XỨ NGHỆ NƠI PHÁT TÍCH CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI

                                                                        
Người Khôn ngoan Homo sapiens được gọi là người hiện đại để phân biệt với Người Đứng thẳng Homo erectus tiền nhiệm. Còn chúng ta hôm nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại để phân biệt với Người Việt Cổ (Australoid) từng xuất hiện trong quá khứ.
Các học giả người Pháp thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ cho rằng, giống người xuất hiện đầu tiên trên đất Việt Nam là Melanesien. Sau đó, người Indonesien từ Ấn Độ bị người Arien xua đuổi, đã tràn sang chiếm Đông Dương, tiêu diệt người Melanesien. Cuối cùng, khoảng năm 333 TCN, người Mongolic từ Trung Quốc xâm nhập, dồn người Indonesien lên vùng núi Tây Nguyên và ra các đảo Đông Nam Á. Kiến thức khuôn vàng thước ngọc đó được học giả Đào Duy Anh ghi lại trong Lịch sử cổ đại Việt Nam để dạy người Việt. Cho đến nay phần lớn học giả Việt Nam vẫn trung thành với giáo điều này. Cuốn Nguồn gốc người Việt người Mường của tác giả Tạ Đức in mới đây là thí dụ tiêu biểu.
Vào thập niên 1980 thế kỷ trước, nhân chủng học xác nhận: “Suốt thời Đồ đá, dân cư trên đất Việt Nam gồm hai chủng Indonesian, Melanesian cùng thuộc loại hình Australoid. Nhưng sang thời đại Kim khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của dân cư, người Australoid biến mất, không hiểu do di cư hay đồng hóa.” [1] Tuy vậy công trình này cũng không cho thấy, nguồn gốc các chủng người có mặt trên đất nước ta cùng nguyên nhân xuất hiện hay biến mất của họ.
Sang thế kỷ XXI, di truyền học đã khám phá: 70000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam, sinh ra hai chủng người Việt cổ là Indonesian và Melanesian. 50000 năm trước, khi nhân số tăng, người Việt cổ di cư ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh đất Ấn Độ. Như vậy, ngược với quan niệm Đông tiến của Viễn Đông Bác Cổ, người Indonesian đã từ Việt Nam di cư sang đất Ấn! Khoảng 40000 năm trước, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa rồi từ đây chiếm lĩnh châu Mỹ. Với phát kiến này, câu hỏi về nguồn gốc hai chủng Indonesian và Melanesian được xác định. Vấn đề còn lại: người Mongoloid phương Nam từ đâu tới và vào thời điểm nào?
Khảo sát các di chỉ khảo cổ trên đất Việt Nam, ta được biết, vào đầu thời kỳ Đồ Đồng, tại văn hóa Phùng Nguyên, người Mongoloid phương Nam xuất hiện tại di chỉ Hạ Long, Mán Bạc Ninh Bình… Tại di chỉ Mán Bạc tìm được khu mộ táng với 30 di hài người Australoid và Mongoloid phương Nam được chôn chung. Khảo cổ học kết luận: Trên đất Việt Nam có sự chuyển hóa dân cư từ Australoid sang Mongoloid phương Nam hoàn tất vào 2000 năm TCN. Thời điểm 2000 năm TCN do các nhà khảo cổ đưa ra rất quan trọng nhưng chưa thỏa mãn nhà sử học: quá trình này bắt đầu từ thời gian nào và đâu là địa điểm đầu tiên người Mongoloid đặt chân tới? Đấy là những câu hỏi khó nhưng không thể không trả lời! Lý do đơn giản: những người Mongoloid phương Nam xuất hiện đầu tiên chính là thủy tổ của chúng ta và nơi thủy tổ đặt chân tới chính là đất thiêng chôn nhau cắt rốn của dân tộc.
Khi khảo sát các di chỉ khảo cổ trên đất Trung Hoa, tôi nhận ra, người Mongoloid phương Nam xuất hiện đầu tiên tại di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều 7000 năm trước. Đó là sản phẩm hòa huyết giữa người Mongoloid phương Bắc sống ở đồng cỏ Bắc Hoàng Hà và người lạc Việt Indonesian ở bờ Nam. Cho tới 5000 năm trước, người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của dân cư lưu vực Hoàng Hà.
 Một câu hỏi nảy sinh: Người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều có liên hệ gì với tổ tiên chúng ta? Một dấu vết mong manh đó là câu ca Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Như biết bao thế hệ đồng bào, tôi vẫn nghĩ thái sơn, trong nguồn là biểu trưng cho những gì lớn lao vô tận. Nhưng rồi một lúc nào đó, ngộ ra Thái Sơn là ngọn núi thiêng ở Sơn Đông. Vậy trong nguồn là đâu? Một câu ca nghiêm chỉnh phải có đối đăng nghiêm chỉnh. Thái Sơn là danh từ riêng thì trong nguồn không thể khác! Tôi tìm hoài trên bản đồ Trung Hoa mà không thấy. Rồi một hôm may mắn, người bạn Việt Triều Châu Đỗ Ngọc Thành từ Sacramento nói vọng về: “Trong nguồn là Trung Nguyên đó anh.” Tôi giật mình đốn ngộ. Đơn giản vậy mà sao hàng nghìn năm không ai nghĩ ra? Biết bao tên đất Việt bị biến thành địa danh Tàu! Chỉ động tác nhỏ: Trong chuyển thành Trung, Nguồn biến sang Nguyên là sự cướp đoạt hoàn tất!
Như vậy là, một mối liên hệ mong manh được khám phá: Thái Sơn, Trong Nguồn chính là nới phát tích của tổ tiên. Nhưng còn phải giải những câu hỏi tiếp: các vị trở về Việt Nam thời gian nào trong thiên niên kỷ thứ III? Và đâu là nơi các vị đặt chân đầu tiên? Mấy chục năm trước, ở Rạch Giá, vị sãi cả chùa Sóc Ven đọc cho tôi nghe đoạn văn ghi trên lá thốt nốt: “Người Nàm từ biển vào. Họ hiền lành và tốt bụng, dạy người Khmer đóng thuyền ra khơi đánh cá. Cá đánh được, họ mua rồi đem bán cho người Chà Và (Java).” Đoạn sử ghi nhận bước chân đầu tiên của người Quảng Nam tới đất Kramuôn So – Rạch Giá. Sau này khi đọc Ngọc phả Hùng Vương, tôi gặp lại môtip di cư đó: “Đoàn người từ biển vào, họ rất tốt bụng, giúp nhân dân nhiều việc tốt. Dân bầu người giỏi nhất trong bọn họ làm vua, gọi là Hùng vương. Lúc đầu đóng đô ở Rào Rum-Ngàn Hống. Sau chuyển tới vùng Ao Việt.”  Một thời gian dài, đoạn văn trên gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi liên hệ tới Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Ai trong các vị có thể đã tới xứ Nghệ? Vào thời gian nào? Trong hoàn cảnh nào? Cho tới giữa năm 2014, khi viết cuốn Tiến trình lịch sử văn hóa Việt, tôi phát hiện di chỉ văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ 3000 – 2000 năm TCN chính là kinh đô nước Xích Quỷ. Thêm một chứng cứ vững chắc cho thấy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, nước Xích Quỷ là có thực và liên hệ mật thiết với dân tộc Việt.
 Vậy cuộc di cư của người Thái Sơn-Trong Nguồn về Nam xảy ra khi nào? Những cuộc di cư lớn thường bột phát khi có biến cố lớn. Tìm trong cổ sử Trung Hoa, tôi biết tới trận quyết chiến Trác Lộc năm 2698 TCN, Hiên Viên kịch chiến với quân Việt. Đế Lai tử trận, quân Việt thua. Người Mông Cổ xâm chiếm Nam Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế. Một giả định nảy sinh: cuộc xâm lăng của người Mông Cổ diễn ra dai dẳng hàng nghìn năm. Để chống xâm lăng, Lạc Long Quân liên minh với người anh em của mình là Đế Lai đồng thời cũng chuẩn bị địa bàn phương Nam cho cuộc rút lui chiến lược sau này. Vì vậy, khi thất bại, Lạc Long Quân dùng thuyền đưa đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn xuôi Hoàng Hà ra biển về phía nam rồi đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống. Ít người chất vấn vì sao hai nước Xích Quỷ và Văn Lang có cùng một ranh giới? Phải chăng, đó là Lạc Long Quân thực hiện việc dời đô và đổi quốc hiệu? Như vậy, hai câu hỏi lớn được giải đáp: thời điểm người Núi Thái-Trong Nguồn trở về Việt Nam là năm 2698 TCN và nơi đặt chân đầu tiên là xứ Nghệ. Ta biết rằng lúc đó, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung chưa có nên Thanh Nghệ là cái nôi của người Việt và là nơi thuyền bè cập bến thuận lợi nhất. Tại Rào Rum-Ngàn Hống, người di cư trở về hòa huyết với người tại chỗ. Khoảng năm 2698 TCN, dân cư mang gen Mongoloid phương Nam đầu tiên sinh ra trên đất Việt, đánh dấu sự ra đời của NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI. Đây là lớp di cư đầu tiên. Sau đó, do cuộc xâm lược của người Mông Cổ mở rộng, người Việt di cư nhiều hơn, bằng thuyền và bằng đường bộ. Kết quả là tới 2000 năm TCN, có nghĩa trong vòng 700 năm, đại bộ phận dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á chuyển hóa thành Mongoloid phương Nam. Một hiện tượng được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Người Việt cổ chủng Australoid không biến mất mà hóa thân thành người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam hôm nay.

Kết luận và khuyến nghị

Những điều trình bày trên, theo các nhà kinh viện, cố nhiên không phải là chính sử. Nhưng trong khả năng tri thức hiện đại mà nhân loại có được hôm nay, đó là bức tranh gần nhất với sự thực xảy ra trong quá khứ. Sẽ mất nhiều thời gian và tâm trí để suy ngẫm. Nhưng điều có thể tin chắc là Lạc Long Quân đã dẫn đoàn quân dân Núi Thái-Trong Nguồn đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ, dựng đô, thành lập nước Văn Lang. Và chính đây là nơi khai sinh của người Mongoloid phương Nam đầu tiên trên đất Việt. Sau đó kinh đô dời lên Việt Trì nhưng trong linh cảm, tôi tin rằng, Lạc Long Quân qua đời và an nghỉ nơi đây.
 Rào Rum-Ngàn Hống từ khi còn nhỏ tôi được nghe kể đến như miền đất thiêng. Không hiểu sao sau đó hương tàn khói lạnh. Điều lâu nay tôi tâm niệm là làm gì để Rào Rum-Ngàn Hống xứng với vai trò lịch sử và tâm linh của nó? Tìm lại rồi phục nguyên ngôi mộ của Lạc Long Quân là điều không thể nhưng tôi cứ nghĩ và mong mỏi, người dân xứ Nghệ nên chọn cuộc đất đẹp nhất nơi đây, dựng đền thờ Tổ Lạc Long Quân và đánh dấu nơi chôn nhau cắt rốn của người Việt hôm nay.
                                                                             Sài Gòn, Đông 2015


1.   Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&TNCH, H. 1983