Có đúng là người Việt cổ?

                                                                    

Với nhan đề “Người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai”, báo Dân Trí đã thu hút sự quan tâm của chúng tôi. Đọc bài báo, chúng tôi rất mừng với thành công của các nhà khảo cổ Nga-Việt về phát hiện khảo cổ này.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, phát hiện này là bình thường, không có gì gọi là “chấn động” vì nó thực sự không phải là đóng góp mới cho khảo cổ học thế giới. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, khoảng 2 triệu năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus xuất hiện ở châu Phi. Họ đã có mặt ở Indonesia (người Java) 1,9 triệu năm trước, ở Trung Quốc 1,7 triệu năm trước (người Nguyên Mưu) và tại Chu Khẩu Điếm 600.000 năm trước (người Vượn Bắc Kinh). Tại Việt Nam, đã phát hiện răng hóa thạch và công cụ thuộc Trung kỳ Đồ Đá Cũ của người Đứng thẳng Homo erectus tại Núi Đọ với tuổi 300.000 năm cách nay. Khảo cổ học cũng xác nhận, khoảng 250.000 năm trước, người Homo erectus hoàn toàn biến mất khỏi châu Á.
Phát hiện An Khê có ý nghĩa tô đậm thêm tấm bản đồ phân bố của người H. erectus ở châu Á. Nó cũng chứng minh dự đoán từ lâu của giới khảo cổ: trên đất Đông Dương cũng như Đông Nam Á có nhiều khả năng tìm được thêm vết tích người H. erectus vì nằm trên cầu nối từ hải đảo Đông Nam Á tới Trung Quốc. Từ khám phá An Khê, ta có thể hy vọng tìm được những di chỉ khác của H. erectus tại Tây Nguyên.
Tuy vậy có điều chúng tôi phân vân: gọi chủ nhân của di chỉ An Khê là người Việt cổ  liệu có thỏa đáng? Theo định nghĩa nhân chủng học, người Việt cổ chỉ có thể cùng loài Homo sapiens với chúng ta hiện nay. Trong khi đó, di truyền học học xác nhận, H. sapiens chỉ xuất hiện tại châu Phi khoảng 200.000 năm trước và di cư sang Việt Nam khoảng 70.000 năm cách nay. Mặt khác, do người Việt trải qua hai giai đoạn phát triển: giai đoạn đầu, thuộc loại hình Australoid tồn tại suốt thời Đồ Đá (khoảng 70.000 tới 45000 TCN), được nhân chủng học gọi là người Việt cổ. Giai đoạn sau (khoảng 4500 TCN tới nay) thuộc chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại [1]. Chủ nhân di chỉ An Khê do khác loài nên không thể gọi là người Việt!
Do vậy, một cách khoa học, chỉ có thể gọi họ là người cổ An Khê hay người Đứng thẳng An Khê.
                                                                                                                           
                                                                                                                             Hà Văn Thùy


1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983.