BỘ GIÁO DỤC KHÔNG HIỂU CHỨC NĂNG CỦA MÔN SỬ


Ngay khi đưa ra chủ trương “tích hợp” môn Sử, ý tưởng của Bộ Giáo dục bị xã hội phản ứng mãnh liệt. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện, dù nhiều, dù kiên quyết dường như cũng chưa đủ thuyết phục. Sở dĩ có chuyện này là do cả Bộ Giáo dục cũng như người phản biện chưa hiểu chức năng của môn sử.
Ngày trước, các cụ quen gọi việc đi học của học trò là học chữ. Nhưng từ năm 1954, khi chính quyền về tay công nông thì việc học được gọi là học văn hóa. Cùng với nó là mục khai trình độ văn hóa trong lý lịch.
Tuy nhiên, nhìn vào nội dung chương trình với những môn chính Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, ta hiểu thực chất việc học của học trò phổ thông là học những môn khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản là những môn học gốc, không chỉ cung cấp tri thức cơ bản mà còn thông qua đó giúp người học có phương pháp tư duy khoa học. Nhờ vốn kiến thức cơ bản cùng phương pháp tư duy, khi ra đời, người thanh niên có khả năng vận dụng kiến thức cơ bản vào cuốc sống.
Nền giáo dục Việt Nam dạy khoa học cơ bản ở bậc phổ thông là được thừa hưởng từ văn minh phương Tây. Nền giáo dục do người Pháp sáng lập cũng để lại cho chúng ta Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản. Từ giữa thế kỷ XX, nhờ nền khoa học cơ bản mạnh của Liên Xô, Hà Nội trở thành trung tâm khoa học cơ bản hàng đầu của Đông Nam Á. Đại học Tổng hợp Hà Nội có hai chức năng: đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản và người dạy khoa học cơ bản có trình độ cao cho bậc đại học. Thực tế cho thấy, hầu hết sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực hiện xuất sắc hai chức năng này.
Sử là môn khoa học cơ bản thuộc khoa học nhân văn. Nhiệm vụ của môn Sử bậc phổ thông là cung cấp cho học trò những tri thức lịch sử cơ bản của Việt Nam và thế giới. Từ đó giúp thế hệ trẻ hiểu dân tộc và nhân loại, một điều kiện cần có để làm người. Khi ra đời, có vốn liếng tối thiểu để giao tiếp với đồng bào cũng như người nước ngoài. Cố nhiên có một số người sẽ từ kiến thức này đi sâu vào chuyên môn, thành những sử gia.
Do là môn khoa học cơ bản nên nó có chương trình riêng, xuyên suốt bậc phổ thông theo một hệ thống khoa học để giúp người học nắm được lịch sử dân tộc cũng như nhân loại. Vì vậy, cũng như Toán, Lý… môn Sử không thể dạy “tích hợp.” Nếu dạy sử theo kiểu “tích hợp,” học sinh do không nắm được quy luật phát triển của lịch sử nên thụ động tiếp nhận từng mảnh kiến thức vụn một cách chắp vá. Từ đó không thể có cái nhìn sâu và toàn diện khi đánh giá những sự kiện lịch sử. Những con người như thế sẽ trở nên tiên thiên bất túc trước cuộc đời.
Đó là nói chung, nói về nguyên lý. Riêng về môn sử Việt Nam, sự việc lại nghiêm trọng hơn. Thế kỷ XX, các sử gia người Pháp dạy chúng ta rằng: “Con người xuất hiện tại Nam Thiên Sơn, du nhập Trung Quốc rồi từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, người Việt do người Hán đồng hóa mà thành. Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước văn hóa Trung Hoa. Tiếng Việt vay mượn tới 70% từ ngôn ngữ Hán…” Chúng ta đã học, tin và dạy nhau như vậy. Nhưng sang thế kỷ này, do đọc cuốn “thiên thư” ADN ghi trong máu huyết dân cư châu Á, di truyền học khám phá: “70000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Nam Á đặt chân tới Việt Nam, rồi người từ Việt Nam di cư ra khắp các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ, chiếm lĩnh đất Trung Hoa và chinh phục châu Mỹ. Từ 40000 năm trước lên khai phá đất Trung Hoa, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng nói Trung Hoa. Chữ tượng hình của người Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa…” Do vậy, cuốn sử Việt Nam cũng như phương Đông phải viết lại. Trước thực tế mới mẻ này, môn Sử với dân tộc Việt càng có vai trò quan trọng.
Là một môn khoa học cơ bản nên Sử luôn là môn học độc lập. Bằng việc “tích hợp” môn Sử một cách phản giáo dục, phải chăng người ta muốn biến cái bộ của ông Phạm Vũ Luận thành bộ-vô-giáo-dục?!

                                                              Sài Gòn, 26 tháng 11. 2015

CON NGƯỜI RỜI KHỎI CHÂU PHI KHI NÀO?


I.Tài liệu khác nhau đưa tới sự lựa chọn

Bước vào thế kỷ XXI, xuất hiện ba công trình di truyền học khám phá nguồn gốc và sự thiên di của loài người ra khỏi châu Phi:

1. Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Generations in China) của nhóm Y. J. Chu Đại học Texas Hoa Kỳ công bố cuối năm 1998, cho biết:
- Mọi con người hiện nay có tổ tiên duy nhất ở Đông Phi, ra đời khoảng 160 – 180.000 năm trước.
- Người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 60-70.000 năm trước. Tại đây họ gặp gỡ, lai giống và 50.000 năm trước di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên Trung Hoa. 30.000 năm trước, người từ Đông Á qua eo Beringa chiếm lĩnh châu Mỹ.

2. Cuộc hành trình của loài người - một Ođyxê gen (The Journey of Man: A Genetic Odyssey) của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic). Tác giả cho rằng:  các luồng di dân bắt đầu giữa 60.000 và 50.000 năm trước. Các du khách sớm theo bờ biển phía Nam của châu Á, tới Úc khoảng 50.000 năm trước. Thổ dân Úc, là hậu duệ của làn sóng di cư đầu tiên ra khỏi châu Phi.                                                                                                     
  - Làn sóng thứ hai rời châu Phi 45.000 năm trước, sinh sôi nhanh chóng và định cư ở Trung Đông. Khoảng 40.000 năm trước, băng hà bớt cứng rắn, nhiệt độ ấm lên, con người di chuyển vào Trung Á. Trong quá trình thảo nguyên hình thành, họ tăng nhân số một cách nhanh chóng. "Nếu châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại”

3. Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh Trái đất (Out of Eden Peopling of the World- http://www.bradshawfoundation.com) và Cuộc hành trình của con người chiếm lĩnh Trái đất (Journey of Mankind the Peopling of the World- (http://www.bradshawfoundation.com/journey/) của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford Anh quốc, với những nét chính:
 - 160.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi.
 - Khoảng 85.000 năm trước, một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ - the Gates of Grief  rồi men theo bờ phía Nam bán đảo Ả rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này.                                                                                                    - Từ 85.000 tới 75.000 năm trước: Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía Tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới Nam Trung Hoa.

     Ba tài liệu trên cùng xác nhận con người xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 160.000 – 180.000 năm trước. Nhưng trong khi công trình 1 và 3 cho rằng, cuộc di cư rời châu Phi diễn ra sớm hơn để con người tới Đông Nam Á 70.000 năm trước và làm nên đại bộ phận nhân loại sống ngoài châu Phi thì công trình 2 nói, có hai lần rời khỏi châu Phi, vào 60.000 và 45.000 năm trước. Đợt di cư thứ hai mới làm nên phần chủ thể của nhân loại.
  Do suốt thế kỷ XX không tìm được nguồn gốc dân tộc nên khi các nghiên cứu di truyền xuất hiện, tôi coi đó như phép màu giúp tìm lại cội nguồn. Tuy nhiên, điều phiền hà là, các nhà di truyền đưa ra hai đáp án khác nhau cho cùng một bài toán, buộc phải có sự lựa chọn.
Tôi thấy tài liệu của Spencer Wells “có vấn đề.”
1.    Trước hết, về mặt nguyên lý, việc di cư khỏi châu Phi là chuyện lớn, chỉ xảy ra khi hội được những điều kiện nhất định. Đó là dân số tăng cao, gây sức ép tới môi trường sống, khiến cho dân cư đứng trước lựa chọn “di cư hay là chết.” Do vậy, phát hiện của Stephen Oppenheimer cho rằng phải 50000 năm sau cuộc di cư đầu tiên (135000 năm cách nay) mới có cuộc di cư thứ hai xảy ra 85000 năm trước xem ra có vẻ hợp lý. Trong khi đó, hai cuộc di cư do Wells nêu ra quá gần nhau, tỏ ra thiếu thuyết phục.
2.    Lúc đó, đang trong cái lạnh giá nghiệt ngã của Thời Băng hà, con đường từ Trung Đông vào Trung Á đèo cao dốc đứng khó có thể là lựa chọn của người di cư. Mặt khác, dù có vào Trung Á thì do môi sinh khắc nghiệt, con người chỉ có thể sống trong trạng thái tiềm sinh chứ nơi đó không thể là “vườn trẻ của nhân loại”
3.    Cuộc di cư nào của con người cũng để lại dấu vết. Ngoài dấu vết ghi trên ADN thì cũng còn những dấu tích khảo cố. Con đường sang phương Đông dù sau này bị nước biển che phủ nhưng tại chặng cuối của hành trình không thể không có dấu vết lưu lại. Do suy nghĩ như vậy, tôi đã truy tìm những phát hiện khảo cổ.  Rất may là từ thập niên 1970, khảo cổ học đã khám phá bộ xương người Mongoloid ở Lưu Giang Quảng Tây 68000 năm tuổi và cốt sọ người Australoid tại hồ Mungo châu Úc 68000 năm trước. Hai chứng cứ này xác nhận người hiện đại đã tới Việt Nam 70000 năm trước, đúng như khám phá của J.Y. Chu cũng như S. Oppenheimer. Và như vậy, cuộc rời khỏi châu Phi phải xảy ra trước 70000 năm cách nay. Kết luận này không ủng hộ ý kiến cho rằng, cuộc di cư bắt đầu từ 60000 năm trước.
Chính từ suy nghĩ như vậy, tôi loại công trình của Wells khỏi tài liệu tham khảo.

II. Nguyên nhân thất bại của Spencer Wells

Đó là sự lựa chọn mà tôi buộc phải thực hiện vào năm 2005 khi bắt đầu khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt. Thời gian 10 năm đến hôm nay cho thấy sự chọn lựa như vậy là chính xác. Ngày càng có thêm nhiều chứng cứ không ủng hộ công trình  The Journey of Man: A Genetic Odyssey. Cùng với việc phát hiện di cốt người Homo sapiens 68000 năm trước tại Lưu Giang Trung Quốc và hồ Mungo nước Úc, đã có thêm bằng chứng cho thấy người hiện đại xuất hiện ngoài châu Phi trước 60.000 năm cách nay, là thời điểm bắt đầu cuộc di cư theo như công bố của Spencer Wells.
Trong bài viết Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia (Sọ Lào, hóa thạch sớm nhất của người hiện đại ở Đông Nam Á) http://www.news.illinois.edu/news/12/0820skull_LauraShackelford.html, nhà nhân chủng học Laura Shackelford, Giáo sư Đại học Illinois Mỹ cho biết, năm 2009, nhóm của bà phát hiện một sọ người hóa thạch tại hang Tam Pa Ling (hang Khỉ) trên dãy Trường Sơn thuộc Bắc Lào. Qua quá trình khảo sát tới năm 2012, đưa ra kết luận:
-           Đó là sọ người hiện đại Homo sapiens có tuổi từ 46.000 đến 63.000 năm, sớm hơn những cốt sọ tìm thấy ở Đông Nam Á 20.000 năm.
-           Phát hiện này viết lại lịch sử di cư của con người tới Đông Nam Á.
                                                          
Mới đây, nhóm nhà khoa học Đại học Luân Đôn nước Anh vừa công bố trên tạp chí Nature danh tiếng bản tin làm chấn động thế giới. “Đó là việc phát hiện 47 răng người hiện đại Homo sapiens có tuổi 80000 năm ở Động Phúc Nham, huyện Dao, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Niên đại này sớm hơn 20 ngàn năm so với thời di cư "Ra khỏi Phi châu" (Out of Africa) vốn là cột mốc được thừa nhận rộng rãi.  Giáo sư Chris Stringer từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London nói kết quả nghiên cứu mới là "điều làm thay đổi cuộc chơi" trong cuộc tranh luận về chuyện con người đã di cư đi các nơi như thế nào…”
Như vậy, khi cùng thừa nhận, người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại quê hương duy nhất là châu Phi thì mặc nhiên, người ở Bắc Lào hay Hồ Nam Trung Quốc cũng chỉ có thể từ châu Phi di cư tới. Và như vậy, cuộc di cư khỏi châu Phi trên thực tế đã diễn ra 20.000 năm trước thời điểm mà Spencer Wells ấn định (60.000 năm cách nay). Rõ ràng, với những phát hiện khảo cổ này, công trình của Spencer Wells không còn đứng vững.  Thực tế này cũng mặc nhiên bác bỏ đề xuất của nhà di truyền học Mỹ cho rằng, tất cả con người sống ngoài châu Phi hôm nay là hậu duệ của người đàn ông duy nhất sống tại châu Phi 60.000 năm trước!
          
Ta biết rằng, The Journey of Man: A Genetic Odyssey là một phần của Dự án vẽ bản đồ gen người của National Geographic, một dự án lớn, có ngân quỹ lên tới 40 triệu USD nên được tập trung những phương tiện nghiên cứu tối ưu cùng những chuyên gia hàng đầu. Cũng do vậy, tài liệu này được tin tưởng và trở thành nguồn tham khảo của nhiều giới khoa học quốc tế. Một số nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước đã lấy công trình của Spencer Wells làm tài liệu tham khảo chính cho nghiên cứu của mình. Dựa vào Spencer Wells, có tác giả kịch liệt phản bác ý kiến của tôi cho rằng người từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước, bởi lẽ: “Không thể có chuyện ông tổ đang ở châu Phi mà con cháu đã lang thang ở châu Á.”Không có chuyện người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục 40.000 năm trước.”  “Người Mongoloid hoàn chỉnh chỉ ra đời 10.000 năm trước.” Và “Người Mongoloid phương Nam sinh ra người Mongoloid phương Bắc …

Rút kinh nghiệm về sự thành công hay thất bại của mỗi công trình khoa học là cần thiết trên con đường học khôn của nhân loại. Do vậy cũng cần tìm hiểu nguyên nhân thất bại của công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey.

Tôi cho rằng, là người trẻ tuổi, do hạn chế về tri thức cũng như tầm nhìn văn hóa, Spencer Wells thuộc type người duy kỹ thuật, chỉ thực hiện công trình của mình duy nhất theo di truyền học. Đó là việc tận dụng tối đa ưu thế kỹ thuật hiện đại để truy tìm dấu di truyền (genetic marks) hòng xác định con đường di cư của loài người. Tuy nhiên, do cuộc thiên di diễn ra quá dài theo thời gian, quá rộng trong không gian và bao gồm quá nhiều cuộc hành quân khác nhau khiến cho lộ trình di cư đan xen nhau nên dấu vết di truyền (genetic marks) bị nhiều xáo trộn, khiến cho con đường thiên di trở thành mê lộ khó lần ra dấu vết thực sự. Do thiếu kiến thức sơ đẳng về khảo cổ học phát hiện Homo sapiens có mặt 68000 năm trước tại phương Đông nên khi thấy những genetic marks xuất hiện ở bán đảo Arap 60.000 năm trước, S. Wells đã vội cho là dấu vết của cuộc ra đi đầu tiên. Cũng vậy khi cho rằng những marks xuất hiện ở Trung Đông 45000 năm trước là kết quả của cuộc rời châu Phi lần hai! Từ đó sai lầm tiếp tục dẫn tới sai lầm… Cho rằng cuộc rời châu Phi 45000 năm trước qua Trung Đông tới Trung Á là cuộc di cư quan trọng nhất, làm nên đa số người sống ngoài châu Phi là kết luận trái với thực tế. Ngược lại, chính dòng người tới Đông Nam Á 70000 năm trước đã  chiếm lĩnh Hoa lục 40000 năm trước rồi từ Đông Á qua Trung Á vào châu Âu, góp phần làm nên người Eurasian tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15000 năm trước, người Eurasian từ châu Âu ngược con đường xưa, qua Trung Á, tiến về phương Đông…
So với Spencer Wells, Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford có phong cách làm việc khác hẳn. Là ông già từng trải, có nhiều năm sống trên các đảo Nam Thái Bình Dương, hiểu thấu con người và lịch sử phương Đông. Là tác giả cuốn sách quan trọng Eden in the East… nên khi khảo sát lộ trình rời châu Phi của con người, ông không chỉ dựa trên genetic marks mà căn cứ vào toàn bộ vốn văn hóa lớn lao của mình. Ông hiểu rằng, ngoài genetic marks, còn phải tìm con đường ra khỏi châu Phi qua truyền thuyết, huyền thoại, qua tiếng nói, qua những dấu vết văn hóa nối kết con người theo hành trình di dân. Và một trong những căn cứ vững chắc của ông là di cốt Homo sapiens 68000 năm trước ở phương Đông. Từ đó ông tìm ra vết tích genetic marks con người có mặt ở Việt Nam 70000 năm trước. Không chỉ vậy, những bằng chứng khảo cố học cũng giúp ông phát hiện cuộc di cư bất thành của con người diễn ra vào thời điểm 135000 năm trước… Kết quả là S. oppenheimer đã đúng khi xác định thời điểm di cư khỏi châu Phi 85000 năm trước.  Do vậy nên hôm nay, việc phát hiện răng người ở Động Phúc Nham khiến cho công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey sụp đổ thì Out of Eden Peopling of the World của S. Oppenheimer vẫn vững như bàn thạch. Cùng rời địa đàng 85000 năm trước, trong khi phần lớn dòng người tới Đông Nam Á sau hành trình 15000 năm thì cũng bình thường khi có nhóm người lên chuyến tàu nhanh, chỉ mất 5000 năm! Theo nguyên lý di truyền học, ta biết rằng, vì nguyên do nào đó, nhóm người tiên phong chiếm Động Phúc Nham, cũng như biết bao nhóm xấu số khác, bị tuyệt diệt nên không để lại genetic marks trong dân cư phương Đông hôm nay. Do vậy các nghiên cứu di truyền người hiện đại đã không biết tới họ. Trong khi đó, những người tới Đông Nam Á 70000 năm trước đã làm nên dân cư phương Đông hôm nay.

III Kết luận

Con người rời châu Phi 85000 năm hay 60000 năm trước là chuyện của các nhà khoa học, dường như không quan hệ gì tới cuộc sống bình thường của nhân loại hôm nay. Tuy nhiên, với người Việt Nam, những con số vô hồn ấy lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nếu cuộc ra đi 60000 năm trước và theo lộ trình như Spencer Wells đã vạch, chúng ta khó lòng tìm được tổ tiên của mình. Hay nói cách khác, tổ tiên chúng ta sẽ lẫn với đòng người từ Trung Á tới Tây Tạng, vào Trung Quốc rồi xuống Việt Nam. Với dòng chảy di truyền như vậy, cố nhiên những kết luận từ thế kỷ trước: “Người Việt chỉ là đám Tàu lai. Văn hóa Việt chỉ là sự bắt chước văn hóa Tàu chưa hoàn chỉnh” mặc nhiên được khẳng định. Còn khi cuộc ra đi bắt đầu 85000 năm trước, theo lộ trình mà J.Y. Chu và Stephen Oppenheimer đề xuất, vấn đề sẽ khác: Việt Nam là nơi phát tích, là vườn trẻ của phần lớn nhân loại, là cái nôi của nền văn hóa kỳ vĩ phương Đông…

  Rất mừng là con đường phương Nam là lựa chọn đúng. Với con đường thiên di như vậy, lịch sử phương Đông, lịch sử Việt Nam đã được viết lại. Chỉ vài năm trước thôi, có học giả Trung Quốc còn khẳng định việc phát hiện người Arian từ phía Tây xâm nhập làm nên dân tộc Trung Hoa là phát kiến vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại ở thời hiện đại. Một học giả lão thành kiên trì quan điểm: “Tổ tiên chúng tôi là người Chu Khẩu Điếm.” Nhưng nay, gió đã đổi chiều. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng thanh ca lớn: người từ châu Phi di cư tới thềm Nam Hải, làm nên dân tộc Trung Hoa. Người Hán là trung tâm của Bách Việt. Việt Nam là đám ly khai khỏi trung tâm nên lạc hậu dốt nát, là lãng tử phải được dạy dỗ đề hồi đầu! Một lần nữa, lịch sử lại bị xuyên tạc, lại bị chiếm đoạt.

VỀ NHỮNG NGÔI MỘ CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG TRÊN ĐẤT VIỆT NAM


I.Điểm một vài thông tin

Vào mạng tra mục từ “mộ Kinh Dương Vương” dễ dàng gặp những thông tin sau:        
-“Rất nhiều người không biết rằng, ngôi mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Việt nằm ngay bên bờ sông Đuống, thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng mà chỉ xây cao lên bằng gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian.
…Điều quan trọng là ngôi mộ nằm ở trung tâm thời dựng nước, từng là một thánh địa do chính Kinh Dương Vương chọn. Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là), nhận ra thế đất quý, có tứ linh long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.”
- “Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).

-Thật là tự hào, chúng ta có nhà nước Cực Lạc, Hồng Bàng, Xích Quỷ (sao Quỷ Đỏ ở phương Nam), Văn Lang, Nam Việt, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Ngu, Việt nam với Văn minh lúa nước và thuần phục trâu cấy cầy....từ thời Vua Phục Hy và Thần Nông của nhà nước Cực Lạc. Đóng đô ở Thạch Thất Hà nội
Kinh Dương Vương được Vua Cha Đế Minh giao cai quản nước Xích Quỷ, từ phía Nam sông Dương Tử. Xích là đỏ, Quỷ là sao Quỷ (nằm trong nhị thập Bát Tú). Thời kỳ này là khoảng 2879 năm trước công nguyên (cách 2013 là 4892 năm) Lạc Long Quân lấy Mẫu Thoải Âu Cơ, Đệ Tam Thánh Mẫu, đẻ ra 100 trứng ở Đền Lăng Xương, Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Nơi đây có suối nước nóng của đứt gẫy vỏ trái đất, nhận Địa khí, gần với Ba vì, nơi nhận được Thiên khí. Các con theo Cha xuống biển ở Hà Đông, theo Mẹ lên núi ở Việt trì, Phú Thọ. Người con cả được phong là Vua Hùng. Chúng ta có 108 Vua Hùng (18 Vua Hùng ghi trong sử sách là những người có công mở cõi). Đền Thờ các Vua Hùng, mộ các Vua Hùng, các Mẫu....đều nằm ở Kinh đô cổ Phong Châu, Vân nội, Hà Đông.
-Kinh đô cổ của các nhà nước Cực Lạc, Hồng Bàng, Lạc Việt, Văn Lang, còn nằm ở các Huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Hà Đông...Phố Xốm, Vân Nội, Hà Đông chính là Phong Châu cổ, Kinh đô của Vua Hùng
Tinh hoa văn hóa Việt với tư duy minh triết .GS-TSKH-VS Nguyễn Xuân Trường Tiến; Chủ tịch Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ thuật Công Trình Việt nam, VSSMGE. http://nguyenngocson.vn/?module=news_detail&cat_id=12&id=453

-Kinh Dương Vương húy Nguyễn Lộc Tục tự Phúc Lộc (đổi họ Thần Nông thành họ Hồng Bàng) là con trai trưởng của Thái Khương Công- Nguyễn Minh Khiết và bà Đỗ Quý Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát.  Chồng lấy vợ hai, mẹ con bị bạc đãi. Bà Đỗ Quý Thị giận, đem Lộc Tục vào núi Hòa Bình tu. Nhiều năm cụ tu ở Động Tiên, huyện Lạc Thủy- Hòa Bình. Cụ cùng tám người em trai nuôi dạy con trai là Nguyễn Lộc Tục. Lớn lên Lộc Tục đánh thắng giặc Gạc Ma được cha Nguyễn Minh Khiết phong Thánh Tổ làm vua hiệu Kinh Dương Vương. Ngài lập kinh đô ở bến Ong, làng Vân Lôi (Kẻ Xốm) đặt tên nước là Xích Quỷ. Ngài sinh ngày 17- 8. Mất ngày 25- 12. Mộ táng tại chỗ giáp ranh hai làng Quang Lâm và Vân Nội- Thanh Oai- Hà Nội ngày nay. Đền thờ ngài 24 tòa xây tại 24 làng.
 Đạo Của Tổ Tiên Việt. MAI THỤC http://newvietart.com/index3.5181.html

Những thông tin trên cho thấy, ít nhất trên đất nước ta có hai nơi được cho là có mộ của Kinh Dương Vương. Cố nhiên,  một câu hỏi nảy sinh: một người sao lại có tới hai ngôi mộ? Từ đó dẫn tới sự hoài nghi về tính xác thực của những ngôi mộ này. Đành rằng, mộ thủy tổ là thiêng liêng nhưng khi sự hoài nghi xuất hiện sẽ gây hậu quả khó lường! Vì vậy cần được làm rõ: thực sự đó có phải là mộ của Ngài không?

II. Những lý do cho thấy không thể có mộ của Kinh Dương Vương trên đất Việt Nam

Từ khảo cứu nhiều nguồn tài liệu, chúng tôi xin trình ra những lý do khẳng định không thể có mộ Kinh Dương Vương trên đất Việt Nam
Lý do thứ nhất: dựa vào thư tịch.
- Cuốn sách sớm nhất nói tới Phục Hy, Thần Nông là Kinh Dịch, do Khổng Tử san định vào cuối thời Xuân Thu, cách nay gần 2500 năm. Kinh Dịch viết: “Họ Bào Hy mất, họ Thần Nông xuất hiện, dạy dân lấy gỗ đẽo cày, họp chợ. Tất cả đều lấy hứng tứ quẻ Ích.”
-Theo Từ Hải thì Phục Hy còn có tên là Bào Hy, Thái Hạo v.v. . . là một trong ba ông vua thời Thái cổ, hai ông kia là Toại Nhân, Thần Nông. Phục Hy dạy dân săn bắn, đánh cá, nuôi súc vật, tạo ra Bát quái và thư khế (văn tự, khế ước). Có sách nói Phục Hy sống ở thế kỷ 43 TCN.
-Trong tài liệu Về Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh, bác sĩ Trần Đại Sĩ ghi cuộc điều tra điền dã của ông như sau: “Thiên-đài là ngọn đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang… Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Đầu đề ghi: “Thiên-đài di sự lục. Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.” Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào ? Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn soạn, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ. Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772). Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài sơn. Minh-Văn còn kể thêm : « Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Dương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây ».[1]
 Tài liệu này là chứng cứ cho thấy truyền thuyết Đế Minh tuần thú phương Nam, tới núi Thiên Đài lập đàn tế cáo trời đất xuất hiện từ xa xưa và phổ biến ở vùng Giang Nam. Đó cũng là thêm bằng chứng về việc ra đời nước Xích Quỷ.
 Trong khi đó, những người chủ trương Châu Phong Hà Đông là kinh đô và nơi an nghỉ của Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương Vương chỉ dựa vào cuốn Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, xuất hiện quá mới, khoảng giữa thế kỷ XIX, lại đầy mâu thuẫn mà nhiều người chỉ ra là ngụy thư, có đáng tin không?
Ngay với ngôi mộ ở Thuận Thành Bắc Ninh, dù có thần tích, bia ký rồi sắc phong thì tất cả cũng đều quá mới, không có giá trị sử liệu xác nhận đó thực sự là mộ của Kinh Dương Vương.
Lý do thứ hai: Cho rằng các vị Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương vương sống ở Phong Châu Hà Nội, Thuận Thành Bắc Ninh.
Từ khảo sát hơn trăm cốt sọ thời Đồ Đá tới thời Kim khí được phát hiện ở Đông Nam Á (Việt Nam chiếm 70 mẫu), Giáo sư Nguyễn Đình Khoa trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á (NXB DH&THCN. H,1983) xác nhận: “Suốt thời Đồ đá, dân cư ở Việt Nam và Đông Nam Á gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, đều thuộc loại hình Australoid”
Do 4879 năm trước trên đất nước ta thuộc Thời Đồ đá, chỉ có người Australoid nên mặc nhiên, Kinh Dương Vương nếu sống ở nước ta thời đó cũng là người Australoid. Hệ quả là, một người mang gen Australoid không thể sinh ra người mang gen Mongoloid phương Nam. Điều này có nghĩa, các vị không thể là tổ tiên người Việt!
Lý do thứ ba:  không có di tích kinh đô.
Nói tới kinh đô cổ mặc nhiên phải nói tới di tích của thành trì, khu dân cư. Ở Phong Châu không hề thấy dấu vết nào như vậy. Tài liệu khảo cổ của vùng chỉ phát hiện những ngôi mộ dân thường, kèm theo tiền Ngũ thù thời Hán của những thế kỷ đầu Công Nguyên.
Trong khi đó, ở vùng Thái Hồ Nam Dương Tử, từ năm 1936 phát hiện văn hóa Lương Chử có địa giới tương đương với nước Xích Quỷ. Kinh đô Lương Chử hình chữ nhật gần tròn, rộng 3.000.000 m2, vẫn còn di tích hai bức thành dài 1700 m và 1500 m, có đáy rộng 60 m, cao 40 m và mặt thành 40 m.
Một quốc gia rộng lớn như Văn Lang mà kinh đô Phong Châu không có thành lũy thì vua quan, quân đội đóng ở chỗ nào?
Lý do thứ tư: vào thời của Kinh Dương Vương, vùng Bắc Ninh,  Hà Nội còn chìm trong biển nước.
Sách cổ ghi Phục Hy sống khoảng 4000 năm TCN, Thần Nông khoảng 3080 năm TCN và Kinh Dương Vương 2879 năm TCN. Trong khi đó, khảo cổ học đồng bằng sông Hồng cho thấy:
“Vào thời kỳ đồ đồng (2000-700 năm TCN) đang trong giai đoạn biển thoái Radrian, lúc này các thùy châu thổ của đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được hình thành và được mở rộng dần về phía biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cư dân cổ chuyển dần xuống định cư tại các vùng đất thấp hơn. Từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đồng Đậu và Gò Mun, chúng ta có thể thấy rõ sự phân bố của các di tích có sự dịch chuyển dần xuống các vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Thời đại đồ sắt- văn hóa Đông Sơn 2700-1800 cách nay
Trong giai đoạn này, mực nước biển cũng có sự dao động, đầu tiên là mực nước biển dâng lên và đến giai đoạn khoảng 2000 năm, mực nước biển lại rút dần. Diện phát triển và phân bố của văn hoá Đông Sơn lớn rộng hơn, đông đặc hơn các di tích tiền Đông Sơn, trong giai đoạn sớm các di tích phân bố chủ yếu ở vùng rìa cao của đồng bằng châu thổ. Trong quá trình phát triển, nó tràn đến cả những vùng thấp, trũng. Những nơi cư trú của thời này có quy mô to lớn hơn trước, nhiều di tích lại tập trung thành từng nhóm, cụm xung quanh một khối cư trú tạo thành các trung tâm như trung tâm Vinh Quang, Cổ Loa, Phú Lương, Việt Khê...”[2]
Như vậy, phải tới thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn, khoảng 200 năm TCN, con người mới tụ cư tại Kẻ Ốc (Cổ Loa) mà Vân Nội gần đó không phải là một di chỉ khảo cổ.
Điều này có nghĩa là, vào năm 2879 TCN, cả vùng Hà Đông, Bắc Ninh còn chìm trong nước sâu của vịnh Hà Nội. Làm cách nào Kinh Dương Vương dựng được kinh đô trên biển nước mênh mông?
Vào thời điểm sớm nhất con người đến sống trên vùng đất này, khoảng 200 năm TCN thì Kinh Dương Vương đã chết được hơn 2600 năm. Vậy tìm đâu xương cốt Ngài đem về đây cải táng?

III. Lý giải về những ngôi mộ được cho là của Kinh Dương Vương.

Khi châu thổ sông Hồng được bồi tụ, người từ Thanh Nghệ kéo ra, từ Đồng Đậu Phú Thọ xuống rồi người Việt từ nam Trung Quốc trở về. Người trở về mang theo những kỷ niệm từ đất tổ Núi Thái - Trong Nguồn phía Nam Hoàng Hà Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra cùng những câu chuyện về Thần Nông, Kinh Dương Vương, nước Xích Quỷ, cha rồng mẹ tiên và một bọc trăm trứng… Những câu chuyện xa xưa đã thành truyền thuyết lưu truyền trong ký ức nhân dân một cách bền bỉ. Từ thời Trần, những câu chuyện như vậy được ghi lại trong sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh… càng hun dúc tâm trí người dân nhớ tới cội nguồn.
Có thể những kịch bản như sau đã xảy ra:
Tại vùng Vân Nội Hà Đông, một lúc nào đó, do lòng kính ngưỡng tổ tiên thôi thúc, các già làng bàn nhau, chọn cuộc đất đẹp đắp ngôi mộ gió của Thủy tổ Kinh Dương Vương để bái vọng. Truy từ sách vở ngày mất của Tổ rồi hàng năm theo lệ tế lễ. Một phần do việc làm này, văn hóa cùng phong tục tập quán của làng trở nên tốt đẹp hơn. Tiếng lành đồn xa, người trong vùng quy tụ tới nơi thờ Tổ. Cũng do vậy, việc làm ăn của người dân phát đạt hơn. Do kinh tế khá lên, các vị già làng huy động công đức của bá tánh chỉnh trang mộ và xây đền thờ… Khoảng năm 1840, một số vị có chữ trong làng, dựa vào truyền ngôn và sách vở tạo ra sách Cổ Lôi ngọc phả truyền lại.
Còn ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sự việc có thể như sau:
Do vị trí của mình, từ trước Công nguyên, Liên Lâu sớm trở thành nơi đô hội sầm uất với những chùa chiền được xây dựng rồi là nơi đóng trị sở của chính quyền đô hộ. Do vậy kinh tế và văn hóa ngày càng thịnh vượng. Còn ở vùng Á Lữ thì do bên sông Đuống hung hãn nên được khai thác muộn hơn.
Tài liệu lịch sử còn ghi: “Dưới triều Lê sơ những con đê lớn hơn được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ sông Nhị Hà được xem là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép, kết quả là sông Hồng trở nên hung dữ, đã vỡ và gây ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, và lúc đó đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải pháp nắn chỉnh, khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống (tức sông Thiên Đức thời bấy giờ), chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng dịch về phía thượng nguồn, giúp cho việc phân lũ sông Hồng được thuận lợi. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng.” [3]
Có thể là tới cuối thời Lê, cũng do thôi thúc của tâm linh, các già làng Á Lữ bàn nhau chọn đất đắp ngôi mộ của Thủy tổ Kinh Dương Vương. Sau đó, do kinh tế trù phú lên, các cụ xây lăng, dựng đền thành nơi thờ tự sầm uất. Nằm trong cảnh quan vùng Liên Lâu, theo thời gian, khu lăng mộ và đền Á Lữ trở nên thắng tích nổi tiếng. Năm Gia Long thứ 10, nhận được sắc phong của triều đình. Từ đó tới nay, việc thờ tự được người dân duy trì. Năm tháng qua đi, người đời sau vì không biết nguyên do xuất hiện của ngôi mộ mà chỉ thấy lăng mộ, đền thờ cổ linh thiêng nên lầm tưởng đó chính là nơi an nghỉ của Thủy tổ. Cũng có sự thực là, từ gần 5000 năm trước, Tổ Kinh Dương Vương đã yên nghỉ ở kinh đô Lương Chử với lăng tẩm rồi đền đài uy nghiêm. Nhưng thời gian trôi, vật đổi sao dời, đất bao lần thay chủ. Lăng mộ, đền đài hoang phế, mất dấu. Hồn thiêng của tổ tiên dù ở nơi cực lạc nhưng khi muốn cũng không có nơi tìm về. Từ khi những ngôi mộ gió thành tạo, lòng kính ngưỡng của con cháu thấu tới cõi linh thiêng. Theo phong tục người Việt, con cháu đâu, ông bà ở đấy, tổ tiên vui lòng nên cũng về với con cháu trong những ngày lễ trọng. Có thể, một vài nhà ngoại cảm, với khả năng đặc biệt, giao tiếp được với tổ tiên đã củng cố thêm lòng tin cho dân…
Chúng tôi cho rằng, dù chỉ là những ngôi mộ gió được đắp để bái vọng tổ tiên thì việc hiện diện của những ngôi mộ và lăng rồi đền thờ là điều vô cùng quý giá. Nó thể hiện bản thể tốt đẹp của văn hóa Việt tộc biết uống nước nhớ nguồn, thờ kính tổ tiên. Đó cũng là di sản vật chất giúp cho ổn cố tâm linh, gắn kết cộng đồng dân tộc. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta cùng con cháu là phải nối tiếp công việc của tiền nhân giữ gìn, tôn tạo những cố tích thiêng liêng quý giá này.
Mặt khác, cũng cần công khai với con cháu và du khách: đấy là những ngôi mộ, ngôi đền mà tiền nhân chúng tôi đựng lên để từ xa bái vọng tổ tiên, những người từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó trở về sinh thành dân tộc chúng tôi. Cần minh bạch như vậy để một mặt tránh sự u mê ngu tín của những người vô minh. Mặt khác cũng giải tỏa sự hoài nghi của những người chưa hiểu biết tường tận. Danh có chính ngôn mới thuận là vậy!
                                                                       
Sài Gòn, 2 tháng 11 năm 2015   
                       
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đại Sĩ. Về Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh.
             http://www.vietnamvanhien.net/NuiNguLinh.pdf
2. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Khảo cổ đồng bằng sông Hồng
http://caf.vass.gov.vn/noidung/nghiencuukhoahoc/Lists/NghienCuuKhoaHoc/view_detail.aspx?iDCapCoQuan=47&ItemID=1714

3. Wikipedia: Việc đắp đê sông Hồng