Các hãng thông tấn lớn loan
báo: Nhóm nhà khoa học Đại học Luân Đôn nước Anh vừa công bố trên tạp chí Nature
danh tiếng bản tin làm chấn động thế giới. “Đó
là việc phát hiện 47 răng người hiện đại Homo sapiens có
tuổi 80000 năm ở Động
Phúc Nham, huyện Dao, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Niên
đại này sớm hơn 20 ngàn năm so với thời di cư "Ra khỏi Phi châu" (Out
of Africa) vốn là cột mốc được thừa nhận rộng rãi. Giáo sư Chris Stringer từ Bảo tàng Lịch sử Tự
nhiên London nói kết quả nghiên cứu mới là "điều làm thay đổi cuộc
chơi" trong cuộc tranh luận về chuyện con người đã di cư đi các nơi như
thế nào…”
Về việc này, từ khảo cứu của
mình, tôi xin trình bày như sau:
Năm 2011, trong cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn
học) tôi viết:
“Bước vào thế kỷ XXI, xuất
hiện ba công trình di truyền học khám phá nguồn gốc và sự thiên di của loài người
ra khỏi châu Phi:
1. Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of
Generations in China) của nhóm Y. J. Chu Đại học Texas Hoa Kỳ công bố cuối năm
1998, cho biết:
-
Mọi con người hiện nay có tổ tiên duy nhất ở Đông Phi, ra đời khoảng 160 –
180.000 năm trước.
-
Người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 60-70.000 năm trước. Tại đây
họ gặp gỡ, lai giống và 50.000 năm trước di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ.
40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên Trung
Hoa. 30.000 năm trước, người từ Đông Á qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ.
2. Cuộc hành trình của loài người - một Ođyxê gen (The Journey of Man:
A Genetic Odyssey) của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National
Geographic). Tác giả cho rằng: các luồng di dân bắt đầu giữa 60.000 và
50.000 năm trước. Các du khách sớm theo bờ biển phía Nam của châu Á, tới Úc khoảng
50.000 năm trước. Thổ dân Úc, là hậu duệ của làn sóng di cư đầu tiên ra khỏi
châu Phi.
-
Làn sóng thứ hai rời châu Phi 45.000 năm trước, sinh sôi nhanh chóng và định cư
ở Trung Đông. Khoảng 40.000 năm trước, băng hà bớt cứng rắn, nhiệt độ ấm lên,
con người di chuyển vào Trung Á. Trong quá trình thảo nguyên hình thành, họ
tăng nhân số một cách nhanh chóng. "Nếu châu Phi là cái nôi của loài người,
thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại”
3. Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh Trái đất (Out of Eden Peopling of the
World- http://www.bradshawfoundation.com) và Cuộc hành trình của con người chiếm lĩnh Trái đất (Journey of
Mankind the Peopling of the World- (http://www.bradshawfoundation.com/journey/)
của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford Anh quốc, với những nét chính:
- 160.000
năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi.
- Khoảng 85.000
năm trước (HVT nhấn mạnh), một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ - the Gates of
Grief rồi men theo bờ phía Nam bán đảo Ả
rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này. - Từ 85.000 tới 75.000 năm trước: Từ Sri
Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía Tây Indonesia, sau đó tiến vào
châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới Nam Trung Hoa.
Ba công bố trên cùng công nhận con người xuất
hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 160.000 – 180.000 năm trước. Nhưng trong khi
công trình 1 và 3 cho rằng, cuộc di cư rời châu Phi diễn ra sớm hơn để con người
tới Đông Nam Á 70.000 năm trước và làm nên đại bộ phận nhân loại sống ngoài
châu Phi thì công trình 2 nói, có hai lần rời khỏi châu Phi, vào 60.000 và
45.000 năm trước. Đợt di cư thứ hai mới làm nên phần chủ thể của nhân loại.
Do tài liệu tham khảo mâu thuẫn nên buộc tôi phải
kiểm định lại. Nhờ khảo cổ học phát hiện sọ người Australoid 68.000 năm tuổi tại
hồ Mungo châu Úc và bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang Quảng Tây 68.000 tuổi
nên có thể khẳng định, cuộc di cư khỏi châu Phi phải diễn ra trước 60.000 năm cách
nay. Mặt khác, những chứng tích khảo cổ học không ủng hộ ý tưởng “Trung Á là vườn trẻ của nhân loại” như
S. Wells nói. Cuộc hội thảo về cuốn sách của S. Wells cho thấy khá nhiều ý kiến
chống lại tác giả. Điều này chứng tỏ công bố của Spencer Wells không phù hợp thực
tế. Tôi đã loại sách này khỏi tài liệu tham khảo.
Kết hợp nghiên cứu của nhóm Y.J. Chu, Stephen
Oppenheimer và nhiều nguồn tư liệu khác, tôi đề xuất:
- 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid
và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới thềm Biển Đông của Việt Nam. Tại
đây họ gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian,
Melanesian, Vedoid và Negritoid, do người đa số Lạc Việt Indonesian lãnh đạo về
xã hội và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo
Đông Nam Á, sang Ấn Độ, Miến Điện. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt đi lên
chiếm lĩnh Trung Quốc và 30.000 năm trước vượt eo Beringa chinh phục châu Mỹ.”
(hết trích)
Có thể nhận định về phát hiện
ở Động Phúc Nham như sau:
1.Trong ba công bố di truyền
học kể trên, tuy tài liệu của Spencer Wells không phù hợp thực tế nhưng do uy
tín của National Gepgraphic nên nó vẫn được nhiều người sử dụng. Vì vậy, không
ít người vẫn cho rằng, cuộc ra khỏi châu Phi bắt đầu từ 60.000 năm trước. Cố
nhiên, khi phát hiện răng người ờ Hồ Nam 80.000 tuổi, không ít người “bật ngửa”!
Họ quên rằng, từ thập niên 1970s đã phát hiện bộ xương Lưu Giang Quảng Tây và sọ
người Mungo châu Úc 68000 tuổi và năm 2009 tìm thấy sọ người ở hang Tam Pa Ling
nước Lào 63.000 năm tuổi. Vào thời điểm trên đã có mặt ở châu Úc thì cố nhiên họ
phải rời châu Phi trước đó nhiều nghìn năm! Những phát hiện này từ lâu đã bác bỏ
tài liệu của S. Wells và khẳng định con người rời châu Phi trước 60.000 năm trước!
Trên thực tế, “khám phá Động
Phúc Nham” không hề mâu thuẫn với tài liệu của Stephen Oppenheimer “85.000
tới 75.000 năm trước: Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía
Tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo
tới Nam Trung Hoa.” Rõ ràng, con người có mặt ở lục địa châu Á vẫn sau thời
điểm xuất phát 5000 năm! Không có điều gì bất bình thường ở đây!
Vì vậy, phát hiện Động Phúc
Nham chỉ “chấn động” với những ai thiếu bản lĩnh khoa học mà tin vào tài liệu
sai lầm của S. Wells: “Con người rời châu Phi sớm nhất là 60000 năm
trước”
2. Có thể đưa ra một kịch bản
về răng người ở Động Phúc Nham như sau:
Khoảng 85000 năm trước, con
người bắt đầu rời châu Phi. Đó là những cuộc di cư tự phát của từng nhóm nhỏ 10
tới 15 người. Đi, kiếm sống, sinh con đẻ cái rồi nằm lại dọc đường và con cháu
đi tiếp... Có những nhóm riêng rẽ từ bờ biển Srilanca tới vịnh Thái Lan rồi vào
thềm Biển Đông, sau đó xâm nhập Nam Trung Hoa và 80000 năm trước chiếm lĩnh Động
Phúc Nham. Nhưng đúng lúc này, khí hậu trở lạnh dữ dội, khiến nhóm người tiên phong bị tuyệt diệt. Kết
quả là họ không để lại di duệ mà bằng chứng là không thấy xương cốt con cháu họ
trong vùng cũng như không phát hiện ADN của họ trong bộ gen người Trung Hoa hiện
nay.
Khoảng 70000 năm trước (chậm
hơn nhóm đầu khoảng 10000 năm) đông đảo người di cư tới Đông Nam Á. Có những
nhóm nhỏ đi tiếp lên bắc Đông Dương rồi do khí hậu quá lạnh phải dừng lại. Di cốt
người Lưu Giang Quảng Tây 68000 tuổi thuộc nhóm di cư này.
Bộ phận đông hơn, tập trung
tại đồng bằng Hải Nam (Hainanland) là thềm Biển Đông hiện nay. Họ gặp gỡ, lai
giống sinh ra người Việt cổ chủng Australolid để rồi 40.000 năm trước, nhờ khí
hậu ấm áp, người Việt đi lên chiếm lĩnh Hoa lục và 30000 năm trước sang châu Mỹ.
Người Trung Hoa và thổ dân Mỹ hiện nay là di duệ của nhóm này.
Chính do vậy, các khảo sát
di truyền học chỉ phát hiện ADN của lớp người từ Việt Nam lên Hoa lục 40000 năm
trước.
3. Răng người Động Phúc Nham
chưa được khảo sát ADN nên độ tuổi của
nó chưa
thật chính xác. Nếu khi xác định bằng ADN cho số tuổi chính xác (điều
mà các phòng thí nghiệm châu Âu đã làm với 5000 chiếc răng hóa thạch phát hiện ở
châu lục này), lớn hơn 85000 năm thì đó là chuyện gây chấn động lớn, buộc các
nhà di truyền học phải xét lại nghiên cứu của mình!
Kết luận: Cùng rời khỏi châu
Phi 85000 năm trước, nhưng nhóm tiên phong tới Nam Trung Hoa 80000 năm trước bị
diệt vong. Chỉ lớp người tới thềm Biển Đông 70.000 năm trước mới tồn tại và làm
nên dân cư phương Đông hôm nay.
Phát hiện răng người Động
Phúc Nham Nam không phủ nhận những khám phá di truyền học cho rằng con người
phương Đông hôm nay là hậu duệ của cuộc di cư tới Đông Nam Á 70000 năm trước.
Sài Gòn, 18. 10. 2015