KIÊU NGẠO và SỤP ĐỔ


   (Suy ngẫm về thuyết Tiền sử người Việt của G.s Trần Quốc Vượng)

Cuốn Lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2012, Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết chương I Thời Tiền sử trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong ba trang 19, 20, 21, tác giả dẫn tài liệu mang tính “giáo khoa thư” của thế giới về lịch sử hình thành loài người theo học thuyết Darwin. Tiếp đó ông trình bày quá trình tiến hóa của Người vượn ở Đông Nam Á bắt đầu bằng Eugene Dubois năm 1887 tại Sumatra đến Franz Weidenreich năm 1937 với người Bắc Kinh. Là người theo Thuyết Đa vùng của nguồn gốc loài người (Multiregional hypothesis), ông thừa nhận: “Đối với châu Á, Homo erectus Chu Khẩu Điếm được coi là cội nguồn của đại chủng Mongoloid, còn Homo erectus Java thì tiến hóa qua dạng người Ngandong để trở thành Australoid. Sau đó loại hình Mongoloid dần dần đẩy lùi người Australoid ở Đông Nam Á. Còn ở châu Âu thì Homo erectus phát triển qua người Neanderthal để trở thành tổ tiên của người châu Âu hiện đại.”  Kết thúc phần này, ông viết: “Trong những năm gần đây, các nhà sinh học phân tử đã sử dụng phương pháp nghiên cứu DNA trong đó loại gen di truyền sinh học xác định sự biến đổi của DNA với một tốc độ không đổi, tạo ra một loại “đồng hồ phân tử”… Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tất cả các con người hiện đại đều sinh ra từ một tổ tiên chung ở châu Phi trong khoảng 200.000 năm trước. Tuy nhiên, tư liệu hóa thạch người dường như lại không ủng hộ cho quan điểm một trung tâm phát sinh người duy nhất này.”

Về Người vượn trên đất Việt Nam, tác giả cho rằng: “Người vượn đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng nửa triệu năm cách ngày nay. Chúng ta có thể xem đây cũng là thời điểm mở đầu cho lịch sử Việt Nam… Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy công cụ lao động của người vượn Thẩm Khuyên. Trong một số di tích được xem là niên đại sơ kỳ đá cũ Việt Nam lại không có tài liệu địa tầng, không có di cốt người và động vật. Tuy nhiên vẫn có ý kiến muốn liên hệ chúng với di tích Người vượn Thẩm Khuyên và xem đó là giai đoạn “thái cổ” ở Việt Nam, tương đương với Người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus pekinensis) và Người vượn Java (Pitecanthropus).”
“Lịch sử tiến hóa liên tục từ Người vượn đến Người khôn ngoan (Homo sapiens) giai đoạn sớm và sau đó là Người khôn ngoan giai đoạn muộn tại Việt Nam còn được phát hiện ở các địa danh Thẩm Ồm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái). Những người khai quật Thẩm Ồm định niên đại cho các hóa thạch phát hiện ở đây là từ 140.000 đến 250.000 năm cách nay (trang 28).”
Ba trang sách toát lên ba điều:
1. Đó là lối viết của bài nghiên cứu mà không phải bút pháp dùng cho sách sử. Đối với sử gia, mọi bàn luận chỉ diễn ra bên ngoài còn trong tác phẩm phải là những kết luận xác thực.
2. Một phong cách tư biện chủ quan không dựa trên cơ sở khoa học: “chưa tìm thấy công cụ lao động, không có tài liệu địa tầng, không có di cốt người và động vật” vẫn suy đoán chúng thuộc Người vượn Thẩm Khuyên rồi đưa vào chính sử!
3. Tài liệu tác giả dẫn ra quá cũ nên lạc hậu so với thực tế khoa học. Đúng là giai đoạn đầu nghiên cứu nguồn gốc loài người, khoa học đi qua những bước như vậy. Tuy nhiên, ở thập niên 1970 thế kỷ XX khảo cổ học phát hiện sự thật khác. Đó là, 250.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus tuyệt diệt trên đất liền châu Á. Cốt sọ Ngandong 200.000 năm tuổi là dấu vết cuối cùng của Người đứng thẳng trên các đảo Đông Nam Á (1). Trong khi đó, những cốt sọ người hiện đại Homo sapiens xuất hiện rất muộn: tại Hang Niah 39.000 năm và xưa nhất là bộ xương người Lưu Giang Quảng Tây 68.000 tuổi! Như vậy, trên địa bàn châu Á, Người đứng thẳng cuối cùng sống cách Người hiện đại đầu tiên hơn 130 năm, khiến cho ít nhất hơn trăm năm châu Á vắng bóng người! Thực tế này đã phủ nhận việc Người đứng thẳng Homo erectus chuyển hóa thành người hiện đại homo sapiens trên đất châu Á. Đó chính là chiếc đinh đầu tiên đóng xuống quan tài Thuyết Đa vùng của nguồn gốc loài người.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng ở đấy. Ngày 29 tháng Chín năm 1998, sau nhiều năm làm việc với Dự án Đa dạng di truyền dân cư Trung Quốc, bằng tài trợ của Quỹ phát triển Khoa học tự nhiên Trung Quốc, Y.J. Chu Đại học Texas và cộng sự công bố trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) thông tin gây chấn động: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở châu Phi 160-180.000 năm trước và 70.000 năm trước theo ven biển Ấn Độ Dương tới Việt Nam.” (2) Sang đầu thế kỷ XXI, Spencer Wells của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (3) rồi Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford (4) công bố những nghiên cứu không chỉ ủng hộ kết luận của Y.J. Chu mà còn cụ thể, xác thực hơn, khẳng định nguồn gốc châu Phi của loài người. Cũng thời gian này, nghiên cứu di truyền học xác nhận, trong bộ gen con người ngày nay chỉ có từ 1 đến 2% gen của Người đứng thẳng. Điều này chứng tỏ, Người đứng thẳng chỉ là họ hàng xa mà không phải tổ tiên chúng ta. Hệ quả tất nhiên là: không có chuyện chuyển hóa từ loài Homo erectus sang Homo sapiens! Những khám phá trên là những cái đinh cuối cùng đóng xuống quan tài Thuyết Nhiều vùng. Tiếc rằng do không cập nhật thông tin, tới năm 2005, trong công văn phản đối Tiến sỹ Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Úc cho rằng “nông nghiệp được đưa từ phía Bắc xuống,” Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn khẳng định: “Việt Nam ủng hộ thuyết Nhiều vùng.”(5)
Trong khi đó, tiếp cận thông tin về cuộc du hành của di dân châu Phi tới Việt Nam, năm 2001, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp và Luật sư Cung Đình Thanh công bố những nghiên cứu đầu tiên về đề tài con người từ châu Phi di cư tới Việt Nam trên tạp chí Tư tưởng ở Australia. Đầu năm 2005, kết hợp thông tin từ công trình của Y.J. Chu và nhiều tư liệu khác, Hà Văn Thùy viết và công bố trên BBC tiếng Việt chuyên luận tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa. Tiếp đó, cho in Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học, 2011). Từ chứng cứ vững chắc của di truyền và khảo cổ học, những cuốn sách cho thấy: 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Sau khi tăng nhân số, người từ Việt Nam đi ra chiếm lĩnh thế giới, làm nên phần lớn nhân loại. Người Việt đi lên Hoa lục, làm nên dân cư và văn hoá Trung Quốc. Tiếng Việt là chủ thể của tiếng nói Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa… Điều này khẳng định: lịch sử Việt Nam được bắt đầu từ 70.000 năm trước!
 Tiếc rằng Giáo sư Vượng qua đời hơi sớm nên không được biết tới lịch sử vĩ đại của dòng giống mình. Nhưng không hiểu tại sao, cộng sự của giáo sư không chỉ cho in những trang sách quá đát của ông vào năm 2012 mà thậm chí tới năm 2017, Giáo sư Phan Huy Lê còn cả quyết: “Thời tiền sử của người Việt Nam kéo dài tới 800.000 năm trước!” (6) Dù là thuyết một vùng hay nhiều vùng thì đó cũng là của phương Tây. Việc gì phải “kiên định giữ gìn” để đến nỗi “bảo hoàng hơn vua?!” Một tiểu tiết nhưng không thể không nói vì nó bộc lộ sự thiếu chuẩn mực tri thức. Trong sách của mình, Giáo sư Vượng gọi Homo erectus là Người đi thẳng! Nhân học thế giới không hề có thuật ngữ vô nghĩa như vậy! Liệu có Người đi ngang không? Nhân học gọi Homo erectus là người đứng thẳng (standing upright man), là người đi bằng hai chân, để phân biệt với những hominin đi bốn chân. Tiếc rằng sai lầm đó lại được sao chép tràn lan trong nhiều bộ sách sử, khiến học thuật Việt Nam lạc lõng trước thế giới!
Tôi tự hỏi, vì sao vị giáo sư mà mình kính trọng lại có những lầm lẫn đáng tiếc như vậy? Phải chăng, ngoài việc thiếu tri thức cơ bản về sinh học còn nguyên nhân quan trọng là sự chủ quan do bệnh kiêu ngạo cộng sản? Khi nghe thế giới nói người Homo sapiens xuất hiện 200.000 năm trước ở châu Phi, đáng lẽ phải tìm mọi cách để kiểm chứng thông tin mới, thì ông lại tự bằng lòng vì lý do quá ư tư biện: “Tuy nhiên, tư liệu hóa thạch người dường như lại không ủng hộ cho quan điểm một trung tâm phát sinh người duy nhất này.” Người có kiến thức cơ bản về di truyền học sẽ không nói như vậy. Bởi lẽ, hồ sơ hóa thạch là chắp vá và không hoàn hảo. Số đo sọ (metric) chỉ thể hiện những tính trạng bên ngoài - phenotype. Còn gen phản ánh những yếu tố bên trong, thuộc về bản thể chủng loại - genotype. Vì vậy thông tin của gen là quyết định. Jared Diamond tác giả những cuốn sách lừng danh: Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép và vi trùng… cả quyết: “Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học xác nhận đều không đáng tin.” Do chủ quan, bất cẩn, giáo sư Vượng dễ dàng và đơn giản bỏ qua khám phá mang tính cách mạng của thế giới, để tự giam mình trong tri thức đã bị thải loại. Sự bất cẩn của ông thầy đầu đàn dẫn giới sử học Việt Nam lạc đường. Không chỉ là nền tảng của cuốn sách này, “công trình” của Giáo sư Vượng còn đặt cơ sở cho cuốn sách 15 tập của Viện Sử học và cả “cuốc sử” 35 tập của Hội Sử học sắp ra đời! Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Một khi nhận thức sai về chủ thể của lịch sử thì mọi sách lịch sử viết ra đều vô giá trị.
Với sự thật về người Việt được khám phá như vậy, cái gọi là Thời Tiền sử trên lãnh thổ Việt Nam do Giáo sư Trần Quốc Vượng dóng dựng đã sụp đổ. Trong lịch sử của mọi quốc gia, thời Tiền sử là nền tảng. Một khi nền móng sụp đổ sẽ dẫn tới tàn hủy cả một nền sử học!

                                                                                            Sài Gòn, khai bút năm Canh Tý.


Tài liệu tham khảo:
1.       Đó là thông tin từ thế kỷ XX. Nhưng tài liệu mới nhất vào tháng 12 năm 2019 cho thấy, tuổi của sọ Ngandong từ 117.000 tới 108.000 năm trước.
 “Tuổi của sọ Ngandong cũng cho thấy mạnh mẽ rằng Homo erectus có thể đã bị tuyệt chủng, ít nhất là ở Indonesia, rất lâu trước khi loài của chúng ta đến được nơi này. Các nhà thám hiểm Homo sapiens phiêu lưu nhất có lẽ ở đâu đó quanh Levant hoặc Bán đảo Ả Rập vào thời điểm đó và đã không đến được các hòn đảo ở Đông Nam Á cho đến khoảng 73.000 năm trước.”
The last days of Homo erectus
https://arstechnica.com/science/2019/12/the-last-days-of-homo-erectus/
2.       Y.J. Chu et al. Genetic relationship of populations in China https://www.pnas.org/content/95/20/11763.short
3.       Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey ... - Amazon.com
https://www.amazon.com › Journey-Man-Genetic-Odyssey        
4.       Stephen Oppenheimer. THE PEOPLING OF THE WORLD - HUMANKIND'S GLOBAL MIGRATION. http://www.bradshawfoundation.com/stephenoppenheimer/index.php
5.       BBC Vietnamese. https://www.bbc.com › story › 2005/03 › interviewweek112005
6.       Trang Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22.2 năm 2017 (http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)




CÓ “SỰ THIẾT KẾ VĨ ĐẠI” KHÔNG?




Trong tranh biện, để giành phần thắng, người ta có thể dùng mọi thủ đoạn, kể cả cái gọi là xảo biện hay quỷ biện. Trong đó chỉ nói lên phần sự thật có lợi cho mình. Trong bài “Sự cầm nhầm vĩ đại,” tôi đã áp dụng thủ thuật đó để thách thức fan của thuyết “thiết kế.” Bởi vì, muốn phản bác “lý sự” của tôi, họ cần phải có kiến thức cần thiết về sinh học cũng như về Thuyết Tiến hóa. Tôi rất mong có người “bắt bài” mình để được dịp học hỏi. Nhưng không ai lên tiếng nên tôi thấy có nghĩa vụ phải minh bạch chuyện này.
1. Hòa thảo (Gramineae) là họ lớn trong giới thực vật, gồm những loài cây ở bậc tiến hóa cao. Trong họ có nhiều loài cho hạt như lúa, kê, bắp, lúa mì… Tuân thủ luật sinh tồn của sinh vật là mọi loài phải nỗ lực sinh sản nhanh nhất, cho ra những con cháu tốt nhất để mở rộng vùng phân bố, duy trì nòi giống. Với những thực vật có hạt thì đây là công việc sản sinh ra nhiều hạt giống có chất lượng tốt. Đầm lầy là môi trường sống thích hợp nhất với lúa nước. Do mực nước ở đầm lầy cao thấp theo mùa nên vào mùa nước nổi, cây lúa phải tăng nhanh độ cao để tránh chết ngạt. Bên cạnh đó, hạt lúa có râu dài và nhiều lông để có thể “bơi” xa hơn theo dòng nước hoặc dễ dàng bám vào động vật như trâu, bò, heo, chuột… để được chúng mang đi xa. Những hạt may mắn được đưa tới nơi đất tốt, ít bị cỏ dại xâm lấn sẽ sinh ra cây lúa khỏe, nhiều hạt và hạt mẩy. Đến lượt mình, những hạt này lại được mang đi xa, rơi vào chỗ tốt hơn… Lâu dần tạo ra dòng lúa ưu thế. Trong phẩm tính ưu việt này, có gen chỉ đạo việc đẻ nhánh và ra lá theo “tỷ lệ vàng.”
Con người đã chọn những hạt giống tốt nhất của dòng lúa này để trồng cấy, cuối cùng cho ra những chủng lúa như hiện nay. Quá trình canh tác cũng là quá trình xác định mật độ gieo cấy phù hợp cho từng dòng lúa. Đó là quá trình dài, chủ yếu là mò mẫm. Chỉ khi con người kinh nghiệm hơn, đưa ra được mật độ tối ưu cho một dòng lúa thì việc nảy nhánh, ra lá của một quần thể lúa mới thể hiện “tỷ lệ vàng” tập trung ở mức quan sát được. Và kỹ sư Chu Văn Tiệp là người may mắn phát hiện sự kiện này.
Trong điều kiện tự nhiên, do mật độ các bụi lúa không theo trật tự làm cho “tỷ lệ vàng”đẻ nhánh tuy vẫn diễn ra nhưng không thể hiện ở mức độ quan sát được. Điều này cho thấy, những gen chi phối việc đẻ nhánh tối ưu (tỷ lệ vàng) là sản phẩm của tự nhiên. Con người chỉ có công chọn lọc từ tự nhiên rồi bồi trúc lên. Tạo ra những dòng lúa có “gen vàng” không phải là thành quả của con người, cũng tức là không phải sản phẩm của chọn lọc nhân tạo.
Ở bài trước, khi cho rằng, chỉ lúa trồng mới có “con số vàng” trong đẻ nhánh và ra lá là hoàn toàn đúng với sự thực. Nhưng, trên thực  tế, đó chỉ là một nửa của sự thực. Nửa kia nhiều người không thấy. Không thấy không có nghĩa là không có. Nhà xảo biện đã dùng cái nửa sự thật bị khuất lấp để tạo nên lý lẽ của mình.
2. Có “sự thiết kế vĩ đại” không?
“Đại thiết kế” là công việc nhà thiết kế vạch ra bản “thiết kế” cho mỗi loài sinh vật từ thời điểm “sinh ra muôn loài”. Mặc nhiên, ở thời điểm sáng tạo này, các chủng loài sinh vật có số lượng cao nhất. Tuy nhiên, “nhà thiết kế” lại “quên” không thiết kế một thiên nhiên ổn định phù hợp với những chủng loài được tạo sinh. Do vậy, môi trường luôn biến đổi, “gây khó” cho sinh vật, khiến cho nhiều chủng loại bị tiêu diệt.
 Sau “thời điểm tạo sinh,” do những tai nạn nhiều loại, sẽ có những loài bị tiêu diệt. Do vậy, thời gian càng lâu, những loài bị tuyệt chủng càng nhiều, trong khi không có chủng loài mới được sinh ra, dẫn tới việc đa dạng sinh học ngày càng giảm. Nói một cách hình tượng thì thuyết “Đại thiết kế” vận hành theo mô hình kim tự tháp mà đa dạng sinh học ban đầu là đáy: nhiều nhất các chủng loại sinh vật ra đời dưới tay nhà thiết kế. Nhưng rồi với thời gian, số lượng chủng loài giảm đi theo chiều cao của kim tự tháp.
Trong khi đó, thực tế tồn tại của sinh vật lại diễn ra theo mô hình hình thoi mở. Thoạt kỳ thủy, chỉ xuất hiện rất ít những sinh vật đơn giản, tượng trưng bởi một góc nhọn của hình thoi. Nhưng theo thời gian, số lượng chủng loài sinh vật tăng lên và đạt cực đại. Sau đó, số lượng chủng loài giảm dần theo thời gian, về phía bên kia của hình thoi mà đỉnh đối diện kéo dài vô tận. Mô hình thực tế này đã bác bỏ khả năng tồn tại của “thiết kế vĩ đại.”
Như vậy, “sự thiết kế vĩ đại” chỉ hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng, một biến thái thay cho thuyết tạo sinh. Để chiều lòng các fan của thuyết “thiết kế,” tôi đã sáng tác ra thuyết Tiến hóa nhị nguyên. Thuyết này nghe có vẻ thuận tai: Chúa từ thiên đàng sinh ra mầm sự sống rồi gieo xuống Trái đất: “Ta sinh ra các con. Nay ta đưa các con vào cuộc đời. Các con hãy tự mình vươn lên để sáng danh Chúa cả!” Nghe lời Chúa, các mầm sự sống đấu tranh sinh tồn trong tự  nhiên, tạo nên bản sắc của mình.
Nhưng “thuyết” Hà Văn Thùy chưa kịp công bố thì các nhà khoa học nước Úc đã tìm ra mầm sống đầu tiên 3,5 tỷ năm trước. Buồn 5 phút!
                                                                     
                                                                             Sài Gòn, ngày ông Táo lên trời năm Canh Thìn