Hơn 2000 năm Nho giáo trở thành một thứ quyển văn hóa bao trùm cuộc sống của người Việt. Dù muốn dù không
thì văn hóa Nho giáo hòa quyện vào mọi ngõ ngách tinh thần của từng người dân.
Nhưng do những hạn chế của lịch sử và tri thức, hầu hết người Việt, kể cả những
người được hay tự coi là trí thức cũng chưa có mấy ai thực sự hiểu biết về Nho
giáo. Phần nhiều chỉ đọc một vài cuốn sách rồi theo kiểu “bắc nồi chõ nghe
hơi”đưa ra những lời phê phán hoàn toàn cảm tính, phủ định giá trị của Nho
giáo. Thái độ phi trí thức như vậy cần được phê phán ngõ hầu xây dựng quan niệm
chính xác về cội nguồn văn hóa dân tộc.
I.CỘI NGUỒN CỦA NHO GIÁO
Thế giới có câu thành ngữ: văn hóa Trung Hoa là văn hóa phương
Đông. Do vậy, muốn hiểu văn hóa phương Đông cần phải hiểu văn hóa Trung Hoa. Muốn
hiểu được căn cơ văn hóa Trung Hoa, cần phải biết người Trung Hoa là ai, gốc
gác từ đâu và có quá trình hình thành như thế nào?
Cho đến cuối thế kỷ XX, quan niệm phổ biến cho rằng, người
Hán từ Tây Bắc xâm nhập Nam Hoàng Hà, sáng tạo văn minh Hoa Hạ. Sau đó đem văn
minh Hoa Hạ xuống khai hóa các sắc dân man di phía Nam. Tuy nhiên, sang thế kỷ
XXI, di truyền học đã khám phá sự thật ngược lại. 70.000 năm trước, người Khôn
ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây, hai đại
chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra người Việt cổ
trong đó người Lạc Việt (Indonesian) chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội
và ngôn ngữ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu cải thiện, người từ Việt Nam đi lên
khai phá Hoa lục mà bộ xương người đàn ông ở hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm
40.000 năm tuổi là nhân chứng..
Khoảng 20.000 năm trước, người Việt sáng tạo công cụ đá mới
Hòa Bình, đưa lên Động Người Tiên tỉnh Giang Tây và làm ra công cụ gốm đầu tiên.
12.400 năm trước, thuần hóa thành công cây lúa nước Oryza sativa. Từ đây, người
Lạc Việt mang công cụ đá mới, giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó đi lên
xây dựng kinh tế nông nghiệp trên lưu vực sông Dương Tử và Hoàng Hà. Qua thời
gian, người Việt đã làm nên những văn hóa khảo cổ nổi tiếng: Giả Hồ Hà Nam 9000
năm trước, Hà Mẫu Độ Chiết Giang 7000 năm trước… Tại miền Trung Hoàng Hà, thuộc
văn hóa Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước, xảy ra sự kiện quan trọng: người Lạc Việt
Indonesian tiếp xúc với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sinh ra chủng
người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Thế hệ con lai này dần thay thế
người Indonesian trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà, được nhân chủng học gọi
là người
Việt hiện đại. Trong ngôi mộ 6500 tuổi tại dốc Tây Thủy, thành phố Bộc
Dương, tỉnh Hà Nam thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều đã xuất hiện quan niệm trời tròn,
đất vuông, hình thanh long bạch hổ, nhị thập bát tú… thấm nhuần tinh thần Dịch
lý…
5.300 năm trước, tại
Lương Chử Chiết Giang, nhà nước Xích Quỷ của người Lạc Việt ra đời, là nhà nước
sớm và tiến bộ nhất ở phương Đông. Sau 80 năm khai quật và khảo cứu văn hóa
Lương Chử, học giả Trung Quốc khám phá nền văn hóa vật thể rực rỡ với những lưỡi
cày bằng xương cho thấy nông nghiệp đã ở giai đoạn cày đất, nhiều công cụ đá mới
tinh xảo, đồ gốm có độ nung cao, kiểu dáng đẹp, đa dạng. Đặc biệt là sưu tập đồ
ngọc trang sức và ngọc thờ cúng với số lượng lớn nhất thế giới, được chế tác với
kỹ thuật và trình độ thẩm mỹ cao.
Năm 2698 TCN xảy ra sự cố đặc biệt, tạo khúc quanh trong lịch
sử phương Đông. Đó là việc người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) do họ
Hiên Viên dẫn đầu, đánh vào Trác Lộc, chiếm đất của người Lạc Việt ở Nam Hoàng
Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Chiến thắng quân sự nhưng do nhân số ít và văn
hóa kém phát triển, lại gặp sự kháng cự mãnh liệt của dân Việt nên Hoàng Đế thực
thi chính sách cai trị tương đối ôn hòa, dần dần thu phục được dân Việt. Trong
quá trình chung sống, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra lớp con
lai, được gọi là Hoa Hạ. Người Hoa Hạ thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội.
Nhưng do người Mông Cổ ít mà người Việt quá đông nên sau vài thế hệ, người Hoa
Hạ hòa tan trong cộng đồng Việt, cả về máu huyết lẫn văn hóa. Có thể nhận ra điều
này ở phả tộc của Hoàng Đế. Ba vua đầu: Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc là người
Mông Cổ. Nhưng đời thứ tư Đế Khốc đã thành người Việt không chỉ với tước Đế đứng
trước tên gọi mà nước da cũng chuyển sang màu đen của dân sắc tộc Lê bản địa. Vợ
ông, bà Khương Nguyên, là người con gái thuộc thị tộc Thái (Thai thị nữ) cho
nên các con ông là Nghiêu, Tiết, Tắc càng Việt hơn. Nghiêu làm vua rồi truyền
ngôi cho Thuấn là người Việt. Thuấn truyền ngôi cho Vũ cũng là người Việt. Nhà
Thương thành lập thì Thành Thang là hậu duệ của ông Tiết nên cũng là người Việt
với nước da đen. Thay nhà Thương, con cháu ông Tắc cũng là người Việt lập nhà
Chu…
Xâm chiếm đất đai, lập quốc, xưng vương là chuyện bình thường
trong lịch sử. Nhưng sự kiện người Mông Cổ vào Nam Hoàng Hà năm 2698 TCN có ý
nghĩa đặc biệt. Không như việc người Arian xâm lăng Ấn Độ sau đó hơn nửa thiên
niên kỷ đã tàn sát người bản địa Dravidian, bắt họ làm nô lệ hoặc tàn bạo xua
đuổi họ xuống phía Nam, gây đau khổ và mâu thuẫn dân tộc sâu sắc; người Mông Cổ
nhìn chung ứng xử tương đối hòa dịu với người Việt. Nhờ vậy, trong vương triều
Hoàng Đế mâu thuẫn sắc tộc không quá căng thẳng, phần nhiều dân Việt an phận
làm ăn trong hòa bình. Khi lớp người Hoa Hạ cầm quyền thì do gần gũi về huyết
thống và văn hóa, chính sách cai trị cởi mở hơn. Nhờ vậy, chính quyền động viên
được dân Việt đem hết tài năng cống hiến cho đất nước. Ta biết rằng, là hậu duệ
người Lạc Việt đi lên khai phá Hoa lục nên người Việt trong vương triều Hoàng Đế
có bề dày văn hóa cũng như những kinh nghiệm sản xuất và đời sống. Khi được động
viên, họ đóng góp rất lớn cho vương triều.
Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề vô cùng quan trọng cần được
làm rõ. Đó là việc người Mông Cổ vốn là dân du mục trên đồng cỏ nên là những
chiến binh quả cảm, quyết đoán, bạo liệt. Họ có thói quen tư duy phân tích, biết
phân biệt nhanh những yếu tố khác nhau của môi trường. Những phẩm chất ấy một
khi thấm nhuần văn hóa nhân bản, thái hòa của dân cư nông nghiệp, tiếp thu thói
quen tư duy tổng hợp của cha mẹ Việt, họ trở nên những người lãnh đạo giỏi
giang, mang phẩm chất ưu tú của hai dòng máu và hai nền văn hóa Mông- Việt. Nhờ
vậy, cuộc sống đã hun đúc được những lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân như vua
Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ. Những con người làm nên thời Hoàng kim trong lịch sử
phương Đông. Có thể nói chắc rằng, nếu không có cuộc xâm lăng của Hiên Viên mà
cứ duy trì phương thức sống nông nghiệp truyền thống thì phương Đông sẽ tiến
triển rất chậm, sự nhảy vọt ngoạn mục sẽ không xảy ra, sẽ không thể có thời
Hoàng kim rực rỡ như từng thấy.
Phân tích trên cho thấy, về thực chất các vương triều từ Đế
Khốc về sau cho đến Nghiêu, Thuấn, Vũ… thuộc về người Việt cùng với văn hóa Việt.
Danh xưng Hoa Hạ chỉ là biểu tượng để nhận lĩnh cái vinh quang của Hoàng Đế.
Nhưng nhìn vào lịch sử mở đầu của Trung Hoa, ta thấy, thời Nghiêu-Thuấn không
có thành tựu nào xuất sắc ngoài chữ Nhân trong trị nước, là cái phẩm hạnh vốn
có của người Lạc Việt. Công trạng lớn nhất của vua Vũ là trị thủy Hoàng Hà, thực
chất cũng chỉ là công việc quen thuộc của dân nông nghiệp, tuy quy mô to lớn
hơn. Chỉ đến nửa sau nhà Thương, vào năm 1.300 TCN, khi vua Bàn Canh đánh chiếm
đất An Dương của người Dương Việt, phát hiện ra Giáp cốt văn rồi dùng sức mạnh
của chính quyền quân chủ phát triển chữ viết, đã đẩy lịch sử lên bước tiến ngoạn
mục. Văn tự Giáp cốt vốn được người Việt tạo ra từ 9000 năm trước tại văn hóa
Giả Hồ. Nhưng sau 4.000 năm, tại Lương Chử, Cảm Tang vẫn chỉ được dùng hạn chế
trong bùa chú, bói toán, thờ cúng. Với nhà Ân, không tới 200 năm, Giáp cốt văn
trưởng thành vượt bậc, đủ khả năng ghi chép những sự kiện thuộc địa dư, hành
chính, nhân sự và từ đây lần đầu tiên phương Đông có sử.
Tiếp thu Giáp cốt văn từ triều Thương, nhà Chu cải tiến viết
bằng sơn trên thẻ tre, trên lụa. Là vương triều kéo dài suốt 800 năm, từng được
ca ngợi là chúa thánh, tôi hiền, các vua Chu rất chú trọng tới văn hiến, đã sai
sử quan ghi chép hầu như mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều truyền thuyết từ thời
khai thiên lập địa được ghi lại. Vua tôi các nước chư hầu dâng thiên tử những
truyện xưa tích cũ cùng những câu ca trong dân gian. Tất cả đều được lưu trong
thư viện. Không chỉ truyền thuyết về Bàn Cổ, Toại Nhân, Phục Hy-Nữ Oa, Thần
Nông mà Dịch lý, vốn là cuốn kinh vô tự với Bát quái cùng 64 quẻ là những vạch
liền, vạch đứt lần đầu tiên được ghi chép… Chính là văn tự được giải phóng, tạo
phép thần khiến nhà Chu trở thành thời kỳ rực rỡ nhất của văn minh phương Đông.
Tuy nhiên, sự rực rỡ của hai nhà Thương Chu cũng có mặt
trái. Nó khiến cho thế giới hơn 2000 năm nay lầm tưởng rằng đấy là toàn bộ lịch
sử đã diễn ra trên Hoa lục mà không biết rằng bên cạnh cái gọi là thế giới
Trung Hoa, còn nền văn minh vĩ đại của cộng đồng người Việt bị quên lãng. Mà
chính đây mới là cội nguồn thực sự của văn minh phương Đông. Những khám phá gần
đây cho thấy, sau khi một phần đất đai ở Nam Hoàng Hà bị xâm chiếm, lập nhà nước
Hoàng Đế là cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài của các quốc gia và bộ tộc Lạc
Việt chống lại sự lấn chiếm của các vương triều Hoa Hạ. Vào cuối thời Thương,
do tài năng và đức độ, các vua nhà Chu đã tập hợp được nhiều tiểu quốc và bộ tộc
Việt cùng tham gia đánh vua Trụ, sau này thành khối chư hầu khổng lồ của nhà
Chu. Chính người Lạc Việt từ các tiểu quốc vô danh này góp phần cốt lõi làm nên
văn hóa Trung Hoa. Muốn có cái nhìn chính xác về văn minh phương Đông thì đó là
sự thật sau: nếu văn hóa phương Đông là một cây đại thụ thì phần gốc rễ mọc
trên đất Việt Nam, còn cành nhánh tốt tươi cùng hoa thơm trái ngọt nảy nở trên
đất Trung Hoa.
Trước khi gặp phương Tây, Phương Đông không có khái niệm về
Thời Trục (Pháp: période axiale; Anh: axial – với nghĩa là trục xoay hay bản lề)
mà chỉ thấy rằng, vào khoảng hai thế kỷ V và VI TCN, bùng phát những hoạt động
tinh thần, làm nên thời kỳ rực rỡ vô tiền khoáng hậu. Tiếp nhận ý tưởng về Thời
Trục từ phương Tây, thức giả phương Đông thừa nhận rằng đó chính là giai đoạn bản
lề trong lịch sử, khai sinh một nền văn hóa kỳ vĩ, một đỉnh cao chói lọi của tư
tưởng, văn hóa. Nhưng nguyên nhân nào làm nảy sinh ra hiện tượng dị thường này
hầu như chưa được khảo cứu. Một khi chưa biết nguyên nhân thì việc đánh giá sự
kiện chưa thể trọn vẹn. Ở đây chúng ta thử bắt đầu công việc khó khăn này.
Ta biết tới Claude-Lévi-Strauss tác giả cuốn Nhiệt đới buồn với
những lời tuyệt vời minh triết: “Con người chỉ thực sự sáng tạo những công
trình vĩ đại vào buổi đầu. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có bước đầu hoàn toàn
có giá trị, những giai đoạn kế tiếp chỉ là sự lặp lại những giai đoạn đã qua”
và “Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất của lịch sử nhân loại xảy ra
vào Thời đại Đá mới với sự phát minh ra trồng trọt, chăn nuôi… Muốn đạt đến những
thành quả vĩ đại này, không phải trong chốc lát là được, mà trái lại, những tập
thể loài người bé nhỏ lúc bấy giờ đã phải trải qua hàng mấy nghìn năm quan sát,
thí nghiệm và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Sự nghiệp vĩ đại
này đã diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công…” Đó là sự khám phá
chung cho nhân loại. Bởi lẽ, cho tới cuối Thời kỳ Đá mới, cả phương Tây lẫn
phương Đông đều đã đạt tới sự phát triển cao nhất không chỉ về văn hóa vật chất
mà còn cả về văn hóa tinh thần. Văn hóa đã tích tụ hàng nghìn năm, từ Thời kỳ Đồ
đá sang Thời đại kim khí để rồi bùng phát vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước
Công nguyên, tạo nên Thời kỳ Trục.
Ta cũng biết rằng, thiên tử nhà Chu từng gom những câu ca của
dân dã từ nơi thôn cùng xóm vắng về kinh đô để từ đó đánh giá thuần phong mỹ tục
của từng nước chư hầu và cũng từ đó thưởng phạt các vua chư hầu. Những dân ca ấy
được lưu giữ trong tàng thư của triều đình, là tư liệu quý để sau này Khổng Tử
biên tập kinh Thi… Chính là văn hóa Lạc Viêt tích lũy đến hai triều Ân, Chu tạo
tiền đề sinh ra một Lão Tử, một Khổng Tử…, làm nên Thời Trục của phương Đông.
II.NỘI DUNG CỦA NHO GIÁO
Khổng Tử là cha đẻ của Nho giáo vì vậy ta phải đi sâu khảo cứu
về ông. Khổng Khâu sinh trưởng tại ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ nay là huyện
Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông vào cuối thời Xuân Thu. Như vậy gốc gác ông là người
“Đông di”theo cách gọi của các vương triều Hoa Hạ. Điều này cũng có nghĩa, tổ
tiên ông thuộc dân Lạc Việt từ Việt Nam đi lên Hoa lục hàng vạn năm trước. Sau
cuộc xâm lăng của Hiên Viên, nhà nước của Đế Lai tan rã, người Việt vùng phía
Đông chia thành những nước nhỏ, tiếp tục chống lại các vương triều Hoa Hạ. Đến
đầu thời Chu, nước Lỗ là tiểu quốc độc lập
liên kết cùng các nước Việt khác, phù giúp nhà Chu đánh bại vua Trụ, sau đó
thành chư hầu của nhà Chu.
Năm 30 tuổi, Khổng Tử đến Lạc Dương, kinh đô nhà Chu, quan
sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem
Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế
Thần Nông và Thần Hậu Thổ. Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì ông đến quan
sát và hỏi han cho tường tận. Từ đó, sự học của ông càng rộng hơn nhiều nên học
trò xin theo học càng lúc càng đông. Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước:
Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem Đạo
của ông ra ứng dụng để mang lại thái bình cho dân chúng. Nhưng Đạo của ông là
Vương Đạo (đạo trị quốc) nên đi ngược ý đồ Bá Đạo (đạo chinh phạt) của các vua
chư hầu và quyền lợi của các quan đại phu nên các vua chư hầu đều không dám
dùng ông
Sau nhiều năm bôn ba khắp các chư hầu với ý nguyện thực thi
Đạo của mình để cứu đời nhưng thất bại, năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ,
tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông hiệu đính các cổ thư bị tản mác,
nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến người đời sau nhầm lẫn.
Do vậy, Khổng Tử thực hiện san định lại các kinh sách của Thánh hiền đời trước,
lập thành sáu cuốn sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch,
Kinh Xuân Thu. Mỗi cuốn lại nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ,
bói toán cho tới sử học. Việc Khổng Tử tự mình biên soạn sáu bộ sách đã thể hiện
hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là một
dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Thiên từng ca
ngợi Khổng Tử: "Núi cao cúi phục, thiên nhiên cũng kính nể ngừng khoe sắc
đẹp. Thiên hạ biết không đuổi kịp được ông nhưng luôn hướng theo ông! Từ bậc
quân vương đến thường dân lúc đó đều ca ngợi ông. Tuy chỉ là người mặc áo vải
nhưng ông đời đời được tôn vinh, những người học đều coi ông là thầy, có thể
nói ông là bậc thánh hiền!”
Cùng đọc sách nhà Chu, trong khi Lão Tử như siêu triết gia,
thu hút tinh hoa từ sách cổ để đúc thành 500 chữ của Đạo đức kinh vừa cao siêu
vừa sâu thẳm chỉ giành cho tầng lớp ưu tú thì Khổng Tử lại là nhà làm vuờn cần
mẫn lựa từ trong sách những hạt giống tinh hoa rồi đem gieo trên cánh đồng văn
chương. Chân thành, khiêm cung, thừa nhận “ngô thuật nhi bất tác” (ta chỉ là
người chép lại) nhưng Khổng Tử tạo ra cả một thời đại văn hóa. Thử hỏi, nếu
không có Khổng Tử làm cái việc ghi chép ấy, có nghĩa là không có Ngũ kinh, liệu
văn hiến phương Đông còn gì? Không chỉ làm sách mà do công “giáo nhi bất quyện”(dạy
không biết mệt) Khổng Tử để lại đội ngũ kẻ sỹ lớn không chỉ về trí tuệ mà cả
nhân cách.
Nhớ lại câu nói của Khổng Tử khi bị vây ở đất Khuông:
"Sau khi vua Văn Vương mất, tất cả mọi văn hóa, lễ nhạc đều không phải ở
nơi ta cả ư ? Nếu trời muốn cho nền văn hóa này mất đi, thì sao khi vua Văn
Vương chết, lại ủy thác cho ta nắm giữ nền văn hóa này làm gì? Còn nếu trời đã
không muốn để mất nền văn hóa này, thì người Khuông kia làm gì được ta,"
ta thấy hơn ai hết, Khổng Tử ý thức được vai trò của mình.
Trong trước tác và cả trong giáo dục, Khổng Tử không chỉ nhuần
thấm mà không mệt mỏi dạy dỗ cả bốn tầng minh triết tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Trong khi đẩy tới cùng
việc dạy trị quốc, bình thiên hạ cho các bậc vua chúa, thì ông cũng nhiệt tâm dạy
nhân nghĩa, lễ, trí tín, tu thân tề gia. Trong khi biên tập những sách mang lượng
trí tuệ siêu việt như kinh Thư, kinh Dịch, Khổng Tử cũng là người san định rồi
cho lưu truyền kinh Thi là những câu ca lượm nhặt từ hang cùng xóm vắng trong
dân gian. “Bất độc thi vô dĩ ngôn” (Không đọc kinh Thi lấy gì mà nói) không chỉ
là để dạy con mà là lời dạy cho kẻ sỹ muôn đời phải tôn trọng, học hỏi lời ăn
tiếng nói của người bình dân. Đó chính là thái độ minh triết vì nó gắn kết minh
triết bình dân với minh triết bác học. Nhờ vậy, ở phương Đông, Minh triết trở
thành một thứ quyển văn hóa tâm linh bao quanh cuộc sống con người.
Những phân tích ở trên có thể không it người nhận ra, trong
khi đó có một ý tưởng chỉ duy nhất thiên tài Kim Định thấy được. 50 năm trước,
khi biết rằng, trước khi người Hán vào Trung Quốc thì người Việt từ lâu đã làm
chủ Hoa lục và xây dựng ở đó nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ, học giả Kim Định
cho rằng, thư tịch trong thư viện nhà Chu chứa kho tàng văn hóa cổ của người Việt.
Khi san định kinh sách, có nghĩa là Khổng Tử phục hoạt nền văn hóa cổ Việt mà
ông gọi là Việt Nho hay Nho nguyên thủy. Nếu không có Khổng Tử làm việc này,
cái kho tàng văn hoa của tộc Việt sẽ tiêu trầm và một nền văn hóa lẫy lừng
trong lịch sử sẽ biến mất. Nhưng sau đó, những lớp kế thừa Khổng Tử theo trào
lưu của văn minh du mục Mông Cổ đã biến Khổng nho thành Hán nho, Tống, Đường,
Minh, Thanh nho… xa dần đặc tính minh triết của Việt Nho. Những câu như “Quân xử
thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” hay “Nhất
nam viết hữu, thập nữ viết vô”… và nhiều câu khác không phải của Khổng Tử mà do
người sau thêm vào mà do thiếu tra cứu nên nhiều người đổ oan cho Khổng Tử.
Nửa thế kỷ trước, phát biểu của Kim Định là ý tưởng dị thường,
không tin được nên không ít người cho ông là hoang tưởng, là theo tinh thần dân
tộc cực đoan mà phản đối ông dữ dội. Nhưng nay, từ khám phá quá trình hình
thành dân cư và lịch sử Trung Hoa, ta thấy Kim Định hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ,
do sự mù mờ của lịch sử, ta nghĩ rằng, người Hán là tộc người từ ngoài xâm nhập
Nam Hoàng Hà, làm nên văn minh Hoa Hạ. Người dân thời Nghiêu, Thuấn, Vũ là dị tộc.
Nhưng nay, ta hiểu rằng, dân cư Trung Quốc từ thời Hoàng Đế đã là người Việt.
Không chỉ Nghiêu, Thuấn mà các triều đại Thương, Chu cũng là người Việt. Vì vậy,
cái Nho học ban đầu của Khổng Tử chính là Việt Nho.
Một lần nữa, ta thấy câu nói của Levis-strauss ứng nghiệm.
Đúng là đỉnh cao văn hóa đạt được vào Thời Đồ đá đã trầm tích qua thời gian rồi
bùng phát vào giai đoạn Trục, đem lại thành tựu rực rỡ cho văn minh nhân loại.
Như vậy ta thấy, khác với ở phương Tây, tầng lớp ưu tú cắt đứt với minh triết
bình dân để trở thành những triết gia tư biện trên đỉnh Olimpia, xa rời cuộc sống
thì Khổng Tử là cây cầu nối minh triết bình dân với minh triết bác học, tạo cho
minh triết thành cây cổ thụ sâu gốc bền rễ… Trong những định nghĩa về Minh triết,
có định nghĩa như sau: “Minh triết là sự
khôn ngoan sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa ánh sáng
và sức nóng nuôi dưỡng văn hóa dân tộc và đẫn đường cho dân tộc đi lên.”
Nhìn vào chiều sâu của định nghĩa đó, ta thấy, Nho giáo nguyên Thủy hay Việt
Nho chính là đỉnh cao của minh triết phương Đông.
III. KẾT LUẬN
Việt Nam là cái nôi của con người và văn hóa phương Đông. Tiếng
Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ phương Đông. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ
viết Trung Hoa. Minh triết Việt nho thấm đẫm trong tâm hồn và xã hội Việt Nam,
thể hiện bằng sự nhân ái, khoan dung, thương người như thể thương thân, là lòng
yêu nước thương nòi, ở khí phách anh hùng quyết tâm bảo vệ đất nước… Tuy nhiên,
do không hoàn thiện được chữ viết, chúng ta không thể sử dụng văn tự ghi chép lại
thành tựu văn hóa do tổ tiên sáng tạo... Rất may là người anh em phương Bắc của
chúng ta đã ghi lại được di huấn của tổ tiên trong kinh điển Nho giáo. Vì vậy,
khi Nho giáo được truyền tới, người Việt không những không cảm thấy xa lạ mà
ngược lại nhận ra sự thân quen gần gũi. Nhiều ý tưởng mới chỉ mơ hồ trong tâm
khảm thì đã được đúc kết sáng rõ thành kinh điển. Bên cạnh đó là những sách chú
giải của các tiên nho cùng những sử, truyện đem tới cho người Việt nguồn căm hứng
và tri thức dồi dào. Phải khẳng định, Nho giáo nâng cao tầm trí tuệ của người
Việt. Không chỉ vậy mà còn dạy cho cha ông chúng ta nghệ thuật ngôn từ. Nếu trước
đây chỉ biết tới những câu vè hay những câu lục bát thì nay cho ông ta biết tới
thơ Cổ phong, Đường luật rồi biết làm văn sách, nghị luận và tự viết ra cuốn sử
của mình… Từ đó xây dựng được đội ngũ trí thức dân tộc đủ sức gánh trên vai gánh
nặng giang sơn, làm nên một dân tộc văn hiến… Sự thực đó không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, việc coi mọi thứ của Nho giáo đều hoàn thiện, đều tốt đẹp lại là sự
vô minh. Bởi lẽ, tuy kinh điển của thánh hiền không được thay đổi nhưng những nhà
chú thích vì lẽ này lẽ khác đã giảng khác đi. Rồi trong những sử truyện, vì quyền
lợi của mình, người viết đưa vào những quan niệm ngu trung, ngu hiếu của Hán
nho, Tống nho cùng thái độ kỳ thị phụ nữ và các sắc dân thiểu số đã tác động
tiêu cực đến trí thức Việt. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những tiêu cực đó để rồi phủ
định toàn bộ nền Nho học hàng nghìn năm thì lại là sự vô minh tệ hại hơn. Vấn đề
của chúng ta hôm nay là gạn lọc tìm lại tinh hoa Việt nho của tổ tiên để phục hưng
dân tộc.
Sài Gòn, 21.11.2018