Khó mà nói gì về một giai phẩm,
vừa sinh ra đã được tặng giải sách hay
rồi mới bốn tuổi được tái bản tới ba lần. Trên bìa của nó in những lời có cánh
của những học giả danh tiếng. Khen ư? Khác nào khen phò mã tốt áo! Chê ư? Chắc
sẽ thêm một lần mang tiếng ghen ăn ghét ở!
Công bằng phải nhận rằng, là
dân tay ngang, nhưng do tâm huyết với lịch sử, đặc biệt lá quê hương Quảng Nôm
của mình, ông Hồ Trung Tú đã có gan lao vào chốn học thuật gai góc mà các bậc
thầy, các đàn anh tránh né. Đóng góp lớn của ông là lần đầu tiên tập hợp được
lượng tư liệu phong phú nhất liên quan tới đề tài, trong đó đặc biệt giá trị là
những tư liệu điền dã mà chỉ những người bám trụ cả đời như ông mới may mắn có
được. Có thể nói, để viết cuốn sách, tác giả đã vắt kiệt tư liệu cùng tâm huyết
của mình, điều đáng trân trọng trong tình trạng học thuật chợ chiều hiện nay.
Tuy nhiên, cũng phải thấy sự thật là, khi bắt
tay viết sách, tác giả chưa có được bề sâu văn hóa cần thiết để có thể giải quyết
công việc một cách rốt ráo. Với đề tài đầy bí ẩn và nhạy cảm này, chỉ tri thức
của 500 năm là không đủ. Điều tiên quyết, cái sống còn cho công việc là phải biết,
trước 500 năm đó là gì? Vì chỉ khi minh thị vấn đề này mới có thể nói chuyện Có 500 năm như thế! Rất tiếc là khoa học
nhân văn thế kỷ XX của tác giả không có tri thức này, còn những phát hiện của
thế kỷ mới thì ông chưa cập nhật! Chính vì thế, công trình rơi vào tình trạng
tiên thiên bất túc. Bàn về cuộc tranh chấp Việt Chàm nhưng tác giả thực sự chưa
biết Việt là ai, Chàm là ai? Đâu là văn hóa Chàm, đâu là văn hóa Việt? Làm một
công trình phương ngữ học nhưng rõ ràng, nguồn gốc của các phương ngữ Việt ông
không nắm được! Nói về cuộc đụng độ văn minh Ấn Độ-China nhưng ông chưa hiểu thực
chất Ấn Độ, Trung Hoa là gì?
Do vậy, công trình của ông giống ngôi nhà xây
trên móng tạm. Xin cung cấp một vài suy nghĩ hầu mong có thể bổ ích chút nào cho
khảo cứu của ông.
1. Việt là ai? Chăm là ai?
Không riêng ông Hồ Trung Tú,
đến nay nhiều học giả vẫn cho rằng người Việt và người Chăm là hai
dân tộc (nation) khác nhau. Đấy là sai lầm lớn dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng
là không thể giải quyết dứt điểm những vấn đề thuộc về dân cư, văn hóa khu vực.
Vì vậy, trước hết cần làm rõ chuyện này. Nhân chủng học thế kỷ trước và di truyền
học thế kỷ này xác nhận: suốt thời Đồ Đá,
dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình
Australoid. Nhưng sang thời Đồ Đồng, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở
thành chủ thể dân cư Việt Nam. Người Australoid biến mất.
Như vậy là, từ khoảng 2000
năm TCN, trên đất Việt Nam chỉ còn duy nhất
chủng người Mongoloid phương Nam. Điều này có nghĩa là, trên đất Việt Nam
chỉ có duy nhất dân tộc Việt (nation) cùng chung văn hóa và tiếng nói, gồm các
sắc dân (races) Mèo, Thái, Mán, Mường, Kinh, Chăm, Khmer, Banah, Êđê… Do hoàn cảnh
lịch sử, thời xa xưa chưa có đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung nên
người Mèo, Thái, Mán, Mường… sống tập trung từ miền Trung lên phía Bắc. Người
Chăm, Khmer, Banah, Êđê… từ Nam Trung Bộ xuống phía Nam, chủ yếu dựa vào những
đồi thấp và thung lũng của dải Trường Sơn.
Khoảng 500 năm TCN đồng bằng
sông Hồng được bồi tụ. Người Mường từ miền Trung kéo ra, người Tày, Thái, Dao,
Mán, Mường từ trung du, miền núi Bắc Bộ kéo xuống, người từ phương Bắc trở về.
Cùng nòi giống, văn hóa và tiếng nói, những dòng người hòa hợp với nhau trên
châu thổ trẻ đang khai phá, sinh ra người Kinh – ban đầu là người đồng bằng,
sau với nghĩa người kẻ chợ. Do ưu thế của môi trường sống và văn hóa, người
Kinh trở thành sắc dân đa số và tiến bộ của cộng đồng dân tộc Việt. Có thể sớm
hơn ít nhiều, tại đồng bằng miền Trung cũng diễn ra hiện tượng tương tự: người Kinh
kẻ chợ miền Trung ra đời.
Cho đến thiên niên kỷ đầu
Trước Công nguyên, từ Nam Dương Tử qua Đông Dương tới Mã Lai, Nam Dương là một
cộng đồng thống nhất về huyết thống, tiếng nói và văn hóa do các vua Hùng thống
lĩnh về mặt tinh thần. Người ta cho rằng, trống Đông Sơn ở Tây Nguyên, Mã Lai,
Indonesia là quyền trượng mà các vua Hùng trao cho thủ lĩnh khu vực.
Khi bị Bắc thuộc, một lằn
ranh hành chính lập ra ngăn cách Việt Nam với phia Nam. Do mất liên hệ với
trung tâm Văn Lang, các thủ lĩnh vùng xưng vương, lập các vương quốc Phù Nam,
Lâm Ấp, Chân Lạp… Mối quan hệ truyền thống của người Việt từ xa xưa bị ngăn
cách. Rồi sau đó, để lấp khoảng trống văn hóa, người phía Nam tiếp thu văn hóa Ấn.
Việc nhà Trần quản trị hai
châu Ô, Rí từ 1306 là sự nối lại quan hệ cộng đồng tộc Việt từ xa xưa. Cuộc giằng
co 500 năm trên đất Quảng Nam mà xưa nay cho là cuộc tranh chấp Việt Chàm, thực
ra, về bản chất, đó là việc người Kinh hòa huyết với người Chăm để thực hiện
Kinh hóa sắc dân Chăm về di truyền và ngôn ngữ. Đó là quá trình hình thành của
dân Quảng Nam.
Như vậy là, lịch sử Quảng Nam được hình thành
trên đất Việt với người Việt và văn hóa Việt. Ở nhà sàn, mặc váy (xà rông), búi
tó, ăn trầu, xăm mình… không chỉ của sắc tộc Chăm mà đó là văn hóa của người Việt
từ Nam Dương Tử, qua Đông Dương tới tận Mã Lai Đa Đảo. Xin hỏi nhà văn Hồ Trung
Tú: nếu Bắc Bộ không có nhà sàn thì câu tục ngữ trâu gõ mõ, chó leo thang là của xứ nào? Ai từng tế sống vợ: Bà đi đâu vội bấy để lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa…?
Còn câu ca dao Kẻ thì mớ bảy mớ ba/ Người
thì áo rách như là áo tơi nói với ta điều gì? Phải chăng cái váy nhiều tầng
của đàn bà Chăm chính là trang phục “mớ bảy mớ ba” xa xưa của phụ nữ Bắc Bộ? Chỉ
căn cứ vào vài hiện tượng đơn lẻ bề ngoài mà vội quy kết thành khác biệt dân tộc
sao tránh khỏi khiên cưỡng?!
2.
Các phương ngữ Việt hình thành như thế nào?
Theo quan niệm truyền thống,
các học giả cho rằng, người Việt xuất hiện ở đồng bằng sông Hồng rồi di cư tới
miền Trung, sau đó vào Nam đã tạo ra ba phương ngữ: phương ngữ Bắc Bộ, phương
ngữ miền Trung và phương ngữ phía Nam. Nhưng sang thế kỷ này, khi đi tới tận
cùng cội nguồn tộc Việt, mới nhận ra sự việc không phải vậy. Thanh Nghệ Tĩnh
chính là nơi tổ tiên chúng ta định cư đầu tiên. Vì vậy, phương ngữ Thanh Nghệ
là phương ngữ gốc của tộc Việt
Khi châu thổ sông Hồng hình
thành, người Thanh Nghệ (chủ yếu là Thanh Hóa) đi ra, góp phần làm nên con người
và tiếng nơi này. Do sống chung với nhiều sắc dân khác và cũng do thời gian
hình thành quá dài nên tiếng nói Bắc Bộ xa dần ngữ âm Việt cổ. Tuy nhiên, vùng đất
cổ Sơn Tây lưu dấu ấn tiếng Việt cổ rất rõ do dân tụ cư lâu đời. Tiếng nói người
miền ven biển Nam Định, Thái Bình khá nặng lại có nhiều từ Việt cổ vì một bộ phận
dân nơi đây từ xứ Nghệ theo Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ ra lập nghiệp vào giữa
thế kỷ XIX.
Khi Nam tiến, người miền Trung đem tiếng việt
cổ vào Nam: Tiếng miền Trung chia cho cả Bắc và Nam. Năm 1977 vào Rách Giá, tôi
ngạc nhiên khi bắt gặp vùng ngôn ngữ lạ. Sống ở Tây Nam Bộ nhiều năm, tôi nhận
ra đó là dấu vết từ vựng và cả ngữ âm tiếng Việt cổ miền Trung trong giọng nói
bà con địa phương. Điều này có thể giúp trả lời thắc mắc của tác giả: Tại sao
con lợn, bắp ngô ở ngoài Bắc lại biến thành con heo, trái bắp ở trong Nam? (trang140,
lần in đầu). Lý do đơn giản vì không phải từ gốc đồng bằng Bắc Bộ mà là gốc miền
Trung. Ta còn gặp nhiều nhiều hiện tượng “chia gia tài ngôn ngữ” thú vị:
Trung
Bắc Nam
sắc/bén sắc
bén
Khổ/đau khổ
đau
Lười/biếng lười
biếng
Lợn/heo lợn
heo (tuy vậy vẫn không bỏ được bánh da lợn)
Ngô/bắp ngô
bắp
3.
Về chuyện đụng độ văn hóa Ấn Độ-China
Cho rằng văn hóa Việt là sản
phẩm của cuộc đụng độ giữa hai nền văn hóa Ấn Đô-China là ý tưởng của các học
giả Viễn Đông Bác cổ. Nhưng thực tế cho thấy, cả người đề xuất ý tưởng này lẫn
những người ăn theo nói leo chẳng hề biết Ấn Độ là gì, Trung Hoa là gì! Trong khi
thực tế, văn hóa Trung Hoa hình thành trên cơ sở văn hóa Việt. Còn Ấn Độ? Sự thực
là thế này. Khoảng 80.000 năm trước, trên đường từ châu Phi sang phương Đông,
người tiền sử đã theo cửa sông Hằng chiếm lĩnh đất Ấn. Nhưng 74000 năm trước,
núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào, phủ lớp nham thạch dầy 5 mét trên tiểu
lục địa Ấn, tận diệt khoảng 10.000 người và tạo nên mùa đông nguyên tử hàng
nghìn năm trên đất này. Khoảng 70.000 năm trước, người tiền sử đặt chân tới Việt
Nam. 65000 năm trước, có những người Nguyên châu Phi Australoid từ Việt Nam đi
về phía Tây tới Ấn Độ, trở thành cư dân đầu tiên trên đất Ấn (Năm 2009, tại
hang Tam PaLing Bắc Lào, phát hiện sọ 63000 năm tuổi, là người của đợt di cư
này). Khoảng 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư tới Ấn Độ, sau này được
gọi là người Dravidian, làm nên nền văn hóa nông nghiệp sông Indus rực rỡ. Khoảng
2000 năm TCN, người du mục Arien từ Ba Tư xâm lăng Ấn Độ, tiêu diệt và bắt người Dravidian làm nô lệ rồi
áp đặt văn minh Bà La Môn. 500 năm TCN, hoàng tử Tất Đạt Đa người Dravidian, do
thấm nhuần văn hóa nhân bản Việt tộc, sáng lập Phật giáo. Khoảng thế kỷ V-VI Phật
giáo Ấn Độ du nhập đất Chăm. Là tôn giáo dựa trên nhân bản Việt tộc nên Phật
giáo hòa vào xã hội Chăm một cách tự nhiên. Tới thế kỷ XII, sau khi trục xuất Phật
giáo, Ấn Độ chuyển sang Ấn giáo với kinh Upanishad. Tuy nhiên, so với Bà la
môn, Ấn Độ giáo nhân bản hơn: sự phân biệt
đẳng cấp bớt khốc liệt, chế độ nô lệ bớt gay gắt. Người Chăm tiếp thu tôn giáo
này trên cơ sở đạo Phật.
Do văn hóa Trung Hoa hình
thành trên cơ sở văn hóa Việt nên từ xa xưa người Việt nhận thức rằng Hoa Việt đồng văn đồng chủng nên ngay ở
đồng bằng sông Hồng việc chống đối văn hóa Trung Hoa không phải xu hướng chủ đạo
mà chỉ là chống lại những yếu tố du mục dị biệt do kẻ thống trị áp đặt. Còn ở đất
Quảng Nôm xa lơ xa lắc không hề có bóng dáng quan lính Trung Hoa và ngay cả nhà
Nho rồi chữ Nho cũng hiếm, vậy thì làm sao nơi này có chuyện đụng độ văn hóa
Hoa Việt? Phải chăng nói về sự đụng độ văn hóa Ấn Độ-China trên đất Quảng là tưởng
tượng?
4.
Về việc hình thành tiếng nói Quảng Nam.
Muốn nói việc việc hình
thành tiếng nói Quảng Nam, trước hết phải bàn tới chuyện hình thành người Quảng
Nam. Xin trở lại một chút về quá khứ. Cho đến hơn 2000 năm TCN, người từ Nam miền
Trung trở về Nam là người Việt chủng Melanesian. Khi gặp gỡ người Mongoloid
phương Nam từ Trung Quốc trở về, hai dòng người hòa huyết sinh ra lớp người có
ngoại hình khác đôi chút với người phía Bắc như da ngăm đen, tóc xoăn, vóc dáng
thấp hơn. Nhân chủng học gọi là dạng
Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Tiếng nói là tiếng Việt
cổ, thuộc nhánh Melanesian, là nguồn gốc của ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo. (Cho đến
nay, các học giả của chúng ta vẫn theo nhận thức cũ, cho rằng, người Chăm là
dân Mã Lai-Đa Đảo, từ các đảo ngoài khơi du nhập. Nhưng thực tế, Chăm là hậu duệ
người Melanesian sinh ra tại Việt Nam 70.000 năm trước, là tổ tiên của người
Malayopolyneisian). Cho tới đầu Công nguyên, trên đất miền Trung, những sắc dân
Việt sống hòa đồng. Nhưng khi người Trung Hoa chiếm đóng, đã tạo ra ranh giới
hành chính phân chia cộng đồng Việt thành hai quốc gia. Sau hơn 1000 năm bị
ngăn cách về hành chính, tiếng Chăm chắc chắn có biến đổi. Trong khi đó, người
miền Trung và tiếng miền Trung đất Việt cũng được Kinh hóa. Người ta lầm tưởng
Việt và Chăm là hai dân tộc (Nation). Khi nhà Trần quản lý đất châu Ô, châu Rí,
quan lại người Việt do không hiểu phong tục địa phương, lại tiêm nhiễm cách
nhìn phân biệt chủng tộc của phương Bắc nên coi người Chăm là ngoại tộc, man
di. Vì đất Quảng là cửa mở duy nhất của con đường Nam tiến nên thường xuyên xảy
ra cuộc tranh chấp Việt-Chiêm khốc liệt, gây nên những bất bình, khổ đau cho
hai bên, mà người Chăm phải gánh chịu phần nặng nề. Lịch sử đã làm xong công việc
của nó. Nhưng đánh giá thế nào còn do sự hiểu biết cũng như thái độ nhân văn của
mỗi sử gia. Tôi cho rằng, hình thành người
Quảng Nam là quá trình chuyển hóa một bộ phận người Chăm thành sắc tộc Kinh.
Ông Hồ Trung Tú cho rằng, tiếng Quảng Nam hình thành do người đàn bà chăm nói
tiếng Việt. Thiết nghĩ, đó là một nguyên nhân nhưng không phải là cơ bản. Bởi lẽ,
tiếng Chăm là tiếng Việt cổ nên tiếng nói vẫn gần gũi tiếng Kinh miền Trung từ
nền tảng. Và như vậy, tiếng Quảng Nam là
kết quả của sự chuyển hóa tiếng Chăm thành tiếng Kinh đất Quảng.
Cho rằng tiếng Quảng Nam đơn
thuần do người Chăm nói tiếng Việt mà thành có gì đó không ổn. Bởi lẽ, nếu đó
là sự thật thì phải có những vùng Chăm khác nói tiếng Việt như người Quảng Nam.
Nhưng không hề có trường hợp thứ hai như vậy. Về nguyên lý, tiếng Chăm nơi đây
cũng là ngôn ngữ chung của cộng đồng Chăm, không khác tiếng Chăm Ninh Thuận,
Bình Thuận, thậm chí của người Chăm Indonesia. Vậy vì sao người Quảng Nam có tiếng
nói khác biệt đến thế? Điều này dẫn tới giả định, người Chăm đất Quảng Nam có giọng
nói riêng của mình. Theo thiển nghĩ, đó chỉ có thể là sản phẩm địa
phương, hình thành do khí trời, do mạch đất, do nguồn nước, cái mà dân gian gọi
là thổ
ngơi đặc biệt của xứ Quảng. Khi chuyển sang nói tiếng Kinh đã nói theo
giọng đó!
Một câu hỏi đặt ra: tiếng
nói từ Quảng Ngãi trở vào được hình thành như thế nào? Đó là tiếng miền Trung
theo bước di dân. Do hoàn cảnh lịch sử, những cuộc di dân sau này thuận lợi
hơn, đưa người miền Trung, người Quảng Nam vào Bình Định, Phú Yên. Rồi từ đây
chiếm lĩnh đất Đồng Nai. Do con đường vào Nam khai thông và đất phía nam mở ra
mênh mông nên di dân không còn phải như thời trước, giành đất với người Chăm. Bởi
vậy, các làng Chăm hầu như giữ được cuộc sống truyền thống của mình. Nhờ đó,
người di cư vẫn giữ tiếng nói miền Trung. Tuy nhiên, theo thời gian âm sắc miền
Trung cũng nhạt dần.
3.
Kết luận
Nói cho cùng, văn hóa, lịch
sử là sản phẩm hoạt động của con người. Một khi chưa biết đích xác chủ nhân của
nền văn hóa hay lịch sử thì mọi chuyện bàn về nó chỉ là ăn ốc nói mò. Thế kỷ
trước, để tìm nguồn gốc con người, khoa học dựa vào cốt sọ, hòn đá, mảnh gốm rồi
tiếng nói của các tộc người… Kết quả thu được không chỉ rất hạn chế mà còn dẫn
tới những sai lầm nghiêm trọng. Jared Diamond, giáo sư Đại học California, tác
giả của những cuốn sách lừng danh: Loài
tinh tinh thứ ba; Thép, súng và vi trùng; Sụp đổ… có câu nói đáng phải suy
ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những
mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền
học xác nhận, đều không đáng tin cậy!” 15 năm nay, nhiều cơ quan khoa học
hàng đầu thế giới đưa ra hàng tấn cứ liệu di truyền học xác nhận không chỉ nguồn
gốc người Việt mà cả nguồn gốc con gà, con chó, con lợn do người Việt thuần hóa
đầu tiên trên thế giới. Không những thế, chỉ với 195 đôla gửi cho National
Geographic cùng với mẫu nước miếng, người ta có thể biết chính xác tổ tiên mình
hàng nghìn hàng vạn năm trước! Điều lạ là vì sao nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú
không biết tới điều này mà chỉ rị mọ quanh những tài liệu thế kỷ XX không chỉ
cũ kỹ mà còn sai lầm, khiến cho công trình của ông không những không giải quyết
căn cơ vấn đề mà còn kéo học thuật lùi lại tới nửa thế kỷ.
10. 10. 2015
Sau khi gửi bài viết cho nhà văn Hồ Trung Tú, tôi nhận được hồi âm từ ông:
Cảm ơn anh đã bỏ công đọc và
viết bài, nhưng tôi thấy hình như anh chưa hiểu vấn đề.
- Anh đã đẩy vấn đề đi quá
xa, đến vài ngàn năm trước trong khi tôi chỉ khoanh chuyện gì xả ra ở Quảng Nam
trong giai đoạn 1306-1802
- Chuyện gì xảy ra trong
giai đoạn đó? Dĩ nhiên đó là mối quan hệ Cham-Việt. Chăm là gì Việt là gì? Tôi
thấy không cần cần phải lùi lại vài ngàn năm để biết Cham là gì hoặc Việt là
gì. Tôi chỉ dựa trên sử liệu vì dụ như Chế Bồng Nga - Trần Nhân Tông để biết đó
là hai dân tộc khác nhau, hai vương quyền khác nhau, hai ngôn ngữ khác nhau,
hai văn hóa khác nhau. Và điều quan trọng nhất cần được mổ xẻ là chuyện gì xảy
ra khi hai dân tộc khác nhau đó ở cạnh nhau, các làng da báo xen kẽ nhau suốt
500 năm đó để dấu vết gì trong tâm hồn người Quảng Nam ?
- Việc biến âm trước sau gì
cũng phải làm nhưng bây giờ là không thể vì ta chưa biết được người Chàm lúc đó
ở Quảng Nam có nói cùng ngôn ngữ với người Chàm ở Ninh Thuận nay không. Và
chúng ta cũng chưa biết thứ tiêng Việt và người Chàm học , tiếp thu để nói là
thứ tiếng Việt gì, có giống nay không. Nhiều người ở Viện ngôn ngữ nói không.
Đó là chưa nói tiếng Việt mà người Chàm tiếp thu là tiếng Việt của vùng Thái
Bình Hưng Yên hay tiếng Việt vùng Thanh Hóa. Còn nếu tiếp thu tiếng Việt vùng
Nghệ Tĩnh thì sẽ càng khác nữa.
- Vì các làng Chàm nói tiếng
Việt sớm muộn khác nhau nên ta có giọng miền Trung khác nhau từ Quảng Nam vào
Quảng Ngãi, Bình Định , Phú Yên. Nếu Quảng Nam nói tiếng Việt từ 1306 thì tiếng
Việt chỉ xuất hiện ở Phú Yến sau 1650. Và dấu vết lịch sử đó để trên giọng nói
khác nhau cùng vùng trung trung bộ này.
- Lập luận của anh về chỗ phủ
định cách nhìn cuộc va chạm hai nền văn minh, tôi không hiểu tại sao anh đấy vấn
đề đi xa để làm gì vậy. Cụ thể, và có thật là trong các thế kỷ 14-17 đó ở Quảng
Nam có hai dân tộc, bất kể họ có nguồn gốc xa xưa thế nào, nhưng cụ thể và sự
thật là họ nói hai ngôn ngữ, theo hai tôn giáo khác nhau, bảo vệ các chuẩn mực
văn hóa khác nhau, áo quần khác nhau (Ghi chép của Nguyễn Trái nói dân ở đây sống
lẫn với người Man) và Quảng Nam được gọi là tỉnh Kẻ Chàm. Sự khác nhau đó có
xung đột hay không , như bên thì thờ bò bên thì ăn bò thì cả làng mở hội. (Nó cấm
dân ta mổ thịt - chiếu bình Chiêm) Tôi nghĩ là xung đột gay gắt.
- Trong hai lần xuất bản sau
tôi có nói nhiều về vấn đề giọng nói. Nếu anh cho là do thổ nhưỡng, phong thổ
môi trường thì có lẽ nên mới các nhà hóa học vào cuộc xem chất gì nưh Sắt, đồng,
kém, hay vi lượng nào đó tác động lên giọng nói... chứ chuyện này thì tôi tin
các nhà ngôn ngữ klhi họ nói: Một ngôn ngữ biến đổi là dô một cộng đồng ngôn ngữ
nào đó đã từ ngôn ngữ của mình để nói một ngôn ngữ khác.
Tôi biết, anh đang tâm huyết
vấn đề đi tìm nguồn gốc dân tộc Việt,nên mới lấy cuốn sách này làm cớ để nói những
điều anh tâm huyết nhưng tôi nghĩ anh nhầm chỗ rồi. Nói thật, việc truy tìm nguồn
gốc dân tộc Việt nó khá lý thú, điều này tôi cũng đang đâm đầu vào, và tên sách
của tôi có thể sẽ là : "Có 1.000 năm như thế" . Hi.... Quả thật có rất nhiều vấn đề lý thú, trong đó
tôi hy vọng sẽ giải mã được giọng nói Khu 4 (Nam Thanh Hóa đến hải Vân), tại
sao lại có vùng phương ngữ lạ như vậy.
Sẽ gửi tặng anh bản in lần
thứ ba, nếu anh chưa có. Xin anh lại địa chỉ.
Mong có dịp gặp anh
HTT