CHỮ HÁN LÀ GÌ?




Trên Vietnam.net đang có cuộc bàn luận về việc dạy chữ Hán cho học trò. Người tán thành, kẻ phản đối khá sôi nổi. Nhưng nếu có hỏi: “Chữ Hán từ đâu ra?” chắc chắn không có câu trả lời chuẩn xác. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng chỉ có thể nói rằng: “Đó là Giáp cốt văn xuất hiện vào thời Ân Thương, được chỉnh lý ở thời Chu rồi tới thời Tần được chuẩn hóa thành chữ Triện, chữ Lệ…” Nếu hỏi câu nữa: “Vì sao suốt 1400 năm cho tới nhà Hạ, người Trung  Quốc không có chữ nhưng sau năm 1300 TCN, khi vua Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Dương Việt thì Trung Quốc bỗng nhiên có Giáp cốt văn đã ở dạng trưởng thành?” Không lời đáp!
Tuy nhiên, có sự thật là, từ thập niên 1970, khảo cổ học đã phát hiện những ký tự khắc trên yếm rùa, xương thú, trên gốm, trên đá ở văn hóa Giả Hồ Hà Nam 9.000 năm trước. Bán Pha Sơn Tây 6.000 năm trước. Ở Lương Chử Chiết Giang từ 5.300 năm trước. Ở Cảm Tang Quảng Tây 4000 đến 6000 năm trước… Các xét nghiệm di truyền học từ những bộ xương tìm được cho thấy, chủ nhân của những ký tự đó là người Lạc Việt.
Nhiều tài liệu di truyền học hiện đại xác nhận, khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Những tài liệu khảo cổ cho thấy, trên  Hoa lục người Việt đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ, trong đó có những ký tự đầu tiên. Từ 2.200 năm TCN, do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử của nhà nước Xích Quỷ vùng Thái Hồ bị nhận chìm, 565 chữ ở đây bị chôn vùi. Tuy nhiên, chữ tượng hình của người Lạc Việt ở Cảm Tang Quảng Tây được đưa lên Hà Nam đồng thời được lưu giữ trong một số bộ lạc, trong đó có tộc Thủy. Vào đầu Công nguyên, do cuộc xâm lăng của nhà Tần rồi Hán, bộ lạc này lùi sâu vào sống trong rừng, trở thành một tộc thiểu số, hiện có 340.000 người. May mắn là đồng bào vẫn giữ được chữ và sách do tổ tiên truyền lại, gọi là Thủy tự cùng Thủy thư, có lối hành văn xuôi theo ngữ pháp Việt. Một di sản của nhân loại, được gọi là văn tự hóa thạch sống.
Từ khảo cứu hơn 10 năm nay, tôi chứng minh rằng, chữ tượng hình thuộc dạng phù tự - chữ dùng cho bói toán, cúng tế của người Lạc Việt, từ Cảm Tang Quảng Tây khoảng 4.000 năm trước được đưa lên An Dương Hà Nam. Năm 1.300 TCN, khi chiếm An Dương, nhà Ân phát hiện chữ của người bản địa. Nhận ra giá trị của loại chữ này, chính quyền đã tập hợp những nghệ nhân người Việt, đưa chữ Giáp cốt sang các lĩnh vực sử ký, địa lý, nhân sự…Nhà Chu tiến thêm một bước bằng cách viết chữ trên lụa, thẻ tre. Tiếp đó là công việc của nhà Tần…
Chữ tượng hình là chữ do người Lạc Việt làm ra để ký âm tiếng Việt. Do tiếng nói nhiều mà số chữ làm ra ít nên ban đầu, chỉ có những chữ thông dụng nhất, có ý nghĩa nhất mới được ký tự. Sau đó tăng thêm số tiếng được ký âm bằng cách tạo ra từ đồng âm. Tuy nhiên, “áo không che đủ người’ nên có nhiều tiếng không có chữ. Ta thấy điều này trên đất Việt: do chữ Nho không đủ dùng nên các cụ sáng tạo ra chữ Nôm. Ở Nam Trung Hoa, theo một thống kê, có khoảng 20% tiếng không có chữ, chỉ được trao đổi truyền miệng trong dân gian. Trong khi đó, tại lưu vực Hoàng Hà, những tiếng “không có chữ” bị mai một.
Chữ vuông mà hôm nay ta gọi là chữ Hán, chính là do tổ tiên Lạc Việt của ta chế ra rồi được người Việt trong các vương triều Trung Hoa cải tiến, chuẩn hóa. Từ thời nhà Triệu, chữ vuông được đưa sang nước ta, ông cha ta gọi là chữ Nho hay chữ thánh hiền mà không gọi là chữ Hán. Sở dĩ gọi là từ Hán Việt vì cho rằng chữ của người Hán còn cách đọc của người Việt. Điều này không đúng. Nếu xác định chữ đó của ngưởi Hán thì cách đọc cũng là của họ. Bởi lẽ, theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đó là tiếng nói của kinh đô Tràng An thời nhà Đường, gọi là Đường âm. Gọi là từ Hán Việt hoàn toàn sai lầm về lịch sử và khoa học.
 Do người Lạc Việt là chủ thể làm nên dân cư Trung Hoa nên tiếng Việt là chủ thể của ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt cũng là chủ thể của chữ viết Trung Hoa. Do người Việt bị mất đất, mất chữ, mất luôn lịch sử nên hàng nghìn năm nay sự thật bị vùi lấp.

Nay nếu học lại chữ Nho chính là con cháu ta học chữ của tổ tiên mình.