Thưa Chuyện Với Sử Gia Tạ Chí Đại Trường

Thưa bạn đọc,
Sử gia Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời.
Là người từng viết ba bài tranh biện với ông. 
Nhân dịp này xin đăng lại hai trong số đó để bạn đọc tham khảo.
HVT

Với chúng tôi, bài viết “Về ‘huyền sử gia’ Kim Định và các chi, bàng phái ‘huyền sử học’ Việt Nam” là tài liệu lý thú và bổ ích. Lần đầu tiên chúng tôi được đọc công trình phê bình Kim Định một cách hệ thống, toàn diện và triệt để như vậy. Là nhà sử học danh tiếng, tác giả những cuốn sử chân thực, tinh tế, ông Tạ hoàn toàn có tư cách của vị phán quan trong vấn đề này. Không chỉ nói với người Việt, ông còn dạy dỗ những người Mỹ đang tìm hiểu văn hóa Việt trong tổ chức Williams Joiner Center. Sự phê bình của ông giống như đòn knock out đánh gục triết thuyết Kim Định, chôn vùi nó dưới ba tấc đất.
Nhưng có điều không bình thường là, sau những cú đòn hủy diệt như vậy, tư tưởng Kim Định cứ như hồn ma bóng quế đội mồ đứng dậy quấy quả chúng sinh. Ở ngoài nước thì hóa thân thành những hội, đoàn, những gia đình, tập hợp nhau in sách, viết báo, lập đài phát thanh truyền bá tư tưởng ông. Ở trong nước lung lạc những bậc khoa bảng như viện sĩ danh tiếng Nguyễn Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Rồi ám vào luận văn của chàng trai vô danh, khiến anh ta được đánh giá cao ở nước ngoài, sau đó được phong giáo sư, viện sĩ. Đấy là chưa kể một vị giáo sư già đáng kính khác có tên Bùi Văn Nguyên đã theo chân Kim Định mà viết Kinh Dịch Phục Hy và giải mã những huyền thoại và cổ tích Việt. Lại xuất sinh những chàng trai Việt trẻ hơn như Đoàn Nam Sinh, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thiếu Dũng… phát hiện Hà đồ, Lạc thư từ trống đồng, tìm ra Bát quái Lạc Việt và đòi lại bản quyền kinh Dịch cho tộc Việt…
Thực tế trên chứng tỏ rằng Kim Định không chết. Những người giết ông đã thất bại. Có thể chỉ ra nguyên nhân thất bại của quý vị. Trước hết, cuộc sống không chấp nhận sự phủ định sạch trơn. Con người khôn ngoan sẽ nhận ra những điều cần thiết cho mình. Chính thái độ bất công của người phủ định khiến công chúng xa rời họ. Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn: quý vị với Kim Định không cùng phương pháp luận!
Là người “duy vật sử quan” (chữ của Kim Định), quý vị đổ mồ hôi sôi máu mắt thẩm định lịch sử theo phương cách con sâu đo bò sát mặt đất, rà xét từng sự kiện, lật trái lộn phải từng trang sách… Nhờ đó quý vị góp phần minh định lịch sử. Công lao quý vị thật là to, được cộng đồng tôn vinh. Quý vị xây cho mình uy tín nghề nghiệp cao ngất ngưởng. Tuy nhiên có sự thực không thể phản bác là, phương pháp luận thần diệu của quý vị đã bất lực trước những vấn đề của thời tiền sử! Thử hỏi, suốt một thế kỷ học cổ thư Tàu, tân thư Tây rồi chụp giật những tư liệu khảo cổ, nhân chủng… quý vị đã khai mở được gì cho giai đoạn tiền sử dân tộc? Con số Không tròn trịa, nếu không muốn nói quý vị đã dẫn dân tộc lạc đường! Học thày Tây, quý vị coi khinh truyền thuyết “trăm con trăm trứng”, chối bỏ Kinh Dương Vương 2850 năm TCN để nhận láo tổ tiên Việt Câu Tiễn! Nương theo thuyết Hoa tâm, quý vị dạy dân “tiếng Việt mượn 70% tiếng Tàu”! Không chỉ thế, sang tới thế kỷ này, một nhà sử học lớn còn nói như đinh đóng cột “người Việt bị Hán hóa vào thời Bắc thuộc” rồi “người phía nam Trung Quốc mang văn minh nông nghiệp xuống Việt Nam” (!). Quả là thảm trạng của dân tộc. Một tấn bi hài kịch cười ra nước mắt!
Trong bối cảnh như vậy, Kim Định như con chim ưng bay lên chín tầng trời để nhìn đời bằng thiên lý nhãn. Lúc đầu ông có dựa vào mấy hòn đá, mấy mảnh gốm và ít trang sách cổ. Sau ngộ ra rằng, những tư liệu đó vừa thiếu chính xác, vừa vụn mảnh, ông từ bỏ chúng rồi bằng giải mã huyền thoại, ông lập thuyết. Phần lớn những gì Kim Định nói ra không bằng cớ, không thể kiểm chứng. Nhưng trong đó ẩn chứa biết bao điều minh triết. Giống như nhà đạo học, bằng chiêm nghiệm, quán tưởng, ông tìm ra Đạo Việt. Không phải ông hoang tưởng. Cũng không phải ông là người duy nhất thành công. Sau ông hai chục năm, cũng bằng giải mã huyền thoại, nhà khoa học lớn Stephen Oppenheimer cống hiến nhân loại Eden in the East, công trình khoa học mang ý nghĩa khai sáng cho lịch sử, văn hóa Đông Nam Á.
Dùng kích tấc của loài sâu đo, khi thẩm xét Kim Định, quý vị, nói như nhà thơ họ Chế, đã dùng “vỏ ngao tát bể, lấy cái cân nhỏ xíu để cân đời!” Cố nhiên quý vị chỉ thấy những cái sai, những gì bất cập. Rồi với uy quyền học phiệt, quý vị hạ một câu xanh rờn: “Không có căn bản khoa học!”. Sau lời tuyên án của quý vị, một bầy đàn những kẻ ăn theo, nói leo mà cộng động Việt vốn thừa mứa, ném đá chôn sống “kẻ hoang tưởng”! Nhưng sự đời quái lạ: ma Kim Định cứ đội mồ sống dậy! Vì là “ma” nên không được vô cửa chính lâu đài khoa học mà phải đứng nép bên lề. Thậm chí vì sợ quyền uy quý vị, người ta không dám nhắc tên Kim Định trong luận văn của mình…
Nhưng may mà cuộc sống không buông xuôi như thế. Ở nơi cơ học cổ điển bất lực thì cơ học lượng tử nảy sinh. Khi việc đo sọ tròn sọ vuông không thỏa mãn nhu cầu hiểu biết thì di truyền học phân tử ra đời. Bản đồ gene người được lập. Cây phả hệ loài người được vẽ. Không còn là nhiều gốc nữa mà loài người quy về ông tổ chung châu Phi. Khoa học cũng lần ra con đường người hiện đại tới Việt Nam rồi đi lên chiếm lĩnh Trung Nguyên… Có thể nói, mỗi bước tiến của di truyền học đến gần tổ tiên Việt là một tiếng reo tôn vinh Kim Định. Để thưa lại với những sử gia quan phương về sự “thiếu căn bản khoa học” của Kim Định, chúng tôi mạo muội làm cái việc xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết của ông:
Khoảng 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi theo đường Nam Á tới Việt Nam. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra 4 chủng Việt cổ: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid.
Khoảng 40.000 năm trước, người Việt mang rìu đá lên khai phá Trung Nguyên. Cũng trong thời gian này, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ đi lên vùng Tây Bắc Trung Quốc. Từ hái lượm, họ chuyển qua du mục và trở thành tổ tiên những bộ lạc Mongoloid phương Bắc.
Khoảng 15.000 năm trước, người Việt mang giống lúa, khoai sọ, giống gà, giống chó lên xây dựng nền nông nghiệp lúa nước trên đất Trung Hoa.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, đẩy một bộ phận người Việt trở lại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những người này mang gene Mongoloid phương Nam làm chuyển hóa di truyền dân cư trong vùng. Ở Trung Nguyên, do hòa huyết Mông-Việt, người Mongoloid phương Nam ra đời. Đó là tổ tiên người Hán.
Là lớp con lai Việt, sống trên đất của Bách Việt, tổ tiên người Hán tiếp thu toàn bộ văn hóa Việt vào đời sống của mình và sáng tạo văn hóa Hán rực rỡ vào khoảng 1500 năm TCN.
Như vậy, tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có mặt trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của Việt tộc.
Người Việt ở Việt Nam, do có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư Đông Nam Á và giữ được lãnh thổ riêng nên là tộc người kế tục của tộc Việt cả về di truyền cả về văn hóa.
Có thể kể ra nhiều thêm nhưng thiết nghĩ, bằng đó cũng đủ là cái móng bền, trụ vững tòa lâu đài văn hóa vĩ đại của tộc Việt do triết gia Kim Định khai quật.
Thực sự đó là cái gì vô cùng lớn lao và linh thiêng. Hàng ngàn năm, dân tộc ta như một bầy người ngơ ngác, không biết cội nguồn tổ tiên cũng như gốc gác văn hóa, như đám trôi sông lạc chợ… Kim Định dắt ta về với nguồn cội, không chỉ thẳm sâu trong thời gian mà vô cùng nhân ái, minh triết! Kim Định dựng cả dân tộc đứng dậy. Sau phát kiến của ông, dân tộc Việt mang tầm vóc khác!
Một thời gian dài chúng tôi cứ dằn vặt với suy nghĩ: Vì sao? Vì sao? Vì sao người Việt chối bỏ gia tài văn hóa lớn lao như vậy của tổ tiên để nhốt mình trong ngu dân và làm nô lệ tự nguyện cho văn hóa ngoại bang? Quả tình không hiểu nổi!
Ở thế kỷ trước, chúng tôi buồn nhưng không trách quý vị chống báng Kim Định vì hiểu giới hạn tri thức của quý vị và cũng là của thời đại: chưa có công cụ giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề thuộc nhân loại học. Nhưng sang thế kỷ này, với hàng đống kiến thức về nguồn cội tràn ngập xa lộ thông tin mà quý vị còn cho là 8000 năm trước tại Hòa Bình chưa có gạo, hay dùng thủ thuật “quay nhanh băng vidéo” để kéo Hùng Vương về bằng với Sở Hùng Cừ thì… hết nói! Sao tránh khỏi mang danh tội phạm xả rác làm ô nhiễm lịch sử?
Là nhà sử học danh tiếng, mỗi tiếng khen, chê của sử gia Tạ Chí Đại Trường ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng. Vì vậy, việc phủ định sạch trơn triết gia Kim Định là sai lầm không thể biện minh về học thuật. Dù với sự thận trọng của người dám chịu trách nhiệm, chúng tôi cũng buộc phải thưa rằng, sử gia Tạ Chí Đại Trường không thể chối bỏ tội lỗi với văn hóa dân tộc!

Sài Gòn, khai bút Xuân Mậu Tý

© 2008 talawas