Truyền thuyết không phải câu
chuyện hư cấu mà là ánh xạ những sự kiện và con người có thật trong quá khứ. Từ
hành trạng của nhân vật Nguyễn Quỳnh thế kỷ XVIII, người nghệ sĩ vô danh sáng tạo
ra hình tượng Trạng Quỳnh dân gian bất tử. Từ câu chuyện xây Loa Thành, cuộc
chiến của Triệu Đà dẫn đến xóa bỏ nhà Thục… dân gian sáng tạo ra thuyền thuyết
Mỵ Châu - Trọng Thủy. Truyền thuyết là
hình ảnh khúc xạ của lịch sử, mang thông điệp mỹ học từ sự kiện lịch sử gửi tới
muôn sau. Trạng Quỳnh không phải là Nguyễn Quỳnh. Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy
là ánh xạ của lịch sử thời An Dương vương.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết
nguyên lý mỹ học, nhiều người đồng nhất Trạng Quỳnh với Nguyển Quỳnh cũng như
tin rằng Mỵ Châu - Trọng Thủy là lịch sử thời An Dương vương. Từ đó dẫn tới những
sai lầm đáng tiếc.
Bài viết đưa ra cách hiểu chân thực về truyền thuyết này.
I. Giải thích lịch sử theo truyền thuyết:
Một thời gian quá dài, vì
chưa có tài liệu thẩm định thời tiền sử nên không chỉ dân gian mà cả nhiều sử
gia đã đựa vào truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy để diễn giải lịch sử giai đoạn
An Dương vương như sau:
- Nhà Thục là vương triều chính thống, được
nhân dân ủng hộ.
- Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc, chiếm nước
Âu Lạc và cướp ngôi của An Dương vương.
- Trọng Thủy là tên gian tế, Mỵ Châu là cô
gái nhẹ dạ cả tin, vô tình phản bội đất nước.
- Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy là bài học
về cảnh giác.
Khi lý giải truyền thuyết
theo sơ đồ như vậy, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cố tình bỏ qua chi tiết quan
trọng: những con trai ăn phải máu Mỵ Châu
thì sinh ngọc và ngọc ấy nếu được rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình sẽ
trở nên tuyệt vời trong sáng! Nhẹ dạ, nông nổi và định kiến, có lẽ chưa bao
giờ họ tự hỏi: Vì sao con sò ăn phải máu
kẻ phản bội lại sinh ngọc? Vì sao ngọc rửa bằng nước giếng tên gian tế trầm
mình lại sáng lên? Nếu để tâm suy ngẫm về chi tiết có vẻ “trái khoáy” này,
có thể họ sẽ tìm ra thông điệp mà người xưa giấu kín!
Vì vậy, một thời gian dài,
ít nhất là từ nửa sau thế kỷ XX, là thời kỳ dân tộc đối mặt với những cuộc xâm
lăng tàn bạo, nhiệm vụ giải phóng đất nước được đặt lên hàng đầu nên cách nhìn
như vậy trở thành chủ đạo, quán xuyến dư luận xã hội. Kết quả không lạ là những
nhà sử học macxit đẩy Triệu Đà từ vị vua khai sáng nước Việt trở thành tội đồ
xâm lược!
II. Lịch
sử soi sáng truyền thuyết
Ngày nay, nhờ những phát hiện
mới về khảo cổ, cổ nhân học, văn hóa học, đặc biệt là di truyền học, chúng ta
nhận ra sự thật lịch sử bị vùi lấp:
1. Thục Phán là người bộ tộc
Âu Việt, hậu duệ dòng họ Khai Minh nước Thục, thuộc địa bàn Tứ Xuyên ngày nay,
một quốc gia của người Việt, độc lập với Văn Lang. Khi nhà Tần diệt nước Thục,
hậu duệ của vua Thục chạy đến vùng Tây Bắc Việt Nam, ở nhờ đất vua Hùng. Sau đó
Thục Phán mạnh lên, diệt Hùng Duệ vương, làm vua nước Việt. Do cùng là người Việt
và cai trị khôn khéo, An Dương vương được người Lạc Việt chấp nhận như vương
triều chính thống.
2. Triệu Đà là người Việt nước
Triệu. Khi Triệu bị Tần chiếm, ông gia nhập quân Tần đánh Văn Lang. Nhà Tần sụp
đổ, ông đã lập nước Nam Việt, dùng quan lại người Việt, cai trị dân Việt. Dùng
võ hoặc dùng mưu, ông thu phục, gồm thâu những tiểu quốc Việt khác vào Nam Việt,
trong đó có Âu Lạc. Về bản chất, việc chiếm Âu Lạc là hành động của thủ lĩnh một
cộng đồng Việt, sáp nhập một cộng đồng Việt khác thành nước Việt mạnh, chống lại
thế lực xâm lược phương Bắc, nhằm bảo toàn non sông và nòi giống Việt.
3. Từ thực tế lịch sử này
soi vào truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy thì thấy: khi đánh Âu Lạc không xong, Triệu
Đà đã dùng mưu kết thông gia để diệt nhà Thục. Đúng là Mỵ Châu và Trọng Thủy dù
vô tình, dù hữu ý đã góp phần làm sụp đổ nhà Thục. Như vậy là có tội với vua
cha An Dương vương. Nhưng trong bối cảnh rộng lớn hơn thì, trên thực tế, nhà Thục
cũng đang trên đường suy tàn vì không người nối dõi. Sau cái chết của An Dương
vương, lúc đó đã 70 tuổi, rất có thể là cảnh tranh giành ngai vàng, nồi da xáo
thịt, Âu Lạc trở thành mồi ngon cho sói hùm phương Bắc. Hơn bao giờ hết, Âu Lạc
cần một minh quân đảm lược, cố kết lòng dân, xây dựng quốc gia mạnh. Dù vô
tình, dù hữu ý tiếp sức cho thắng lợi của Triệu Đà, Mỵ Châu và Trọng Thủy có
công lớn với dân Việt và nước Việt: giúp tránh được cuộc chiến tương tàn, xây dựng
nước Nam Việt rộng lớn và hùng mạnh! Đó là thông điệp quán xuyến xuyên suốt
2000 năm của câu chuyện.
Từ thập niên 1960, khi học
giả Đào Duy Anh áp dụng sử quan mácxít, cho Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc,
loại bỏ kỷ nhà Triệu trong sử Việt đã áp đặt cách nhìn sai lạc về thời kỳ lịch
sử quan trọng này. Với bài thơ “Tôi kể
ngày xưa chuyện Mỵ Châu, trái tim lầm chỗ để trên đầu…” người ta không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn tầm
thường hóa, phá hoại một truyền thuyết đẹp nhất của dân tộc Việt.
III.
Ý nghĩa đích thực của truyền thuyết.
Trong truyền thuyết Mỵ Châu
- Trọng Thủy có những yếu tố siêu nhiên là thần Kim Quy giúp xây thành, cho nỏ
thần giữ nước rồi những con trai ngậm phải máu Mỵ Châu thì sinh ngọc và ngọc
đem rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình thì sáng ra...
Nhờ khám phá hàng vạn mũi
tên đồng tại di chỉ Cổ Loa, chúng ta biết rằng, nơi đây đã từng là chiến trường
ác liệt. Mũi tên đồng với nỏ liên châu là ưu thế quân sự của Âu Lạc. Nhưng đó
không phải là nỏ thần, bắn một phát giết ngàn vạn người. Hình tượng nỏ thần là
biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của Âu Lạc. Chính kế “kết thông gia” đã gây bất
hòa trong triều đình vua Thục và làm người Âu Lạc phân tâm, thiếu cảnh giác, mất
sức chiến đấu, dẫn tới thất bại trước cuộc tấn công bất ngờ của Nam Việt, là nước
nhỏ và yếu hơn. Người kể chuyện đã khôn khéo giấu đi lý do thực sự của thất bại
như đã khôn khéo giấu việc người Lạc Việt chống trả cuộc xâm lăng của Thục Phán
bằng cách chuyển thành hình tượng yêu quái cản phá việc xây thành. Ngay hình tượng
yêu quái ở đây cũng có ý nghĩa biểu trưng: ban đầu, việc chống lại cuộc xâm
lăng của Thục Phán là đúng. Những người hy sinh trong cuộc chiến đấu này đã được
phong thần. Nhưng sau khi An Dương vương ổn định vương vị, dẫn dắt đất nước đi
lên mà những người bảo thủ vẫn chống trả, thì họ đã cản đường tiến hóa, biến thành
ma quỷ phản động,
Bằng hình tượng trai sinh ngọc
và ngọc sáng lên nhở rửa bằng nước giếng Trọng Thủy, người nghệ sĩ dân gian
đánh giá công bằng giữa công và tội của đôi trái gái. Lương tri Việt vô cùng
minh triết và nhân hậu đã chiêu tuyết cho đôi tình nhân. Với ý nghĩa như vậy, Mỵ Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết nhân
bản nhất, đẹp nhất, trong sáng nhất, lãng mạn nhất trong kho tàng văn hóa Việt.
Trong nhiều tầng ý nghĩa,
truyền thuyết này cũng có cả bài học về cảnh giác. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh hoặc
thậm chí coi đó là nội dung duy nhất của truyền thuyết, không chỉ mắc tội làm
nghèo đi gia tài văn hóa lớn mà còn thể hiện sự nông cạn, thiếu chiều sâu nhân bản. Đã đến
lúc trả lại nguyên giá trị nhân văn của truyền thuyết đẹp nhất của văn hóa Việt
đồng thời trả lại sự trong sáng cho cặp tình nhân đầu tiên và là ân nhân muôn đời
của tộc Việt.
Vu Lan năm 2011.