NGUỒN GỐC VÀ HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI MÔNG CỔ TẠI ĐÔNG Á


(Trao đổi lại với ông Phan Châu Hồng)


Như cơ duyên,  một bài viết từ năm 2013 của ông Phan Châu Hồng “đậu” vào tài khoản Google của tôi. Một bài viết công phu, nhiều dẫn chứng và lòng chân thành khiến tôi muốn cũng với tấm lòng thành trao đổi lại cùng ông. Tiếc là khi lần theo địa chỉ bài viết thì website của ông không còn. Thấy đây là vấn đề mà không ít học giả bối rối, tôi xin công bố bài viết trên mạng để chia sẻ chung và cũng mong rằng nó tới được với ông Phan. [1]
Ông Phan Châu Hồng viết: “Đọc sách Hành Trình Tìm Lại Cội Nguồn của nhà văn Hà Văn Thùy, chúng tôi nhận thấy một số điểm ý dẫn giải bị hạn chế, cần được bàn lại, để làm sáng tỏ hơn, nhất là về nguồn gốc xuất phát và hình thành đại chủng Mongoloid nói chung và hai nhánh Mongoloid phương Bắc và phương Nam nói riêng.
Chẳng hạn, có đoạn tác giả viết: “Muộn nhất, khoảng 5.000 năm TCN, có sự tiếp xúc hoà huyết giữa người Mông Cổ và người Bách Việt, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam”. Điều này cũng có nghĩa, tác giả muốn ám chỉ chủng Mongoloid phương Nam là “hậu sinh” của Mongoloid phương Bắc (sđd, tr. 18, 26, 77, 102).
Và đó là một điểm ý không phù hợp với những gì chúng tôi đã đọc biết từ những nghiên cứu của một số tác giả ở bên ngoài nước, nhất là từ kết quả khảo sát mtDNA mẫu hệ của nhà di truyền học Anh, Bác sĩ Stephen Oppenheimer, được viết trong sách Out of Eden của ông…”
Đúng như suy nghĩ của tác giả, nguồn gốc người Mông Cổ là vấn đề then chốt nhưng vô cùng hóc búa trong sự hình thành dân cư phương Đông. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng chỉ có thể giải quyết vấn đề này sau khi minh thị cuộc di cư của người từ châu Phi tới Việt Nam. Có nghĩa là phải trả lời thỏa đáng những vấn đề:
1. Người di cư tới Việt Nam theo con đường nào?
2. Họ là ai?
3. Tại Việt Nam họ lai giống, hòa huyết với nhau ra sao, sinh ra những chủng người nào theo danh mục phân loại người?
4. Người Mông Cổ có nguồn gốc từ đâu và giữ vai trò gì trong quá trình hình thành dân cư phương Đông?
Chắc bạn đọc cũng đồng ý với tôi: những vấn đề trên chỉ có thể giải quyết khi làm sáng tỏ cuộc di cư của con người từ châu Phi!
Hơn 10 năm trước, năm 2004, tôi chỉ có tài liệu của nhóm J.Y Chu Đa dạng di truyền của dân cư Trung Quốc.
Do hạn chế của tài liệu nên trong cuốn sách đầu tiên Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt [2], tôi đã nhắc lại như con vẹt rằng: “Homo sapiens từ châu Phi thiên di tới Trung Đông. Từ Trung Đông, một nhóm rẽ sang phía Đông đi qua Pakistan, Ấn Độ rồi men theo bờ biển Nam Á vào khoảng 60.000 – 70.000 năm trước. Họ nghỉ tại nơi đây 10.000 năm rồi chia tay nhau: 50.000 năm trước đặt chân tới châu Úc, 40.000 năm trước tới New Guinea…” (tr. 42)[Jin Li. Los Engeles Times 29.9. 1998]. Trong thâm tâm, tôi nghi ngờ con đường qua Trung Đông bởi lẽ, trong hoàn cảnh băng giá như vậy, sẽ không khôn ngoan nếu từ bỏ con đường ven biển vừa bằng phẳng dễ đi, vừa ấm áp lại dồi dào thức ăn để lao vào núi cao vực sâu đầy băng giá! Nhưng biết làm sao?!
Thật may mắn, sau đó bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp từ Australia gửi về tài liệu của Stephen Oppenheimer. Mừng hơn bắt được vàng vì những dòng như sau: “Những người theo thuyết “Gốc châu Phi” tuyên bố một cách khẳng định rằng: người châu Úc, châu Á, và những người châu Âu là kết quả của những đợt di cư riêng rẽ của Homo sapiens. Không phải vậy: những cây di truyền nam và nữ cho thấy rằng chỉ có một con đường ra khỏi châu Phi. Chỉ có một ra đi chính của những con người hiện đại từ châu Phi – mỗi dòng gen chỉ có một tổ tiên di truyền học chung đã sinh ra toàn bộ thế giới ngoài châu Phi..”  [3] Để chắc ăn, tôi đọc lại tài liệu J.Y. Chu và nhận ra sự thận trọng của ông: ở phần giới thiệu, ông cho rằng người di cư đi qua Pakistan và Ấn Độ nhưng trong phần kết luận, ông viết: không nhất thiết phải đi qua con đường này. Lúc này tôi cũng có thêm tư liệu khảo cổ về người Mongoloid Lưu Giang 68.000 năm tuổi và sọ người Australoid Mungo 68.000 năm. Nhờ sự xác tín này, tôi bỏ qua tài liệu của Spence Wells và khẳng định: chỉ có lần di cư duy nhất bắt đầu 85.000 năm trước. Sau khi vượt cửa Hồng Hải, người di cư tới Yemen. Một bộ phận dừng lại đây trước bức thành băng vững chắc. Những người còn lại đi về phương Đông theo ven biển Ấn Độ.
Hơn 10 năm sau, tôi thấy lựa chọn này hoàn toàn đúng. Việc các học già của Đại học London phát hiện răng Homo sapiens 80.000 năm trước ở Động Phúc Nham tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc càng ủng hộ lựa chọn của tôi và là sự phủ định thẳng thừng tài liệu của S. Wells. Tôi hiểu, S. Oppenheimer đúng không chỉ vì ông đã thực hành cả hai phương pháp di truyền theo dòng mẹ (mtDNA) và dòng cha (Y-chromosome) mà vì ông còn là nhà văn hóa lớn. Bằng khảo cổ học, ngôn ngữ học, di truyền học và cả văn hóa dân gian folklore, ông khám phá vai trò mở đầu của Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại.
Cũng lúc này, tôi có thêm tài liệu từ các học giả châu Âu: 40.000 năm trước, người từ Đông Á đi qua Trung Á vào châu Âu. Tại đây, họ gặp gỡ hòa huyết với người Europid vừa từ Trung Đông tới, sinh ra người Eurasians tổ tiên người châu Âu! [4]
Khi dứt khoát loại bỏ tài liệu sai lầm của Spencer Wells, tôi cũng đương nhiên loại bỏ ý tưởng hoang đường của tác giả này cho rằng: đợt di cư thứ hai diễn ra 45.000 năm trước mới là quan trọng. Con người vào Trung Đông, sang Trung Á. "Nếu châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại.” Từ đây con người rẽ sang phương Đông, làm nên dân cư Trung Quốc (!)
Một ấn số khác là, các tài liệu di truyền học không hề cho biết những người đặt chân tới Việt Nam 70.000 năm trước là ai? Rất may là khảo cổ học phát hiện di cốt người Mongoloid Lưu Giang và người Australoid Mungo châu Úc. Như vậy, trong ba đại chủng của nhân loại thì hai đại chủng da vàng và da đen đã tới phương Đông. Còn đại chủng da trắng Europid thì sao? Hai khả năng xảy ra: chỉ hai đại chủng này hành trình về phương Đông hay cả ba đại chủng đồng hành mà vì lý do nào đó, người Europid không bộc lộ qua di cốt nhưng đã hòa huyết trong cộng đồng dân cư Việt? Rất may là cổ nhân chủng học đã cho lời giải tuyệt vời. Bằng khảo sát hơn 100 sọ cổ Đông Nam Á từ thời Đồ Đá tới thời Kim khí, trong đó có 70 tiêu bản tìm thấy ở Việt Nam, Giáo sư nguyễn Đình Khoa xác định: “Thoạt kỳ thủy, trên đất Việt Nam xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp, sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid.” [5] Như vậy là rõ: chỉ hai đại chủng da đen và da vàng di cư tới Việt Nam.
Tới đây, xin trở lại vấn đề người Mongoloid.
Kết nối nhiều nguồn tư liệu, thậm chí chỉ là những mảnh vụn, tôi đưa ra kịch bản sau:
Hành trình rời châu Phi là những chuyến đi vô định của những nhóm riêng rẽ khoảng 10-15 người. 70.000 năm trước, trong khi phần lớn những nhóm này tề tựu tại thềm Biển Đông, làm cuộc festival vĩ đại tại Địa đàng phương Đông, sinh ra người Việt cổ thì có những nhóm Australoid lẻ loi đi theo hướng tây, qua Thái Lan, Miến Điện tới chiếm lĩnh đất Ấn Độ lúc này vắng bóng người sau thảm họa Toba. Cốt sọ 63.000 năm trước tìm được tại Hang Khỉ trên dãy Trường Sơn Bắc Lào là dấu vết của cuộc Tây tiến này. Tương tự, là những nhóm Mongoloid đi tới tận phía Tây Bắc Đông Dương rồi dừng lại tại Chí tuyết bắc trước bức tường băng. Dấu vết tuyệt vời họ để lại là bộ xương Lưu Giang 68.000 năm tuổi.
40.000 năm cách nay, khí hậu ấm lên, trong khi những dòng người Việt cổ đi lên khai phá Trung Hoa thì những người Mongoloid sống tách biệt ở Tây Bắc Đông Dương theo đường Ba Thục, vượt qua Hoàng Hà chiếm lĩnh đất Mông Cổ. Ngoài bộ xương Lưu Giang thì những phát hiện khảo cổ tìm được di cốt người Mongoloid 40.000 năm trước trên đất Mông Cổ đã chứng minh cho cuộc di cư này. Do bảo tồn được nguồn gen Mongoloid nguyên chủng nên sau này nhân chủng học gọi họ là chủng người North Mongoloid. Họ tiếp tục cuộc sống săn hái trên băng giá. Khoảng 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng Hà cuối cùng chấm dứt, họ chiếm lĩnh đồng cỏ và chuyển dần sang đời sống du mục ở bờ Bắc Hoàng Hà. Trong khi đó, người Lạc Việt mà cụ thể là những bộ tộc Tày-Thái từ lâu đưa cây kê và cây lúa lên lưu vực Hoàng Hà. Tại vùng cao nguyên Hoàng Thổ bờ Nam, do khí hậu quá khô, cây lúa không chịu nổi nên cây kê trở thành cây trồng chủ đạo, tạo cho dân cư đời sống sung túc. 7000 năm trước, văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều ra đời.
Do chung một dòng sông nên chuyện mua bán trao đổi rồi tình ái diễn ra. Những người con lai Mông-Việt ra đời. Một đặc điểm di truyền cần lưu ý là, người Lạc Việt chủng Indonesian, tuy mang mã di truyền Australoid nhưng trong huyết quản, tỷ lệ máu Mongoloid khá cao. Vì vậy, khi nhận thêm gen Mongoloid, nơi các con lai, yếu tố Mongoloid trở nên trội và họ chuyển hóa thành chủng mới Mongoloid phương Nam. Những người này hòa huyết tiếp và như phản ứng dây chuyền, cộng đồng Việt Indonesian từ Australoid chuyển nhanh sang Mongoloid phương Nam.
Khi khảo sát dân cư Ngưỡng Thiều, Học giả Trung Quốc Zhou Jixu [5] cho rằng: “Người Ngưỡng Thiều mang đặc tính cơ thể gần nhất với người Trung Hoa hiện đại ở miền Nam Trung Quốc và người Đông Dương hiện đại”[6]. Tác giả này cũng cho rằng, người Ngưỡng Thiều từ phía Nam lên. Hoàn toàn không phải như vậy. Bởi lẽ, nhân chủng học xác nhận, suốt thời Đồ Đá, Đông Nam Á không có người Mongoloid. Như vậy, người Mongoloid phương Nam được sinh ra đầu tiên tại văn hóa Ngưỡng Thiều, là sản phẩm hòa huyết giữa người North Mongoloid và người Australoid Lạc Việt. Chính sự kiện này đã khiến cho nguồn gen Mongoloid lội nguợc dòng, trở nên chủ thể của dân cư phương Đông.
Theo tiến trình lịch sử, văn hóa Ngưỡng Thiều chuyển hóa thành văn hóa Long Sơn của người Việt Mongoloid phương Nam với trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển là đồng bằng Trong Nguồn.
Thời kỳ này sự tranh chấp giữa hai bờ Hoàng Hà ngày thêm khốc liệt. Khoảng năm 2698 TCN, người du mục do bộ lạc Hiên Viên dẫn đầu, tổng tấn công vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt, lập quốc gia Hoàng Đế. Thất bại, người Việt theo nhiều con đường, chạy xuống phía nam. Cuộc lấn chiếm kéo dài mãi tới thời Thương, Chu. Người Việt liên tục di tản về phia nam, mang theo nguồn gen Mongoloid xuống, chuyển hóa dân cư Đông Nam Á sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Hiện tượng này được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Từ những bằng chứng di truyền và khảo cổ học, tôi cho rằng, quá trình này kéo dài khoảng 700 năm, từ 2700 tới 2000 TCN.
Tới đây, tôi xin giải tỏa nỗi băn khoăn lớn của tác giả Phan Châu Hồng: “Điều này cũng có nghĩa, tác giả muốn ám chỉ chủng Mongoloid phương Nam là “hậu sinh” của Mongoloid phương Bắc.” Đọc dòng chữ này nhiều lần nhưng dường như mỗi lần tôi lại bất giác mỉm cười vì tinh thần ái Việt của tác giả!
Để làm rõ chuyện này, buộc phải vận dụng nguyên lý di truyền học. Đúng, người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều là hậu sinh của người Mongoloid phương Bắc. Nhưng tại thời điểm 7.000 năm trước, nghĩa là sau 33.000 năm, cả người Mông Cổ du mục và người Việt Australoid Ngưỡng Thiều đã xa rời gốc Việt Nam. Vì vậy, theo dòng chảy của nòi giống, chỉ số đa dạng di truyền của họ trở nên thấp hơn so với người sống trên đất tổ Việt Nam. Điều này dẫn tới chỉ số đa dạng di truyền của người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều cũng thấp. Cố nhiên khi lai giống với người Việt Australoid lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử đã cho ra những người Mongoloid phương Nam có chỉ số đa dạng di truyền thấp. Chuyện tương tự cũng xảy ra với các sắc dân Đông Nam Á khác: là con cháu người Việt di cư từ xa xưa nên độ đa dạng di truyền của họ giảm so với dân cư sống tại Việt Nam. Nhưng khi người Mongoloid phương Nam từ Núi Thái-Trong Nguồn trở về Việt Nam hòa huyết với người Việt tại chỗ, điều khác biệt xảy ra: do người sống tại Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nên khi hòa huyết, người lai sinh ra trên đất Việt Nam vẫn có chỉ số đa dạng di truyền cao. Nguyên lý này đã được thực tế chứng minh. Trong công trình công bố năm 1992, S.W. Ballinger phát hiện: người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các dân cư châu Á. [7]
Kết luận của câu chuyện này là: Người Mongoloid Ngưỡng Thiều là hậu sinh của người Mông Cổ phương Bắc nhưng người Việt Nam chỉ nhận một phần nhỏ gen từ quá trình hòa huyết này và vẫn giữ được chỉ số đa dạng di truyền cao nhất nên vẫn là dân cư cổ nhất của châu Á.
                                                                 Ngày giỗ Tổ năm 2016
       
Tài liệu tham khảo:
1.        nguồn http://phanchauhong.com                               
2.        Hà Văn Thùy . Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn Học, 2006.
3.        Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com) and Journey of Mankind the Peopling of the World (http://www.bradshawfoundation.com/journey/)].
5.        Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN, H. 1983
6.        Zhou Jixu: The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006.
7.         S.W. Ballinger&đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45