VÀNG MÃ CẦU SIÊU CHO NỀN SỬ HỌC KHÔNG ADN




Trong chuyên luận Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN (1), của chúng tôi có đoạn:
“Một sự thực được phơi bày: nhân chủng học là khoa học tự nhiên nên việc tìm nguồn gốc con người không chỉ cần phương pháp luận đúng mà còn rất cần một công nghệ thích hợp. Công nghệ hiệu quả nhất mà khoa học sáng tạo được ở thế kỷ trước là đo sọ: đo những chỉ số của sọ người như chiều dọc, chiều ngang hộp sọ, chiều rộng hố mắt, độ nổi của vành mày, mặt nghiêng hay mặt đứng… rồi từ tỷ lệ giữa chúng mà xếp thành từng chủng người. Công nghệ này gặp nhiều trở ngại. Trước hết là những mẫu sọ cổ thường được phát hiện ngẫu nhiên, vì vậy việc khảo cứu chúng không thể tiến hành theo hệ thống. Mặt khác, số mẫu vật tìm được thường rất ít nên không đủ độ tin cậy trong thống kê học. Nhưng quan trọng nhất, là những số đo các bộ phận của sọ chỉ là biểu hiện đặc điểm bề ngoài (fenotipe), không phản ánh chính xác bản chất giống nòi. Do vậy phương pháp đo sọ không đạt độ tin cậy cần thiết. Công nghệ đo sọ tuy đưa tới những khám phá ban đầu về nhân loại: Loài người gồm ba đại chủng Australoid, Mongoloid và Europid… nhưng việc định loại con người ở bậc phân loại thấp hơn (chủng người race) gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác. Thất bại của Nhân học đã kéo theo thất bại của Sử học thế kỷ XX. Có hai lý do để khẳng định Sử học phương Đông thế kỷ XX không đáng tin:
1. Loài người hay một chủng người xuất hiện tới nay trên mặt đất đều có một quá trình. Nhưng do chưa biết quá trình đó nên các nghiên cứu về con người phải bỏ qua thời tiền sử để khảo cứu nó từ 2000 năm cách nay. Khi chưa biết gốc thì mọi chuyện nói về ngọn đều không có cơ sở.
2. Cũng do chưa xác định được nguồn gốc và quá trình hình thành của mỗi chủng người nên mọi khảo cứu về nó dựa vào hình dáng, chất liệu các rìu đá, hoa văn khắc trên đồ gốm rồi ngôn ngữ… đều chỉ là những chứng cứ gián tiếp, không phản ánh đúng sự thực.
Đúng như nhận định của nhà nhân học người Mỹ Jared Diamond: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học xác nhận đều không đáng tin cậy.” Do vậy, có thể kết luận: về cơ bản, Sử học phương Đông thế kỷ XX không phản ánh đúng thực chất những gì diễn ra trong quá khứ. Đó là nền Sử học thất bại, đã bị khoa học phủ định.”
Tuy nhiên, có sự thực là, cái nền sử học đã chết cả về hồn và xác ấy, vẫn tiếp tục quá trình gieo rắc tác hại của nó mà cuốn The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907 (Khởi nguyên của Đông Á, từ năm 221 TCN đến năm 907 SCN) (2) là một thí dụ. Cuốn sách bất cập ngay từ nhan đề khi cho rằng lịch sử Đông Á chỉ được bắt đầu từ năm 221 TCN! Hoàn toàn không phải như vậy. Đông Á có lịch sử lâu dài, không chỉ là giai đoạn tiền sử 40.000 năm mà còn là thời Hoàng Kim rực rỡ Hạ, Thương, Chu! Thời kỳ sau năm 221 BC chỉ là giai đoạn chuyển tiếp muộn màng. Danh không chính ắt ngôn không thuận.
 Tử huyệt của cuốn sách là tác giả trượt dài theo những sai lầm của sử học thế kỷ XX, khi các học giả của Viễn Đông Bác Cổ miệt mài viết về lịch sử văn hóa phương Đông mà chẳng hề biết người Hán, người Việt, người Nhật, người Triều Tiên nguồn gốc từ đâu, có quá trình lịch sử ra sao để hiện diện trên đất châu Á như hôm nay?! Hay nói cụ thể hơn, họ hiểu lịch sử phương Đông theo một định kiến sai lầm: “người Hán từ phía Tây xâm nhập Nam Hoàng Hà xây dựng văn minh Hoa Hạ sau đó đem văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phương Nam, làm nên con người và văn minh phương Đông!”
Trong khi đó, thực tế lịch sử đã diễn ra hoàn toàn khác, tới mức trái ngược. Khi sang thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, di truyền học, từ khảo sát ADN dân cư châu Á, đã khám phá: 70.000 năm trước, người hiên đại Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây, những dòng di cư hòa huyết sinh ra người Việt cổ mã di truyền Australoid, sau này được gọi là người Lạc Việt. Rồi từ đất mẹ, người Việt lan tỏa khắp châu Á, chiếm lĩnh Hoa lục 40.000 năm trước! Khám phá này dẫn tới sự thật ngoạn mục: Người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên là con cháu của người Lạc Việt. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Lạc Việt là chủ thể làm nên văn minh Trung Quốc! (3) Vâng, sự thật này chỉ được phát hiện vào thập niên đầu của thế kỷ mới. Do vậy, nó hoàn toàn không có mặt trong cuốn sách in năm 2001 của Charles Holcombe. Và cố nhiên, cuốn sách chịu chung số phận những tư tưởng lỗi thời của thế kỷ trước!
Có thể chọn ra ở đây những sai lầm nổi bật.
-Do không biết người Nhật là ai, người Trung Quốc là ai nên tác giả cho rằng lịch sử ban đầu của Nhật Bản tương đồng với lịch sử Trung Hoa. Hoàn toàn không phải vậy. Di truyền học cho thấy, 30.000 năm trước, người Việt cổ đã có mặt trên đất Nhật. Khoảng 20.000 năm trước, người Lạc Việt từ Nam Dương Tử mang rìu đá mới Hòa Bình cùng công nghệ gốm tới Nhật, làm nên văn hóa Jomon. 15.000 năm trước, khi nước biển dâng như mức hiện nay, quần đảo Nhật Bản tách khỏi đất liền châu Á, trở thành vùng đất bị cô lập. Chỉ 400 năm TCN, do sức ép của xung đột thời Chiến Quốc, hàng triệu người Việt ở duyên hải phía Đông Trung Hoa, qua bán đảo Triều Tiên di cư tới Nhật, mang theo nền văn hóa nông nghiệp tiến bộ, làm nên văn hóa Yayoi. Như vậy, Nhật là dân cư trẻ nhất trong các dân tộc Đông Á. (4), (5)
-Nhiều kỹ thuật đột phá mới, kể cả việc trồng lúa gạo, được xem là đã du nhập vào vùng này từ người Việt hay, trong một vài trường hợp, có thể từ những người vùng Trung Nguyên Trung Hoa sinh sống xa hơn về phía bắc.
Một tri thức như vậy cũng quá xưa, bị thực tế khảo cổ học phủ định. Chính tại phía Nam Dương Tử, 12.400 năm trước, người Việt thuần hóa lúa nước sớm nhất thế giới. Cũng là từ đây, người Lạc Việt mang giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó đi lên xây dựng văn hóa Giả Hồ, Ngưỡng Thiều trên lưu vực Hoàng Hà.(6)
- Những sử ký Việt Nam bản xứ cổ xưa nhất, có niên đại từ thế kỷ 14, nói về một vương quốc Văn Lang độc lập được thành lập tại khu vực chung của Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 7 tr CN và đã tồn tại qua mười tám đời vua. Hơn nữa, thần thoại này có thể nói gần như trùng hợp với nền văn hóa Đông Sơn mà đã được khám phá về mặt khảo cổ học. Các học giả Việt Nam hiện đại đã mau chóng gắn nước Văn Lang này với các nguồn gốc của một “dân tộc” Việt Nam.
Do không thể cập nhật thông tin nên Charles Holcombe không thể ngờ rằng, quốc gia đầu tiên của người Lạc Việt là nhà nước của Thần Nông, được thành lập 5300 năm trước mà kinh đô là Lương Chử tỉnh Chiết Giang, có diện tích ba triệu mét vuông, với bức tường thành vĩ đại dài 1900 m, rộng 1500 m, có đáy 60 m, cao 40 m, bề mặt 40 m. Xích Quỷ, Việt Thường, Văn Lang là hậu thân của nhà nước vĩ đại đó trải những thời kỳ khác nhau. Điều mà tác giả cho là “Những truyền thuyết Việt Nam cổ xưa sơ sài này được thu thập từ các nguồn tài liệu Trung Hoa mơ hồ và cổ xưa hơn nữa, vốn được biên soạn phần lớn vào các thế kỷ thứ 6 và thứ 7, và có thể không đáng tin cậy lắm,” thực tế đó là ký ức của người Lạc Việt, dân cư của những vương quốc Xích Quỷ, Việt Thường, Văn Lang cổ xưa. Trên đất Trung Quốc, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian được ghi chép vào thời nhà Đường, sớm hơn trên đất Việt. Điều này phản ánh một thực tế là, dù được ghi lại vào những thời gian khác nhau nhưng đó là truyền thuyết của dân cư “cùng một bọc – đồng bào” từng sống trong cùng một đất nước.(7)
- Cũng do không thể tiếp cận tri thức mới của thế kỷ XXI nên tác giả mắc sai lầm khi cho rằng An Dương Vương là “ông hoàng xâm lược” từ vùng đất Tứ Xuyên, cũng như Triệu Đà là dân Trung Nguyên bản địa,  đã “bị biến đổi bởi các phong tục của dân mọi rợ phương nam” và ở chừng mực nào đó “trở thành dân bản xứ.”Không, sự thật lịch sử xác nhận, Thục Phán cũng như Triệu Đà là người Việt, là con cháu của người Lạc Việt đi lên khai phá Hoa lục trước đây, khi hoàn cảnh lịch sử cho phép, đã trở về quê cũ, lãnh đạo nhân dân xây dựng, bảo vệ đất nước. (8), (9)
- Chính vì coi năm 221 là khởi nguyên của Đông Á đã đẫn tác giả tới nhận định vô cùng chủ quan khinh suất: về sự xuất hiện của quốc gia Việt Nam đầu tiên vào năm 939. Đấy quả là một sự liều lĩnh vượt quá mọi giới hạn của một đầu óc bình thường!
Cũng như cuốn  A history of Vietnamese của Keith Weller Taylor, cuốn The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907 của Charles Holcombe đã bị thực tế lịch sử bỏ qua. Không những không giúp người đọc hiểu biết mà còn là sự xuyên tạc nghiêm trọng lịch sử Việt Nam. Khi được coi là sách giáo khoa, vô hình trung nó trở thành công cụ đưa tuổi trẻ phương Tây lạc đường. Bản dịch của dịch giả Ngô Bắc (10) giúp ta nhận ra hai điều. Một là thực trạng lạc hậu thê thảm của Đông phương học Hoa Kỳ. Và hai, thúc giục chúng ta cần nhanh chóng quảng bá lịch sử chân thực của dân tộc Việt, của phương Đông để cứu rỗi học giới phương Tây!
The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907 là cuốn sách công phu, bằng ngòi bút tài hoa và trung thực, khai thác triệt để tư liệu giá trị nhất của lịch sử phương Đông thế kỷ XX, tác giả tưởng rằng đã dựng lên tòa lâu đài vàng son cho lịch sử Việt Nam. Đáng tiếc, đó lại là thứ hàng mã dùng để CẦU SIÊU CHO MỘT NỀN SỬ HỌC KHÔNG ADN.
                                                                                                                               Sài Gòn, 1.5.2019

Tài liệu tham khảo
1.       Hà Văn Thùy. Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN.  Văn hóa học http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/vh-phuong-dong-nhung-van-de-chung/2921-ha-van-thuy-lich-su-phuong-dong-va-nen-su-hoc-khong-adn.html
2.       Charles Holcombe.  The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907. Association for Asian Studies and University of Hawaii Press, Honolulu, 2001, P. 145-164
3.       Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn. H, 2016                                      
4.       Jared Diamond: Japanese Roots. Just who are the Japanese? Where did they come from, and when?
              http://www2.gol.com/users/hsmr/Content/East%20Asia/Japan/History/roots.html
5.       Hugh McColl et al. The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science 6 July 2018. http://www.himalayanlanguages.org/files/driem/pdfs/2018e.pdf
6.       Hà Văn Thùy. Khám phá lịch sử Trung Hoa. NXB Hội Nhà văn. H, 2016
7.       Hà Văn Thùy. Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực. NXB Hội Nhà văn. H. 2017
8.       Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, H, 2016
9.       Hà Văn Thùy. Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử. NXB Hội Nhà văn. H, 2017
10.   Charles Holcombe. Nguồn gốc cổ xưa của đất nước Việt Nam. Bản dịch của Ngô Bắc. Thôn Minh triết. https://www.thonminhtriet.com/