THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG NGUYỄN VĂN LỤC



Thưa ông Nguyễn Văn Lục,

Trên trang mạng DCVOnline có bài viết ký tên ông, nhan đề Chauvinisme trong ngành sử học [1], công kích nhiều nhà viết sử Việt Nam. Riêng tôi được ông ưu ái dành cho những dòng như sau:

“Nhà sử học Lê Minh Khải ngạc nhiên vì bài tham luận của ông Hà Văn Thùy có thể tóm gọn tất cả mọi người và tất cả mọi thứ ở Châu Á đều có nguồn gốc từ Việt Nam với người Việt Nam.
Nếu tôi được phép có thêm một nhận xét – qua hình chụp ông Hà Văn Thùy – thì ông quả thực là một mẫu hình tiêu biểu của một thứ văn hóa vật thể còn sót lại.
Sau đây xin trích dẫn nguyên văn câu của ông Hà Văn Thùy:
“Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.”
Để đi tới một kết luận táo bạo như trên, người ta phải vận dụng đến nhiều ngành học đủ loại và cần viết cả một vài pho sách, vị tất đã viết xong.
… Sự khẳng định chắc nịch như trên của ông Hà Văn Thùy đối với cá nhân tôi không lấy gì làm lạ. Nó xuất phát từ một lối viết ‘lên gân’, lối học từ chương, nhồi sọ, giáo điều, khẩu lệnh của đảng và não trạng đã bị bào mòn.
… Hiện tượng Hà Văn Thùy là tiêu biểu cao cho một khuynh hướng viết sử mà tôi gọi là “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, muốn áp đặt – muốn kéo dài quá khứ lịch sử dân tộc Việt không phải chỉ hơn 2000 năm – mà tròn số là 4000 năm.
Đối với tôi, cái hãnh tiến lịch sử phải nhường bước trước sự thật lịch sử. Nếu tổ tiên đã có thời ăn lông ở lỗ – cởi truồng đóng khố đi nữa – thì cũng vẫn là tổ tiên. Mà nhiều phần chắc là như thế!
Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sô vanh, cực đoan thì lại cố tình khoác một hào quang lên quá khứ người Việt cổ. Đó là một quá khứ dưới mắt họ phải trọn gói – hoàn tất – đã có ngôn ngữ chính thức, có một nền văn minh, đã trải qua những cuộc tranh đấu kháng chiến, chống phong kiến dành độc lập, qua nhiều thử thách và trải dài trong suốt 4000 năm.
Niềm tự hào không đúng chỗ, đối với tôi, trước sau cũng chỉ là sự lừa bịp. Hoặc một chính sách ngu dân không cần thiết!
Những khẳng định như thế dĩ nhiên đã thỏa mãn niềm tự hào dân tộc của một số đông người, vì đã đòi lại những cái mình không có hay chưa hề có từ tay người Tầu. Chẳng hạn phủ nhận không có cái gọi là từ Hán Việt, Hán mượn Việt chứ không phải Việt mượn Hán.
… Lập luận kiểu đó nên bất chấp các sự kiện, bất chấp đúng sai vượt lên trên cái lương tri của một con người!
Nhưng thật ra trong giới sử học không phải chỉ có một Hà văn Thùy mà có nhiều Hà Văn Thùy.
Thời 1955–1960, đã có những vị có tiếng tăm như Nguyễn Khắc Viện, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Quốc Vượng và nhiều người cầm bút khác cũng vướng mắc phải chứng vĩ cuồng trong sử học.”

Tôi xin được thưa lại đôi lời.

1.       Ông viết: “Để đi tới một kết luận táo bạo như trên, người ta phải vận dụng đến nhiều ngành học đủ loại và cần viết cả một vài pho sách, vị tất đã viết xong.”
Thưa ông, đúng như ông nói. Để có được kết luận mà ông nhắc tới, tôi phải bỏ ra hơn 10 năm (từ 2004), không làm bất cứ việc gì khác mà dành toàn tâm toàn ý tra cứu chủ yếu qua chữ Anh và chữ Hán những tài liệu đáng tin nhất từ di truyền học, khảo cổ học, cổ nhân chủng học, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học, sử học… Bằng cách kết nối và giải mã nhiều tài liệu, tôi đã công bố hàng trăm bài viết và cho xuất bản năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006); Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn Học, 2008); Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn Học, 2011); Viết lại lịch sử Trung Hoa (Sài Gòn xuất bản, Amazon phát hành) [2]  và Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (Sài Gòn xuất bản, Amazon phát hành) [3].

2.       Ông viết: “Sự khẳng định chắc nịch như trên của ông Hà Văn Thùy đối với cá nhân tôi không lấy gì làm lạ. Nó xuất phát từ một lối viết ‘lên gân’, lối học từ chương, nhồi sọ, giáo điều, khẩu lệnh của đảng và não trạng đã bị bào mòn.”

Thưa ông Nguyễn Văn Lục, ở chỗ này thì ông lầm to. Đây hoàn toàn là những khám phá mới, chưa từng có trong tri thức nhân loại. Do lần đầu tiên được phát hiện nên lấy gì mà “nhồi sọ”mà “giáo điều”! Trong Lời giới thiệu cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, Chuyên gia Khoa học khí quyển Bộ Môi trường và Bảo tồn, New South Wales, Australia, thành viên của nhóm Tư Tưởng, nhóm tiên phong nghiên cứu thời tiền sử dân tộc Việt qua những công bố di truyền học đầu thế kỷ, nhận xét: “Bằng công trình của mình, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, trên thực tế đã đặt nền móng cho khoa học nhân văn Việt Nam hiện đại và đưa khoa học nhân văn Việt Nam đứng vào hàng tiên tiến của thế giới.”
 Ông càng lầm hơn khi cho rằng tôi viết theo khẩu lệnh của đảng! Thưa ông, trái lại, chính vì vượt ra ngoài trí tuệ của đảng và dám động tới chân tướng của người Tàu, hai cuốn Viết lại lịch sử Trung HoaTiến trình lịch sử văn hóa Việt không được in trong nước, buộc tôi phải nhờ bạn bè in ở California rồi phát hành trên Amazon!
                                                              
3.       Ông viết: “Hiện tượng Hà Văn Thùy là tiêu biểu cao cho một khuynh hướng viết sử mà tôi gọi là “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, muốn áp đặt – muốn kéo dài quá khứ lịch sử dân tộc Việt không phải chỉ hơn 2000 năm – mà tròn số là 4000 năm.”

      Thưa ông, những dòng trên chứng tỏ ông không đọc sách và những bài viết của tôi. Trên xa lộ thông tin có không ít người phản biện tôi. Nhưng họ ngỡ ngàng khi cho rằng “Hà Văn Thùy cuồng Việt, kéo dài sử Việt tới 70.000 năm!” chứ không phải 4000 năm. Đúng vậy! Lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của con người. Di truyền học, nhờ đọc được cuốn “thiên thư” ADN ghi trong máu huyết của dân Việt Nam cũng như toàn châu Á, phát hiện ra rằng, 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Tại đây, những dòng người gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ chủng Australoid. Rồi từ Việt Nam, người Việt di cư ra các đảo Đông Nam Á. Sang chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm trước. Người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa, trở thành dân cư đầu tiên của Hoa lục. Rồi người từ Hòa Bình mang công cụ đá mới lên Trung Hoa. Người Lạc Việt ở Động Người Tiên tỉnh Giang Tây làm ra đồ gốm đầu tiên và 12.400 năm trước, thuần hóa cây lúa đầu tiên…  9.000 năm trước, tại di chỉ Giả Hồ, người Việt sáng tạo chữ viết tượng hình. Tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây cuối năm 2011 phát hiện chữ tượng hình của người Lạc Việt khắc trên xẻng đá 6.000 năm trước. Từ Cảm Tang, chữ Việt được đưa lên An Dương Hà Nam. Năm 1.400 TCN, khi vua Bàn Canh chiếm Hà Nam của người Dương Việt,  lập nhà Ân thì người Hoa Hạ chiếm luôn chữ của người Việt, sau này nhận làm của họ và được gọi là Giáp cốt văn Ân Khư!
Không chỉ vậy, từ khảo cứu ADN của dân cư châu Á, khoa học thế giới cũng phát hiện: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” Điều này cho thấy, đất Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á còn người Việt Nam gần với tổ tiên hơn. Khi mà 70.000 năm trước người tiền sử đặt chân lên đất nước ta rồi từ đây, di cư làm nên dân cư và văn hóa của toàn bộ châu Á thì vì lẽ gì lịch sử tộc Việt không được tính từ 70.000 năm trước?

4.       Ông viết: “Đối với tôi, cái hãnh tiến lịch sử phải nhường bước trước sự thật lịch sử. Nếu tổ tiên đã có thời ăn lông ở lỗ – cởi truồng đóng khố đi nữa – thì cũng vẫn là tổ tiên. Mà nhiều phần chắc là như thế!
Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sô vanh, cực đoan thì lại cố tình khoác một hào quang lên quá khứ người Việt cổ. Đó là một quá khứ dưới mắt họ phải trọn gói – hoàn tất – đã có ngôn ngữ chính thức, có một nền văn minh, đã trải qua những cuộc tranh đấu kháng chiến, chống phong kiến dành độc lập, qua nhiều thử thách và trải dài trong suốt 4000 năm.
Niềm tự hào không đúng chỗ, đối với tôi, trước sau cũng chỉ là sự lừa bịp. Hoặc một chính sách ngu dân không cần thiết!

Thưa ông Nguyễn Văn Lục,
Ông biết gì về quá khứ của người Việt? Muốn hiểu điều này, trước hết cần phải hiểu người Việt cổ là ai? Với tri thức ông bộc lộ trong bài viết, tôi đoan chắc, ông đang truyền bá một “chính sách ngu dân.” Cái chính sách ngu dân này được hình thành vừa cố ý vừa vô tình từ thời mồ ma thực dân Pháp. Bắt đầu bằng chủ trương của học giả Viễn Đông Bác Cổ cho rằng, người Melaneisen xuất hiện đầu tiên trên đất Việt Nam. Sau đó, người Indonesien từ Ấn Độ tràn sang, tiêu diệt người bản địa. Cuối cùng, người Mongoloid từ Trung Quốc xuống, tiêu diệt người Indonesien, trở thành dân cư Việt Nam hiện nay! Do nguồn gốc như vậy nên người Việt Nam thoát thai từ người Tàu. Văn hóa Việt Nam là sự vay mượn của nước Tàu! Đó là những giáo trình mà ông, tôi cùng nhiều thế hệ thanh niên Việt đã học và tin như vậy.

Rất may mắn là những thành tựu mới của khoa học nhân loại từ đầu thế kỷ này đã khám những điều mà tôi đã trình bày trong sách cùng các bài viết của mình. Rất mừng là trong công việc này tôi không lẻ loi. Nhóm Tư Tưởng của người Việt ở Úc gồm Luật sư Cung đình Thanh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp là những người Việt Nam đầu tiên đi tìm nguồn gốc tộc Việt từ công trình di truyền học của J.Y. Chu, của Spencer Wells… Tôi ban đầu đã vui mừng theo bước các vị này. Ông Phạm Trần Anh ở Hoa Kỳ cũng có những thành tựu đáng khích lệ trong hướng nghiên cứu mới. Không chỉ vậy, rất nhiều người đọc đã tự mình tìm hiểu sách báo và nhận chân ra rằng: người tiền sử từ châu Phi di cư tới từ 70.000 năm trước đã làm nên dân cư Việt Nam…
Thưa ông Nguyễn Văn Lục, ông đã hiểu hoàn toàn sai những khám phá mới về cội nguồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Chính những tư tưởng này, khi đi vào dân chúng sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại giúp người Việt nhận chân về quá khứ vinh quang của dân tộc. NHÂN DÂN sẽ đứng lên vứt bỏ xiềng xích ngu dân hàng trăm năm đè nặng lên mình và sẽ ngửng đầu gánh vác sứ mệnh của tộc Việt trong kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, việc cản trở tiến bộ trí tuệ, cố công trì níu những hiểu biết lạc hậu xưa cũ lại là việc làm ngu dân!

Thưa ông, từ khảo cứu của mình, tôi không chỉ đề xuất: Không có cái gọi là từ Hán Việt như ông nhắc tới mà còn công bố:
-           Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa
Và:
-           Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa.
Sau khi khám phá sự thật đó, tôi đã có thư tới vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đề nghị họ xem xét. Nếu tôi sai thì công bố cho dân chúng biết để khỏi hoang mang còn nếu tôi đúng, phải tiến hành nghiên cứu, giảng dạy, thực hành tiếng Việt theo đúng với sự thật. Tuy nhiên tất cả rơi vào im lặng!

Thưa ông Nguyễn Văn Lục,
Theo cách sử gia William Duiker nói với ông L.C. Kelley (mà ông kèm trong bài của mình): “Hãy bỏ dân tộc chủ nghĩa sang một bên,” tôi đề nghị ông, đừng vội lên án mà hãy bằng bài viết mang tính học thuật phản bác ba đề xuất ở trên của tôi. Nếu ông chứng minh được một cách tâm phục khẩu phục rằng những đề xuất đó là sai, tôi sẽ đi khất thực (theo nghĩa đen vì từ năm 1989, sau bài báo bị coi là “chống đảng”, tôi phải đi trốn rồi bị đồng chí 3X lúc đó là chủ tịch tỉnh Kiên Giang đuổi việc,  phải “ăn lương vợ” cho tới nay) tới trụ sở của Đàn Chim Việt, quỳ lạy, cúi đầu tạ tội với ông và xin lỗi đồng bào! Còn nếu không chứng minh được tôi sai, chỉ xin ông chân thành xin lỗi tôi trên trang Đàn Chim Việt. Những vị mũ cao áo dài đứng đầu các viện hàn lâm trong nước không thèm trả lời tôi bởi họ có cái nón “trách nhiệm tập thể”. Còn ông, với tư cách cá nhân, có danh dự, có lương tâm và hiểu cái lý “một lời nói một đọi máu”, chắc ông không ứng xử như họ!

Xin kính chúc ông sức khỏe
Hà Văn Thùy


Ghi chú:
       1.Nguyễn Văn Lục. Chauvinisme trong ngành sử học ttps://www.yellowproxy.net/browse.php/QDk2xDj1/gjvnBrk4/XcSPw7aO/0n3QNNV_/2BB2vA6p/IEnf6aBu/ft4eY_2B/Mn2PFYUF/i8VRxiYr/5FcyPjN3/w6hPo7Q2/O8V8S6Mp/7Dq2/b29/
3.http://www.amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Viet-Vietnamese/dp/1502407043/ref=pd_sim_14_1?ie=UTF8&dpID=51oJ2QNus4L&dpSrc=sims&preST=_AC_UL160_SR107%2C160_&refRID=0S1AAF3VCHVFB1Y86Y5C