Sự kiện chùa Ba Vàng đặt ra hai vấn đề cần được suy ngẫm: 1.
Việc thỉnh oan gia trái chủ có vi phạm Phật pháp? Và 2. Việc thu tiền thỉnh oan
gia trái chủ có vi phạm pháp luật? Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đóng
góp một góc nhìn.
1. Vấn đề thứ nhất: Thỉnh oan gia trái chủ có vi
phạm Phật pháp?
Lên đồng, gọi hồn, áp vong, bắt ma… là tín ngưỡng dân gian
hình thành từ xa xưa trong xã hội Việt Nam. Cố nhiên, như mọi việc trong cuộc sống,
nó có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tích cực khi nó giúp người tai qua, nạn khỏi,
đem lại sức khỏe và cuộc sống yên bình. Tiêu cực khi là trò lừa đảo, khiến thân
chủ tiền mất tật mang. Dù tiêu cực, dù tích cực thì hệ thống tín ngưỡng này tồn
tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Có thời, chụp cho cái mũ
“mê tín dị đoan,” nó bị cấm đoán khắc nghiệt. Nhưng rồi, cái gì căng lắm sẽ có
lúc chùng, sau thời gian cấm đoán, nó hoạt động trở lại hình như công khai hơn.
Khoảng hơn 20 năm nay, khi xuất hiện những nhà ngoại cảm có khả năng nhìn thấy
vong hồn, trò chuyện với người cõi âm, để từ đó giúp tìm kiếm hàng ngàn hàng vạn
hài cốt liệt sỹ thì việc gọi hồn, trục vong trở thành đương nhiên. Giờ mà có ai
nói cô Phan Thị Bích Hắng hành nghề mê tín dị đoan thì kẻ đó trở thành trò cười
cho thiên hạ bởi lẽ chính họ mới là dị đoan mê tín. Như vậy, có điều vui là chúng
ta tiến thêm một bước gần tới xã hội tâm linh.
Nhưng một vấn đề lớn khác được đặt ra: thỉnh oan gia trái chủ
có trái Phật pháp? Muốn trả lời câu hỏi này chỉ có thể tìm về kinh sách Phật
giáo. Trong Phật pháp, có tích chuyện kinh điển là Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Khi đạt giác ngộ, nhờ có tuệ nhãn, ngài Mục Kiền Liên thấy mẹ bị đọa trong địa
ngục. Ngài xin Phật cứu giúp. Phật bảo: lập trai đàn thật lớn rồi mời thật nhiều
chư tăng đến cầu. Làm theo lời Phật, ngài Mục Kiền Liên cứu được mẹ. Đây là câu
chuyện chứa nhiều thông điệp. Là bậc giác ngộ, cố nhiên ngài Mục Kiền Liên hiểu
rằng, như mọi chúng sinh, mẹ của mình cũng đang phải trả quả nghiệp. Theo Phật
pháp, thì ngoài tu dưỡng bản thân, không tha lực nào cứu được. Nhưng với lòng
hiếu, ngài không thể lạnh lùng chấp nhận cái tất yếu “ai làm nấy chịu”của mẹ,
còn mình ung dung tiêu dao miền cực lạc. Do vậy, ngài đứng ra cầu Phật. Đức Phật,
với uy lực vô biên, ngài có thể làm mọi chuyện. Nhưng nếu Phật tự mình ra tay,
không chỉ trái Phật pháp mà còn tạo tiền lệ xấu như ỷ lại, dựa dẫm sau này. Do
vậy, ngài khuyên tôn giả Mục Kiền Liên lập đàn cầu nguyện. Việc làm này không
trái Phật pháp vì cùng với nỗ lực bản thân, sức mạnh của chư tăng cũng giúp cho
sự tu tập. Câu chuyện trong chiều sâu nói rằng, Phật pháp không cứng nhắc,
không vô tình, lòng hiếu thảo chân thành có thể thay đổi số mệnh. Như vậy, trong
Phật pháp có giải oan gia trái chủ. Nhiều bộ kinh đã nói lên điều này. Như bài
kinh Sinh thú trong Tương ưng bộ; kinh Pháp cú quyển 4 phẩm Ái dục; kinh Pháp
hoa quyển 2, phẩm Thí dụ; Kinh Trung bộ, Phạm Thiên cầu thị; kinh Địa tạng… đều
có nói tới oan gia trái chủ. Điều này chứng tỏ trong Phật pháp, hoạt động hóa
giải những mối oán thù từ tiền kiếp là công việc của nhà chùa và chư tăng.
Trên mạng, ta cũng nghe Thượng tọa Thích Giác Hạnh kể hàng
nghìn chuyện vong báo oán, không chỉ trong nước mà ở nhiều nơi trên thế giới.
Ai dám lên án nhà sư già làm sai Phật pháp? Thầy Giác Hạnh cũng nói: “Nhà chùa
không được áp vong, gọi hồn nhưng phải thỉnh oan gia trái chủ.” Ta còn gặp nhiều
vị cao tăng khác nói về vong nhập và giải oán kết. Từ đây có thể kết luận, thỉnh
oan gia trái chủ không chỉ có trong Phật pháp mà còn là trách nhiệm của nhà
chùa trong việc cứu độ chúng sinh. Như vậy, chùa Ba Vàng không sai Phật pháp.
Từ phân tích trên cho thấy, việc kết tội chùa Ba Vàng vi phạm
Phật pháp là không thuyết phục. Nhưng theo bản án kỷ luật chùa Ba Vàng, các vị
chức sắc cho rằng hoạt động thỉnh oan gia trái chủ vi phạm Hiến chương của Giáo
hội. Ở đây có điều cần suy ngẫm. Trong xã hội thì Hiến pháp là bộ luật cao nhất.
Mọi bộ luật khác phải tuân thủ Hiến pháp. Với giới tu hành thì kinh sách là bộ
luật cao nhất. Mọi quy định của Giáo Hội không được trái với kinh sách. Tuy
nhiên, có một thực tế là, khi áp đặt chủ nghĩa duy vật vô thần lên xã hội thì
nhà nước Việt Nam cũng áp đặt quan niệm vô thần lên các tôn giáo. Do không chấp
nhận quỷ, thần, ma, vong… nên nhà nước cũng không chấp nhận vong báo oán và thỉnh
oan gia trái chủ. Điều này được quán triệt trong Hiến chương của Giáo hội. Một việc
không phù hợp với kinh sách nhưng buộc phải làm bởi “cương lĩnh đảng cao hơn Hiến
pháp.”Đó là quy định trên giấy tờ. Nhưng là công việc vẫn làm từ xưa, phục vụ
nhu cầu bức thiết mang tính sống còn của con người nên tại nhiều ngôi chùa, việc
thỉnh oan gia trái chủ vẫn diễn ra. Trên thực tế, nó vẫn là sinh hoạt tôn giáo
bình thường. Chùa Ba Vàng không là ngoại lệ. Sự việc chỉ trở thành dư luận khi
bị báo chí nêu lên. Xét cho cùng thì điều bức xúc của công luận không phải việc
vi phạm Phật pháp mà ở chỗ thu tiền, thu rất nhiều tiền! Trong nhiều trường hợp,
việc thi hành luật pháp ở xứ ta vẫn theo kiểu “mắt nhắm mắt mở.” Do báo chí
phát hiện nên chức sắc Phật giáo đành phải đắng lòng “mở mắt”xử lý ngôi chùa,
đánh vào thành tựu nổi bật của Phật giáo, từng được những cơ quan ngôn luận
chính thống đầy quyền uy ca ngợi. Không những thế, chư vị cũng buộc lòng “ngó
lơ” trước nỗi thất vọng cay đắng của hàng trăm Phật tử ngơ ngác trước cổng chùa,
bức xúc trong tiếng ngẹn ngào đẫm nước mắt nói rằng, khi họ khốn khổ, bị bệnh
viện trả về chờ chết thì không thấy nhà báo đâu. Nay khi nhờ nhà chùa họ được sống
thì báo chí đến đập phá hạnh phúc của họ: “Không có sư Thầy chỉ dẫn, không có
cô Yến, chúng tôi biết nương tựa vào đâu?”
2. Vấn đề thứ hai: thỉnh oan gia trái chủ của
chùa Ba Vàng có vi phạm pháp luật?
Phóng sự của báo Lao Động nói chùa Ba Vàng lừa đảo nhưng
không hề đưa ra chứng cứ. Do vậy lời buộc tội là không có cơ sở. Báo còn nói, mỗi
năm nhà chùa thu hàng trăm tỷ. Đó là lời kết tội nặng nề. Chính con số này như
trái bom, khiến bùng nổ dư luận xã hội. Tuy nhiên, đó lại là con số không được
bảo chứng nên không có giá trị pháp lý. Người đọc tỉnh táo sẽ đặt câu hỏi: số
liệu lấy từ đâu? Của cơ quan chức năng nào? Nếu là tài liệu riêng, nhà báo phải
công bố. Hàng triệu người đọc đang chờ nhà báo trả lời? Không có chứng cứ của vụ
lừa đảo thì dù có thu bao nhiêu tiền, chùa Ba Vàng cũng không vi phạm pháp luật.
Nhà báo chỉ nói một phần sự thật: chỉ nói thu tiền mà không nói tiền được chi
ra sao? Nếu tiền được dùng để sư tăng tiêu xài riêng, làm giầu, hưởng lạc là có
tội. Còn nếu tiền dùng xây chùa, tạc tượng, làm từ thiện lại là “đồng tiền
khôn”. Không nói về việc chi tiền ra sao thì bài báo mới có một nửa sự thật. Một
nửa sự thật là sự dối trá!
Một câu hỏi được đặt ra: trả nợ người cõi âm, giá nào là đắt,
giá nào là rẻ? Thầy Giác Hạnh giảng: “Nợ vong có nợ máu, nợ tình, nợ tiền. Nợ
máu phải trả bằng máu, nợ tiền phải trả bằng tiền.” Thầy kể, năm 1970, một ông
Việt mượn ông Mỹ 500 USD. Năm 1972 ông Mỹ về nước, ông Việt chưa kịp trả nợ. Gần
đây ông Mỹ báo mộng về đòi. Không biết trả cách nào, ông hỏi nhà sư chùa làng.
Nhà sư bảo: mua gạo bố thí người nghèo. Ông đổi ra tiền Việt mua gạo đem bố
thí. Nhưng ông Mỹ về đòi tiếp. Ông người Việt sợ quá hỏi Thầy Giác Hạnh. Thầy bảo:
“Làm vậy sao được? Anh tự mua đồ rồi tự bố thí chớ vong đã nhận nợ đâu? Giờ muốn
trả thì đổi ra tiền Việt rồi chuyển cho Thầy”. Thầy cho tiền vào phong bì, đặt
lên cái mâm, dâng lên bàn thờ Phật. Thầy cầu Phật rồi khấn mời vong ông Mỹ (tên
cụ thể) về nhận nợ. Nhà chùa đem tiền mua gạo, mì gói bố thí. Tới lúc này chuyện
mới êm. Chuyện bốn anh em nhà nọ được thừa kế mảnh đất hương hỏa. Người trong họ
gợi ý, nên chia làm năm phần. Bốn anh em bốn phần, phần còn lại để xây từ đường
vì dòng họ chưa có từ đường. Bốn người không chịu, đem chia bốn, mỗi người một
phần. Người em út đem phần đất của mình bán lại cho dòng họ để xây từ đường. Mấy
năm sau trong gia đình 11 người thay nhau chết. Hoảng quá, họ cầu cứu tứ phương
kể cả thuê thầy yểm đảo. Không xong, họ tìm tới thầy Giác Hạnh. Thầy nói, các vị
ăn ở thất đức, đã thế lại còn trấn yểm hại cho tổ tiên là quá ác. Thày phải lập
đàn cho mấy anh em sám hối nhiều ngày mới êm.
Thỉnh oan gia trái chủ có ba thành phần tham gia. Trong đó
vong (chủ nợ) là A, con nợ là B còn vị tăng là người trung gian C. Qua trung
gian C, A nói lên món nợ. Ở đây A có uy quyền tuyệt đối. Vì là món nợ từ nhiều
kiếp trước nên B không được cãi mà buộc phải nhận nợ. Thông qua C, có cuộc mặc
cả. Vì A biết tất cả nên B không thể nói dối. Nếu không trả nổi, B chỉ có thể
xin với vong được làm công quả cho nhà chùa. Trả xong nợ, khổ chủ lấy lại được
sức khỏe và bình an. Còn vong cũng được quy y siêu thoát, không còn là ngạ quỷ
gây hại cho người. Với một món nợ nần từ muôn kiếp trước, để cứu một hay nhiều
mạng người thi cái giá bao nhiêu là đủ? Trong khi ai cũng biết, để chạy một
chân công chức quèn bây giờ không dưới 500 triệu!
Có sự thật là, chùa Ba Vàng bị tội chính vì nó hoạt động hiệu
quả, thu hút nhiều khách thập phương và Phật tử. Đáng lẽ Hội Phật giáo phải
nghiên cứu hoạt động của ngôi chùa để rút kinh nghiệm rồi đưa ra giải pháp phù
hợp nhằm phát huy những mặt tích cực của nó. Rất có thể, theo cách nào đó, chùa
Ba Vàng là mô hình mà cuộc sống tạo ra trong hoàn cảnh mới. Ngôi chùa truyền thống
vốn là nơi vắng vẻ, dành cho số it người tu tập nhằm độc thiện kỳ thân. Nhưng
nay, trong hoàn cảnh sau những cuộc chiến tranh ác liệt, sinh linh oan thác quá
nhiều và xã hội cũng tích tụ nhiều oan khuất cần hóa giải. Lúc này, ngôi chùa
trở thành cơ sở tâm linh giúp chúng sinh hóa giải oán nghiệp, đem lại cuộc sống
hạnh phúc cho cõi dương và an bình cho cõi âm, vì vậy cần nhiều những ngôi chùa
hoạt động hiệu quả. Mấy năm trước, chúng tôi gặp một tiến sỹ Phật học dòng Mật
tông từ Mỹ về. Ông nói: “Trên cõi thế, quan hệ giữa người Việt và người Chăm đã
tốt. Nhưng tại cõi âm, oán hận còn rất nặng khiến cho một số việc muốn làm
nhưng không làm được vì người cõi âm ngăn cản. Cần làm những lễ cầu siêu lớn để
hóa giải.” Đó là điều đáng để suy nghĩ. Rất có thể, chùa Ba Vàng thỉnh oan gia
trái chủ có hiệu quả bởi nó có được ba nguyên nhân sau. Trước hết, chùa xây
trên nền hai ngôi chùa cổ, là đất thiêng tụ hội linh khí nên có nguồn năng lượng
lớn. Thứ hai, chư tăng nhà chùa tu luyện đúng pháp nên có thần lực. Thứ ba, do
hoạt động chuyên nghiệp nên việc cầu nguyện tạo ra năng lượng cao, có uy lực
hóa giải oan nghiệp?
3. Kết luận
Trên thực tế, chùa Ba Vàng không vi phạm Phật pháp cũng như
pháp luật. Nhưng so với những ngôi chùa khác, nó trở nên không bình thường vi
lượng người đến quá đông. Mặt khác, cũng như tất cả các ngôi chùa khác, việc
thu chi ở chùa chưa được công khai minh bạch, dẫn đến nghi ngờ. Trong bối cảnh
đó, một bài báo nói rằng chùa làm việc mê tín dị đoan, lừa người thu rất nhiều
tiền đã gây xúc động dư luận. Bị bất ngờ trước sức ép của công luận, cả hệ thống
chuyên chính vào cuộc, với cách làm đơn giản
nhất là cấm đoán để chiều theo dư luận. Điều cần làm lúc này là công
khai, dân chủ chỉ ra đóng góp cũng như hạn chế của chùa, giải tỏa những hiểu
sai đã áp đặt với chùa Ba Vàng để nó trở lại hoạt động bình thường. Không chỉ ở
Ba Vàng mà tại các chùa khác, cần có biện pháp giúp nhà chùa kiểm toán tài
chính, công khai việc thu chi trước Phật tử và công luận để tránh hệ lụy về
sau. Trên đại cuộc, cần rút kinh nghiệm cho hoạt động tín ngưỡng trong kỷ
nguyên mới.
Sài Gòn, nhân giỗ Tổ năm Kỷ Hợi.
H.V.T