Năm
2008, tôi công bố chuyên luận Tiếng Việt
chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán, một khảo cứu mang ý nghĩa lật đổ quan niệm hiện
hành về nguồn gốc ngôn ngữ phương Đông.
Năm
2011, tôi cho ra tiếp tiểu luận Lâu Đài Sụp Đổ Suy Ngẫm Từ Công Trình
Khoa Học Lớn, phê bình cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc
Hán-Việt của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Ngay sau đó, tôi gửi thư tới chư vị Viện
trưởng Viện Ngôn ngữ học và Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, thưa rằng, ý
kiến của tôi có thể sai. Xin quý vị xem xét, nếu thấy sai thì công bố cho mọi
người biết để khỏi hoang mang. Còn nếu đúng…” Năm 2012, khi có thêm tư liệu về
chữ bùa chú khắc trên đá 4000-6000 năm trước của người Lạc Việt tại Cảm Tang Quảng
Tây, tôi đăng bài Lịch sử hình thành chữ
viết Trung Hoa. Tiếp đó là bài Không
có cái gọi là từ Hán Việt. Năm 2015 tôi công bố tiếp bài Phải chăng tiếng Việt chỉ có 1200 năm lịch sử, phê bình bài viết Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt
của GS Nguyễn Tài Cẩn.
Là kẻ ngoại đạo, buộc
phải chen ngang vào lĩnh vực khoa học cao sang, tôi luôn biết mình là một tay
mơ, cần được những vị học giả uyên thâm chỉ bảo. Nhất là sau những bài phê bình
vị giáo sư có quá nhiều học trò thành danh lớn Nguyễn Tài Cẩn, tôi nghĩ búa rìu
sẽ bổ xuống đầu mình. Không chỉ vì chân lý khoa học mà còn vì cái nghĩa tôn sư…
Nhưng thật buồn vì đã độc thoại trước sa mạc!
Mới đây, một người bạn
gửi cho tôi lá thư ngắn của một PGS.TS Ngôn ngữ học trao đổi với ông. Lần đầu
tiên được nghe một người trong nghề, một học giả có môn bài nhận xét về mình,
tôi đọc một cách nghiêm cẩn. Đọc xong thì hiểu rằng đây cũng là quan điểm chung
của các nhà ngôn ngữ học. Mạn phép ông, trình với công chúng (xin đọc ở dưới)
và thưa lại đôi lời.
Vị PGS.TS viết: “dân chuyên môn không chịu bàn đến lý thuyết
của anh Thùy không phải vì nó đúng hay sai.
Trong bóng đá, như thế nào thì gọi là việt vị, như thế nào thì gọi là đá
phạt, v.v. đã được tất cả mọi người xem bóng đá và chơi bóng đá chấp nhận. Nếu
có một anh xông vào cãi, với cách hiểu riêng của anh ta, thì chắc chắn không ai
cãi lại với anh ta làm gì. Ngôn ngữ học cũng vậy, có "luật chơi" của
nó. Muốn xác định hai ngôn ngữ có quan hệ họ hàng, nhà nghiên cứu phải tuân thủ
một quy trình chặt chẽ đã được Franz Bopp khởi xướng từ đầu thế kỷ 19 và đã được
kiểm nghiệm qua mấy trăm năm nghiên cứu của các học giả Đông Tây, chứ không phải
một "quy trình" tự nghĩ ra, phủ định mọi quy tắc làm nền tảng cho một
ngành như ngôn ngữ học lịch sử.”
Không khó để nhận ra sự
ngụy biện của tác giả khi ví đá banh với nghiên cứu ngôn ngữ. Đá banh là trò
chơi do con người bày ra cùng với những luật chơi; còn nghiên cứu ngôn ngữ là
việc khám phá bí mật của quá khứ. Một công việc mà không ai có quyền đặt ra luật
lệ, tất cả đều bình đẳng trong nghiên cứu mà trọng tài duy nhất là chân lý!
Tác giả nói: “Muốn xác định hai ngôn ngữ có quan hệ họ
hàng, nhà nghiên cứu phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ đã được Franz Bopp khởi
xướng từ đầu thế kỷ 19 và đã được kiểm nghiệm qua mấy trăm năm nghiên cứu của
các học giả Đông Tây.” Nhưng sự thật thì sao? Cái “quy trình chặt chẽ” ấy cộng
với biết bao học giả mà sau 150 năm không xếp được tiếng Việt vào họ ngôn ngữ
nào, nói lên điều gì?! Phải chăng đó là một trò chơi vô tích sự?
Được biết, từ giữa thế
kỷ XIX, cùng với nhân chủng học, văn hóa học… môn Ngôn ngữ học lịch sử ra đời với
mục đích chủ yếu là tìm hiểu quá trình
hình thành ngôn ngữ để tìm ra nguồn gốc các tộc người. Với tiếng Việt thì
như PGS.TS viết: “Vấn đề nguồn gốc tiếng
Việt đã có một lịch sử nghiên cứu 150 năm; trong đó, lý thuyết của Schmidt bị
lý thuyết của Maspéro thay thế trong 40
năm; rồi lý thuyết của Maspéro bị
Haudricourt đánh đổ; đến lượt nó, lý thuyết của Haudricourt mặc dầu cho đến nay
được chấp nhận nhưng được rất nhiều học giả bàn luận sôi nổi và bổ sung, chỉnh
lý.”
Vậy, “bổ sung, chỉnh
lý” thế nào?
Mới đây tôi nhận được
bài viết nhan đề: What Makes Chinese so
Vietnamese? An Introduction to
Sinitic-Vietnamese Studies. Chữ “so” ở đây quá linh động nên có thể tạm dịch:
Điều gì làm cho tiếng Trung Quốc giống
(như, với) tiếng Việt. Giới thiệu về nghiên cứu ngôn ngữ Trung-Việt. Bằng
nhiều chứng cứ khó bác bỏ, tác giả chứng minh: tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ
Hán-Tạng!
Điều gì diễn ra vậy? Tại
sao sau 150 năm lao tâm khổ tứ nghiên cứu mà hôm nay mèo lại hoàn mèo: từ Sino-Tibétan
lại trở về Hán-Tạng?! Trong Vật lý học, việc di chuyển một điện tử về đúng điểm
xuất phát, công thu được bằng không (zero). Cũng vậy, sau 150 năm, Ngôn ngữ học
lịch sử giúp gì cho tiến bộ của nhận thức? Một sự thật không thể phản bác: khi
xếp tiếng Annam vào họ Hán-Tạng, Schmidt đưa ra nhiều dẫn chứng, khiến cho học
giả thế giới tâm phục khẩu phục. Đến lượt mình, Maspéro rồi Haudricourt cũng thế!
Và hôm nay? Khó lòng bác bỏ tác giả mới này!
Chỉ một ngôn ngữ Việt
Nam mà vừa xếp lọt rồi lại bị đẩy ra hết khuôn này tới khổ kia, nói lên điều
gì? Chẳng phải là có sự giống nhau, sự tương đồng lớn giữa chúng đồng thời là sự
khác biệt quan trọng khiến cho tiếng Việt không chấp nhận bất cứ cái khuôn nào
người ta áp đặt cho nó?
Thực trạng đó khiến ta
không thể không nhận ra, suốt thế kỷ rưỡi qua,
những bậc thầy của Ngôn ngữ học kia hoạt động một cách vô thức như những
ông thày mù sờ voi! Mục đích tối hậu là tìm nguồn gốc dân cư phương Đông qua tiếng
nói không thực hiện được, vậy thì kết quả của 150 năm học thuật là gì? Phải
chăng chỉ là dã tràng xe cát?
Jared Diamond, nhà nhân
học lớn của nước Mỹ có câu nói đáng suy ngẫm: “Những gì thuộc về con người mà
không được di truyền học xác nhận, đều không đáng tin cậy!” Hơn những cục đá,
những mảnh gốm, ngôn ngữ là sản phẩm tự thân nên gắn bó mật thiết với con người.
Nhưng hơn cả những hòn đá, những mảnh gốm, tiếng nói vô cùng linh động. Vâng,
tiếng nói của mỗi tộc người bày ra giữa thanh thiên bạch nhật đấy nhưng làm sao
biết mối liên hệ giữa chúng? Phải hàng tháng, có khi hàng năm, nhà ngôn ngữ học
đi điền dã ghi âm, rã băng, lên phiếu rồi phân tích âm tiết, âm vị từng chữ, thống
kê rồi khảo sát cú pháp… mới có thể tạm xác nhận hai ngôn ngữ ấy là anh em. Chấm
hết! Không thể nói đâu là con đâu là mẹ! Trong khi đó, nhà di truyền học chỉ cần
lấy mẫu nước miếng vài chục người của mỗi cộng đồng, đem về phòng thí nghiệm là
tìm ra chính xác mối quan hệ gữa họ. Một khi khoa học công nghệ đã đạt độ chính
xác như vậy thì cái việc truy theo ngôn ngữ để tìm mối quan hệ giữa các cộng đồng
người liệu có còn ý nghĩa?
Hôm nay, bằng cách đọc
cuốn thiên thư ADN được tạo hóa ghi lại trong máu huyết con người, khoa học
phát hiện: trong cây phả hệ các dân tộc phương Đông, người Việt Nam nằm ở gốc.
Tày-Thái, Môn-Khmer, Nam Á, Hán-Tạng… cũng chỉ là con cháu Lạc Việt mang mã di
truyền Haplogroup O1 (Y-DNA). Là sản phẩm hoạt động xã hội của con người,
nên ngôn ngữ Lạc Việt cũng là mẹ của mọi ngôn ngữ châu Á. Tiếng Việt Nam là sự
thừa kế trực hệ của ngôn ngữ Lạc Việt nên dù có gần gũi với các hệ ngữ khác
nhưng do là gốc, là mẹ nên “độ phủ sóng” của nó lớn, không thể xếp nó “trọn
gói” vào bất cứ họ ngôn ngữ con cháu nào! Thất bại của Ngôn ngữ học lịch sử là ở
chỗ chỉ xác định sự gần gũi giữa hai ngữ mà không thể khẳng định đâu là mẹ, đâu
là con giữa chúng. Trong khi điều này mới là mục đích của việc nghiên cứu ngôn
ngữ. Có ai đó từng đưa ra lời khuyên minh triết, đại ý: “Đừng tìm nguồn gốc
ngôn ngữ nơi những cộng đồng người đông đảo sống trên bình nguyên mênh mông mà
hãy tìm nơi những bộ lạc nhỏ bé cư trú giữa rừng sâu núi thẳm hẻo lánh.” Đúng
thế, mấy trăm năm nào có ai ngờ, tổ tiên của cái thứ tiếng “trọ trẹ” miền Thanh
Nghệ lại là cội nguồn ngôn ngữ phương Đông?!
Như vậy phải chăng, Ngôn
ngữ học lịch sử là một trò chơi xa xỉ sản sinh ra quá nhiều học giả nhưng lại
đưa học thật lạc đường? Bình Nguyên Lộc là một thí dụ. Do ngộ nhận ngôn ngữ tỷ hiệu (tên gọi một thời của Ngôn
ngữ học lịch sử) là phép màu giúp tìm nguồn gốc dân tộc nên ông bỏ ra 10 năm học
các tiếng Đông Nam Á để rồi “khám phá ra châu Mỹ” bằng đề xuất: Nguồn gốc Mã
Lai của dân tộc Việt Nam! Nguyễn Tài Cẩn là thí dụ khác. “Công trình” Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc
Hán Việt đưa ông lên đỉnh cao chót vót của Ngôn ngữ học Việt Nam nhưng lại
là sai lầm thê thảm! Chỉ nguyên việc “phát minh” ra lớp từ Hán cổ cùng lớp từ Hán
Việt Việt hóa trong tiếng Việt đã khiến ông vượt qua tất cả các bậc thầy của
mình trong việc xuyên tạc văn hóa dân tộc! Tại sao người Thầy đức độ, có tâm,
có tài ấy lại sai? Câu hỏi dằn vặt tôi mỗi khi nhớ tới những mùa Đông nơi rừng
núi Thái Nguyên. Ngọn đèn dầu đêm thâu của Thầy bên cô giáo Nôna rị mọ trên những
phiếu tư liệu cho cuốn sách tương lai, từng sưởi ấm lòng chúng tôi. Có lẽ,
trong số các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, khó ai có được cuộc nghiên cứu quy mô,
bài bản như Thầy. Không chỉ Thầy với trí tuệ hàng đầu mà bên Thầy còn người bạn
đời, người cộng tác tài năng nhiều năm cùng miệt mài làm việc. Rồi tôi chợt hiểu.
Cái sai của Thầy thuộc về phương pháp luận. Do bị cuốn vào vòng xoáy ma mị của
Ngôn ngữ học lịch sử, Thầy đã không tìm được đường ra! Cái sai của Thầy bộc lộ
sự thất bại của phương pháp luận nghiên cứu Ngôn ngữ học lịch sử. Thầy sai còn
do học trò của Thầy quá thụ động, không ai hỏi lại Thầy câu hỏi thường tình nhất:
“Việt là dân sông nước, phải vẽ mình để tránh giao long. Lẽ nào không có thuyền,
buồm mà lại phải mượn “buồm” của dân đồng cỏ, chuyên chăn cừu cưỡi ngựa? Hay:
“Maspéro nói tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán. Bây giờ thêm lớp từ Hán cổ và
Hán Việt Việt hóa nữa thì tỷ lệ vay mượn là bao nhiêu? Lẽ nào khi chưa gặp người
Hán thì tiếng nói của tổ tiên ta nghèo đến vậy?” Thầy sai còn vì lẽ, mấy ông mắt
xanh mũi lõ tít trời Tây luôn kích lệ người học trò thuộc bài! Nay ý tưởng của
Thầy tràn lan trên các giáo trình giáo án. Làm thế nào gột rửa di hại của Thầy?
Thí dụ khác là các bậc Schmidt, Maspéro rồi Haudricourt… những ông thày sờ voi
vĩ đại trong lịch sử khoa học! Là những học giả uyên bác nhưng do hạn chế của
tri thức thời đại khiến các ông hoang tưởng đẻ ra một trò chơi vô tích sự!
Thực tế là thước đo kiểm
định mọi lý thuyết! Nay khi khoa học tự nhiên đã làm xong công việc của nó là
khám phá chính xác nguồn gốc loài người cùng quá trình hình thành các sắc dân
châu Á thì thiết tưởng, Ngôn ngữ học lịch sử phải được thay đổi. Giống như đứng
trước một lâu đài sụp đồ, cùng với việc hót dọn xà bần, người khôn ngoan cố gắng
lựa ra những gì hữu ích cho cuộc sống đang tiếp diễn!
Sài Gòn, Trung Thu năm Bính Thân
Thư của vị PGS.TS Ngôn
ngữ học
Sent: Tuesday,
September 6, 2016 6:02 PM
Em phản đối lý thuyết của
Hà Văn Thùy. Và chuyện học chữ Hán hay không thực ra không liên quan gì đến lý
thuyết của anh Hà Văn Thùy cả.
Chưa có một nhà ngôn ngữ
học lịch sử về tiếng Việt nào cho đến nay chịu bàn đến lý thuyết của anh Thùy,
điều đó phải có lý do học thuật.
Vấn đề nguồn gốc tiếng
Việt đã có một lịch sử nghiên cứu 150 năm; trong đó, lý thuyết của Schmidt bị
lý thuyết của H. Maspéro thay thế trong 40 năm;
rồi lý thuyết của Maspéro bị Haudricourt đánh đổ; đến lượt nó, lý thuyết
của Haudricourt mặc dầu cho đến nay được chấp nhận nhưng được rất nhiều học giả
bàn luận sôi nổi và bổ sung, chỉnh lý. Như thế, trong khoa học, các lý thuyết thay thế nhau là chuyện thường.
Vậy dân chuyên môn
không chịu bàn đến lý thuyết của anh Thùy không phải vì nó đúng hay sai. Trong bóng đá, như thế nào thì gọi là việt vị,
như thế nào thì gọi là đá phạt, v.v. đã được tất cả mọi người xem bóng đá và
chơi bóng đá chấp nhận. Nếu có một anh xông vào cãi, với cách hiểu riêng của
anh ta, thì chắc chắn không ai cãi lại với anh ta làm gì. Ngôn ngữ học cũng vậy,
có "luật chơi" của nó. Muốn xác định hai ngôn ngữ có quan hệ họ hàng,
nhà nghiên cứu phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ đã được Franz Bopp khởi xướng
từ đầu thế kỷ 19 và đã được kiểm nghiệm qua mấy trăm năm nghiên cứu của các học
giả Đông Tây, chứ không phải một "quy trình" tự nghĩ ra, phủ định mọi
quy tắc làm nền tảng cho một ngành như ngôn ngữ học lịch sử.
Vài dòng sơ lược như thế,
mong anh hiểu.