TÌM XUẤT XỨ CÂU CA: CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA


 Trong chuyên luận Tìm gốc gác và niên đại Hùng Vương*, chúng tôi công bố khảo cứu cho thấy, vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Đông Trung Quốc là nơi phát tích của người Việt hiện đại. Tuy nhiên do hạn chế về tài liệu, chúng tôi mới lý giải được nửa câu ca Công cha như núi Thái Sơn mà còn nợ, chưa làm rõ nửa sau Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nay xin được trả món nợ hầu bạn đọc.
                                                   *
Trong phần lớn trường hợp, ở vế sau của câu ca, chữ trong nguồn không viết hoa. Điều này cho thấy, trong quan niệm phổ cập, đó không phải là danh từ riêng. Có nghĩa đó là từ dùng chung cho mọi sông suối, nguồn nước. Suốt nhiều năm tháng, chúng tôi cũng cho là như vậy. Nhưng khi suy nghĩ kỹ lại thì thấy không phải thế. Câu ca là một câu đối nghiêm chỉnh. Một khi Thái Sơn là địa danh cụ thể, không phải là “núi lớn” chung chung thì trong nguồn bắt buộc cũng phải là một địa danh! Chúng tôi cho đó là dòng suối, dòng sông trong vùng Thái Sơn. Tuy nhiên tìm khắp vùng Thái Sơn không hề có địa danh này. Vì vậy, trong chuyên luận trên, chúng tôi không thể nói thêm được gì!
Rất may, trong một lần trao đổi qua điện thoại, nhà nghiên cứu Đỗ Thành từ Sacramento cho biết: “Trong Nguồn là tiếng Việt gọi vùng đồng bằng miền trung của sông Hoàng Hà. Hiện nay tên Hán Việt là Trung Nguyên. Nhiều địa danh Việt trên đất Trung Hoa vẫn được ghi theo lối nói chính trước, phụ sau của người Việt: Sơn Đông – vùng đất ở phía đông núi; Sơn Tây – vùng đất phía tây núi hay Hà Bắc, Hà Nam… Vùng đồng bằng miền trung sông Hoàng Hà, người Việt gọi là Trong Nguồn. Khi người Mông Cổ vào chiếm rồi con cháu họ là người Hoa Hạ, chỉ cần “phang ngang” trong à trung; nguồn à nguyên là có địa danh Hán Việt: Trung Nguyên.” Ông còn cho biết: “Sở dĩ người Việt gọi vùng đất này là Trong Nguồn là do có con sông Nguồn hay Ngọn Nguồn. Do người Hoa Hạ không nói được phụ âm “ng” nên gọi trại là sông Hon hay Hòn theo giọng cao thấp khác nhau. Sau này chuyển hóa dần Hon, Hòn thành Hớn rồi thành Hán Thủy vào thời Đường. Vì vậy, trên bản đồ Trung Quốc hiện nay không có sông Nguồn cũng như Trong Nguồn mà chỉ có Trung Nguyên với Hán Thủy.” Hán Thủy còn gọi là Hán Giang, nằm ở tả ngạn sông Dương Tử với chiều dài khoảng 1.532 km, diện tích lưu vực của nó khoảng 174.300 km². Sông Hán Thủy bắt nguồn từ miền tây nam tỉnh Thiểm Tây, tại khu vực Bàn Trủng Sơn thuộc huyện Ninh Cường sau đó chảy tới tỉnh Hồ Bắc. Nó tiếp nhận nước của các sông Tư Thủy Hà, Đổ Hà, Đan Giang, Đường Bạch Hà rồi đổ vào sông Dương Tử tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Trong khi những con sông khác nhận nước từ tuyết tan của các dãy núi thì Ngọn Nguồn nhận nước mạch từ lòng đất của dãy Tần Lĩnh chảy theo nhiều con suối tạo thành. Trong các chi lưu làm nên sông Nguồn có dòng Đan Giang dài 800 km, nước xanh đen nên ngày xưa tiếng Việt gọi là sông Đen, sau này người Hoa gọi trại đi thành Đan Giang. Nhưng sau khi đổ vào sông Nguồn (Hán Thủy) thì nước trở nên trong suốt và cho đến nay, Hán Thủy là con sông ít bị ô nhiễm nhất ở Trung Quốc.
Phát hiện của nhà nghiên cứu Đỗ Thành giúp chúng tôi nhìn thấy sự thực lịch sử sau:
Năm 2700 TCN, người Mông Cổ thắng trận ở Trác Lộc (nay là huyện Trác Lộc, bờ nam Hoàng Hà, phía bắc Bắc Kinh) vào chiếm đất Trong Nguồn của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Do đồng bằng phì nhiêu nên đây được coi là đất phát tích của người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ đã đổi tên đất thành Trung Nguyên, tên sông thành Hán Thủy.
Còn người Việt, do thua trận Trác Lộc, Đế Lai hy sinh (sau này do căm thù ông nên người Mông Cổ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu.) Lạc Long Quân cùng đoàn quân dân Việt dùng thuyền xuôi Hoàng Hà, ra biển rồi đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống Nghệ An. Có thể diễn ra cuộc chạy loạn lâu dài của một bộ phận người Việt ở đất Trong Nguồn về Việt Nam. Đó là vào năm 1400 TCN, vua Bàn Canh nhà Thương đánh chiếm đất của người Việt, lập nhà Ân rồi từ đây tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng. Trong cuộc chống lại nhà Ân xâm lăng đã xuất hiện hình tượng anh hùng cứu nước trẻ tuổi. Người về Việt nam mang theo hình tượng này trong truyền thuyết Thánh Dóng.
Như đã trình bày ở bài trước, người Việt vùng Thái Sơn và Trong Nguồn di cư về Việt Nam đã chuyển hóa di truyền người Việt cổ Australoid ở Việt Nam thành người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam.
Để ghi nhớ cội nguồn, tổ tiên ta đã khắc địa danh Núi Thái - Trong Nguồn vào tấm bia miệng bền vững mà hôm nay, nhờ ánh sáng của khoa học nhân loại, chúng ta giải mã được. Và câu ca quen thuộc được viết như sau:
                        Công cha như núi Thái Sơn
            Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra
                                                           Tháng Giêng Quý Tỵ