HỒNG BÀNG NGHĨA LÀ GÌ?


Xưa nay, phần đông chúng ta vẫn hiểu Hồng Bàng là con chim lớn: hồng là lớn, còn bàng là chim. Nhưng mới đây, trong bài khảo cứu công phu TÊN GỌI HỌ HỒNG BÀNG,  đăng trên trang Khoahocnet.com, tác giả Phan Anh Dũng cho rằng Hồng Bàng có nghĩa là Rồng Vàng.
Chúng tôi xin bàn lại đôi điều.
Họ Hồng Bàng xuất hiện cùng việc Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN. Cùng thời điểm này nảy sinh truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Như vậy Rồng xuất hiện từ xa xưa, với vai trò vật tổ của người Việt, là hình tượng hóa của con cá sấu.
Rồng Vàng theo ta hiểu hôm nay gồm danh từ Rồng và tính từ Vàng. Rồng có nguồn cội xa xưa còn Vàng với nghĩa tôn quý ra đời khi nào? Theo tôi, trong hai hoàn cảnh sau:
1. Khi Vàng được phát minh, trở thành thứ kim loại quý hiếm, được dùng trong trang sức và nơi thờ tự linh thiêng. Điều này chỉ xuất hiện khi kỹ nghệ luyện kim cao, phát minh ra lò nung đặc biệt cùng nguồn nhiên liệu có nhiệt lượng lớn. Như vậy, vàng kim loại chỉ ra đời vào giai đoạn sau của Thời đại Kim Khí. Ta biết, hiện vật đồng sớm nhất tìm thấy ở phương Đông là con dao găm có tuổi 1850+/-50 năm TCN. Vàng phải xuất hiện sau thời điểm này.
2. Theo sách sử, chỉ vào thời Chu, khoảng 1100 năm TCN, khi các ông vua độc chiếm màu vàng cho mình và dòng họ: Hoàng long, hoàng tộc, hoàng gia, hoàng bào, hoàng ân… thì màu vàng mới là biểu tượng tôn quý. Trước đó,  vua đầu tiên của Trung Hoa lấy hiệu Hoàng Đế (黃帝)thì cũng chỉ có nghĩa là vị vua của vùng Hoàng thổ.
Do xuất hiện muộn như vậy nên biểu tượng Vàng không thể gắn với Hồng - rồng là danh xưng có mặt trước nó hàng nghìn năm.
Mặt khác, đúng như ông Phan Anh Dũng nhận định, chữ vuông được dùng để ký âm tiếng Việt cổ, nên tình hình có thể như sau:
 Thời đó, do phụ âm chưa phân biệt và thanh điệu chưa xác định nên trong tiếng Việt cổ có thể có những dạng: krong à hồng à sông à long à rồng. Vậy Hồng có nghĩa là Rồng. Nhưng chữ Hồng trong Hồng Bàng với bộ Điểu và chữ Giang, ta có thể chắc là chữ để chỉ tên loài chim nước,  có thể là con ngỗng trời, còn gọi là hồng hạc. Vậy chữ Hồng cũng là chim. Thực sự có những con chim mang tên hồng: Hồng hạc, hồng hộc… Thời cổ cũng có khủng long bay, là loài rồng có cánh. Vậy, trong Hồng Bàng, Hồng là chim, là biểu trưng của Tiên.
 Tương tự, chữ Mang (厖)có thể là ký âm của mạng, mãng, vàng.  Ta quen gọi rắn là mãng xà nhưng với người xưa thì mãng cùng là rắn. Hãy nhớ tích Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghiệp để rồi cuối cùng bị con rắn chúa Vương Mãng diệt. Mang là rắn. Rắn cũng là rồng. Trong việc chọn chữ vuông để ký âm tiếng Việt cổ Hồng Bàng sau này, người đầu tiên đã dùng chữ  Mang với nghĩa mãng. Nếu liên hệ tới những biến dạng khác của chữ Bàng , ý nghĩa rồng rắn của từ Mang càng rõ hơn. Do vậy, Hồng Bàng là Chim và Rắn tức là Tiên Rồng.
Ông Phan Anh Dũng nói: “Từ phân tích trên người viết phỏng đoán có thể Hồng Bàng là một từ phiên âm tiếng Việt cổ, được ghi lại về sau khi chữ Hán đã du nhập vào vùng Lĩnh Nam.”  
Tôi cho rằng, chữ Hồng Bàng được ký âm ngay từ thời Kinh Dương Vương tại kinh đô Lương Chử. Có điều đã bị thất lạc hoặc người sau không đọc được. Tại đây phát hiện nhiều chữ giáp cốt:
                                              
                                             Giáp cốt văn Lương Chử
                                 
                                              Hình tượng Si Vưu đầu rồng

Khảo sát văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, mà chắc chắn đó là kinh đô nước Xích Quỷ của Hồng Bàng thị, ta cũng thấy nhiều vật bằng ngọc khắc nhân hình thú diện mà mặt thú là mặt con rồng từng gặp từ thời Tần Hán về sau. Người dân của văn hóa Lương Chử được học giả Trung Quốc xác nhận là người Lạc Việt, được gọi là Vũ nhân hay Vũ dân. (羽人或羽民) Vũ có liên hệ tới chim.
Kết hợp hai yếu tố này, ta thấy truyền thuyết về Hồng Bàng thị với vật biểu Tiên Rồng được chứng minh: Hồng Bàng là Tiên Rồng.
Bài thơ  trên Điện Thái Hòa ở Đại Nội Huế:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu
Có thể dịch như sau:
Nước nghìn năm văn hiến
Muôn dặm rộng cơ đồ
Từ Tiên Rồng mở cõi
Trời Nam một Đường Ngu

                                             Sài Gòn, cuối Đông năm 2015