QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VỚI ĐÔNG Á VÀ ĐÔNG NAM Á

  

Một câu hỏi từ lâu trăn trở trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta: Việt Nam thuộc Đông Nam Á nhưng tại sao lại gần gũi về nhân chủng và văn hóa với Đông Á hơn so với các nước Đông Nam Á? Nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng có lẽ câu trả lời được nhiều người đồng thuận hơn cả là: do thời gian dài Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ. Vào năm 2005, trả lời đài BBC tiếng Việt, Giáo sư Trần Quốc Vượng tuyên bố: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng là, Việt Nam có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang này rồi lính tới. Chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi.” Tuy nhiên, từ những khám phá của thế kỷ mới, khoa học đưa ra cách nhìn khác.

Muốn hiểu mối quan hệ giữa Việt Nam với Đông Á và Đông Nam Á thì ngoài yếu tố địa lý, phải xác định được quá trình hình thành dân cư và văn hóa khu vực. Đó là công việc mà ở thế kỷ trước, khoa học đành bất lực. Nhưng sang thế kỷ XXI, những phát hiện di truyền học và khảo cổ học tìm giúp ta câu trả lời.

 

                                            Người Việt đi ra mở mang thế giới

 

I. Quan hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á.

1. Về nhân chủng

Những khảo cứu mới cho thấy, 70.000 năm trước, người di cư châu Phi theo ven Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á. Lúc này đương trong Kỷ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Đông Nam Á là đồng bằng Sundaland rộng lớn. Khi tới đất Indonesia, dòng di cư chia đôi. Một nhóm nhỏ theo hướng Đông đi tiếp tới châu Úc. Một nhóm theo bờ Tây đảo Borneo lên phía Bắc. (1) Không hiểu do cái duyên nào của Tạo hóa, đoàn người tới miền Trung Việt Nam và dừng lại. Tại đây, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid gặp gỡ, hòa huyết, sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc mã di truyền Australoid. Trong đó người Indonesian là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. Tiếp sau là người Melanesian. (2) Cũng không hiểu, do bí ẩn kỳ diệu nào mà trong khi số đông quần tụ ở khu vực Trung Việt thì có những nhóm nhỏ người Mongoloid không chịu chơi với ai, “dại dột” đi tới vùng giá lạnh Tây Bắc rồi khi không thể vượt qua băng hà, đã dừng lại để săn bắn hái lượm tại đây. Không ngờ rằng chính những nhóm người nhỏ nhoi này về sau làm nên điều kỳ diệu: sinh ra toàn bộ dân cư châu Á hiện đại!

50.000 năm trước, người Việt cổ lan tỏa ra chiếm lĩnh các đảo Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng đi về phía Tây chiếm lĩnh đất Ấn Độ, lúc này vô chủ do những người tới trước đó bị phun trào của núi lửa Toba 74.000 năm trước hủy diệt. Sau nhiều hoài nghi và tranh cãi, khoa học thừa nhận, đây là lớp dân cư đầu tiên trên các đảo Đông Nam Á.

Những khảo cứu khoa học cũng phát hiện, vào khoảng 30.000 năm trước, có đợt di cư thứ hai của người Việt cổ bổ sung dân cư cho vùng hải đảo.

Đợt di cư thứ ba diễn ra khoảng 4000 năm trước: người Mongoloid phương Nam từ Nam Trung Quốc và Việt Nam vượt biển ra các đảo, chuyển hóa di truyền dân cư các đảo Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Đợt di cư này mang theo cây lúa, làm nên nông nghiệp lúa nước trên các đảo Đông Nam Á.

Đấy là bức tranh tổng quát. Nhưng cần có cái nhìn sâu sắc hơn để hiểu được vấn đề. Người Việt cổ từ Việt Nam đi ra gồm ba chủng: Người Melanesian đông nhất. Tiếp theo là Indonesian. Hai chủng da đen Negrotoid và Vedoid hòa trộn thành chủng thiểu số Negrito, sống quần tụ với nhau tại Andaman trên đất Ấn và rải rác trên các đảo Đông Nam Á. Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, khi người Mongoloid phương Nam từ lưu vực Hoàng Hà đi xuống, dân cư Việt Nam và Đông Nam Á có sự chuyển hóa như sau: chủng người Indonesian chuyển thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó, chủng Melanesian chuyển thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. (2)

Di truyền học và khảo cổ học phát hiện: khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Điều này xảy ra chậm hơn ở phía Nam: tới đầu Công nguyên, toàn bộ dân cư các đảo Đông Nam Á cũng thành người Mongoloid phương Nam. Hiện tượng được nhân học gọi là Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á đang được khoa học giải thích theo hai cách khác nhau. Đa số học giả quốc tế cho rằng: Có hai con đường di cư của người châu Phi sang phương Đông. Con đường phương Nam làm nên lớp dân cư Đông Nam Á bản địa, mã di truyền Australoid. Con dường di cư phương Bắc làm nên nông dân Trung Quốc mang gen Mongoloid. Một lượng lớn nông dân Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Đông Nam Á mang mã di truyền Mongoloid hôm nay. 

Tôi đề xuất kịch bản khác: chỉ có con đường di cư duy nhất phương Nam. Người Mongoloid tới Việt Nam sau đó đi lên Mông Cổ, làm nên người Mongoloid phía Bắc châu Á. Khoảng 7000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà, người Mông Cổ phương Bắc lai với người Việt Australoid sinh ra người Mongoloid phương Nam. Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, diễn ra cuộc di cư từ từ của người Mongoloid phương Nam xuống Việt Nam. Trong khoảng nửa thiên niên kỷ, họ gặp gỡ và chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Không có chuyện khối lượng lớn người nông dân Trung Quốc xuống “thay thế” dân cư bản địa bởi hai lẽ:

i. Thứ nhất, nếu vậy, người Việt Nam phải là hậu duệ của người Trung Quốc. Cố nhiên, người Việt Nam phải có đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc, theo nguyên lý: con cháu kém đa dạng hơn cha ông. Trong khi đó, thực tế cho thấy điều trái ngược: người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất châu Á, chứng tỏ người Việt cổ là tổ tiên người châu Á. (3)

ii. Việc thay thế dân cư chỉ có thể xảy ra khi người nông dân Trung Quốc có số lượng rất lớn. Trên thực tế không có điều này, vì số dân Đông Nam Á và Nam Á quá đông. 38.000 năm trước đã chiếm 60% nhân số thế giới. Trong khi đó, người Mongoloid phương Nam chỉ ra đời 7000 năm trước nên số lượng không nhiều. Một lượng nhỏ người không thể thay thế dân cư một vùng rộng lớn và đông đúc. Đó chỉ là do sự chuyển hóa di truyền theo thời gian.

2.Về văn hóa.

Phân tích trên cho thấy, dân cư các đảo Đông Nam Á do người từ Việt Nam tới. Khi di cư, người Việt mang theo văn hóa của mình. Trước hết là tiếng nói cùng những phong tục tập quán hình thành sau nhiều vạn năm sống trong cộng đồng tộc Việt. Từ những dấu vết văn hóa được lưu giữ trong dân cư các đảo Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia… ta có thể hình dung ra tình hình sau. Người hải đảo Đông Nam Á là người Việt nên văn hóa của họ là văn hóa Việt. Dựa vào những trống đồng Heger I tìm thấy ở đây, có thể cho rằng, đến đầu Công nguyên, Việt Nam và phần quan trọng của Đông Nam Á hải đảo là khối thống nhất về chủng tộc và văn hóa, tâm linh mà trung tâm là nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Trống Đông Sơn có thể là một thứ quyền trượng mà các Vua Hùng trao cho các thủ lĩnh địa phương.

Từ đầu Công nguyên, do Văn Lang bị tiêu diệt rồi Việt Nam bị xâm lăng, mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các hải đảo bị cắt đứt, các thủ lĩnh vùng đứng lên lập các nhà nước riêng như Lão Qua, Xiêm La, Chân Lạp và các đảo quốc. Do thiếu vắng một đầu tầu văn hóa, các quốc gia này du nhập văn hóa Ấn Độ qua thương nhân và các tu sỹ, trở thành những quốc gia Ấn Độ hóa.

II. Quan hệ giữa Việt Nam và Đông Á.

Nhiều khám phá di truyền và khảo cổ cho thấy, 40.000 năm trước, người Việt cổ mà chủ yếu là người Lạc Việt chủng Indonesian từ Việt nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, làm nên dân cư ban đầu trên dất Trung Quốc. Khoảng 7000 năm trước, người Việt xây dựng văn hóa nông nghiệp trồng lúa, kê và chăn nuôi gia súc từ nam Dương Tử tới Nam Hoàng Hà. Cũng khoảng 40.000 năm trước, người Mongoloid từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. Họ săn bắn hái lượm tại vùng băng giá. Do giữ được bộ gen gốc nên được gọi là người Mông Cổ phương Bắc. 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ bắt đầu thuần hóa gia súc rồi chuyển sang kinh tế du mục. Khoảng 7000 năm trước, khi người Việt chủng Indonesian mang kê lên trồng tại cao nguyên Hoàng Thổ, họ học cách trồng kê của người Việt, kết hợp với du mục. Do việc tiếp xúc giữa hai chủng người nên tại Nam Hoàng Hà, chủng Mongoloid phương Nam ra đời, được gọi là người Việt hiện đại. Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà.

Khoảng năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ do bộ lạc Hiên Viên dẫn đầu vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà chạy xuống Nam Dương Tử rồi di cư dần về Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam mang mã di truyền Mongloid phương Nam.

Tiếp đó, trong quá trình lịch sử lâu dài người từ Trung Quốc liên tục di cư về Việt Nam. Người di cư bổ sung gen Mongoloid cho dân cư Việt Nam tuy nhiên không làm thay đổi mã di truyền dân cư Việt Nam bởi lẽ, từ 2000 năm TCN, người Trung Quốc và người Việt Nam cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Người di cư cũng mang văn hóa Nam Hoàng Hà về Việt Nam.

III. Kết luận

Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa châu Á. Người từ Việt Nam làm nên con người và văn hóa Đông Á và Đông Nam Á. Nhưng do dân cư châu Á được hình thành từ hai lớp nên sau khi người Việt cổ đi lên làm nên dân cư Trung Quốc thì có việc người Việt hiện đại từ Nam Hoàng Hà trở về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Do một nghìn năm người Hán chiếm đóng Việt Nam nên về văn hóa có sự hòa trộn gần như đồng nhất giữa Nam và Bắc. Do thực tế này, từ xa xưa người Việt nhân định chính xác: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng”

Do trên đất Trung Quốc và Việt Nam, chủng người Indonesian (Lạc Việt) chiếm đa số nên sau khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam cho ra lớp dân cư thuộc chủng Mongoloid phương Nam điển hình, có nước da sáng hơn, là các sắc dân Kinh, Mường, Thái Tày, Nùng, Hoa... Trong khi đó khu vực hải đảo, do người Melanesian đa số nên khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam cho ra dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, nước da sẫm màu hơn.

Về văn hóa, văn hóa gốc của dân cư hải đảo Đông Nam Á là văn hóa Việt cổ. Các dân tộc Đông Nam Á vẫn hướng về Việt Nam theo quan hệ chủng tộc, tâm linh và văn hóa. Nhưng từ đầu Công nguyên, do mối liên hệ truyền thống với Việt Nam bị cắt đứt, các thủ lĩnh khu vực đứng ra lập quốc gia riêng và theo văn hóa Ấn Độ. Vì vậy, nhìn bề ngoài thấy có sự khác biệt về nhân chủng và văn hóa giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, vào các sắc dân thiểu số như người Chăm và đồng bào Tây Nguyên, sẽ thấy rằng cộng đồng này rất gần với dân cư Đông Nam Á hải đảo cả về nhân chủng và văn hóa. Điều này chứng tỏ cái gốc về nhân chủng và văn hóa Việt Nam của khu vực Đông Nam Á.

 

                                                                                                                    Sài Gòn, 9.2021

 

Tài liệu tham khảo

1.       Stephen Oppenheimer.

Out of Africa's Eden: The Peopling of the World 

https://books.google.com › books ›

2.       Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN, HN. 1983

3.       S.W. Ballinger et al. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migrations. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204787/pdf/ge1301139.pdf

 

NGUỒN GỐC CỦA TRUYỆN TẤM CÁM

   

Tấm Cám được coi là câu chuyện hay nhất trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Nó thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của người Việt. Cô Tấm, nhân vật trung tâm của truyện là mẫu hình của người phụ nữ Việt. Truyện được người già tiếp nối kể cho con cháu hết đời này sang đời khác và được đưa vào sách giáo khoa.

Nhưng rồi bỗng có người đưa ra ý kiến: trong các nhân vật của Tấm Cám thì Tấm chính là người tàn ác nhất. Nếu mẹ con Cám chỉ giết Tấm dù hết lần này đến lần khác thì hành động giết con làm mắm cho mẹ ăn lại là điều kinh tởm nhất, tàn bạo nhất. Từ đó ông khái quát: Văn hóa Việt Nam là văn hóa Tấm Cám, văn hóa tàn bạo với cách trả thù man rợ.

Quả thật, do thấm nhuần câu chuyện từ thơ trẻ nên tôi quen đi, không để ý tới chi tiết đáng sợ cuối truyện. Do vậy, khi người bạn phát hiện, tôi giật mình, nhận ra sự thật cay đắng. Tuy thâm tâm không thể đồng tình với cách khái quát của anh nhưng cũng không thể phản bác.

Nhưng rồi mới đây, khi đọc Huyền thoại Gliu và Glah*, tôi phát hiện sự thật đáng suy ngẫm. Câu chuyện như sau:

“Gliu và Glah chăn dê. Hai cô nhìn thấy một con quạ cắp nơi mỏ một đôi giày. Chính hoàng tử Chàm đã giao đôi giày này cho quạ để quạ mang món quà đi tìm cho hoàng tử một người vợ. Quạ bay đến xứ sở của Gliu và Glah. Người chủ làng tập hợp tất cả phụ nữ lại. Đôi giày chỉ đi vừa chân của Gliu. Ngày hôm sau hoàng tử đến, chàng lấy Gliu làm vợ và cùng nàng đi về. Glah có hơi ghen, đi theo cô em gái.

Sau đó hoàng tử phải đi phục vụ một vị quan trên, để vợ ở nhà cùng Glah. Glah muốn làm vợ hoàng từ, giết chết Gliu và chôn ở gần nhà. Hoàng tử về, chàng rất buồn vì cái chết của Gliu. Glah muốn thay Gliu, hoàng tử không muốn lấy gliu làm vợ. Một lùm tre đẹp mọc lên ở nơi chôn Gliu. Hoàng tử nằm mơ biết rằng chính hồn của vợ mình hiện lên trong những cây tre ấy, nên chàng cho rào lùm tre lại để không ai quấy phá sự yên nghỉ của linh hồn ấy, không ai được đến chặt tre. Rồi hoàng tử lại ra đi xử kiện.

Trong khi chàng đi vắng, Glah chặt lùm tre đi. Hồn Gliu thoát ra và trở thành một con chim. Khi hoàng tử trở về, con chim thả rơi xuống từ mỏ của nó một cái hộp mà hoàng tử nhận ra là cái hộp trầu của Gliu. Chàng tử biết rằng hồn của vợ chàng ở trong con chim đó. Chàng bắt con chim để nuôi. Mấy ngày sau, lợi dụng lúc chàng đi vắng, Glah giết chết con chim. Hoàng tử trở về thì chỉ còn thấy lông, chàng đem chôn. Ở chỗ đó mọc lên cây đu đủ lớn lên rất cao và ra quả. Hồn của Gliu ở trong các quả ấy.

Một bà già đi qua. Từ trên cây đu đủ, hồn Gliu gọi bà và nhờ bà trao lại cho hoàng tử chiếc hộp xưa mà nàng thả rơi xuống gốc cây. Những người thủ lĩnh già thấy hoàng tử nói chuyện với bà già, họ tưởng bà đến vì một vụ án và mừng trước rằng sẽ được lãi. Họ hỏi bà già, bà không trả lời. Họ rất muốn có một vụ án để mà xử. Hoàng tử nghe bà già. Bà hẹn sẽ gặp chàng ngày mai. Đến ngày hẹn, bà dặn chàng trốn trong bụi rồi bà biến mất. Một lúc sau, bà từ trong cây đu đủ đi ra. Đến lượt gồn Gliu từ trong thân thể bà già đi ra và nói chuyện với bà. Bà già bảo cô: “Ở đây chẳng có ai cả, đừng sợ gì hết!” Hồn Gliu bền trở về trong thân thể nàng được chôn. Gliu sống lại như trước. Hoàng tử từ trong chổ trốn bước ra, nắm lấy Gliu. Họ cùng nhau trở về.

Hoàng tử ra lênh cho người của mình giết chết Glah, chặt ra thành khúc, giữ trong cái ché cùng với muối. Chàng gửi cái ché ấy về cho bố mẹ Glah. Họ tưởng là xác của Gliu mà người con gái lanh lợi của họ là Glah đã giết chết. Họ ăn thịt trong ché. Ở chỗ hoàng tử, người ta làm lễ lớn tôn phúc cho Gliu. Lúc đó bố mẹ Glah đến, họ muốn gặp thăm con gái. Hoàng tử không cho vào, bảo nói cho họ biết trong ché là cái gì và cho người đuổi họ đi.”

Trước hết phải thấy rằng, nó quá gần gũi với Tấm Cám. Có thể nói, đó là một dị bản của Tấm Cám. Cũng có thể nói, gần như bản tóm tắt nội dung của Tấm Cám. Một câu hỏi được đặt ra: tại sao giữa hai cộng đồng xa cách nhau về địa lý và văn hóa lại có một truyền thuyết gần gũi nhau đến như vậy? Một sự ngẫu nhiên chăng?

Ở thế kỷ trước không thể giải thích. Nhưng sang thế kỷ mới, với những tri thức nhân học và lịch sử mới, cho thấy, người Việt Nam là một chủng tộc mà tổ tiên ra đời từ 70.000 năm trước, do người từ châu Phi di cư đến sinh ra. Ban đầu tập trung ở khu vực Hòa Bình và miền Trung Việt Nam. Sau đó, trong quá trình lịch sử, đã chia nhau khai phá đất Việt. Từ đó, có thể suy luận: câu chuyện về Gliu và Glah xuất hiện từ rất lâu trong cộng đồng tộc Việt, khi còn quần tụ ở miền Trung Việt Nam. Cụ thể hơn, có thể trước 300 năm TCN, theo tài liệu địa chất, khi nước biển rút, phần chủ thể của đồng bằng sông Hồng hình thành. Người Việt từ xung quanh đi xuống khai thác vùng đất mới. Một bộ phận từ miền Trung Việt Nam đi xuống đã mang theo hành trang văn hóa của mình, trong đó có câu chuyện gốc, gần với Tuyền thuyết về Gliu-Glah. Từ truyện gốc đó, những người sống ở đồng bằng sông Hồng cải biến thành Truyện Tấm Cám. Trong khi đó, có những bộ tộc từ miền Trung đi theo ven biển vào Nam Trung Bộ rồi chiếm lĩnh Tây Nguyên. Trong cảnh quan sống của mình, đồng bào Tây Nguyên cải biên thành Truyền thuyết Gliu-Glah. Chi tiết hoàng tử người Chàm cho thấy, có thể câu chuyện ra đời sau sự kiện người Chàm đô hộ các bộ tộc Tây Nguyên. Nhưng cũng có khả năng là, câu chuyện ra đời từ trước rồi khi người Chàm tác động đến đời sống của mình, người Tây Nguyên chuyển một thủ lĩnh thành hoàng tử người Chăm.

Một chi tiết đáng chú ý: “Hoàng tử ra lênh cho người của mình giết chết Glah, chặt ra thành khúc, giữ trong cái ché cùng với muối. Chàng gửi cái ché ấy về cho bố mẹ Glah. Họ tưởng là xác của Gliu mà người con gái lanh lợi của họ là Glah đã giết chết. Họ ăn thịt trong ché.” Việc mẹ Glah ăn thịt người muối trong ché một cách tự nhiên đưa ra thông điệp quan trọng: tới lúc đó chuyện ăn thịt người vẫn xảy ra! Điều này phản ánh một sự thực trong lịch sử: con người từng trải qua giai đoạn ăn thịt lẫn nhau. Chi tiết này càng chứng thực tính cổ xưa của câu chuyện. Một câu chuyện xuất hiện hàng nghìn, có thể hàng vạn năm trước nhưng khi thành truyền thuyết thì vẫn đến với hôm nay trong dạng cổ xưa của nó. Hôm nay, chỉ dựa vào một chi tiết trong đó mà cho văn hóa Việt là văn hóa Tấm Cám - văn hóa ăn thịt người, là nhận định vội vàng, thiếu cơ sở do chưa hiểu chiều sâu lịch sử của câu chuyện.

So sánh hai phiên bản câu chuyện, ta thấy dường như phiên bản Tây Nguyên có phần minh triết hơn, khi để cho hoàng tử - người đàn ông, đưa ra hành động quyết liệt: giết người đàn bà tàn ác. Như đại diện của công lý, chàng nhận lấy phần việc của mình, giữ cho người phụ nữ yêu thương nguyên vẹn tấm lòng nhân hậu.

                                                                                                                          Sài Gòn, 9 năm 2021

* Dam Bo- Jacquese Duornet. Miền đất huyền ảo (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương).  Tạp chí Pháp Á số 49-59 năm 1950. Nguyên Ngọc dịch. NXB Hội Nhà văn, 2003.

LỜI ĐÁP CHO CÂU “PHỤNG KHUYẾN VIỆT NAM LÃNG TỬ HỒI ĐẦU”

                              

Năm 2014, sau sự kiện Dương Khiết Trì thăm Việt Nam, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã viết: Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (中国用心良苦,奉劝越南浪子回”). Câu này có nghĩa là: Trung Quốc chân thành khuyên đứa con hoang đàng Việt Nam hãy trở về nhà.

Đấy là lời xúc phạm nặng nề dân tộc Việt Nam. Thiết tưởng bộ máy hùng hậu của các ngành Ngoại giao, Lịch sử, Văn hóa phải lập tức có lời đáp trả thỏa đáng để rửa nỗi nhục quốc thể. Nhưng tới nay những người hưởng ơn vua lộc nước tất cả đều im lặng như chưa từng có sự nhục mạ sâu cay đó.

 Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, phận phó thường dân là tôi buộc phải lên tiếng.

Nhận thấy câu đó không do tùy tiện buông ra mà căn cứ trên những cơ sở nhất định. Muốn phản bác, buộc phải tìm ra cái “cơ sở khoa học” đó. Tôi cho rằng, người viết đã dựa vào chứng cứ mà họ cho là vững chắc từ cổ sử cũng như lịch sử hiện đại.

1. Từ cổ sử.

Sử ký Việt vương Câu Tiễn thế gia cho biết, con thứ của vua Thiếu Khang nhà Hạ vượt Dương Tử xuống đất của người Việt, khai hoang lập ấp, cắt tóc, xăm mình, sống hòa đồng với dân bản địa nên được người Viêt tin theo rồi lập ra nước Việt. Ban đầu nước nhỏ lại ở xa Trung Nguyên nên không được chú ý. Thời Chu, nhà Chu truy tìm dòng dõi của vua Hạ Vũ, được phong đất ở Cối Kê để thờ phụng vua Vũ. Sau khi vua Câu Tiễn diệt nước Ngô, làm bá chủ Trung Nguyên thì nước Việt trở nên nổi tiếng. Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt. Người nước Việt chạy xuống miền Bắc Việt Nam, làm nên dân cư Việt Nam.

Sự kiện này được ghi trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam của học giả Đào Duy Anh, được cho là đáng tin. Tuy nhiên dòng cuối cùng “người nước Việt chạy xuống miền Bắc Việt Nam, làm nên dân cư Việt Nam” là còn nghi vấn vì chưa được kiểm chứng.

2. Từ lịch sử hiên đại.

Sang thế kỷ XXI, khoa học xác nhận, người di cư châu Phi làm nên dân cư Đông Á. Tuy nhiên về lộ trình của cuộc di cư thì giới khoa học chia làm hai phái.

Phần đông học giả thế giới trong đó có người Trung Quốc cho rằng, có hai con đường di cư. Con đường phương Nam làm nên dân cư Đông Nam Á mang mã di truyền Australoid. Con đường phương Bắc làm nên người nông dân Trung Quốc mã di truyền Mongoloid. Một lượng lớn người Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam.

Dựa theo quan niệm này, học giả Trung Quốc đưa ra ý tưởng: người Hán từ Trung Nguyên đi xuống Nam Dương Tử, làm nên cộng đồng Bách Việt. Trong khi đó, một bộ phận trong Bách Việt chạy xuống Việt Nam, thành dân cư Việt Nam. Như vậy, người Việt Nam là đám ly khai khỏi đại gia đình Trung Quốc.

Tiếp thu kết quả nghiên cứu của các sử gia, giới chính trị Trung Quốc kêu gọi người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (!) Hoàn Cầu thời báo là cái loa rêu rao ý tưởng trên.

Tuy nhiên, kết luận “Một lượng lớn người Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam” vấp phải thách thức nghiêm trọng. Bởi lẽ, nếu sự việc diễn ra như vậy thì người Việt Nam phải là con cháu người Trung Quốc. Theo nguyên lý di truyền học, “đa dạng sinh học giảm dần từ cha mẹ xuống con cháu,” thì đa dạng sinh học của người Việt Nam hôm nay phải thấp hơn người Trung Quốc. Tuy nhiện, tất cả các nghiên cứu di truyền dân cư châu Á đều khẳng định, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất, có nghĩa là người Việt Nam “già” nhất, tức là gần nhất với tổ tiên.

Sự thực này bác bỏ ý tưởng người Trung Quốc thay thế dân bản địa, làm nên dân cư Việt Nam.

Một thực tế khác cũng bác bỏ thuyết “thay thế dân cư” là ở chỗ, vào giữa thiên niên kỷ III TCN, dân cư Đông Nam Á và Nam Á quá đông, còn dân số người Trung Quốc ở lưu vực Hoàng Hà ít nên không thể “tràn xuống thay thế” dân cư khu vực.

Rất mừng là, bên cạnh trường phái trên, xuất hiện trường phái cho rằng chỉ có duy nhất con đường di cư phương Nam: người châu Phi tới Việt Nam, gặp gỡ, hòa huyết, tăng nhân số. Khi khí hậu phía Bắc cải thiện, họ đi lên chiếm lĩnh Hoa lục.

Tiếp thu ý tưởng của trường phái này, chúng tôi đề xuất kịch bản: 70.000 năm trước, hai đại chủng người châu Phi Australoid và Mongoloid tới Việt Nam. Tại miền Trung Việt Nam, đa số nhóm người di cư gặp gỡ hòa huyết cho ra người Việt cổ mã di truyền Australoid. Trong khi đó, có những nhóm người Mongoloid riêng lẻ đi lên Tây Bắc Việt Nam rồi dừng lại săn bắn hái lượm ở đây. Khi khí hậu được cải thiện, người Việt cổ Australoid đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. Họ xây dựng kinh tế nông nghiệp từ lưu vực Dương Tử tới lưu vực Hoàng Hà. Trong khi đó, người Mongoloid theo hành lang phía Tây đi lên đất Mông Cổ, sống săn bắn hái lượm. Khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ thuần hóa gia súc và chuyển sang phương thức sống du mục. Khoảng 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt tiếp xúc, hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra chủng người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ xâm lăng miền Trung Hoàng Hà, một bộ phận người Việt chạy xuống Nam Dương Tử rồi chuyển dịch dần về Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Nam Dương Tử, Việt Nam và Đông Nam Á sang Mongoloid phương Nam.

Do được sinh ra từ cuộc hòa huyết giữa hai chủng Australoid và Mongoloid nên trong máu người Việt cổ sẵn chứa gen Mongoloid. Khi được bổ sung môt lượng máu Mongoloid từ dân phía Bắc xuống, lượng gen Mongoloid trong cơ thể lớp con lai tăng lên, vượt quá ngưỡng của chủng Australoid nên chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Sự việc diễn ra theo phản ứng dây truyền hay như trong trò chơi domino, dẫn đến việc toàn bộ dân cư Việt Nam và Đông Nam Á chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam.

Như vậy, việc người Mongoloid phương Nam thay thế người Australoid trên địa bàn Đông Nam Á là sự chuyển hóa di truyền mà không phải thay thế dân cư. Cho nên, sử cũ ghi “người Việt con cháu của Câu Tiễn chạy xuống Bắc Việt Nam, làm nên dân cư Việt Nam” là chưa chính xác.

3. Kết luận.

Phân tích trên cho thấy, cả hai “cơ sở khoa học” để học giả Trung Quốc đưa ra chủ trương “Việt Nam lãng tử hồi đầu” đều không phù hợp thực tế. Cổ sử nói rằng nước Sở diệt nước Việt, có bộ phận người Việt chạy xuống miền Bắc Việt Nam. Số người này bổ sung cho dân cư Việt Nam mà không làm nên dân cư Việt Nam. Sử hiện đại xác nhận không có chuyện “người từ Trung Quốc tràn xuống thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam.”

Từ đó có thể kết luận như sau:

i.Cộng đồng người Việt đã hình thành hàng vạn năm trước khi người Hán được sinh ra nên không có chuyện “Người Hán từ Trung Nguyên xuống làm nên cộng đồng Bách Việt.”

ii. Người Trung Quốc là con cháu do người Việt sinh ra khi đi lên khai phá Hoa lục. Những người từ Trung Quốc đến Việt Nam là con cháu trở về đất tổ. Nói “Việt Nam lãng tử hồi đầu” là sự xuyên tạc nghiêm trọng lịch sử và xúc phạm nặng nề tổ tiên.         


                                                                                       Sài Gòn, 9.9.2021