GÓP PHẦN GIẢI MÃ DI CẢO CỦA SỬ GIA TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG



Không biết có phải vì tôi ba lần “thưa chuyện” với ông mà trong Di cảo, sử gia họ Tạ cũng ba lần nhắc tới tôi. Thực lòng, khi thưa chuyện với ông, tôi chỉ muốn cung cấp những phát hiện lịch sử mới để mong rằng với danh tiếng của mình, ông giúp bạn đọc nhìn nhận lại lịch sử. Thật buồn, do “không có duyên” nên trong Di cảo, ông vẫn băn khoăn trăn trở đẩy những cánh cửa… mở. Nay ông đã thành người thiên cổ. Mọi chuyện luận bàn với ông là vô nghĩa, nhưng thể theo lời đề nghị chí tình của Diễn Đàn Thế Kỷ*, tôi xin mạo muội góp phần giải mã những “u ẩn” của người đã khuất.
Có thể dẫn ra những “u ẩn”nổi cộm trong Di cảo như sau:

1.     Về Hồng Bàng thị truyện.

Tài liệu truyền thống cho rằng, truyện họ Hồng Bàng vốn được lưu truyền từ xa xưa trong ký ức người Việt. Tới đời Trần được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái. Nhưng L. Kelley dựa vào việc những biến thể của câu chuyện có mặt trên đất Trung Hoa như Liễu Nghị truyện hay trong Hoa Dương Quốc chí nên cho rằng, vào thời Trung đại, những trí thức người Việt được Hán hóa đã sao chép câu chuyện đó vào LNCQ để tô vẽ cội nguồn dân tộc Việt. Ông Tạ Chí Đại Trường ủng hộ quan điểm này.
Tuy nhiên, có thể thấy, khi làm việc đó, Kelley đã thực hiện một thao tác suy luận theo logic hình thức đơn giản, chỉ dựa trên sách vở mà bỏ qua sự thực lịch sử. Ông không biết rằng, trong quá khứ, dân cư từ Nam Dương Tử xuống tới Việt Nam đều là người Việt, cùng một chủng tộc, cùng tiếng nói, văn hóa, cùng chung một lịch sử. Từ năm 1936, khảo cổ học Trung Quốc phát hiện di chỉ văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ.[1] Sau nhiều năm khảo cứu, đã kết luận, có một nhà nước cổ đại tồn tại từ 3.300 – 2.200 năm TCN, mà kinh đô là Lương Chử, còn ranh giới gần khớp với địa giới nước Xích Quỷ truyền thuyết. Chủ nhân nhà nước này là người Việt cổ. Những vật khắc bằng ngọc cho thấy, dân cư Lương Chử được gọi là Vũ nhân (羽人)hay Vũ dân (羽民). Điều này cho thấy có mối liên hệ với chim, với Hồng Bàng (洪龐).Khám phá trên cho ta lý do để kết nối nhà nước Lương Chử với nhà nước Xích Quỷ huyền thoại. Như vậy, Xích Quỷ là một thực thể quốc gia từng tồn tại. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy tiên nữ con Động Đình Quân đã trở thành truyền thuyết mang ý nghĩa cội nguồn của người dân trong nước. Khi Xích Quỷ tan rã, dân cư sống trên đất cũ Chiết Giang, Vân Nam và Việt Nam vẫn giữ truyền thuyết Hồng Bàng thị như dấu ấn của nguồn cội. Về sau, truyện dân gian được ghi vào sách. Do không hiểu quá trình lịch sử này, L. Kelley chỉ căn cứ vào biên giới quốc gia hiện tại mà chia tách người Việt Nam và người Trung Quốc trong quá khứ một cách khiên cưỡng. Sai lầm của Kelley thuộc về trình độ học thuật. Tiếc là sử gia họ Tạ hiểu lịch sử dân tộc không khác gì người ngoài! [2]

2.     Trong Di cảo, ông Tạ Chí Đại Trường dành nhiều câu chữ phủ định Hùng vương và thời kỳ Hùng vương trong lịch sử.

Muốn biết tổ tiên người Việt là ai cần phải biết quá trình hình thành của người Việt trong lịch sử. Khảo cổ học cho thấy, suốt thời đồ đá, dân cư trên đất nước ta thuộc chủng Australoid. Nhưng sang thời kỳ kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở nên chủ thể của dân cư Việt Nam. Tại nhiều di chỉ thời Phùng Nguyên phát hiện di cốt của người Australoid lẫn người Mongoloid. Đặc biệt tại di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình có tuổi 2000 năm TCN, tìm được nghĩa địa chôn chung 30 di hài của hai chủng người này. Các nhà khảo cổ Việt-Úc đưa ra kết luận: “Trên đất Việt Nam có quá trình chuyển hóa dân cư từ người Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam và được hoàn thành khoảng 2000 năm TCN.” Phát hiện này cho thấy, có việc người Mongoloid từ nơi khác tới, chung sống lâu dài, đã chuyển hóa di truyền của người Việt từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Như vậy, đây là việc “diễn biến hòa bình” mà không phải là “xâm lăng diệt chủng” như người Arian thực hiện ở Ấn Độ 2000 năm TCN.
Câu hỏi thứ hai: người Mongoloid từ đâu tới? Do suốt thời đồ đá, ở Đông Nam Á  có duy nhất người Australoid sinh sống nên người Mongoloid phương Nam chỉ có thể từ phương Bắc xuống. Khảo cổ học xác nhận, người Mongoloid phương Nam xuất hiện đầu tiên tại văn hóa Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước. Đó là sản phẩm hòa huyết giữa người du mục Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) và người Việt chủng Australoid ở Nam Hoàng Hà. Người Ngưỡng Thiều tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, là chủ nhân của đồng bằng Trong Nguồn và vùng Thái Sơn. Khoảng 4.000 năm TCN, tại đây xuất hiện các vị vua huyền thoại của người Việt là Phục Hy, Nữ Oa. Khoảng 3.300 năm TCN, nhà nước của Thần Nông ra đời mà kinh đô tại Lương Chử vùng Thái Hồ. Khoảng năm 2879 TCN, kế tục quốc thống của Thần Nông, nhà nước Xích Quỷ ra đời. Thời gian này người Mông Cổ du mục tăng cường đánh phá phía nam Hoàng Hà. Trong trận Trác Lộc năm 2698 TCN, liên quân Việt của Lạc Long Quân và Đế Lai thất bại. Lạc Long Quân dùng thuyền đưa đoàn quân dân vùng Núi Thái-Trong Nguồn xuôi Hoàng Hà, ra biển, đổ bộ vào Nghệ An. Như truyền thuyết và Ngọc phả Hùng vương ghi nhận, đoàn người của Lạc long Quân được người bản địa đón tiếp và tôn Hùng vương làm vua nước Văn Lang. Trong tiếng Việt cổ, bố -> bua -> vua cùng có nghĩa là cha. Khi người dân tôn Hùng vương làm vua cũng có nghĩa coi ngài là cha rồi thành tổ chung của cộng đồng. Cố nhiên, không phải vua Hùng sinh ra tất cả mà những người Mongoloid di cư trở về lai với người tại chỗ sinh ra người Mongoloid trên đất Nghệ An. Không chỉ vậy, những đợt di cư tiếp theo, người Mongoloid phương Nam từ Núi Thái- Trong Nguồn, từ vùng Động Đình Hồ trở về hòa huyết với dân nhiều nơi khác, tiếp tục sinh ra người Mongoloid phương Nam. Cho tới khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam thành chủng Mongoloid phương Nam. Tất cả đều coi người di cư về đầu tiên Lạc Long Quân và Hùng vương là quốc tổ. Do vậy, không chỉ người Kinh mà tất cả các tộc người trên đất Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam đều là con cháu vua Hùng. Cùng nhận được nguồn gen Mongoloid từ con cháu vua Hùng thì việc người Tây Nguyên, người Khmer Nam Bộ thờ vua Hùng có gì là trái lẽ? [2] Nếu ai để ý, sẽ thấy hiện tượng là, trong cổ tích về cội nguồn của các sắc dân thiểu số phía Bắc như người Dao, Mường… đều cho rằng, người Kinh là con út. Trong khi đó, cổ tích nhiều sắc dân Tây Nguyên lại gọi người Kinh là anh cả. Phải chăng điều này phản ánh thực tế phát sinh dòng giống từ xa xưa đã in sâu trong ký ức cộng đồng?

3.     Chuyện “người Việt vào Trung Hoa trước”

Không hiểu vì sao, cho đến nay ông Tạ Chí Đại Trường vẫn căng thẳng với cụ Kim Định về ý tưởng “người Việt vào Trung Hoa trước”? Nói cho cùng, đó đâu phải là hư cấu của Kim Định? Chính là ông dựa vào sách của hai học giả Trung Quốc Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành. Không những thế, cho tới năm 1924, trong một bài giảng cho đảng viên cao cấp của Quốc dân đảng, Tôn Dật Tiên cũng cho rằng, khi người Trung Quốc từ phía Tây xâm nhập, họ đã gặp những người man di ở đây rồi. Không chỉ vậy, tới năm 2005, học giả Trung Quốc Zhou Jixu cũng cho rằng, khi người Trung Quốc Indo-Europian từ phía Tây vào thì họ là khách, chiếm vị trí người chủ đã sống ở đó từ trước. Đấy là chuyện sách vở. Nhưng sự thực lịch sử còn đẹp hơn mong ước của Kim Định: đúng là người Việt vào Trung Quốc trước nhưng không phải từ Nam Thiên Sơn xuống mà lại từ Việt Nam lên. Do vậy, thuyết Việt nho của Kim Định càng có cơ sở vững chắc. [3]

4.     Về chuyện “người Lê Mường”, “Trịnh Lào”

Trong Di cảo, ông Tạ cho rằng, khi nhấn mạnh vai trò nam tiến của người Việt, người cộng sản bỏ qua vai trò của 53 cộng đồng khác!
Có một thực tế: Sử học là khoa học nghiên cứu hoạt động xã hội của con người trong quá khứ. Do vậy, điều tiên quyết cho thành công của Sử học là phải xác định được đối tượng nghiên cứu. Nếu không xác định đúng đối tượng nghiên cứu: một tập đoàn người, một chủng tộc, một quốc gia đang nghiên cứu là ai, có nguồn gốc thế nào và có quá trình hình thành ra sao, mọi nghiên cứu cầm chắc thất bại. Nhưng đó lại là công việc của Nhân học.  Sử học là cái nghề ăn theo bén gót Nhân học. Thật không may, Nhân học thế kỷ XX chỉ dựa vào những hòn đá, những mẩu xương hóa thạch nên thất bại trong việc khảo cứu nguồn gốc loài người cũng như các tộc người. Do vậy, suốt thế kỷ trước, các sử gia luôn nói về người Việt, người Hoa, người Mường, người Lào, người Thái… nhưng thực sự chẳng hiểu họ là ai nên hầu hết chỉ là nói mò!  Jared Diamond, nhà nhân học danh tiếng nước Mỹ có câu nói đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì không đáng tin.” Chỉ sang kỷ nguyên mới, khi công nghệ di truyền vào cuộc, ta mới có hiểu biết minh xác về các chủng người. Tuy Việt Nam chưa bỏ đồng xu nhỏ cho việc này nhưng do đất Việt là nơi phát tích của dân cư châu Á nên nhiều nghiên cứu di truyền học đề cập tới dân cư Việt Nam. Những tài liệu đó cho thấy rằng, 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư trên đất Việt Nam đều thuộc chủng (race) Mongoloid phương Nam. Người Kinh, người Mường, người Thái, Người Tày, người Dao… chỉ là những sắc tộc (ethnicity) của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay chúng ta vẫn lầm khi cho rằng, đồng bằng sông Hồng là nơi phát tích của dân tộc Việt Nam. Sự thực là, muộn nhất thì 50.000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã định cư tại vùng Thanh Nghệ rồi lan ra toàn Đông Dương và đất Trung Hoa. Khoảng 500 năm TCN, khi đồng bằng sông Hồng hình thành, người Việt từ phía bắc Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai phá đất mới. Do cùng nòi giống, tiếng nói và văn hoá nên con người sống với nhau hòa hợp. Nhờ điều kiện môi trường sống thuận lợi, cộng đồng dân cư đồng bằng ra đời, được gọi là người Kinh. Như vậy, người Kinh là lứa con út của dân tộc Việt.
Người Việt vốn do người Lạc Việt đa số lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ nên tiếng nói chung là đa âm, vô thanh. Do người Việt từ Trung Quốc trở về như người Thái, Tày, người Hẹ (Hakka) mang theo tiếng nói đơn âm, hữu thanh nên người đồng bằng dần dần chuyển sang tiếng nói đơn âm hữu thanh. Cũng do suốt quá trình lịch sử dài, người từ Nam Dương Tử trở xuống thuộc cùng chủng tộc, cùng văn hóa, cùng quốc gia nên việc di chuyển của con người trong một nước là chuyện bình thường. Vì vậy, dòng chuyển dịch của người Việt từ phía bắc về diễn ra lâu dài. Sau này, dù quốc gia chia ranh giới nhưng máu huyết và văn hóa giữa con người không dễ phân lìa. Người Việt từ Trung Quốc như tổ tiên của Lý Bôn, thân phụ Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lý, nhà Trần… trở về sinh sống, xây dựng đất Việt- mảnh đất cuối cùng còn tự chủ của tộc Việt- là xu hướng tất yếu của tâm linh và lịch sử…[4]

5.     Ai là chủ của thơ lục bát?

Dẫn việc nhà văn Võ Phiến “buột miệng” nói rằng, thơ lục bát là của người Chăm, ông Tạ khơi ra cuộc tranh chấp “bản quyền” thơ lục bát giữa người Chăm và người Kinh. Thực ra, không chỉ ở người Chăm mà trong nhiều câu ca của người Mường, người Dao cũng có bóng dáng của thơ lục bát. Vấn đề này cần được tìm hiểu sâu hơn.
Ta biết rằng, người Việt từ xa xưa có thói quen hay hát, múa: hát Ghẹo, hát Xoan, hát Đối, hát Đúm… Ngoài âm nhạc cho mỗi loại hình ca hát mà chủ đạo là nhịp tương đối cố định thì lời bài hát lại rất thay đổi, linh động tùy theo hoàn cảnh. Vì vậy, sáng tạo lời cho bài hát là cuộc đua trường kỳ giữa trai tài gái sắc trong lễ hội hay những cuộc vui. Từ kinh nghiệm hàng nghìn năm của cuộc đua này, người Việt nhận ra, những bài vè lần lượt 6 tiếng rồi 8 tiếng nối nhau theo vần chân hay vần lưng rất dễ chuyển thành những bài hát theo các điệu khác nhau. Do vậy, dần dần thể vè 6-8 ra đời. Cố nhiên thời đó ngôn ngữ đa âm, vô thanh nên số tiếng trong mỗi câu ca không cố định, thường nhiều hơn 6-8. Những bài vè như vậy trở thành tài sản chung của cộng đồng Lạc Việt. Bài ca lục bát được ghi lại sớm nhất là  Việt nhân ca trong sách Thuyết uyển 2800 năm trước. Đó là bài ca của người người Việt chèo thuyền cho vị quân vương nước Sở. Cảm vì lời ca hay nhưng mình không hiểu, vị quân vương yêu cầu dịch sang tiếng Sở. Nhờ vậy bài ca được ghi lại bằng chữ Sở. Sau này được sao lại bằng chữ Hán trong sách Thuyết uyển. Hơn 2000 năm qua đi, bài ca thở thành quốc bảo của Trung Hoa nhưng không ai hiểu đúng nghĩa của nó. Chỉ mới đây, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành phục nguyên bài ca trở lại tiếng Việt thì phát hiện ra đó là bài thơ lục bát. [5] Điều này chứng tỏ, thơ lục bát là tài sản chung của các bộ tộc người Việt từ xa xưa. Đến nay một số sắc dân vẫn giữ được hình thức thơ này nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ đa âm của mình.
Trong khi đó, nơi người Kinh, do tiếng nói được đơn âm hóa triệt để cùng với thanh điệu phong phú, nói như hát nên người Kinh sáng tạo được những câu ca lục bát có vần điệu tuyệt vời mà đỉnh cao là Truyện Kiều.
.                                                                  Sài Gòn, 28.5.2016

*www.diendantheky.net/.../di-cao-cua-nha-su-hoc-ta-chi-ai-truong.html

Tài liệu tham khảo
1.     Hà Văn Thùy. Di chỉ văn hoá Lương Chử Là kinh đô nước Xích Quỷ - www.vanhoahoc.vn
2.     Hà Văn Thùy. Tôi khẳng định Kinh Dương vương là thủy tổ người Việt Nam
3.     Hà Văn Thùy.  XỨ NGHỆ NƠI PHÁT TÍCH CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI thuyhavan.blogspot.com/.../xu-nghe-noi-phat-tich-cua-nguoi-viet.html
4.     Hà Văn Thùy. Thêm một lần buộc phải tranh biện với GS L. Kelley - ChúngTa.com www.chungta.com › Tư liệu nguồn & tra cứu
5.     Hà Văn Thùy.  TRUY TÌM GỐC TÍCH NGƯỜI KINH
thuyhavan.blogspot.com/2016/01/truy-tim-goc-tich-nguoi-kinh.html

6.     Đỗ Ngọc Thành. PHÁT HIỆN LẠI VỀ VIỆT NHÂN CA (越人歌) - Việt Văn Mới Newvietart       newvietart.com/index4.606.html