Nhưng Đại Việt sử lược có số phận đặc biệt. Là
một tác phẩm khuyết danh được sinh ra vào thời Trần ở Việt Nam nhưng có thời
gian biến mất để rồi “tái xuất giang hồ” trên đất Trung Quốc thời Càn Long nhà
Thanh (1736 - 1795). Sách được học giả thời danh Tiền Hy Tộ hiệu đính, cho khắc
in và lưu giữ trong Tứ khố toàn thư dưới danh xưng Việt sử lược với
mục đích “bổ cứu cho phần ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử.”
Một cuốn sách trầm luân lưu lạc như vậy không thể không gợi
lên những mối nghi ngờ! Dù nàng muôn phần trong trắng, một khi qua tay người,
trinh tiết cũng thành dấu hỏi! Đó không chỉ là cách nghĩ của người ta thường
tình! Cố nhiên, một khi được “hiệu đính” có nghĩa là đã được thêm bớt. Nhưng
thêm bớt những gì khi chữ đã hòa với chữ, nước sông hòa vào nước biển? Điều rõ
nhất là xóa bỏ mỹ tự “Đại” “tiếm xưng” trong tên sách để đưa trở về với vị trí do
thiên triều “ban tặng.” Bên cạnh đó là xóa bỏ tước hiệu “đế” của kẻ “tiếm vị” để
đưa vua Việt trở lại với vai trò vương của chư hầu. Chỉ vậy thôi sao? Với khát
vọng muôn đời là tiêu diệt văn hóa để vĩnh viễn thôn tính nước Việt Nam thì việc
thay đổi như thế liệu có đáng để làm?! Tất cả những người Việt có đầu óc bình
thường sẽ cho rằng, hẳn người Trung Quốc sẽ còn những thay đổi nào đó sâu xa
hơn! Nhưng thay đổi gì đây? Bí mật thách đố suốt mấy trăm năm. Nếu thừa
nhận có thay đổi thì đó phải là sự thay đổi ít nhất về câu chữ nhưng đạt hiệu
quả cao nhất về lịch sử! Sau nhiều đắn đo, chúng tôi cho rằng, trước hết,
Tiền Hy Tộ loại bỏ Hồng Bàng thị truyện. “Không, một tiểu nhược
quốc của dân man di không thể là “Đại,” không thể là dòng dõi Tiên Rồng. Càng
không thể ra đời năm Nhâm Tuất, trước thiên triều Hoàng Đế Hoa Hạ những 182
năm!” Ngay khi đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách, viên sử quan triều Thanh liền
quyết định xóa bỏ điều “trái đạo” này. Nhưng thay vào đó là gì? Đọc tiếp đoạn:
“Đến đời Thành Vương nhà Chu Việt Thường Thị mới đem dâng chim bạch trĩ, sách
Xuân Thu gọi là khuyết địa, sách Đái ký gọi là Điêu đề.” Điều này chấp nhận được
vì đây là lần đầu nước Việt được ghi vào sử. Và có lẽ, sau nhiều suy nghĩ, ông “sáng
chế” ra câu chuyện chưa từng có trong sách sử: “Đến đời Trang Vương nhà
Chu (696-682 trước Công nguyên) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục
được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn
Lang.” Và để cho “món lạ” dễ nuốt, bèn thêm chút đường: “phong tục
thuần lương chân chất, chính sự dùng lối thắt gút.” Một đoạn rất ngắn
thêm vào, nhưng liền mạch với những tình tiết diễn ra trước và sau đó. Thành tựu
tuyệt vời của nghệ thuật cắt ghép! Chỉ với 63 chữ, khiến cho lịch sử Việt Nam đổi
thay hẳn diện mạo. Trước hết là thay đổi về thời gian! Từ “4000 năm văn hiến,”
từ nhà nước Xích Quỷ 2879 TCN, sau đoạn văn đó, toàn bộ thời gian sử Việt chỉ
còn lại 2700 năm! Có nghĩa là mất đi một nửa! Không chỉ vậy, còn là sự thu hẹp
lớn lao về lãnh thổ. Từ nhà nước Xích Quỷ, Văn Lang mênh mông: “Bắc đến Hồ Động
Đình, đông giáp Biển Đông, Tây giáp Ba Thục, nam tới Hồ Tôn” rộng hơn nửa Trung
Quốc, chỉ còn lại 15 bộ, hoàn toàn nằm trong ranh giới được áp đặt sau cuộc xâm
lăng của nhà Hán! Vượt xa võ công của Lộ Bác Đức, của Mã Viện, hay Cao Biền; chỉ
cần một lần vung bút, Tiền Hy Tộ đã xác lập biên giới Hán ngay trong sử Việt! Một
con ngựa thành Troa mai phục. Một cái bẫy giương ra, chờ đến ngày có kẻ sập bẫy!
Phải chăng sớm nhận ra âm mưu này mà các sử gia Việt Nam
Trung đại, từ Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn đến các sử quan triều Nguyễn đều kiên trì
quan điểm “Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN. Hùng vương lập nước
Văn Lang bắc đến Hồ Động Đình, đông giáp Biển Đông, tây giáp Ba Thục…”
Nhưng từ thập niên 1970, sử gia đương đại Việt Nam dẫn đầu bởi
“tứ trụ” Lâm, Lê, Tấn, Vượng ghi: “Không rõ tác giả Đại Việt sử lược căn
cứ vào tư liệu nào, nhưng đặt sự ra đời của nước Văn Lang với tư cách là một
nhà nước phôi thai vào khoảng thế kỷ VII TCN, tức là vào giai đoạn phát triển của
văn hóa Đông Sơn, là phù hợp với những kết quả nghiên cứu
hiện nay và được nhiều người chấp nhận.” (Lịch sử Việt Nam NXB Giáo
dục. Phan Huy Lê chủ biên. Hà Nội, 2012 P. 150) Phán quyết của “tứ trụ” được
đưa vào sách giáo khoa rồi trở thành pháp lệnh. Cái bẫy dương ra lúc này sập xuống.
Đúng theo lập trình 200 năm trước. Sử Việt không còn Xích Quỷ với Kinh Dương
Vương. Nước Văn Lang 2700 năm từ trong tay áo của Tiền Hy Tộ bỗng hiện hình lừng
lững trong sử Việt.
Tuy nhiên, việc kết luận như vậy, về phương pháp luận là rất
có vấn đề. Đó là dù đã biết tác giả Đại Việt sử lược đưa ra nhận định mà không dựa
trên chứng cứ xác thực, nhưng “tứ trụ” vẫn tin theo một cách hồ đồ: “Dựa theo những
kết quả nghiên cứu hiện nay và được nhiều người chấp nhận.” Một việc làm thiếu
khoa học. Người xưa lấy nghi truyền nghi, có nghĩa là có điều hoài nghi thì
cũng ghi lại để hậu nhân cùng tham khảo nhưng ở đây chuyển điều nghi vấn thành
xác tín chỉ dựa vào suy luận!
Đúng là văn hóa Đông Sơn có nhiều thành tựu so với các văn
hóa trước đó. Nhưng lấy gì đảo bảo rằng sự tiến bộ của Đông Sơn là nguyên nhân
dẫn đến hình thành nhà nước Văn Lang mà không phải là kết quả hoạt động của nhà
nước ra đời trước đó?
Năm 2016, sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương
Chử tỉnh Chiết Giang (1936-2016), học giả Trung Quốc xác nhận, Lương Chử là
kinh đô của nhà nước cổ đại đầu tiên ở phương Đông, được thành lập khoảng 3200
năm TCN, vào cuối Thời Đá mới. Với diện tích bằng nửa Trung Quốc, Lương Chử là
nền văn hóa tiến bộ nhất phương Đông thời đó với công cụ đá mài đạt kỹ thuật
cao, đồ gốm đa dạng, có độ nung cao và có kho ngọc khí lớn nhất và tinh xảo nhất
mà cho tới nay cả thế giới không đâu so sánh được. Nông nghiệp tiến tới giai đoạn
cày bằng trâu bò. Tại đây chữ Giáp cốt đã ở mức trưởng thành, xã hội có độ phân
hóa cao với sự phân công lao động rõ rệt. Chủ nhân văn hóa Lương Chử là người Lạc
Việt mang mã di truyền O3M122. Từ những vật thờ và hình tôtem cho thấy người
Lương Chử là “Vũ nhân” hay “Vũ dân,” thờ vật tổ kép là chim và thú, biểu tượng của
Tiên và Rồng. Những chi tiết này xác nhận người Lương Chử là người Lạc Việt,
thuộc họ Hồng Bàng. Đối chiếu truyền thuyết với cổ thư, có thể tin rằng người dựng
nhà nước Lương Chử chính là Thần Nông, vị tổ thứ hai của người Việt. Hiện vật
văn hóa Lương Chử tập trung ở Lương Chử nhưng cũng phân bố khắp Quảng Đông, Quảng
Tây. Năm 1999, nhà sưu tập cổ vật Vũ Tân ở Hà Nội tìm được hầm ngọc tại Uông Bí
Quảng Ninh với 67 hiện vật Lương Chử ở giai đoạn điển hình. Trong số hiện vật
có chiếc ấn rùa (Quy ấn) hình vuông, mỗi cạnh 13 cm, khắc bốn chữ Giáp cốt.
Theo truyền thống thì đây là ấn của một quan chức địa phương. Điều này chứng tỏ
đất Việt Nam lúc đó thuộc về nhà nước Xích Quỷ - Văn Lang. Những tài liệu khảo
cổ và văn hóa học có được cho thấy, khoảng năm 2200 TCN, do nước biển dâng,
kinh đô Lương Chử bị chìm, Vua Hùng dời đô về địa điểm Thành Đầu Sơn ở Tây Bắc
Hồ Động Đình. Thời gian này diễn ra việc Việt Thường thị (người Việt mặc váy)
giao thiệp và tặng rùa thần cho Vua Nghiêu. Có lẽ cái tên dân gian Việt Thường
thị phổ biến hơn nên được sử nhà Chu ghi mà không biết đến quốc hiệu Văn Lang.
Các vua Hùng thay nhau trị vì Văn Lang thời gian dài, chứng kiến sự xuất hiện
và trưởng thành của các nước Ngô, Việt, Sở. Khoảng 800 năm TCN, do sức ép của nước
Việt, nước Sở, Hùng Vương rời bỏ Thành Đầu Sơn ở Hồ Nam, dời đô về Việt Trì để
từ đây lãnh đạo phần đất còn lại của Văn Lang ở Nam Dương Tử. Như vậy, sau thời
kỳ này, diện tích Văn Lang còn chiếm một phần quan trọng của Quảng Đông, Quảng
Tây cho đến khi nhà Tần xâm lược. Từ phân tích trên cho thấy, nhà nước Văn Lang
được thành lập rất sớm và tồn tại lâu dài mà không phải ra đời vào thế kỷ VII
TCN. (1,2)
Một nguyên nhân khác, cũng rất xác đáng phủ định việc thành
lập Văn Lang thế kỷ VII TCN là tình hình địa chất thủy văn đồng bằng sông Hồng.
Tài liệu khảo cổ Hà Nội cho biết, 700 năm TCN phần lớn diện tích đồng bằng sông
Hồng còn chìm trong biển nước của vịnh Hà Nội. (3,4) Chỉ tới khoảng 300 năm
TCN, do biển rút, phần chủ thể của đồng bằng mới xuất hiện và người Việt từ
xung quanh kéo về khai phá. Điều này nói lên rằng, thế kỷ VII TCN chưa có đồng
bằng sông Hồng. Không ai có thể dựng nước trên mặt biển! Các địa danh mang tên
15 bộ chỉ xuất hiện đầu Công nguyên, sau cuộc xâm lăng của người Hán.
Từ phân tích trên có thể khẳng định, việc các sử gia nhà nước
Việt Nam dựa vào lời văn mơ hồ trong cuốn sách có “lý lịch bất minh” rồi quyết
đoán nước Văn Lang được thành lập thế kỷ VII TCN với ranh giới được áp đặt từ
thời Hán là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Điều này khiến cho lịch sử dân tộc bị
rút ngắn một nửa cùng với phần lớn lãnh thổ bị cắt bỏ. Việc làm đó không chỉ hợp
pháp hóa tham vọng chiếm đất Việt của nhà nước Đại Hán mà còn cắt đứt mốt liên
hệ của người Việt hiện nay với quá khứ. Ý tưởng này cũng là quan niệm nhất
quán của giới sử gia nhà nước Việt Nam, được Giáo sư Phan Huy Lê tuyên bố: “Một
quan điểm tuy không được đưa vào các văn kiện của Liên Hợp Quốc nhưng gần như tất
cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều thừa nhận, đó là lịch sử của bất
cứ một quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử
(HVT nhấn mạnh). Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý, lãnh thổ đó đều
thuộc về chủ quyền khai thác, bảo quản và nghiên cứu của chính quốc gia đang
làm chủ đó, dù trước đó có những dân tộc đã từng có nhà nước riêng. Tất cả các
tầng lớp cư dân, cộng đồng, tộc người hay các vương quốc từng tồn tại trên các
không gian lãnh thổ đó đều thuộc về lịch sử và văn hóa của nhà nước hiện nay
đang quản lý lãnh thổ đó”. (4) Một cách tự nguyện, phần quan trọng của lịch sử
và lãnh thổ của tổ quốc được dâng cho ngoại bang! Rõ ràng đó là một quan điểm
phản khoa học và phi lịch sử. Một dân tộc không phải tự nhiên xuất hiện rồi nhất
thành bất biến trên một vùng đất hiện tồn mà có nguồn cội rồi qua quá trình vận
động trong chiều dài lịch sử để định hình diện mạo như hôm nay. Vì vậy, lịch sử
của một dân tộc phải bao gồm cả những gì đã diễn ra trên tiến trình thời gian cùng
không gian hoạt động của mình. Nếu chỉ viết sử người Việt trên biên giới hiện
nay sẽ cắt đứt mối liên hệ với quá khứ. Một quá khứ vinh quang khi 40.000 năm
trước, người Hòa Bình Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục, trở thành chủ thể của
dân cư Trung Quốc. Tiếng Việt là chủ thể của tiếng nói Trung Quốc. Văn hóa Việt
là chủ thể làm nên văn hóa Trung Quốc… Chính vì sự thống trị của quan điểm này
mà nước Nam Việt cùng nhà Triệu bị loại bỏ khỏi sử Việt, cắt đứt mối liên hệ
huyết thống cũng như lịch sử của Việt Nam với cộng đồng người Việt không chỉ ở
Nam Dương Tử mà trên toàn cõi Trung Hoa.
Công việc cấp thiết của sử học Việt Nam hôm nay là viết lại
cuốn sử chân thực của dân tộc, không phải với nước Văn Lang 700 năm TCN mà từ
70.000 năm trước, khi người Khôn ngoan châu Phi di cư tới đất Việt, làm nên tổ
tiên của dòng giống chúng ta.
Sài
Gòn, 10.10.2021
Tài liệu tham khảo.
1. Hà Văn Thùy. Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến
hiện thực. NXB Hội Nhà Văn. H, 2017.
2.
Hà Văn Thùy. Xoá bỏ huyền thoại “Nhà nước Văn
Lang 2700 năm” -...https://nghiencuulichsu.com › 2019/09/06 › xoa-bo-hu
3.
DOÃN ĐÌNH LÂM, “TIẾN HOÁ TRẦM TÍCH HOLOCEN CHÂU
THỔ SÔNG HỒNG”.Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: http://www.idm.gov.vn/nguon_luc/Xuat_ban/2005/A288/a7.htm]
4.
Vũ Đức Liêm: “Lịch sử khai thác tự nhiên ở châu
thổ sông Hồng” (http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Lich-su-khai-thac-tu-nhien-o-chau-tho-song-Hong-11118)
5.
Trang thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương (http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)