TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN GIA NINH VỀ BÀI NHÌN LẠI LỊCH SỬ BÁCH VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH HÁN HÓA BÁCH VIỆT



Sau khi đăng trên tạp chí Tia Sáng, bài viết của TSKH Trần Gia Ninh được công luận chú ý, nhiều tờ báo và trang mạng đăng lại. Những cuộc tọa đàm về bài báo được tổ chức. Trong tọa đàm tại Cà phê Trung Nguyên tối thứ Bảy 24.9, tôi có được mời dự và phát biểu. Do còn thắc mắc, một số bạn bè yêu cầu tôi nói đầy đủ hơn.

Trong bài này xin được trình bày những ý sau.

TS Trần Gia Ninh có công sưu tầm những tài liệu mới từ cổ thư khiến cho bài viết có những chi tiết khác với những gì đã biết từ trước nên có thể lôi cuốn được một số người. Tuy vậy, tài liệu mà ông đưa ra chỉ được gom lại từ những sách mang tính sử ký chung mà không phải sách chuyên khảo về Bách Việt nên không phản ánh được toàn diện cách nhìn từ cổ thư.

Thảo luận với tác giả, tôi thấy cần xác định rõ những vấn đề:

1.   Bách Việt: một trăm nước Việt hay một trăm tộc Việt?

Ông Trần Gia Ninh viết:
-    Bởi vì xưa có đến hàng trăm tộc Việt, cho nên sử sách gọi chung là Bách Việt 百越 hoặc 百粤. Trong lịch sử Trung Hoa, toàn bộ vùng đất Giang Nam (tên gọi vùng Nam Sông Dương Tử), rộng bảy tám ngàn dặm từ Giao Chỉ đến Cối Kê, từ trước thời Tần Hán đều là nơi cư ngụ của các tộc Bách Việt.
-        Hai nước Ngô - Việt là những tộc Bách Việt được ghi chép rất sớm trong sử sách.

Trong khi, theo chỗ tôi biết thì có hai cuốn sách chuyên khảo về Bách Việt. Đó là Bách Việt tiên hiền chí của Âu Đại Nhậm đời Minh và Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa (của La Hương Lâm - Trung Hoa tùng thư, Đài Loan thư điếm, 1955).

Theo La Hương Lâm, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu, thiên Thị Quân: “Phía nam Dương Hán, trong khoảng Bách Việt, những đất Tệ Kha, Chư Phu, Dư My, các nước Phộc Lâu, Dương Xuất, Hoan Đâu, phần nhiều không có vua.”  Cuốn sách này nói tới đất nước mà không đề cập sắc tộc.

Trong Bách Việt tiên hiền chí, Âu Đại Nhậm viết: “Cháu sáu đời của Câu Tiễn là Vô Cương cất quân đánh Sở, bị vua Sở Hùng Thích đánh bại. Vô Cương bỏ Lang Gia, đi đến ở Đông Vũ. Nước Việt tan. Các con của Vô Cương định cư ở duyên hải Giang Nam, chia nhau kẻ làm quân trưởng, người làm vương, tất cả đều thần phục Sở, gọi là Bách Việt. Châu Dương từ đấy bị phân chia. Cối Kê lấy các sao phương Nam là sao Thuần, sao Vỹ để định cương giới, đất Cối Kê thuộc vào Nam Hải. Khi Tần diệt Sở, vương Tiễn cai trị Dương Việt, chia cắt thành ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Con cháu Úy Đà thần phục nhà Hán. Họ Triệu cai trị cả ba quận ấy, lại kiêm thêm các quận Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân, Châu Nhai, tổng cộng là chín quận. Nay vùng Nam Việt, bắc giáp Cô Tư đến tận Cối Kê là đất của Việt vậy. Phía đông, Vô Chư đóng đô ở Đông Trị đến Chương Tuyền là Mân Việt. Đông Hải vương là Diêu, đóng đô ở Vĩnh Gia là Âu Việt. Lãnh thổ xưa của Dịch Hu Tống, chạy dài từ sông Tương, sông Ly về phía nam là Tây Việt. Các đất Tang Ca, Tây Hạ, Ung, Dung, Tùy, Kiến là Lạc Việt vậy.”
Như vậy, ngay trong thư tịch Trung Hoa đã có hai quan niệm khác nhau. Một số coi Bách Việt là trăm nhà nước. Số khác lại coi Bách Việt là trăm tộc Việt. Hai quan niệm này đưa tới cách lý giải hoàn toàn khác nhau về Bách Việt. Công việc của nhà nghiên cứu là phải phân định đúng sai của hai quan niệm trên để định hướng nghiên cứu của mình. Trong trường hợp này phải nhờ tới những tư liệu khác.

Tài liệu khảo cổ học cho thấy, chủ nhân các văn hóa ở Nam Dương Tử như Tiên Nhân Động, Giang Tây 25.000 năm trước, Hà Mẫu Độ 7.000 năm trước rồi Lương Chử 5.300 năm trước, đều là người Lạc Việt. Khảo sát di cốt người Lương Chử, học giả Trung Quốc cho rằng: “Tại di chỉ Lương Chử khai quật được di cốt người, xác nhận bằng kỹ thuật gen, cho thấy người Lương Chử là hậu duệ của người Lạc Việt.” Trong khi đó, Liangzhu culture từ Wikipedia, the free encyclopedia viết: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.”
Như vậy, tài liệu khảo cổ học tại nhiều di chỉ vùng Giang Nam cho thấy, dân cư nơi đây là người Lạc Việt. Di truyền học phát hiện tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử cũng xác nhận người Lạc Việt là chủ nhân của vùng đất này.

Kết quả của những khảo cứu này phù hợp với bản đồ dân cư Đông Á từng được nhân chủng học khẳng định: từ 2000 năm TCN, đại bộ phận dân cư Đông Á thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Người Hán chiếm 93% dân số Trung Quốc là người Mongoloid phương Nam.
Xác định chủng người là công việc của khoa học tự nhiên, của Nhân học. Do vậy, muốn biết dân cư Bách Việt là ai thì nên tìm trong các tài liệu về Nhân học. Cổ thư Trung Hoa với những thuật ngữ dân gian như người Lê, Tam Miêu, Bách Việt… không có giá trị khoa học.

Từ đó có thể khẳng định, Bách Việt không phải là trăm tộc Việt mà là những tiểu quốc khác nhau của chủng người Lạc Việt
Chính là do lầm lẫn biến trăm nước Việt thành trăm giống Việt khiến tác giả lạc đường.

2.   Bách Việt có phải là cội nguồn của chủng tộc Việt?

Cổ thư Trung Hoa viết rằng thế kỷ XI TCN, một dòng của vua Vũ nhà Hạ vượt Dương Tử xuống vùng Chiết Giang, xăm mình, cắt tóc, lập ấp sống với người bản địa rồi trở thành thủ lĩnh, đứng ra lập nước Việt. Tới thời Chu, được phong ở đất Cối Kê để lo phụng thờ vua Vũ. Do vị trí quá xa Trung Nguyên nên tiểu quốc Việt không thu hút nhiều sự quan tâm của nhà Chu và các nước chư hầu lớn. Chỉ đến khoảng 496 - 465 TCN khi Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, triều Chu phải công nhận nước Việt là bá chủ Trung Nguyên. Vào năm 334 TCN, nước Sở tiêu diệt nước Việt. Những thủ lĩnh vùng của người Việt đứng lên lập những quốc gia riêng, được gọi là Bách Việt. Từ những dòng này của cổ thư, các học giả về sau cho rằng, người Việt là hậu duệ của Hạ Vũ. Do vậy Bách Việt là nguồn cội của tộc Việt. Các sử gia Việt Nam cũng theo thuyết này. Quan niệm như vậy còn truyền tới hôm nay.
Tuy nhiên, có thực tế là, từ xa xưa, trước cả thời Hoàng Đế, những sắc dân Cửu Lê, Tam Miêu… là những chi nhánh của người Lạc Việt đã sống đông đúc ở cả Bắc và Nam Dương Tử. 
Nếu thực sự có con cháu vua Thiếu Khang nhà Hạ vào vùng đất của người Cửu Lê sống rồi làm vua thì cũng chỉ hoàng tộc mới là con cháu Hạ Vũ. Ta biết, Vũ là người Việt, có thể thuộc nhóm Tày-Thái, được vua Thuấn truyền hiền, lập ra nhà Hạ ở Trung Nguyên.
Nay, nhờ di truyền học khảo sát ADN dân cư Đông Á, ta biết rằng, người Lạc Việt được sinh ra ở Việt Nam rồi 40.000 năm trước đi lên khai phá Hoa lục. Kết hợp với những phát hiện khảo cổ ở Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Lương Chử… cho thấy dân cư Nam Dương Tử là người Lạc Việt. Do vậy, dân cư nước Việt của vua Câu Tiễn cũng là con cháu người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên. Thêm nữa, do Bách Việt xuất hiện quá muộn nên không thể là biểu trưng của trăm con trong bọc trứng của Mẹ Âu cơ gần 3000 năm trước. Ý tưởng như vậy chỉ hoàn toàn là gán ghép, áp đặt.

Từ đó đưa tới kết luận: người Bách Việt không phải là cội nguồn của dân tộc Việt mà là hậu duệ của người Lạc Việt từ Việt Nam di cư lên trong các thời kỳ khác nhau. Bách Việt là đại gia đình các nhà nước người Việt được thư tịch Trung Hoa ghi nhận từ cuối thời Chiến Quốc tới Tần Hán. Trong đó Lạc Việt là đất tổ của người Việt.
Không phải như ông Trần Gia Ninh nghĩ, Lạc và Việt là hai giống người mà đó là danh xưng chỉ người Indonesian sinh ra trên đất Việt. Do là nơi phát tích của người Lạc Việt nên sử đặt tên đất là Lạc Việt.

3.   Nước Sở là gì?
Nước Sở là thực thể lớn, có vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Do vậy, nếu không xác định được Sở là Hoa Hạ hay Việt thì mọi nghiên cứu về Trung Hoa sẽ chỉ là ăn ốc nói mò, việc của những ông thầy mù sờ voi!
Mặc dù dẫn: “Sách Sử Ký - thiên Sở Thế gia viết rằng người Sở là dân Man (Sở Man), vua Sở nhận mình là dân Man Di. Man là chữ người Hoa Hạ gọi dân miền Nam không phải là Trung Hoa. Những khai quật khảo cổ ở vùng Kinh Sở gần đây cũng cho thấy rằng thực ra cư dân tối cổ ở vùng Kinh Sở có nguồn gốc Tam Miêu, một dân tộc thuộc nhóm Bách Việt” nhưng do không am tường lịch sử Trung Quốc, tác giả vẫn viết: “Đến đây cần nói rõ, Sở là gốc Hoa Hạ (sau này gọi là Hán) hay là Bách Việt, hiện còn nhiều tranh cãi.”
Sự thực về người Sở và nước Sở như sau.

Người Lạc Việt muộn nhất từ 7.000 năm trước đã làm nên văn hóa trồng kê và lúa Ngưỡng Thiều ở cao nguyên Hoàng Thổ và đồng bằng Trong Nguồn (Trung Nguyên hiện nay). Khoảng 2879 TCN, đây là giang sơn của Đế Lai trong truyền thuyết về nước Xích Quỷ. Năm 2698 TCN, họ Hiên Viên dẫn đầu dân du mục Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm một phần vùng đất này, lập nhà nước Hoàng Đế. Tại vùng chưa bị chiếm, người Lạc Việt vẫn kiên cường kháng chiến. Đọc Thượng Thư, thấy nhiều lần vua Nghiêu rồi Thuấn phải “phạt Tam Miêu”, “dẹp Tam Miêu,” “đầy Tam Miêu...” Đặc biệt cuốn Kỳ môn độn giáp đại toàn thư có câu; “Tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu, Trác Lộc kinh kim vị nhược  hưu” (Ngày trước Hoàng Đế đánh Si Vưu, trận Trác Lộc tới nay còn chưa dứt). Điều này cho thấy cuộc kháng chiến dai dẳng của người Việt bản địa chống lại vương triều Hoàng Đế liên tục từ sau trận Trác Lộc. Bẵng thời gian dài, sử Trung Hoa không nói tới những tiểu quốc hay bộ tộc người Lạc Việt này. Tới đời Thương thì những dân này xuất hiện dưới tên nước Dương Việt, chiếm lĩnh một phần Hà Nam, Hà Bắc tới Sơn Đông và Nam Dương Tử. Nước này sau liên minh với Chu đánh Thương. Thời Xuân Thu hình thành nước Sở (1030 TCN - 202 TCN), cương vực ngoài Hoa Hạ, án ngữ khoảng giữa Hoài Hà và Dương Tử. Nước Sở () vốn đọc theo tiếng Việt cổ là Trù Trầu, một biểu trưng của dân Lạc Việt. Cuối thời Chiến Quốc, Sở thôn tính Việt, xưng bá, ngang ngửa với nhà Chu. Khi nhà Tần diệt lục quốc thì nhà Chu bị diệt vong, chính quyền về tay nhà Tần, một nhánh của Lạc Việt. Diệt Tần, Lưu Bang lập nhà Hán, một triều đình của người Việt nước Sở. Nhưng do uy danh của Hoa Hạ trong quá khứ nên các vương triều người Việt cũng tự nhận là Hoa Hạ! Việc Khuất Nguyên khóc tổ Cao Dương Hoa Hạ là sự mù lòa về lịch sử, là sự bỏ mồ cha khóc đống mối, trong xu hướng tôn sùng Hoa Hạ của người Việt thời đó. Giống như người Hán sau này. Câu mở đầu sách Toàn thư viết: “Từ Hoàng Đế dựng muôn nước…” cũng là sai lầm kiểu đó. Người Sở là dân Lạc Việt gốc, không liên quan gì về máu huyết với Hoa Hạ cả!

4.   Hai nước Ngô - Việt phải chăng là những tộc Bách Việt?                                     
Ông Trần Gia Ninh viết: “Hai nước Ngô - Việt là những tộc Bách Việt được ghi chép rất sớm trong sử sách?” Có đúng vậy không? Muốn hiểu điều này, phải trở lại với nền văn hóa gốc của đất Giang Nam: văn hóa Lương Chử. Sau 80 năm khai quật và khảo cứu, năm 2016, các học giả Trung Quốc khẳng định, nhà nước Lương Chử của người Lạc Việt được hình thành từ 3.300 năm TCN. Khoảng năm 2.300 TCN, do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử bị nhấn chìm, nhà nước Lương Chử tan rã. Một phần dân cư tản mát đi nơi khác. Những người ở lại, do môi trường thay đổi, gặp rất nhiều khăn, nên buộc phải chật vật để sinh tồn. Nhưng vài trăm năm sau, nước rút, môi trường tốt trở lại, dân cư tập trung đông hơn, tạo nên văn hóa Mã Kiều. Khảo cổ học xác nhận Mã Kiều là văn hóa rớt của Lương Chử, từ đồ gốm tới ngọc đều thua sút so với Lương Chử. Trên giang sơn Lương Chử (thực tế là Xích Quỷ, xin trình bày vào dịp khác) xưa, những nhà nước mới được hình thành là Ngô, Việt rồi Sở. Thực chất, đó là những quốc gia khác nhau của người Lạc Việt bởi lẽ từ thời kỳ Lương chử, Nam Dương tử duy nhất chỉ người Lạc Việt sinh sống.

Đúng là khoảng 400 năm TCN, do loạn Chiến Quốc, nhiều triệu người từ duyên hải phía Đông Trung Quốc di tản sang Triều Tiên, Nhật Bản và vùng đất phương Nam là Việt Nam. Nhưng nói rằng họ mang tiếng Ngô xuống Việt Nam là hoàn toàn sai. Sự thực là, bắt đầu khoảng 40.000 năm trước, người lạc Việt từ Thanh-Nghệ-Tĩnh đi lên Quảng Đông, Phúc Kiến, định cư lại thành dân vùng này. Tiếp đó, người từ đây tỏa ra khắp Trung Hoa, mang tiếng Việt vùng Quảng Đông, Phúc Kiến tới nơi cư trú mới, tạo thành tám phương ngữ Trung Hoa. Về Việt Nam, người Ngô trở lại mái nhà xưa, họ học lại từ đồng bào mình tiếng Việt chuẩn mà vào thời Chu Khổng Tử gọi là Nhã ngữ!
Theo kinh nghiệm của tôi, những tư liệu của các đại học danh tiếng phương Tây về lịch sử phương Đông như Eric Henry không đáng tin vì chúng quá cũ, chỉ là sự sao chép cả cái sai của cổ thư lẫn Viễn Đông Bác cổ. Tôi chỉ tham khảo từ họ những công bố di truyền và phát hiện khảo cổ mới!
 Bài viết của ông Trần Gia Ninh chủ yếu dựa vào cổ thư Trung Hoa. Nhưng như ta biết, cổ thư chỉ xuất hiện vào thời Tần Hán. Do lẽ đó nên dù có tới nhị thập tứ sử, người Trung Quốc cũng chưa biết tổ tiên dòng giống mình là ai? Tiếng nói Trung Quốc là tiếng gì? Chữ viết Trung Quốc do đâu mà có? Vì vậy, hy vọng từ cổ thư Trung Hoa tìm ra lịch sử Việt Nam chỉ là việc leo cây tìm cá!

Lịch sử, văn hóa là hoạt động xã hội của con người. Một khi không xác định đúng về con người chủ nhân tạo ra văn hóa lịch sử đang bàn, mọi nghiên cứu trở thành vô bổ. Jared Diamond, nhà nhân học nổi tiếng người Mỹ có câu nói đáng suy ngẫm: “Nay không còn là lúc chơi với những khúc xương và những hòn đá nữa. Tất cả những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận, đều không đáng tin cậy.” Ý kiến này cho thấy, hệ quy chiếu của khảo cổ học bằng việc khảo sát những di cốt, những hòn đá, hoa văn trên gốm… không còn đáng tin cậy. Trong khi  nguồn tư liệu duy nhất của TSKH Trần Gia Ninh lại quá xưa cũ, chỉ xào xáo lại cổ thư! Đó là lối làm sử mà tôi từng đề cập trong bài Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN.

Kết luận

Trong các sách và bài viết của mình, tôi đã trình bày có ba lý do cốt lõi để người Việt không bị đồng hóa trong quá khứ:

Về mặt di truyền học:

Là tổ tiên của người Trung Hoa nên người Việt có chỉ số đa dạng di truyền cao. Độ đa dạng di truyền chỉ có thể chuyển từ cao xuống thấp. Khi sinh ra con, cha mẹ san sẻ một phần “độ đậm đặc nòi giống” của mình cho đứa trẻ nên dòng huyết thống càng xa càng nhạt. Trong khi đó, con cháu không bao giờ lội ngược dòng trở lại “độ đậm đặc nòi giống” như cha ông. Có thể ví, dân tộc Việt Nam là một biển nước mặn mà mỗi người Hán xuống Việt Nam là một thùng nước lợ. Những thùng nước lợ hòa vào biển mặn không những không thể làm biển nhạt đi mà, cái thùng nước lợ bị biến mất!

Về tiếng nói:

Việt Nam là nơi phát tích của dân cư Trung Hoa nên tiếng Việt là ngôn ngữ gốc với những đặc điểm: vốn từ phong phú, giọng nói sáng rõ và nhất là được nói theo trật tự chính trước phụ sau. Người từ Trung Hoa trở về Việt Nam – nói chính xác là trở về đất tổ - mang về ngôn ngữ bị pha trộn, biến dạng và nhất là cách nói ngược. Cố nhiên, người Việt không thích thú thứ tiếng nói như vậy để mà học!

Về hoàn cảnh lịch sử:

Lịch sử đã tạo ra ở Việt Nam cộng đồng làng xã vô cùng vững chắc, hữu hiệu chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài. Người Hán hầu như không có cơ hội nhập tịch làng Việt Nam. Họ chỉ có thể tới sống nơi kẻ chợ, hành nghề làm thuê hay buôn bán và được gọi bằng danh xưng: thằng Ngô, chú Khách. Mặt khác, dù âm mưu đồng hóa là kiên trì và thâm độc nhưng do sức phản kháng kiên cường của người Việt, nên nhiều viên quan buộc phải ngó lơ những yêu cầu khắt khe của triều đình, cốt sao thu được thuế và giữ được ổn định. Một đặc điểm khác là, do bên trong Trung Quốc luôn xảy ra bạo loạn, đảo chính nên sự thống trị nhiều khi bị buông lỏng. Những lúc như vậy, tinh thần Việt được phục hưng. Một điều nữa phải nói là may mắn: suốt trong nhiều thế kỷ người Hán nói tiếng Việt rồi để lại Đường âm, một thành tựu tuyệt vời về ngữ âm. Nhưng ngay sau đó, nước ta giành lại quyền tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ. Ta dùng Đường âm như một quốc bảo làm quốc ngữ mãi tới sau này. Trong khi đó, Trung Quốc luôn loạn lạc, các tộc người phương Bắc xâm chiếm, thống trị khiến tiếng nói biến đổi theo. Đường âm bị mai một. Do là nước độc lập, chúng ta không buộc phải học những thứ quan thoại của phương Bắc. Vì vậy giữ được tiếng nói của mình.

Tuy nhiên, có thực tế là: dù tàn bạo bao nhiêu thì các nhà nước Trung Hoa cổ cũng không thể dã man như nhà nước Trung Hoa hiện đại. Suốt trong lịch sử, đến cuối đời Thanh, người Giang Nam vẫn giữ tiếng nói riêng. Nhưng chỉ không đầy 10 năm (1949-1958) hầu hết dân Giang Nam đã nói tiếng phổ thông. Tiếng nói địa phương bị cấm. Những buổi phát thanh tiếng Quảng Đông ngày càng giảm thời lượng rồi mất hẳn.
Nếu nay chúng ta bị chiếm thì chắc chắn, bằng sức mạnh tàn bạo và những phương tiện hiện đại, sự đồng hóa xảy ra nhanh chóng!
                                               
                                                  Sài Gòn, ngày Trùng Cửu năm Bính Thân


PHẢI CHĂNG ĐÓ LÀ CÁI TRÍ CỦA KẺ SỸ BẮC HÀ?



Trong bài viết đăng trên blog của TS. Nguyễn Xuân Diện NHỮNG THÀNH NGỮ GỐC TÀU, NHẦM LẪN HAY CỐ Ý, nhà văn Đặng Văn sinh viết:

“Từ thời cổ đại, Trung Quốc đã là một nhà nước phong kiến tập quyền, một ngôn ngữ phong phú, hơn nữa, lại có chữ viết từ rất sớm nên người Tàu kiến tạo được một nền văn hóa mạnh, có ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Trong nền văn hóa Hoa Hạ đặc thù ấy có các loại ca dao, tục ngữ, thành ngữ, mà một phần trong đó được ông tổ của đạo Nho là Khổng Khâu san định thành “Thi Kinh”. Ngoài tục ngữ, ca dao, người Hán còn sử dụng khá nhiều điển cố, mà phần lớn có nguồn gốc từ trước tác của những triết gia, học giả nổi tiếng từng được ghi chép trong chính sử...”

Sau những lời giáo đầu này, ông dẫn ra câu:

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Quản Trọng và đoạn thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” của Giang Chu rồi bình luận:
 “Thế nhưng, không hiểu vô tình hay cố ý, người Việt chúng ta lại cứ hay nhận vơ làm của mình.”

Tôi xin mạo muội thưa lại đôi lời.

Thực tế là, hai nhân vật lịch sử này không lạ với người Việt Nam. Hiểu biết về họ của ông Văn Sinh cũng không ngoài những điều mà cha ông ta làu thông từ xa xưa: Quản Trọng người nước Tề thời Xuân Thu,  một người có tài kinh bang tế thế giúp tề vương xưng bá. Giang Chu thời Bắc Tống tác giả bài thơ ngũ ngôn “Huấn mông ấu học thi” nổi tiếng, từng được người Việt thuộc nằm lòng…
Nhưng thử hỏi, ai dám chắc rằng, biết như vậy đã là thực biết?
Muốn thực biết, phải đi xa hơn nữa, hiểu được người Tề, người Tống là ai? Nước Tề, nước Tống là gì?

Quả thực, đặt câu hỏi này ra là cả một sự thách đố không chỉ với tác giả bài viết mà với tri thức văn hóa Việt hiện tại. Chỉ sang kỷ nguyên này, nhờ khoa học tìm ra cội nguồn nhân loại cùng sự hình thành dân cư châu Á, câu hỏi trên mới thực sự có đáp án.
Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Khoảng 4.000 năm trước, người Việt với nhân số chiếm hơn 60% nhân loại đã làm chủ toàn bộ Đông Á, xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Khoảng 3.300 TCN, nhà nước của họ Thần Nông ra đời, với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ, là nhà nước sớm nhất trong lịch sử phương Đông. Khoảng năm 2879 TCN, nhà nước Xích Quỷ của người Lạc Việt được thành lập với kinh đô Lương Chử và cương vực trùng với nhà nước Xích Quỷ truyền thuyết. Phía Bắc Dương Tử là giang sơn của Đế Lai.

Năm 2698 TCN, họ Hiên Viên dẫn đầu các bộ lạc du mục Mông Cổ từ phía Bắc Hoàng Hà tấn công vào Trác Lộc, chiếm một phần đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Ở phần đất còn lại, người Việt thành lập những tiểu quốc hay bộ lạc và liên tục chống lại quân xâm lăng. Kết quả là, bên cạnh vương quốc Hoàng Đế nhỏ bé là rất nhiều nước và bộ lạc Việt. Chính sử Trung Hoa gọi là Đông Di, Nam Man, Tây Nhung… Các vương triều Hoa Hạ chưa hề làm chủ vùng đất này. Vào đời Thương, các nước Việt ở đây, với hơn 800 tiểu quốc, liên kết với nhà Chu để diệt nhà Thương rồi tôn Chu làm bá chủ. Như hầu hết các nước khác, Tề chỉ là một chư hầu nhà Chu chứ không thuộc địa phận Trung Quốc. Sau đó Quản Trọng giúp Tề trở thành bá chủ Trung Nguyên. Thiên tử nhà Chu chỉ là bù nhìn. Về cơ bản, người Tề cũng như các tiểu quốc quanh nhà Chu lúc đó như Triệu, Yên, Ngụy, Lỗ, ngay cả nước Tần ở cực Tây cũng của người Lạc Việt (nhánh Tày-Thái) với văn hóa Việt. Bản thân nhà Chu mang tiếng là Hoa Hạ nhưng hậu duệ nhiều đời của Đế Khốc cũng từ lâu trở thành người Việt, nhuần thấm văn hóa Việt. Những câu ca trong kinh Thi chính là những bài ca của người dân Việt, trong đó có nhiều câu lục bát, sau này được “chế biến” theo khẩu vị vương triều Trung Hoa.    
                               
Tuy muộn hơn nhưng tình hình Bắc Tống cũng tương tự. Nhìn bản đồ Bắc Tống, ta thấy quốc gia này chiếm phần lớn Trung Quốc, từ lưu vực Dương Tử tới Hoàng Hà. Nếu so với bản đồ Hoa Hạ nhỏ xíu thời nhà Hạ, thì đại bộ phận đất Tống là đất của người Lạc Việt xưa, tức dân ở đây cũng cơ bản là dân gốc Việt. Do vậy, dù mang danh xưng là người Tề, người Triệu, người Đường hay Tống thì con người ở đây vẫn là hậu duệ của Lạc Việt. Về cơ bản vẫn sống trong văn hóa Việt.

Có sự thực là, nhờ có chữ Giáp cốt do tổ tiên Lạc Việt sáng chế nên người Việt trên đất Trung Hoa ghi lại được những sự kiện, những triết lý quý giá của tiền nhân rồi từ đó truyền xuống phương Nam. Vì vậy nhiều kiến thức của tổ tiên xưa và tư tưởng của tiên hiền người Việt được đến với chúng ta qua văn tự mà lời của Quản Trọng hay thơ của Giang Chu là những thí dụ.

Tuy nhiên, do sự bất minh của lịch sử mà hàng nghìn năm, không chỉ chúng ta mà ngay cả người Trung Hoa cũng không biết tổ tiên của mình, gây những ngộ nhận đáng tiếc. Khám phá của khoa học nhân văn đầu thế kỷ XXI cho thấy, người Trung Hoa là hậu duệ của người Lạc Việt đi lên khai phá Hoa lục. Do vậy, tiếng nói Trung Hoa từ tiếng Việt mà ra. Âm Dương, Ngũ Hành, Dịch lý, Phong thủy, Thiên văn… đều do người Việt sáng tạo. Chữ viết Trung Hoa là từ chữ Giáp cốt của tổ tiên Lạc Việt, được các triều Ân, Chu, Tần phát triển.

Tuy lịch sử u mình nhưng lòng người thì vẫn có chỗ sáng. Tôi không hiểu từ đâu ông cha ta nói: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng.” Dù thuộc câu “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra” nhưng gần hết cuộc đời tôi cũng không hiểu Sông Nguồn là đâu. Nhưng rồi khi người bạn gốc Triều Châu nói qua điện thoại từ Sacramento về: “Sông nguồn là Hán Thủy bây giờ đấy anh ạ!” Tôi lạnh xương sống cảm nhận về mối gắn bó sâu bền với cội nguồn mà thời gian cùng sự xuyên tạc không tẩy xóa được!

Không phải chỉ từ hôm nay mà nửa thế kỷ trước, triết gia Kim Định đã nói: “Người Việt vào Trung Hoa trước, xây nền văn hóa nông nghiệp gọi là Việt Nho. Người Tàu vào sau, chiếm văn hóa Việt, nâng lên thành kinh điển nhưng mặt khác cũng làm sa đọa văn hóa Việt thành Hán nho, Tống nho …” Những phát hiện động trời của Kim Định, dù bị phản bác kịch liệt, nhưng như cỏ mùa xuân, ngày càng xanh trên cánh đồng tư tưởng Việt. Hơn 10 năm nay, những khám phá về lịch sử, văn hóa dân tộc được in thành sách, tràn lan trên mạng. Lẽ nào là một nhà văn mà không biết điều này, vẫn ôm những thành kiến sai lầm, khô cứng?!


Càng đi sâu nghiên cứu về thời cổ, tôi càng hiểu ông cha mình vì sao trong khi kiên quyết chống xâm lăng lại vô cùng trọng thị và gắn bó với văn hóa Trung Hoa. Có lẽ là, trong cõi nhân chi sơ, tâm trí các cụ đủ khôn sáng để cảm nhận về sự đồng văn từ nguồn cội? Chỉ tới thời đấu tranh giai cấp khốc liệt mới nảy nòi sự kỳ thị mù quáng. Cách ứng xử văn hóa này, không chỉ làm nghèo văn hóa Việt mà còn là sự chối bỏ cội nguồn.

Bài viết của ông Đặng Văn Sinh còn có câu: “Không ít kẻ chơi trò lập lờ đánh lận con đen, gộp tất cả những lời hay ý đẹp ấy cho một người với mục đích biến đối tượng thành vĩ nhân, mở miệng là lập tức thành lời vàng ý ngọc.”

Có lẽ không ít người, trong đó có tôi cũng từng nghĩ như vậy. Lúc còn nhỏ nghe thấy hay ho, sâu sắc. Nhưng lớn lên, đọc trong điển cố thì bực bội: vì sao những câu nói của cổ nhân lại gán cho ông Hồ? Nhưng rồi, tới lúc nào đó, chợt nhận ra: trong cái không khí bừng bừng sát khí tiêu diệt phong kiến, đập phá đền chùa, lùng đốt sách Nho kinh hoàng lúc đó, những câu Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư … sản phẩm của phong kiến xuất hiện, như tiếng nói trái chiều. Nếu không phải ông Hồ mà người khác nói sẽ lãnh đủ. Và tôi hiểu, chính việc nhắc lại những lời tổ tiên mang tính “phong kiến” đã phần nào làm dịu đi sự sắt máu của thời cuộc. Sau những câu đó của ông Hồ, người ta nương tay ít nhiều với các nhà Nho. Việc dẫn lời cổ nhân vô hình trung trở thành con đê con đập dù nhỏ góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc bớt băng hoại!

Rồi tới lúc tôi cũng hiểu, cũng như bao người khác, khi nhắc lại lời cổ nhân ai cũng chỉ để tự răn mình hay nhắc nhở người thân. Chẳng ai mong vì thế mà thành nổi tiếng! Ông Hồ không là ngoại lệ. Có điều, trong bầu khí cách mạng sục sôi lúc đó, khối quần chúng bị kích động, tìm mọi cách tôn vinh lãnh tụ là chuyện thường tình. Cũng thường tình như khi ngày nay đọc sử: “Toại Nhân làm ra lửa, Phục Hy làm Dịch, Nữ Oa đội đá vá trời, Thần Nông “giáo dân nghệ ngũ cốc...” Nào có lạ gì khi mà phong tục phương Đông công quy vu trưởng! Liệu có nên nặng lời trách cứ  nhân dân?

Chữ trí trong trí thức còn có nghĩa là thấu đáo. Biết tới cùng là trí! Hiểu biết nửa vời, lại chấp nhặt những điều vụn vặt phải chăng đó là cái trí của kẻ sĩ Bắc Hà?
 Sài Gòn, cuối Thu 2016