NHỮNG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI ĐẶT RA TỪ SỰ KIỆN CHÙA BA VÀNG




Sự kiện chùa Ba Vàng đặt ra hai vấn đề cần được suy ngẫm: 1. Việc thỉnh oan gia trái chủ có vi phạm Phật pháp? Và 2. Việc thu tiền thỉnh oan gia trái chủ có vi phạm pháp luật? Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đóng góp một góc nhìn.
1.       Vấn đề thứ nhất: Thỉnh oan gia trái chủ có vi phạm Phật pháp?
Lên đồng, gọi hồn, áp vong, bắt ma… là tín ngưỡng dân gian hình thành từ xa xưa trong xã hội Việt Nam. Cố nhiên, như mọi việc trong cuộc sống, nó có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tích cực khi nó giúp người tai qua, nạn khỏi, đem lại sức khỏe và cuộc sống yên bình. Tiêu cực khi là trò lừa đảo, khiến thân chủ tiền mất tật mang. Dù tiêu cực, dù tích cực thì hệ thống tín ngưỡng này tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Có thời, chụp cho cái mũ “mê tín dị đoan,” nó bị cấm đoán khắc nghiệt. Nhưng rồi, cái gì căng lắm sẽ có lúc chùng, sau thời gian cấm đoán, nó hoạt động trở lại hình như công khai hơn. Khoảng hơn 20 năm nay, khi xuất hiện những nhà ngoại cảm có khả năng nhìn thấy vong hồn, trò chuyện với người cõi âm, để từ đó giúp tìm kiếm hàng ngàn hàng vạn hài cốt liệt sỹ thì việc gọi hồn, trục vong trở thành đương nhiên. Giờ mà có ai nói cô Phan Thị Bích Hắng hành nghề mê tín dị đoan thì kẻ đó trở thành trò cười cho thiên hạ bởi lẽ chính họ mới là dị đoan mê tín. Như vậy, có điều vui là chúng ta tiến thêm một bước gần tới xã hội tâm linh.
Nhưng một vấn đề lớn khác được đặt ra: thỉnh oan gia trái chủ có trái Phật pháp? Muốn trả lời câu hỏi này chỉ có thể tìm về kinh sách Phật giáo. Trong Phật pháp, có tích chuyện kinh điển là Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Khi đạt giác ngộ, nhờ có tuệ nhãn, ngài Mục Kiền Liên thấy mẹ bị đọa trong địa ngục. Ngài xin Phật cứu giúp. Phật bảo: lập trai đàn thật lớn rồi mời thật nhiều chư tăng đến cầu. Làm theo lời Phật, ngài Mục Kiền Liên cứu được mẹ. Đây là câu chuyện chứa nhiều thông điệp. Là bậc giác ngộ, cố nhiên ngài Mục Kiền Liên hiểu rằng, như mọi chúng sinh, mẹ của mình cũng đang phải trả quả nghiệp. Theo Phật pháp, thì ngoài tu dưỡng bản thân, không tha lực nào cứu được. Nhưng với lòng hiếu, ngài không thể lạnh lùng chấp nhận cái tất yếu “ai làm nấy chịu”của mẹ, còn mình ung dung tiêu dao miền cực lạc. Do vậy, ngài đứng ra cầu Phật. Đức Phật, với uy lực vô biên, ngài có thể làm mọi chuyện. Nhưng nếu Phật tự mình ra tay, không chỉ trái Phật pháp mà còn tạo tiền lệ xấu như ỷ lại, dựa dẫm sau này. Do vậy, ngài khuyên tôn giả Mục Kiền Liên lập đàn cầu nguyện. Việc làm này không trái Phật pháp vì cùng với nỗ lực bản thân, sức mạnh của chư tăng cũng giúp cho sự tu tập. Câu chuyện trong chiều sâu nói rằng, Phật pháp không cứng nhắc, không vô tình, lòng hiếu thảo chân thành có thể thay đổi số mệnh. Như vậy, trong Phật pháp có giải oan gia trái chủ. Nhiều bộ kinh đã nói lên điều này. Như bài kinh Sinh thú trong Tương ưng bộ; kinh Pháp cú quyển 4 phẩm Ái dục; kinh Pháp hoa quyển 2, phẩm Thí dụ; Kinh Trung bộ, Phạm Thiên cầu thị; kinh Địa tạng… đều có nói tới oan gia trái chủ. Điều này chứng tỏ trong Phật pháp, hoạt động hóa giải những mối oán thù từ tiền kiếp là công việc của nhà chùa và chư tăng.
Trên mạng, ta cũng nghe Thượng tọa Thích Giác Hạnh kể hàng nghìn chuyện vong báo oán, không chỉ trong nước mà ở nhiều nơi trên thế giới. Ai dám lên án nhà sư già làm sai Phật pháp? Thầy Giác Hạnh cũng nói: “Nhà chùa không được áp vong, gọi hồn nhưng phải thỉnh oan gia trái chủ.” Ta còn gặp nhiều vị cao tăng khác nói về vong nhập và giải oán kết. Từ đây có thể kết luận, thỉnh oan gia trái chủ không chỉ có trong Phật pháp mà còn là trách nhiệm của nhà chùa trong việc cứu độ chúng sinh. Như vậy, chùa Ba Vàng không sai Phật pháp.
Từ phân tích trên cho thấy, việc kết tội chùa Ba Vàng vi phạm Phật pháp là không thuyết phục. Nhưng theo bản án kỷ luật chùa Ba Vàng, các vị chức sắc cho rằng hoạt động thỉnh oan gia trái chủ vi phạm Hiến chương của Giáo hội. Ở đây có điều cần suy ngẫm. Trong xã hội thì Hiến pháp là bộ luật cao nhất. Mọi bộ luật khác phải tuân thủ Hiến pháp. Với giới tu hành thì kinh sách là bộ luật cao nhất. Mọi quy định của Giáo Hội không được trái với kinh sách. Tuy nhiên, có một thực tế là, khi áp đặt chủ nghĩa duy vật vô thần lên xã hội thì nhà nước Việt Nam cũng áp đặt quan niệm vô thần lên các tôn giáo. Do không chấp nhận quỷ, thần, ma, vong… nên nhà nước cũng không chấp nhận vong báo oán và thỉnh oan gia trái chủ. Điều này được quán triệt trong Hiến chương của Giáo hội. Một việc không phù hợp với kinh sách nhưng buộc phải làm bởi “cương lĩnh đảng cao hơn Hiến pháp.”Đó là quy định trên giấy tờ. Nhưng là công việc vẫn làm từ xưa, phục vụ nhu cầu bức thiết mang tính sống còn của con người nên tại nhiều ngôi chùa, việc thỉnh oan gia trái chủ vẫn diễn ra. Trên thực tế, nó vẫn là sinh hoạt tôn giáo bình thường. Chùa Ba Vàng không là ngoại lệ. Sự việc chỉ trở thành dư luận khi bị báo chí nêu lên. Xét cho cùng thì điều bức xúc của công luận không phải việc vi phạm Phật pháp mà ở chỗ thu tiền, thu rất nhiều tiền! Trong nhiều trường hợp, việc thi hành luật pháp ở xứ ta vẫn theo kiểu “mắt nhắm mắt mở.” Do báo chí phát hiện nên chức sắc Phật giáo đành phải đắng lòng “mở mắt”xử lý ngôi chùa, đánh vào thành tựu nổi bật của Phật giáo, từng được những cơ quan ngôn luận chính thống đầy quyền uy ca ngợi. Không những thế, chư vị cũng buộc lòng “ngó lơ” trước nỗi thất vọng cay đắng của hàng trăm Phật tử ngơ ngác trước cổng chùa, bức xúc trong tiếng ngẹn ngào đẫm nước mắt nói rằng, khi họ khốn khổ, bị bệnh viện trả về chờ chết thì không thấy nhà báo đâu. Nay khi nhờ nhà chùa họ được sống thì báo chí đến đập phá hạnh phúc của họ: “Không có sư Thầy chỉ dẫn, không có cô Yến, chúng tôi biết nương tựa vào đâu?”
2.       Vấn đề thứ hai: thỉnh oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng có vi phạm pháp luật?
Phóng sự của báo Lao Động nói chùa Ba Vàng lừa đảo nhưng không hề đưa ra chứng cứ. Do vậy lời buộc tội là không có cơ sở. Báo còn nói, mỗi năm nhà chùa thu hàng trăm tỷ. Đó là lời kết tội nặng nề. Chính con số này như trái bom, khiến bùng nổ dư luận xã hội. Tuy nhiên, đó lại là con số không được bảo chứng nên không có giá trị pháp lý. Người đọc tỉnh táo sẽ đặt câu hỏi: số liệu lấy từ đâu? Của cơ quan chức năng nào? Nếu là tài liệu riêng, nhà báo phải công bố. Hàng triệu người đọc đang chờ nhà báo trả lời? Không có chứng cứ của vụ lừa đảo thì dù có thu bao nhiêu tiền, chùa Ba Vàng cũng không vi phạm pháp luật. Nhà báo chỉ nói một phần sự thật: chỉ nói thu tiền mà không nói tiền được chi ra sao? Nếu tiền được dùng để sư tăng tiêu xài riêng, làm giầu, hưởng lạc là có tội. Còn nếu tiền dùng xây chùa, tạc tượng, làm từ thiện lại là “đồng tiền khôn”. Không nói về việc chi tiền ra sao thì bài báo mới có một nửa sự thật. Một nửa sự thật là sự dối trá!
Một câu hỏi được đặt ra: trả nợ người cõi âm, giá nào là đắt, giá nào là rẻ? Thầy Giác Hạnh giảng: “Nợ vong có nợ máu, nợ tình, nợ tiền. Nợ máu phải trả bằng máu, nợ tiền phải trả bằng tiền.” Thầy kể, năm 1970, một ông Việt mượn ông Mỹ 500 USD. Năm 1972 ông Mỹ về nước, ông Việt chưa kịp trả nợ. Gần đây ông Mỹ báo mộng về đòi. Không biết trả cách nào, ông hỏi nhà sư chùa làng. Nhà sư bảo: mua gạo bố thí người nghèo. Ông đổi ra tiền Việt mua gạo đem bố thí. Nhưng ông Mỹ về đòi tiếp. Ông người Việt sợ quá hỏi Thầy Giác Hạnh. Thầy bảo: “Làm vậy sao được? Anh tự mua đồ rồi tự bố thí chớ vong đã nhận nợ đâu? Giờ muốn trả thì đổi ra tiền Việt rồi chuyển cho Thầy”. Thầy cho tiền vào phong bì, đặt lên cái mâm, dâng lên bàn thờ Phật. Thầy cầu Phật rồi khấn mời vong ông Mỹ (tên cụ thể) về nhận nợ. Nhà chùa đem tiền mua gạo, mì gói bố thí. Tới lúc này chuyện mới êm. Chuyện bốn anh em nhà nọ được thừa kế mảnh đất hương hỏa. Người trong họ gợi ý, nên chia làm năm phần. Bốn anh em bốn phần, phần còn lại để xây từ đường vì dòng họ chưa có từ đường. Bốn người không chịu, đem chia bốn, mỗi người một phần. Người em út đem phần đất của mình bán lại cho dòng họ để xây từ đường. Mấy năm sau trong gia đình 11 người thay nhau chết. Hoảng quá, họ cầu cứu tứ phương kể cả thuê thầy yểm đảo. Không xong, họ tìm tới thầy Giác Hạnh. Thầy nói, các vị ăn ở thất đức, đã thế lại còn trấn yểm hại cho tổ tiên là quá ác. Thày phải lập đàn cho mấy anh em sám hối nhiều ngày mới êm.
Thỉnh oan gia trái chủ có ba thành phần tham gia. Trong đó vong (chủ nợ) là A, con nợ là B còn vị tăng là người trung gian C. Qua trung gian C, A nói lên món nợ. Ở đây A có uy quyền tuyệt đối. Vì là món nợ từ nhiều kiếp trước nên B không được cãi mà buộc phải nhận nợ. Thông qua C, có cuộc mặc cả. Vì A biết tất cả nên B không thể nói dối. Nếu không trả nổi, B chỉ có thể xin với vong được làm công quả cho nhà chùa. Trả xong nợ, khổ chủ lấy lại được sức khỏe và bình an. Còn vong cũng được quy y siêu thoát, không còn là ngạ quỷ gây hại cho người. Với một món nợ nần từ muôn kiếp trước, để cứu một hay nhiều mạng người thi cái giá bao nhiêu là đủ? Trong khi ai cũng biết, để chạy một chân công chức quèn bây giờ không dưới 500 triệu!
Có sự thật là, chùa Ba Vàng bị tội chính vì nó hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều khách thập phương và Phật tử. Đáng lẽ Hội Phật giáo phải nghiên cứu hoạt động của ngôi chùa để rút kinh nghiệm rồi đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phát huy những mặt tích cực của nó. Rất có thể, theo cách nào đó, chùa Ba Vàng là mô hình mà cuộc sống tạo ra trong hoàn cảnh mới. Ngôi chùa truyền thống vốn là nơi vắng vẻ, dành cho số it người tu tập nhằm độc thiện kỳ thân. Nhưng nay, trong hoàn cảnh sau những cuộc chiến tranh ác liệt, sinh linh oan thác quá nhiều và xã hội cũng tích tụ nhiều oan khuất cần hóa giải. Lúc này, ngôi chùa trở thành cơ sở tâm linh giúp chúng sinh hóa giải oán nghiệp, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cõi dương và an bình cho cõi âm, vì vậy cần nhiều những ngôi chùa hoạt động hiệu quả. Mấy năm trước, chúng tôi gặp một tiến sỹ Phật học dòng Mật tông từ Mỹ về. Ông nói: “Trên cõi thế, quan hệ giữa người Việt và người Chăm đã tốt. Nhưng tại cõi âm, oán hận còn rất nặng khiến cho một số việc muốn làm nhưng không làm được vì người cõi âm ngăn cản. Cần làm những lễ cầu siêu lớn để hóa giải.” Đó là điều đáng để suy nghĩ. Rất có thể, chùa Ba Vàng thỉnh oan gia trái chủ có hiệu quả bởi nó có được ba nguyên nhân sau. Trước hết, chùa xây trên nền hai ngôi chùa cổ, là đất thiêng tụ hội linh khí nên có nguồn năng lượng lớn. Thứ hai, chư tăng nhà chùa tu luyện đúng pháp nên có thần lực. Thứ ba, do hoạt động chuyên nghiệp nên việc cầu nguyện tạo ra năng lượng cao, có uy lực hóa giải oan nghiệp?
3.       Kết luận
Trên thực tế, chùa Ba Vàng không vi phạm Phật pháp cũng như pháp luật. Nhưng so với những ngôi chùa khác, nó trở nên không bình thường vi lượng người đến quá đông. Mặt khác, cũng như tất cả các ngôi chùa khác, việc thu chi ở chùa chưa được công khai minh bạch, dẫn đến nghi ngờ. Trong bối cảnh đó, một bài báo nói rằng chùa làm việc mê tín dị đoan, lừa người thu rất nhiều tiền đã gây xúc động dư luận. Bị bất ngờ trước sức ép của công luận, cả hệ thống chuyên chính vào cuộc, với cách làm đơn giản  nhất là cấm đoán để chiều theo dư luận. Điều cần làm lúc này là công khai, dân chủ chỉ ra đóng góp cũng như hạn chế của chùa, giải tỏa những hiểu sai đã áp đặt với chùa Ba Vàng để nó trở lại hoạt động bình thường. Không chỉ ở Ba Vàng mà tại các chùa khác, cần có biện pháp giúp nhà chùa kiểm toán tài chính, công khai việc thu chi trước Phật tử và công luận để tránh hệ lụy về sau. Trên đại cuộc, cần rút kinh nghiệm cho hoạt động tín ngưỡng trong kỷ nguyên mới.
                                                                                               Sài Gòn, nhân giỗ Tổ năm Kỷ Hợi.
                                                                                                                     H.V.T

NGƯỜI TIỀN SỬ RỜI CHÂU PHI THEO CON ĐƯỜNG NÀO?




Không chỉ là chuyện của khoa học nhân văn, việc xác định đúng con đường đi ra thế giới của người tiền sử trở thành yếu tố quyết định đối với lịch sử nhân loại. Tiếc rằng cho đến nay giới nhân chủng học chưa đưa ra kết luận chung cuộc, dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc. Từ kinh nghiệm của 15 năm khảo cứu lịch sử, văn hóa phương Đông, chúng tôi xin trình bày một số ý kiến.
Những năm đầu thế kỷ, trong khi đồng thuận rằng, người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở châu Phi thì giới khoa học lại chia rẽ trong việc xác định con đường ra khỏi châu Phi của loài người. Hai trung tâm công nghệ di truyền lớn là Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic) và Viện Nhân học tiến hóa Max Planck của Đức cho rằng, cuộc di cư của người hiện đại ra khỏi châu Phi xảy ra 45.000 năm trước. Từ châu Phi, dòng người sang Trung Đông rồi vào Trung Á. Tại đây người tiền sử sinh sôi sau đó lan tỏa ra toàn thế giới, góp phần chính yếu làm nên nhân loại ngoài châu Phi (1). Con đường này được gọi là con đường phía Bắc. Trong khi đó, cuối năm 1998, nhóm công tác trong Dự án Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Population in China) do Giáo sư J.Y. Chu Đại học Texas lãnh đạo đưa ra giả thuyết: Từ châu Phi, con người vượt cửa Hồng Hải lên bán đảo A rập. Gặp bức thành băng giá phía Bắc ngăn chặn, một bộ phận dừng lại trên đất Yemen, một bộ phận rẽ sang hướng Đông, theo bờ Ấn Độ Dương tới Việt Nam 60.000 năm trước. Người di cư nghỉ lại ở Việt Nam 10.000 năm, khoảng 50.000 năm trước, từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. 40.000 năm trước đi lên Trung Quốc và 30.000 năm cách nay vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Đó là con đường phía Nam.(2) Năm 2004, trong bài báo Out of Africa peopling in the World (Ra khỏi châu Phi chiếm lĩnh thế giới), Giáo sư Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford ủng hộ quan điểm này và cung cấp nhiều chi tiết cụ thể hơn:  “Con người rời châu Phi 85.000 năm trước. Theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 70.000 năm cách nay. 40.000 năm trước đi lên Trung Hoa. Từ Đông Á, một dòng người qua Tây Tạng vào Trung Á. Rồi từ Trung Á họ tới Nam Âu. Tại đây, họ gặp gỡ những người từ Trung Đông lên qua eo Bosphorus, sinh ra người Europian là tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, có một dòng di cư từ châu Âu sang Đông Á.” (3)
1.       Lịch sử phương Đông theo con đường phía Nam
Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Do vậy, việc di cư theo con đường phía Bắc hay phía Nam sẽ quyết định lịch sử các dân tộc phương Đông. Năm 2004, khi bắt tay vào khảo cứu lịch sử phương Đông, chúng tôi buộc phải lựa chọn giữa con đường phía Nam và con đường phía Bắc. Rất may là trước đó, chúng tôi đã khảo cứu nhiều di chỉ khảo cổ ở Đông Á, thấy rằng các di chỉ khảo cổ phía Nam không chỉ có tuổi sớm hơn mà còn tiến bộ hơn so với các di chỉ phía Bắc. Trong khi di cốt người hiện đại sớm nhất tìm được ở Chu Khẩu Điếm phía bắc Bắc Kinh có 27.000 năm tuổi thì tại Lưu Giang Quảng Tây phát hiện bộ xương 68.000 năm. Cùng với bộ xương 68.000 năm ở Hồ Mungo châu Úc, cho thấy con người có mặt sớm hơn ở phương Nam. Một tia sáng dẫn đường quan trọng cho chúng tôi là bài viết Ánh sáng mới dọi vào vùng quên lãng của Solheim II. Từ những kết quả khảo cổ mới nhất ở Thái Lan, ông nhận định: Đông Nam Á là trung tâm nông nghiệp sớm nhất của thế giới. Văn hóa Ngưỡng Thiều là do Hòa Bình sớm đưa lên (4). Một khám phá lật ngược những kiến thức tưởng như vững chắc cũ. Cuốn sách Địa đàng ở phương Đông của S. Oppenheimer tạo nhiều cảm hứng cho chúng tôi về vai trò của Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, chúng tôi kiên trì theo con đường phương Nam và cho xuất bản những cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (2011), Khám phá lịch sử Trung Hoa (2016), Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (2016) và Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực (2017)… Những cuốn sách đó quán xuyến một nội dung: theo con đường phía Nam, người tiền sử gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại Việt Nam những dòng người di cư gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid, trong đó Indonesian và Melanesian là đa số. 50.000 năm trước, khi nhân số tăng lên, người Việt cổ lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và sang đất Ấn Độ. 40.000 năm trước, do khí hậu được cải thiện, người Việt, chủ yếu là Indonesian và Melanesian đi lên khai phá Hoa lục. Người Việt mang công cụ đá mới, giống lúa, giống kê, giống gà giống chó đi lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Trung Hoa. Như vậy dân cư Trung Hoa là người Việt, văn hóa Trung Hoa là văn hóa Việt.
7000 năm trước, ở Nam Hoàng Hà, người Việt tiếp xúc với người Mông cổ phương Bắc (North Mongoloid) cũng từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước, sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Việt Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà. Năm 2698 TCN, người Mông cổ phương Bắc chiếm một phần đất Nam Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế. Trong vương triều Hoàng Đế, người Mông Cổ do số lượng ít và văn hóa chưa phát triển nên bị người Việt đồng hóa về máu huyết và văn hóa nên sau một thời gian, toàn bộ dân cư vương triều đều là người Việt chủng Mongoloid phương Nam. Tại vùng chưa bị chiếm, những quốc gia và bộ tộc của người Việt tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống lại nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận di cư về phương Nam, mang nguồn gen Mongoloid về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, hầu hết dân cư Đông Nam Á chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam.
Ở lưu vực Hoàng Hà hình thành các quốc gia Hạ, Thương, Chu. Cuối thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng thôn tính các nước còn lại, lập nên nhà Tần. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người nước Sở, một bộ phận của tộc Việt lập nhà Hán. Trên thực tế không hề có “dân tộc Hán” mà từ tên vương triều chuyển thành tộc danh.
Như vậy, theo quá trình lịch sử, người Trung Quốc là con cháu của người Việt cổ mã di truyền Australoid đi lên khai phá Hoa lục từ 40.000 năm trước. Di cốt người hiện đại sớm nhất được phát hiện tại hang Điền Nguyên 40.000 năm tuổi là dấu tích của cuộc di cư này (5). 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid hòa huyết với người Mông cổ phương Bắc, sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam, sau này trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà.
Về mặt di truyền, Tổ tiên người Đông Á  (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) có tuổi 40.000 năm. Trong khi đó tổ tiên người Việt Nam có tuổi 70.000 năm, sớm hơn tổ tiên người Đông Á 30.000 năm, chứng tỏ đất Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á và người Việt Nam gần tổ tiên nhất. Điều này còn được chứng minh bằng chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam cao nhất trong dân cư châu Á.
2.       Lịch sử phương Đông theo con đường di cư phía Bắc
Một câu hỏi cần được trả lời: có việc con người rời châu Phi 45.000 năm trước không? Câu trả lời là không. Các khảo cứu di truyền thập kỷ đầu của thế kỷ khẳng định không hề có cuộc rời châu Phi xảy ra 45.000 năm trước mà đó là dòng người rời châu Phi 85000 năm trước, đã ở lại trên đất A rập. Khoảng 52.000 năm trước, khi trời bớt lạnh, họ đi lên Trung Đông, vào Trung Á, làm nên dân cư châu Âu. Do cuộc di cư khỏi châu Phi diễn ra quanh co, ngắt ngoéo nên khi tìm lộ trình cuộc di cư theo những dấu vết trên ADN, nhiều nhà di truyền bị nhầm lẫn. Khảo cổ học không có bằng chứng về con người từ Trung Á sang Đông Á 40.000 năm trước. Vết tích sớm nhất của con người có mặt trên đất Trung Quốc 40.000 năm trước là từ Việt Nam tới, có mã di truyền gần gũi với dân châu Á và thổ dân châu Mỹ mà không có liên hệ với người châu Âu. Bộ gen Mongoloid phương Nam của người Đông Á hiện tại cũng xác nhận điều này.
Tuy nhiên, một số tác giả, do không cập nhật khám phá mới, vẫn sử dụng tài liệu của National Geographic và Max Planck cho rằng con đường phương Bắc làm nên dân cư Đông Á nên đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Đó là những tác giả của công trình 1000 bộ gen người Việt nói: “Dân cư Việt Nam được tạo nên do phần lớn người từ Trung Quốc xuống kết hợp lượng nhỏ người Melanesian tại chỗ.”(6) Nhiều học giả Trung Quốc, theo thuyết con đường phía Bắc cho rằng, con người từ châu Phi sang Đông Á làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Người Việt Nam cũng thuộc Bách Việt nhưng là đám người ly khai. Năm 2016, khi sang Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (đứa con đi hoang hãy trở về nhà) là theo quan niệm sai lầm này.Sự ngộ nhận về “con đường phía Bắc”dẫn tới những sai lầm tai hại làm đảo lộn lịch sử phương Đông. Người Việt Nam từ tổ tiên của dân cư châu Á bị biến thành con cháu của người Hán. Là chủ nhân của văn hóa nông nghiệp phương Đông, người Việt Nam bị coi là vay mượn 70% ngôn ngữ Hán!
                                                                                                                        Sài Gòn, 4. 2919

Tài liệu tham khảo:
1. Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey. National Geographic. Jan 21. 2003
2. J.Y. Chu et al. Genetic Relationship of Population in China. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC21714/
3. Wilhelm G. Solheim II.  New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3,  Mar. 1971.                                                            
4. Stephen Oppenheimer. Out of Africa Peopling in the World http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html
5. S. Pischedda et al. Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements   Scientific Reports volume 7, Article number: 12630(2017) doi:10.1038/s41598-017-12813-6
6. Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians. Jan 24, 2013.   http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html