KHẢO VỀ BÁCH VIỆT

   
  Cuối thế kỷ III TCN, nhà Tần diệt nước Sở, sáp nhập đất đai, con người và văn hóa các nước Việt vào đế quốc Tần. Kế tục nhà Tần, nhà Hán củng cố, mở rộng cương thổ và thực thi chính sách trường kỳ, kiên định đồng hóa các sắc dân Việt trong lãnh thổ về huyết thống và văn hóa với mục tiêu xây dựng một đế quốc Trung Hoa thống nhất mà dân tộc Hán là chủ đạo. Tuy nhiên, sau hơn 2000 năm, trên đất Trung Hoa, dù bị đồng hóa một cách khốc liệt, người Việt, dưới danh xưng Bách Việt vẫn duy trì diện mạo riêng, không chỉ về di truyền mà càng rõ nét hơn về văn hóa.
   Trong quan niệm phổ cập hiện nay, Bách Việt là danh xưng để chỉ những sắc dân hay nước Việt từng tồn tại từ thời Tần Hán trở về trước ở phia nam sông Dương Tử. Theo La Hương Lâm trong sách Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu, thiên Thị Quân: “Phía nam Dương Hán, trong khoảng Bách Việt, những đất Tệ Kha, Chư Phu, Dư My, các nước Phộc Lâu, Dương Xuất, Hoan Đâu, phần nhiều không có vua.” [1] Âu Đại Nhậm trong Bách Việt tiên hiền chí viết: “Cháu sáu đời của Câu Tiễn là Vô Cương cất quân đánh Sở, bị vua Sở Hùng Thích đánh bại. Vô Cương bỏ Lang Gia, đi đến ở Đông Vũ. Nước Việt tan. Các con của Vô Cương định cư ở duyên hải Giang Nam, chia nhau kẻ làm quận trưởng, người làm vương, tất cả đều thần phục Sở, gọi là Bách Việt. Châu Dương từ đấy bị phân chia. Cối Kê lấy các sao phương Nam là sao Thuần, sao Vỹ để định cương giới, đất Cối Kê thuộc vào Nam Hải. Khi Tần diệt Sở, vương Tiễn cai trị Dương Việt, chia cắt thành ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Con cháu Úy Đà thần phục nhà Hán. Họ Triệu cai trị cả ba quận ấy, lại kiêm thêm các quận Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân, Châu Nhai, tổng cộng là chín quận. Nay vùng Nam Việt, bắc giáp Cô Tư đến tận Cối Kê là đất của Việt vậy. Phía đông, Vô Chư đóng đô ở Đông Trị đến Chương Tuyền là Mân Việt. Đông Hải vương là Diêu, đóng đô ở Vĩnh Gia là Âu Việt. Lãnh thổ xưa của Dịch Hu Tống, chạy dài từ sông Tương, sông Ly về phía nam là Tây Việt. Các đất Tang Ca, Tây Hạ, Ung, Dung, Tùy, Kiến là Lạc Việt vậy.” [2]
   Người Bách Việt từng xuất hiện trên đất Trung Hoa là sự thật lịch sử. Việc di duệ người Bách Việt hiện tồn tại ở phia nam Trung Hoa với phong tục, tập quán, tiếng nói riêng cũng là một thực tế không ai phủ nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Bách Việt chưa được khảo cứu kỹ, dẫn tới những hiểu biết chưa chính xác về con người, lịch sử và văn hóa Bách Việt. Hơn nửa thế kỷ trước, học giả La Hương Lâm ở Đài Loan xuất bản cuốn Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, khảo cứu về nguồn gốc, địa vực cùng văn hóa các nước Bách Việt. Đây là một trong những công trình hiếm hoi và có giá trị về Bách Việt. May mắn được người bạn tặng bản dịch viết tay của cụ Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn, chúng tôi xin dựa vào tư liệu của tác giả để trình bày về những vấn đề liên quan tới Bách Việt. Nhân đây, chúng tôi xin ngỏ lời cảm ơn nhiều tới cụ Vọng Chi và gia đình.
   Trong Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, học giả La Hương Lâm viết:  “Y theo tình huống địa lý ngày nay mà nói, Bách Việt là ở vòng mấy tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc, như Xuyên, Điền, Kiềm, Quế v.v… Phía nam suốt đến An Nam và một bộ phận ở Tiêm La, Miến Điện. Phía đông ven theo biển như các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang… mà còn ở cả miền giao giới Hoãn, Cống, Ngạc nữa.”
   Nhìn tổng quan, có thể thấy rằng, các tên Việt trên là mảnh vỡ của những quốc gia Việt cổ đại như Ba, Thục, Văn Lang, Ngô, Việt, Sở, … sau cuộc xâm lăng của Tần Hán. Tùy theo thịnh suy, yếu mạnh của triều đình trung ương, các đầu lĩnh người Việt lãnh đạo dân chúng nổi dậy, lập những nước Việt độc lập.
   Dưới đây xin trình bày những nét chính yếu của các nước thuộc cộng đồng Bách Việt trong lịch sử.

1. Ư Việt:

   Nước Ư Việt, còn gọi là Vu Việt. Khi nhà Thương Ân đang thịnh, Ư Việt bị kiềm chế, không hoạt động nhiều. Nhà Chu lên, chưa củng cố được lãnh thổ, Ư Việt nhân đó quật khởi. Sử ký Việt vương Câu Tiễn thế gia viết: “Dư địa chí nói, Việt hầu truyền nước hơn 30 đời, trải nhà Ân đến nhà Chu. Thời vua Kính vương, có Việt hầu là Phu Hỗn, con là Doãn Thường, mở rộng đất đai, xưng vương. Thời Xuân Thu biếm xuống làm tước tử, hiệu là Ư Việt.” Sách kim bản Trúc thư kỷ niên ghi: “Chu Thành vương năm thứ 24, nước Ư Việt lai tân.” Điều này cho thấy, thời đầu nhà Chu, nước Việt đã hoạt động. Hoài Nam Tử trong sách Tề tục huấn viết: “Vua nước Việt là Câu Tiễn cắt tóc vẽ mình, không trang phục bì, biền, tấn, hốt (đội mũ biên da, đeo hốt), dung nghi nghiêm trang ấp tốn.” Người Ư Việt lấy Cối Kê làm căn cứ, thời Xuân Thu xưng vương rất hiển hách, duy trì cường thịnh được 200 năm.
   Sang đời Hán, tuy bị sáp nhập Hán quốc, nhưng người Ư Việt vẫn nổi lên đòi độc lập. Hán thư quyển 64, Nghiêm Trợ truyện chép: “Người Việt muốn gây biến tất ở trong địa giới Tiên Điền, Dư Can”. Dư Can là Nhiêu Châu tỉnh Giang Tây ngày nay. Như vậy, đầu thời Tây Hán, vùng đông bắc tỉnh Cống vẫn là sở cư của Việt tộc. Không những thế, người Mân Việt, do Ư Việt phân rã, vào gây hấn ở Tầm Dương của Cửu Giang. Điều này cho thấy, người Việt cư trú từ đông bắc tỉnh Cống cho tới đông nam Cửu Giang. Đầu nhà Hán, cảnh vực nước Ư Việt vẫn rộng đến thế thì thời Xuân Thu còn bao quát lớn hơn nhiều. Nói tóm lại, cương vực nước Ư Việt gồm bảy phủ Thanh, Thiệu Hưng, Ninh Ba, Kim Hoa, Cù, Ôn, Đài. Còn ba phủ Hoàng, Gia, Hồ thì phân giới với nước Ngô. Sách Quốc ngữ Việt ngữ thượng nói: “Đất của Câu Tiễn, nam đến Cù Vô, phía tây đến Cô Miệt, rộng liền 100 dặm.”

2. Âu Việt

   Một chi của Ư Việt về sau đổi thành Âu Việt, cũng gọi là Đông Việt, lấy đất Âu Giang phía nam Chiết Giang ngày nay làm trung tâm, bao gồm ba phủ Thanh, Ôn, Đài cùng các đảo ở ven biển. Thời nhà Tần không theo Tần. Vua Mân Việt là Vô Chư, vua Việt Đông là Dao, trước đều là con cháu Việt vương Câu Tiễn. Khi chư hầu phản nhà Tần, Vô Chư và Dao xuất lĩnh Việt tộc đánh Tần. Thủ lĩnh Âu Việt thời Hán Huệ đế từng được phong vương, sau đó giao chiến với Mân Việt, thua trận rồi đưa 40.000 dân xin di chuyển vào Trung Quốc, ở khoảng Giang, Hoài.

3. Mân Việt

   Mân Việt cũng là một chi của Ư Việt. Tần Thủy hoàng lấy đất cũ của Mân Việt, tức Phúc Kiến ngày nay, đặt làm Mân Trung quận, phế thủ lĩnh Mân Việt làm quận trưởng. Sau Vô Chư giúp nhà Hán có công, được phong làm Mân Việt vương, đóng đô ở Đông Dã, tức Phúc Châu ngày nay. Hán thư Vương Trợ truyện chép: “Hoài Nam vương An dâng thư lên Hán Vũ đế: “Việt (Mân Việt) là nước phương ngoại, dân cắt tóc vẽ mình, không thể dùng quốc pháp quan đới xử lý vậy… Ở trong hang suối, rừng núi, tập luyện thủy chiến, tiện dùng về thuyền, đất thâm u, sông nước hiểm, lấy địa đồ, xét về sông núi, ách yếu, gần nhau gang tấc mà tưởng chừng gián cách trăm ngàn dặm, hiểm trở rừng rậm, không thể thấy rõ. Muốn vào Trung Quốc phải xuống Lãnh Thủy. Sông Lãnh Thủy núi cao chót vót, dưới sông có đá ngầm, thuyền đụng phải là vỡ, không thể dùng thuyền lớn để chở lương thực vậy… Vả người Việt tài kém, sức yếu, lại không có xe ngựa cung tên, không quen lục chiến, nhưng không vào được là nhờ có địa điểm để cố thủ; mà người Trung Quốc lại không phục thủy thổ vậy. Thần nghe nước Việt giáp binh không dưới 200.000 cho nên muốn vào nước Việt, số quân phải gấp năm lần mới được.” Như vậy, có thể thấy, thời đầu nhà Hán, nước Mân Việt khá cường thịnh. Nước Mân Việt thời đầu Tần Hán, phía đông tới đảo Đài Loan, Bành Hồ, Lưu Cầu; phía tây vươn tới đông bắc tỉnh Cống. Cũng Nghiêm Trợ truyện viết: “Mân Việt muốn gây biến, tất trước phải do trong giới Dư, Can mà thủ lãnh từng âm mưu đi đốt lâu thuyền nhà Hán ở Tầm Dương, đấy đều là ở đông bộ hoặc bắc bộ tỉnh Cống.” Hoài Nam tử nhân gian huấn chép: “Tần Thủy hoàng phát quân 500.000 chia làm năm quân đoàn cùng Việt giao chiến. Một quân đoàn đóng ở sông Dư Can, đông bắc tỉnh Cống.” Nhà Tần đối với việc thú bị Mân Việt không ở đất Mân mà ở đông bắc tỉnh Cống, thế thì bấy giờ đông bắc tỉnh Cống vẫn còn là biên giới của Mân Việt.
   Hán thư Lưỡng Việt truyện chép: “Nguyên Đỉnh năm thứ 5, Nam Việt phản, Dư Thiện giữ nước đôi ngầm thông Nam Việt, kịp khi Hán phá Phiên Ngung, Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc dâng thư xin đem quân đánh Đông Việt, thiên tử lấy quân sĩ mệt mỏi, không cho đánh, bãi binh, sai tướng hiệu lưu đồn ở Dự Chương, Mai Lĩnh đợi lệnh… Dư Thiện liền phát binh chặn Hán đạo, cùng bọn Lưu Lực Làn thôn Hải tướng quân, vào Bạch Sa, Vũ Lâm, Mai Lĩnh giết ba quan hiệu úy nhà Hán. Nhà Hán sai Hoành Hải tướng quân Hàn Thuyết xuất quân Cú Chương, vượt biển đi phương Đông. Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc xuất quân Vũ Lâm, Trung úy Vương Ôn Thư xuất quân Mai Lĩnh, Việt hầu làm qua thuyền Hạ Lại tướng quân, xuất quân Như Tà, Bạch Sa. Nguyên Phong năm đầu mùa đông, đều vào Đông Việt. Đông Việt phát binh cứ hiểm, sai Tuân Bắc tướng quân giữ Vũ Lâm, đánh bại mấy quan hiệu úy lâu thuyền, giết trưởng lại. Dao vương là Cư Cổ mưu giết Dư Thiện, đem quân hàng Hoành Hải, phong Cư Cổ làm Đông thành hầu… Thiên tử chiếu rằng: “Đông Việt hẹp, hiểm trở. Mân Việt hay phản phúc. Chiếu cho quân lại, di hết dân đến miền Giang Hoài.” Tới đây, cả Mân Việt cả Đông Việt đều nhập Trung Quốc.

4. Đông Đề

   Đông Đề bao gồm các hòn đảo Đài Loan, Bành Hồ, Lưu Cầu ngày nay, là một bộ phận của Mân Việt. Trong khi Mân Việt đã nhập Trung Quốc thì do biển khơi cách trở nên Đông Đề vẫn giữ độc lập, trở thành một chi phái của tộc Việt. Hậu Hán thư Đông Di liệt truyện chép: “Ngoài biển Cối Kê có người Đông Đề, chia làm hơn 20 nước.” Lâm Huê Tường trong cuốn Đài Loan phiên tộc nguyên thủy văn hóa cũng nói: “Người Đông Đề là thổ dân ở các nơi Đài Loan, Lưu Cầu ngày xưa. Chữ Đề trong Đông Đề và chữ Đài trong Đài Loan là cùng một từ mà dịch khác nhau. Tùy thư Đông Di truyện nói: “Nước Lưu Cầu ở giữa hải đảo, phía đông quận Kiến An, đi biển năm ngày thì đến. Nhiều sơn động. Vua nước đó họ Hoan Tư, tên là Khát Thích Đâu. Chẳng hay nước ấy có từ thời đại nào. Thổ dân gọi là Khả Lão Dương, vợ gọi là Bạt Trà, ở ba la Đàn động, ba trùng hào nước chảy chung quanh. Trồng cây gai làm hàng rào. Nhà của vua ờ rộng 16 gian, chung quanh khắc chạm cầm thú, có cây đấu lũ, tựa cây quất mà rậm lá, những cành nhỏ rủ xuống như tóc. Nước có 4-5 tướng súy thống lĩnh các động, mỗi động có một tiểu vương. Thường có thôn như Ô Liếu, Súy… đều tự chọn người thiện chiến đứng đầu xử lý mọi việc trong thôn… Vua cưỡi con thú bằng gỗ, sai lính hầu khiêng đi, dẫn đạo và tùy tùng không quá 10 người. Người Lưu Cầu mắt sâu mũi dài, tựa như người Hồ. Đàn bà thường trổ hình rắn trên tay. Trai gái quen biết yêu nhau rồi thành đôi lứa. Khi yến hội, người cầm ly rượu, song đợi hô tên rồi mới uống. Dâng rượu vua cũng xưng hô vua, đụng ly cùng uống… Người chết gần tắt thở được đưa ra sân, thân bằng đến khóc điếu, rồi tắm xác chết, lấy vải lụa quấn kín, lấy cỏ lau bọc ngoài, đào đất chôn, không dùng quan tài, phía trên không đắp phần mộ… Ruộng đất phì nhiêu, trước hết đốt cỏ rồi dẫn nước vào ruộng, cầm cái búa cán dài bằng tre hay bằng gỗ, lưỡi bằng đá rộng hai tấc (20 cm), để xới đất, trồng lúa. Người thổ dân Đài Loan ngày nay là di duệ của Đông Đề.

5. Dương Việt

   Dương Việt hay Di Việt cư trú ở vùng Hán Thủy, thời Ân và Tây Chu rất thịnh. Sau thời Xuân Thu, Sử ký Sở thế gia chép: “Hùng Cừ (vua Sở) rất được lòng dân miền Giang Hán, bèn đem quân đánh các nước Dung, Dương Việt. Đến Ngạc, Hùng Cừ nói: “Ta là man di vậy, không cùng hiệu thụy Trung Quốc, bèn lập con trưởng là Khang làm Câu Đản vương, con thứ Hồng làm Ngạc vương, con út là Chấp Tỳ làm Việt Chương vương, đều ở đất Sở man giang thượng.” Nước Ngạc ở Vũ Xương ngày nay. Nước Dung là huyện Trúc Sơn tỉnh Hồ Bắc. Như vậy Dương Việt ở vào khoảng trung du Hán Thủy. Sở Hùng Cừ thôn tính ba nước Dung, Ngạc, Dương Việt vào thời vua Di vương nhà Chu. Điều này cho thấy, vào năm cuối thời Tây Chu, người Dương Việt còn tụ cư ở trung du Hán Thủy. Lưu vực Hán Thủy từ Xuân Thu về sau hoàn toàn thuộc về Kinh Sở.
   Nhà Chu từ vua Thái vương thiên đô tới đất Kỳ Sơn thượng du Vị Thủy, nam giáp Bao Tà, là thượng du Hán Thủy. Hai ông Thái Bá và Trọng Ung nhà Chu men theo Hán Thủy xuống miền nam, lấy đất của Dương Việt, nhưng theo tục của người Việt. Về sau con cháu theo sông Giang Hán sang miền Đông tới đất Ngô, được vua Vũ vương phong là bá nên truy xưng là Ngô Thái Bá. Sử ký Ngô Thái Bá thế gia ghi: “ Ông Thái Bá chạy đến Kinh Man tự hiệu là Câu Ngô, người Kinh Man khâm phục ông nghĩa khí, theo đến hơn ngàn nhà… Chu Vũ vương đánh được nhà Thương, tìm con cháu của Thái Bá và Trọng Ung, tìm được Chu Chương đang làm vua nước Ngô. Vua Vũ vương nhân đấy phong luôn.” Như vậy, ông Thái Bá ở đất Kinh Việt đã cắt tóc vẽ mình theo thổ tục người Việt.
   Sử ký Sở thế gia chép: “Thành vương Uẩn năm đầu, mới lên ngôi, sai sứ hiến lên thiên tử. Thiên tử ban thit tộ mà nói: Mi trấn giữ miền nam, đừng để Di Việt tác loạn, xâm nhập Trung Quốc. Do đấy đất Sở ngàn dặm.” Gọi Di Việt do chữ Di và chữ Dương thời cổ cùng âm.
Dương Việt tuy lấy lưu vực Hán Thủy làm trung tâm nhưng có lúc địa vực còn mở rộng hơn. Sau khi bị Hùng Cừ nước Sở thôn tính, một phần đồng hóa theo Sở, một bộ phận dời xuống miền nam ở lẫn với các chi Việt khác tại giao giới các tỉnh Nhật Tương, Kiềm, Hoãn, Cống, Quế, Việt. Việt tộc ở các miền đều tự giữ đất xưng hùng.

6. Sơn Việt

   Ư Việt, Mân Việt cùng Dương Việt sau khi bị Sở, Tần, Hán thôn tính, tuy đại thể đã thuộc Hán nhưng di duệ vẫn còn một bộ phận gọi là Sơn Việt. Trong khoảng từ Tam Quốc đến Đường xuất hiện ở miền giao giới các tỉnh Mân, Chiết, Hoãn, Cống. Tuy chưa tới mức cắt đất xưng hùng nhưng bất thần quật khởi như thế cục thời Tam Quốc, không thể xem thường. Tam Quốc chí Ngô chí Tôn Phụ truyện: “Thuật (Viên) rất oán Sách, bèn ngầm sai đem ấn thụ cho bọn Đan Dương tôn súy, Lăng Dương, Tổ Lạng, khiến khích động Sơn Việt, mưu đồ giáp công Sách. Sách tự làm tướng, đánh cho Lạng bại.” Điều này cho thấy Sơn Việt có sức khiên chế Tôn Ngô. Lại Lục Tốn truyện: “Đan Dương tặc là Phí Sạn, nhận ấn thụ của Tào công, phiến động Sơn Việt làm nội ứng. Quyền sai Tốn đánh Sạn, tức thời phá địch, đem bộ ngũ ba quận miền Đông, được tinh binh mấy vạn người.” Đương thời Sơn Việt được hào kiệt Trung Nguyên trọng thị, chứng tỏ Sơn Việt thế lực không nhỏ, là mối lo tâm phúc cho Đông Ngô. Tuy nhiên Đông Ngô, Tào Tháo cùng Lưu Bị cũng chỉ dùng chính sách mền dẻo để liên hòa mà không dám khinh suất dùng binh. Sơn Việt lấy quận Đan Dương làm trung tâm. Tam quốc chí Ngô chí Gia Cát Khắc truyện: “Khắc cho là núi Đan Dương hiểm trở, dân nhiều dũng cảm, tuy trước có phát binh, chỉ lấy được bình dân ở ngoài huyện mà thôi, còn những nơi sâu xa không thể lấy được. Chúng nghị đều cho là Đan Dương địa thế hiểm trở, cùng với bốn quận: Ngô quận, Cối Kê, Tân quận, Bà Dương tiếp liền nhau, chung quanh mấy ngàn dặm sơn cốc vạn trùng… Núi sản xuất đồng sắt, tự đúc binh khí, tục hiếu võ tập luyện chiến đấu, khí lực cao thượng. Họ trèo núi vượt hiểm, xung đột bụi rậm gai góc, như cá ngoi nước, như vượn trèo cây vậy; rình lúc sơ hở, đột xuất ăn cướp. Quan binh tới đều tìm nơi hang hốc ẩn tàng, khi đánh nhau thì xúm lại như ong, bại thời lủi như chim, từ xưa đến giờ chưa kiềm chế được.” Sau đó Tư Mã Khắc thu phục được.

7. Nam Việt

   Nam Việt là một bộ phận của Dương Việt, lấy đất ở phía nam Dương Việt nên gọi là Nam Việt. Trong khoảng Tần Hán, Nam Việt đã từng lập thành đại quốc. Trước khi bị Tần chiếm, Nam Việt vẫn quan hệ qua lại với Ư Việt. Người Sở trong khi kiêm tính Bách Việt vẫn chưa đổi hết tổ chức nội hệ của người Việt.
   Nhà Tần sai úy Đồ Thư xuất quân 500.000, chia làm 5 đạo: một đạo đóng ở núi Đàm Thành (tây nam Vũ Lâm, tiếp với Uất Nam), một đạo giữ ở biên ải Cửu Nghi (Linh Lăng), một đạo đóng ở Phiên Ngung, một đạo giữ biên giới Nam Dã (thuộc Dự Chương), một đạo giữ ở Dư Can (Dự Chương). Tam quân không lúc nào cởi giáp buông cung. Giám Lộc không vận lương được, phải đem quân đào cừ thông sông Tương với sông Ly để thông đường vận lương đánh Việt. Giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Người Việt đều chạy vào trong rừng sâu, cùng ở với cầm thú, không để cho người Tần bắt. Đặt Kiệt Tuất làm tướng. Ban đêm tập công, phá tan quân Tần, giết úy Đồ Thư và mấy vạn người thây chất thành núi, máu chảy thành sông rồi lập đồn thú để phòng bị.”
   Hán thư Nghiêm Trợ truyện chép: “Hoài Nam vương dâng thư vua Vũ đế luận về người Tần dùng quân sự với nước Nam Việt: “Thần nghe trưởng lão nói, Tần từng sai úy Đồ Thư đánh Việt rồi phát binh đồn thú để phòng bị. Lúc bấy giờ trong ngoài chấn động, trăm họ nôn nao, người đi không trở về, cùng nhau lẩn trốn, tập làm giặc cướp, do đấy mà khởi lên nạn Sơn Đôi vậy.”
   Sử ký Nam Việt úy Đà truyện: “Vua Nam Việt là Đà, người Chân Định, họ Triệu. Nhà Tần đã kiêm tính thiên hạ, lược định Dương Việt, đặt Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để di dân cùng ở lẫn với người Việt. Thời Tần, Đà được dùng làm Nam Hải Long Xuyên lệnh. Đến thời Nhị Thế, Nam Hải úy là Nhâm Ngao, bị bệnh kịch, trước khi chết, triệu Long Xuyên lệnh Triệu Đà mà bảo rằng: Đất Phiên Ngung tựa núi hiểm trở. Nam Hải đông tây mấy ngàn dặm, lại có người Trung Quốc phò trợ, đấy cũng là một châu vậy, có thể lập quốc. Còn trưởng lại trong quận thời không đáng nói, nên tôi nói để ông rõ.” Đoạn làm lệnh giả cho Đà thay mình làm Nam Hải úy. Nhâm Ngao chết, Đà truyền hịch thông cáo các quận Hoành Phố, Sơn Dương, Hoàng Khê rằng, giặc sắp đến, gấp chặn đường đóng quân tự thủ. Rồi kiếm cớ giết hết các trưởng lại nhà Tần bổ dụng, đem thuộc hạ thay thế. Nhà Tần bị diệt, Đà đánh lấy Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt võ vương.”
   Triệu Đà và cháu ông Văn vương xưng đế, nghiêng ngửa với nhà Hán. Lúc cường thịnh cương vực Nam Việt phía đông bao bọc Mân Việt, bắc suất tới Hành Do, Tây kiêm Quảng Tây, Việt Nam ngày nay, nam tới đảo Hải Nam, lấy quận Nam Hải, tức Quảng Đông làm căn bản. Nhà Triệu truyền 5 đời, 93 năm.

8. Tây Âu

   Tâu Âu là một chi trong Bách Việt, nay bao gồm Liễu Giang tỉnh Quảng Tây trở về đông; tây nam Hành Dương tỉnh Hồ Nam, xuống đến Thương Ngô Phong Xuyên; bắc suất tới Âu cùng Lạc hoặc Lạc Việt. Địa lý chí Ung Châu Nghi Hòa huyện nói: “Hoan Thủy ở phía bắc huyện, vốn là sông Tang Kha, tục gọi là sông Uất Trạng, tức sông Lạc Việt, cũng gọi là Ôn Thủy vậy.” Ôn Thủy, Lạc Việt thủy hoặc Tang Kha hà, cứ theo địa vọng mà xét, tức là Nam Bàn giang trong địa vực Điền, Kiềm vậy. Hạ du sông này gọi là Hồng Thủy hà, qua các huyện Thiên Giang, Lai Tân đến Tượng huyện, Thạch Long trấn, cùng hợp với Liễu Giang, hợp lưu tới Quế Bình, cùng tương hội với Tầm Giang. Tây Âu cuối nhà Tần rất hoạt động nhưng vì Triệu Đà xưng vương, thế lực quá mạnh nên quy phục Triệu Đà. Khi Hán diệt Nam Việt, chiếm luôn Tây Âu, đặt làm quận huyện. Người Chàng ở Quảng Tây nay là di duệ của Tây Âu hoặc Lạc Việt. Chữ Chàng do từ chữ Tang của Tang Ca chuyển thành, tuy từ thời Hán về sau chuyên dùng làm tên sông. Ngày nay từ sông Nam Bàn Giang, Hồng Thủy Hà cho đến Liễu Giang, Tây Giang đều gọi là sông Tang Ca, khởi thủy chính từ con người mà có tên. Người Chàng còn tự xưng là Chàng Cổ, Chàng Cổ Lão cũng là do chữ Tang Ca mà ra.

9. Lạc Việt

   Là một chi của Bách Việt, đất Lạc Việt phía đông từ Tây Nam quận Nam Ninh tỉnh Quảng Tây, xuống đến bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam tỉnh Quảng Đông và Bắc Bộ, Trung Bộ Việt Nam.
   Thoạt kỳ thủy, khi người tiền sử từ châu Phi tới Việt Nam thì hai đại chủng người châu Phi Mongoloid và Australoid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritod, sau này được nhân chủng học xếp vào nhóm loại hình Australoid. Trong đó, người Indonesian là đa số và lãnh đạo người Việt về xã hội và ngôn ngữ. Người Lạc Việt thuộc chủng Indonesian và phân bố rộng khắp Trung Hoa. Khoảng 5000 năm TCN, cũng như các nhóm Việt khác, người Lạc Việt hòa huyết với người Mongoloid phương Nam của văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ để trở thành người Việt hiện đại với mã di truyền Mongoloid phương Nam. Người Lạc Việt là chủ nhân các nền văn hóa thời đồ đá mới, đồ đồng và sáng tạo trống đồng Lạc Việt cùng chữ tượng hình như chữ trên xẻng đá Cảm Tang và chữ của bộ tộc Thủy. Nhà Tần rồi nhà Hán sáp nhập đất đai, dân cư cùng văn hóa các tộc Việt vào đế quốc Trung Hoa. Tronng khi hầu hết các sắc dân Bách Việt trên đất Trung Hoa bị đồng hóa thì người Lạc Việt trên đất Việt Nam giữ được cương thổ, giống nòi và văn hóa của mình, trở thành đại diện cuối cùng của Bách Việt độc lập. 

10. Việt Thường

   Việt Thường là một chi của Việt tộc, đất sinh sống là quận Cửu Chân thời Hán, gồm Thanh Hóa, Nghệ An tới Thuận Hóa ngày nay. Trúc thư kỷ niên đời Chu Thành vương năm thứ 10 ghi: “Việt Thường thị lai triều,” là văn bản sớm nhất nói tới Việt Thường thị. Đất của Việt Thường tuy lấy quận Cửu Chân thời Hán làm trung tâm nhưng phía nam tới quận Nhật Nam, tức là đất Lâm Ấp. Sách Thông điển của Đỗ Hữu Biên phong Lâm Ấp điều chép: “Nước Lâm Ấp thời Tần là đất huyện Lâm Ấp thuộc Tượng quận. Thời Hán là quận Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam, là địa giới Việt Thường ngày xưa vậy.” Thuật Dị Ký của sách Thông-chí (2AL, Q II, Ngũ Đế Kỷ Đệ Nhị, Chí #35, tr. 224) của sử gia Trịnh Tiều (1104-1162) chép: 
 “Đào Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thiên tuế thần quy, bối thượng hữu văn, giai khoa đẩu thư, ký khai tịch dĩ lai, Đế mệnh lục chi, vi chi Quy-lịch. Dịch: “Đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng thần quy ngàn tuổi, trên lưng có văn, đều là chữ khoa-đẩu [chữ nòng nọc], chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ, Đế sai chép và gọi là Lịch Rùa.” 
  Sự kiện này rất ý nghĩa, không chỉ nói lên quan hệ rất sớm giữa Việt Thường với Trung Nguyên mà còn cho thấy thời đó người Việt đã có lịch và chữ viết Khoa đẩu.

11. Đàn quốc

   Một chi của tộc Việt, từng ở một dải đất Miến Điện ngày nay, dựng nên Đàn quốc. Di duệ của Đàn quốc phân bố ở Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện ngày nay. Hậu Hán thư ghi: “Chương đế Vĩnh Nguyên năm thứ 9 (97) Đàn quốc sai sứ vào cống.” Đó là tư liệu sớm nhất về Đàn quốc. Hậu Hán thư Nam Man Tây Nam di truyện: “Vĩnh Nguyên năm thứ 6 (94) quận Khiếu ngoại Nhẫn Đôn Ất vương là Mộ Duyên mộ nghĩa, sai sứ dâng tê ngưu, voi lớn. Năm thứ 9 Khiếu Ngoại man và Đàn quốc vương là Ung Do Điều sai trùng dịch dâng trân bảo. Vĩnh Ninh năm đầu (120) vua Đàn quốc là Ung Do Điều sai sứ giả vào triều hạ, dâng nhạc và trò ảo thuật, có thể biến hóa, miệng phun ra lửa, tự cắt chân tay rời ra, rồi dính liền lại, đổi đầu trâu ra đầu ngựa… Họ tự nói là người Hải Tây, tức Đại Tần…” Gọi là quận Khiếu Ngoại là chỉ khu vực biên địa tiếp liền với Tây bộ tỉnh Vân Nam, cũng là ở trong cảnh vực Miến Điện ngày nay.
   Thời Lục Triều, Đàn quốc tự như đã thay đổi hệ thống chính trị nên đổi tên là Phiếu quốc. Cựu Đường thư Nam man truyện Phiếu quốc điều chép: “Phiếu quốc ở phía nam cố quận Vĩnh Xương hơn 2000 dặm, cách thượng đô 14.000 dặm, mà cảnh vực nước đông tây 3000 dặm, nam bắc 3500 dặm. Phía đông gần nước Chân Lạp (tức dải đất Giản Phố trại của Việt Nam), tây tiếp nước Đông Thiên Trúc, nam giáp Minh Hải, bắc thông Ta Lạc thành nước Nam Chiếu.” Xét đời xưa, Việt tộc lấy vẽ hình rồng vào mình làm đặc trưng, mà người Đàn quốc cũng có tục vẽ mình. Người ở Việt Nam, Lào đến bây giờ vẫn còn giữ tục đó.”
   Theo cổ thư như trên, có thể xác định Đàn quốc ngày xưa, nay là xứ Karen của Miến Điện. Đó cũng là nơi sinh sống của người Việt từ 40 – 50.000 năm trước, cùng với người Dravidian bản địa Ấn Độ. Tại đây phát hiện nhiều trống đồng, gọi là trống đồng Karen, mặt trống có hình ngôi sao nhiều cánh, ngoài rìa có hình ếch nhái, tương tự trống đồng Lạc Việt [3]
                                                                            
12. Đằng Việt

   Đằng Việt nay là tên một huyện ở phía tây tỉnh Vân Nam. Nhưng dải đất này tiếp liền với Ai Lao di thuộc quận Vĩnh Xương thời Hán. Ai Lao di là một chi của Việt tộc nên Đằng quốc cũng liên hệ Việt tộc. Hậu Hán thư Nam man Tây Nam di truyện dẫn Phong tục thông nói: “Người Ai Lao di ngày xưa có người đàn bà tên là Sa Nhất, ở núi Lao Sơn, thường bắt cá dưới sông. Một hôm đụng vào cây trầm, bỗng rùng mình, nhân thế có thai, đủ 10 tháng sinh ra 10 người con trai. Sau cây trầm hóa thành con rồng ngoi lên mặt nước. Sa Nhất chợt nghe rồng nói: “Nàng vì ta sinh con, nay con ở đâu?” Chín đứa con thấy rồng liền chạy, đứa con nhỏ không chạy được, ngồi trên lưng rồng. Rồng âu yếm liếm khắp mình con. Người mẹ gọi lưng là cửu, rồng là long, nhân đó đặt tên đứa bé là Cửu Long. Đến tuổi trưởng thành, các anh thấy Cửu Long được cha liếm khắp mình nên thông tuệ, bèn cùng suy tôn lên làm vua. Về sau, ở chân núi Lao Sơn, có một cặp vợ chồng lại sinh được 10 người con gái. Anh em Cửu Long đều lấy làm vợ. Sau dần dần phồn thịnh. Giống người này đều trổ vẽ hình rồng lên mình.
   Năm Kiến Vũ thứ 27 (51) quốc vương là Hiền Lật đem 2770 hộ, 17.659 nhân khẩu đến Việt Tủy đầu hàng thái thú Trịnh Hồng, xin nội thuộc. Vua Quang Vũ phong Hiền Lật làm quận trưởng.
   Thời Đường, một dải đất Đại Lý trở về phía tây quật khởi lập nước Nam Chiếu. Sau khi Bì Lai Các được phong làm Vân Nam vương, quốc thế Nam Chiếu càng mạnh, truyền ngôi cho con là Các La Phương rồi hợp lực với Thổ Phồn, gây hấn với nhà Đường. Tới cháu là Di Mậu Tần quy hàng nhà Đường. Đến Phong Hữu nhằm thời vua Mục Tông lại phản nhà Đường, đánh nước Thục. Đến thời vua Tuyên tông (847- 859) đánh An Nam đô hộ phủ. Truyền ngôi cho con là Thản Xước Tù Long, tự xưng đế, lấy quốc hiệu Đại Lễ, bèn công hãm Bá Châu (nay là huyện Tuân Nghĩa Quý Châu), phía nam đánh Ung Quản (nay là Nam Ninh Quảng Tây)… Nam Chiếu còn truyền nhiều đời cho tới thời Nguyên bị Hốt Tất Liệt diệt.

13. Điền Việt

   Điền Việt xuất hiện đầu tiên trong Hán thư Trương Khiên truyện: “…Nghe bên tây có nước cưỡi voi gọi là Điền Việt, mà lái buôn ở đất Thục gián hoặc có đem hàng hóa đến bán, thế rồi nhà Hán tìm được đường đại hạ, mới thông được với Điền quốc. Điền Việt tức là biệt xưng của Điền quốc. Điền quốc từ thời Chiến Quốc có quan hệ mật thiết với nước Sở.” Sử ký Tây Nam di liệt truyện: “Tây Nam di quận trưởng kể hàng chục. Dạ Lang lớn nhất, phía tây lệ thuộc Mỹ Mạc, kể hàng chục. Điền là nước lớn nhất… Ngày trước, Sở Uy vương sai tướng quân là Trang Kiểu đem quân theo dòng sông lược định Ba Thục, Kiềm Trung trở về tây. Trang Kiểu là dòng giống Sở Trang vương. Kiểu đến Điền Trì đất vuông 300 dặm, bên bình địa phì nhiêu mấy ngàn dặm, đem quan lược định trở về Sở báo tin, gặp lúc Tần đánh, nghẽn đường, không đi được, bèn trở lại làm vua Điền quốc, đổi trang phục theo tục địa phương.” Sau đó Điền bị Tần diệt rối sáp nhập Hán thời Vũ đế, trở thành quận Ích Châu của Trung Quốc.

14. Tủy Việt

   Nay là một huyện ở Tây Nam Tứ Xuyên nhưng Tủy Việt thời Tây Hán là một quận rất rộng trong khoảng Xuyên, Điền. Nam giáp Điền quốc, bắc liền Thục quận, quản lãnh 15 huyện. Quận Việt Tủy thời Hán chính ở chỗ tương hội sông Nha Lung với sông Mân Giang, Kim Sa Giang, vốn có tên là Bộc Thủy. Đầu nhà Đường lấy đất đó đặt Tây Bộc La Mỵ châu, quản lĩnh bốn huyện. Chính vì là đất ở của Bộc tộc ngày trước mà có tên.

15. Bặc quốc

   Trương Thủ Tiết chính nghĩa viết: “Nay phía nam Ích Châu, phía bắc Nhung Châu, tới sông Đại Giang, là Bặc quốc đời xưa.” Nơi Bặc nhân kiến quốc tức là lấy các huyện Nghi Tân, Nam Khê, Bình Sơn làm trung tâm. Vũ Đức năm thứ 2 (619) cắt Du Châu đặt quận, quản lãnh 6 huyện, lại đổi làm Bặc châu. Châu có tên là Bặc hẳn chỗ đó là đất của người Bặc. Rõ ràng, ngày xưa người Bặc cư trú rất rộng. Người Bặc là một chi của Bộc tộc, một biệt danh của Việt tộc. Bài thơ của Trần Vũ đời Đường chép trong Tào thị Thục trung Quảng ký:
Thành hạ văn di ca thi
Kiện Vi thành hạ Tang ca lộ
Không tung than tây cổ khách châu
Thử dạ khả lân giang thượng nguyệt
Di ca đồng cổ bất thắng sầu
Dưới thành nghe người di hát
Dưới chân thành Kiện đất Tang Kha
Lác đác thuyền buôn đậu bến xa
Vằng vặc trăng thanh in đáy nước
Trống đồng buồn vẳng giọng di ca.

Di ca và trống đồng là đặc trưng của văn hóa Việt. Trên đất Kiện Vi phát hiện nhiều trống đồng.

16. Dạ Lang

   Sử ký Tây Nam di liệt truyện chép: “Nước Dạ Lang bên Tang Kha giang, sông rộng hơn trăm bộ, đủ để đi thuyền. Nam Việt dùng tài vật để mua chuộc Dạ Lang, nhưng chỉ có thể bảo họ tương trợ, chứ không thể coi họ là thần hạ được… Dạ Lang có tinh binh hơn 10 vạn, nhiều thuyền trên sông Tang Kha, xuất phát bất thần, đấy là một kỳ sách chống chế người Việt vậy. Nhà Hán bèn cho Đường Mông làm Lang trung tướng quân, đem theo ngàn người cùng nhiều lương thực, theo đường Ba Thục Tịch quan đi tới, gặp Dạ Lang hầu Đa Đồng. Đường Mông ban thưởng cho rất hậu và dùng uy đức phủ dụ, hẹn sẽ đặt quan lại và cho con y làm quận lệnh. Các ấp nhỏ của Dạ Lang đều tham vóc lụa của nhà Hán bèn nghe theo lời Đường Mông hẹn ước. Mông về báo, bèn lấy đất làm quận Kiện Vi, phát quân Ba Thục sửa đường, từ Bặc đạo cho đến Tang Khê giang.” Nước Dạ Lang lấy lưu vực sông Tang Kha làm trung tâm, phía nam cùng Nam Việt có quan hệ dịch thuộc, phía bắc tiếp cận Bộc đạo. Sông Tang Kha là sông Bàn Giang chảy qua Quý Châu tỉnh Vân Nam. Cựu Đường thư địa lý Ung Châu: “Sông Hoan Thủy ở bắc huyện vốn là sông Tang Kha, tục gọi là sông Uất Trạng, tức sông Lạc Việt, cũng gọi là sông Ôn Thủy, xưa là đất Lạc Việt.” Sử ký Tây Nam di liệt truyện: “Nam Việt phản. Vua (Vũ đế) sai Trì Nghĩa hầu thúc Kiện Vi phát Nam di binh. Vua Thả Lan sợ đi xa, nước bên cướp những người già yếu, bèn cùng làm phản, giết sứ giả và thái thú Kiện Vi. Hán từng đem tội nhân ở Ba Thục đánh Nam Việt, tám hiệu úy hợp lại phá rối. Sau phá Nam Việt rồi mà tám hiệu úy chưa hạ, bèn rút quân về, giết Đầu Lan… Sau đó bình hết man di, đặt làm quận Tang Kha.” (Đầu Lan tức Thả Lan).

17. Quỳ Việt

   Quỳ Việt cũng là một chi nhánh của Việt tộc. Đất của Quỳ Việt là một dải Tỷ Quy thuộc Hồ Bắc và Phụng Tiết thuộc Tứ Xuyên ngày nay, còn được gọi là Quy di hoặc Bộc. Chu Tuyên vương năm đầu (827 TCN), con vua Sở là Thúc Kham tị nạn ở Bộc. Đến Chu BÌnh vương năm đầu (770 TCN), Sở Vũ vương là Hùng Thông mới mở mang đất Bộc. Quỳ Việt bị bức bách. Chu Tương vương năm 19 (633 TCN) Sở Thành vương đem quân diệt Quỳ. Tuy nhiên, thời Nam Bắc triều di duệ của người Quỳ Việt được gọi là Nam Đản hoặc Liêu, vẫn còn ẩn hiện ở giao giới Xuyên, Ngạc, tức là huyện Vu Sơn ở khoảng Tỷ Quy, Phục Tiết ngày nay.

18. Người Lê đảo Hải Nam 

   Hán Vũ đế xâm chiếm Nam Việt, đặt làm chín quận. Hai quận Đạm Nhĩ và Châu Nhai trong đảo Hải Nam. Dân cư trên đảo là người Điêu Đề và người Lý Nhĩ cũng vẽ mặt hình vẩy cá, xăm mình. Chu Khứ Phi trong sách Lĩnh ngoại đại đáp viết: “Sử khen Lạc Việt nhiều đồng, bạc. Giao châu ký nói: Người Việt đúc đồng làm thuyền. Quảng châu ký nói: Lý Lão đúc trống đồng.” Lý Lão là tiền bối của người Lê. Đạo quang Quảng Đông thông chí dư địa lược: “Trống Lê kim hình tựa trống đồng mà dẹp nhỏ, trên có ba cái tai. Người Lê đánh trống đó để làm hiệu.” Khuất Đại Quân trong Quảng Đông Tân ngữ: “Trong niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424), thổ quan Vạn châu là Hoàng Huệ, được một trống đồng trong khe Đa Huy, dải 3 xích, mặt rộng 1 xích 5 thốn, gồ lên hơn 2 thốn. Ở chung quanh riềm đều khoa đẩu, thắt eo rộng phía dưới. Văn Xương Vạn châu cũng có Đồng Cổ lĩnh (núi trống đồng), do đào được trống đồng mà đặt tên.” Sách Quỳnh châu phủ dư địa chí chép: “Tiếng người Lê thời hư trên mà thực dưới, như gà thịt họ nói thịt gà; huyện trước nói là trước huyện.” Điều này cho thấy người Lê cũng như một bộ phận người Quảng Đông, Triều Châu vẫn giữ cách nói “chính trước phụ sau: danh từ, động từ đứng trước, tính ngữ, trạng ngữ đi sau” của người Việt cổ.

19. Nước Nam Chiếu

   Biên giới Tây Nam Trung Quốc, từ Lý Đường đến cuối Tống, có một thuộc quốc chiếm đất khá rộng, lấy Vân Nam, Đại Lý ngày nay làm thủ đô, Côn Minh làm bồi đô. Có lúc nhận phong hiệu của Trung Hạ, có lúc phản bội Trung Hạ mà xưng chế. Tuy là tổ chức cùng văn hóa rất bị ảnh hưởng Trung Hạ mà Trung Hạ cũng từng bị binh họa của họ. Đấy là nước Nam Chiếu.
   Thủ lĩnh nước Nam Chiếu tự xưng là Mông thị nổi lên tại huyện Mông Hóa tỉnh Vân Nam, thuộc lưu vực Lan Thương Giang và Nô Giang. Thời Huyền tông (712-755), thủ lĩnh là Bì Tấn Các lập Thái Hòa thành tức huyện thành Đại Lý tỉnh Vân Nam ngày nay. Năm Khai Nguyên thứ 26 (738) nhà Đường phong làm Vân Nam vương. Thời vua Văn Tôn (827- 840), Nam Chiếu đem quân cướp nước Thục, hãm Thành Đô, hãm luôn An Nam đô hộ phủ. Vua xưng đế gọi là Đại Lý. Vua Lý Tôn (860-873) dùng Cao Biền mới dẹp yên. Chính Nam Chiếu góp phần làm nhà Đường sụp đổ. Cựu Dường thư Nam man truyện: “Nhà Đường mất vì Hoàng Sào mà họa cơ ở Quế Lâm!” Từ Mông Thị, nước Nam Chiếu truyền được 22 đời, đến Nguyên Hiến Tôn năm thứ 3 bị Hốt Tất Liệt diệt.

Lời bàn
   Trước hết xin được làm rõ về nguồn gốc của Bách Việt. Xuyên suốt cuốn sách, ông La Hương Lâm cố công thuyết phục người đọc rằng Bách Việt có nguồn gốc từ tộc Hoa Hạ của Hạ Vũ. Khi nhà Hạ mất, bộ tộc của Hạ Vũ di cư đi nhiều nơi và tạo thành các tộc người thuộc Bách Việt. Đọc sách, chúng tôi có cảm tưởng rằng, có lẽ trong thâm tâm, tác giả không thật tin vào điều mình nói. Vì không thật vững tin và sợ người đọc hoài nghi nên buộc phải quá nhiều lần nhắc lại, khẳng định ý tưởng của mình! Tác giả không tin cũng phải vì điều ông nêu ra mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và chính trị chứ không trên cơ sở khoa học.
   Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác định nguồn gốc của tộc Hạ Vũ. Nói chung, người ta cho rằng, tộc Hạ Vụ là một nhánh trong Hoa Hạ. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy. Theo khảo cứu của chúng tôi, dân cư vùng cao nguyên Hoàng Thổ thời Hoàng Đế gồm hai nguồn: đa số là người Việt bản địa, chủ nhân văn hóa Long Sơn, thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Số ít hơn là người lai Mông – Việt, tự gọi là Hoa Hạ, sinh ra từ sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế năm 2698 TCN, do hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) và người Việt mang gen Mongoloid phương Nam, nên cũng thuộc chủng Môngoloid phương Nam. Theo suy đoán của chúng tôi, dựa vào phả hệ Hoàng Đế thì Đế Khốc là con cháu của Hoàng Đế. Con Đế Khốc là ông Tiết và ông Tắc cho ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Đế Nghiêu là con Đế Khốc, di duệ của Hoàng Đế.  Đế Thuấn rồi Đế Vũ không phải con cháu trực hệ của Hoàng Đế. Thượng thư ghi: khi vua Thuấn giao vương vị cho vua Vũ, vì Vũ là người Việt nên dân Hoa Hạ nổi loạn. Chi tiết này chứng tỏ vua Vũ không phải người Hoa Hạ.
Theo văn bản, Hạ Vũ làm vua năm 2200 TCN. Do đó, ông không thể là tổ của các chi nhánh Bách Việt. Ở trên đã trình bày, đến khoảng 3000 năm TCN, người Việt là chủ nhân của toàn bộ đất Trung Hoa. Vậy, tổ tiên của Bách Việt đã sống ở Trung Quốc từ rất lâu và làm nên văn hóa Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Gò Ba Sao... Tại di chỉ Cảm Tang thành phố Bách Quả tỉnh Quảng Tây, tìm thấy chữ tượng hình khắc trên xẻng đá của người Lạc Việt từ 6000 tới 4000 năm trước… Những dân cư cố cựu như vậy không thể là con cháu của thị tộc ra đời sau mình nhiều nghìn năm!
   Điều thứ hai cần nói rõ là, tác giả [La Hương Lâm] không biết rằng người Ngô, người Sở cũng là những chi khác nhau của tộc Việt. Do lẽ đó, việc Việt diệt Ngô rồi Sở diệt Việt là những tranh chấp trong nội bộ tộc Việt quá lớn và phân bố rộng khắp Trung Hoa. Và tác giả [LHL] cũng không thể ngờ rằng, nhà Tần cũng là một chi nhánh Việt còn nhà Hán thì càng Việt hơn vì là dân cư vùng Trong Nguồn (nay là Hán Thủy, Trung Nguyên), đất hương hỏa lâu đời của người Việt.  Ở trên, phần Dương Việt có viết: “Dương Việt ở vào khoảng trung du Hán Thủy. Sở Hùng Cừ thôn tính ba nước Dung, Ngạc, Dương Việt vào thời vua Di vương nhà Chu. Điều này cho thấy, vào năm cuối thời Tây Chu, người Dương Việt còn tụ cư ở trung du Hán Thủy. Lưu vực Hán Thủy từ Xuân Thu về sau hoàn toàn thuộc về Kinh Sở.” Như vậy là cho tới cuối thời Chu, người Việt, đồng bào của Lưu Bang ở vùng Hán Thủy vẫn độc lập.
Điều thứ ba, như nhiều học giả khác, ông La Hương Lâm cũng lầm lẫn dây chuyền khi cho rằng Việt Thường “là một chi của Việt tộc, đất sinh sống là quận Cửu Chân thời Hán, gồm Thanh Hóa, Nghệ An tới Thuận Hóa ngày nay.” Thực tế, đó là quốc gia cổ của người Việt ở Nam Dương Tử tồn tại từ trước thời nhà Thương, có quan hệ với nhà Chu, có thể thuộc về nước Việt thời Tiền Câu Tiễn.[3]
Từ khảo cứu này, có thế khẳng định: Bách Việt là giai đoạn tan rã của nước Sở mà hoàn toàn không phải là cội nguồn của tộc Việt. 
Cội nguồn của dân  tộc Việt cùng các dân tộc phương Đông và phần lớn nhân loại sống ngoài châu Phi là người Lạc Việt hình thành 70000 năm trước trên đất Việt Nam.

                                                         Tháng Ba năm 2016


Tài liệu tham khảo:                                                                                                  
  1. La Hương Lâm. Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa. Trung Hoa tùng thư. Đài Loan thư điếm, 1955. Bản dịch chép tay của Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn.                                                                             
  2. Âu Đại Nhậm. Tựa Bách Việt tiên hiền chí. Thư viện Việt Nam, California, Hoa Kỳ, 2006. 
  3. Hà Văn Thùy. Việt Thường thị ở đâu?   http://thuyhavan.blogspot.com/search?updated-max=2015-09-13T04:20:00-07:00&max-results=1&start=23&by-date=false                                                                                                                                


TRAO ĐỔI LẠI VỚI ÔNG PHẠM TRẦN ANH VỀ BÀI “Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của việt tộc”



Mấy năm trước, đọc bài “Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của việt tộc” của tác giả Phạm Trần Anh, thấy có những điều còn phân vân, tôi gửi thư tới ông đề nghị trao đổi lại. Lúc đó ông bảo bận, hẹn nói chuyện sau. Nhưng rồi không thấy ông liên hệ. Bài viết còn đó, trên nhiều trang mạng, được những người khao khát tìm lại cội nguồn hào hứng theo dõi. Thấy rằng bài viết có thể gây ngộ nhận cho người đọc, tôi xin thưa lại đôi điều.

1.   Người Trung Quốc phương Bắc là ai?

Hơn 10 năm trước, khi đọc công trình Đa dạng di truyền của dân cư Trung Quốc của J.Y. Chu [1], tôi chú ý tới câu: “Người Trung Quốc ở phía Bắc có cấu trúc di truyền khác với người Trung Quốc ở phía Nam.” Một nỗi phân vân xuất hiện: giới hạn của sự phân định Bắc Nam trong đoạn văn này là đâu? Rồi theo thói quen, tôi cho rằng: ở phía Bắc Dương Tử là người Bắc Trung Quốc. Nhưng sau đó thấy không phải vậy. Trung Quốc có năm dân tộc (chủng tộc) là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Trong đó người Hán chiếm 93% số dân. Trong 1,3 tỷ người thì người Hán chiếm hơn 1,2 tỷ. Về mặt di truyền, người Hán được xếp vào chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Còn lại khoảng hơn 90 triệu thuộc bốn chủng tộc Hồi, Mông, Mãn, Tạng, là những người Eskimos, Tungus, người Tây Tạng và người Mongoloid vùng hồ BaiKal, là các sắc tộc thiểu số sống ở rìa phía Bắc Trung Quốc, có mã di truyền Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid). Lẽ đương nhiên, 90 triệu người này không thể là dân số của vùng đất mênh mông, trù phú phía Bắc Trường Giang. Do vậy, chỉ có thể hiểu đúng tư tưởng của J.Y. Chu khi xác định người Bắc Trung Quốc là các tộc người thiểu số Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) sống ở Nội Mông và vùng rìa của Trung Quốc.
Điều này cho thấy, không chỉ ông Phạm Trần Anh mà nhiều học giả khác cũng lầm như vậy. Đó là việc nguy hại vì nó gây hiểu không đúng về nguồn gốc và thành phần dân cư Trung Quốc, dẫn tới ngộ nhận về lịch sử và văn hóa Trung Hoa.

2.   Có đúng Việt và Hán là hai tộc người khác nhau?

Ông Phạm Trần Anh viết: Luận chứng khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau.
Sự thật có phải như vậy không? Muốn làm rõ điều này cần phân định về mặt nhân loại phân loại học: người Việt thuộc chủng tộc nào? Người Hán thuộc chủng tộc nào? Theo thuật ngữ nhân chủng học Xô-viết được chấp nhận bởi trường phái lục địa Trung Hoa, người Hán Trung Quốc được phân loại theo “chi nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid” hoặc “chủng Mongoloid phương Nam.” Trong khi đó, không chỉ người Việt Nam mà cả đại bộ phận dân cư Đông Nam Á cũng được xác nhận thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Như vậy, một câu hỏi nảy sinh: cùng là người Mongloid phương Nam sao Việt Hán lại là “2 tộc người khác nhau”?!
Thực tế lịch sử cho thấy, Lưu Bang người sông Nguồn (nay là Hán Thủy) tỉnh Hà Nam nước Sở, một nhánh của tộc Việt. Sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang lập nước, lấy tên nước Hán (biến âm của tiếng Việt: Nguồn, Hon, Hòn, Hớn -> Hán). Như vậy, thực sự người Hán là người Việt.
Học giả Trung Quốc Zhou Jixu [2] cho rằng: “Người Ngưỡng Thiều mang đặc tính cơ thể gần nhất với người Trung Hoa hiện đại ở miền Nam Trung Quốc và người Đông Dương hiện đại. Gần gũi tiếp theo của họ là với người Trung Hoa hiện đại ở Bắc Trung Quốc”… “Theo thuật ngữ nhân chủng học Xô viết được chấp nhận bởi trường phái lục địa Trung Hoa, người Ngưỡng Thiều Trung Quốc được phân loại theo “chi nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid” hoặc “chủng Mongoloid phương Nam.”
Người Ngưỡng Thiều ra đời 7000 năm trước, do hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) và người Lạc Việt Australoid. Văn hóa Ngưỡng Thiều rộng tới ba triệu mét vuông, trải suốt lưu vực Hoàng Hà từ Thiểm Tây, Sơn Tây qua Hà Nam. Từ những năm 20 thế kỷ trước, khoa học thế giới cho rằng, người Ngưỡng Thiều là tổ tiên của người Trung Hoa. Người Ngưỡng Thiều hòa huyết với người lưu vực Dương Tử sinh ra người Nam Trung Hoa. Không chỉ vậy, từ cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN, người Ngưỡng Thiều vùng Núi Thái -Trong Nguồn di cư về Việt Nam và Đông Nam Á góp phần chuyển hóa dân cư Đông Nam Á từ loại hình Australoid trở thành người Mongoloid phương Nam hiện nay.
Khảo sát lịch sử dân cư Trung Quốc cho thấy, tới giữa thời Hán, dân cư Trung Quốc hầu hết là người Mongoloid phương Nam. Từ cuối Hán, sang Đường, Nguyên rồi Thanh, những tộc người Mongoloid phương Bắc từ phía Tây và Bắc du nhập ào ạt khiến dân cư và văn hóa Trung Quốc biến đổi. Người nhập cư hòa huyết với người tại chỗ nhưng do số lượng người bản địa áp đảo nên dân cư sinh ra vẫn mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Có nghĩa họ vẫn là người Hán. Điều này giống như ở Việt Nam cuối thời Đá Mới, dân cư gồm hai chủng Indonesian và Melanesian. Khi gặp gỡ hòa huyết với người Mongoloid phương Nam từ Trung Quốc về, người Indonesian chuyển hóa thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình (người Kinh, Tày, Mường, Thái…) còn người Melanesian thành loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam (các sắc dân Tây Nguyên) [3]. Các tộc thiểu số Tây Nguyên là những sắc tộc (ethnicity) trong chủng Mongoloid phương Nam của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, thực tế huyết thống và lịch sử khẳng định: người Việt và người Hán cùng một chủng tộc. Tới đây, ta hiểu sự minh triết của tiền nhân, khi truyền ngôn: Hoa Việt đồng văn đồng chủng.
Bằng nghiên cứu của mình trong nhiều năm qua, tôi khám phá rằng: người Việt và người Hán cùng một nguồn gốc nên cùng một chủng tộc. Tuy nhiên, do người Hán được tổ tiên chúng ta sinh ra muộn hơn nên có chỉ số đa dạng di truyền thấp hơn người Việt hiện nay. Cũng do vậy, mọi thành tựu rực rỡ nhất của văn hóa Trung Hoa đều được bắt nguồn từ văn hóa Việt.
Cho rằng “tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau” là sai lầm vô cùng nguy hại vì nó dẫn tới nhận thức sai lạc về dân cư và lịch sử phương Đông.

3.   Ông Phạm Trần Anh viết:

 “Khoa Đại Dương học và khảo cổ học đã chứng minh rằng người cổ Hoà Bình Hoabinhian do nạn biển tiến cách nay khoảng 8.500 năm đã tiến lên vùng núi cao…”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải chỉ từ khi nước biển dâng mà từ 40.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met, thì người Lạc Việt từ thềm Biển Đông đã đi lên Hoa lục, vượt Tây Tạng, qua Trung Á, vào chiếm lĩnh châu Âu, sinh ra tổ tiên người châu Âu [4]. Mặt khác, trên lục địa Đông Á, từ Việt Nam tới Trung Quốc, các di chỉ khảo cổ học phát triển liên tục, từ Núi Đọ, Con Moong, Thẩm Khuyên, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Phùng Nguyên, Đông Sơn… Ở phía Bắc, các di chỉ Tiên nhân động (Giang Tây) có mảnh gốm 20.000 năm, hạt lúa trồng 12400 năm; hang Đốc Đứng (Hồ Nam) rồi Giả Hồ (9000 năm trước), Hà Mẫu Độ (6000 năm trước), Lương Chử (5000 năm trước)… là những nền văn hóa phát triển liên tục. Điều này chứng tỏ không hề có chuyện:
“Cư dân Hoà Binh Hoabinhian đã phải thiên cư mỗi khi có nạn biển tiến mà 3 lần biển tiến cách đây khoảng 14 ngàn năm, 11.500 năm và 8.500 năm theo 2 hướng. Một nhánh theo hướng Đông Bắc qua cầu đất Béring vào Mỹ châu do nạn biển tiến cách đây khoảng 13.500 năm rồi trở thành thổ dân Bắc Mỹ. Và nhánh khác theo hướng Nam xuống bán đảo Mallacca Mã Lai Malaysia) rồi vượt biển tới các hoang đảo sau này có tên là Nam Dương Indonesia, Phi Luật Tân (Philippine), Hawai, Đa Đảo, NewZealand rồi sang tới California, Trung Mỹ và Nam Mỹ…”
Thưa ông, chuyện di cư của người Việt mà ông nói tới là có thực nhưng nó diễn ra theo một lịch trình hoàn toàn khác:
Tài liệu của J.Y. Chu và nhất là của Stephen Oppenheimer [5] cho thấy:
-      50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, tới Ấn Độ.
-      40.000 năm trước do khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam chiếm lĩnh Trung Hoa và 30.000 năm trước, từ Siberia vượt qua eo Beringa chinh phục châu Mỹ!
Như vậy,  cuộc di cư của tổ tiên ta chiếm lĩnh thế giới diễn ra trước những lần biển tiến rất lâu! Thực tế cho thấy, những lần biển tiến 14,5;11,5 và 8,5 nghìn năm trước chỉ tác động rõ rệt tới các hải đảo Đông Nam Á. Chúng thúc đẩy người Đông Nam Á di cư tới Hawaii và đưa con người, giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng nông nghiệp sang phương Tây như Stephen Oppenheimer trình bày rõ trong cuốn Eden in the East.
Một bài viết ngắn, không những có hai sai lầm nghiêm trọng mà những   chứng cứ đưa ra lại đầu Ngô mình Sở rồi suy diễn tùy tiện khiến cho nhận định đúng đắn trở nên đáng ngờ. “Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất, có đủ 4 Haplotype chính gồm A, B, C, D. Chính vì vậy, Việt Nam là trung tâm của nền văn hoá Hòa Bình ảnh hưởng bao trùm Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Cận Đông và cả châu Mỹ nữa…” là hoàn toàn chính xác nhưng cách lý giải của ông Phạm Trần Anh không thể dẫn tới kết luận như vậy! Điều này giống như người làm toán đưa ra đáp số đúng trong khi cách giải sai!

                                                                             Tháng 3 năm 2016


Tài liệu tham khảo:
1.   Chu JY et al. Genetic relationship of populations in China. Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; 95: 11763-11768
2.   Zhou Jixu: The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006.
3.   Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á . NXB DH&THCN. H, 1983
4.   Người châu Á xâm chiếm châu Âu. http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss
5.   Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com) and Journey of Mankind the Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com/journey/).


Trả Lại Giá Trị Chân Chính Cho Truyền Thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy!


Truyền thuyết không phải câu chuyện hư cấu mà là ánh xạ những sự kiện và con người có thật trong quá khứ. Từ hành trạng của nhân vật Nguyễn Quỳnh thế kỷ XVIII, người nghệ sĩ vô danh sáng tạo ra hình tượng Trạng Quỳnh dân gian bất tử. Từ câu chuyện xây Loa Thành, cuộc chiến của Triệu Đà dẫn đến xóa bỏ nhà Thục… dân gian sáng tạo ra thuyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Truyền thuyết là hình ảnh khúc xạ của lịch sử, mang thông điệp mỹ học từ sự kiện lịch sử gửi tới muôn sau. Trạng Quỳnh không phải là Nguyễn Quỳnh. Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy là ánh xạ của lịch sử thời An Dương vương.

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nguyên lý mỹ học, nhiều người đồng nhất Trạng Quỳnh với Nguyển Quỳnh cũng như tin rằng Mỵ Châu - Trọng Thủy là lịch sử thời An Dương vương. Từ đó dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.

Bài viết đưa ra cách hiểu chân thực về truyền thuyết này.

I.  Giải thích lịch sử theo truyền thuyết:

Một thời gian quá dài, vì chưa có tài liệu thẩm định thời tiền sử nên không chỉ dân gian mà cả nhiều sử gia đã đựa vào truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy để diễn giải lịch sử giai đoạn An Dương vương như sau:

-    Nhà Thục là vương triều chính thống, được nhân dân ủng hộ.
-   Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc, chiếm nước Âu Lạc và cướp ngôi của An Dương vương.
-    Trọng Thủy là tên gian tế, Mỵ Châu là cô gái nhẹ dạ cả tin, vô tình phản bội đất nước.
-    Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy là bài học về cảnh giác.

Khi lý giải truyền thuyết theo sơ đồ như vậy, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cố tình bỏ qua chi tiết quan trọng: những con trai ăn phải máu Mỵ Châu thì sinh ngọc và ngọc ấy nếu được rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình sẽ trở nên tuyệt vời trong sáng! Nhẹ dạ, nông nổi và định kiến, có lẽ chưa bao giờ họ tự hỏi: Vì sao con sò ăn phải máu kẻ phản bội lại sinh ngọc? Vì sao ngọc rửa bằng nước giếng tên gian tế trầm mình lại sáng lên? Nếu để tâm suy ngẫm về chi tiết có vẻ “trái khoáy” này, có thể họ sẽ tìm ra thông điệp mà người xưa giấu kín!

Vì vậy, một thời gian dài, ít nhất là từ nửa sau thế kỷ XX, là thời kỳ dân tộc đối mặt với những cuộc xâm lăng tàn bạo, nhiệm vụ giải phóng đất nước được đặt lên hàng đầu nên cách nhìn như vậy trở thành chủ đạo, quán xuyến dư luận xã hội. Kết quả không lạ là những nhà sử học macxit đẩy Triệu Đà từ vị vua khai sáng nước Việt trở thành tội đồ xâm lược!

II. Lịch sử soi sáng truyền thuyết

Ngày nay, nhờ những phát hiện mới về khảo cổ, cổ nhân học, văn hóa học, đặc biệt là di truyền học, chúng ta nhận ra sự thật lịch sử bị vùi lấp:

1. Thục Phán là người bộ tộc Âu Việt, hậu duệ dòng họ Khai Minh nước Thục, thuộc địa bàn Tứ Xuyên ngày nay, một quốc gia của người Việt, độc lập với Văn Lang. Khi nhà Tần diệt nước Thục, hậu duệ của vua Thục chạy đến vùng Tây Bắc Việt Nam, ở nhờ đất vua Hùng. Sau đó Thục Phán mạnh lên, diệt Hùng Duệ vương, làm vua nước Việt. Do cùng là người Việt và cai trị khôn khéo, An Dương vương được người Lạc Việt chấp nhận như vương triều chính thống.

2. Triệu Đà là người Việt nước Triệu. Khi Triệu bị Tần chiếm, ông gia nhập quân Tần đánh Văn Lang. Nhà Tần sụp đổ, ông đã lập nước Nam Việt, dùng quan lại người Việt, cai trị dân Việt. Dùng võ hoặc dùng mưu, ông thu phục, gồm thâu những tiểu quốc Việt khác vào Nam Việt, trong đó có Âu Lạc. Về bản chất, việc chiếm Âu Lạc là hành động của thủ lĩnh một cộng đồng Việt, sáp nhập một cộng đồng Việt khác thành nước Việt mạnh, chống lại thế lực xâm lược phương Bắc, nhằm bảo toàn non sông và nòi giống Việt.

3. Từ thực tế lịch sử này soi vào truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy thì thấy: khi đánh Âu Lạc không xong, Triệu Đà đã dùng mưu kết thông gia để diệt nhà Thục. Đúng là Mỵ Châu và Trọng Thủy dù vô tình, dù hữu ý đã góp phần làm sụp đổ nhà Thục. Như vậy là có tội với vua cha An Dương vương. Nhưng trong bối cảnh rộng lớn hơn thì, trên thực tế, nhà Thục cũng đang trên đường suy tàn vì không người nối dõi. Sau cái chết của An Dương vương, lúc đó đã 70 tuổi, rất có thể là cảnh tranh giành ngai vàng, nồi da xáo thịt, Âu Lạc trở thành mồi ngon cho sói hùm phương Bắc. Hơn bao giờ hết, Âu Lạc cần một minh quân đảm lược, cố kết lòng dân, xây dựng quốc gia mạnh. Dù vô tình, dù hữu ý tiếp sức cho thắng lợi của Triệu Đà, Mỵ Châu và Trọng Thủy có công lớn với dân Việt và nước Việt: giúp tránh được cuộc chiến tương tàn, xây dựng nước Nam Việt rộng lớn và hùng mạnh! Đó là thông điệp quán xuyến xuyên suốt 2000 năm của câu chuyện.
Từ thập niên 1960, khi học giả Đào Duy Anh áp dụng sử quan mácxít, cho Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc, loại bỏ kỷ nhà Triệu trong sử Việt đã áp đặt cách nhìn sai lạc về thời kỳ lịch sử quan trọng này. Với bài thơ “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu, trái tim lầm chỗ để trên đầu…”  người ta không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn tầm thường hóa, phá hoại một truyền thuyết đẹp nhất của dân tộc Việt.

III. Ý nghĩa đích thực của truyền thuyết.
   
Trong truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy có những yếu tố siêu nhiên là thần Kim Quy giúp xây thành, cho nỏ thần giữ nước rồi những con trai ngậm phải máu Mỵ Châu thì sinh ngọc và ngọc đem rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình thì sáng ra...

Nhờ khám phá hàng vạn mũi tên đồng tại di chỉ Cổ Loa, chúng ta biết rằng, nơi đây đã từng là chiến trường ác liệt. Mũi tên đồng với nỏ liên châu là ưu thế quân sự của Âu Lạc. Nhưng đó không phải là nỏ thần, bắn một phát giết ngàn vạn người. Hình tượng nỏ thần là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của Âu Lạc. Chính kế “kết thông gia” đã gây bất hòa trong triều đình vua Thục và làm người Âu Lạc phân tâm, thiếu cảnh giác, mất sức chiến đấu, dẫn tới thất bại trước cuộc tấn công bất ngờ của Nam Việt, là nước nhỏ và yếu hơn. Người kể chuyện đã khôn khéo giấu đi lý do thực sự của thất bại như đã khôn khéo giấu việc người Lạc Việt chống trả cuộc xâm lăng của Thục Phán bằng cách chuyển thành hình tượng yêu quái cản phá việc xây thành. Ngay hình tượng yêu quái ở đây cũng có ý nghĩa biểu trưng: ban đầu, việc chống lại cuộc xâm lăng của Thục Phán là đúng. Những người hy sinh trong cuộc chiến đấu này đã được phong thần. Nhưng sau khi An Dương vương ổn định vương vị, dẫn dắt đất nước đi lên mà những người bảo thủ vẫn chống trả, thì họ đã cản đường tiến hóa, biến thành ma quỷ phản động,

Bằng hình tượng trai sinh ngọc và ngọc sáng lên nhở rửa bằng nước giếng Trọng Thủy, người nghệ sĩ dân gian đánh giá công bằng giữa công và tội của đôi trái gái. Lương tri Việt vô cùng minh triết và nhân hậu đã chiêu tuyết cho đôi tình nhân. Với ý nghĩa như vậy, Mỵ Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết nhân bản nhất, đẹp nhất, trong sáng nhất, lãng mạn nhất trong kho tàng văn hóa Việt.

Trong nhiều tầng ý nghĩa, truyền thuyết này cũng có cả bài học về cảnh giác. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh hoặc thậm chí coi đó là nội dung duy nhất của truyền thuyết, không chỉ mắc tội làm nghèo đi gia tài văn hóa lớn mà còn thể hiện sự nông cạn, thiếu chiều sâu nhân bản. Đã đến lúc trả lại nguyên giá trị nhân văn của truyền thuyết đẹp nhất của văn hóa Việt đồng thời trả lại sự trong sáng cho cặp tình nhân đầu tiên và là ân nhân muôn đời của tộc Việt.

Vu Lan năm 2011.