mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử và không được quan tâm bảo quản đúng mức, đàn tế Xã Tắc ngày nay hầu như đã bị hủy hoại hoàn toàn.
Hiện nay tại Trung Quốc có 3 nơi còn Đàn Xã Tắc: ở Nam Kinh, Trung Đô và Bắc Kinh.
Vừa qua, vào tối 24-3-2009, tại Thừa Thiên-Huế, lễ tế Xã Tắc được cử hành long trọng.

Như vậy, tế Đàn Xã Tắc là đại lễ cổ truyền, có từ thời Đinh, truyền qua Lê, Lý tới nhà Nguyễn và ngày nay, sau nhiều năm gián đoạn, Nhà nước Việt Nam khôi phục lễ tế lớn này. Dựa theo những nghi lễ trang trọng trong lễ tế được tường thuật trên báo chí, chúng ta thấy vai trò quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng của lễ tế Xã Tắc trong tâm linh và văn hóa của người Việt.
Chính điều này giục chúng tôi đi sâu tìm hiểu ý nghĩa đích thực của lễ tế Xã Tắc.

Trước hết, cần xét xem, thực chất Đàn Xã Tắc thờ ai?
Trong nguyên văn chữ Hán, xã tắc gồm 2 từ ghép lại: Xã (社) và Tắc (稷).
Xã là thần Đất, còn Tắc là tên một loại kê. Theo Giáo sư Ho Ping-Ti trong cuốn Nguồn gốc phương Đông ( The Cradle of the East, 1977), ở Trung Quốc có 2 giống kê khác nhau là Setaria và Panicum. Giống Setaria có một loài S. italica, gọi theo tiếng Hoa là su (粟- túc). Giống Panicum có loài P. miliaceum, với hai loài phụ mà tiếng Hoa gọi là shu (黍- thử) và ji (稷- tắc). 稷 cũng chính là chữ được dùng trong đàn Xã Tắc (社 稷). Xã có nghĩa là nền thờ thổ thần. Thử tra xem “tắc” có nghĩa gì?
Từ điển Thiều Chửu giảng:
“Lúa tắc, thứ lúa cao, cây dài đến hơn một trượng, là một giống lúa chín sớm nhất, ngày xưa cho là thứ lúa quý nhất trong trăm giống lúa, cho nên chức quan coi về việc làm ruộng gọi là tắc”
Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng: “Tắc [ji] 1. hạt kê. 2. Xã tắc: Sơn hà xã tắc; 3 (văn) Chức quan coi việc làm ruộng; 4 (văn) nhanh mau; 5 (văn) Xế, xế bóng.”
Chúng tôi thấy cách giải của Thiều Chửu thiếu thuyết phục. Về mặt thực vật học, lúa là cây ngắn ngày, chỉ trong khoảng “ba giăng” đã từ hạt lúa sinh ra hạt lúa nên cây cần rút ngắn thời gian sinh trưởng. Vậy “cây dài đến hơn một trượng,” (từ 1,7 m đến 4 m), tức phải dành thời gian nhiều hơn để tạo thân, lá thì không thể chín sớm, mà lại chín sớm nhất được!
Cách giảng của học giả Đào Duy Anh: “Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông” cũng không thỏa đáng. Nếu chỉ với mục đích vụ lợi như vậy thì giải thích vì sao người ta thờ hòn đá hay cây đa cổ thụ? Rõ ràng là, ngoài cầu mong lợi ích, việc thờ thần Xã Tắc còn mang yếu tố tâm linh. Đây chính là vết tích của tín ngưỡng bái vật phổ biến trong cộng đồng dân cư cổ.
Cách giải của Trần Văn Chánh dựa vào sách Trung Hoa, có thể đúng với người phương Bắc nhưng lại không thỏa mãn người phương Nam.
Cách giải của Wikipedia “Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - vị thần của nền văn minh lúa nước” có lẽ vừa lòng chúng ta hơn cả. Tuy nhiên chưa có chứng cứ thuyết phục.
Cần sự lý giải thế nào?

Theo quan niệm cổ điển:
Các sách cổ nhất của Trung Hoa như Thượng Thư, kinh Thi, Sử ký cho rằng, vào thời Nghiêu, Thuấn, Vũ, ông Quỳ học được cách trồng kê và dạy cho người Trung Quốc, được phong là người đứng đầu ngành nông nghiệp, được Đế Thuấn gọi là Hậu Tắc với nghĩa là ông vua trồng kê, ông vua của nghề nông. Đến khi giành được nước, nhà Chu lập đàn tế tổ cùng với Xã thần, gọi là Đàn Xã Tắc. Ở các triều đại về sau, “Tắc” với nghĩa vị tổ nhà Chu phai nhạt, chỉ còn lại nghĩa vị thần nông nghiệp. Khổng Tử điển chế lễ tế quan trọng này trong kinh Lễ và truyền cho hậu thế. Thời Bắc thuộc, các thái thú, tiết độ sứ sang Giao Chỉ cai trị, cử hành lế tế Xã Tắc theo quy định của triều đình trung ương. Lúc này, ý nghĩa tế tổ nhà Chu đã mất, chỉ còn lại ý nghĩa thờ cúng vị thần của nghể nông. Trong dân gian Việt Nam từ xa xưa có tục thờ thần Lúa, thần Kê… Nên khi thấy quan cai trị thờ các vị thần của mình một cách trân trọng, quy củ thì học theo, gọi nôm na là tế Thần Nông. Đến khi nắm quyền tự chủ, các vị vua người Việt tiếp tục tín ngưỡng này.

Theo quan niệm hiện đại:
Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, ta có cách giải nghĩa phù hợp hơn với sự thật lịch sử.
Khoảng 20.000 năm trước, đang trong thời Băng hà, băng giá bao phủ phần lớn Trái đất. Khí hậu Đông Nam Á tương đối ấm nhưng khô. Người Hòa Bình Việt Nam bắt đầu biết thuần hóa cây kê thành cây lương thực. Hàng nghìn năm, kê nuôi sống người Đông Nam Á. Sau đó, người Việt cổ thuần hóa được những giống lúa trồng khô, gọi là lúa nương hay lúa lốc. Khoảng 15000 năm trước, băng tan, nước biển dâng, mưa nhiều hơn, Đông Nam Á có khí hậu nóng và ẩm. Một số giống lúa lốc phát triển tốt trong môi trường ẩm nên được đưa xuống ruộng nước. Một phát minh kỳ diệu: lúa nước ra đời! Cả kê, lúa nương và lúa nước được người Việt cổ đưa lên phương Bắc. Tại vùng hoàng thổ nam Hoàng Hà, do quá khô hạn, lúa nước không sống được nên kê làm chủ soái. Người Việt cổ đã sáng tạo tại đây văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều. Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ từ phía Tây Bắc vuợt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt. Tại vùng hoàng thổ, dân cư các bộ lạc của Hoàng Đế từ bỏ lối sống du mục, học cách trồng kê của người Việt. Học cách trồng, họ cũng học tên gọi loài cây có hạt được trồng phổ biến nhất là “kê” - “ji”, theo biến âm k  j. Khi chuyển ký tự tượng hình của người Việt thành chữ vuông, ji được viết là 稷.
Khi các thái thú sang cai trị, phát âm 社 稷 là “shè ji” rất gần với “xã kê”. Người Việt, vốn là cụ tổ của nghể trồng kê, từ xa xưa có tín ngưỡng thờ thần Kê và thần Lúa, gọi là Thần Nông. Thấy vị thần mà các quan cai trị thờ cúng trang trọng cũng là vị thần của mình thì ưng cái bụng.
Như vậy, người Việt vốn là chủ nhân đầu tiên của nghề trồng kê. Cây kê được đưa lên bên sông Hoàng Hà. Tổ nhà Chu học nghề trồng kê của người Việt, được tôn xưng là Hậu Tắc và lập đàn tế với hai tư cách: vừa là tổ nhà Chu, vừa là vị thần mở mang việc trồng kê. Khi tín ngưỡng Xã Tắc được đưa xuống Việt Nam vào thời Bắc thuộc, người Việt nhận ra “shè ji” là hai vị thần cổ của mình nên đã thờ cúng theo điển chế của kinh Lễ. Sau này do vai trò cây kê bị lu mờ, nên Tắc (稷) được coi là Thần Nông và lễ tế Xã Tắc được hiểu là lễ tế Thần Đất và Thần Nông.

Đấy là cách lý giải do chúng tôi đề xuất. Nhưng sau đó tôi được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thanh gốc Triều Châu đang sống tại Hoa Kỳ bổ sung những dòng quý giá sau:
“Ngày xưa cúng Xã và cúng Tắc riêng. Sau đó mới kết hợp lập đàn Xã Tắc mà cúng bái. Cúng Xã có tích từ người dân tộc Cống, phía nam Dương Tử, nơi có sáng kiến đắp đất lên cao cho dân tạm trú khi bị lũ lụt, gọi là một “xã” là một đàn đất đủ cho khoảng 25 hộ gia đình cư trú. Người Cống hay người Lang-Sang tức là Văn-Lang điều làm vậy. Về sau dân gian lập đàn cúng để nhớ ơn người có sáng kiến này. Ngoài ra nó còn ý nghiã khác: cúng Xã biến thành lễ cầu mưa thuận gió hòa. Sau này kết hợp chung với lễ cúng "Thần Nông" để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đàn cúng lập trên nền đất gọi là đàn Xã (社) Tắc (稷).Tiếng Quảng đông đọc là "Xẽ Chích", tiếng Bắc Kinh là "Xướ Chia", tiếng Triều Châu là “Xeae-tsek”. Tắc là lúa Tắc, một loại nếp thơm ngon, ngày xưa được tôn làm "Thần lúa". Quan Nông nghiệp thời vua Vũ được gọi là Tắc chánh. Chữ Tắc biến âm thành Túc (粟).Lúa Tắc hay lúa Túc lại biến âm thành lúa Thóc. Nhưng đối với phương Bắc-Bắc Kinh thì Túc, Tắc lại là Kê, Bo bo - Cao lương. Cúng đàn xã - tắc được kết hợp từ thời Xuân thu - chiến quốc, có thể tìm thấy trong Xuân Thu truyện và Trang Tử truyện v. v...”
Như vậy, sự việc trở nên tõ ràng, tế Xã Tắc là phong tục lâu đời của dân nông nghiệp phương Nam. Người Trung Hoa đã học phong tục này cùng với nghề nông từ người Việt.
Nhà nghiên cứu dân gian này gợi phát hiện quan trọng: nhiều yếu tố văn hóa Việt đang sống trong cộng đồng dân Việt ở Lưỡng Quảng, Phúc Kiến. Vì vậy nếu chỉ dựa trên thư tịch chữ Hán để lý giải các hiện tượng văn hóa sẽ dễ dẫn tới ngộ nhận.

                                                                                                Sài Gòn, tháng 4 năm 2009

BÀN LẠI VỀ GỐC TÍCH AN DƯƠNG VƯƠNG


Trong những sự kiện lịch sử còn chưa đạt được đồng thuận, có vấn đề về gốc tích của An Dương Vương. Tuy triều đại An Dương Vương được thừa nhận là chính thống nhưng việc chưa minh định được gốc tích của ông cũng là điểm mờ trong sử Việt. Vì vậy việc minh bạch hóa sự kiện này là đòi hỏi bức xúc không chỉ của ngành sử mà cả của cộng đồng. Chúng tôi xin trình bày quan điểm của mình.

Tuy đặt ra “Kỷ nhà Thục” nhưng về nhân thân của Thục Phán, sách Toàn thư chỉ ghi vắn tắt: “Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa).”
Chắc rằng khi đặt bút viết những dòng này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã đọc phần Thục chí trong Tây dương quốc chí đồng thời tham khảo những truyền thuyết trong Lĩnh Nam chích quái. Tuy vậy, việc trích dẫn quá cô đọng đã khiến người sau hoài nghi. Sách Cương mục tân biên, cuốn sử của triều Nguyễn nhận xét: “Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh vương nhà Chu (316 TCN) đã bị nước Tần diệt rồi, làm gì có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiện Vi (nay tuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, Cùng, Túc, Nhiễm Mang… cách hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy Văn Lang? Hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang còn có họ Thục khác, mà sử cũ nhận là Thục Vương chăng?”
Mối nghi ngờ của Cương mục đã gợi cho một vài người đưa ra ý tưởng cho rằng họ Thục là thủ lĩnh của nhóm Âu Việt hay Tây Âu vùng Cao Bằng. Một vài người khác hoàn toàn phủ định nguồn gốc Ba Thục rồi dựa vào địa danh trong truyền thuyết để cho rằng họ Thục chủ của vùng Yên Bái-Đào Thịnh:
“Trước đây có nhận định cho rằng, Thục Phán là người của nước Ba Thục - một quốc gia cổ đại của Trung Hoa thuộc vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tuy nhiên, với khoảng cách quá xa như vậy, Thục Phán không thể nào cất quân xa đến 500 - 700km hiểm trở để đánh nhau với Hùng Vương ở tận Phú Thọ. Vì vậy, nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán bị loại trừ.”
“Những năm 70 của thế kỷ XX, có ý kiến cho rằng, Thục Phán quê ở Cao Bằng, vì trong truyền thuyết "Chín chúa tranh vua" lưu hành ở đây nói Thục Phán xuất phát từ Cao Bằng cất quân đánh Hùng Vương. Nhưng các địa danh được nhắc đến trong truyền thuyết đều là những địa danh thuộc vùng Yên Bái - Nghĩa Lộ, nơi mà cách đây hơn nửa thế kỷ, giới khảo cổ học phát hiện nhiều di vật văn hóa đồng thau nổi tiếng. Tiêu biểu là thạp đồng ở Đào Thịnh, mà thạp đồng như là hiện vật tượng trưng cho những thế lực hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.”
“Các địa danh ở Cổ Loa là những bản sao của địa danh ở Yên Bái, đó là việc Thục Phán và cư dân Âu Lạc đã từ Yên Bái về Cổ Loa định cư, mang theo về đây địa danh từ quê hương phát tích của An Dương Vương và Âu Lạc.”(1)
Có thể đây là những đóng góp quý khiến lịch sử thêm chi tiết và sống động. Tuy nhiên, An Dương Vương là sự kiện lớn, nếu không gắn nó với lịch sử chung của khu vực mà chỉ bó hẹp trong những truyền thuyết mang tính địa phương sẽ thiếu đi cái nhìn toàn cục. Phải nhìn Thục Phán - An Dương Vương trong bối cảnh dân cư, văn hóa chính trị chung của vùng.
Nay ta có những cứ liệu chắc chắn rằng, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ gồm bốn chủng là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negretoid từ Việt Nam di cư lên khai phá Trung Hoa. Hành lang Tây Bắc  Vân Nam  Tứ Xuyên là con đường huyết mạch đưa văn hóa Hòa Bình lên phía Bắc. Khoảng 15000 năm trước, lúa nước, cây kê, gà, chó cùng dụng cụ Đá mới cũng từ Hòa Bình theo con đường này đi lên. Sau đó là kỹ thuật đồng thau. Khoảng 2800 năm TCN, đồng thời với nước của Đế Lai ở phía Bắc Dương Tử, Xích Quỷ của Lạc Long Quân ở Nam Dương Tử là nước Thục ở phía Tây, sát với biên giới Xích Quỷ. Sách Toàn thư nói rõ chuyện này. Đến nay, nhờ các dữ liệu di truyền học, ta biết chắc rằng, cư dân các quốc gia, các vùng đất trên đều là người Việt. Thời gian này người Hán chưa ra đời.
Do môi trường sống thuận lợi, lại tiếp thu sớm văn hóa Hòa Bình, vùng Ba Thục trở thành trung tâm kinh tế văn hóa hàng đầu của các tộc Việt trên đất Trung Quốc. Khảo cổ học phát hiện những công cụ đồng thau sớm chỉ sau Phùng Nguyên và rất tinh xảo cùng với những thành quách. Nước Thục có thể mất một phần lãnh thổ vào thời Thương, Chu nhưng vẫn độc lập, không thần phục nhà Chu. Đến thời Tần, nước Thục bị diệt.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong bài Bốn nghìn năm văn hiến (2) viết:

Theo “Hoa dương quốc chí” q.3, Thục chí:
“Vua Vũ nhà Chu đánh vua Trụ cùng với nước Thục. Đất Thục phía đông liền với nước Ba, phía Nam giáp với nước Việt, phía bắc phân giới với nước Tần, phía Tây gồm núi Ngọ và núi Phồn, đất ấy xưng là Thiên Phủ”.
Nước Thục giao thông với bên ngoài rất phát đạt. Sự giao thông ấy lấy Điền (Vân Nam) và đất Kiềm làm chủ yếu, mà sự mở mang đất Vân Nam lại hướng vào nước Thục làm trọng tâm để buôn bán mậu dịch. Vân Nam với Bắc Việt liền tiếp với nhau, từ thời cổ xưa hai miền giao thông rất thịnh, cho nên thời cổ sự giao thông giữa Tứ Xuyên với Bắc Việt chắc hẳn là tấp nập. Bấy giờ miền hạ lưu sông Trường Giang chưa có ảnh hưởng khai hóa của Hán tộc, mãi đến thời Chiến quốc (dân mà người Hán gọi là man di phía Tây trong vùng Tứ Xuyên – Bắc Việt, và “Tây nam di ở Điền, Kiềm (Vân Nam, Quý Châu ngày nay), nước Tần, nước Sở đang đua tranh vũ lực để thôn tính, kết quả là vua nước Sở Trang Kiêu làm vua Điền (Vân Nam) nước Tần, chiếm lấy nước Ba, nước Thục, nước Kiềm tức Quý Châu.”
Theo Hoa dương quốc chí q.1, Ba chí viết: “Chu Thuận (Thuyến) làm vua 5 năm (316 tr.cn) vua nước Thục đánh chúa Tư, chúa Tư chạy vào nước Ba, nước Ba xin nước Tàu cứu. Vua Tần Huệ Văn sai Trương Nghi, Tư Mã Thác đi cứu nước Tư, Ba, bèn đánh nước Thục mà diệt đi.”
“Hoa dương quốc chí” q.3 mục Thục chí viết:
Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm, quan đại phu nhà Tần là Trương Nghi, Tư Mã Thác, Đô uý Mặc cùng theo đường Thạch Ngưu đánh nước Thục. Vua nước Thục từ đất Hạ Manh chống cự, thất bại, vua chạy trốn đến đất Vũ Dương bị quân Tần giết hại. Tướng, Phó cùng Thái tử rút lui về Bàng Hương, chết ở dưới núi Bạch Lộc, họ Khai Minh mới hết, làm vua nước Thục 22 đời.”
Lã Sĩ Bằng trong “Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam” suy diễn sử kiện trên đây như sau:
“Xét về việc vua Thục bị ở đất Vũ Dương, ngày nay là Bái Sơn vị trí ở phía nam Thành đô, tên bờ sông Manh khoảng giữa đến như Bàng hương núi Bạch Lộc ngày nay ở đâu thì không thể tìm xét, chỉ nên hiểu là ở phía nam núi Bành, thế nhân vì quân Tần từ phía bắc xuống miền Nam, tập đoàn ngừơi Thục chống đối quân Tần bị thua mà hướng phương Nam để thoát lui vậy. Từ đấy về sau 59 năm có lịch sử đích thực là vua Thục Phán làm vua Việt. Chúng ta có thể suy định rằng vua Thục bị bại ở Vũ Dương, quan Tướng, Phó, Thái tử đều chết ở núi Bạch Lộc, sau đấy đảng vua Thục còn lại mới suy tôn con hay cháu nhà vua lên tiếp tục chạy về phương Nam, theo hạ lưu sông Manh tiến vào khu đất tiếp giáp giữa Qúy Châu và Vân Nam thuộc phạm vi thế lực người Sở… Nhưng khu đất giao tiếp giữa Quý Châu (Kiềm) và Vân Nam (Điền) thời Hán là Trường Kha là đất thuỷ lão nghèo nàn. Thục vốn là nước Thiên phủ, người Thục khó ở lâu tại đất ấy được, và thế lực quân Tần đang rất mạnh, dòng dõi vua Thục hết hy vọng khôi phục lại đất cũ mới tìm phát triển về phương Nam tiến vào đất bình nguyên Bắc Việt, khí hậu ôn hòa, nông sản phì nhiêu, cùng với Hùng Vương tranh chiến, nhiều phen thất bại đến đời Chu Bảo Vương năm 518 (tr.cn 257) mới chinh phục được Văn Lang.”
“Từ Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm (316 tr. Tây nguyên) nước Thục mất về nước Tần, cho đến Chu Báo làm vua 58 năm (257 tr. Tây nguyên) An Dương Vương là Thục Phán xưng vua ở Việt nam, thời gian cách nhau là 59 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nước Thục chịu sự áp bách của thế lực quân sự nhà Tần, tập đoàn chống đối quân Tần dần dần đi xuống phương Nam đi vào bắc bộ Việt nam, cùng với vua Hùng Vương nuớc Văn lang đánh nhau tranh dành. Lúc đầu vì thế lực còn yếu, luôn luôn bị thua, mãi sau mới chinh phục được Văn lang. Và việc An Dương Vương từ nước Thục đi vào nước Việt, thì sách sử xưa của Tầu và Việt đều không ghi chép lịch trình tiến triển, nhưng cuộc chiến tranh giữa nước Tần và nước Thục có thể tìm thấy dấu vết ở cuộc thiên di về phương Nam của tập đoàn vương thất nước Thục chống đối với nhà Tần.”
“Sự hiện diện của Bách bộc do Thục An Dương Vương với tập đoàn nhà Thục từ Tứ xuyên đi xuống qua Qúy Châu và Vân nam phía Tây Bắc việt ngày nay mà di tích là kiểu thành Cổ loa vốn của nước Ba thục.” (2)

Từ các tư liệu lịch sử ghi lại, ta biết, Thục là nhà nước độc lập với Văn Lang. Khối dân Thục của cha con Thục Phán là ngoại bang nhưng đồng tộc với người Việt của Hùng Vương. Điều này phù hợp với sử sách và truyền thuyết nói họ là nhóm Âu Việt. Nhóm Âu Việt này sống ở Tây Bắc khoảng nửa thế kỷ. Những xung đột dài dài với Hùng Vương còn được ghi nhận trong truyền thuyết. Có điều nổi bật là nhóm người này tuy ngoại bang nhưng không ngoại tộc, không những đồng chủng mà còn đồng văn với dân sở tại, vì tổ tiên người Thục hàng nghìn năm trước từ vùng này đi lên. Vì vậy, ta có thể đoán là nhóm người Thục không gây nên căng thẳng sắc tộc với người địa phương mà nhờ sự khôn khéo của mình, họ đã thu phục được dân địa phương, tạo sức mạnh quân sự cho mình đồng thời gây ảnh hưởng chính trị, tinh thần tới khối dân Việt của Hùng Vương. Điều này giải thích vì sao, cuộc xâm lăng chiếm đoạt ngôi vị của Thục Phán diễn ra khá êm xuôi, không để lại vết hằn trong lịch sử.

Như vậy là, trong khoảng nửa thế kỷ, từ khi nước Thục bị diệt, hậu duệ nhà Thục trốn nạn diệt vong, xuống phương Nam, theo con đường Bắc tiến của tổ tiên xưa và con đường thương mại truyền thống. Năm bảy trăm cây số không phải là quãng cách mà đội quan quân nhỏ không thể vượt qua để tìm đường sống. Tôi đoán rằng, vua Hùng chẳng thú vị gì chuyện một binh đội quan quân của nước khác đến ở nhờ. Có điều, không dễ đuổi một đội quân đã cùng đường. Và cuộc chiến giữa hai bên là không thể tránh. Ta cũng biết, để chiến thắng Hùng Duệ Vương, nhà Thục phải mất hai đời, từ Thục Chế (cha) tới con là Thục Phán mới hoàn thành.
Lịch sử hầu như không ghi chép chi tiết cuộc chiến này nên những người sau học sử cho rằng đó là cuộc chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng. Nhưng thực tế không vậy. Ký ức dân gian ghi nhận nhiều sự kiện về cuộc chiến giữa vua Hùng và giặc Thục tập trung trong vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên, địa bàn của bộ Văn Lang xưa. Đó là truyện Hùng Lộc đại vương bị chặt đứt đầu, đã lấy vải buộc cổ lại để tiếp tục chiến đấu. Khi giặc rút thì ngã xuống chết, mối đùn lên thành đống, dân lập đền thờ. Truyện Đinh Công Tuấn đánh nhau với quân Thục Phán, tới thế cùng, nhảy xuống sông tự vẫn. Hiện ở vùng này còn ngôi miếu thờ vợ chồng thầy giáo hy sinh trong việc chống lại quân Thục.
Từ sự kiện lịch sử có thực đó, ta có thể đặt câu hỏi: vì sao người Lạc Việt dễ dàng chấp nhận cuộc xâm lăng của ngoại bang, xóa bỏ một triều đại Hùng Vương kéo dài hàng nghìn năm, gắn bó với họ sâu nặng trong nhiều truyền thuyết tạo rường cột của văn hóa Lạc Việt? Theo thiển ý, có thể là, do trị vì quá lâu, dòng Hùng Vương suy đồi, không đáp ứng nổi những đòi hỏi của cuộc sống. Trước những biến chuyển mới của thời đại, cần phương cách lãnh đạo mới. Thục Phán có lẽ là người đáp ứng được đòi hỏi này. Vì vậy, khi cuộc xâm lăng xảy ra, sức chống trả của gười Lạc Việt không thật dữ dội. Và sau khi nắm quyền, với tài năng của mình, ông khéo léo lãnh đạo dân chúng Việt qua các lạc hầu lạc tướng, tạo sức mạnh trong việc dời đô về Cổ Loa và chuẩn bị chống quân Tần.

Một câu hỏi mà tôi phân vân từ lâu: Tại sao, vừa thắng Hùng Vương năm trước thì ngay năm sau An Dương Vương dời đô về Cổ Loa? Đây là tư tưởng chiến lược lớn, chỉ có được ở những người có tầm vóc lớn. Một thủ lĩnh vùng ở Yên Bái với nhân số ít và nguồn lực nhỏ liệu có được tầm nhìn này, tầm nhìn vượt qua trí tuệ của các vua Hùng? Khi còn chịu ảnh hưởng của ý tưởng cho rằng Thục Phán là thủ lĩnh vùng Tây Bắc, tôi không lý giải được điều này. Nhưng sẽ là bình thường nếu đấy là hậu duệ của nhà Thục, của dòng họ Khai Minh, dòng họ lớn từng đối đầu với người xâm lăng Mông Cổ, với các quốc gia Thương, Ân, Chu, Tần. Đánh trận, đắp thành là những điều sống còn mà người Thục trải qua hơn nghìn năm rồi! Người xưa và lịch sử đã đúng khi chấp nhận Thục là vương triều chính thống và ca ngợi công lao của ông đối với dân tộc. Với những trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng Đại Việt sử ký toàn thư đã đúng khi viết Thục Phán người nước Thục. Nhận xét của sách Cương mục tân biên chỉ là suy luận nông cạn không có cơ sở.


Tham khảo
1. Bùi Thiết. Quê hương của An Dương Vương ở đâu?
http://www.baomoi.com/Home/DuLich/bee.net.vn/Que-huong-cua-An-Duong-Vuong-o-dau/3577879.epi
2. Nguyễn Đăng Thục. Bốn nghìn năm văn hiến. Hoadam.net