Có mặt ở Việt Nam 2000 năm, là tôn giáo lớn với hàng triệu
tín đồ, hàng chục kinh điển nhưng Phật giáo dường như vẫn hoạt động mò mẫm với
những vấn đề cốt lõi chưa được minh định: Nguồn gốc thực sự của Đức Phật là gì? Nguyên
nhân nào khiến Phật giáo bị đánh bật khỏi đất Ấn Độ? Đạo Phật tà tôn giáo ngoại
lai hay bản địa? Tam giáo đồng nguyên là gì? Phật giáo Việt Nam quan hệ thế nào
với Phật giáo nguyên thủy? Phật giáo Việt Nam quan hệ thế nào với Phật giáo
Trung Quốc? Phật Bà Quan Âm có vai trò ra sao trong tín ngưỡng Phật giáo? Linh
hồn có không? Tịnh độ phải chăng là mê tín…? Do những vấn đề sống còn
đó chưa được tường minh nên cho đến nay, Phật giáo vẫn hoạt động theo quán tính
của quá khứ, trong sự mâu thuẫn nội tại vô phương hóa giải. Những vấn đề trên
thuộc về lịch sử của Phật giáo; mà lịch sử Phật giáo nằm trong lịch sử
nhân loại và lịch sử dân tộc. Cho tới cuối thế kỷ XX, nhân loại nói chung và
dân tộc Việt nói riêng chưa có cuốn sử chân thực của mình nên những câu hỏi bức
xúc trên chưa có lời giải.
Chỉ sang thế kỷ XXI, với những khám phá chân thực, khoa học
về nguồn gốc loài người và quá trình hình thành dân tộc Việt, chúng ta mới có
điều kiện trả lời những câu hỏi trên. Dựa vào tri thức mới của nhân loại, chúng
tôi xin trình bày bước đầu khảo cứu về những vấn đề quan yếu này.
I. VỀ NGUỒN GỐC CỦA PHẬT THÍCH CA
VÀ ĐẠO PHẬT.
Cho đến nay ta chỉ biết về cội nguồn
Phật Thích Ca với những dòng vắn tắt: “Dòng Thích ca vốn là vương tộc, cai trị
một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời bấy giờ, ngày nay thuộc miền Nam Nepal.
Kinh đô thời đó là Ca-tì-la-vệ , là nơi Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha
là Tịnh Phạn, trị vì tiểu vương quốc Thích-ca. Thời bấy giờ, tiểu vương quốc
dòng Thích-ca có một hội đồng trưởng lão tham gia quốc sự, nhưng vương quốc này
bị phụ thuộc vào nước Kiêu-tát-la (sa. kośala). Ngay trong thời Phật còn tại thế,
tiểu vương quốc Thích-ca bị một quốc vương của Kiêu-tát-la đem quân xâm chiếm
và tiêu diệt gần hết” (Wikipedia-tháng 4. 2010). Sử sách không cho ta biết cội
nguồn xa hơn về chủng tộc của Ngài vì vậy không thể biết chiều sâu của nền văn
hóa đã sinh ra Ngài.
Theo những khám phá khoa học từ đầu
thế kỷ XXI thì người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi 195.000 năm trước.
Khoảng 70.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới đất Việt
Nam. Ở đây, người Việt cổ thuộc chủng Indonesian hình thành, sau này được gọi
là người Lạc Việt. Khoảng 50.000 năm trước, người Lạc Việt Indonesian từ Đông
Dương sang chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân cư bản địa, sau này được gọi là người
Dravidian. Khoảng 10 - đến 15.000 năm trước, trong những cuộc di cư tiếp theo,
người Việt mang công cụ đá mới cùng lúa nước tới, phát triển nông nghiệp ở Ấn Độ,
mà đỉnh cao là văn hóa sông Indus từ khoảng 3000 - 1800 năm TCN. Là dân cư gốc
Việt, người Dravidian mang bản sắc của văn hóa Việt, với thế giới quan “tham
thiên lưỡng địa”, nhân sinh quan “nhân chủ thái hòa, tâm linh”… Chính văn hóa
Việt đã làm nảy sinh quan niệm về “sự quân bình giữa các yếu tố của tự nhiên và
tập quán tôn trọng phụ nữ” trên đất Ấn, giống như hiện tượng từng thấy
nơi người bản địa Indian ở Caduevo phía Bắc Canada theo phát hiện của Levi
Strauss trong cuốn Nhiệt đới buồn. Trong tác phẩm Văn học Phật giáo, tiến sĩ Lê
Mạnh Thát cho rằng, ý tưởng “một bọc trăm trứng” là từ kinh Phật được đưa vào
truyền thuyết Việt. Nhưng thực ra, có cơ sở để khẳng định, truyền thuyết “một bọc
trăm trứng” xuất hiện ở kinh đô Lương Chử của nhà nước Xích Quỷ khoảng 3000 năm
TCN rồi từ đất Việt truyền vào văn hóa Dravidian để sau đó nằm trong kinh Phật.
Khoảng 1.500 năm TCN, người Aryan từ
Ba Tư xâm lăng Ấn Độ. Họ là những bộ lạc du mục hùng mạnh và tàn bạo. Tới Ấn Độ,
người Aryan cướp đoạt của cải, đất đai, tàn sát và bắt người Dravidian bản xứ
làm nô lệ. Họ cũng mang tới Ấn Độ chữ Phạn, xã hội đẳng cấp, kinh Veda cùng đạo
Bàlamôn, tôn giáo chứng minh cho sự hợp lí của tình trạng bất bình đẳng giai cấp.
Khoảng 500 năm TCN, Đức Phật ra đời.
Hoàn cảnh của Đức Phật có những điều đặc biệt. Là hậu duệ của chủng Dravidian bản
địa, nhưng là dòng dõi hoàng tộc danh tiếng và có liên hệ hôn nhân với một
hoàng tộc có thế lực người Aryan, dòng họ Thích-ca khôn ngoan vẫn giữ được lãnh
địa cùng ngôi vị của mình. Ở thời điểm khi Đức Phật ra đời, kinh Veda mất đi
tính thiêng liêng để trở thành những nghi lễ cứng nhắc. Một cải cách tôn giáo
đã đưa ra tôn giáo mới Áo nghĩa thư (Upanishad) nhân bản hơn, cởi mở hơn trong
phân biệt giai cấp. Là người có tư chất đặc biệt, được giáo dục tốt, thái tử
Tâtđạtđa thấm đẫm trong mình văn hóa của dòng giống Dravidian đồng thời hấp thụ
tinh túy của Veda và Upanishad, đã tìm cách cứu vớt chúng sinh.
Đức Phật là một nhà cách mạng thực
thụ và cuộc thập tự chinh chống lại Bàlamôn của ngài giành được sự ủng hộ hăng
hái của các đẳng cấp bị áp bức. Thách thức thiên tính của kinh Veda, nền tảng của
Bàlamôn, Ngài cho rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và hệ thống đẳng cấp mà
kinh Veda và những kinh sách Bàlamôn khác đã cho xử phạt tôn giáo, là hoàn toàn
sai. Trong kinh Nikaya, Đức Phật đã hô hào các nô lệ rằng: " … Như những
con sông lớn, khi đã hòa mình vào đại dương, thì tên gọi khác nhau không còn và
được gọi là đại dương. Chỉ cần như vậy, các anh em varnas-Kshatriya, Bàlamôn,
Vaishya và Sudra - khi bắt đầu thực hiện theo các giáo lý và kỷ luật của Như
Lai, từ bỏ tên của các đẳng cấp khác nhau, xếp hàng và trở thành thành viên của
một và cùng một xã hội... "
Nhờ được hậu thuẫn của hoàng tộc và
sự ủng hộ của tầng lớp nghèo khổ chiếm số đông trong xã hội, đạo Phật được phổ
biến rộng khắp lục địa Ấn Độ và lan sang các quốc gia Đông Á. Từ cội nguồn của
Phật Thích Ca cũng như tính nhân bản của đạo Phật cho thấy, đạo
Phật là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp Việt tộc nảy sinh trong điều kiện lịch
sử và văn hóa đặc thù của Ân Độ.
II. VIỆC ĐẠO PHẬT BỊ TRỤC XUẤT KHỎI
ẤN ĐỘ
Một sự kiện lớn của lịch sử mà cho
tới nay chưa được làm sáng tỏ: vì lý do gì, sau 18 thế kỷ thống trị, đạo Phật
biến mất khỏi Ấn Độ? Có ý kiến cho rằng, do nhiều nhà sư hư hỏng, xuống cấp về
đạo đức khiến đạo Phật suy thoái nhưng chủ yếu do cuộc xâm lăng của người Hồi
giáo từ Afganistan xảy ra vào thế kỷ XI đã triệt phá chùa chiền và tiêu diệt
các nhà sư. Tuy nhiên, những lý do nêu trên không phải nguyên nhân chủ yếu.
Theo tác giả Naresh Kumar[1], lý do đưa tới sự diệt vong của đạo Phật ở Ấn Độ
chính là cuộc phục thù của Bàlamôn giáo. Là sản phẩm của văn minh du mục,
Bàlamôn là tôn giáo chủ trương phân chia giai cấp và bảo vệ lợi ích của tầng lớp
trên. Khi bị đạo Phật loại khỏi vũ đài, tầng lớp tăng lữ Bà la môn kiên trì tìm
cách khôi phục địa vị vốn có của mình. Họ làm những cải cách tôn giáo, đưa một
số giáo lý của đạo Phật vào Bàlamôn và biến Thích Ca thành một trong các vị thần
Bàlamôn để tranh thủ tín đồ và vô hiệu hóa đạo Phật. Cũng trong quá trình này,
xã hội Ấn có những biến đổi đưa những đặc trưng du mục trở thành chủ đạo. Tầng
lớp thống trị vì bảo vệ lợi ích của mình đã câu kết với giới tăng lữ Bàlamôn
đàn áp Phật giáo một cách khốc liệt và cuối cùng vào đầu thế kỷ XIII trục xuất
Phật giáo khỏi Ấn Độ. Một tấn bi kịch của lịch sử: bị xâm lăng, người Dravidian
không chỉ mất đất đai, lịch sử, văn hóa mà còn mất cả tôn giáo của mình!
Chúng tôi cho rằng, có lẽ cách giải
thích như vậy gần sự thực hơn cả. Từ cuộc xâm lăng của người Arian, Ấn Độ diễn
ra quá trình từ xã hội nông nghiệp nhân bản của Việt tộc chuyển hóa sang văn
minh du mục của người Arian. Thời gian 1800 năm tồn tại của Phật giáo là giai
đoạn giao thời của quá trình chuyển hóa ấy. Ấn Độ vốn là xã hội nông nghiệp
truyền thống với nền văn hóa nông nghiệp phát triển. Cuộc xâm lăng của người
Arian từ Ba Tư tràn sang đưa tới sự xáo trộn xã hội lớn, buộc người nông dân Dravidian
bị tước đoạt phải kháng cự để bảo vệ quyền sống của mình. Trước sức kháng cự
này, giáo điều nghiêm khắc của đạo Bà La môn buộc phải thích ứng, dung dị hóa
trở thành Upanishad. Cùng với nó là Phật giáo mang tinh thần nhân bản, bác ái của
văn hóa nông nghiệp ra đời, làm dịu mâu thuẫn xã hội, đưa lại hạnh phúc cho
công chúng đông đảo. Nhưng rồi, như quy luật tất yếu của lịch sử, nền kinh tế
nông nghiệp truyền thống ngày một suy giảm hiệu quả, tầng lớp thương nhân và thủ
công nghiệp theo bản năng văn minh du mục phát triển mạnh dần, tạo ra giai tầng
ngày một giầu có. Tăng lữ Bà la môn làm cuộc quật khởi đàn áp Phật giáo trong sự
tiếp tay mạnh mẽ của các vua chúa, quý tộc. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ như vậy,
xã hội bị phân tầng khốc liệt. Tầng lớp nghèo khổ mất hết vai trò trong xã hội,
tầng lớp trung gian phần bị mua chuộc, phần bị đe dọa nên xa rời đạo Phật. Khi
không còn cơ sở xã hội, không còn quần chúng, Phật giáo không còn đất sống ngay
trên quê hương mình, buộc phải mang số phận một tôn giáo lưu vong.
III. PHẬT GIÁO DU NHẬP ĐÔNG Á
1.
Đạo Phật ở Trung Quốc
Một câu hỏi nảy sinh: vì sao tại Đông Á, đạo Phật lại phát
triển rực rỡ vậy? Người ta đưa ra nhiều lý do nhưng theo chúng tôi, nguyên
nhân quan trọng nhất trong các nguyên nhân là đạo Phật trở về nguồn cội của
mình, trong môi trường văn hóa nông nghiệp nhân bản của tộc Việt. Từ đầu
Công nguyên, qua các thuyền buôn Ấn Độ, Phật giáo du nhập Việt Nam. Các nhà sư
đã dịch kinh Phật sang chữ Hán, lập trung tâm Phật giáo Luy Lâu rồi sang truyền
đạo ở Nam Trung Quốc. Khoảng cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI, vào thời Lương, Bồ-đề-đạt-ma
vị tổ truyền thừa đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca đưa Phật giáo sang Trung Quốc.
Trong cuốn Nhiệt đới buồn in năm 1954, nhà nhân học lớn
Levis Strauss khám phá sự thật quan trọng:
“Tới cuối thời Đá mới, nhân loại đã đạt tới đỉnh cao nhất về văn hóa
tinh thần mà các thời đại sau này chỉ là sự lặp lại, không sáng tạo điều gì mới.”
Sự tích tụ về tinh thần của toàn nhân loại tới thế kỷ VI-V TCN bừng nở thành hiện
tượng đặc biệt trong lịch sử, được gọi là Thời Trục (période axiale) với ý
nghĩa là bước chuyển mình của nhân loại trở nên trưởng thành vượt bậc về tư tưởng
bằng việc xuất hiện những “con người khổng lồ” như Plato, Socrates ở phương
Tây, Phật Thích Ca ở Ấn Độ còn Trung Quốc có Lão Tử và Khổng Tử… Lão Tử người Lạc
Việt nước Sở. Khổng Tử người nước Lỗ vốn là bộ tộc Đông Di người Lạc Việt. Cả
hai vị thấm nhuần văn hóa nông nghiệp nhân bản Việt tộc đã khai sinh Lão giáo
và Nho giáo, hai tôn giáo lớn và ảnh hưởng sâu rộng ở phương Đông.
Hai nghìn năm nay, người ta lầm tưởng rằng, Phật giáo là tôn
giáo ngoại lai. Nhưng về bản chất, như trình bày ở trên, Phật giáo là tôn giáo của
người Lạc Việt Indonesian được sinh ra trong môi trường văn hóa Ấn Độ. Khi sang
Đông Á, “trở về mái nhà xưa,”Phật giáo sống hài hòa trong môi trường văn hóa
quen thuộc của cố hương. Sách vở nói rằng, Huệ Năng Tổ thứ sáu, kết hợp giữa
thiền Ấn Độ và truyền thống đạo Lão, được xem là một trường phái đặc biệt
"nằm ngoài giáo pháp nguyên thuỷ". Không chỉ vậy, với hệ thống kinh tạng
được chuyển sang Hán ngữ, nhiều tăng sỹ là nhà thơ, nhà Hán học uyên thâm, Nho
giáo cũng giao hòa cùng Phật giáo. Từ đó nảy sinh “tam giáo đồng nguyên.” Suốt
thời gian dài, Nho, Phật, Lão đồng nguyên vốn được hiểu là đồng nguyên về
phương diện triết học: Đạo của Lão là Thái cực của Nho, là Chân như
của Phật và cùng là bản thể vũ trụ. Tuy nhiên, có cái đồng nguyên khác
mà hôm nay mới khám phá ra: Người Lạc Việt đi lên lưu vực Hoàng Hà, Dương Tử
sinh ra Lão Tử, Khổng Tử rồi đạo Lão, đạo Khổng. Sang đất Ấn sinh ra Thích Ca
cùng đạo Phật. Tam giáo đồng nguyên ở đây là cùng gốc con người và văn hóa Lạc Việt.
2.Đạo Phật ở Việt Nam.
Được truyền thừa từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Lục Tổ Huệ năng vốn
là người Giao Chỉ đi về phương Nam khai sinh phái Thiền Nam tông. Thiền Nam
tông khi xuống Việt Nam đã hòa hợp với Phật giáo Việt Nam vốn tồn tại từ đầu
Công Nguyên. Do có Tổ truyền thừa, lại do mang tới kinh tạng chữ Hán, Phật giáo Đại thừa trở thành dòng
chính thống. Tuy nhiên, cũng có sự thật là, trước khi Phật, Nho, Lão xuất hiện,
tại Việt Nam có sẵn những tôn giáo bản địa là đạo thờ ông bà và đạo Mẫu.
Trong khi thờ ông bà là tín ngưỡng dân gian ở từng gia đình thì đạo Mẫu có hệ
thống tổ chức với những đền phủ cùng các Mẫu, từ Mẫu Nữ Oa, Âu Cơ đến Mẫu Liễu
Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải… Nhập gia tùy tục, nhiều tín ngưỡng dân gian
xâm nhập Phật giáo, biến Phật giáo trở thành Đạo Phật Việt Nam. Từ nguồn gốc của Đức Phật và đạo Phật, ta có đủ lý
cứ khẳng định: với dân tộc Việt Nam, đạo Phật là tôn giáo bản địa. Đấy là phát
hiện mới, có ý nghĩa cách mạng về lịch sử đạo Phật Việt Nam.
Do rào cản ngôn ngữ, trước đây tăng sỹ và Phật tử người Việt
hầu như không biết tới kinh tạng nguyên thủy Nikaya. Từ thập kỷ 1970, khi
Nikaya được dịch sang tiếng Việt, xuất hiện những nhà tu hành theo Phật giáo
nguyên thủy và những học giả khảo cứu Nikaya. Cũng từ đây xuất hiện những phát
biểu cho rằng linh hồn không có, tịnh độ là mê tín, Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ là sản phảm
tưởng tượng… Mỗi vị Thượng tọa hay Giảng sư đều làm chủ những ngôi chùa
và tăng đoàn nên quan điểm của họ dần dần lan rộng, gây hoang mang, bối rối
trong giới Phật tử. Niềm tin lâu dài của người dân và Phật Tử bị thách thức.
Chúng tôi thấy rằng, trong Nikaya Đức Phật không nói tới
vong, hồn nhưng không ít lần nói về việc ác ma nhập vào người này người khác
cũng như con của ma vương biến thành con gái chọc phá Đức Phật. Điều này cho thấy,
tuy không trực tiếp nói tới vong, hồn nhưng trong thực tế việc Ngài trình bày
những hoạt động biến thái của ác ma khiến cho không ít người hiểu rằng đó là hoạt
động của hồn, vong trong thực tế. Do vậy việc cho rằng Nikaya không nói tới
vong, hồn là chưa thuyết phục. Mặt khác, phải thấy rằng, đạo Phật ở Việt Nam
hôm nay là đạo Phật Việt Nam, một tín ngưỡng chấp nhận cõi âm, linh hồn.
Do vậy, việc dùng giáo điều của Nikaya để cho rằng quan niệm về vong hồn không
có trong Phật pháp là sự chấp trước, không phù hợp thực tế Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội cần nghiên cứu thống nhất quan niệm này để tránh sự chia rẽ không đáng
có.
Cũng phải kể đến sự thực là, từ năm 1954, sau khi giành được
chính quyền ở miền Bắc, nhà nước Việt Nam áp đặt chủ nghĩa duy vật vô thần
lên toàn xã hội. Nhiều hoạt động tín ngưỡng truyền thống bị cho là mê tín dị
đoan nên bị cấm đoán, trấn áp. Quan niệm như vậy được quán triệt trong Hiến
chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật. Từ đó nhiều tín ngưỡng
truyền thống như cầu siêu, cầu an, giải oán kết… bị loại bỏ.
Tuy nhiên, cuộc sống cứ kiên nhẫn đi theo con đường của nó.
Những người ở tuổi cổ lai hy như chúng tôi nhận ra rằng, cứ sau một thời chiến
tranh, khi thanh bình trở lại thì những hoạt động “mê tín dị đoan” lại trở nên
sôi động. Sau kháng chiến chống Pháp là vậy mà sau chống Mỹ càng thế. Những người
mất chồng mất con lần theo giấy báo tử đi tìm hài cốt thân nhân. Công việc của
họ ban đầu phần nào được các ông thày bói dẫn dắt. Không ít vụ bị chính quyền quy
tội mê tín dị đoan. Nhưng rồi khi sự việc diễn ra nhiều hơn, lại đụng tới chuyện
nhạy cảm máu xương liệt sỹ, người thi hành công vụ đành nương tay. Luật pháp bị
ngó lơ kiểu mắt nhắm mắt mở. Khoảng 20 năm lại đây xuất hiện những người có khả
năng đặc biệt trong viêc tìm hài cốt liệt sỹ. Những người này trước đây dân
gian gọi là thầy bói. Nhưng nay, vì để tránh cái tiếng mê tín dị đoan, họ được
gọi bằng danh xưng có vẻ khoa học và sang trọng là nhà ngoại cảm. Bằng khả
năng đặc biệt, họ giúp tìm được hàng vạn hài cốt liệt sỹ. Rồi từ đó họ kết hợp
với nhà chùa và địa phương tổ chức những lễ cầu siêu cho hàng ngàn liệt sỹ nhà
tù Phú Quốc, hàng vạn liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn. Việc thỉnh giải oan gia
trái chủ được tổ chức thường xuyên, công khai ở nhiều ngôi chùa. Không những vậy,
Hòa thượng Thích Giác Hạnh trong những
chuyến đi hoằng pháp đã tiến hành giải oan gia trái chủ cho nhiều người ở Úc,
Pháp, Canada, Mỹ…, được bà con hoan hỷ. Trong những buổi nói chuyện được chính
quyền tổ chức trước đông đảo người nghe, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng kể những
câu chuyện rất sinh động hấp dẫn về việc gặp vong, đấu trí với vong và cảm hóa
vong… Rõ ràng là, cả trong Phật pháp cả ở ngoài đời, linh hồn là có thật. Trong
một ý nghĩa nào đó thì chính quyền cũng thừa nhận sự thật này. Nếu không thì vì
lẽ gì mà Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép Tỉnh ủy Hà Tĩnh
cử người cùng nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sỹ Hà Huy Tập? Nếu không có
linh hồn thì việc nhà nước cho phép tổ chức những lễ cầu siêu tầm vóc quốc gia
là việc làm vô nghĩa sao? Điều khó hiểu là, trong khi thực tế cuộc đời “chuyện
vong linh”diễn ra rộng rãi công khai như vậy thì tại những chỗ thâm nghiêm như
Hiến chương Giáo hội Phật giáo hay Luật hình, do “vòng kim cô”duy vật vô thần
xiết bóp, vẫn kiên định “không có ma quỷ” và mặc nhiên tồn tại cái tội danh đáng
sợ “mê tín dị đoan” ! Đương nhiên, lưỡi búa Phật pháp cùng lưỡi gươm tư pháp vẫn
sẵn sàng bổ xuống!
Chùa Ba Vàng là nạn nhân mới nhất của tình trạng trống đánh
xuôi kèn thổi ngược này. Xin hãy bình tâm nhìn vào ngôi chùa. Một khi, cả trong
Phật pháp cả ở thực tế cuộc đời đều khẳng định linh hồn là có thật và cầu siêu,
thỉnh giải oan gia trái chủ… là hoạt động tôn giáo bình thường thì chùa Ba Vàng
cũng hoạt động như nhiều ngôi chùa khác. Điều khác biệt có lẽ là ngôi chùa này
làm việc hiệu quả hơn nên người đến chùa đông đảo. Đã có lúc tiếng lành của
chùa vang xa, nhiều báo chí nhà nước viết bài khen ngợi ngôi chùa cùng vị Đại đức
chủ trì. Nhưng rồi khi báo Lao Động đăng bài cho rằng chùa “thỉnh giải oan gian
trái chủ là mê tín dị đoan, lừa đảo Phật Tử lấy rất nhiều tiền” thì bỗng dưng
công luận nổi sóng ném đá tới tấp một chỗ vốn là linh thiêng ngay trước thềm Đại
hội quốc tế Phật giáo VESAK. Và tiếp đó, toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản
vung tay vùi dập ngôi chùa cùng tăng ni, Phật tử. Vị sư trụ trì bị cách chức, bị
phạt sám hối, trang mạng, cơ quan thông tin nhà chùa bị đóng, hoạt động thỉnh
giải oan gia trái chủ bị cấm! Và mới đây, ngày 6 tháng Sáu, diễn đàn Quốc hội
nóng lên về chuyện này! Trong thời gian hừng hực không khí sắt máu của cuộc đấu
tố, tôi chỉ nghe được duy nhất tiếng nói của một người tử tế: nguyên Thứ trưởng
Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Ông Sơn nói rằng, việc nhà báo nói chùa thu nhiều
tiền là chưa có cơ sở vì chưa được cơ quan chức năng xác nhận. Mặt khác báo
cũng không cho biết tiền được sử dụng cho việc gì? Nếu nhà chùa dùng cho việc
riêng, ăn chơi là có tội còn đem xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, làm từ thiện
là việc nên làm. Cũng chưa có cơ sở nói nhà chùa lừa đảo vì chưa thấy ai kiện!
Tiếc là tiếng nói trung thực, phải chăng của người tử tế chẳng được ai nghe!
Điều không bình thường là trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy,
không một cơ quan có trách nhiệm nào bình tĩnh xem xét hai vấn đề: Thỉnh giải
oan gia trái chủ có phải là mê tín? Việc thu tiền của chùa có vi phạm pháp luật?
Câu trả lời vốn đơn giản: Thỉnh giải oan gia trái chủ không trái Phật pháp. Những
nhà sư đức cao vọng trọng như thầy Thích Thanh Từ, Thích Giác Hạnh… vẫn tiến
hành như một hoạt động tôn giáo bình thường từ trước năm 1975. Mặt khác, với thực
trạng xã hội hiện nay, khi đạo Mẫu – tôn giáo của nghi lễ hầu đồng, được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa nhân loại thì việc phủ định linh hồn, coi lên đồng,
thỉnh giải oan gia trái chủ là “mê tín dị đoan” không còn phù hợp thực tế, bộc
lộ sự lạc hậu của Hiến chương Phật giáo và pháp luật trước sự thực cuộc đời! Việc
chùa Ba Vàng thu tiền bao nhiêu chưa biết vì chưa được cơ quan chức năng kiểm
tra nhưng nói lừa đảo là không có cơ sở vì không hề có đơn thưa về hành vi này.
Như vậy, nhà chùa không vi phạm pháp luật! Tiếc là những cơ quan rất quan trọng
là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo, Ban Tôn giáo chính Phủ, Bộ Văn hóa, Ban Tuyên
giáo Trung ương im lặng buông cho dư luận tự phát gây ra cuộc đấu tố mù quáng rồi
sau đó xử lý hành chính thô bạo theo đuôi quần chúng, tạo nên cuộc khủng hoảng
về tôn giáo và xã hội!
Thực tế Phật giáo Đông Á cho thấy, từ Lục tổ Huệ Năng, kết hợp
giữa thiền Ấn Độ và truyền thống đạo Lão, được xem là một trường phái đặc biệt
"nằm ngoài giáo pháp nguyên thuỷ". Như vậy là từ Lục Tổ, dòng Phật
giáo Đông Á đã hình thành và “nằm ngoài giáo pháp nguyên thủy.” Cũng từ Lục Tổ
khai sinh dòng Đại thừa Việt Nam. Phật giáo Việt Nam như hiện có là sự sáng tạo
lớn của dân tộc Việt Nam. Vẫn theo tiêu chí quy Phật quy Pháp, quy Tăng nhưng
văn hóa Việt đã loại bỏ nhiều yếu tố Bà La Môn của kinh điển Nikaya, khế nhập
tinh hoa của đạo Nho, đạo Lão, đạo Mẫu, đạo thờ ông bà, sáng tạo Phật giáo Việt
Nam.
Trong Phật giáo Việt Nam hiện đại, việc thừa nhận có linh hồn
cùng những phương cách giao tiếp với người cõi âm là sự tiếp nối từ nguồn sâu
thẳm của văn hóa Việt tộc. Nửa thế kỷ trước, khi nghiên cứu sâu về văn hóa dân
tộc, triết gia kim Định đã lần đầu tiên khám phá nhân sinh quan của người Việt
là Nhân
chủ, Thái hòa, Tâm linh. Điều
này có nghĩa là, trong tam tài là Trời, Đất và Người thì Người là chủ. Do là chủ
của vũ trụ, của cả Trời và Đất nên Người phải sống thái hòa, tức là hòa tới tột
cùng không chỉ với con người mà còn với Trời và Đất. Do giữ chức năng như vậy
nên Người không phải con người duy vật vô thần mà là con người tâm linh, con
người linh cảm, linh ứng với thế giới siêu nhiên. Từ chiều sâu văn hóa ấy, các
tôn giáo bản địa Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều phương cách liên hệ với người
cõi âm như lên đồng, trục vong, bắt ma, vía… Trong những cách giao tiếp với cõi
âm như trên, ta thấy thỉnh giải oan gia trái chủ của Phật giáo có ý nghĩa đặc
biệt. Thanh đồng, thày pháp có nhiều cách bắt ma, trục vong. Nhưng đó thường là
hoạt động cưỡng bức thậm chí cả dùng vũ lưc. Trước sức mạnh của pháp sư, vong hồn
buộc phải “xuất” khỏi thân xác khổ chủ. Khi quan sát những cuộc “bắt ma” ta thấy
nhiều trường hợp thật bất công. Vong có nợ thực và nhập đúng chủ để đòi. Nhưng
rồi không những không đòi được nợ mà còn bị tra tấn, đánh đập. Trước sức mạnh bất
công, vong buộc phải “xuất” khỏi nạn nhân nhưng mang theo lòng thù hận. Thất bại
cay đắng với mối oán thù nặng nề hơn mang theo, ai dám bảo oan hồn ấy không trả
thù vào dịp khác hay bắt người vô tội khác trả nợ thay? Rõ ràng ở đây diễn ra
dài dài cảnh “oan oan tương báo, oán oán chất chồng.” Trong khi đó pháp thỉnh
giải oan gia trái chủ của chùa là cuộc “đàm phán hòa bình.” Con nợ và vong đến
chùa, trong uy lực của Phật và vai trò trung gian hòa giải của nhà sư, vong nêu
lên món nợ. Cuộc bàn thảo “mặc cả” diễn ra trong vai trò trọng tài của nhà sư.
“Đàm phán” kết thúc, con nợ chấp nhận sám hối tội lỗi, trả nợ vong bằng công đức
và làm công quả. Còn vong linh, do đóng góp công đức từ con nợ cúng dường nên
cũng được quy y, giải thoát. Sau buổi gặp, mọi thù oán được hóa giải. Những kẻ
thù truyền kiếp cùng trở thành Phật tử. Ở cõi dương, khổ chủ thoát khỏi tai nạn,
bệnh tật còn cõi âm bớt một linh hồn trong thù oán. Sự tốt đẹp được tạo ra cả dưới
cõi âm, cả trên trần thế. Trong thế giới ta bà, biết bao oan nghiệp. Cách làm
nào văn minh hơn, nhân bản hơn? Trong một lần kể câu chuyện vong đòi nợ, nhà
ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói: “Ngoài Tây y, Đông y còn có Âm y chữa bệnh cứu
người.” Đấy là phát hiện có giá trị. Nên chăng, xin gọi khoa chữa bệnh này là Linh
y?
IV. KẾT LUẬN
1. Là dân cư nông nghiệp lúa nước, từ xa xưa xã hội Việt đã
hình thành nền văn hóa nhân bản, minh triết với nhân sinh quan Nhân
chủ, Thái hòa, Tâm linh. Từ rất sớm, người Việt nhận thức rằng, con người
ngoài thân xác còn có linh hồn. Khi thân xác tan vào cát bụi thì linh hồn tùy
theo quả nghiệp, gia nhập thế giới cõi âm hay cõi trời, không hoàn toàn mất đi
mà vẫn gắn bó với người đang sống. Do vậy, con người Việt Nam là con người tâm
linh, luôn linh cảm, linh ứng với cõi siêu nhiên. Cũng từ xa xưa, người Việt bằng
nhiều cách, đã thiết lập “đường dây” liên lạc với người cõi âm qua bói rùa, bói
cỏ thi, qua thày mo, thày pháp, cô đồng... Kinh Dịch, một thành tựu văn hóa
tinh thần tuyệt vời của người Việt thoạt kỳ thủy cũng là công cụ bói toán. Nhờ
tin vào cõi tâm linh, tin vào quả nghiệp, con người Việt Nam truyền thống có nếp
sống đạo đức, nhân hậu.
Nhưng từ khi áp dụng chủ thuyết duy vật vô thần với quan niệm:
chết là hết, thân cát bụi trở về cát bụi, trời không có thiên thần, đất không
có thánh nhân… nhiều nếp sống văn hóa truyền thống bị cho là mê tín dị đoan, bị
cấm đoán, bài trừ. Khi “khoa học” khẳng định không có cõi âm, không có linh hồn,
con người trở nên trần tục thực dụng. Nhiều tính xấu, sự độc ác không còn bị nỗi
sợ vô hình đè nén, con người trở nên hung tợn, ác độc. Qua những cuộc chiến
tranh tàn khốc đồng bào sát hai lẫn nhau khiến cho con người trở nên chai sạn, mất
dần sự thiện lương. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và cũng là phản ứng
bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, nhiều hình thức tín ngưỡng tự phát hoạt động trở
lại. Bói toán, xem phong thủy cất nhà, đặt mộ, hầu đồng, bắt ma, cầu siêu, giải
oan gia trái chủ… từ cách làm vụng trộm dần trở nên hoạt động bình thường. Tiếc
rằng trong khi đó, luật pháp vẫn tồn tại tội danh “mê tín dị đoan,” một tội
danh rất mơ hồ, gây khó khăn trong hoạt động tín ngưỡng bình thường của người
dân.
2. Sau hơn 2000 năm tồn tại và phát triển trên đất nước Việt
Nam, đạo Phật đã tiếp thu nhiều yếu tố của tín ngưỡng dân gian Việt Nam để trở
thành tôn giáo dân tộc. Từ Huệ Năng Tổ thứ sáu, Đạo Phật ở phương
Đông hình thành phái Nam truyền, được xem là một trường phái đặc biệt "nằm
ngoài giáo pháp nguyên thuỷ." Đạo Phật phương Đông không chỉ phát triển
tông phái Tịnh độ mà còn sáng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát biểu trưng cho tinh thần đạo
Mẫu. Không chỉ thừa nhận cõi âm với sự tồn tại của linh hồn, Phật giáo Việt Nam
đã sáng tạo nghi lễ thỉnh giải oan gia trái chủ có tác dụng lớn trong thực tế cứu
giúp chúng sinh trong hoạn nạn đồng thời giúp cho vong hồn trong thế giới cõi
âm giải tỏa khỏi oan trái, thù hận, được siêu thoát.
3. Trong những phương cách liên hệ với cõi âm, thỉnh giải
oan gia trái chủ là phương cách hữu hiệu và nhân bản nhất. Dưới uy lực của Phật
pháp, trong vai trò trọng tài của sư tăng, diễn ra cuộc tiếp xúc, thương lượng
giữa vong và con nợ. Nhờ oan gia được hóa giải, người dương thế được giải trừ
hoạn nạn và vong hồn cõi âm được siêu thoát. Chúng tôi cho rằng, đây là sáng tạo
lớn của Phật giáo Việt Nam. Đề nghị Giáo hội Phật giáo nghiên cứu tổng kết nghi
lễ thỉnh giải oan gia trái chủ rồi phổ biến ra thế giới tại những Đại hội VESAK
sau này, chắc chắn sẽ giúp hóa giải quan niệm duy lý cực đoan cho các nước
phương Tây.
Tài liệu tham khảo.
1. Naresh Kumar.
Disappearance of Buddhism From India: An Untold Story (Sự biến mất của đạo Phật
khỏi Ấn Độ: một câu chuyện chưa được kể)
Sài
Gòn, tháng Sáu, 2019