VỀ CUỐN SÁCH CỦA LUẬT SƯ CUNG ĐÌNH THANH


 Hiện có những ý kiến khác nhau quanh cuốn sách Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học của Luật sư Cung Đình Thanh. Là người từng cộng tác với nhóm Tư Tưởng và đã đọc sách này, tôi xin phát biểu như sau.
1.    Luật sư Cung Đình Thanh là người rất có tâm. Ông đã bỏ nhiều công sức và trí truệ để tìm lại cội nguồn dân tộc. Có thể nhận thấy, tác giả đã tham khảo một khối lượng lớn sách, tạp chí, không chỉ của tác giả nước ngoài mà còn gần như tất cả sách của tác giả trong nước. Hầu hết đó là những tài liệu gốc, bằng bản in, được đọc trong thư viện hay tủ sách riêng. Số tài liệu đọc trên mạng không nhiều. Chỉ căn cứ vào sách tham khảo, ta thấy ông là nhà bác học thực sự ở chỗ đọc rộng, với tầm bao quát sâu trên nhiều vấn đề. Lượng sách tham khảo rất chọn lọc của ông đáng làm ta kính nể vì vị thế của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
2.    Do tiếp cận tài liệu Genetic Relionship of Population in China của nhóm J. Y. Chu và Eden in the East của Stephen Oppenheimer nên công trình của Luật sư Cung Đình Thanh là cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng Việt trình bày việc: người từ châu Phi di cư tới Đông Nam Á rồi từ đây đi lên khai phá Trung Hoa. Do vậy, đó cũng là cuốn sách đầu tiên cùng lúc phản bác quan niệm được thừa nhận rộng rãi là con người từ phía nam Tây Tạng xâm nhập Trung Hoa rồi đi xuống Việt Nam cũng như quan niệm cho rằng người Việt do dân cư các đảo Đông Nam Á xâm nhập: “Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS Đại học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Đại Việt sử ký toàn thư đến Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim … nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.” (trang 298)
Có thể nói, ở thời điểm xuất hiện, nó tiến xa nhất trên con đường tìm về nguồn cội. Chính vì vậy, tôi đã viết bài “Cảm ơn Luật sư Cung Đình Thanh” để tri ân khi ông qua đời.
3  Tuy nhiên, ở thời điểm này, do các tài liệu về di truyền dân cư Đông Á chưa nhiều nên kết quả nghiên cứu của tác giả cũng bị hạn chế. Có sự thật là, sau công bố gây chấn động của nhóm J.Y. Chu, nhiều trung tâm di truyền học lớn trên thế giới “giật mình”, buộc phải kiểm định đề xuất của nhóm này. Sau đó nhiều nghiên cứu được công bố, như The Journey of Man: A Genetic Odyssey của Spencer Wells thuộc National Geographic, Out of Africa peopling in the world của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford… Những nghiên cứu này không chỉ ủng hộ mà còn soi sáng một số vấn đề chưa rõ ràng của nhóm J.Y. Chu. Tài liệu J.Y.Chu ở phần đầu (abstract) cho rằng, có một nhánh người tiền sử từ châu Phi qua ngả Ấn Độ tới Trung Á, rồi vào Trung Quốc nhưng phần cuối (results), lại nói một cách yếu ớt: (người từ châu Phi) Không nhất thiết phải theo ngả Trung Á. Không chỉ Luật sư Cung Đình Thanh,  nhóm Tư Tưởng mà chính tôi cũng theo ý ban đầu của tài liệu, đưa tới chỗ giải thích không thỏa đáng con đường di cư của người tiền sử. Rất may là, tài liệu của Oppenheimer đưa ra lời khẳng định: không có chuyện người tiền sử qua ngả Ấn Độ vào Trung Á mà chỉ có dòng di cư duy nhất rời châu Phi 85.000 năm trước, theo bờ biến Ấn Độ Dương tới thềm Biển Đông của Việt Nam. Do thiếu những thông tin như vậy, công trình của Luật sư Cung Đình Thanh còn những hạn chế.
4. Kiến giải của tác giả về sự hình thành dân cư trên đất Việt Nam: “… ở địa điểm đâu đó, có thể là ở lưu vực con sông nay mang tên sông Hồng, vì may mắn đã hội đủ cơ duyên nên có đột biến di truyền, và do đó, từ giống hắc chủng (da ngăm, tóc xoăn) đã biến đổi thành giống hoàng chủng (da vàng, tóc đen, sợi thẳng). Từ đó họ mới bắt đầu di chuyển lên hướng Bắc, nay là đất Trung Hoa…” (trang 296) là không có cơ sở. Khảo cổ học phát hiện, người Mogoloid phương Nam chỉ xuất hiện 5000 năm TCN tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ.
 Tóm lại, Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học của Luật sư Cung Đình Thanh là tài liệu có thể tham khảo để mở rộng tri thức. Tuy nhiên, nó chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề về nguồn gốc con người và văn hóa Việt.
                

                                                                   Ngày 21. 6. 2014