Đỗ
Kiên Cường
Sau cuộc tranh luận trên
trang viet-studies.info của Trần Hữu Dũng, cựu giáo sư kinh tế Mỹ, năm 2008,
ông Hà Văn Thùy còn nợ tôi câu trả lời về bằng chứng của giả thuyết người Việt
khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước. Trong cuộc tranh luận đó, tôi đã khá nặng
lời khi cho rằng ông Hà Văn Thùy “suy bụng ta ra ... bằng chứng”. Mới đây trên
Văn Hóa Nghệ An online, tôi tiếp tục đòi nợ mà ông Hà Văn Thùy vẫn chưa chịu trả.
Những tưởng sau các sự vụ đó, ông Hà Văn Thùy sẽ im lặng lui vào bóng tối. Nên
tôi khá ngạc nhiên và rất khâm phục lòng dũng cảm và sự dấn thân của ông Hà Văn
Thùy khi thấy bài viết Phê bình bài Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa
trên bằng chứng nhân chủng học phân tử của tiến sỹ Đỗ Kiên Cường. Tuy nhiên
trong khoa học, lòng dũng cảm và sự dấn thân chỉ là điều kiện cần, muốn thành
công thì phải có các điều kiện đủ, điều mà có lẽ ông Hà Văn Thùy còn thiếu. Để
chỉ ra những thiếu hụt đó, tôi xin mạn phép bạn đọc được trao đổi với ông Hà
Văn Thùy một số vấn đề như sau (Để tiện trao đổi, tôi xin trả lời từng vấn đề
theo thứ tự mà ông Hà Văn Thùy đã nêu trong bài phê bình trên VHNA online ngày
15-10-2014 nói trên).
1.Chủng Mongoloid phương Bắc
có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam:
Ông Hà Văn Thùy cho rằng, đó
là một sai lầm nghiêm trọng do thiếu kiến thức sinh học, vì theo ông chủng
Mongoloid phương Nam là con lai của chủng Mongoloid phương Bắc và chủng
Autraloid. Theo ông thì con không thể sinh ra cha!
Tuy nhiên như tôi đã trình
bày rõ trong bài Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng
nhân chủng học phân tử, kết luận của tôi xuất phát từ các khám phá trong 20 năm
qua trong lĩnh vực nhân chủng học phân tử. Tôi đã trích dẫn đầy đủ các công
trình gốc, ông Hà Văn Thùy có thể truy cập internet để tìm hiểu thêm. Ở đây tôi
chỉ xin được nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn không hiểu sự tự mâu thuẫn trong tư
duy của ông Hà Văn Thùy. Một mặt ông đồng ý người Việt có sự đa dạng di truyền
cao nhất trong các sắc dân châu Á; mặt khác ông lại cho rằng người Mongoloid
phương Nam (trong đó có người Việt) là hậu duệ của người phương Bắc (?). Sao lại
tự mâu thuẫn như vậy, thưa ông Hà Văn Thùy?
2. 60.000 năm trước, đợt di
cư đầu tiên men theo ven biển Nam Á, tới Đông Nam Á:
Xin bạn đọc hãy đọc kỹ bài
viết của tôi, xem tôi có viết như vậy hay không. Tôi chỉ viết là khoảng 70.000
- 50.000 năm trước, chứ không phải 60.000 năm! Tôi xin trân trọng đề nghị với
ông Hà Văn Thùy rằng, muốn phê bình người khác, ông nên trích dẫn điều cần phê
bình thật chính xác.
Tại sao ông Hà Văn Thùy đưa
ra con số 60.000 năm trước? Có lẽ vì tôi viết rằng, chàng Adam nhiễm sắc thể Y,
ông tổ của loài người, sống tại Đông Bắc Phi 59.000 năm trước. Tuy nhiên tôi
xin lưu ý bạn đọc rằng, niên đại 59.000 năm trước là con số trung bình trong
toán thống kê. Nó có thể nằm trong khoảng từ 45.000 tới 75.000 năm trước; tuy
nhiên niên đại 59.000 năm trước có xác suất cao nhất (đỉnh của đường cong hình
chuông trong thống kê học). Ông Hà Văn Thùy cũng cho rằng, niên đại này do
Spencer Wells đưa ra. Đó là thông tin sai sự thật. Trong bài viết của mình, tôi
viết rõ đó là khám phá của Underhill và 22 đồng sự năm 2000. Một lần nữa tôi đề
nghị ông Hà Văn Thùy trích dẫn chính xác những gì cần phê phán.
Tôi xin nói thêm về các
thông tin của ông Hà Văn Thùy (cốt sọ Australoid ở hồ Mungo, Úc, 60.000 năm trước
và di cốt Mongoloid tại Quảng Tây 68.000 năm trước) để bạn đọc phán xét. Chính
ông Hà Văn Thùy viết trong phần tài liệu tham khảo rằng, cốt sọ Mungo có tuổi từ
40.000 tới 68.000 năm trước. Vậy nếu phải lấy một con số, thì nó nên là 54.000
năm, chứ không phải 60.000 năm. Hoàn toàn không có mâu thuẫn giữa tuổi của cốt
sọ này với thời điểm rời khỏi châu Phi của người hiện đại mà tôi đã viết, thưa
ông Hà Văn Thùy!
Một thông tin khác mà ông Hà
Văn Thùy đưa ra là di cốt Mongoloid tại Quảng Tây 68.000 năm trước. Tôi cho đó
là một thông tin sai sự thật, theo quan điểm di truyền học. Các nhà khoa học tại
Đại học Fudan (tham gia Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ) thấy người
hiện đại chỉ đến Vân Nam và Quảng Tây 30.000 năm trước mà thôi, như tôi đã nhấn
mạnh trong bài viết của mình. Bạn đọc có thể truy cập mục từ Mongoloid trên
Bách khoa thư mở Wikipedia trên mạng để thấy rằng, năm 1999, nhóm nghiên cứu của
Peter Brown, Khoa nhân chủng học và cổ nhân chủng học, Đại học New England, đã
nghiên cứu hai địa điểm tại Trung Quốc, trong đó có Quảng Tây, và một địa điểm
tại Okinawa, Nhật Bản và nhận thấy các di cốt 10.175 và 33.200 năm trước không
phải là di cốt của người Proto-Mongoloid (tức loại người sẽ trở thành người
Mongoloid trong tương lai gần). Điều đó cũng phù hợp với giả thuyết người
Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện trong vòng 10.000 năm nay, như tôi đã từng
viết.
3. “Dòng gien từ phía Nam hướng
lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc (khoảng 10.000 năm trước) chính là dòng thiên
di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên”:
Để bác bỏ giả thuyết này của
tôi, ông Hà Văn Thùy dẫn cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á của Nguyễn Đình Khoa
năm 1983, cho rằng từ 32.000 năm tới 5.000 năm trước, tại Đông Nam Á và Hoa Nam
chỉ có người Australoid mà thôi. Tôi e rằng ông Hà Văn Thùy đã mắc chứng bệnh
quên trong tâm thần học mất rồi! Ông vừa viết về di cốt Mongoloid 68.000 năm
trước tại Quảng Tây; vậy mà chỉ mấy dòng sau, quên mất điều vừa viết chưa ráo mực,
ông lại bảo ở Đông Nam Á (tính từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống) tịnh không
có người Mongloid nào (!). Đến phần phê bình thứ 5, ông lại viết “người
Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt chân tới Việt Nam
70.000 năm trước”!
Tôi cũng đang cầm trong tay
cuốn sách mà ông Hà Văn Thùy nhắc tới (mà ông đã chép rất nhiều trong cuốn Tìm
cội nguồn qua di truyền học năm 2011 của mình). Do đó tôi cho rằng, dùng một cuốn
sách từ năm 1983 (chưa có các thông tin nhân chủng học phân tử) để bác bỏ các
khám phá di truyền học 30 năm sau là một hành vi phản tiến hóa. Chính ông Hà
Văn Thùy cũng đồng ý với Jared Diamond rằng,
“tất cả những gì thuộc về con người mà không được di truyền học kiểm định, đều
không đáng tin cậy”. Vậy tại sao ông lại không tin các khám phá di truyền học của
Dự án bản đồ gien Hội địa lý quốc gia Mỹ và Tổ chức Bộ gien người HUGO so với
Nguyễn Đình Khoa từ 30 năm trước?
4. “Cho đến thời điểm hiện tại,
chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người
ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước”.
Tôi xin nhấn mạnh lại rằng,
cho đến thời điểm hiện tại, do hiểu biết hạn hẹp, nên tôi chưa biết các bằng chứng
nhân chủng học phân tử của giả thuyết thiên di của người Bách Việt Hoa Nam xuống
Việt Nam 4.000 năm trước và 2.700 năm trước. Nếu có tài liệu gốc, mong ông Hà
Văn Thùy hãy đưa ra để tôi được tham khảo và học hỏi thêm. Những gì ông viết để
phê bình tôi trong phần này đều không thuộc lĩnh vực nhân chủng học phân tử,
thưa ông!
5. “Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên
di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều
nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện
đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người
Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu
da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid
(Proto-Mongoloid)”.
Ông Hà Văn Thùy cho rằng điều
này sai, vì “người Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt
chân tới Việt Nam 70.000 năm trước”. Trên thì ông đồng ý với tôi rằng, người Việt
có sự đa dạng di truyền lớn nhất, ở dưới thì ông lại cho rằng “đa dạng di truyền
của Mongoloid phương Bắc lớn hơn” (?). Vậy là ông hoàn toàn không biết khám phá
của HUGO 2009 về đa dạng di truyền tại châu Á rồi, theo đó sự đa dạng di truyền
giảm dần từ Nam lên Bắc. Còn về chứng bệnh quên của ông Hà Văn Thùy, tôi đã nhắc
tới ở mục 3, nên không nhắc lại ở đây. Và việc dùng cuốn sách của Nguyễn Đình
Khoa, 1983, để bác bỏ các bằng chứng di truyền học hiện tại là một sự bất cập về
nhận thức, như tôi vừa nhận xét ở trên.
6. “Đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện
khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á”.
Ông Hà Văn Thùy cho rằng điều
này hoàn toàn sai, vì “ngay tại châu Phi, ba đại đại chủng Europid da trắng,
Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ
85.000 năm cách nay”. Đây là giả thuyết một ông sống với ba bà, sinh ra ba chủng
đen, trắng và vàng nổi tiếng (!) mà ông Hà Văn Thùy từng viết trên tờ Văn Nghệ
của Hội nhà văn Việt Nam.
Để bạn đọc tiện so sánh, tôi
xin lưu ý rằng, quan điểm các chủng Mongoloid (Á) và Caucasoid (Âu) chỉ xuất hiện
hoàn chỉnh 12.000 - 10.000 năm trước là của Richard G. Klein, giáo sư nhân chủng
học và sinh học người thuộc Đại học Stanford danh tiếng. Ông đưa ra giả thuyết
đó trong cuốn The Human Career: Human Biological and Cultural Origins, do Đại học
Chicago ấn hành năm 1999. Để viết cuốn sách đó, ông dẫn ra 2537 tài liệu tham
khảo, trong đó có 21 công trình của chính ông. Số tài liệu đó chiếm 148/744
trang sách! Còn giả thuyết “một ông ba bà” của ông Hà Văn Thùy chỉ là sự tư biện
không hơn không kém. (Nếu không đồng ý, tôi đề nghị ông Hà Văn Thùy đưa ra các
bằng chứng không thể bác bỏ của giả thuyết kỳ dị này). Và nếu phải đặt cược giữa
nhà văn Hà Văn Thùy và giáo sư nhân chủng học Richard G. Klein, tôi không bao
giờ bỏ tiền vào cửa nhà văn của chúng ta, thưa bạn đọc!
7.Tôi đã trả lời đầy đủ và
rõ ràng mọi phê phán của ông Hà Văn Thùy. Tuy nhiên tôi thấy cần nói thêm một
điểm, đó là nhận xét về Chu, Oppenheimer và Wells. Bạn đọc không chuyên có thể
không biết rằng, trong phạm vi tranh luận, Chu chỉ có một bài báo Quan hệ di
truyền của cư dân Trung Quốc trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học Mỹ năm
1998, còn Oppenheimer là một bác sỹ nhãn khoa chuyên viết sách phổ biến kiến thức
về nhân chủng học phân tử. Trong khi đó, Spencer Wells là giám đốc Dự án bản đồ
gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ. Do đó, công bố của Wells là kết quả chung của
hàng trăm nhà khoa học trên khắp thế giới được mời tham gia dự án. Chính vì vậy
tôi cho rằng, chỉ có thể dùng Wells để bác bỏ Chu hoặc Oppenheimer (nếu phải
làm như vậy), chứ không phải ngược lại, như ông Hà Văn Thùy quan niệm.
8. Cuối cùng, tôi xin thưa với
bạn đọc rằng, tôi không quy kết ông Hà Văn Thùy “đa thư loạn thuyết hoang tưởng”
hoặc “thày bói xem voi”, vì tôi cho rằng, những ngôn ngữ như thế không nên xuất
hiện trên một diễn đàn văn hóa. Tôi chỉ xin được chúc ông Hà Văn Thùy nhiều sức
khỏe và may mắn.
TP Hồ Chí Minh ngày
16-10-2014
THƯA BẠN ĐỌC
Đọc bài “Trả lời ông Hà Văn
Thùy” trên Văn hóa Nghệ An, tôi quá nản vì không biết phải ứng xử ra sao? Muốn
tranh luận, người tham gia phải có những tri thức tối thiểu về chuyên môn để có
thể hiểu được nhau. Đằng này, ông Cường do thiếu kiến thức cơ bản về sinh học,
di truyền học, khảo cổ học nên chỉ biết nhai lại một cách sống sít sách báo nước
ngoài rồi nói năng hàm hồ vong mạng!
Chẳng hạn, năm 1958 tại
Thông Thiên Nham, Lưu Giang Quảng Tây, khảo cổ học phát hiện bộ xương người
Mongoloid 68.000 năm tuổi. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng, bộ xương là của một
người ái nam ái nữ. Đó là phát hiện mang tính kinh điển của khảo cố học, được phổ biến trên nhiều sách báo, thành một
mục trên Wikipedia. Vậy mà ông Cường cho là giả!
Tại hồ Mungo nước Úc, nay đã
thành sa mạc, người ta phát hiện ba hộp sọ LakeMungo 1 (LM1), LakeMungo 2 (LM2)
LakeMungo 3 (LM3), có độ tuổi từ 40.000 đến 68.000 năm cách nay. Điều này cho
thấy, các sọ là của người Australoid bản địa, từng sống tại đây từ 68 tới
40 nghìn năm trước. Vậy mà, như các bạn chứng kiến, ông Cường lấy số trung
bình, cho rằng, người Mungo chỉ có 54.000 năm tuổi!
Nguyên lý di truyền học xác định, cá thể đầu dòng mang độ đa dạng di truyền
cao nhất của chủng loại. Khoảng 180.000 năm trước, trên đất Ethiopia, có một số cá thể Homo erectus đột biến trở thành những
cá thể Homo sapiens đầu tiên. Mặc nhiên, những cá thể Homo sapiens đầu tiên
này mang độ đa dạng di truyền cao nhất
của loài chúng ta. Cùng dưới màu da đen châu Phi nhưng trong genom của những cá
thể này đã có đặc trưng khác nhau Australoid, Mongoloid và Europid. Khi ra
ngoài châu lục Đen, những tính trạng ẩn chứa trong mỗi con người được bộc lộ. Nếu
không thể hiện những đặc tính Australoid thì làm sao nhân chủng học xác định được
hộp sọ tìm thấy tại hồ Mungo là của người Australoid? Cũng vậy, bộ xương người
Lưu Giang là của người Mongoloid? Và những người 40.000 năm trước vượt eo
Bosphorus vào châu Âu là người Europid? Cứ dựa theo ông này ông khác để nói “chủng
Mongoloid điển hình chỉ xuất hiện 10.000 năm trước” sao khỏi mang tiếng nói dựa
vào những điều mình không hiểu!
Trong cuốc sống, nhiều vật
cũ, nhất là sách cũ bị thời gian loại thải nhưng không thiếu, đồ cũ, sách cũ
càng lâu ngày càng cao giá. Nhân chủng học
Đông Nam Á là công trình như thế. Đầu thập niên 1960 từ Liên Xô về, Phó tiến
sỹ Nguyễn Đình Khoa tiếp thu gia tài nhân chủng học do Viện Viễn Đông Bác Cổ để
lại, bởi những bậc thầy nhân chủng học người Pháp. Sau thời gian khảo sát lại,
ông nhận ra, những phân định của học giả Pháp không chính xác. Thời gian này có
thêm hơn 30 cốt sọ do khảo cổ Việt Nam phát hiện. Ông tập trung phân tích 70 cốt sọ người Việt
cổ từ thời Đồ Đá tới thời Kim khí rồi đối chiếu với những sọ tìm được ở khu vực
Đông Nam Á. Luận văn của ông khi báo cáo ở Liên Xô, được trao bằng Tiến sĩ khoa
học. Năm 1983 được xuất bản thành sách Nhân chủng học Đông Nam Á. Vào mùa Thu
năm 1983, tình cờ tôi mua được cuốn sách bìa màu nâu, in giấy đen, giá 13 đồng,
trong hiệu sách duy nhất của thị xã Rách Giá. Mua như là một kỷ niệm về một thời
quá vãng chứ tôi không hề nghĩ nó có ích lợi gì với mình. Nhiều lần cầm lên đọc
rồi lại đặt xuống: cuốn sách quá xa với chuyên môn của mình và càng xa hơn với
công việc viết văn làm thơ hiện tại. Nhưng hơn 10 năm trước, khi tập trung
nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, cuốn sách của người thầy xưa thực sự trở thành
cẩm nang dẫn đường cho tôi. Nếu câu mọi
con đường đều dẫn tới thành Roma đúng thì bằng con đường khảo sát cốt sọ cổ,
chính cuốn sách này, trước các nhà di truyền học ¼ thế kỷ đã chỉ ra: “Thoạt kỳ
thủy, trên đất nước ta xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ lai
giống với nhau rồi con cháu họ lai giống tiếp, cho ra bốn chủng Indonesian,
Melanesian, Vedoid và Negritoid, tất cả thuộc nhóm loại hình Australoid. Trong
đó người Lạc Việt Indonesian là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn
ngữ. Nhưng sang thời đại Kim khí,
người Mongoloid xuất hiện, trở thành chủ thể dân cư, người Australoid dần biến
mất khỏi đất này, không hiểu do di dân hay đồng hóa.” Bốn mươi năm qua đi,
nhưng những ý tưởng trên không chỉ chính xác mà còn cụ thể, chi tiết giúp tôi xác định quá trình hình thành dân tộc Việt. Rõ ràng, dù có cuốn
sách trong tay nhưng hiểu được nó là chuyện hoàn toàn khác.
Nhớ lại chuyện cũ. Năm 2008,
từ nước Úc, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, gửi cho tôi điện thư, nói rằng, ông đã đọc
bài của Đỗ Kiên Cường phản biện tôi trên trang Vietstudies-info. Sau khi chỉ ra
những sai lầm của Đỗ Kiên Cường, vị Giáo sư kết luận: “Nói tóm lại là ông này chả biết gì!”
Đúng vậy, vì không thể nói
chuyện với một người “chả biết gì” tôi đành im lặng, nói như ông Cường là “lui
vào bóng tối” để chờ thời gian cùng khoa học làm rõ mọi chuyện.
Thật không ngờ câu trả lời đến
nhanh tới vậy. Ngày 15 Tháng 10 năm 2015, hàng loạt tờ báo lớn đưa tin các nhà
khoa học Đại học London nước Anh phát hiện 47 chiếc răng của người Homo sapiens
80.000 năm trước ở Động Phúc Nham huyện Dao tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Các học giả
của Bảo tàng tự nhiên nước Anh cho rằng, phát hiện này làm sụp đổ quan niệm hiện
hành cho rằng con người rời châu Phi 60.000 năm trước! Điều này cũng có nghĩa
công trình của Spence Wells sụp đổ. Cố nhiên, do dựa chủ yếu vào S. Wells, mọi
lập thuyết của ông Cường tiêu tùng theo!
Tôi đã viết bài Về răng người 80.000 năm trước vừa phát
hiện ở Hồ Nam Trung Quốc. Tiếp đó là bài Con người thực sự rời khỏi châu Phi khi nào. Khám phá khảo cổ mới
cho thấy, chỉ có đợt di cư duy nhất của người hiện đại khỏi châu Phi 85.000 năm
cách nay. Có một nhóm người đi nhanh để tới Đông Á 80.000 năm trước. Nhưng do
nguyên nhân nào đó (có thể là khí hậu trở lạnh dữ dội) đã tiêu diệt nhóm người
này mà dấu vết duy nhất của họ chỉ còn là những chiếc răng vùi nơi hang động.
Trong khi đó, có những nhóm người đi chậm hơn, phải mất 15.000 năm mới tới được
Việt Nam. Họ đã hòa huyết, sinh ra đại bộ phận nhân loại sống ngoài châu Phi
hôm nay…
Tôi đã định im lặng vì không
còn gì để nói thì một bạn đọc nhắn tin: “Đỗ Kiên Cường có bài phản biện đấy!”
Tôi buộc phải viết những dòng này để đáp lễ bạn đọc thân thiết của mình.
Sài Gòn, 2 tháng 3 năm 2016