Con người và tiếng nói Việt Nam được hình thành như thế nào là
một trong những vấn đề mù mờ nhất của lịch sử. Nhiều thế hệ người Việt bỏ công
sức nhằm khai mở điều bí ẩn này nhưng cho tới cuối thế kỷ XX vẫn chưa có câu trả
lời thỏa đáng. Từ đó khiến cho nhận thức mơ hồ, mâu thuẫn về lịch sử, văn hóa. Tất
yếu dẫn tới những quan niệm và hành động thiếu chuẩn mực, phi lịch sử.
Để có được cuốn sử chuẩn mực của dân tộc Việt, thiết tưởng
trước hết cần giải mã điều bí ẩn này. Nhận thấy tầm quan trọng của sự việc,
chúng tôi thử đưa ra một cách lý giải.
I.Những quan niệm về hình thành người Việt trong quá khứ.
Trong quan niệm nguyên sơ, người Việt cho rằng mình thuộc
dòng máu đỏ da vàng, phát tích từ Núi Thái, Trong Nguồn, là con Rồng cháu Tiên,
thuộc họ Hồng Bàng, có tổ là Kinh Dương Vương, cha Lạc Long Quân và được sinh
ra từ bào thai của Mẹ Âu Cơ nên tất cả đều là đồng bào.
Vào Trung đại, có sự phân biệt hai khái niệm người Việt
và người Việt Nam. Người Việt Nam chỉ tất cả dân cư bản địa sống
trên đất Việt Nam gồm người Kinh và các sắc dân thiểu số. Trong đó duy nhất
người Kinh được gọi là người Việt. Các “dân tộc” thiểu số sống ở miền
Trung và miền Bắc được gọi là “man”; người sống ở Tây nguyên được gọi là “mọi”
với nghĩa ngoại tộc, không phải người Việt.
Từ nửa đầu thế kỷ XX, theo ý kiến học giả Pháp của Trường Viễn
Đông Bác cổ thì: “Thoạt kỳ thủy, trên đất nước Việt Nam có người Melanesian
sinh sống. Khoảng 1500 năm TCN, do người Arian xâm lăng Ấn Độ, người Indonesian
từ Ấn Độ chạy sang, chiếm Đông Dương, đẩy người Melanesian ra các đảo Đông Nam
Á. Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt con cháu Việt vương Câu Tiễn
chạy xuống Bắc Việt Nam, làm nên dân cư Việt Nam hiên nay.” (Đào Duy Anh- Lịch
sử cổ đại Việt Nam - 1939)
Theo sử gia Phan Huy Lê thì thời tiền sử của Việt Nam kéo
dài tới 800.000 năm, với sự xuất hiện của người Đứng thẳng Homo erectus tại di
chỉ Sa Thầy Kon Tum. Khoảng 140.000 năm trước, người Đứng thẳng chuyển hóa
thành người hiện đại Homo sapiens, là tổ tiên người Việt Nam hôm nay, bắt đầu từ
người Sơn Vi qua người Hòa Bình, Bắc Sơn đến người Đông Sơn.
Về tiếng nói, thời Trung đại, tiếng nói của người Kinh được
gọi là tiếng Việt. Tiếng nói của các sắc dân thiểu số được gọi là man ngữ, mọi
ngữ. Ở thời Cận đại, theo quan niệm của học giả phương Tây, tiếng Việt Nam
(Annamite, tiếng của người Kinh) có giai đoạn được xếp vào họ ngôn ngữ
Môn-Khmer, sau được cho là thuộc họ ngôn ngữ Nam Á. Học giả phương Tây cũng xác
định: tiếng Việt vay mượn 60% từ ngôn ngữ Hán.
II. Con người và tiếng nói trên đất Việt Nam theo quan niệm
mới.
Sang thế kỷ XXI, nhờ những khám phá của di truyền và khảo cố
học, khoa học xác nhận loài người Khôn ngoan xuất hiện tại châu Phi khoảng
300.000 năm trước. Khoảng 100.000 năm trước, con người ra khỏi châu Phi, tới
Bán đảo A Rập rồi từ đây lan tỏa ra toàn thế giới. Khoảng 85.000 năm trước, người
di cư châu Phi theo ven biển Ấn Độ đi về phương Đông. 70.000 năm trước, một
dòng người từ phía Tây đảo Borneo tiến về đất Việt Nam. Tại đây, những nhóm di
cư thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid gặp gỡ, hòa huyết sinh ra bốn chủng
người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm
loại hình Australoid. Trong khi đó, có một số nhóm nhỏ người Mongoloid đi
lên Tây Bắc Đông Dương và dừng lại sống săn bắt hái lượm biệt lập trên vùng giá
lạnh này.
Khoảng 50.000 năm trước, do nhân số tăng lên, người Việt cổ
Australoid di cư ra các đảo Đông Nam Á, tới châu Úc. Một nhánh rẽ sang phía Tây,
qua Lào, Thái Lan chiếm lĩnh Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm
lên, người Việt cổ Australoid đi lên Quảng Đông, Quảng Tây rồi từ đây lan tỏa
ra chiếm lĩnh Hoa lục. Cũng thời điểm này, nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc,
theo hành lang Ba Thục đi lên sống săn hái trên đất Mông Cổ. Do giữ được gen
Mongoloid thuần nên sau này được gọi là người North Mongoloid (Mông Cổ phương Bắc).
Khoảng 25.000 năm trước, người Hòa Bình từ Việt Nam mang rìu
đá lên xây dựng văn hóa Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây. 20.000 năm trước người
Tiên Nhân Động làm ra đồ gốm đầu tiên trên thế giới. Khoảng 15.000 năm trước, tại
Đông Nam Á lục địa, có thể lúa và kê được trồng theo lối hỏa canh. Hạt lúa, hạt
kê chưa thuần hóa được đưa lên phía Bắc. 12.400 năm trước, cây lúa nước sớm nhất
được thuần hóa ở Tiên Nhân Động. 9000 năm trước cây lúa và kê được đưa lên lưu
vực Hoàng Hà, xây dựng văn hóa Giả Hồ. 7000 năm trước, cây kê được trồng ở cao
nguyên Hoàng Thổ và bờ Bắc Hoàng Hà. Người Việt cổ Indonesian giúp người Mông Cổ
du mục trồng kê tại văn hóa Hồng Sơn. Do sống gần gũi, hôn phối diễn ra giữa
hai chủng người và người Mongoloid phương Nam ra đời tại làng Bán Pha thuộc văn
hóa Ngưỡng Thiều. Do ưu thế di truyền, người Mongoloid phương Nam tăng nhanh số
lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, xây dựng văn hóa Ngưỡng Thiều,
Long Sơn với hai trung tâm kinh tế văn hóa Thái Sơn và Trong Nguồn. Sau này người
Mongoloid phương Nam được gọi là người Việt hiện đại.
Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu
chiếm đất của người Việt ở miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ
phận người Việt chạy xuống Nam Dương Tử rồi tới Việt Nam, mang gen Mongoloid
chuyển hóa di truyền dân cư Nam Trung Quốc và Việt Nam sang chủng Mongoloid
phương Nam. Đây là quá trình chuyển đổi gen qua tiếp xúc chung sống lâu dài mà
không phải sự thay thế dân cư. Nghĩa địa tại di chỉ Mán Bạc Ninh Bình 2000 năm
TCN có 30 thi hài của người Australoid và người Mongoloid được chôn chung chứng
tỏ điều này. Trong quá trình sống, không hiểu vì lý do gì, hai chủng da đen
Vedoid và Negritoid biến mất khỏi đất Việt Nam, chỉ còn lại hai chủng
Indonesian và Melanesian. Chủng đa số Indonesian giữ vai trò lãnh đạo về ngôn
ngữ và văn hóa, sống tập trung từ miền Trung lên trung du và vùng núi phía Bắc.
Người Melanesian sống từ Nam Trung Bộ vào Nam. Trong quá trình chuyển hóa di
truyền, được nhân học gọi là hiện tượng Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á,
chủng Indonesian chuyển thành người Mongoloid phương Nam điển hình, chủng
Melanesian chuyển thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương
Nam.
Nhìn vào quá trình sinh thành như trên, ta thấy, người Việt ở
châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng được hình thành theo hai giai đoạn.
70.000 năm trước, tại Việt Nam, người Việt cổ mã di truyền Australoid ra đời.
7000 năm cách nay, tại di chỉ Bán Pha tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, người Việt hiện
đại Mongoloid phương Nam được sinh ra rồi lan tỏa ra toàn bộ châu Á. Như vậy, từ
2000 năm TCN, trên đất Việt Nam chỉ có duy nhất chủng người Việt hiện đại
Mongoloid phương Nam sinh sống.
Do nguồn gốc phát sinh và do sống trên những địa bàn khác
nhau, đã hình thành những bộ lạc khác nhau, tuy cùng mã di truyền nhưng khác
nhau về tiếng nói, trang phục và tập quán sinh hoạt. Trong đó tiếng nói của người
Indonesian, được gọi là Lạc Việt là tiếng nói chính trong cộng đồng.
1.Về sự hình thành người kinh.
Có nhiều giả thuyết về sự hình thành của người Việt (Kinh).
Một giả thuyết từ cổ thư Trung Hoa cho rằng, năm 333 TCN, người nước Việt từ
Trung Quốc chạy xuống Bắc Việt Nam, thay thế người Indonesian, trở thành người
Việt Nam, sau được gọi là người Kinh. Khảo cứu của học giả Pháp từ Trường Viễn
Đông Bác cổ cho rằng: “Bắt đầu từ hai nhánh Poọng + Chưt chuyển hóa thành Việt
Mường chung; sau đó do tiếp xúc với nhánh Tày cổ phân hóa thành người Việt
(Kinh) và người Mường.”
Chúng tôi đưa ra giả thuyết: Người Việt gồm nhiều bộ lạc sống
săn bắn hái lượm và nông nghiệp rải rác theo địa hình chia cắt trên vùng trung
du, rừng núi miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Khoảng 300 – 500 năm TCN, nước biển
rút, phần chủ thể của đồng bằng sông Hồng xuất hiện. Người Việt từ miền Trung ra,
từ trung du và miền núi Bắc Bộ xuống, từ Nam Trung Quốc về cùng khai thác đất mới.
Do cùng chủng người với tiếng nói Lạc Việt nên cộng đồng người đễ dàng hòa hợp.
Nhờ môi trường sống thuận lợi, kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện nên
nhân số đồng bằng tăng nhanh. Những trung tâm đô thị ra đời, tạo thành hình
thái dân cư mới là người kẻ chợ, kinh kỳ, chiếm số lượng đông nhất trong dân số,
từ thế kỷ XIII được gọi là người Kinh. Trong khi những người tiếp tục sống tại
các bộ lạc ở trung du và miền núi Việt Nam, vẫn giữ tiếng nói và phong tục tập
quán cũ, trở thành các sắc dân thiểu số. Hiến pháp Việt Nam xác nhận: “Việt Nam
có 54 dân tộc anh em.” Đây là nhầm lẫn đáng tiếc do chưa phân định rõ khái niệm
“dân tộc.” Khoa nhân học xác nhận, nhân loại gồm duy nhất loài
người Khôn ngoan Homo sapiens sapiens. Dưới loài, là chủng (race)
như chủng Mongoloid, Australoid, Caucasoid…
có sự phân biệt về di truyền. Mỗi chủng người (còn gọi là chủng tộc) gồm
những sắc tộc hay sắc dân (ethnicity) khác nhau về
tiếng nói, trang phục, tập quán sinh hoạt nhưng không phân biệt về di truyền.
Đối chiếu tiêu chuẩn của nhân học thì người Việt Nam thuộc dân tộc Việt, bao gồm
54 sắc tộc hay sắc dân.
Cho rằng, chỉ người Kinh mới là người Việt nên từ lâu xuất
hiện quan niệm: người Việt phát tích từ đồng bằng sông Hồng sau đó thực hiện
các cuộc Nam tiến đi về phương Nam. Nhưng thực tế không phải vậy. Từ 15.000 năm
trước, khi làm chủ công cụ đá mới, người Hòa Bình đã nhận tộc danh của mình là
người Việt với ý nghĩa là những người làm chủ búa, việt. Từ 2000 năm TCN, người
Việt cùng một chủng duy nhất Mongoloid phương Nam nên “Việt” trở thành tộc danh
chung của mọi tộc người Việt Nam. Người Kinh là bộ phận tách khỏi các bộ lạc
người Việt, kéo về sống tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung. Nhờ điều
kiện sống thuận lợi đã tăng nhân số và trở thành cộng đồng đông đảo nhất trên đất
Việt Nam.
2. Sự hình thành tiếng nói trên đất Việt Nam
Sống hơn 200.000 năm trên đất châu Phi, người châu Phi đã
trưởng thành về giải phẫu và tiếng nói. Do vậy, khi sang Việt Nam, tổ tiên
chúng ta đã hoàn chỉnh về giải phẫu và tiếng nói. Là cộng đồng sớm định cư và
phát triển kinh tế nông nghiệp, người Việt cổ đã làm giầu thêm tiếng nói của
mình. Trong cộng đồng người Việt cổ, tiếng nói của người đa số Indonesian là chủ
thể. Nhưng mỗi sắc tộc cũng có tiếng nói riêng.
Có nguồn gốc từ tiếng châu Phi nên tiếng Việt là ngôn ngữ
đa âm, vô thanh như hầu hết tiếng nói của thế giới. Thí dụ b’lơi = trời;
Krong = sông; T’lủ = trâu… Trong quá trình sống, ngôn ngữ Việt Nam có xu hướng
đơn giản hóa bằng cách bớt âm phụ. Thí dụ: b’lơi phát âm là trời; krong là
sông; K’lủ thành sủ = con trâu… Sáng tạo chữ viết là xu hướng chung của loài
người. Trong khi đại đa số tộc người khác làm ra chữ biểu âm, ghép vần thì người
Việt cổ sáng chế chữ tượng hình: mô phỏng hình dáng của các vật thể để làm chữ.
Do phương cách chế tạo như vậy nên chữ của người Việt là loại chữ đơn lập: mỗi
chữ chỉ ghi được một âm. Vì thế, một từ đa âm khi muốn được ký âm buộc phải lược
bỏ phụ âm: b’lơi = trời; krong = rồng … Vì vậy, tiếng nói dần trở nên đơn âm. Một
khi tiếng đơn âm xuất hiện thì việc biến thanh cho các âm trở nên dễ dàng: một
tiếng khi phát âm nhẹ hay nặng sẽ mang nghĩa khác: thanh -> thành ->
thánh… Người Việt cổ bắt đầu chế chữ tượng hình khoảng 10.000 năm trước và khắc
trên đá Sa Pa. Theo chân người, chữ tượng hình được đưa lên Cảm Tang Quảng Tây,
Lương Chử Chiết Giang, Bán Pha Sơn Tây, Giả Hồ, An Dương Hà Nam… Khoảng 1500
TCN, khi chiếm đất An Dương của người Việt, lập nên nhà Ân, vua Bàn Canh chiếm
được chữ tượng hình dùng cho bói toán, cúng tế của người Việt khắc trên xương
thú và yếm rùa. Nhận thấy giá trị của chữ Giáp cốt, nhà Ân đã hoàn thiện chữ viết
để áp dụng trong hành chính, ghi chép địa dư, lịch sử. Sang thời Chu và các thời
sau, chữ càng được chuẩn hóa và dùng rộng rãi. Cùng với việc phát triển chữ viết,
tiếng nói dân cư lưu vực Hoàng Hà chuyển sang đơn âm. Khi xuống Việt Nam, người
Hakka, người Hán mang theo tiếng nói đơn âm, góp phần chuyển hóa nhanh tiếng
nói đồng bằng sông Hồng sang đơn âm và có thanh điệu. Việc này được tăng cường
khi Việt Nam bị xâm chiếm, chữ Nho được dạy như quốc ngữ. Kết quả là tiếng nói
người Kinh trở nên đơn âm trong khi tiếng nói các sắc tộc khác vẫn đa âm.
Miền Trung là nơi phát tích của người Việt Nam. Từ miền
Thanh, Nghệ, Tĩnh, người Việt lên phía Bắc và xuống phương Nam. Tiếng Việt lan
tỏa theo bước chân con người. Tiếng Việt gốc ở miền Trung với những từ ghép đã
được chia đôi theo chiều thiên di.
Từ
chung Bắc Nam
khỏe mạnh khỏe mạnh
thương yêu yêu thương
ốm
đau ốm đau
sắc
bén sắc bén
bông hoa hoa bông
bắp
ngô
ngô bắp
III.Kết luận
Người Việt được hình thành theo hai thời kỳ. Từ 70.000 năm
trước, người châu Phi di cư đến Việt Nam, sinh ra người Viêt cổ mã di truyền
Australoid. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ gặp gỡ hòa huyết với
người Mông Cổ, sinh ra người Việt hiện đại mã di truyền Mongoloid phương Nam.
Khoảng đầu thiên niên kỷ III TCN, Thần Nông lập nhà nước đầu tiên ở phương Đông
với kinh đô Lương Chử ở cửa sông Chiết Giang. Thời kỳ này, người Việt hiện đại
từ Núi Thái-Trong Nguồn đi xuống góp phần xây dựng kinh đô Lương Chử, đem gen
Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư trong vùng sang chủng Mongoloid phương
Nam. Theo truyền thuyết thì thời điểm này Đế Minh, Đế Nghi ra đời, sinh ra Kinh
Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, xuất hiện một bọc trăm trứng sinh ra các tộc
người Việt hiện đại mã di truyền Mongoloid phương Nam. Người Viêt Nam từ giai
đoạn này thuộc cùng một chủng tộc nên tất cả các sắc dân trên đất Việt Nam đều
là con cháu Mẹ Âu Cơ, có tổ là các Vua Hùng. Người Kinh là cộng đồng xuất hiện
khoảng 300 -500 năm TCN, khi nước biển rút, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền
Trung hình thành, người Việt từ các vùng khác nhau tụ về khai phá đất mới. Miền
đất mới đã thu hút một lượng lớn người tìm đến. Nhờ môi trường sống thuận lợi
nên khả năng sinh sản cao khiến cho người Kinh trở thành cộng đồng đa số trong
dân cư Việt Nam.
Từ xa xưa đã có quan niệm: người Kinh là chủ thể của dân tộc
Việt nên lịch sử người Kinh cũng là lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, mọi
cuốn sử hiện có chủ yếu là lịch sử của người Kinh. Ngày 22.2.2017 tại Hà Nội,
GS-NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố
Thông tin khoa học: “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam”
cho rằng: “Việt Nam có nhiều dân tộc mà sử Việt Nam chỉ viết về lịch sử người
Kinh là không công bằng.” (https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/giao-su-phan-huy-le-nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien-97096)
Theo chúng tôi đó là quan niệm sai lầm. Một đất nước có nhiều sắc tộc khác nhau
nhưng lịch sử đất nước bao giờ cũng là lịch sử của cộng đồng đóng vai trò chủ
thể quyết định vận mệnh của đất nước. Thêm nữa, trên đất nước ta, có duy nhất
chủng tộc Việt mà người Kinh là cộng đồng do hầu hết các sắc tộc trên đất nước
góp phần tao nên, giữ vai trò chủ thể dẫn dắt dân tộc nên lịch sử của người
Kinh chính là lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy quan niệm cho rằng cần có cuốn
lịch sử của các dân tộc khác bên cạnh lịch sử người Kinh là sai lầm phi lịch sử.
Sài Gòn, 7.11.2021