THÊM MỘT LẦN BUỘC PHẢI TRANH BIỆN VỚI GS L. KELLEY



Trang mạng Đàn chim Việt, qua lời dịch của Trà Mi, công bố bài viết cuả tác giả L. Kelley: Lý Đông A, Lương Kim Định, Trần Ngọc Thêm và cuộc di cư của người TQ thời cổ đại của Terrien de Lacouperie.
Trước bài viết này, một lần nữa tôi buộc lòng phải lên tiếng.
Tác giả viết: Như tôi đã đề cập nhiều lần ở blog này, có một ý tưởng có tầm quan trọng trung tâm đối với những tác giả Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và đó là vào thời cổ đại người Trung Quốc di cư đến khu vực hiện nay là Trung Quốc từ phía tây bắc, và khi đến nơi, họ đã thấy có người đã sống ở đó trước.
… “Từ lâu, tôi đã tự hỏi ý tưởng đó đến từ đâu, và bây giờ tôi nhận ra rằng nguồn gốc chính rõ ràng là các tác phẩm cuối thế kỷ XIX của một nhà Đông Phương học tên là Albert Étienne Jean Baptiste Terrien de Lacouperie.”
Bài viết đặt ra ba vấn đề cần thảo luận.
1.     Phải chăng phát biểu của Terrien de Lacouperie là một khái niệm đã không được nhiều người hỗ trợ khi ông xuất bản những ý tưởng của mình, và nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Từ thế kỷ XVII, khi bước vào thời kỳ chinh phục thế giới, tư tưởng sô vanh Âu Trung xuất hiện, cho rằng châu Âu là trung tâm sinh ra con người cùng văn hóa nhân loại. Người da trắng có sứ mệnh khai hóa các dân tộc dã man phương Đông. Với ý nghĩa nào đó, Terrien de Lacouperie là người phát ngôn của tư tưởng này.
Do vậy, nó hoàn toàn không phảikhông được nhiều người hỗ trợ khi ông xuất bản những ý tưởng của mình, và nhanh chóng rơi vào quên lãng,” mà ngược lại, được các học giả phương Tây tuân thủ như kim chỉ nam trong hoạt động. Xin dẫn:
-         Georges Coedès, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ từ thập niên 1920 đến 1950, và nhiều đồng nghiệp của ông tin rằng văn minh nhân loại khởi nguồn từ vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) đến Ai Cập, rồi lan sang Hy Lạp và La Mã. Niên đại của các tượng đài tại Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy đây là hai nền văn minh phát triển sau nền văn minh Lưỡng Hà.

-         Năm 1932, nhà nhân chủng học người Áo Robert Heine-Geldern đề ra một giả thuyết để giải thích về văn hóa Đông Sơn: “Đông Nam Á là vùng đã kinh qua nhiều "làn sóng văn hóa”, và một làn sóng di cư liên tục đem đến cho Đông Nam Á những kỹ thuật hiện đại. Ông tin rằng, những cái rìu mang hình lưỡi vòm hay những người thợ làm ra chúng chắc chắn phải xuất phát từ miền Bắc Trung Quốc. Thế còn trống đồng Đông Sơn? Heine-Geldern đề ra giả thuyết rằng đó là thành quả của một làn sóng văn hóa khác, lần này thì xuất phát từ người Hallstadt Đông Âu, những người di cư về phía Nam vào khoảng 1000 năm trước CN và đến Đông Nam Á vào khoảng 500 năm sau đó.”

-         Có một sự bất ngờ thú vị. Cái ý tưởng mà Giáo sư L. Kelley cho rằng “không được nhiều người hỗ trợ và sớm rơi vào quên lãng” từ thế kỷ XIX thì năm 1924, cha đẻ của Trung Hoa dân quốc Tôn Trung Sơn viết: “Người Trung Quốc nói nhân dân là Trăm họ, người nước ngoài nói thời cổ ở phương Tây có một dân tộc Trăm Họ, về sau di cư vào Trung Quốc”. Họ “vượt Thông Lĩnh, tới Thiên Sơn, qua Tân Cương rồi tới lưu vực Hoàng Hà”, “tiêu diệt hoặc đồng hóa dân tộc Miêu Tử vốn có ở Trung Quốc, trở thành dân tộc Trung Quốc ngày nay”. Ông tán thành cách giải thích này và lập luận: “Nếu văn hóa Trung Quốc không phải từ bên ngoài du nhập vào… thì xét theo quy luật tự nhiên, văn hóa Trung Quốc phải bắt nguồn từ lưu vực sông Chu Giang …, bởi vì lưu vực sông Chu Giang khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú, nhân dân rất dễ tìm kế sinh nhai, là nơi dễ phát sinh nền văn minh”. Nhưng khảo cứu lịch sử cho biết Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương đều không sinh tại lưu vực sông Chu Giang, mà đều sinh tại vùng Tây Bắc, “do đó văn hóa Trung Quốc là từ phương Bắc tới, từ nước ngoài tới”.[1]

-         Vẫn chưa hết, vào năm thứ năm của thế kỷ XXI ý tưởng của Terrien de Lacouperie được học giả người Trung Hoa Zhou Jixu “khám phá” lại với lời tuyên bố dõng dạc: “Việc phát hiện người Indo-Europian từ phương Tây vào Trung Quốc là khám phá quan trọng bậc nhất của lịch sử phương Đông hiện đại.” Ông nói:
 “Dự án nghiên cứu này dựa trên cách nhìn hoàn toàn mới về tiền sử châu thổ Hoàng Hà với những nhân tố chứng tỏ rằng: văn minh Hoàng Hà không phải là sản phẩm của sự tiến hóa độc lập mà là do tác động của yếu tố ngoại lai tới văn hóa bản địa.
Các bộ lạc của Hoàng Đế chiếm giữ trung lưu Hoàng Hà vì họ có sức mạnh, nhưng họ củng cố, mở rộng, và tiếp tục sự cai trị của mình tại Trung Quốc bằng cách chấp nhận các nền văn hóa nông nghiệp. Các dân tộc chiếm đất là một nhánh Tiền Ấn-Âu. Các hồ sơ lịch sử, chẳng hạn như Thượng Thư (Shang Shu), kinh Thi (Shi Jing), Quốc Chuẩn (Zuo Zhuan - Biên niên của các nhà nước phong kiến), và Sử ký (Shi Ji), vv… tất cả chỉ mô tả sự hình thành và suy tàn của nhà nước Hoàng Đế.
Những nền văn minh bản địa 5.000 năm TCN trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử bị loại trừ khỏi văn bản lịch sử truyền thống và bởi vậy đã bị vùi lấp trong 3.000 năm. Nghiên cứu này cố gắng bộc lộ các dữ kiện lịch sử với những bằng chứng về khảo cổ học, tài liệu cổ, và ngôn ngữ học lịch sử.”[2]
Những dẫn chứng trên cho thấy, quan niệm người phương Tây di cư làm nên dân cư Trung Quốc không phải là ý tưởng nhất thời mà tồn tại xuyên suốt hai thế kỷ XIX , XX sang tới thiên niên kỷ thứ Ba.
2.        Kim Định đã ảnh hưởng tư tưởng của Terrien de Lacouperie như thế nào?
Trong bài, L. Kelley dẫn ra ba người nhưng tôi xin bàn về nhân vật trung tâm: Kim Định. Tác giả viết: “những tác giả Viêt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã cho rằng cuộc di cư của người Trung Quốc thời cổ đại chính là cuộc di cư mà Terrien de Lacouperie đã dựng khung sườn lý luận.”
Không biết Kim Định đã chịu ảnh hưởng của Terrien de Lacouperie ở chỗ nào nhưng khi tra tìm trong Việt lý tố nguyên, cuốn sách có ý nghĩa lập thuyết quan trọng nhất của ông, tôi không hề thấy tên của tác giả này trong tài liệu tham khảo. Những sách chủ yếu của tác giả phương Tây mà Kim Định sử dụng là:
CIV =  La Civilisation chinoise. Par Marcel Granet édition Albin Michel, 1948                                                            
DANSES =  Danses et légendes de la Chine Antique. M.Granet P.U.F. 1959.                                                                 
P.C =  La pensée chinoise = Granet: La Renaissance du livre. Paris 1934.                                                                            
SOCIO=   Etudes sociologiques sur la Chine – Granet, P.U.F.1953.                                                                    
RELIGION =   La Religion des Chinois, Granet, P.U.F. 1951                            
CREEL =   La Naissance de la Chine par Herrlee Glessner Creel, Payot Paris, 1937.                                                         
MASPÉRO =   La chine antique par Henri Maspéro, Imprimerie nationale 1955.                                                                               
NEEDH.I = Science and civilisation in China en 7 vol. Joseph Needham I, II, III, etc… Cambridge University Press 1954.
Tác giả của những cuốn sách trên góp phần làm nên tư tưởng của Kim Định. Tuy nhiên, ý tưởng “người di cư vào Trung Quốc đến từ Tây Bắc” tới với ông lại xuất phát trực tiếp từ tác giả người Trung Quốc Vương Đồng Linh trong quyển Trung Quốc dân tộc sử :
Con người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước đây rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn đợt băng tuyết, những người còn sống sót kéo nhau lên các miền núi cao nguyên sống trong hang hốc. Sang đến Tân thạch (tương đương với sung tích kỳ: holocène, lối hơn mười ngàn năm trước đây) sau khi làn băng giá thứ tư tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục tục dời bỏ những hang động trong dẫy Thiên Sơn (Tây Bắc Tibet và Tây Tân Cương) để thiên di xuống các vùng bình nguyên. Theo Vương Đồng Linh trong quyển “Trung Quốc dân tộc sử” thì một nhóm sang phía Tây làm thủy tổ giống da trắng. Trong những người tiến về phía Đông làm thủy tổ giống da vàng có hai chi gọi là Bắc tam hệ và Nam tam hệ.
Bắc tam hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có:
1 - Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay (cũng gọi là Thông-cổ-tư Toungouses).
2 -  Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa.
3 -  Phái Đột Quyết (Turcs) chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây-Bá-Lợi-Á, vì theo đạo Hồi nên gọi chung là Hồi tộc.
Nam tam hệ gồm có ba tộc là Miêu, Hoa, Tạng. Theo Mộng Văn Thông trong quyển “Cổ sử nhân vi” ba phái này nguyên tên là Viêm, Hoàng, Tần.
1 -  Về sau Hoàng tộc tự xưng là Hoa tộc. Hoặc có thể nói ngược lại là Hoa tộc là tên chính sau mới đổi ra Hoàng tộc rồi cuối cùng lại đổi ra Hán tộc. Tuy nhiên Hán chỉ là tên của một vương triều y như Đường, Tống, Minh, Thanh vậy. Còn chính tên là Hoa tộc.
2 - Về Viêm tộc cũng gọi là Miêu tộc và Việt tộc.
3 - Tạng tộc (Tibétains) thì đi lần theo Thiên Sơn Nam lộ tới định cư ở vùng Hy Mã Lạp Sơn rồi sau lan ra vùng Thanh Hải, Tây Khương. Rất có thể Anhđônê là một nhóm trong ngành này tiến vào vùng A Xam của Ấn Độ, sau bị người Aryen đuổi nên thiên di qua Việt Nam và Borneo…” [3]
Tới nay,  những khám phá của khoa di truyền học khẳng định, không có chuyện người phương Tây từ Trung Đông di cư làm nên dân cư Trung Quốc. Vậy là tất cả những tài liệu dẫn trên bị phú nhận. Ngay chính ý tưởng của Terrien de Lacouperie cũng sai.
Tuy vậy, nói công bằng, ông chỉ sai ở nửa trước, còn nửa sau:  “ đã có người sống ở đó trước” là hoàn toàn chính xác.
Và điều này làm bật lên câu chuyện kỳ lạ là, từ nửa phần đúng của một ý tưởng, Kim Định thiên tài đã sáng tạo nên thuyết Việt Nho: người Việt vào Trung Quốc trước và xây dựng ở đó nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ với kinh Thi, kinh Dịch, kinh Thư, đạo Việt An vi… Nếu Trời còn để cho sống đến đầu thế kỷ này, khi biết rằng, người Việt vào Trung Quốc không phải từ Nam Thiên Sơn mà là từ Việt Nam lên, chắc ông  vô cùng sung sướng và càng vững tin vào luận thuyết của mình.
Ông L. Kelley  viết: “Tuy nhiên, không giống như những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã lập luận rằng những người di cư kém tinh vi hơn so với các dân tộc đã sinh sống trong khu vực đó ở Trung Quốc, Terrien de Lacouperie cảm thấy rằng những người di cư Trung Quốc mang theo văn bản và ý tưởng mà họ đã tạo ra, và điều này có thể được chứng minh bằng những gì ông cho là sự tương đương giữa chữ viết của người Akkadian và người Trung Quốc, và tương đồng giữa số học trong Kinh Dịch với các khái niệm tương tự trong văn hóa Chaldean-Akkadian.”
                               Hình so sánh chữ Akkadian và Giáp cốt văn
Đọc đoạn văn trên, ta thấy vị giáo sư Đại học Manoa do không có khả năng thẩm định tư liệu nên không thấy rằng Terrien de Lacouperie đã sai. Cái chữ Giáp cốt trong tấm hình mà Terrien de Lacouperie cho là của những người vào Trung Quốc lại chính là của những người đã sống ở đó trước. Không trách Terrien de Lacouperie vì thời của ông chưa biết chuyện này. Nhưng không thể không buồn cho L. Kelley vì đã không cập nhật tri thức! Sự thực là, trong khi người Akkadian có chữ thì những người bước chân vào Trung Quốc sau trận Trác Lộc chỉ có ngọn giáo và vó ngựa. Những phát hiện khảo cổ mới nhất khẳng định, chữ tượng hình của người Việt bản địa trên đất Trung Hoa xuất hiện từ văn hóa Giả Hồ 9.000 năm cách nay và trưởng thành ở văn hóa Cảm Tang 6.000 năm trước, sớm hơn mọi chữ viết trên thế giới. Trong khi Terrien de Lacouperie chỉ biết tới chữ Ân Khư muộn hơn nhiều, khoảng 3500 năm trước và đó cũng là chữ mà nhà Ân học được từ người Việt ở An Dương. Ông cũng không biết rằng, những tư tưởng làm nên kinh Dịch hình thành khoảng 7000 – 8.000 năm trước. Như vậy chẳng phải là khi người Akkadian vào Trung Quốc (nếu có) họ gặp một nền văn hóa phát triển hơn sao?
Có một sự thật là, trong khi Terrien de Lacouperie chỉ phát hiện, “nghiên cứu” qua sách vở thì Kim Định và những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan- theo cách nói của L. Kelley- lại nhìn từ thực địa, từ toàn bộ nền văn hóa phương Đông rồi ngộ ra cái hồn Việt sâu thăm thẳm ở mọi nơi mọi chỗ. Tại chính kinh Thi, được coi là hồn cốt, là bản mệnh văn hóa Hoa Hạ, quan trọng đến nỗi Khổng Tử phải thốt lên bất độc thi vô dĩ ngôn, Kim Định cũng “ngửi” thấy đậm đà mùi Viêm Việt!
Năm 2006, tôi lượm nhặt trong cổ thư Trung Hoa những hóa thạch của ngôn ngữ Việt, rồi đề xuất ý tưởng động trời: Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tưởng bị ném đá. Không dè, ít lâu sau, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Ngọc Thành từ Sacramento công bố loạt bài với quá nhiều bằng chứng ủng hộ. Đầu năm 2012, khi nhận được những phát hiện chữ Lạc Việt tại văn hóa Cảm Tang tỉnh Quảng Tây, tôi đủ chứng cứ công bố: Chữ Việt, chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Lại một lần nữa, người đồng bào gốc Triều Châu ủng hộ bằng cách đưa ra hàng loạt bài viết sắc sảo, thuyết phục, chứng minh việc này đồng thời khẳng định  chân lý: Chữ vuông được chế ra để ký âm tiếng Việt. Do vậy, mọi chữ Trung Quốc chỉ khi được đọc bằng âm Việt cổ và giải nghĩa bằng nghĩa Việt cổ mới chính xác!
 Vậy thì, xin hỏi Giáo sư L. Kelley, Kim Định có gì sai? Nếu không sai thì việc gọi họ là những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thỏa đáng?
3.     Người làm nên dân cư Trung Quốc là ai?
Tới đây, một câu hỏi cần được trả lời: Ai là người làm nên dân cư Trung Quốc? Xin được trình bày như sau:
70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết sinh ra người Việt cổ chủng Australoid. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm lên, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Những đợt di cư tiếp theo, người Việt mang công cụ đá mới Hòa Bình rồi giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.
Khoảng 7.000 năm trước, tại vùng cao nguyên Hoàng Thổ bờ nam Hoàng Hà diễn ra sự tiếp xúc giữa người Việt nông nghiệp và người Mông Cổ du mục. Những lớp con lai mang mã di truyền Mongoloid phương Nam ra đời và sinh sôi, trở thành chủ thể của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều rồi Long Sơn sau đó.
  Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ do bộ tộc Hiên Viên dẫn đầu, chiếm đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Vào đất Việt, người Mông Cổ bỏ lối sống du mục, học nghề nông. Tuy chiến thắng nhưng do nhân số ít và kém phát triển, kẻ xâm lăng bị người Việt đồng hóa về máu huyết và văn hóa. Trong vương triều Hoàng Đế, lớp con lai Mông-Việt ra đời, tự gọi là Hoa Hạ. Do tiếp thu hai nền văn hóa, người Hoa Hạ có phẩm chất ưu việt, sáng tạo nên thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông, từ Nghiêu, Thuấn tới Thương, Chu. Cuối thời Chiến Quốc, nhà Chu bị diệt vong. Vương quyền thuộc về Tần, Hán là những quốc gia của người Việt. Tuy người Hoa Hạ không còn giữ vai trò thống trị nhưng do vinh quang trong quá khứ của Hoa Hạ nên các chính quyền từ Tần, Hán về sau vẫn tự nhận là Hoa Hạ.
Như vậy, người Trung Quốc không phải di dân từ phía Tây tới mà là dân cư bản địa, thành phần chủ đạo là người Việt, được bổ sung ba lần gen của người North Mongoloid ở phía bắc Hoàng Hà. Lần đầu cho ra người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều 7.000 trước. Lần sau vào thời kỳ vương triều Hoàng Đế, sinh ra lớp người Hoa Hạ, giữ vai trò lãnh đạo quốc gia trong vòng 2500 năm (2700 – 249 TCN). Từ cuối thời Hán, do Trung Quốc loạn lạc, nhiều triệu người North Mongoloid từ phía Tây và phía Bắc tràn vào, có thời gian dựng những vương triều như Nguyên, Thanh. Nhưng cũng như trong quá khứ, do văn hóa chưa phát triển và số lượng người hạn chế, kẻ xâm lăng bị đồng hóa thành dân cư Trung Quốc. Kết quả là, dân cư trên lưu vực Hoàng Hà mang đặc tính Mongoloid trội hơn. Đồng thời tiếng nói và văn hóa cũng đậm hơn sắc thái du mục.
Trong vai trò độc quyền thống trị, người Hoa Hạ chèn ép, lấn át các nhóm Việt khác trên lưu vực Hoàng Hà. Tuy nhiên, ở lưu vực Dương Tử, các tiểu quốc của người Việt vẫn tồn tại và phát triển. Do vậy, theo thời gian, về di truyền và văn hóa giữa người Nam và bắc Dương Tử có sự khác biệt dẫn tới nhận định sai lầm rằng người lưu vực Hoàng Hà là từ phương tây di cư tới.
Không có chuyện người phương Tây di cư tới làm nên dân cư Trung Quốc nhưng chắc chắn người từ Trung Quốc sang phương Tây góp phần sinh ra tổ tiên người châu Âu. 40.000 năm trước, người Việt từ Trung Quốc, qua Trung Á tới châu Âu. Khi người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus xâm nhập châu Âu, họ đã thấy ở đây đông đảo người Việt. Hai dòng người hòa huyết, sinh ra người da đen Eurasian tổ tiên người châu Âu. Không chỉ để lại cho con cháu máu huyết, người Việt còn cho họ không ít tiếng nói: sạn, cát  -> sand; nác, nước -> water; bầu bí, người -> people… Nếu tôi không lầm thì dòng máu Anglo-Saxon đang chảy trong huyết quản vị giáo sư Đại học Manoa cũng có một phần máu Việt?
                                                                                     30 tháng Tư năm 2016
Tài liệu tham khảo.
1.     Dẫn theo Trần Ngọc Thêm : Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng.  Tp. HCM: Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2013.
2.     Zhou Jixu: “The Rise of the Agricultural Civilization in China,” Sino-Platonic Papers, 175 (December, 2006)

3.     Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm. Sài Gòn 1974.