THƯA ÔNG PHAN LAN HOA




Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số Xuân 2016 tác giả Phan Lan Hoa có bài Lạm bàn với ông Hà Văn Thùy về nội dung bài viết “Xứ Nghệ là quê hương của người Việt hiện đại”.  Nhận thấy bài viết thiếu chuẩn mực tối thiểu của một bài báo khoa học nên vì lịch sự, tôi im lặng. Nhưng thật bất ngờ, trên blog Ví dặm ân tình, phía dưới bài “Lạm bàn…” xuất hiện lời bình sau:

            ”O Ví quá uyên bác! Bái phục! Hơi buồn vì Hà Văn Thùy là cử nhân Sinh học, sinh viên cũ và giỏi giang của tôi ! Sau đó... Bỏ nghề !”

Nếu là của người khác, tôi cũng im lặng cho qua. Nhưng đây lại là của vị Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, cựu Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, người của công chúng. Hơn nữa, lại là người Thầy rất thân thiết của tôi hơn 50 năm trước thì thật đáng để suy ngẫm! Phải chăng, tôi đã trình bày ý tưởng của mình quá tối tăm tới mức mà vị Giáo sư chuyên ngành sinh học cũng không hiểu nổi? Sợ rằng do danh tiếng lớn vị Giáo sư khiến bạn đọc hoang mang, tôi buộc lòng phải thưa chuyện lại với tác giả cùng bạn đọc.

Xin thưa,

Năm 1963, như mọi học trò lớp 10, tôi buộc phải chọn nghề. Dù rất mê văn chương nhưng tự biết lý lịch mình không được “sạch sẽ” lắm nên tôi không dám thi Tổng hợp Văn. Thay vào đó, tôi thi vào Sinh học,  một ngành khoa học tự nhiên gần gũi với cuộc sống để trước hết có cái nghề đứng chân trong xã hội. Sau đó, nếu thực có khả năng, sẽ chuyển sang văn chương. Đúng như dự liệu ban đầu. Sau năm năm công tác chuyên môn, tôi chuyển sang làm thơ viết văn ở Hội Văn nghệ Thái Bình. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ những giọt nước mắt đau khổ của cha tôi, một nhân sỹ hoạt động từ Tiền Khởi nghĩa. Là người hiểu số phận của những nhà văn trong Nhân Văn-Giai Phẩm, khi không ngăn được tôi bỏ cái nghề lương thực “giầu năng lượng”, bước vào con đường nguy hiểm, Người đã khóc. Dự cảm của cha tôi không sai. Sau này, vì một bài báo, tôi suýt lâm vòng tù tội và rồi bị đuổi việc…
Từ khi cầm bút viết văn, tôi nhận ra rằng: “Muốn viết được câu văn tử tế, cần phải hiểu đến tận cùng lịch sử dân tộc.” Tiếc thay, không có cuốn sử nào làm hài lòng tôi cả. Sau tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ, tôi bắt tay viết cuốn Triệu Vũ Đế với mục đích trả lại công bằng cho người khai sáng lịch sử dân tộc.

  Một đêm tháng 8 năm 2004, trong khi mò mẫm trên mạng tìm tư liệu cho cuốn sách, tôi bắt gặp thông tin về việc người Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Sau khi sinh sôi trên đất Việt, người tiền sử lan tỏa ra châu Á và thế giới… Với mớ kiến thức Sinh học chưa kịp quên, tôi hiểu rằng, thông tin này có ý nghĩa vô cùng lớn vì nó không chỉ buộc phải viết lại lịch sử phương Đông mà còn thay đổi vận mệnh dân tộc Việt! Từ đó, tôi dừng mọi việc văn chương để tìm lại cội nguồn. Cho đến nay cùng với hàng trăm tiểu luận công bố trên các phương tiện truyền thông, tôi đã cho in năm cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Việt lại lịch sử Trung Hoa Tiến trình lịch sử văn hóa Việt (SG California xuất bản 2014, Amazon phát hành). Những bài đăng trên Văn hóa Nghệ An được trích từ hơn 10 năm khảo cứu đó.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhận thấy có nhiều dại khờ cùng không ít ngu dốt. Tuy nhiên, việc học Sinh học, bỏ nghề đi viết văn rồi cuối đời khảo cứu lịch sử là lộ trình đúng đắn. Chính là nhờ kiến thức Sinh học từ hơn 50 năm trước mà tôi nhanh nhạy tiếp cận những nghiên cứu di truyền học của thế giới. Không những thế, từ nhiều nguồn tư liệu mâu thuẫn nhau, đã chọn ra thông tin chính xác để kiên trì theo đuổi rồi cùng với những kiến thức về khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học… giải mã quá trình hình thành nòi giống Việt, tìm ra lịch sử chân chính của dân tộc.

Do đề xuất những ý tưởng quá mới nên tôi bị một số người chất vấn một cách gay gắt. Không chỉ vậy, nhờ khám phá chiều sâu của lịch sử văn hóa phương Đông, tôi cũng phải lên tiếng tranh biện với nhiều học giả: với Giáo sư Nobel Dương Chấn Ninh về kinh Dịch; với Triết gia danh tiếng người Pháp Francoise Jullien về minh triết; với Giáo sư người Mỹ W. K Taylor và L. C. Kelley để bảo vệ danh dự dân tộc Việt, với Sử gia Tạ Chí Đại Trường để bảo vệ phát kiến của học giả Kim Định…

Xin được trình bày đôi điều về bài viết phản bác tôi trên Văn hóa Nghệ An.

1. Muốn ngồi vào bàn cờ, cần phải sạch nước cản

Cũng vậy, trước khi tranh luận về lĩnh vực khoa học nào, cần phải có kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó đồng thời phải biết thao tác tối thiểu của phương pháp viết khảo cứu. Do không có tri thức như vậy nên tác giả mắc những sai lầm vô cùng sơ đẳng.
Đưa ra “thuyết tiến hóa và nguồn gốc loài người” mà chỉ dẫn “(nguồn-minhtriet.net)” thì đâu phải là việc làm nghiêm túc? Trang mạng được dẫn không phải là tạp chí chuyên ngành, lại không có tác giả thì lấy gì đảm bảo cho độ khả tín của tư liệu?! Hãy xem nội dung dẫn chứng:
“Người ta chia loài linh trưởng ra làm 3 giai đoạn:
-           Người Viễn cố (proteo-Anthropus) khoảng 1 triệu năm trở về trước.
-           Người Thái cổ (Arche-Anthropus) từ 100.000 BP tới 1.000.000 BP
-           Người Thượng cổ (paleo-Anthropus) từ 40.000 BP đến 100.000 BP là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Neo-Anthropus, tên khoa học Homo sapiens)
-           Người hiện đại (Neo-Anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay, xuất hiện hàng loạt ở nhiều nơi vào khoảng từ 40.000 năm trước, hai nơi được cho là sớm nhất của người hiện đại là Đông Nam Á và Tây Á. Với sự định nghĩa này,  khái niệm người hiện đại bao gồm toàn thể nhân loại kể từ 40.000 năm TCN, kể cả người tiền sử cũng như chúng ta ngày nay.”

Tôi không biết tư liệu này gốc ở đâu và có từ bao giờ. Nhưng đó là cách phân loại rất ấu trĩ và phản khoa học nên từ lâu những người hiểu biết đã bỏ qua! Năm 1998 khoa học khẳng định, loài người hiện đại Homo sapiens xuất hiện từ 160.000 đến 180.000 năm trước ở châu Phi. Nếu theo bảng phân loại dẫn trên thì loài chúng ta, vì ra đời cách nay 180.000 năm nên vừa là người Thái cổ, Thượng cổ mà cũng là người Hiện đại! Đấy là chưa kể, không hề có chuyện “mẫu hình nhân loại ngày nay, xuất hiện hàng loạt ở nhiều nơi vào khoảng từ 40.000 năm trước!” Không phải mới xuất hiện 40.000 năm trước mà con người ngày nay là hậu duệ của dòng người sinh ra ở Đông Phi 180.000 năm trước! Còn gì quái đản hơn cách phân loại: cùng là Homo sapiens nhưng chỉ những người xuất hiện 40.000 năm cách nay mới được gọi là người hiện đại?! Vậy về mặt hình thái sọ và di truyền, “người hiện đại”, “người thái cổ”, “người thượng cổ” khác nhau ở chỗ nào? Có phải cùng một loài không? Lấy tiêu chuẩn nào để so sánh?!

Rõ ràng, do thiếu kiến thức sơ đẳng về nhân học nên tác giả nói mà chẳng hiểu mình nói gì! Dựa trên hiểu biết chắp vá như vậy nên những gì viết sau đó cũng không thể có cơ sở khoa học mà chỉ là sự nói mò và râu ông nọ cắm cằm bà kia!
Chẳng hạn tác giả viết: “Từ xương hóa thạch của người Thượng cổ (Paleo-Anthropus) tại hang Thẩm Ôm, niên đại vào khoảng 80.000 năm…”

Có đúng vậy không?

Tôi khẳng định: 80.000 năm trước không hề có bóng dáng của bất cứ con người nào trên đất Việt! Vì sao? Di truyền học phát hiện, người Homo sapiens chỉ có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước. Việc tìm thấy bộ xương người Mongoloid 68.000 năm tuổi ở Lưu Giang Quảng Tây chứng thực điều này. Trong khi đó, khảo cổ học thế giới xác nhận, khoảng 250.000 năm trước, người Homo erectus hoàn toàn biến mất tại châu Á! Để chắc chắn, tôi tra lại di chỉ Thẩm Ồm thì nhận được thông tin: “Năm 1975 đã xác định là một di chỉ khảo cổ học và khai quật. Kết quả thu được 3 răng người và nhiều hoá thạch xương răng động vật, một công cụ đá thạch anh được chế tạo bằng kỹ thuật clac-tôn-hạch đập vào đe. Các di vật có niên đại cách ngày nay chừng 20 vạn năm. Điều này cho thấy người Thẩm Ồm là người hiện đại đầu tiên và sớm nhất biết đến ở nước ta.”(Wikipedia) Nhận thấy Wikipedia đã sai khi cho rằng người Thẩm Ồm là người hiện đại nên tôi truy cập vào tài liệu chính thức của Viện Khảo cổ. Trong báo cáo năm 2015 nhan đề Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt – Lào, PGS. TS Nguyễn Khắc Sử viết: “Sớm nhất là di tích Thẩm Ồm, nơi có di tích hóa thạch người khôn ngoan sớm và kỹ nghệ công cụ đá quartz, với niên đại được xác định vào khoảng: 60.000-40.000 BP.”[1] Tổng kết của PGS. Nguyễn Khắc Sử là đúng vì sau 1975, những nhận định về các di chỉ khảo cổ đã được điều chỉnh. Tuy nhiên báo cáo như vậy chưa phản ánh đầy đủ vai trò của di chỉ Thẩm Ồm. Một nhận định đầy đủ phải như sau: “Hang Thẩm Ồm từng có mặt người Đứng thẳng Homo erectus khoảng 200.000 năm trước. Sau thời gian vắng bóng người, Khoảng 60.000 – 40.000 năm cách nay, người Hiện đại Homo sapiens là chủ nhân ở đây.” (Xin được nói rõ để tránh hiểu lầm. Về niên đại một số di chỉ khảo cổ giữa học giả Việt Nam và quốc tế có sự khác biệt. Thí dụ, khảo cổ học Việt Nam cho rằng người cổ ở văn hóa Núi Đọ có tuổi 300.000 năm. Trong khi đó, các học giả thế giới xác định là 500.000 năm [2]. Trong khi học giả quốc tế cho rằng, người Đứng thẳng Homo erectus tuyệt chủng ở châu Á 250.000 năm trước thì các học giả Việt Nam ghi nhận, người cổ hang Thẩm Ồm tồn tại 200.000 năm cách nay. Do nhiều nguyên nhân mà việc định tuổi khác nhau cho một di chỉ khảo cổ là bình thường và đó còn là chuyện tranh biện dài dài giữa các học giả.)

2. Về tài liệu của nhóm J.Y. Chu

Người phản bác tôi cũng nhầm khi cho rằng tài liệu của J.Y. Chu thuộc về khảo cổ học. Không! Đó là kết quả của việc thực hiện đề án Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Populations in China)[3] do các nhà khoa học của Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa Trung Quốc cùng Đại học Texas và Cicinnaty Hoa Kỳ hợp tác nghiên cứu mà Giáo sư gốc Hoa J.Y. Chu Đại học Texas lãnh đạo. Đó là công trình di truyền học mang tính khai phá vì lần đầu tiên phát hiện loài chúng ta ra đời ở châu Phi từ 160-180.000 năm trước và 70.000 năm cách nay, từ châu Phi, theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra khắp châu Á. Do đặt nhiệm vụ tìm con đường rời khỏi châu Phi (out of Africa) của con người thông qua ADN nên nó không có trách nhiệm khảo sát việc di cư muộn hơn sau này. Cố nhiên là nó không có nhiệm vụ tìm hiểu dân cư “vùng lõi Đông Sơn”!

3. Về người Việt cổ và người Việt hiện đại.

Khảo sát 38 cốt sọ thời kỳ Đá mới và 32 cốt sọ thời Đồ Đồng tìm thấy ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa công bố trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á [4]: “Thời đại Đá mới, dân cư trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu.” (trang 106 dòng 7 tx) và “Sang thời đại đồng sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Autraloid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hóa.” (dòng 8 dl). Như vậy, chưa cần tới di truyền học, chỉ bằng vào khảo sát chỉ số metric các sọ cổ, từ lâu, nhân chủng học đã xác nhận, dân cư Việt Nam hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Thực tế cho thấy, dân cư Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ 70.000 năm tới khoảng 4.500 năm trước, thuộc loại hình Australoid. Từ 4500 năm cách nay, người Mongoloid trở thành chủ thể trên đất nước ta. Để đánh dấu từng giai đoạn, nhân chủng học gọi lớp dân cư Australoid là người Việt cổ. Lớp dân cư Mongoloid phương Nam là người Việt hiện đại. Trong sách của mình, GS.TSKH Nguyễn Đình Khoa viết như vậy. Không những thế, ông còn xác nhận có quá trình chuyển hóa từ Autraloid sang Mongoloid phương Nam diễn ra trên toàn Đông Nam Á. Hiện tượng này được gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Nhân chủng học xác nhận đại bộ phận dân cư Trung Quốc, tức người Hán cũng thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
Không tra cứu sách công cụ khảo sát các di chỉ khảo cổ một cách hệ thống mà chỉ đọc nhảy cóc trên mạng vài ba công bố khảo cổ thì khác nào thày bói mù xem voi?

4. Vua Hùng là ai?

Trong bài viết trên Văn hóa Nghệ An, tác giả ra sức chứng minh Vua Hùng xuất xứ từ Nghệ An và là người Autraloid. Bi hài kịch ở đây là, do không biết rằng, từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam hoàn toàn là người Mongoloid, nên nếu có Vua Hùng con cháu của Thần Nông trên đất Nghệ thì ngài cũng đã biến mất khỏi địa bàn Đông Dương và không bao giờ là tổ tiên của người Việt Nam hiện nay! Lẽ đương nhiên: người mang genome Australoid không thể đẻ ra đàn con Mongoloid! Chỉ có khả năng duy nhất: muốn là tổ tiên người Việt Nam hiện nay, Vua Hùng phải mang mã di truyền Mongoloid. Cố nhiên, ngài không thể được sinh ra trên đất Nghệ mà phải từ nơi khác đến. Từ đâu? Tôi đã nói rất rõ trong bài Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?[5]

5. Người Việt là ai? Người Hán là ai?

Người phản bác tôi sống chết cho rằng, người Hán và người Việt không cùng một chủng! Xin hỏi: phân loại theo khoa học, người Hán chủng gì? Người Việt chủng gì? Như trên cho thấy, người Việt từ 2000 năm TCN tới nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Còn người Hán, học giả Zhou Jixu [6] cho biết: “Theo trường phái nhân chủng học Xô-viết được giới học giả Trung Hoa lục địa chấp nhận, người Hán thuộc nhánh Thái Bình Dương của chủng Mongoloid hay còn gọi là chủng Mongoloid phương Nam.” Cùng một chủng Mongoloid phương Nam sao người Việt và người Hán “không bào giờ cùng một chủng tộc?” Nếu chỉ căn cứ vào mắt một mí hay hai mí mà phân biệt được chủng người thì cần gì đến ADN? Cũng lầm lẫn như vậy cho nên gần suốt thế kỷ XX các học giả cho rằng, người Kinh, người Khmer, người Chăm, người Êđê… thuộc những chủng tộc khác nhau. Nhưng trong tác phẩm của mình, từ năm 1983, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa xác nhận: Người Chăm, Khmer, các sắc dân Tây Nguyên thuộc loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Nghĩa là trên đất nước chúng ta chỉ có duy nhất một chủng người Mongoloid phương Nam!

6. Tác giả viết: 

“Căn cứ vào ghi chép của Lĩnh Nam trich quái, đồng thời trùng khớp với sử liệu nhà Chu (2258TCN) là một thị tộc cổ nhất ở vùng Trung Nguyên thừa nhận: “Việt Thường thị ở phía nam Giao Chỉ.” Còn Dư địa chí của Nguyễn Trãi lại xác định vị trí: Giao Chỉ sau này là Sơn Nam, tương đương với Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định ngày nay.”
Dẫn cổ thư mà không kiểm tra độ chính xác của sách! Xin hỏi, vào thời Chu – cho dù không phải 2258 mà 1122 năm TCN- vùng Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định là gì? Xin thưa, là đáy biển, chìm dưới mênh mông nước! Thật nực cười: giữa vịnh biển bao la ấy làm sao mà đặt địa danh Giao Chỉ? “Việt Thường thị ở phía nam Giao Chỉ”? Do chẳng hề có Giao chỉ thời Chu nên Việt Thường thị ở chân Hồng Lĩnh cũng chỉ là tưởng tượng! Nguyễn Trãi đã sai vì suy đoán theo cái sai của nhiều sách cổ! Xin bạn đọc kiểm tra ở bài Khảo cổ đồng bằng sông Hồng [7] của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Cũng tài liệu trên cho thấy, chỉ khoảng 500 năm TCN, do nước biển rút, vùng đất này mới hình thành. Vậy, vào thời Chu, Giao Chỉ ở đâu?! Khảo cổ và cổ thư gắn nhau như răng với môi hay cắn nhau tóe máu?!
Một câu hỏi khác: có đúng “nhà Chu (2258TCN) là một thị tộc cổ nhất ở vùng Trung Nguyên”? Ngay câu này đã sai tới hai lần! Nhà Chu chỉ bắt đầu từ 1122 TCN và kết thúc vào năm 249 TCN. Con số 2258 TCN là sự cẩu thả hết nói! Chẳng những thế, nhà Chu không phải là thị tộc cổ nhất ở Trung Nguyên. Bởi lẽ, trước Chu còn Thương; trước Thương là Hạ rồi Ngu Thuấn, Đường Nghiêu và tận cùng là Hoàng Đế. Mà Hoàng Đế cũng phải “chiến Si Vưu” – chiến đấu với người Việt từng sống từ lâu ở đồng bằng Trong Nguồn!

7. Tác giả viết:

“Cổ sử nhà Chu cũng chép rằng: “Chu vương kịp nhớ đến Hoàng Đế có lời thề rằng: “Giao Chỉ ở phương Nam không được xâm phạm.” Nghĩa là khi chiến tranh Xi Vưu xảy ra, hai tộc người Việt: Giao Chỉ và Việt Thường được loại ra khỏi vòng tranh chấp. Hơn nữa, đoạn ghi chép của cổ sử cũng thể hiện rằng, khi chiến tranh Xi Vưu xảy ra, thị tộc Việt Thường đã có từ lâu dưới chân núi Hồng Lĩnh từ trước đó.”
Xin được hỏi: “cổ sử nhà Chu”là cuốn nào? Một khảo cứu nghiêm túc không thể nói buông như vậy để đánh đố (hay lừa?) người đọc!
Mặt khác cũng xin hỏi, khoảng 2700 năm TCN, Hoàng Đế ở tận cao nguyên Hoàng Thổ bên Hoàng Hà thì làm sao mà nhìn xuống phương nam xa vạn dặm? Dù Hoàng đế được sử Trung Hoa tô vẽ là người rất thông tuệ thì liệu có thiên lý nhãn nhìn sâu vào nước biển và vượt thời gian để “thấy” một vùng đất hơn 2000 năm sau sẽ là Giao Chỉ rồi di chúc cho cháu con đừng xâm phạm? Không biết bạn đọc nghĩ sao, còn tôi không đủ can đảm để tin vào chuyện hoang dị như vậy!

8. Tác giả viết:

 theo http://khoahoc TV “Rất nhiều quan điểm cho rằng, nguồn gốc tổ tiên loài người là từ châu Phi, tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện tổ tiên chung của loài người và loài vượn là từ châu Á. Phát hiện này đã giáng một đòn “chí tử” vào lý thuyết truyền thống sinh vật học cổ đại cho rằng tổ tiên loài người đến từ châu Phi. Sau khi tiến hành phân tích hóa thạch động vật linh trưởng phát hiện ở Myanmar có niên đại cách nay 37 triệu năm, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã chứng minh cho giả thuyết được đưa ra cách đây 13 năm cho rằng nguồn gốc tổ tiên loài người là từ châu Á.”
Đoạn văn này có hai điều bất cập. Thứ nhất, trang mạng http://khoahoc TV không có giá trị khoa học. Vì vậy, nếu cần tư liệu, người ta phải truy tìm xem nó lấy từ nguồn nào rồi dẫn theo tài liệu gốc. Một thao tác thực sự khoa học phải như vậy!
Thứ nữa, động vật nhân hình hominid chỉ xuất hiện cách nay 5.000.000 năm. Vì vậy không thể có hóa thạch của chúng 37 triệu năm trước. Do thiếu kiến thức cơ bản nên người viết đã lầm một cách tai hại con số 3,7 triệu năm thành 37 triệu năm!
Đoạn trích trên chứng tỏ người viết nói mà chẳng hiểu mình nói gì! Đưa ra chuyện mông lung bao đồng tranh chấp nguồn gốc châu Phi - châu Á của con người để làm gì khi khoa học đã biết đích xác Homo sapiens được sinh ra từ quê hương duy nhất châu Phi? Không những thế, còn chỉ rõ là tại xứ Ethiopia! Nếu dựa vào chứng cứ này để cho rằng, người Nghệ An có từ 37 triệu năm trước thì quả thật là “uyên bác”!

Tôi buộc phải viết những dòng này không phải vì “danh tiếng” mà vì một nỗi đau.

Hàng nghìn năm, cha ông ta đau đáu ngưỡng vọng về nòi giống Tiên Rồng, Hồng Bàng thị với một bọc trăm trứng. Những bà mẹ Việt ru con: "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra" ; "Gió Động Đình mẹ ru con ngủ, Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh. Lảnh lành lanh, lảnh lành lanh, Võng điều mẹ bế con Rồng cháu Tiên"...
Nhưng rồi học giả Pháp, dựa vào “khám phá khoa học” dạy rằng: “người từ phương Tây xâm nhập Trung Quốc, tạo ra văn hóa Hoa Hạ. Năm 333 TCN, người Sở diệt nước Việt. Người Việt chạy xuống Việt Nam, trở thành người Việt Nam. Vì vậy, tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán.” Dân tộc Việt bị đè nặng dưới bóng Trung Hoa, tưởng không bao giờ ngóc đầu lên được!

Thật mừng là sang thế kỷ này, lịch sử được lật lại, phơi bày sự thật khác: người Việt từ xa xưa là chủ nhân của đất Trung Hoa. Tất cả những thành tựu rực rỡ của văn hóa Trung Hoa là do người Việt sáng tạo! Bước sang kỷ nguyên mới, dân tộc Việt được truyền nguồn năng lượng vô tận để làm sứ mệnh vĩ đại mà tổ tiên trao cho!

Thưa ông Phan Lan Hoa,

Bằng cách nhìn hạ mục vô nhân, ông tưởng rằng, bài vết “uyên bác” của mình sẽ là “đòn chí tử” hạ gục đối phương! Nhưng như ông thấy, do thiếu tri thức cơ bản giúp chọn lọc và kết nối tài liệu nên những gì ông đưa ra chỉ là cóp nhặt, lắp ráp tư liệu thành một đống xà bần vô nghĩa lý. Cái bi hài kịch là, trong khi người Trung Hoa chẳng hề biết tổ tiên họ là ai thì chúng ta lại nâng niu trân trọng từng dòng từng chữ trong sách “thánh hiền” hòng tìm ra nòi giống tổ tiên mình. Sự ngu dân bắt đầu từ đấy!

May mà kỷ nguyên này có công nghệ mới, đọc được cuốn thiên thư tạo hóa ghi trong máu huyết con người, giúp tìm lại cội nguồn. Tri thức mới không chỉ không có trong Sử ký, Hán thư… mà cũng chưa hề thấy ở tân thư của những Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu, Mã Khắc Tư... Muốn có tri thức mới thì phải học. Đó là học Văn. Nhưng trước khi học Văn cũng cần học Lễ, là học cách ứng xử văn hóa khi luân bàn chuyện văn hóa.

Đây là những lời cuối cùng xin thưa với ông Phan Lan Hoa!

                                                                         Sài Gòn, 5. 6. 2016


Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Khắc Sử. Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt – Lào http://khaocohoc.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tin-van-hoa-khao-co-hoc-trong-nuoc/4146-phat-hien-21-di-tich-tien-su-hang-dong-o-bien-gioi-viet---lao.htmlời

2. Bruce M. Lockhart, ‎William J. Duiker.  Historical Dictionary of Vietnam (Historical Dictionaries of Asia, Oceania, and the Middle East) 3rd Edition, 2006:
Nuido culture. Prehistoric site localed in the North of province Thanh Hoa, discovered  by Vietnamese Archeologist in  November 1960. Located on a slight elevation about  15 meters (50 feet) above surrounding rice field, the Nuido find was clear indication of a Paleolithic culture in mainland Southeast Asia, thus indicating that Prehistoric humans inhabited this area as early 500,000 years ago. Artifacts found at the site included chipped cutters and scrapers and hand axes
https://books.google.com.vn/books?id=qQSyAAAAQBAJ&pg=PA289&lpg=PA289&dq=Nuido+culture+in+Vietnam&source=bl&ots=sxM0bCmDA-&sig=UCgIFLPSEe-b_J3xt8l7WI3P0lk&hl=vi&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q=Nuido%20culture%20in%20Vietnam&f=false

3. J.Y. Chu & at al: Genetic relationship of populations in China. Proc. Natl. Acad.  Sci.USA 1998 N. 95 p. 11763-11768.

4. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN, H, 1983)

5. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanatio
SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006

6. Hà Văn Thùy. Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?  Tạp chí Văn hóa Nghệ An
vanhoanghean.com.vn/chuyen.../thuy-to-nguoi-viet-thuc-su-o-dau


 7. Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Quá trình chiếm lĩnh và làm chủ đồng bằng châu thổ sông Hồng của cư dân văn hóa Đông Sơn http://caf.vass.gov.vn/noidung/NghienCuuKhoaHoc/Lists/HopTacNghienCuu/view_detail.aspx?iDCapCoQuan=62&ItemID=1714