ĐÔI LỜI BÀN LẠI VỚI ÔNG TẠ ĐỨC



Sau khi công bố ba bài viết quanh cuốn sách của ông Tạ Đức, tôi cho rằng đã đủ. Nhưng do mấy lời “trao đổi với ông Hà Văn Thùy” của tác giả, tôi thấy cần một sự minh bạch và sòng phẳng, nên thưa lại đôi điều. Nhờ phát hiện của ông Tạ Đức, tôi nhận ra mình đã sai khi cho văn hóa Phùng Nguyên thuộc Thời Đá Mới và người Phùng Nguyên là người Australoid. Chân thành cảm ơn ông Tạ đức và xin lỗi bạn đọc về sự bất cẩn này. Bây giờ, xin tiếp tục câu chuyện trên mặt bằng mới.

1.                Tìm nguồn gốc tộc người là công việc của khoa học tự nhiên, của Vạn vật học, cụ thể là bộ môn Nhân chủng học. Do nhận thấy cốt sọ tập trung nhất đặc tính nhân chủng nên phương pháp khảo sát hình thái sọ được sáng tạo để định loại các chủng người. Đây là phương pháp đo đạc, tính toán, thống kê, so sánh. Vì vậy thành công phụ thuộc vào số lượng sọ được phân tích. Trong những trường hợp không tìm được cốt sọ, người ta buộc phải qua khảo sát công cụ đá, đồ gốm, ngôn ngữ… để phỏng đoán. Tuy nhiên độ chính xác của những phương pháp này có nhiều hạn chế. Rất may là ở Việt Nam, số lượng cốt sọ cổ tìm được khá nhiều. Sau khi phân tích 70 cốt sọ từ Thời Đá Mới tới thời Kim Khí, giáo sư nguyễn Đình Khoa, trong Nhân chủng học Đông Nam Á khẳng định:
-         Trên đất nước ta, người thời Đá Mới thuộc chủng Australoid
-         Người Thời Kim Khí thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
Về người Việt, người Mường, kết hợp ý kiến của Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương, ông cho rằng từ người cổ Anhđônedien (tiền Việt Mường hay ngôn ngữ Nam Á) phân ra một nhánh Anhđonediên hiện đại (Chứt) và nhánh thứ hai là trung gian (Việt Mường chung)à Nam Á (Việt Mường)[trang 129]. Như vậy, người Việt và người Mường cùng chung một gốc.
Đấy là tình hình nghiên cứu của thế kỷ XX. Sang thế kỷ này, do áp dụng công nghệ di truyền, nhân chủng học trở thành khoa học chính xác gần như tuyệt đối. Jared Diamond, Giáo sư Đại học Calyfornia, tác giả những cuốn sách lừng lẫy: Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép, vi trùng Sụp đổ, nói một câu đáng suy ngẫm: “Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học kiểm định sẽ không đáng tin cậy.” Những khám phá di truyền học dân cư Đông Á thập niên vừa qua hoàn toàn phù hợp với công bố của Nguyễn Đình Khoa: Người Việt cổ Australoid ở cuối Thời Đá Mới tiếp xúc với người Mongoloid sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam, là tổ tiên chung của người Kinh (Việt), Mường cùng các sắc tộc trên đất Việt Nam.
Với công nghệ di truyền, việc xác định nguồn gốc người Việt- người Mường không chỉ dễ dàng mà còn chính xác gần như 100%. Bạn có thể thử bằng cách: lấy mẫu ADN (máu, tóc, nước bọt) của một người Việt và một người Mường, gửi tới Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic), kèm theo 190 USD (mỗi mẫu 95$). Không tới tháng sau, sẽ nhận được kết quả. Từ nhiều năm nay, việc này đã được thương mại hóa. Không có gì ngạc nhiên khi gần chục năm trước, người ta tìm ra chính xác hậu duệ của người băng sống cách chúng ta 5000 năm.
3. Về sự hình thành người Phùng Nguyên.
 Ở cuối văn hóa Đa Bút, cách nay khoảng 4500 năm, người Mongoloid phương Nam di cư tới, chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Việt Nam bước vào Thời đại Kim Khí. Ngôi mộ Mán Bạc chôn chung người Australoid và người Mongoloid cho thấy, tới 2000 năm TCN, người Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể của dân cư Việt Nam.
Đúng là người Mongoloid đã từ phương Bắc xuống. Tuy nhiên chỉ khi biết nguồn gốc họ từ đâu, xuất hiện trong hoàn cảnh nào, chúng ta mới có thể giải được bài toán về dân cư Việt Nam thời Phùng Nguyên.
Khảo sát các văn hóa đá mới trên đất Trung Hoa, ta thấy,
khoảng 5000 năm TCN, người Mongoloid phương Nam xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều thuộc trung lưu Hoàng Hà và văn hóa Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Chiết Giang. Có thể giải thích hiện tượng này như sau:
-         Về người Ngưỡng Thiều: từ lâu, người Mongoloid phương Bắc sống du mục ở phía bắc Hoàng Hà và người Việt chủng Australoid làm nông nghiệp ở bờ nam. Giữa họ có sự tiếp xúc qua lại, cố nhiên dẫn tới hỗn hòa. Kết quả là chủng người mới Mongoloid phương Nam ra đời. Nhưng vào thiên niên kỷ V TCN, việc tiếp xúc tăng cường, tại bờ nam, người lai Mongoloid phương Nam sinh ra nhiều hơn và trở thành chủ thể văn hóa Ngưỡng Thiều.
-         Về người Hà Mẫu Độ: từ lâu, người Mongoloid nguyên chủng từ thềm Biển Đông theo bờ biển đi lên đông bắc Trung Quốc. Có những nhóm dừng lại ở vùng cửa sông Dương Tử, sống bằng săn hái mà nghề chính là đánh cá. Khoảng 5000 năm TCN, nước biển rút, người Việt Australoid làm nông nghiệp từ đất liền tiến ra ven biển. Tại cửa sông Chiết Giang, họ gặp nhau và người Mongoloid phương Nam ra đời rồi trở thành chủ thể của văn hóa Hà Mẫu Độ. Có một hiện tượng di truyền học cần nói rõ: người Lạc Việt, chủng Indonesian là thành phần đa số trong dân cư Đông Á. Tuy mang mã di truyền Australoid nhưng trong huyết quản họ tỷ lệ máu Mongoloid cao nhất. Vì vậy, khi được bổ sung lượng nhỏ máu Mongoloid thì như giọt nước tràn ly, con cháu họ sẽ chuyển hóa sang Mongoloid phương Nam. Điều này giải thích vì sao, khi tiếp xúc với người Mongoloid, dân cư Đông Á nhanh chóng chuyển hóa thành Mongoloid phương Nam.
Tới khoảng 3500 năm TCN, người Mongoloid phương Nam sáng tạo văn hóa Long Sơn tại lưu vực Hoàng Hà. Đây là nền văn hóa đá mới phát triển cao nhất. Khoảng 3000 năm TCN, người Việt chủ nhân văn hóa Long Sơn vùng Núi Thái Sông Nguồn đã thành lập nhà nước do thị tộc Thần Nông lãnh đạo. Khoảng năm 2879 TCN, Đế Minh chia đất, phong vương cho Đế Nghi cai trị lưu vực Hoàng Hà, Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ ở lưu vực Dương Tử. Thời gian này cũng là lúc mà người Mông Cổ mạn bắc Hoàng Hà tăng cường cướp phá phía nam. Đế Nghi và Kinh Dương Vương liên minh chống ngoại xâm. Đế Nghi và Kinh Dương Vương tiếp tục sự nghiệp này. Khoảng năm 2698 TCN, quân Mông Cổ mở trận chiến lớn ở Trác Lộc. Đế Lai tử trận còn Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân vùng Núi Thái Sông Nguồn (Trung Nguyên ngày nay) xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Nghệ An. Tại đây, người con trưởng của Lạc Long Quân được tôn làm vua, hiệu là Hùng Vương. Người Mongoloid của Lạc Long Quân hòa huyết với dân Australoid bản địa, sinh ra người Mongoloid phương Nam Phùng Nguyên, là tổ tiên trực tiếp của chúng ta hôm nay. Sau Lạc Long Quân, người Việt Môngoloid phương Nam từ Trung Hoa tiếp tục di cư về Việt Nam, Malaysia, Indonesia…chuyển hóa toàn bộ dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Cũng như tại Việt Nam, trên toàn bộ Đông Nam Á, khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận dân cư là Mongoloid phương Nam. Đây là sự chuyển hóa di truyền lâu dài mà không phải cuộc xâm lăng thay thế dân cư.
Sau thời gian này, vẫn có người từ Trung Quốc di cư xuống nước ta nhưng không gây nên biến đổi di truyền, vì tất cả đã cùng một chủng. Thế kỷ VII TCN, bắt đầu thời Đông Chu, trên đất Trung Quốc không có biến động lớn nên có lẽ không có chuyện người di cư hàng loạt về phương Nam. Chỉ vào khoảng năm 333 TCN, khi Sở diệt nước Việt, tạo nên cuộc di cư đáng kể của người nước Việt xuống Việt Nam. Tuy nhiên, từ lâu, người Việt của Câu Tiễn và người Việt ở Việt Nam đã cùng một mã di truyền.
3. Về tài liệu của S.W Ballinger
Tài liệu của S.W. Ballinger công bố năm 1992 rất có ý nghĩa trong nghiên cứu dân cư Việt Nam. Khi dẫn ý kiến trao đổi của tôi, không hiểu sao ông Tạ Đức lại đưa thiếu. Nguyên văn đoạn của Ballinger tôi gửi cho ông:Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians. (Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45)”
Trong khi đó, ông Tạ Đức dẫn thiếu câu giá trị nhất: “Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation.” (ADN ty thể con người (mtDNAs) từ 153 mẫu độc lập bao gồm bảy dân cư châu Á đã được khảo sát cho sự thay đổi thứ tự.)
Dưới mắt một chuyên gia di truyền học, đoạn trích trên không chỉ cho thấy nguồn gốc Mông Cổ của dân cư châu Á mà còn một thông tin vô cùng quý giá: người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong các dân cư châu Á. Đó là chứng cứ bằng vàng xác nhận: người Việt Nam là tổ tiên của dân cư Hoa lục. Và như vậy, cố nhiên, không thể có chuyện người Môn hay người Lava nào đó di cư xuống, thay thế dân bản địa, trở thành người Việt, người Mường! Nếu có tri thức cơ bản về di truyền học, khi biết chi tiết này, ông Tạ Đức buộc phải điều chỉnh hướng nghiên cứu của mình. Điều đáng buồn: ông Tạ Đức không đọc S.W. Ballinger nguyên bản mà đọc đoạn trích từ tài liệu của học giả Trung Quốc Hui Li. Cố nhiên, không thể có thông tin quan trọng trên!
4. Do ông Tạ Đức nhắc tới Trần Trọng Dương, Tạ Chí Đại Trường, tôi xin thưa lại như sau.
Khoa học là khám phá, là sáng tạo nhưng trong đó cũng đầy rẫy chuyện ăn theo nói leo kiểu bầy đàn. Do không có nền khoa học cơ bản độc lập nên hầu hết kiến thức chúng ta phải nhận từ học giả nước ngoài. Mặt khác, do thiếu bản lĩnh khoa học, không thẩm định được sai đúng của tài liệu nên phần nhiều học giả Việt Nam phải tiếp thu một cách thụ động. Hệ quả là nhiều khi sai theo thầy. Cũng lắm nỗi cười ra nước mắt khi thầy tỉnh ngộ “đổi gió” mà ta vẫn “kiên định” làm kẻ bảo hoàng hơn vua! Đó là chuyện của Trần Quốc Vượng, năm năm sau khi ông thầy Tây chôn vùi “Multiregional theory” vẫn đăng đàn cả quyết: “Việt Nam ủng hộ thuyết đa vùng của nguồn gốc loài người !”  Là chuyện của những vị Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh xưa và nay là Nguyễn Tài Cẩn học từ thầy Tây để dạy  dân “Tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán.” Đó là chuyện An Chi: “Không chỉ Kẻ, Mơ mà tới Buồng, Phòng… đều là từ Hán, 100% made in China!” Không chỉ thế, trên Petro Times ông ta còn vùi dập một cách tàn độc công trình tiếng Việt cổ của thầy giáo Đỗ Văn Xuyền, một phát hiện có giá trị khoa học và nhân văn rất lớn. Đó là Trần Trong Dương không chỉ phản bác những phát hiện của Lê Mạnh Thát về cấu trúc ngữ pháp Việt trong văn Hán cổ mà còn nghe theo thầy Tây Liam Kelley xóa bỏ Kinh Dương Vương trong sử Việt! Đó là Tạ chí Đại Trường lớn tiếng phỉ báng Kim Định, con người thiên tài tìm lại được hồn của dân tộc sau hàng nghìn năm lưu lạc… Trước việc làm của các “bậc thầy văn hóa” đó, tôi buộc phải lên tiếng. Quý vị trả lời hay không với tôi không quan trọng. Đáp án đáng tin nhất với tôi là của Thời gian!
Trong nghiên cứu khoa học, tài liệu tham khảo có ý nghĩa quyết định. Không phải mới hay cũ mà vấn đề là chất lượng tài liệu. Trong khi cập nhật những thông tin mới nhất để tìm lại cội nguồn dân tộc, tôi không quên nhìn lại quá khứ, tìm cái mạch chẩy của trí tuệ nhân loại, qua đó kiểm định tri thức của mình. Mặt khác, cũng là việc trả lại sự công bằng cho tiền nhân. Suốt thế kỷ XX, trường phái Đông phương học Pháp cười nhạo H. Frey. Duy chỉ có chàng trai trẻ người Ba Lan Przyluski, trong hai năm 1936-1937, dũng cảm đứng lên chống lại cây đại thụ ngôn ngữ Maspéro để bảo vệ lẽ phải. Theo quy luật chân lý thuộc về số đông và kẻ mạnh, anh đã thất bại. Nhưng với phát hiện của khoa học nhân văn hôm nay, những người Việt có lương tri phải kính cẩn nghiêng mình trước hai người anh hùng trên. Không chỉ tài năng mà cái làm nên thành công vĩ đại của H. Frey là nhờ sự từng trải. Là người Pháp, từng công tác tại Tây Phi, lại sống nhiều năm ở Đông Dương, ông tinh tế nhận ra mối liện hệ giữa tiếng nói các dân tộc châu Phi, Tây Á và Việt Nam. Không những thế, còn có những từ Việt trong tiếng Pháp! Vì thế ông dám viết: L’Annam, Mere des Langues! Như vậy là, trước di truyền học một thế kỷ, ông đã tìm ra ADN- ngôn-ngữ, dấu vết cuộc hành trình về phương Đông của tổ tiên chúng ta. Việc thiên hạ cười nhạo rồi những người adua cười theo như ông thầy Vương Hoàng Tuyên của học giả Tạ Đức không phải là vô cớ: với nhãn quan thực dân, người ta giảng giải ngược H. Frey: tiếng Pháp sinh ra tiếng Việt! Nhưng cười sau mới là cười đúng. Nay thì sự thật đã được trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật: từ 40.000 năm trước, người Việt đã di cư sang châu Âu, hòa huyết với người Europid từ Trung Đông lên để sinh ra tổ tiên người da trắng! Cùng với máu huyết, tổ tiên chúng ta để lại châu Âu cả tiếng nói của mình!
Điều sau cùng tôi muốn nói:
Tìm nguồn gốc tộc người là công việc của khoa học tự nhiên, của Vạn vật học, cụ thể là bộ môn Nhân chủng học. Ngày nay với công nghệ di truyền, xác định nguồn gốc chủng người là việc dễ dàng và chính xác. Phải tiêu tốn 10 năm công sức và tâm trí để diễn giải sai một công việc được hoàn thành tốt đẹp từ 30 năm trước, không chỉ là nỗi đau của một nhà nghiên cứu!

                                                                         Sài Gòn, 15. 6. 2014